Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Kinh Mân Côi: “Ngợi khen” Chúa vì “biết bao điều cao cả” Người đã làm qua Mẹ, cho tất cả nhân loại

Trích từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

2675. Các Giáo Hội khai triển việc cầu nguyện với Thánh Mẫu của Thiên Chúa, bằng cách tập trung suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, vì Đức Ma-ri-a đã cộng tác đặc biệt vào các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong vô số thánh thi và tiền xướng diễn tả tâm tình cầu nguyện này, có hai hướng thường xuyên xen kẽ nhau: hướng thứ nhất “ngợi khen” Chúa vì “biết bao điều cao cả” Người đã ban cho Nữ Tỳ hèn mọn và qua Mẹ, cho tất cả nhân loại (Lc 1,46-55); hướng thứ hai dâng lên Thân Mẫu của Đức Giê-su những lời khẩn cầu và ca ngợi của con cái Thiên Chúa, vì giờ đây Mẹ đã liên kết chặt chẽ với Con Thiên Chúa làm người.

2676. Cả hai hướng cầu nguyện với Đức Ma-ri-a được nổi bật trong kinh Kính Mừng :

Kính Mừng Ma-ri-a”: kinh Kính Mừng mở đầu bằng lời chào của thiên thần Gáp-ri-en. Qua lời sứ thần, chính Thiên Chúa chào Đức Ma-ri-a. Chúng ta lặp lại lời Thiên Chúa nói với người nữ tỳ hèn mọn (Lc 1,48) và hân hoan vì niềm vui Thiên Chúa tìm được nơi Đức Ma-ri-a (Xp 3,17b).

Bà đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”: hai lời chào của thiên thần bổ túc cho nhau. Đức Ma-ri-a đầy ân sủng vì “Chúa ở cùng bà”. Ân sủng cao quý nhất nơi Mẹ chính là sự hiện diện của Đấng là nguồn mạch mọi ân sủng. “Mừng vui lên... thiếu nữ Giê-ru-sa-lem... Đức Chúa ở với ngươi” (Xp 3,14.17a). Vì Chúa đến ở cùng Mẹ, nên Mẹ là hiện thân của thiếu nữ Xi-on, là khám Giao Ước, nơi vinh quang Đức Chúa ngự trị. Đức Ma-ri-a là “nơi Thiên Chúa ở cùng nhân loại” (Kh 21,3). “Đầy ơn phúc”, Mẹ đã tận hiến cho Đấng đến ở cùng Mẹ và Mẹ sắp trao Người lại cho thế giới.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ”. Sau lời chào của thiên thần, chúng ta lặp lại lời của bà Ê-li-sa-bét. “Được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Lc 1,41), bà Ê-li- sa-bét là người đầu tiên trong chuỗi người muôn thế hệ tuyên xưng Đức Ma-ri-a là người diễm phúc (Lc 1,48): “diễm phúc vì đã tin...” (Lc 1,45). Đức Ma-ri-a “có phúc lạ hơn mọi người nữ” vì Mẹ đã tin lời Chúa phán sẽ được thực hiện. Nhờ tin, ông Áp-ra-ham đã trở nên lời chúc phúc cho “mọi dân tộc trên mặt đất” (St 12,3). Nhờ tin, Đức Ma-ri-a trở nên Mẹ của các tín hữu; nhờ Mẹ, mọi dân tộc trên mặt đất nhận được Đấng là chính phúc lành của Thiên Chúa: “ Giê-su, con lòng bà gồm phúc lạ “.

2677Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...” Cùng với bà Ê-li-sa-bét chúng ta sửng sốt: “Bởi đâu tôi được hân hạnh thân mẫu Chúa tôi đến viếng thăm như vậy?” (Lc 1,43). Vì Mẹ đã đem đến cho chúng ta Đức Giê-su Con của Mẹ, nên Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta: chúng ta có thể phó thác cho Mẹ mọi nỗi âu lo và mọi lời cầu khẩn. Mẹ cầu nguyện cho chúng ta như Mẹ đã cầu nguyện cho chính bản thân: “Xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp, chúng ta cùng với Mẹ phó thác cho Thánh Ý Thiên Chúa: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”.

Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử”: Khi xin Mẹ cầu thay nguyện giúp, chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi khốn cùng và kêu cầu đến “Mẹ từ bi nhân ái”, Mẹ Rất Thánh. Chúng ta trao phó cho Mẹ cuộc đời ta “khi này”, trong giây phút hiện tại này. Lòng tín thác này còn trải dài đến tận “giờ lâm tử”. Xin Mẹ hiện diện trong giờ phút đó như ngày xưa lúc Con của Mẹ chết trên thập giá. Giờ chúng ta qua đời, ước mong Mẹ đón nhận chúng ta là con cái và dẫn đưa đến cùng Đức Giê-su Con của Mẹ trong nước Thiên Đàng.

Share:

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Chúa Nhật thứ XVII, Mùa Thường niên, năm A

Các bài đọc

Ba dụ ngôn hôm nay rõ ràng đang nói về vương quốc của Chúa trên thế gian là Giáo hội, chứ không phải là vương quốc hoàn tất của sự sống đời sau. Những câu chuyện ngụ ngôn này được những người trở thành Công giáo khi đã trưởng thành yêu thích vì những trải nghiệm được mô tả trong đó dường như rất song song với một số trải nghiệm của chính họ khi tìm đường (hay đúng hơn là về việc Chúa tìm thấy họ và đưa họ) vào Giáo hội Công giáo.

Dụ ngôn đầu tiên nói với chúng ta rằng nước trời  không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nó giống như “kho báu bị chôn vùi”. Không có bảng quảng cáo nào nói rằng, “Đường đi đến một Giáo hội hoàn hảo.” Trên thực tế, những người chạy quá tốc độ trên đường cao tốc của cuộc đời sẽ không bao giờ tìm thấy nó. Bạn phải đào, phải kiếm tìm. Có lẽ là đào trong vườn nho. Đột nhiên bạn cuốc nhằm cái gì đó. Phải nó không? Đúng rồi. Sau đó bạn sẵn sàng bỏ tất cả những gì mình có để mua mảnh ruộng đang giấu viên ngọc đẹp đó. (Việc “bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó” có thể áp dụng cho những người đón nhận lời khuyên sống khó nghèo của Phúc âm trong đời sống tu trì).

Dụ ngôn thứ hai cũng tương tự như chuyện dụ ngôn thứ nhất. Một lần nữa, nước Chúa trên trái đất này thì không rõ ràng. Có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, thậm chí có thể là hàng giả, “ngọc trai giả” hoặc ngọc trai kém chất lượng. Người ta cần phải có những sáng suốt cần thiết – thực sự là sự khôn ngoan, như Sa-lô-môn đã cầu xin – để phân biệt được viên ngọc trai thật và có giá trị so với tất cả những viên ngọc trai giống nhau và đồ trang sức trên y phục. Nó được tìm thấy bởi những người đang xem xét cẩn thận và (có lẽ) đã có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực tìm kiếm này.

Dụ ngôn thứ ba là một trong những dụ ngôn quan trọng nhất để người Công giáo hiểu và chấp nhận. Nó cho chúng ta biết rằng nước Chúa, với những kho tàng ân sủng trong đó, cũng sẽ là một mớ hỗn hợp trong thời đại này. Giống như chiếc lưới thả xuống biển bắt được nhiều loại cá, thì Giáo hội cũng giống như chiếc lưới của Phêrô, của các Tông đồ cộng tác với ngài, những người kế vị Phêrô, bắt trong lưới đó, cả thánh nhân và kẻ tội lỗi, vào nước Chúa. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai ở trong Giáo hội trần thế này cũng sẽ kiên trì đi theo Chúa cho đến giây phút cuối cùng.

“Nước trời” trong Phúc âm thánh Mát-thêu, theo một nghĩa nào đó, không là gì khác Chúa Giê-su: Ngài chính là Vua của Vương quyền này. Tuy nhiên, vì Giáo hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô và được kết hợp với Người, nên những gì được nói về vương quốc cũng được áp dụng cho Giáo hội, cả Giáo hội Khải hoàn trên trời và Giáo hội Chiến đấu trên trần thế này. Bảy dụ ngôn về Nước trời trong Phúc âm thánh Mát-thêu chương 13, rõ ràng không nói về Giáo hội Khải hoàn, Giáo hội đang hưởng sự vinh hiển trước mặt Chúa; những dụ ngôn này cũng không miêu tả (phần lớn) về vương quốc được thể hiện qua Ngôi vị của Đức Kitô Vua. Không, những câu chuyện ngụ ngôn về một vương quốc ẩn giấu, bắt đầu cách nhỏ bé, phát triển cách chậm chạp, khó nhận ra, trộn lẫn giữa lúa với cỏ lùng và cá xấu, là một mô tả về Giáo hội Chiến đấu – thậm chí có lẽ chính là giáo xứ của chúng ta!

Nhiều người tự bổ nhiệm mình là “nhà cải cách” trong lịch sử Giáo hội, và đã phân chia Giáo hội quà dòng lịch sử, để thành lập một giáo hội “thuần khiết” hoặc “đã được sàng lọc”. Thậm chí ngày nay, nhiều người rời bỏ Giáo hội Công giáo để đến với các giáo phái, hệ phái, thậm chí là giáo phái khác nhau, vì sự bê bối của tội nhân trong Nhiệm thể Chúa Kitô. “Làm sao đây có thể là Nước Chúa khi có những người như thế ở trong đó?” Tuy nhiên, nó đã xảy ra, và Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng ở trong trần thế này, Giáo hội sẽ là như vậy.

Chúng ta cần có sự khôn ngoan để nhận ra rằng Giáo hội Chiến đấu, với tất cả các vết rạn nứt và vết thương của mình, là nước trời đến với trần gian. Sự khôn ngoan này chỉ đến từ Chúa, ban phát cho những ai yêu mến Ngài. Nếu chúng ta ngoan ngoãn vâng theo lời dạy của Chúa Giêsu, Đấng cao cả hơn Sa-lô-môn, Ngài sẽ dạy chúng ta sự khôn ngoan của Nước trời. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share:

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Đức Cậy

Trích từ chương 20: Đức Cậy của Mere Christianity / Kitô Giáo Đơn Thuần của C.S. Lewis

Đức cậy là một trong các nhân đức đối thần. Trông cậy có nghĩa là sự mong ngóng thường trực về một thế giới vĩnh cửu, không phải (như một số người hiện đại nghĩ) là một hình thức trốn tránh hoặc tư tưởng duy ý chí, nhưng là một trong những chủ ý của người Kitô hữu. Nó không có nghĩa là ta cứ để mặc thế giới hiện tại muốn ra sao thì ra. Nếu bạn đọc lịch sử bạn sẽ thấy những Kitô hữu vốn đã làm nhiều điều cho đời này cũng chính là những người nghĩ nhiều về đời sau.

Chính các Tông đồ đã bắt đầu những bước chân hoán cải Đế quốc La Mã, những vĩ nhân đã làm nên thời kỳ Trung Cổ, những nhà truyền bá Phúc âm người Anh vốn đã xóa bỏ sự buôn bán nô lệ, đều đã để lại dấu ấn trên trái đất, chính là vì thiên đàng đã chiếm chỗ trong tâm trí họ.

Chính là từ khi nhiều Kitô hữu không còn nghĩ đến đời sau, họ mới không quan tâm đến đời này. Nhắm tới thiên đàng và ta sẽ có trái đất ‘kéo theo’: còn nhắm tới trái đất thì ta sẽ chẳng có gì cả. Lý lẽ này có vẻ kỳ lạ, nhưng điều tương tự có thể thấy nơi những vấn đề khác. Sức khỏe là một ân phúc tuyệt diệu, nhưng một khi ta coi sức khỏe như mục tiêu chính và trực tiếp, ta sẽ trở nên lập dị và tưởng tượng ra đủ thứ chuyện không ổn xảy ra cho ta. Ta có thể sẽ có sức khỏe khi ta muốn những điều khác nhiều hơn – thức ăn, thể thao, làm việc, giải trí, khí trời.

Cũng vậy, ta sẽ chẳng bao giờ bảo tồn được nền văn minh chừng nào nền văn minh còn là mục tiêu chính của ta. Ta phải biết cần đến những thứ khác nhiều hơn.

Hầu hết chúng ta thấy chẳng muốn thiên đàng chút nào, ngoại trừ khi thiên đàng có nghĩa là gặp lại những người thân đã mất. Một trong những lý do của sự khó khăn này là ta chưa được rèn luyện: toàn bộ nền giáo dục của ta gắn chặt tâm trí ta với thế giới này. Một lý do nữa là khi sự mong muốn thiên đàng có mặt trong ta, ta chẳng nhận ra nó. Hầu hết mọi người, nếu biết cách nhìn vào tâm hồn mình, sẽ biết rằng họ có muốn, và muốn một cách mãnh liệt, điều gì đó không thể tìm được trên thế gian. Có nhiều thứ trên trần gian này hứa hẹn đến với ta, nhưng chúng chẳng khi nào hoàn toàn giữ lời hứa.

Sự chờ mong mà ta cảm thấy khi lần đầu tiên ta phải lòng ai đó, hoặc lần đầu nghĩ về một đất nước nào đó, hoặc lần đầu chọn môn học ưa thích nào đó, là những chờ mong mà không một ai, không một nước nào, không một trường học nào, có thể thực sự thỏa mãn. Tôi không nói về những cái thường gọi là hôn nhân không như ý, hoặc kỳ nghỉ thất bại, hoặc sự nghiệp không thành. Tôi nói về những cái tốt nhất có thể được. Có cái gì đó ta nắm bắt lúc mới đầu chờ mong, trên thực tế tan biến đi. Tôi tin ai cũng hiểu tôi muốn nói gì. Người vợ có thể tốt, khách sạn và khung cảnh có thể tuyệt vời, và hóa học có thể là chuyên ngành rất thú vị: nhưng có gì đó vuột thoát khỏi ta. Có hai cách sai lầm để ứng phó với sự kiện này, và một cách đúng.

(1) Cách của người ngốc – Anh ta kết án bản thân sự việc. Anh ta cứ mãi tiếp tục nghĩ rằng nếu anh ta đã chọn một người phụ nữ khác, hoặc đã mua một hãng du lịch đắt tiền hơn, hoặc bất cứ gì khác, thì anh ta hẳn đã có được điều kỳ diệu mà chúng ta ai cũng muốn có. Hầu hết những người giàu có, bất mãn, chán chường trên đời là thuộc loại này. Họ bỏ cả đời chạy từ người phụ nữ này sang người phụ nữ khác (thông qua các tòa ly dị), từ lục địa này sang lục địa khác, từ thú vui này sang thú vui khác, luôn luôn nghĩ rằng sau rốt cái cuối cùng mới là cái thực sự tốt, và họ luôn luôn thất vọng.

(2) Cách của ‘người khôn ngoan’ bị vỡ mộng – Anh ta lập tức kết luận rằng sự việc chỉ là ánh trăng hão huyền. ‘Tất nhiên,’ anh ta nói, ‘khi ta còn trẻ ta nhìn sự việc như vậy. Nhưng khi ta đã trưởng thành ta sẽ từ bỏ việc chạy theo cái chân cầu vồng’. Và rồi anh ta yên vị và học cách không mong đợi quá nhiều và đè nén cái phần bên trong anh ta vốn đã từng ‘khóc thương cho vầng trăng’, như cách anh ta nói. Cách này tất nhiên là tốt hơn nhiều so với cách trước, và làm người ta hạnh phúc hơn và ít gây phiền toái cho xã hội hơn. Nó có xu hướng làm cho anh ta tự mãn (anh ta rất có khả năng vượt lên những người mà anh ta gọi là ‘đám trẻ’), nhưng nói chung anh ta tiếp tục sống khá ổn.

Đó là cái tốt nhất ta có thể có nếu con người không sống vĩnh cửu. Nhưng giả sử hạnh phúc vô biên có thật đang chờ đợi ta? Giả sử ta có thể bắt kịp cái chân cầu vồng? Trong trường hợp này sẽ là đáng thương khi thấy quá trễ (một khoảnh khắc sau khi chết) rằng do nơi cái được giả định là ‘lẽ phải thông thường’, ta đã bóp nghẹt khả năng tận hưởng hạnh phúc đó.

(3) Cách của người Kitô hữu – Người Kitô hữu nói. ‘Tạo vật không được tạo ra với ước ao trừ khi có cách để thỏa mãn ước ao đó. Một em bé đói bụng, à, có cái được gọi là thức ăn. Một chú vịt con muốn bơi lội, à, có cái được gọi là nước.

Người ta thèm khát tính dục: à, có cái được gọi là tính dục. Nếu tôi tìm thấy trong bản thân một ao ước mà không trải nghiệm nào trên thế giới này thỏa mãn được, thì lời giải thích dễ xảy ra nhất là tôi đã được tạo ra cho một thế giới khác.

Nếu không có khoái lạc trần thế nào thỏa mãn được nó, điều đó không có nghĩa là vũ trụ này là một sai lầm. Cũng có thể khoái lạc trần thế không được sắp đặt để thỏa mãn nó, nhưng chỉ để kích hoạt nó, đề xuất một cái gì đó thực sự. Nếu vậy tôi phải coi chừng, một mặt không coi thường hoặc vô ơn với những ân phúc trần gian đó, mặt khác không lẫn lộn nó với cái mà nó chỉ là bản sao, là tiếng vang, là phản ảnh.

Tôi phải giữ gìn lòng ao ước quê hương thật của tôi, nơi mà tôi sẽ không tìm thấy trước khi chết; tôi phải không để nó bị khuất lấp hoặc bỏ qua; tôi phải làm cho nó trở thành mục tiêu chính của cuộc đời để nối tiếp cái quê hương kia và để giúp người khác cũng làm được vậy.

Không cần phải lo đến những người châm chọc muốn làm cho thiên đàng Kitô giáo trở thành lố bịch bằng cách nói rằng họ không muốn ‘tiêu phí cả cuộc sống vĩnh cửu vào việc đánh đàn thổi sáo.’ Câu trả lời cho những người ấy là nếu họ không hiểu được những cuốn sách viết cho người lớn thì họ đừng nên nói về chúng. Tất cả những hình ảnh tâm linh (đàn sáo, triều thiên, vàng ròng, v.v.) tất nhiên chỉ là những cố gắng có tính biểu tượng để diễn tả những gì không thể diễn tả. Các nhạc cụ được nói đến vì đối với nhiều người (không phải tất cả) âm nhạc là cái trên đời này được biết là gợi lên nhiều nhất về sự hoan lạc và sự vĩnh cửu.

Triều thiên được nhắc đến để gợi lên sự kiện rằng ai kết hợp với Thiên Chúa trong vĩnh cửu sẽ được chia sẻ sự huy hoàng, quyền năng và hoan lạc của Ngài.

Vàng được đề cập là để gợi lên sự vĩnh cửu của thiên đàng (vàng không bị rỉ sét) và sự quý giá của nó. Những người hiểu những biểu tượng ấy theo nghĩa đen chắc hẳn cũng sẽ nghĩ rằng khi Đức Kitô bảo ta trở nên như chim bồ câu, Người muốn nói rằng chúng ta sẽ đẻ trứng.

Share:

Tội đầu hết của Bảy mối tội đầu

Trích từ Chương 18 The Great Sin trong Mere Christianity của C.S. Lewis

Bây giờ tôi đi vào phần đạo đức Kitô giáo trong đó nó khác biệt rõ nhất với những đạo đức khác. Có một tội lỗi mà không ai trên đời không mắc phải; tội mà ai cũng ghét khi thấy nơi người khác; và ít có ai ngoại trừ Kitô hữu tưởng tượng được rằng mình mắc tội.

Tôi từng nghe người ta thú nhận mình nóng tính, hoặc không thể tránh nổi gái hoặc rượu, hoặc thậm chí là hèn nhát. Nhưng tôi không nghĩ mình từng nghe ai đó không phải Kitô hữu mà tự nhận mình có tội này. Đồng thời tôi cũng hiếm khi thấy ai đó không phải Kitô hữu mà có sự khoan dung dù là tối thiểu cho tội này nơi kẻ khác. Không có lỗi lầm nào mà làm cho người ta ít được ưa chuộng như nó, và ít nhận ra sự hiện diện của nó nơi mình. Và ta càng có nó nhiều, ta lại càng ghét nó nơi người khác nhiều.

Tội mà tôi đang nói đến là Kiêu ngạo hay Tự cao: và nhân đức đối nghịch với nó trong đạo đức Kitô giáo, là khiêm nhường. Bạn có thể nhớ rằng khi tôi nói về đạo đức tính dục, tôi có cảnh báo rằng trọng tâm của đạo đức Kitô giáo không nằm ở đó. Bây giờ ta mới đi vào trọng tâm. Căn cứ vào các vị thầy Kitô giáo, tội lỗi chính yếu, cái xấu xa nhất, là Kiêu ngạo. Tà dâm, giận dữ, tham lam, rượu chè, và tất cả những cái đó, đều chỉ là bọ chét khi so với nó: chính là thông qua Kiêu ngạo mà quỷ dữ trở thành quỷ dữ: Kiêu ngạo dẫn đến tất cả những tội lỗi khác: nó là quan niệm chống Thiên Chúa toàn diện.

Bạn có thấy điều này là cường điệu? Nếu có, xin hãy nghĩ lại. Tôi mới vừa nói rằng người ta càng kiêu ngạo, người ta càng ghét kẻ khác kiêu ngạo. Thật ra, nếu bạn muốn biết mình kiêu ngạo đến đâu, cách dễ nhất là tự hỏi, ‘Mình sẽ bực tức cỡ nào khi người ta phớt lờ mình, hoặc chẳng thèm để ý đến mình, hoặc ra vẻ ta đây, hoặc tìm cách sai sử mình, hoặc phô trương?’ Sự thật là sự kiêu ngạo của mỗi người có tính cạnh tranh với sự kiêu ngạo của những người khác.

Chính là vì muốn nổi bật tại buổi liên hoan nên tôi mới bực tức vì có kẻ khác đang nổi bật tại đó. Hai kẻ cùng nghề chẳng bao giờ thuận thảo với nhau. Cái mà ta cần làm rõ là Kiêu ngạo cốt yếu là cạnh tranh – bản chất của nó là cạnh tranh – còn những thói xấu khác thì chỉ cạnh tranh, có thể nói là tình cờ thôi.

Kiêu ngạo không khoái trá vì có cái gì, mà chỉ khoái trá vì có cái đó nhiều hơn kẻ khác. Ta thấy có người kiêu ngạo vì giàu có, vì thông minh, vì ngoại hình đẹp, nhưng không phải vậy. Họ kiêu ngạo vì giàu hơn, thông minh hơn, đẹp hơn kẻ khác.

Nếu ai cũng giàu, thông minh, đẹp như nhau thì chẳng có gì để mà kiêu ngạo. Chính là sự so sánh làm ta kiêu ngạo: sự khoái trá vì hơn kẻ khác. Một khi không còn sự tranh giành, kiêu ngạo liền biến mất. Đó là lý do vì sao tôi nói Kiêu ngạo cốt yếu là cạnh tranh theo cách mà các thói xấu khác không có. Thôi thúc tính dục có thể đưa hai người đàn ông đến chỗ cạnh tranh khi họ muốn cùng một cô gái. Nhưng đó chỉ là tình cờ; họ có thể đã muốn hai cô khác nhau. Nhưng một kẻ kiêu ngạo sẽ giành giật cô gái khỏi tay bạn, không phải vì hắn muốn cô gái, nhưng chỉ vì muốn chứng tỏ rằng hắn hơn bạn.

Sự tham lam có thể đưa người ta đến chỗ cạnh tranh nếu không có đủ của cải cho người ta; nhưng kẻ kiêu ngạo, ngay cả khi hắn đã có nhiều hơn hắn muốn, vẫn sẽ tìm cách có thêm nữa để chứng tỏ quyền lực. Hầu hết những tội lỗi trên đời mà người ta phân tích là do tham lam hay ích kỷ thật ra trong sâu xa chính là do Kiêu ngạo.

Lấy ví dụ tiền bạc. Tất nhiên lòng tham khiến người ta muốn có tiền, để có nhà tốt hơn, đi nghỉ tốt hơn, ăn uống tốt hơn. Nhưng đến mức nào đó thôi. Cái gì làm cho một người có thu nhập 10.000 bảng Anh một năm cảm thấy khó chịu với người có thu nhập 20.000 bảng một năm? Không phải là lòng tham tiện nghi.

Mười ngàn bảng sẽ cung cấp được đầy đủ tất cả những thứ sang trọng mà một người có thể hưởng được. Chính là Kiêu ngạo – mong muốn giàu hơn những kẻ giàu khác, và (hơn thế nữa) mong muốn quyền lực.

Bởi lẽ, dĩ nhiên quyền lực là cái mà Kiêu ngạo thực sự muốn: chẳng có gì làm cho người ta cảm thấy vượt trên người khác bằng cái khả năng sai khiến họ như những chú lính chì. Cái gì làm cho cô gái đẹp gieo rắc sự khổ sở bất cứ chỗ nào cô ta đến để tìm kiếm người ái mộ? Chắc chắn không phải thôi thúc tính dục: những cô gái loại đó rất thường lạnh lùng về tính dục. Đó là Kiêu ngạo. Cái gì làm cho một nhà lãnh đạo chính trị của cả một quốc gia cứ lấn tới mãi, đòi hỏi mãi? Lại là Kiêu ngạo. Kiêu ngạo là cạnh tranh do bản chất thực sự của nó: đó là lý do vì sao nó cứ lấn tới mãi. Nếu tôi là một gã kiêu ngạo, thì chừng nào trên đời này còn có một người nào đó mạnh hơn, hoặc giàu hơn, hoặc thông minh hơn tôi, thì hắn sẽ là đối thủ, là kẻ thù của tôi.

Kitô hữu nói đúng: Chính Kiêu ngạo là nguyên nhân chính của đau khổ trong mỗi quốc gia và mỗi gia đình kể từ hồi khai thiên lập địa. Những thói xấu khác đôi khi có thể đem người ta lại gần nhau: ta có thể tìm thấy bạn tốt và sự vui vẻ và sự thân thiện trong số những bợm rượu hay những kẻ phóng đãng. Nhưng Kiêu ngạo luôn luôn có nghĩa là thù ghét – nó là thù ghét. Và không chỉ thù ghét giữa người với người, mà còn là giữa người với Thiên Chúa.

Nơi Thiên Chúa ta gặp phải một điều gì đó siêu việt đối với ta trên mọi khía cạnh. Trừ khi ta biết Thiên Chúa là như vậy – và do đó biết ta chẳng là gì trong so sánh – nếu không thì ta chẳng biết Thiên Chúa gì cả. Chừng nào ta còn kiêu ngạo, chừng đó ta còn chưa thể biết Thiên Chúa. Một người kiêu ngạo luôn coi thường người khác: và tất nhiên chừng nào ta còn nhìn xuống người khác, ta không thể thấy cái gì ở trên ta.

Cái đó làm nảy sinh một câu hỏi ghê gớm. Làm sao mà ai đó rõ ràng là kiêu ngạo lại có thể nói họ tin nơi Thiên Chúa và cho rằng mình tín ngưỡng? Tôi e rằng cái đó chứng tỏ họ đang thờ phượng một Thiên Chúa tưởng tượng. Trên lý thuyết họ thừa nhận mình chẳng là gì trước vị Thiên Chúa ảo tưởng này, nhưng trên thực tế đang tưởng tượng Ngài chấp nhận họ và nghĩ họ tốt hơn người thường: nghĩa là, họ chỉ dành cho Ngài một ít khiêm nhường tưởng tượng và lấy ra từ đó rất nhiều Kiêu căng dành cho người anh em mình.

Tôi giả thiết rằng Đức Kitô đã nghĩ về chính những người đó khi Người nói rằng có kẻ sẽ rao giảng về Người và trừ quỷ nhân danh Người, để rồi đến ngày tận thế Người sẽ nói là không biết họ. Và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào cái bẫy chết người này. May thay, chúng ta có một phép thử. Bất cứ lúc nào khi ta nhận thấy đời sống thiêng liêng của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy mình tốt – nhất là thấy chúng ta tốt hơn người khác – thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang chịu tác động bởi ma quỷ chứ không phải bởi Thiên Chúa. Phép thử thực sự cho thấy ta đang sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa là hoặc ta quên mình cả mình, hoặc ta thấy mình chỉ là một vật bé nhỏ và dơ bẩn. Tốt hơn là ta quên cả mình đi.

Thật khủng khiếp khi thấy tội lỗi xấu xa nhất trong mọi tội lỗi có thể len lỏi vào tận bên trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Nhưng bạn có thể thấy tại sao.

Những tội lỗi kia, kém xấu xa hơn, là do tác động của ma quỷ đối với ta qua bản chất sinh vật của ta. Còn tội lỗi này thì không thông qua bản chất sinh vật của ta chút nào. Nó đến thẳng từ Địa ngục. Nó thuần túy tinh thần: do đó mà nó trầm trọng hơn và chết người hơn.

Cũng vì đó mà Kiêu ngạo có thể thường được dùng để đánh bại những tính xấu khác. Trên thực tế các thầy cô thường đánh thức lòng Kiêu ngạo của một cậu bé, hoặc như họ nói là lòng tự trọng, để làm cho cậu cư xử đàng hoàng: nhiều người đã vượt qua sự hèn nhát, hoặc dục vọng, hoặc nóng giận do họ nghĩ rằng những thói đó không xứng với sự cao quý của mình – nghĩa là, do Kiêu ngạo. Ma quỷ cười. Nó hoàn toàn hài lòng khi thấy ta trong sạch và can đảm và tự chủ chừng nào nó còn sắp đặt được trong ta một sự Thống trị của Kiêu ngạo – cũng tựa như nó sẽ hoàn toàn hài lòng khi thấy chỗ phồng dộp của bạn được chữa khỏi, miễn là đổi lại nó có thể đem đến cho bạn ung thư. Bởi vì Kiêu căng là ung thư tinh thần: nó phá hủy hết từng khả năng yêu thương, hoặc hài lòng, hoặc ngay cả lẽ phải thông thường.

Trước khi kết thúc chủ đề này tôi phải ngăn chặn một số hiểu lầm có thể có: (1) Vui thích vì được khen không phải là Kiêu ngạo. Đứa trẻ được vỗ vai khen ngợi vì đã làm bài tốt, người phụ nữ đẹp được người yêu khen, linh hồn được cứu rỗi được Đức Kitô nói ‘con giỏi lắm’, cảm thấy vui thích và nên như vậy. Vì ở đây niềm vui không nằm ở chỗ bạn là ai mà do bạn đã làm vui lòng người mà bạn muốn (và muốn một cách chính đáng) làm vui lòng.

Rắc rối xảy ra khi ta chuyển từ ý nghĩ ‘Mình đã làm người ấy hài lòng; vậy là tốt’ sang ý nghĩ ‘Mình thật tốt khi làm được việc đó’. Ta càng vui thích về mình hơn và càng ít vui thích về sự khen ngợi hơn, ta càng trở nên tệ hơn. Khi ta hoàn toàn vui thích về mình và không quan tâm gì đến sự khen ngợi, ta đã xuống tận đáy. Vì lẽ đó sự hãnh diện, dù nó là loại Kiêu ngạo thể hiện bên ngoài nhiều nhất, lại là loại Kiêu ngạo ít tệ nhất và dễ tha thứ nhất. Người hãnh diện muốn được nhiều lời khen, vỗ tay, thán phục và luôn tìm kiếm những cái đó. Đó là sai trái, nhưng là một sai trái trẻ con và khiêm tốn (theo kiểu lạ đời).

Nó chứng tỏ ta không hoàn toàn hài lòng khi tự thán phục mình. Ta cũng đánh giá cao người khác cho nên ta mới cần họ chú ý đến ta. Ta dù sao cũng chỉ là người. Sự Kiêu ngạo đen tối, quỷ quái có mặt khi ta coi thường người khác đến nỗi ta không quan tâm họ nghĩ gì về ta. Dĩ nhiên ta làm đúng, và thường phải làm, khi ta không quan tâm người khác nghĩ gì về ta, nếu ta làm vậy có lý do chính đáng; tức là, do ta quan tâm hơn hết đến việc Thiên Chúa nghĩ gì. Nhưng người Kiêu căng có lý do khác.

Anh ta nói, ‘Sao ta lại phải quan tâm đến tiếng vỗ tay của bọn rơm rác ấy, làm như là ý kiến của chúng có chút giá trị gì? Thậm chí khi ý kiến của chúng có giá trị gì đó, liệu ta có phải là loại người có thể đỏ mặt vì sung sướng khi được khen như một đứa con gái điệu đàng trong buổi khiêu vũ đầu tiên? Không, ta là một nhân cách trưởng thành hoàn chỉnh.

Tất cả những gì ta làm là để thỏa mãn ý riêng của ta – hoặc sự nhận thức nghệ thuật của ta – hoặc, nói vắn tắt, vì ta là Người có Đẳng cấp như vậy. Nếu bọn cặn bã thích cái đó, mặc kệ chúng. Chúng chẳng có ý nghĩa gì với ta.’ Bằng cách này sự Kiêu căng toàn diện đã kiểm soát sự hãnh diện; bởi như tôi đã nói trước đây, ma quỷ thích ‘chữa lành’ một tật xấu nhỏ để cho ta một tội lỗi lớn. Ta không được hãnh diện, nhưng ta không được kêu gọi sự Kiêu căng giúp ta chữa trị sự hãnh diện; thà ở trên chảo còn hơn ở trên lửa.

(2) Chúng ta nói rằng ai đó ‘tự hào’ về con mình, hay cha mình, hay trường mình, hay trung đoàn mình; và người ta hỏi ‘tự hào’ trong trường hợp này có phải là sai trái không. Theo tôi cái đó tùy ta ngụ ý gì khi ‘tự hào’. Rất thường khi nói vậy người ta ngụ ý một sự ‘nồng nhiệt thán phục’ người đó. Sự thán phục như vậy dĩ nhiên là cách xa tội lỗi. Nhưng cũng có lẽ là người đó hãnh diện về mình nhờ nơi người cha xuất sắc của mình, hoặc vì mình thuộc về một trung đoàn nổi tiếng.

Cái này là sai trái, nhưng dù sao vẫn còn tốt hơn hãnh diện chỉ vì chính bản thân. Yêu mến và thán phục cái gì bên ngoài mình là một bước rời xa khỏi sự bại hoại của linh hồn; mặc dầu về lâu dài thì không ổn nếu ta yêu mến và thán phục một cái gì đó hơn yêu mến và thán phục Thiên Chúa.

(3) Ta không được nghĩ Kiêu ngạo là điều Thiên Chúa cấm vì Ngài thấy bị xúc phạm vì nó, hoặc Ngài yêu cầu ta khiêm nhường vì sự cao quý của Ngài – làm như là chính Thiên Chúa kiêu ngạo. Ngài chẳng bao giờ lo đến sự cao quý của Ngài. Vấn đề là Ngài muốn ta biết Ngài; muốn trao Ngài cho ta. Và Ngài với ta là hai thực thể theo một cách mà nếu ta bằng cách nào đó tiếp xúc được với Ngài ta sẽ, trên thực tế, khiêm nhường – khiêm nhường một cách vui thích, cảm thấy sự giải thoát mãi mãi khỏi tất cả những ý tưởng ngốc nghếch về sự cao quý của ta vốn từng làm ta bất an và bất hạnh suốt cuộc đời. Ngài đang cố làm cho ta khiêm nhường để làm cho điều này trở thành sự thật: lấy đi những ngờ nghệch, xấu xí, ảo tưởng mà ta đã tích lũy và mang đi khoe khắp nơi như những tên ngốc.

Ước gì tôi đã khiêm nhường hơn: nếu được vậy tôi sẽ có thể nói cho bạn hay về sự nhẹ nhõm, sự thoải mái khi được giải thoát khỏi ảo tưởng – giải thoát khỏi cái tôi giả tạo với tất cả những ‘Hãy nhìn tôi đây’ và ‘Thấy tôi chưa?’ và tất cả những màu mè trình diễn. Chỉ cần đến gần điều đó thôi, dù chỉ trong giây lát, cũng tựa như được uống một ly nước mát giữa sa mạc.

(4) Đừng tưởng rằng khi ta gặp một người thực sự khiêm nhường, trông người ấy sẽ giống cái mà ngày nay người ta gọi là ‘khiêm nhường’: người ấy sẽ không giống loại người trơn tru, sẵn sàng làm hài lòng mọi người, người sẵn sàng nói với ta rằng người ấy không là gì cả. Có lẽ ta sẽ nghĩ rằng người ấy có vẻ là người thông minh, vui vẻ, quan tâm đến những gì ta nói. Nếu ta không thích người ấy thì sẽ là vì ta cảm thấy một tí ganh tỵ với những người có cuộc sống quá dễ chịu. Người ấy sẽ không nghĩ gì về khiêm nhường: người ấy sẽ không nghĩ gì cả về mình.

Nếu ai muốn đạt được sự khiêm nhường, tôi nghĩ tôi có thể nói cho người ấy bước đầu phải làm. Bước đầu là nhìn nhận mình kiêu căng. Và đó là một bước khá dài. Ít nhất là chẳng có gì có thể thành tựu được mà thiếu bước đầu đó. Nếu ta nghĩ là ta không tự cao, điều đó có nghĩa là ta rất tự cao vậy.

Share:

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Chúa Giêsu kiên nhẫn chờ đợi để ta hoán cải, để cỏ lùng trong ta biến thành lúa mì

Chúng ta thường bị xúc phạm bởi hành vi của những người Công giáo khác, nhất là của những người trong hàng giáo phẩm. Tôi đã biết nhiều người nói vì sự hiện diện của những kẻ đạo đức giả, những sự xấu xa trong Giáo hội nên họ không đi lễ, không tham gia vào đời sống của Giáo hội nói chung. Tôi không thể hiểu lôgic của lý luận này; đối với tôi nó giống như việc từ chối tham gia một lớp tập thể dục vì không phải tất cả những người tham gia đều hết sức cố gắng. Chẳng lẽ sự lười biếng của người khác có nghĩa là bạn không nên cố gắng tập thể dục để có sức khỏe và vóc dáng?

Dù là gì đi nữa, Chúa Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn này để chúng ta không ngạc nhiên và bối rối trước sự hiện diện của những kẻ làm điều ác trong Thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Chúng ta không nên kết luận rằng vì Giáo hội hữu hình không trong trắng, nên Giáo hội hữu hình không phải là biểu hiện của vương quốc của Chúa. Tất nhiên, Giáo hội Khải hoàn (các thánh trên trời) là vương quốc của Chúa theo nghĩa rõ ràng và trực tiếp nhất, nhưng Giáo hội chiến đấu hữu hình cũng là vương quốc của Thiên Chúa, bất chấp tội lỗi và khuyết điểm của các thành viên.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, mặc dù ở đời này, chúng ta có thể phàn nàn về việc Thiên Chúa khoan dung với “cỏ lùng” trong Giáo hội, nhưng đến ngày Phán xét chung, chúng ta có thể thấy rằng chính chúng ta là “cỏ lùng” vì Chúa Giêsu, đã kiên nhẫn chờ đợi “cỏ lùng” biến đổi thành “lúa mì”!

Rất thường, chúng ta hoàn toàn mù quáng trước tội lỗi và sự giả hình của chính mình, nhưng lại thấy rõ tội lỗi và sự giả hình của người khác. Vì vậy, ở chỗ khác, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta loại bỏ “cái xà” khỏi mắt mình trước khi lấy “cái rác” ra khỏi mắt anh em mình (Mát-thêu 7:5).

Cuối cùng, dụ ngôn này nghiêm túc cảnh báo chúng ta về cuộc Phán xét chung trong ngày tận thế. Có những người nhạy cảm nghĩ rằng mọi người sẽ được lên thiên đàng, nhưng lời dạy thực tế của Chúa Giêsu lại mâu thuẫn với điều này. Đôi khi, chúng ta phải quyết định xem mình sẽ tin vào lời của Chúa Giêsu về vấn đề này hay tin vào lời của các nhà thần học hiện đại.

Những lời cảnh báo của Chúa Giêsu, ở đây và ở những nơi khác trong Tin Mừng, rất là khẳng định và thẳng thừng về hỏa ngục. Hỏa ngục không chỉ là sự có thể trên lý thuyết chứ thật ra không ai sẽ rơi vào hỏa ngục. Thực tế là chúng ta có khả năng vặn vẹo, bóp méo tâm hồn mình bởi những lựa chọn xấu xa của mình trong cuộc sống này đến nỗi cuối cùng chúng ta gọi điều tốt là điều ác và điều ác là tốt, rồi khước từ sự tốt lành, tình yêu của Chúa mãi mãi. Đó là địa ngục. Từ một khía cạnh, đó là hình phạt của tội lỗi; từ một góc độ khác, đó là một thực tế chúng ta đã tự do lựa chọn.

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nhân từ cứu chúng ta khỏi thói đạo đức giả và sự mù quáng về những sự thiêng liêng, để chúng ta trở thành lúa mì đích thực, được thu vào kho của Người!-- Dr. John Bergsma

Share:

Lòng thương xót của Thiên Chúa và về sự điên rồ của việc thờ ngẫu tượng trong sách Khôn ngoan

Sách Khôn ngoan của Sa-lô-môn, một trong những cuốn sách được viết sau chót của Cựu Ước, cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết thấu đáo nhất về cuộc Phán xét cuối cùng, sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu, hơn bất kỳ cuốn sách nào trong Kinh Thánh trước các sách Phúc âm. Một số người coi đó là câu trả lời kinh điển cho thuyết bất khả tri của sách Giảng viên: nếu trong sách Giảng viên, Sa-lô-môn bày tỏ sự hoài nghi về cuộc sống mai sau và sự tuyệt vọng trước viễn cảnh của cái chết, thì trong sách Khôn ngoan, ông đã tìm thấy niềm tin rằng cái chết không là lời phán cuối cùng, và sự công chính sẽ tìm thấy phần thưởng của nó trong cuộc sống mai sau.

Sách Khôn ngoan khá chắc chắn là được viết bằng tiếng Hy Lạp trước, vào thế kỷ thứ ba hoặc thứ hai trước Công nguyên, có lẽ ở Alexandria, Ai Cập, trung tâm hàng đầu của nền văn hóa Do Thái Hy Lạp thời cổ đại. Do có nguồn gốc hơi trễ, dùng ngôn ngữ Hy Lạp và các mối liên hệ với người Alexandria, nó không được coi là kinh điển trong truyền thống Ráp-bi của Do Thái giáo, vốn có nguồn gốc từ phong trào Pharisêu ở Palestine. Tuy nhiên, nó đã được những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp ở ngoài nước Do thái và Giáo hội sơ khai coi là kinh điển. Thật vậy, nó khá phổ biến giữa các Giáo phụ, những người đã trích dẫn nó thường xuyên và rõ ràng coi nó là thuộc về Kinh thánh.

Theo truyền thống Septuagint / Kinh thánh Cựu ước tiếng Hy lạp, cuốn sách có tên là Sophia Salōmōnos (Sư Khôn ngoan của Sa-lô-môn) và cuối cùng đã tìm được một vị trí ổn định trong thứ tự kinh điển sau sách Gióp, do đó mang đến một tầm nhìn mạnh mẽ về sự sống đời sau, sau cuộc đấu tranh của Gióp với những bất công của cuộc sống hiện tại này. Theo truyền thống Vulgate, tựa đề đầy đủ của cuốn sách là Liber Sapientiae Solomonis (Sách về Sự Khôn ngoan của Sa-lô-môn), và nó được đặt ngay sau “ba cuốn sách của Sa-lô-môn” (Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca) vì bản chất văn viết của sách Khôn ngoan đã được công nhận từ lâu. Theo thứ tự này, bốn cuốn sách, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, sách Khôn ngoan, trình bày một loại phiêu lưu thần học về “kinh điển của Sa-lô-môn”:

  • Trong sách Châm ngôn, Sa-lô-môn đạt được sự khôn ngoan dẫn đến thành công tạm thời.
  • Trong sách Giảng viên, Sa-lô-môn thất vọng về thành công vật chất vì cái chết khiến điều đó trở nên vô nghĩa.
  • Trong sách Diễm ca, Sa-lô-môn khám phá ra rằng tình yêu mạnh hơn sự chết (Diễm ca 8:6).
  • Trong sách Khôn ngoan, Sa-lô-môn yêu Đức Khôn ngoan / Lady Wisdom và nhờ đó đạt được sự bất tử.

Sách Khôn Ngoan được chia thành hai phần chính. Trong phần đầu tiên (chương 1-9), Sa-lô-môn khuyên “những người cai trị thế gian” hãy yêu mến sự công bình (Khôn ngoan 1:1), điều sẽ giúp họ trở nên khôn ngoan (1:4) và trị vì đời đời (6:20-21) theo gương của Sa-lô-môn (chương 7-9). Trong phần thứ hai (chương 10–18), tác giả tìm cách chứng minh luận điểm của mình về mối liên hệ giữa sự công chính, sự khôn ngoan và triều đại bất tử bằng cách truy tìm và biện minh cho các hành động của Đức Khôn Ngoan qua lịch sử cứu chuộc của Israel, từ Sự Sáng Tạo đến Cuộc Xuất Hành.

Phần đầu tiên (chương 1–9) cũng được chia thành hai phần chính: Trong chương 1–6, Sa-lô-môn tập trung vào mối quan hệ giữa sự công chính, sự khôn ngoan và sự bất tử, đặc biệt nhấn mạnh đến đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa của người công chính và sự phán xét sẽ dành cho những kẻ bất chính sau khi chết. Trong các chương 7–9, Sa-lô-môn dạy “những người cai trị thế gian” cách chính ông đạt được ơn khôn ngoan, cụ thể là bằng cách tìm kiếm Chúa qua việc khiêm tốn cầu nguyện và sống trong sự hiệp thông mật thiết với Đức Khôn ngoan sau đó.

Phần thứ hai của sách Khôn ngoan (chương 10-18) có một cảm giác khác nhiều so với phần đầu tiên khi Sa-lô-môn lần theo các hoạt động của Đức Khôn Ngoan qua lịch sử cứu rỗi. Một chương bao gồm công việc của Đức Khôn ngoan từ Sáng tạo cho đến Xuất hành (chương 10) trong khi tám chương dành cho Đức Khôn ngoan trong chính sách Xuất hành (chương 11–19). Khi luận về các hành động của Đức Khôn ngoan trong sách Xuất hành, Sa-lô-môn nhập vào đó một ngoại đề về lòng thương xót của Thiên Chúa  (11:17–12:22) và về sự điên rồ của việc thờ ngẫu tượng (13:1–15:17).

Sách Khôn ngoan của Sa-lô-môn được đọc tương đối thường xuyên trong Thánh lễ, đặc biệt đối với một sách Cựu Ước ngắn như vậy. Bài đọc Chúa Nhật tuần này (Chúa nhật thứ XVI Mùa thường niên, năm A) đến từ phần suy luận ngoài đề về lòng thương xót, khi thảo luận về sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua cuộc Xuất hành. Kết hợp với dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì trong Tin Mừng hôm nay, bài đọc này giúp chúng ta hiểu rằng việc Thiên Chúa từ chối nhổ tận gốc cỏ lùng (tội nhân) từ bên trong Giáo hội không phải là một sự thất bại về công lý đối với Chúa mà là một biểu hiện của lòng thương xót của Ngài, vì Ngài muốn tất cả mọi người đều có thể được cứu rỗi.

Sách Khôn ngoan khẳng định rằng quyền năng tối thượng của Chúa không hàm ý rằng Chúa Trời là một bạo chúa. Thiên Chúa của chúng ta đủ mạnh mẽ để trở nên dịu dàng; nghĩa là, có thể nói, những thách thức đối với quyền lực của Ngài không làm lung lay lòng tự tin của Ngài và gây ra phản ứng bạo lực, như trường hợp của những kẻ độc tài hoặc kẻ mạnh. Những người cai trị loài người nên noi theo tấm gương của Chúa: quyền lực nên được kết hợp với công lý và lòng tốt.

Trong bối cảnh của sách Khôn Ngoan chương 12, tác giả thảo luận đặc biệt về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Ca-na-an: mặc dù họ đồi bại về luân lý, Thiên Chúa đã không quét sạch họ ngay lập tức nhưng cho họ hàng trăm năm và nhiều cơ hội để ăn năn. Ăn năn về điều gì? “Bọn độc ác sát hại trẻ thơ, bọn bày tiệc uống máu ăn thịt người, ăn cả gan cả ruột, bọn gia nhập những hội tế thần” và “bọn cha mẹ sát nhân giết cả những con người chưa thể tự vệ.” (Kn 12:5, 6). Người Ca-na-an thực hành việc hiến tế trẻ em cho các vị thần của họ, điều này cũng được coi là một hình thức kiểm soát sinh sản—vì hoạt động tình dục bừa bãi trong lúc thờ phượng các vị thần của họ đã khiến họ sinh ra những đứa trẻ “không mong muốn”.

Vì vậy, chúng ta thấy văn hóa Ca-na-an cổ đại tương tự phương Tây hiện đại như thế nào: hoạt động tình dục bừa bãi được tìm kiếm và tôn vinh, với kết quả là một phần năm trẻ em bị giết trong bụng mẹ. Vì quyền phá thai được coi là nguyên tắc nền tảng của nền văn hóa của chúng ta, đặc biệt là bởi Tòa án Tối cao / Supreme Court của chúng ta. Sách Khôn ngoan cho chúng ta hy vọng rằng nước Mỹ và các xã hội thối nát tương tự sẽ không bị hủy diệt ngay lập tức nhưng sẽ có thời gian và cơ hội để hối cải và quay về với Thiên Chúa. --Dr John Bergsma
Share:

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Khi tôi cô đơn, hãy trao cho tôi Chúa Giêsu (Chúa Nhật thứ XIV Mùa thường niên, năm A)

Khi Chúa Giêsu nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi”, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu tuyên bố mình là người thừa kế vương quốc của Đa-vít và Vương quốc của Chúa bao hàm toàn thể vũ trụ là một. Hai vương quốc thực sự là một và tương tự như nhau. Cũng như Đa-vít trao toàn quyền cho Sa-lô-môn, người đã cưỡi lừa vào Giê-ru-sa-lem để lên ngôi vua; Thiên Chúa cũng đã trao mọi sự cho Chúa Giêsu (Ep 1:22), Đấng cũng là Con vua Đavít.

Con lừa thấp hèn của Đa-vít mà Sa-lô-môn cưỡi là lời tuyên bố công khai về mối quan hệ thân thiết giữa cha và con. Vì vậy, ở đây, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự thân mật của Người với Chúa Cha: “Không ai biết Chúa Cha, trừ người Con”. Chỉ một mình Chúa Giêsu, giữa tất cả các bậc thầy dạy các tôn giáo, Đấng đã sống giữa chúng ta, hiểu biết và cảm nghiệm Thiên Chúa thực sự là Cha của mình, và vì thế, có khả năng để dạy chúng ta cách để có mối tương quan với Thiên Chúa Cha. Môsê, Plato, Đức Phật, Khổng Tử và Mohammed chưa ai bao giờ dám tuyên bố có mối tương quan thân mật với Thiên Chúa Cha của Chúa Giêsu, nên không thể nào dạy người khác về mối tương quan khắng khít đó.

Ở đây Chúa Giêsu nói những lời an ủi, một số câu Kinh Thánh yêu thích mà nhiều Kitô hữu đã thuộc lòng:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Có một sự kết nối thường không được nhận ra, nhưng trong trọn đoạn này, Chúa Giêsu đang ám chỉ đến sách 1 Các Vua 12, tường thuật về sự chuyển đổi từ Sa-lô-môn sang Rô-bô-am, người thừa kế của ông, và sự chia rẽ bi thảm sau đó của vương quốc Đa-vít thành hai miền Bắc và Nam.

Sau khi Sa-lô-môn qua đời, dân Israel đến với Rô-bô-am vì họ phải chịu gánh nặng lao động khổ sai và muốn được thoát khỏi sưu thuế nặng nề. Họ cầu xin Rô-bô-am, người vừa lên ngôi vua, giảm bớt ách thuế khóa và lao động cưỡng bức. Nhưng Rô-bô-am kiêu ngạo và vênh váo: ông hứa cho họ một “ách nặng nề” (1 Các vua 12:11) và tăng thêm gánh nặng cho họ. Kết quả là các chi tộc phía bắc ly dị Con vua Đa-vít và trở về nhà họ (Dr. John Bergma dùng từ ly dị để muốn nói vua thời Đavít được nhận là ‘cưới’ dân tộc, đất nước mình. Một hình bóng của Chúa Kitô và Hội Thánh). Họ đã chọn một vị vua khác, Giê-rô-bô-am, và sự tan rã đáng tiếc của một thời đã là vương quốc Đa-vít nay đã bắt đầu.

Trong những câu Kinh thánh từ thánh Mát-thêu này, Chúa Giêsu, Con vua Đa-vít đối chiểu Ngài với những người con vua Đa-vít hư hỏng và ngược đãi Thiên Chúa trước Ngài, những người mà sự ích kỷ của họ đã dẫn làm tan hoang dân Chúa. Chúa Giêsu đến với tư cách là Đấng chữa lành và an ủi, là Đấng đoàn tụ “Ép-ra-im” ở phía bắc và “Giê-ru-sa-lem” ở phía nam, như chúng ta đã thấy trong bài đọc thứ nhất.

Chúa Giêsu đã thống nhất và phục hồi dân Israel đích thực xung quanh mười hai tộc trưởng mới, mười hai tông đồ. Giáo hội mà họ thành lập là vương quốc được phục hồi của Đa-vít, được cai trị rõ ràng trong thế gian này bởi người quản lý hoàng gia của Đa-vít (xem Is 22:20; 2 Vua 18:18), người mà chúng ta gọi là “Giáo hoàng.” Trong Bí Tích Thánh Thể Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu đến với chúng ta với tư cách là chàng rể và vua của chúng ta. Ngài đã kết hôn bản tính của Người với bản tính của chúng ta trong một cuộc hôn phối siêu hình giữa bản tính thần linh và bản tính con người: cả hai trở nên một xương một thịt. Chúng ta có mang gánh vất vả vả nặng nề không? Chúa Giêsu đón nhận vào vương quốc của Người tất cả những ai ăn năn sám hối, tất cả những ai khổ sở vì  gánh nặng tội lỗi của mình và của người khác. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được nếm trước sự kết hợp ngọt ngào mà chúng ta sẽ tận hưởng với Chúa chỉ trong một thời gian rất ngắn, và sự nếm trước này mang lại cho chúng ta sức mạnh và niềm vui trong một tuần nữa.

Buổi sáng khi tôi thức dậy,
hãy trao cho tôi Chúa Giêsu.
Bạn cứ có hết thảy mọi sự trên trần gian
chỉ trao cho tôi Chúa Giêsu.
Khi tôi một mình
Ôi, khi tôi cô đơn
Hãy trao cho tôi Chúa Giêsu.

Share:

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Chung thủy cả trong ý tưởng

24. Người ta có thể dễ dàng biến thiên đàng thành địa ngục. Có một trường hợp thú vị đã xảy ra cách đây vài năm. Một cặp vợ chồng đến với tôi. Rõ ràng là Chúa đã ban cho họ vẻ đẹp tuyệt vời; Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cặp vợ chồng đẹp hơn họ.

Thời tiết lạnh nên chúng tôi cử hành Phụng vụ trong nhà nguyện. Khi buổi thờ phượng kết thúc, họ muốn nói chuyện với tôi. “Chúng tôi có một số vấn đề,” họ nói. Tôi để cho họ kể chuyện của mình.

Trường hợp là họ đã kết hôn với nhau vì yêu và đã sống bình yên, rất hài hòa với nhau trong một vài năm. Bầu không khí trong gia đình họ như thiên đàng. Sau đó, gần đây, họ bắt đầu cãi nhau về mọi chuyện nhỏ nhặt; trong gia đình không còn có sự bình an nữa.

Tệ hơn nữa là họ có một cậu con trai nhỏ, sáu tuổi. Đứa trẻ là lý do họ đến với tôi. Họ nói rằng đứa trẻ đã hoàn toàn xa lánh họ và thậm chí không muốn nói chuyện với họ. Bé chỉ muốn được ở với ông bà. “Chúng tôi mua cho con trai mình mọi thứ nó muốn, nhưng bé luôn im lặng. Chúng tôi mua cho bé đồ chơi, quần áo và kẹo, và bé chỉ giật lấy đồ, xé nát hoặc lấy chân đá đi hết. Sau đó, bé trở về với ông bà của mình, để chúng tôi lại một mình. Chúng tôi không biết phải làm gì. Nếu không vì những điều này, bé là một đứa trẻ khỏe mạnh và bình thường. Bé không muốn làm bất cứ điều gì với chúng tôi, cha mẹ của bé. Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra?” Tôi nói với họ rằng đứa trẻ rõ ràng không muốn cha mẹ mình trong hoàn cảnh như vậy.

Bé đã liên tục tìm kiếm mẹ và bố của mình, nhưng họ không bao giờ có mặt với bé. “Anh chị đã từng hạnh phúc vì sự chúc phúc của cha mẹ,” tôi nói với họ. “Cha mẹ của anh chị không có gì chống lại sự kết hợp của hai người; ngược lại, họ đã sắp đặt cuộc hôn nhân của anh chị ngay cả trước khi hai người gặp nhau. Vì vậy, anh chị đã được cha mẹ chúc phúc, anh chị kết hôn vì tình yêu, và có sự bình anh trong sự kết hợp của mình. Nhà của anh chị giống như thiên đàng. Bây giờ mọi thứ đã trở nên sai lầm - bởi vì những ý nghĩ của anh chị.

Cho đến gần đây, anh chị hài lòng với những gì mình có, anh chị không mơ mộng; nhưng bây giờ anh nhìn những người phụ nữ khác với sự thèm muốn, và anh trao trái tim của mình cho những người phụ nữ này. Vợ anh nhìn những người đàn ông khác và trao cho họ trái tim của cô ấy. Bây giờ anh chị chỉ đến với nhau bằng xác thịt, nhưng không phải bằng tinh thần. Tâm trí của anh chị đang đi lạc hướng. Cảm ơn Chúa vì anh chị đã không bước ra ngoài ranh giới của lời thề hôn nhân.

Con anh chị cảm nhận được tất cả những điều này và bé không muốn có người cha mẹ như vậy, bởi vì anh chị không chỉ rời xa nhau mà còn xa lánh nó. Chính anh chị đã tạo ra địa ngục trong ngôi nhà của mình với những ý nghĩ của anh chị.... Thật đau khổ khi có mẹ và cha mà lại không có họ. Hãy quay lại với nhau,” tôi nói với họ, “và hãy như trước đây. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại.”

Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Về dạy dỗ con trẻ 2

10. Cha mẹ la mắng con cái vì mọi điều nhỏ nhặt. Như thể họ không biết cách nói chuyện với họ một cách tử tế và nhẹ nhàng. Khi cha mẹ cần kỷ luật một đứa trẻ, đứa trẻ phải cảm thấy rằng đằng sau sự nghiêm khắc đó có tình yêu thương. Sẽ là một sai lầm lớn nếu trừng phạt trẻ em ngay khi chúng làm sai điều gì đó. Cha mẹ sẽ không đạt được điều gì theo cách đó. Đầu tiên chúng ta phải bình tĩnh lại và sau đó, với tất cả tình yêu thương, hãy nói với đứa trẻ rằng nó đã làm điều sai trái và nó phải nhận một hình phạt nào đó. Nếu điều tương tự xảy ra lần nữa, đứa trẻ sẽ bị trừng phạt nặng hơn và đó là cách nó học.

12. Thánh ý của Chúa hoạt động trên chúng ta qua cha mẹ, hoặc qua thầy dạy, hoặc qua những người chủ việc. Nếu chúng ta cần uốn nắn hành vi của một đứa trẻ, chúng ta phải làm điều đó với tình yêu thương tràn đầy và sự quan tâm. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc thay đổi đời sống/ tính tình của một đứa trẻ, chúng ta đã giáng trên nó một cú đòn mạnh với những ý nghĩ của chúng ta. Tôi đã nhận thấy điều này trong nhiều năm làm tu viện trưởng. Nhiều lần tôi thấy một anh em cư xử không đúng mực, và ngay khi nghĩ đến việc sửa dạy anh ấy, tôi cảm thấy như mình đang giáng cho anh ấy một cú đòn!
Những ý nghĩ của chúng ta có thể rất sâu sắc và chúng có sức mạnh lớn lao. Điều này đặc biệt đúng với những ý nghĩ của cha mẹ. Cha mẹ phải là người có khả năng chịu đựng nhiều và tha thứ tất cả. Chúng ta chỉ có thể giúp đỡ người khác nếu chúng ta có những suy nghĩ tốt và tử tế. Nếu chúng ta có suy nghĩ về việc sửa chữa lỗi lầm của người khác, điều đó giống như ta ra tay đánh họ. Một người dù thân thiết với chúng ta đến đâu, sẽ rời xa chúng ta vì chúng ta đã giáng một đòn mạnh trên người ấy với những ý nghĩ của mình. Và chúng ta nghĩ rằng ý nghĩ không là gì cả!

Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

Về dạy dỗ con trẻ 1

1. Vâng lời có tính chất xây dựng, và chỉ muốn làm điều mình làm, tính bướng bỉnh có tính chất phá hoại. Một đứa trẻ nên học cách vâng lời cha mẹ như vâng lời Thiên Chúa. Người ấy sẽ nhớ lời dạy của cha mẹ mình trong suốt cuộc đời và sẽ luôn tôn trọng người lớn tuổi của mình, không chỉ những người lớn tuổi mà cả những người nhỏ tuổi hơn người ấy. Người ấy sẽ tử tế và quan tâm đến mọi người. Thật không may, có rất ít gia đình nuôi dạy con cái của họ như vậy.

2. Thần khí của sự dữ lẻn vào tâm trí của những đứa trẻ… và tìm cách quấy nhiễu các em. Một đứa bé cần được dạy phải vâng lời, đặc biệt là trước khi bé năm tuổi, bởi vì đó là giai đoạn phát triển tính cách của đứa trẻ. Theo cách này, những đặc điểm, tính cách đã học được sẽ tồn tại trong suốt phần đời còn lại của đứa trẻ. Cha mẹ nên dạy con sự vâng lời tuyệt đối trong giai đoạn đó. Khi cha mẹ nói điều gì đó, câu trả lời nên là, “Amen.” Nhưng ngày nay, đáng tiếc là các bậc cha mẹ lại không biết điều này và dạy con hoàn toàn ngược lại. Và các em cứ thế lớn lên...

3. Nếu cha mẹ nói: “Con ngồi yên ở đây,” thì đứa trẻ phải ở nơi nó được bảo. Nhưng một đứa trẻ là một đứa trẻ; nỏ không thể ngồi yên một chỗ. Điều thường xảy ra là cha mẹ đánh đòn đứa trẻ vì nó không vâng lời. Nhưng đó không phải là cách tốt để dạy một đứa trẻ học vâng lời. Có thể đôi khi cần phải đánh đòn, nhưng việc phạt đó được làm vì yêu thương, và đứa trẻ phải cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Cha mẹ không bao giờ nên đánh con cái khi bị kích động bởi sự tức giận. Vì nếu bạn sửa sai khi bạn tức giận, bạn sẽ chẳng đạt được gì cả. Bạn sẽ chỉ làm tổn thương cả người đó và chính bạn. Muốn đưa ai đó trở về con đường đúng đắn, muốn dạy dỗ khuyên bảo thì trước hết phải hạ mình, và khi nói thì nói với tình yêu chan chứa. Người ấy sẽ chấp nhận lời khuyên của bạn, vì người ấy sẽ cảm thấy rằng lời khuyên đó được đưa ra với tình yêu thương. Nhưng khi bạn muốn có được mục đích mình muốn bằng mọi giá, thì bạn sẽ chẳng đạt được gì cả. Đó là cách đứa trẻ trở nên bướng bỉnh, chống cự người khác hơn. Khi một đứa trẻ không vâng lời, đánh đòn không phải là một giải pháp.

4. Tôi đọc trên Elixir, một tạp chí y học, rằng một bác sĩ tâm thần đã nói rằng những giọt nước mắt đáng giá hơn ba mươi viên thuốc an thần. Nước mắt làm dịu thần kinh tốt hơn cả thuốc. Nước mắt rất có lợi cho người lớn, nhưng cũng có lợi cho trẻ em. Sau khi khóc, trẻ thường bình tĩnh lại.

5. Năm 1936, tôi ở với một gia đình ở Belgrade. Thực ra, họ là người gốc Đức. Người chồng là người Đức và người vợ là người Đức hoặc người Slovenia. Họ có một đứa con nhỏ hai tuổi. Nó vẫn chưa biết đi. Bà mẹ sẽ đặt anh lên giường, nằm sấp xuống, và nó sẽ khóc. Và tôi nói với cô ấy, “Tại sao chị không ôm nó một chút? Nó sẽ cảm thấy được an ủi trong vòng tay của chị.” Và người phụ nữ nói, “Ồ, không. Tôi không muốn cháu quen với việc được bế, vì sau đó cháu sẽ muốn tôi bế cháu suốt và tôi sẽ không thể làm được việc gì”. Và cô ấy cũng nói, “Khóc tốt cho phổi của nó. Cang khóc, nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nó sẽ ngừng khóc.” Và sự tình đúng là vậy. Đứa khóc một lúc rồi nín. Nó chơi một lúc, rồi lại khóc một chút, và dừng lại. Các bà mẹ khác sẽ ôm con vào lòng ngay khi chúng bắt đầu nhõng nhẽo và làm hư chúng.

Tôi nhớ tình huống của tôi khi tôi còn là một đứa trẻ. Tôi rất ốm yếu và kém phát triển nên tôi luôn được ẵm trên tay, hoặc người ta cõng tôi đi khắp nơi. Tôi không thể ăn bất kỳ thứ đồ chiên nào cho đến khi tôi mười hai tuổi. Tôi luôn nhịn ăn mọi và cha mẹ không biết phải làm gì với tôi! Bà ngoại tôi mắng tôi khi bà căng thẳng, nhưng tôi vẫn không ăn được. Sau đó, mẹ tôi sẽ bắt đầu đưa cho tôi những thứ khác, và điều này thực sự tôi bối rối. Khi trẻ em có được quá nhiều sự chú ý, nó sẽ trở nên khó chịu. Con cái nên biết rằng cha mẹ yêu thương chúng, nhưng cha mẹ không nên làm ngộp đứa trẻ bằng tình yêu thương. Một đứa trẻ phải được dạy để sẵn sàng cho cuộc sống, cũng như sống cho nước trời. Nó phải học cách trở thành con cái của ánh sáng.

6. Tám năm trước, một người đàn ông đến gặp tôi, sự buồn bã tỏ lộ trên mặt. Đôi mắt anh đẫm lệ. Tôi hỏi anh ấy, “Có chuyện gì thế? Người đàn ông có hai con trai. Một người là sinh viên y khoa, đã ngừng đến các bài giảng ở trường trong hai năm qua. Trong anh, không có một tia của niềm vui để sống; ý chí để sống đã tan biến. Anh hoàn toàn bối rối. Tôi bảo người bố đừng lo lắng và hãy đưa con trai anh ấy chạy bộ trên núi Avala gần Belgrade mỗi ngày, đặc biệt là trong tuần, khi ít người ở đó. Anh sinh viên rất mệt mỏi và kiệt sức vì mọi thứ áp lực ở trường. Người cha hỏi liệu ông có nên mang con ông đến gặp tôi không nhưng tôi nói rằng không cần thiết. Tôi nói chúng ta sẽ nói chuyện khi tôi đến Belgrade.

Một ngày nọ, chúng tôi gặp nhau trước Nhà thờ St. George ở ngoại ô Banovo Brdo, Belgrade. Anh sinh viên cảm thấy rất khỏe, không còn dấu vết của sự bơ phờ và thờ ơ trước đây. Cơ thể anh cần oxy để nuôi não.

Trích từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Share:

Blog Archive

Blog Archive