Kẻ nói dối ngay từ đầu
Gần đây tôi và vợ đã xem bộ phim Hook, kể câu chuyện về chàng Peter-Pan khi trưởng thành. Peter giờ đã năm con và quên mất cuộc đời trước kia của anh ở Neverland. Thuyền trưởng Hook, muốn trả thù, đã đến và bắt con của Peter đi. Kế hoạch của Hook dựa trên mưu đồ thế này: cách hay nhất để trả thù “Pan” là thu phục tình cảm của bọn trẻ và trở nên người cha của chúng. Hắn giành được trái tim Jack, con trai Peter. Hắn bảo sự dữ là tốt, bóp méo sự thật về cha mẹ Jack, khiến em nghi ngờ động cơ của họ. Dần dần Jack bắt đầu ăn mặc giống thuyền trưởng, và quên mất mình thật sự là ai.
Câu truyện này tượng trưng cho bi kịch con người. Satan đã thấy phẩm giá Chúa trao cho người nam và người nữ, là được tạo ra theo hình ảnh Ngài. Có lẽ Satan thậm chí đã có thể thấy trước chút nào đó số phận loài người trong Đức Kitô. Trong cơn thù ghét, Satan đã trả thù Chúa bằng cách cố gắng hủy hoại con cái Ngài. Con rắn quỷ quyệt là Satan đã nhận ra trong Adam và Evà một khả năng hồ nghi tình yêu của Chúa, và hắn tìm cách thu phục tâm hồn và tình cảm của họ và trở nên một người cha đối với họ. Chúa Giêsu đã gọi ma quỷ là cha, cha của sự dối trá.
Các ngươi thuộc về cha mình là ma quỷ, và làm theo ý muốn nó. Từ lúc đầu nó là kẻ giết người và lúc nào cũng nghịch lại sự thật, vì trong nó chẳng hề có sự thật. Khi nó nói dối, nó lộ bản tính thật của nó, vì nó là đứa nói dối và là cha của sự dối trá (Gioan 8:44).
Thực chất từ ma quỷ / devil nghĩa là kẻ tố cáo hay vu khống.
Bằng cách bóp méo lời Chúa, chất vấn động cơ của Chúa, hứa hẹn hão huyền và dạy sự dữ là tốt, Satan đã thu phục được Adam và Evà, còn họ thì quy phục dưới sự cai trị của hắn. Khi Chúa vào vườn kiếm con cái Ngài, họ lẩn trốn. Nhưng Thiên Chúa gọi con người hỏi, “Ngươi ở đâu?” Con người đáp, “Con nghe tiếng Chúa đi trong vườn nên sợ phải trốn Ngài, vì con trần truồng.”(Sáng thế 3:9-10)
Họ bỗng nhiên e ngại Chúa và không còn đón nhận hay cảm nhận được tình yêu của Ngài cho họ nữa. Họ cũng e ngại chính mình, nên họ che chắn thân thể. Nỗi e sợ đó ở trong mỗi nhân vị. Nhiều người chúng ta phủ nhận nó. Ta dành cả đời cố gắng vượt qua nó.
Vì e ngại, chỉ chú tâm vào chính mình, quan tâm chính mình thay vì Chúa, Adam và Evà bắt đầu cư xử như con rắn, buộc tội lẫn nhau, biện minh cho hành vi của mình và quên mất Chúa thật sự là Đấng như thế nào. Họ đã tin vào lời nói dối. Họ không còn có thể tin Chúa bằng cả sinh mạng. Con rắn đã cướp mất trái tim họ.
Kẻ thù đã thành công; nó xuyên tạc Chúa và giành ảnh hưởng với nhân loại. Nó tiếp tục ảnh hưởng của mình qua vô số những thần ô uế tìm cách xuyên tạc Chúa, dụ dỗ chúng ta và bám chặt lấy chúng ta. Nó thường hành động thông qua những người khác-những Người mà Chúa đã dự định cho họ đại diện Ngài, như cha mẹ hoặc những người giám hộ khác. Những người ấy với trách nhiệm chính là bày tỏ đặc tính của Chúa cho thế hệ tiếp theo chính là mục tiêu và trung gian tuyệt vời của Satan.
Con cái Chúa đã bị bắt giữ. Chúa có kế hoạch để giành họ lại. Ngài đã tỏ mình ra là Cha thông qua Abraham, và Ngài đã tỏ mình ra cho một dân sẽ dọn đường cho sự mặc khải hoàn toàn thiên tính của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô (xem Híp-ri 1:1-3), Người đã xuống thế và hy sinh thân mình để chết, rồi sống lại, “để phá hủy công việc của ma quỷ” (I Gioan 3:8) và cứu chuộc chúng ta, cho ta làm con cái, được thừa hưởng vương quốc nước trời.
Trong chương 1, tôi đã mô tả cách Chúa Cha chúc phúc cho Chúa Giêsu khi Ngài nhận phép rửa. Hãy chú ý rằng ngay sau khi tuyên bố Đức Kitô là Con Ngài, Chúa Giêsu “được Chúa Thánh Thần đưa vào đồng hoang để chịu ma quỷ cám dỗ.” (Mt 4:1) Tại sao Chúa Cha lại cho phép ma quỷ thử thách Con Ngài? Tại sao Chúa lại cho phép ma quỷ cám dỗ chúng ta? Ta hãy quay lại với câu chuyện về dân Ít-ra-en trong hoang mạc: "Hãy nhớ rằng CHÚA là Thiên Chúa đã dẫn các ngươi trong sa mạc suốt bốn mươi năm nay, cất khỏi các ngươi lòng kiêu căng và thử thách các ngươi, để dò lòng các ngươi, xem thử các ngươi có muốn làm theo mệnh lệnh Ngài hay không.” (Đệ nhị luật 8:2). Ở đây từ cám dỗ có thể được dịch là “thử thách”. Là lúc để Chúa Giêsu tìm biết điều trong tim Ngài.
Sự cám dỗ thì liên quan gì? Vào lúc Chúa Giêsu yếu đuối nhất, dễ bị lung lay sau bốn mươi ngày ăn chay – Satan đã nói với Ngài, “Nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì hãy biến những viên đá này thành bánh đi.” (Mt 4:3) Sự cám dỗ thứ hai của Satan cũng bắt đầu với câu, “Nếu người là Con Thiên Chúa” (Mt 4:6). Lần thứ ba nó nói, "Nếu ngươi cúi đầu bái lạy ta…” (Mt 4:9) Bằng cách thách thức vị thế của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, ma quỷ đã dụ dỗ Chúa hành động ngoài ý muốn của Chúa Cha. Nó muốn Chúa Giêsu phủ nhận điều Chúa Cha đã tuyên bố về Con yêu dấu của Ngài. Tương tự, những thử thách trong đời sống chúng ta, những thách thức ta phải đối mặt, được định sẵn để bày tỏ sự thật mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng ta. Satan muốn làm hại mới đặt ra thử thách, nhưng Chúa dùng thử thách cho kế hoạch tốt lành của Ngài.
Bị giam cầm trong sự dối trá
Dù kế hoạch chia rẽ của Satan – để cản trở chúng ta có thể đạt tới cùng đích trọn vẹn của mình là con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô – kế hoạch của nó cho mỗi người mỗi khác, tùy vào hoàn cảnh và tính cách riêng của ta, kế hoạch của nó cho tất cả chúng ta đều dựa trên sự dối trá. Trước khi tiếp tục, hãy để tôi nhắc bạn lời của Đức Kitô, Người đã tự gọi mình là Sự Thật -và đã nói “sự thật sẽ giải phóng các người” (Gioan 8:32)
Chúng ta đều đã tiếp thu sự dối trá từ ma quỷ, cha của sự dối trá. Ta có lẽ còn xây cuộc đời mình trên nền móng xập xệ của sự dối trá ấy. Raul đã dựa trên sự tự lực và từ cái lõi đó anh đã phát triển một lối tư duy nhằm bảo vệ lời nói dối. Lối tư duy này được dựng lên theo cùng cách loài chim xây tổ: từng cọng rơm một. Cũng vậy, ma quỷ mang đến cho ta từng suy nghĩ tai hại một. Khi một mẫu thức tư duy được xây dựng trên nền móng của sự dối trá, ma quỷ tìm được một nơi để trú ngụ và càng tạo ảnh hưởng lên những cảm xúc và ý chí của chúng ta.
Chẳng hạn, một người như Raul có thể đã đón nhận Phúc Âm và đã cam kết đời mình cho Chúa Giêsu. Tâm trí anh biết Chúa yêu anh, và có lẽ anh thậm chí đã trải nghiệm sâu sắc tình yêu của Chúa. Nhưng sâu thẳm tâm hồn anh không thể chấp nhận tình yêu của Ngài cùng sự thật rằng qua Chúa Giêsu, anh xứng đáng với tình yêu đó. Lối suy nghĩ cơ bản vẫn là: Tôi phải đủ tốt để có được hay để xứng đáng với tình yêu của Chúa. Nghe quen nhỉ? Bạn từng bao giờ gặp vấn đề trong việc tha thứ cho chính mình giống như Raul chưa?
Thứ thứ II gửi Cô-rin-tô chương 10:3 mô tả xung đột giữa sự thật và sự dối trá như một trận chiến: “Mặc dù chúng ta sống trong thế gian nhưng chúng ta không chiến đấu như thế gian.” Mức độ tự do mà ta đã dâng nộp cho ma quỷ cùng mức ảnh hưởng mà nó gây ra là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc chiến. Kinh thánh gọi lối tư duy này là các đồn lũy. “Chúng ta dùng những khí giới khác với thế gian. Khí giới của chúng ta có quyền năng từ Thiên Chúa để tiêu diệt những đồn lũy của kẻ thù.” (Câu 4)
Những đồn lũy ấy ngăn chúng ta biết được sự thật về Chúa, về tình yêu của Ngài và chính bản thân ta. Chúng khiến ta xem nhiều người khác là kẻ thù. Ê-phê-sô 6:12 nói rằng cuộc chiến của chúng ta “không phải là chống với loài người trên đất mà là chiến đấu chống mọi kẻ cầm quyền và các thế lực của thế gian tối tăm này, cùng với quyền lực tâm linh gian ác trên các từng trời.” Kẻ thù đích thực của ta là các thế lực của thế gian tăm tối này. Các suy nghĩ đánh lừa ta.
Trích từ Chương 2 của sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano
0 nhận xét:
Đăng nhận xét