Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Chúa Nhật VIII Thường Niên - Lễ Chúa Ba Ngôi

Chúa Nhật VIII Thường Niên - Lễ Chúa Ba Ngôi

Lời Chúa: Mt 28, 16-20

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lại, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

------------

Trích từ bài giảng của ĐTC Phanxicô

Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một thực thể xa vời mà là một Tình Yêu ở gần chúng ta

Hôm nay, Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta mừng Lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Một ngày lễ để chiêm ngưỡng và ca ngợi mầu nhiệm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa Duy Nhất trong mối hiệp thông ba ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần. Với một sự ngạc nhiên luôn luôn mới mẻ, chúng ta ca ngợi Thiên-Chúa-Tinh-Yêu, là Đấng trao bạn cách nhưng không sự sống của Người cho chúng ta, và yêu cầu chúng ta loan truyền sự sống thần linh của Người cho khắp nơi trên toàn thế giới.

Các bài đọc Sách Thánh hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng, Thiên Chúa không chỉ muốn mặc khải cho chúng ta biết Người hiện hữu, mà còn hơn thế nữa, Người mặc khải Người là “Thiên Chúa ở với chúng ta”, ở gần chúng ta, Thiên Chúa yêu mến chúng ta, Thiên Chúa cùng đi với chúng ta, Thiên Chúa quan tâm đến lịch sử cá nhân của chúng ta, và chăm sóc mỗi người, bắt đầu từ những người bé nhỏ nhất và bần cùng nhất. Người “là Thiên Chúa ngự trên cao xanh, ngự trên các tầng trời” nhưng cũng “ngự ở dưới trần thế, ngay trên mặt đất này” (x. Đnl 4, 39). Do đó, chúng ta không tin vào một thực thể xa vời vợi nào đó, không! Chúng ta không tin vào một thực thể lạnh lùng, không! Mà trái lại, chúng ta tin vào một Tình Yêu đã sáng tạo vũ trụ, và đã phát sinh nên một dân tộc, một Tình Yêu đã mang lấy thịt xương của một con người, một Tình Yêu đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và một Tình yêu, với tư cách là Thánh Thần đã biến đổi tất cả, và dẫn đưa tất cả về sự viên mãn.

Thánh Phaolô (x. Rm 8, 14-17), người đã có cảm nghiệm cá nhân về sự biến đổi này do Thiên Chúa-Tinh-Yêu thực hiện, ngài đã thông truyền lại cho chúng ta ý Thiên Chúa muốn chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, hay đúng hơn gọi Người là “Bố” – Thiên Chúa là “Bố của chúng ta” -, với niềm tin tưởng hoàn toàn của nó người con lao mình vào trong đôi tay của người đã sinh hạ ra Khi tác động trong tâm hồn chúng ta, Chúa Thánh Thần - thánh Tông Đồ cũng nhắc lại cho chúng ta đã làm thế nào đó để cho Đức Giêsu Kitô không bị giảm thiểu vào một nhân vật của lịch sử, không, nhưng Chúa Thánh Thần lại làm cho chúng ta cảm thấy Đức Giêsu thật gần kề chúng ta, cảm thấy Người sống đương thời với chúng ta, và giúp cho chúng ta trải nghiệm được niềm vui của những người con được Thiên Chúa yêu thương. Cuối cùng, trong Phúc Âm, Chúa Phục Sinh hứa ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Và chính xác, là nhờ sự hiện diện của Chúa Phục Sinh và sức mạnh Thần Khí của Người, mà chúng ta mới có thể chu toàn được cách bình thản sứ mệnh Chúa giao phó cho chúng ta. Đầu là sứ mệnh Chúa giao phó? Loan báo và làm chứng Phúc Âm của Người cho tất cả mọi người, và như thế, mở rộng mối hiệp thông với Người, và niềm vui phát xuất từ mối hiệp thông này. Khi cùng bước đi với chúng ta, Thiên Chúa đã đổ đầy niềm vui vào tâm hồn chúng ta, và một cách nào đó, niềm vui là ngôn ngữ đầu tiên của Kitô hữu.

Do đó, Lễ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh làm cho chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm của một Thiên Chúa Đấng sáng tạo, cứu chuộc và không ngừng thánh hoá, luôn luôn với tình yêu và qua tình yêu, và Thiên Chúa cho phép mỗi thọ tạo tiếp nhận Người được phản chiếu một luồng ánh sáng về vẻ đẹp, về lòng tốt lành và về chân lý của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã luôn luôn chọn cách bước đi với nhân loại, và Người thiết lập một dân tộc được xem là một sự chúc lành cho mọi quốc gia dân tộc, và cho mọi người mà không hề phân biệt. Kitô hữu không phải là một con người cách ly, Kitô hữu thuộc về một dân tộc: dân tộc này do Thiên Chúa thiết lập. Người ta không thể là Kitô hữu mà không có sự thuộc về này, mà không có mối hiệp thông này. Chúng ta là một dân tộc: dân tộc của Thiên Chúa.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta vui vẻ chu toàn sứ mệnh làm chứng tá cho trần gian khao khát tình yêu, làm chứng tá rằng, ý nghĩa của cuộc đời, đó chính là tình yêu vô biên và cụ thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. 

Share:

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Cuộc đời đáng sống

Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Cuộc đời đáng sống hay nó là buồn tẻ và đơn điệu? Cuộc đời là đơn điệu nếu nó vô nghĩa cuộc đời không đơn điệu khi nó có một mục đích. Khi chúng ta không biết tại sao chúng ta lại ở đây, hay chúng ta đang đi đâu, thì cuộc sống đầy những thất vọng và bất hạnh. Khi không có mục đích, người ta chỉ lo họat động. Thay vì làm việc hướng đến một lý tưởng, họ thay đổi lý tưởng và gọi nó là “tiến triển”. Họ không biết mình đang đi về đâu, nhưng họ chắc chắn là đang trên đường đi. Cuộc đời giống như một radio; dường như không ai thích bắt một chương trình nhất định. Họ thích thay đổi liên tục.

Những ai không có mục đích cuối cùng cho cuộc đời sẽ không thể nói rằng họ đang tiến triển. Nếu không có điểm xác định, họ không thể nói họ đang tiến gần đến mục đích của họ hay không. Cuộc sống trong những hoàn cảnh này thì buồn chán. Một nhà điều khắc sau khi đục cắt khối đá cẩm thạch thì được hỏi: “Ông đang làm gì?” Ông trả lời: “Tôi không biết. Tôi không có dự định.”

Người ta sống 20, 30 hay thậm chí 50 năm mà không có mục đích. Không ngạc nhiên nếu họ thấy cuộc đời của mình buồn tẻ, mệt mỏi và phiền hà. Nếu là nông dân, họ trồng lúa mì tuần này, tuần sau nhổ lên và trồng lúa mạch, rồi bỏ lúa mạch mà trồng dưa hấu.

Cuối cùng mùa thu đến và họ chẳng thu hoạch được gì. Đó là sự vô nghĩa của cuộc sống làm cho nó trở nên chán ngắt và mệt mỏi Có người thay đổi triết lý cuộc đời của họ theo mỗi cuốn sách họ đọc. Họ có một túi tên đầy ắp nhưng không có mục tiêu để bắn Cuộc đời của họ trở nên chán chường. Sự chán ngán có thể dẫn đến nổi loạn. Họ sẽ bắn bất cứ cái gì. Cuộc nổi loạn này nảy sinh từ một cuộc đời không mục đích và vô nghĩa.

Một trường đại học nuôi hai chuồng chó để thí nghiệm. Một chuồng gồm những con chó không có bọ chét, chuồng kia thì chó có bọ chét. Các giáo sư thấy rằng những con chó có bọ chét thì bình thản hơn những con chó không có bọ chét, bởi vì chúng bận rộn với việc bắt bọ chét. Những con chó không có bọ chét thì cứ tru lên và sủa, chúng tạo ra nhiều vấn đề. Các nhà khoa học kết luận rằng sự kiểm soát sinh lý được hướng đến làm việc và tiêu hao năng lượng. Sự bồn chồn không yên của những con chó không có bọ chét là một loại điều tiết máy móc nhằm giữ cho cơ thể được tốt.

Trong lãnh vực cao hơn, năng lượng của con người được hướng đến việc tiêu hao cho một mục đích sau cùng. Nếu một con người thiếu mục đích này, người ấy sẽ phải trả giá bằng sự choáng váng, bồn chồn và chán chường. Người chán ngán nhất trong cuộc đời không phải là những người nghèo, mà là những người dư dả. Luân lý ở đây không phải là có những quấy rầy hay phiền muộn, nhưng là có điều gì đó để làm và sống cho, không phải cho ngày hôm nay và ngày mai, nhưng là mãi mãi.

Khi cuộc đời không có mục tiêu, không có đích điểm, không có lý tưởng, lẽ sống thì nó đầy tràn sự xoàng xĩnh và chán ngán. Nó trở nên chỉ có bề ngoài, mất đi nghị lực và sự bình an. Ở đâu mà người ta không có nguồn vui nội tâm, nhưng chỉ có sự đơn ái và tẻ nhạt, thì những người như thế nói rằng cuộc đời đã làm cho họ thất vọng. Không phải thế, bởi vì họ có một lối sống hư hỏng. Họ bào chữa bằng cách nói rằng: họ chán chường, vì họ không được yêu thương. Không phải thế. Họ chán ngán bởi vì họ đã không yêu thương, bởi vì họ đã từ chối yêu thương.

Nhiều người nghĩ rằng: khi chúng ta nói về hạnh phúc cao nhất của con người là kết hiệp với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa như là một phần thưởng cho một cuộc sống tốt, như huy chương cho học sinh xuất sắc. Một huy chương vàng cuối năm học không nhất thiết liên hệ với việc học. Nhiều sinh viên học giỏi và đã không lãnh huy chương. Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời không liên hệ với chúng ta theo cách đó. Đúng hơn, Thiên Chúa và thiên đàng liên hệ với nhau như việc bông hồng nở, như quả đào với cây đào, cụ thể đó là sự hoàn hảo thuộc bản chất của chúng ta, không có nó chúng ta bất toàn, với nó chúng ta được hạnh phúc.

Có những người ghét sự lặp lại; vì thế, làm việc hướng đến một mục đích lý tưởng là chán ngán. Không, hãy nhìn những người tràn đầy sức sống, họ yêu thích sự lặp lại. Hãy đặt một đứa bé lên đầu gối bạn, rồi cứ nâng nó lên và hạ xuống ba bốn lần, đứa trẻ sẽ nói: “Xin cứ làm thêm nữa.”

Bởi vì Thiên Chúa là sự sống viên mãn, tôi tưởng tượng mỗi sáng Thiên Chúa nói với Mặt trời: “Hãy làm lại lần nữa”; và mỗi buổi tối Ngài nói với mặt trăng và các ngôi sao: “Hãy làm lại lần nữa”; và mỗi mùa xuân Ngài nói với cây cúc: “Hãy làm lại lần nữa”.

Cuộc đời đáng sống khi chúng ta sống mỗi ngày để trở nên gần Thiên Chúa hơn. Khi bạn cầu nguyện, dâng các việc bạn làm để kết hiệp với Thiên Chúa, tiếp tục vui hưởng “nỗi hồi hộp của sự đơn điệu” và “hãy làm lại lần nữa”.

Share:

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (20:19-23)

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Trong bài đọc phụng vụ hôm nay, biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần được so sánh với “một trận cuồng phong” (Cv 2, 2). Hình ảnh này nói gì với chúng ta đây? Trận gió dữ dội làm cho chúng ta liên tưởng tới một sức mạnh lớn, nhưng tự mình, đây không phải là một mục tiêu: đây là một sức mạnh biến đổi thực tại. Vì chưng, gió mang lại sự biến đổi: những luồng gió ấm khi trời trở lạnh, những luồng gió mát khi trời chuyển nóng, mưa rơi khi trời khô hạn... Và trời đất đã thay đổi như thế. Chúa Thánh Thần cũng thế, ở một bình diện khác nhau, Người cũng làm như thế: Người là sức mạnh thần linh làm thay đổi, làm thay đổi thế giới.

Ca tiếp liên đã nhắc cho chúng ta nhớ lại điều này: Thần Khí là “sự nghỉ ngơi trong cảnh lao nhọc, là niềm an ủi trong cảnh lệ rơi”; và chúng ta nài van Người như sau: “Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành nơi thương tích”. Người thâm nhập vào trong mọi tình huống và biến đổi chúng; Người biến đổi các tâm hồn, và Người thay đổi các biến cố.

Người biến đổi các tâm hồn. Đức Giêsu đã nói với các tông đồ của Người rằng: “Các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con, lúc đó, các con sẽ là những chứng nhân của Thầy” (Cv1, 8). Và thực sự là như thế: lúc đầu, các môn đệ này sợ sệt, họ giam chặt mình trong phòng, cửa đóng then cài, thậm chí ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, và nay họ đã được biến đổi nhờ Thần Khí, và như Đức Giêsu đã loan báo trong bài Phúc Âm ngày hôm nay, họ đã làm chứng cho Người (x. Ga 15, 27). Từ những người lảo đảo, nay họ đã trở nên can đảm, và một khi xuất phát từ kinh thành Giêrusalem, họ đã đi đến tận cùng bờ cõi trái đất. Từ những người sợ hãi khi Đức Giêsu còn ở giữa họ nhưng chưa lãnh nhận Thần khí, nay họ đã trở nên táo bạo là vì Thần Khí đã biến đổi tâm hồn họ.

Thần Khí giải phóng các tâm trí bị tê liệt vì sợ hãi. Thần Khí chiến thắng những sức lực đối kháng. Đối với ai bằng lòng với cuộc sống nửa vời, thì Người ban cho người ấy sức hăng say để tận hiến. Người mở rộng những con tim hẹp hòi. Người thúc đẩy người nào đắm mình trong tiện nghi để ra đi phục vụ. Người giúp ai tưởng mình đã đến nơi lại tiếp tục ra đi. Người làm cho ai sống hững hờ biết mơ mộng. Đó là sự thay đổi của con tim.

Nhiều người hứa hẹn những mùa thay đổi, những cuộc khởi hành ra đi mới, những cuộc canh tân kỳ diệu, nhưng kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng, không một toan tính thay đổi mọi sự ở trần gian này có thể hoàn toàn thoả mãn được con tim của con người chúng ta. Sự thay đổi của Thần Khí thì lại khác: Người không cách mạng hoá cuộc sống xung quanh chúng ta, nhưng Người thay đổi con tim chúng ta; Người không giải phóng chúng ta ngay một lần, một lượt khỏi những vấn nạn, nhưng Người giải phóng chúng ta ngay từ bên trong để đương đầu với những vấn nạn đó; Người không ban cho chúng ta tất cả ngay lập tức, nhưng Người giúp chúng ta tin tưởng bước đi mà không bao giờ mỏi mệt về cuộc sống.

Thần Khí giữ cho con tim được tươi trẻ - chính Người canh tân sức tươi trẻ của con tim. Tuổi trẻ, mặc cho mọi nỗ lực của con người chúng ta để kéo dài tuổi trẻ, thì chóng hay chầy, cũng sẽ trôi qua thôi, còn trái lại, Thần Khí giữ cho chúng ta tránh được sự già nua duy nhất mang đặc tính độc hại, đó là sự già nua nội tâm. Phải tiến hành như thế nào đây? Bằng cách canh tân con tim, bằng cách biến đổi con tim của tội nhân thành con tim của người được tha thứ.

Đó là sự thay đổi lớn lao: từ những tội nhân, Người làm cho chúng ta trở nên những người công chính, và như thế, tất cả sẽ thay đổi, là vì, từ nô lệ tội lỗi, chúng ta trở nên những người tự do, từ những tôi tớ, chúng ta trở nên những người con, từ những người sống ngoài lề xã hội, chúng ta trở nên những người quan trọng, từ những người thất vọng, chúng ta trở nên những con người đầy hy vọng. Như thế, Chúa Thánh Thần làm cho niềm vui được tái sinh, và như thế, Người làm nở hoa bình an trong tâm hồn.

Như thế, ngày hôm nay, chúng ta học biết điều chúng ta cần phải làm, khi chúng ta cần có một sự thay đổi thật sự. Ai trong chúng ta lại không cần điều đó? Nhất là khi chúng ta đang sống trên trần gian này, khi chúng ta lao nhọc dưới gánh nặng của cuộc đời, khi những yếu đuối đè bẹp chúng ta, khi tiến bước về phía trước thì thật nhiêu khê, và yêu thương thì dường như vô phương. Lúc đó, chúng ta cần một liều “thuốc tăng lực” hữu hiệu: chính Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh “Credo” [Kinh Tin Kính], “ban sức mạnh”. Thật tốt đẹp biết bao, nếu mỗi ngày chúng ta dùng viên thuốc tăng lực ban sự sống này! Hãy nói khi chúng ta thức dậy: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến, xin Ngài hãy đến trong lòng con, xin Ngài hãy đến trong ngày sống của con”.

Thần Khí, sau khi biến đổi các tâm hồn, Người thay đổi các biến cố. Cũng như gió thổi khắp nơi, thì cũng thế, Thần Khí cũng đạt đến những tình huống mà chúng ta không thể nào nghĩ tưởng tới được. Trong sách Công Vụ Tông Đồ - là một quyển sách mà chúng ta cần phải khám phá, và nơi đây, Thần Khí là nhân vật chủ chốt - chúng ta thấy được một năng lực liên tục, đầy những bất ngờ. Khi các môn đệ không hề ngờ, không hề nghĩ đến, thì Thần Khí lại gửi họ đi đến với những người dân ngoại. Thần Khí mở ra những con đường mới, như trong giai thoại về Phó Tế Philipphê.

Thần Khí thúc đẩy vị phó tế này trên một con đường hiu quạnh, vắng vẻ, con đường dẫn từ kinh thành Terusalem đến dải Gaza - ôi danh từ này ngày hôm nay vang lên làm chúng ta đau nhói con tim! Ước gì Thần Khí thay đổi mọi con tim cũng như mọi biến cố, và mang lại hoà bình cho Thánh Địa! - Trên con đường này, Phó Tế Philipphê rao giảng cho viên công chức xứ Ethiopi, và rửa tội cho ông; sau đó, Thần Khí đưa Phó Tế Philipphê đến Ashdod, rồi đến tận Cesarea: vẫn luôn luôn trong những tình huống mới, để vị phó tế này loan truyền nét mới mẻ của Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có Thánh Phaolô, là người “bị Thần Khí bắt buộc” (Cv 20, 22) ra đi đến tận những nơi cùng tận xa xôi, để mang Phúc Âm đến cho những dân tộc mà ngài chưa bao giờ gặp mặt. Khi có Thần Khí, thì vẫn luôn luôn xảy ra một cái gì đó, khi Thần Khí thổi, thì không hề có lúc thảnh thơi ngơi nghỉ, không bao giờ có!

Khi cuộc sống của những cộng đoàn chúng ta trải qua những thời kỳ “thở dốc”, những thời kỳ mà trong đó người ta thích cảnh yên tĩnh ở tại nhà hơn là nét mới mẻ của Thiên Chúa, thì lúc đó là một dấu hiệu xấu. Điều đó muốn nói là người ta đã tìm một chỗ trú ẩn để chống lại ngọn gió của Thần Khí. Khi người ta sống chỉ để duy trì và bảo vệ con người của mình, và khi người ta không đi đến với những ai ở xa, thì đây không phải là một dấu hiệu tốt lành gì. Thần Khí thổi, nhưng chúng ta lại hạ cờ đầu hàng. Thế nhưng, đã có biết bao nhiêu lần chúng ta thấy Người làm những điều kỳ diệu.

Thường thì chính trong những lúc tăm tối nhất, Thần Khí lại gợi lên sự thánh thiện sáng ngời nhất! Bởi vì Người là linh hồn của Giáo Hội, nên Người luôn thức tỉnh Giáo Hội bằng niềm hy vọng, Người làm cho Giáo Hội tràn ngập niềm vui, Người làm cho Giáo Hội luôn có những nét mới mẻ, Người ban cho Giáo Hội những mầm mống sự sống. Giống như khi trong gia đình chúng ta có cảnh một em bé chào đời: Người đảo lộn thời khoá biểu, Người làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ, nhưng Người lại mang đến cho chúng ta một niềm vui canh tân sự sống, bằng cách làm cho cuộc sống phát triển, bằng cách làm cho cuộc sống trường rộng trong tình yêu. Như thế, chúng ta thấy Thần Khí mang lại một hương vị trẻ thơ” trong lòng Giáo Hội!
Người luôn luôn tạo nên những cuộc hồi sinh liên tục. Người khơi lại tình yêu của những thuở ban đầu. Thần Khí nhắc lại cho Giáo Hội nhớ rằng, mặc dù Giáo Hội có hằng thế kỷ lịch sử, nhưng Giáo Hội vẫn luôn là hai mươi tuổi, Giáo Hội vẫn luôn là người vợ trẻ mà Chúa vô cùng yêu mến. Như thế, chúng ta đừng sợ mỏi mệt khi mời Thần Khí đến hiện diện trong những môi trường của chúng ta đang sống, khi kêu cầu Người trước khi chúng ta bắt đầu làm bất cứ một công việc nào đó: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến!”.

Chúa Thánh Thần sẽ mang lại sức mạnh có sức thay đổi của Người, một sức mạnh duy nhất, đồng thời vừa là hướng tâm vừa là ly tâm, nếu chúng ta có thể nói được như thế. Sức mạnh mang đặc tính hướng tâm, nghĩa là sức mạnh thúc đẩy về tâm điểm, là vì sức mạnh này tác động trong chiều sâu của con tim. Sức mạnh này mang lại sự hợp nhất cho những gì chia rời thành từng mảnh, mang lại bình an trong những mối sầu não, mang lại can đảm trong những con cám dỗ. Thánh Phaolô nhắc lại điều này trong bài đọc thứ hai, khi ngài viết rằng, hoa quả của Thần Khí là niềm vui, là bình an, là trung thành, là tự chủ (x. GL 5, 22).

Thần Khí ban cho chúng ta cuộc sống thân tình với Thiên Chúa, ban cho chúng ta sức mạnh nội tâm để tiến về phía trước. Nhưng đồng thời, Thần Khí cũng là một sức mạnh ly tâm, nghĩa là Thần Khí thúc đẩy ra bên ngoài. Đấng dẫn về tâm điểm cũng là một với Đấng gửi về vùng ngoại biên, về bất cứ vùng ngoại biên nhận văn nào; Đấng mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta đi đến với những người anh chị em của chúng ta. Người sai phái, Người làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân, và để được thế, Thánh Phaolô còn viết, Thần Khí đổ đầy tràn tinh yêu, lòng khoan dung, lòng tốt lành, sự dịu hiền. Chỉ có trong Thần Khí An Ủi, chúng ta mới nói được những lời sự sống, và chúng ta mới thực sự khuyến khích người khác. Ai sống theo Thần Khí thì ở trong lực căng tinh thần này: người ấy vừa căng hướng về Thiên Chúa vừa căng hướng về thế giới.

Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta được như thế. Lạy Chúa Thánh Thần, là ngọn gió mãnh liệt của Thiên Chúa, xin hãy thổi trên chúng con. Xin hãy thổi trong tâm hồn chúng con, và xin hãy làm cho chúng con hít thở tình âu yếm của Cha. Xin hãy thổi trên Giáo Hội, và xin hãy thúc đẩy Giáo Hội đi đến những bờ cõi xa xôi, để được Ngài hướng dẫn, Giáo Hội không mang gì hết ngoài Ngài. Xin hãy thổi hơi ấm nồng nàn của hoà bình và sự tươi mát tái tạo của niềm hy vọng lên trên thế giới. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến, xin hãy thay đổi chúng con ngay từ bên trong, và xin Ngài hãy canh tân bộ mặt trái đất. Amen. 

Share:

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Suy niệm là gì?

Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Có một hình thức cầu nguyện khác cao hơn việc đọc kinh, đó là việc suy niệm. Suy niệm có vẻ giống như việc mơ mộng giữa ban ngày, nhưng có hai điều khác biệt quan trọng. Trong suy niệm, chúng ta không nghĩ về thế gian hay bản thân, nhưng nghĩ về Thiên Chúa và thay vì dùng trí tưởng tượng để xây lâu đài bên Tây Ban Nha, chúng ta dùng ý chí để làm quyết tâm lôi kéo chúng ta lại gần Thiên Chúa hơn. Suy niệm là một hành vi tâm linh hơn là đọc kinh. Nó giống như thái độ của một đứa trẻ đến với mẹ nó và nói: “Con không nói gì hết, nếu mẹ để con ở với mẹ nơi đây và nhìn mẹ.”

Suy niệm cho phép người ta dừng nghĩ đến những vật chất bên ngoài để ý thức đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó đóng cánh của thế gian để đi vào thế giới tâm linh. Nó đặt ý chí của chúng ta dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa. Suy niệm đem ánh sáng các chân lý đức tin chiếu soi cách chúng ta suy nghĩ, nói và hành động giúp chúng ta nhận ra sự thật về những gì chúng ta tự lừa dối mình và tính ích kỷ. Nó đặt ta trước sự công chính của Thiên Chúa, để chúng ta thấy mình thực sự là ai và không như chúng ta vẫn nghĩ về bản thân. Nó dẹp những tiếng kêu gào của cái tôi sang một bên để nghe tiếng Chúa nói. Nó dùng các quan năng của chúng ta không phải để xem xét các chuyện làm chúng ta xa Chúa, nhưng khích lệ ý chí của chúng ta vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Nó vun trồng một thái độ hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý, để giải thoát chúng ta khỏi thành kiến và xu hướng của mình, để chúng ta loại bỏ những suy nghĩ sai trái khỏi tâm trí chúng ta.

Suy niệm giúp chúng ta loại bỏ những gì ngăn trở chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa và củng cố những khát vọng làm điều tốt lành để tôn vinh Thiên Chúa. Nó làm chúng ta đừng dán mắt vào những xa hoa của đời này và nhắc chúng ta nhớ đến thân phận mình là thụ tạo, được dựng nên, được cứu độ và hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Suy niệm không phải là cầu xin một điều gì đó, nhưng đúng hơn là qui phục, là xin Chúa sử dụng chúng ta để tôn vinh Ngài.

Vì suy niệm là cái tại của linh hồn, nên nó quan trọng hơn cái lười. Thánh Phaolô nói rằng: đức tin đến từ việc lắng nghe. Phần nhiều người ta mắc phải sai lầm là nói nhiều hơn nghe. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Người ta có thể cư xử bất lịch sự với Chúa trong đối thoại , khi biến đổi câu lời Chúa từ “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” trở thành “Lạy Chúa, xin hãy nghe, vì tôi tớ Chúa đang nói”. Thiên Chúa có nhiều điều muốn nói để soi sáng chúng ta, chúng ta cần chờ đợi Chúa nói. Không ai đến phòng mạch bác sĩ kể hết các triệu chứng bệnh tật rồi bỏ đi ngay, không chờ nghe lời chẩn đoán của bác sĩ. Không ai mở radio lên rồi bỏ đi ngay. Thật vô lễ khi chúng ta nhấn chuông cửa nhà Chúa rồi bỏ đi. Chúa sẵn sàng lắng nghe lời của chúng ta hơn chúng ta nghĩ. Phần chúng ta cần cải thiện thái độ lắng nghe lời Chúa nói với mình. Khi người ta phàn nàn lời cầu nguyện của họ không được nhậm lời, thì điều thường xảy ra là họ đã không đợi nghe câu trả lời của Chúa.

Suy niệm cải thiện lối cư xử của chúng ta. Người ta thường cho rằng hành động là tất cả, chẳng cần lòng tin. Nhưng điều này vô nghĩa vì chúng ta hành động dựa trên niềm tin của mình. Hitler hành động dựa trên chủ thuyết quốc xã của ông và gây ra chiến tranh. Nếu tư tưởng của chúng ta xấu, hành động của chúng ta sẽ xấu. Những hành vi dâm ô phát xuất từ những tư tưởng dâm ô. Để một người không cướp ngân hàng thì phải làm cho người ấy không bao giờ nghĩ đến việc cướp ngân hàng. Những bất công về chính trị, kinh tế, xã hội phát xuất từ tâm trí con người. Chúng trở thành sự dữ trong xã hội vì tính mãnh liệt của những tư tưởng này đã xâm chiếm đầu óc con người.

Không điều gì xảy ra trong thế giới này mà đã không xảy ra trước trong tâm trí con người. Vệ sinh không chữa lành được những việc vô đạo đức, nhưng nếu dòng tư tưởng được giữ trong sạch thì sẽ không cần phải lo về hậu quả của những suy nghĩ xấu xa trên thân xác. Khi người ta suy niệm và giữ trong tâm trí những tư tưởng và quyết tâm sống mến yêu Thiên Chúa và người lân cận, có một sự thẩm thấu dần dần về tình yêu vào trong tiềm thức và sẽ bộc lộ ra bằng những hành động tốt. Mỗi người phải dò xét cuộc sống của mình, nhất là những tư tưởng của mình.

Tư tưởng của chúng ta làm nên những ao ước của chúng ta và những ước muốn này là nhà điêu khắc làm nên những ngày sống của chúng ta. Khao khát chính là khao khát về số phận. Những khao khát được hình thành từ trong tư tưởng và suy niệm. Và vì hành động theo sau các khao khát, nên linh hồn được thúc đẩy bởi Thiên Chúa và ít bị lung lạc bởi các cám dỗ của thế gian.

Nếu một người suy niệm liên lỉ về Thiên Chúa, một thay đổi lớn sẽ xảy ra trong cách cư xử của người ấy. Nếu trong suy niệm ban sáng chúng ta nhớ là Thiên Chúa đã trở nên một người tôi tới phục vụ chúng ta, chúng ta sẽ không dám có thái độ cha chú đối với những người khác trong suốt ngày hôm đó. Nếu chúng ta suy niệm về ơn cứu độ của mọi người, chúng ta sẽ không dám kiêu ngạo và coi thường người khác. Vì Chúa Giêsu đã nhận lấy hết mọi tội lỗi của thế gian vào thân Ngài, nên bất cứ ai hiểu được sự thật này sẽ nhận vác lấy gánh nặng của người lân cận qua việc giúp đỡ họ. Nếu chúng ta suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, để chúng ta cũng được Chúa tha thứ. Những tư tưởng này đã từ Thiên Chúa đến với chúng ta. Khi sự bất lực của chúng ta được phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi và chúng ta trở nên ít phụ thuộc vào tính khí của mình hơn.

Việc suy niệm làm thay đổi cuộc sống chúng ta nhờ việc được hiệp thông với Thiên Chúa. Đừng bao giờ nói rằng tôi không có thời giờ để suy niệm. Vì chúng ta ít nghĩ đến Thiên Chúa, nên không dành thời giờ cho Ngài. Thời gian chúng ta dành cho điều gì đó phụ thuộc vào việc chúng ta đánh giá điều đó như thế nào. Tư tưởng xác định cách sử dụng thời giờ. Thời giờ không làm chủ tư tưởng. Vấn đề tâm linh không nằm ở thời giờ, nhưng là vấn đề của tư tưởng. Để nên thánh thì không đòi hỏi nhiều thời giờ, nhưng chỉ đòi hỏi rất nhiều tình yêu. 

Share:

CẦU NGUYÊN VÀ SUY NIỆM

Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Yếu tính của cầu nguyện không phải là cố gắng làm cho Thiên Chúa ban cho chúng ta điều gì đó, cũng không dựa trên một điều gì giống như tình bạn của con người, nhưng trong cầu nguyện vẫn có một lời cầu xin hợp pháp. Thiên Chúa ban cho chúng ta hai loại hồng ân: Trước hết, có những ơn Chúa ban cho chúng ta với điều kiện chúng ta cầu xin ơn đó. Ôn này giống như những điều mà một đứa con trong gia đình được nhận như: thức ăn, áo mặc, nơi ở, sự chăm sóc và trông nom. Những ơn này được ban cho mọi đứa con, dù chúng có xin hay không.

Nhưng có những ơn khác được bán với điều kiện đứa con ao ước và nài xin. Một người cha mong mỏi đứa con đi học đại học, nhưng nếu người con từ chối việc học hành hay lơ là chểnh mảng, ơn mà người cha định ban cho con có thể không bao giờ được ban cho nó. Không phải vì người cha rút lại ơn huệ của mình, nhưng đúng hơn là vì người con làm cho ơn huệ không thể bạn được. Chúa Giêsu nói về loại ơn huệ thứ nhất rằng: “Thiên Chúa cho mưa xuống trên cả người công chính lẫn người bất chính” (Mt 5,45). Và Ngài nói về loại ơn huệ thứ hai: “Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7,8).

Cầu nguyện không chỉ là cho Thiên Chúa biết những nhu cầu của chúng ta, vì Thiên Chúa đã biết trước khi chúng ta xin. Đúng hơn, mục đích của cầu nguyện là tạo cơ hội để Thiên Chúa ban các ơn huệ của Ngài cho chúng ta khi chúng ta sẵn sàng lãnh nhận chúng. Không phải con mắt làm cho mặt trời chiếu sáng, không phải hai lá phổi làm cho không khí bao phủ chúng ta. Ánh sáng mặt trời có ở đó nếu chúng ta không nhắm mắt lại và bầu không khí có ở đó cho hai lá phổi của chúng ta nếu chúng ta không ngừng thở. Các phúc lành của Thiên Chúa có ở đó, nếu chúng ta không phản loạn chống lại ý muốn ban ơn của Chúa.

Có những người chỉ nghĩ về bản thân, chỉ cầu xin cho bản thân thôi, còn có những kẻ biết nghĩ đến những người lân cận và chuyển cầu cho họ. Ai chỉ nghĩ đến Thiên Chúa, Đấng yêu thương và phục vụ con người, thì dâng lời phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa và đây là lời cầu nguyện của các thánh. Và cái giá của lời cầu nguyện này thì rất cao đối với đa số chúng ta, vì nó đòi hỏi phải bỏ cái tôi của mình đi. Nhiều tâm hồn muốn Thiên Chúa làm theo ý muốn của họ. Họ đưa ra kế hoạch của họ và xin Chúa chuẩn y mà đừng thay đổi điều gì. Lời cầu nguyện của kinh Lạy Cha bị họ thay đổi như thế này: “Xin cho ý con được thể hiện dưới đất.” Thật khó khăn để Thiên Chúa ban tặng chính Ngài cho những ai chỉ quan tâm đến những điều chóng qua ở đời này. Con người chỉ dựa vào cái tôi của mình, và từ chối mở lòng ra đối với Thiên Chúa thì giống như một quả trứng được đặt trong tủ lạnh, nó không bao giờ nở được, không bao giờ cho sự sống trong nó được phát triển ra bên ngoài. Cái tôi mãi mãi cũng chỉ là một cái phôi nằm trong vỏ trứng.

Ở đâu có tình yêu, thì ở đấy có tư tưởng nghĩ về người mà chúng ta yêu thương. “Của người ở đâu, lòng người ở đó” (Mt 6, 21). Mức độ chúng ta yêu mến phụ thuộc vào giá trị của điều mà chúng ta đặt vào đấy. Thánh Augustinô nói: “Tình yêu là luật của sự hấp dẫn”. Mọi sự có trung tâm của nó. Người học trò thấy môn này khó học bởi vì cậu không thích kiến thức như môn thể thao. Người thương gia thấy khó suy nghĩ về những sự trên trời bởi vì ông chỉ ham thích làm sao cho mình trở nên giàu có thôi. Tâm trí đầy những sự thuộc về xác thịt sẽ thấy rất khó khăn để yêu thích những gì thuộc về tinh thần bởi vì kho tàng của họ nằm nơi xác thịt.

Chúng ta trở nên giống điều chúng ta yêu thích. Nếu người ta yêu thích vật chất, người ta trở nên giống vật chất; nếu người ta yêu thích những điều thuộc về tâm linh, người ta sẽ qui hướng về nó trong lý tưởng, trong khát vọng và cái nhìn của họ. Đưa mối liên hệ này vào lòng yêu mến và việc cầu nguyện, thì dễ hiểu tại sao một số người nói: “Tôi không có thời gian để cầu nguyện.” Họ thực sự không có, bởi vì đối với họ những việc khác cần thiết hơn, quí giá hơn. Họ dành hết thời giờ cho những việc khác nên không còn giờ để cầu nguyện.

Có một hình thức cầu nguyện khác cao hơn việc đọc kinh, đó là việc suy niệm. Suy niệm có vẻ giống như việc mơ mộng giữa ban ngày, nhưng có hai điều khác biệt quan trọng. Trong suy niệm, chúng ta không nghĩ về thế gian hay bản thân, nhưng nghĩ về Thiên Chúa và thay vì dùng trí tưởng tượng để xây lâu đài bên Tây Ban Nha, chúng ta dùng ý chí để làm quyết tâm lôi kéo chúng ta lại gần Thiên Chúa hơn. Suy niệm là một hành vi tâm linh hơn là đọc kinh. Nó giống như thái độ của một đứa trẻ đến với mẹ nó và nói: “Con không nói gì hết, nếu mẹ để con ở với mẹ nơi đây và nhìn mẹ.”

Suy niệm cho phép người ta dừng nghĩ đến những vật chất bên ngoài để ý thức đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó đóng cánh của thế gian để đi vào thế giới tâm linh. Nó đặt ý chí của chúng ta dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa. Suy niệm đem ánh sáng các chân lý đức tin chiếu soi cách chúng ta suy nghĩ, nói và hành động giúp chúng ta nhận ra sự thật về những gì chúng ta tự lừa dối mình và tính ích kỷ. Nó đặt ta trước sự công chính của Thiên Chúa, để chúng ta thấy mình thực sự là ai và không như chúng ta vẫn nghĩ về bản thân. Nó dẹp những tiếng kêu gào của cái tôi sang một bên để nghe tiếng Chúa nói. Nó dùng các quan năng của chúng ta không phải để xem xét các chuyện làm chúng ta xa Chúa, nhưng khích lệ ý chí của chúng ta vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Nó vun trồng một thái độ hướng về Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý, để giải thoát chúng ta khỏi thành kiến và xu hướng của mình, để chúng ta loại bỏ những suy nghĩ sai trái khỏi tâm trí chúng ta.

Suy niệm giúp chúng ta loại bỏ những gì ngăn trở chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa và củng cố những khát vọng làm điều tốt lành để tôn vinh Thiên Chúa. Nó làm chúng ta đừng dán mắt vào những xa hoa của đời này và nhắc chúng ta nhớ đến thân phận mình là thụ tạo, được dựng nên, được cứu độ và hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa. Suy niệm không phải là cầu xin một điều gì đó, nhưng đúng hơn là qui phục, là xin Chúa sử dụng chúng ta để tôn vinh Ngài.

Vì suy niệm là cái tại của linh hồn, nên nó quan trọng hơn cái lười. Thánh Phaolô nói rằng: đức tin đến từ việc lắng nghe. Phần nhiều người ta mắc phải sai lầm là nói nhiều hơn nghe. Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Người ta có thể cư xử bất lịch sự với Chúa trong đối thoại , khi biến đổi câu lời Chúa từ “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” trở thành “Lạy Chúa, xin hãy nghe, vì tôi tớ Chúa đang nói”. Thiên Chúa có nhiều điều muốn nói để soi sáng chúng ta, chúng ta cần chờ đợi Chúa nói. Không ai đến phòng mạch bác sĩ kể hết các triệu chứng bệnh tật rồi bỏ đi ngay, không chờ nghe lời chẩn đoán của bác sĩ. Không ai mở radio lên rồi bỏ đi ngay. Thật vô lễ khi chúng ta nhấn chuông cửa nhà Chúa rồi bỏ đi. Chúa sẵn sàng lắng nghe lời của chúng ta hơn chúng ta nghĩ. Phần chúng ta cần cải thiện thái độ lắng nghe lời Chúa nói với mình. Khi người ta phàn nàn lời cầu nguyện của họ không được nhậm lời, thì điều thường xảy ra là họ đã không đợi nghe câu trả lời của Chúa.

Suy niệm cải thiện lối cư xử của chúng ta. Người ta thường cho rằng hành động là tất cả, chẳng cần lòng tin. Nhưng điều này vô nghĩa vì chúng ta hành động dựa trên niềm tin của mình. Hitler hành động dựa trên chủ thuyết quốc xã của ông và gây ra chiến tranh. Nếu tư tưởng của chúng ta xấu, hành động của chúng ta sẽ xấu. Những hành vi dâm ô phát xuất từ những tư tưởng dâm ô. Để một người không cướp ngân hàng thì phải làm cho người ấy không bao giờ nghĩ đến việc cướp ngân hàng. Những bất công về chính trị, kinh tế, xã hội phát xuất từ tâm trí con người. Chúng trở thành sự dữ trong xã hội vì tính mãnh liệt của những tư tưởng này đã xâm chiếm đầu óc con người.

Không điều gì xảy ra trong thế giới này mà đã không xảy ra trước trong tâm trí con người. Vệ sinh không chữa lành được những việc vô đạo đức, nhưng nếu dòng tư tưởng được giữ trong sạch thì sẽ không cần phải lo về hậu quả của những suy nghĩ xấu xa trên thân xác. Khi người ta suy niệm và giữ trong tâm trí những tư tưởng và quyết tâm sống mến yêu Thiên Chúa và người lân cận, có một sự thẩm thấu dần dần về tình yêu vào trong tiềm thức và sẽ bộc lộ ra bằng những hành động tốt. Mỗi người phải dò xét cuộc sống của mình, nhất là những tư tưởng của mình.

Tư tưởng của chúng ta làm nên những ao ước của chúng ta và những ước muốn này là nhà điêu khắc làm nên những ngày sống của chúng ta. Khao khát chính là khao khát về số phận. Những khao khát được hình thành từ trong tư tưởng và suy niệm. Và vì hành động theo sau các khao khát, nên linh hồn được thúc đẩy bởi Thiên Chúa và ít bị lung lạc bởi các cám dỗ của thế gian.

Nếu một người suy niệm liên lỉ về Thiên Chúa, một thay đổi lớn sẽ xảy ra trong cách cư xử của người ấy. Nếu trong suy niệm ban sáng chúng ta nhớ là Thiên Chúa đã trở nên một người tôi tới phục vụ chúng ta, chúng ta sẽ không dám có thái độ cha chú đối với những người khác trong suốt ngày hôm đó. Nếu chúng ta suy niệm về ơn cứu độ của mọi người, chúng ta sẽ không dám kiêu ngạo và coi thường người khác. Vì Chúa Giêsu đã nhận lấy hết mọi tội lỗi của thế gian vào thân Ngài, nên bất cứ ai hiểu được sự thật này sẽ nhận vác lấy gánh nặng của người lân cận qua việc giúp đỡ họ. Nếu chúng ta suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, để chúng ta cũng được Chúa tha thứ. Những tư tưởng này đã từ Thiên Chúa đến với chúng ta. Khi sự bất lực của chúng ta được phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi và chúng ta trở nên ít phụ thuộc vào tính khí của mình hơn.

Việc suy niệm làm thay đổi cuộc sống chúng ta nhờ việc được hiệp thông với Thiên Chúa. Đừng bao giờ nói rằng tôi không có thời giờ để suy niệm. Vì chúng ta ít nghĩ đến Thiên Chúa, nên không dành thời giờ cho Ngài. Thời gian chúng ta dành cho điều gì đó phụ thuộc vào việc chúng ta đánh giá điều đó như thế nào. Tư tưởng xác định cách sử dụng thời giờ. Thời giờ không làm chủ tư tưởng. Vấn đề tâm linh không nằm ở thời giờ, nhưng là vấn đề của tư tưởng. Để nên thánh thì không đòi hỏi nhiều thời giờ, nhưng chỉ đòi hỏi rất nhiều tình yêu. 

Share:

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Mục đích cuộc đời

Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Quyết định đầu tiên mỗi người lữ khách phải thực hiện là chọn đích đến. Chỉ khi nào biết mình đi đâu người ta mới quyết định chọn lựa mình sẽ dùng phương tiện gì: đi xe hơi, đi bộ, tàu hỏa, máy bay... Con người khôn ngoan cũng làm như thế trong việc thu xếp cuộc sống, vì cuộc đời là một chuyến đi. Nó cũng phải có mục đích, được lựa chọn hợp lý, sau đó chúng ta mới quyết định sử dụng năng lực tối ưu để đến được đích đó.

Chỉ ai biết chọn Thiên Chúa làm mục đích cuộc đời mới hướng trọn vẹn hoạt động của mình vào việc cứu rỗi linh hồn. Đó cũng là hành vi lựa chọn thường tình đối với con người. Có những người như nhân vật Macbeth của Shakespear xem cuộc đời chỉ là một câu chuyện kể của một người điên, đầy âm thanh và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì”. Nhưng cũng như Macbeth, họ đi đến kết luận này chỉ vì những tội lỗi ghê gớm của họ khiến họ hãi hùng với sự phán xét sau khi chết. Không ai phủ nhận sự bất tử cả, trừ kẻ nào nhận thấy chính cuộc sống của họ khiến họ sợ hãi cuộc sống đời sau. Người vô liêm sỉ phạm tội và thừa nhận một châm ngôn nào đó để hợp pháp hóa tội lỗi của họ.

Nhiều người ngày nay cho rằng mục đích đời người là sự giàu sang. Đó là một đích đến thấp kém, vì nó hạ thấp phẩm giá con người bắt con người phụng sự một thực thể kém hơn nhân cách, Có người lại săn đuổi danh vọng, đó cũng không phải là mục đích sáng giá và làm chúng ta thỏa mãn được. Danh vọng không nâng được mình lên cao hơn đồng loại. Khi chọn mục đích sống “người ta sao mình vậy” thì đây là cách che đậy tình trạng suy sụp thần kinh bằng cách tự biến thành nô lệ cho công luận.

Một mục đích sống thật sự phải cứu xét đến bản chất con người: sinh ra để làm gì và khao khát những gì. Tính năng giúp con người khác với thú vật đó là tri thức (khả năng tìm kiếm chân lý) và ý chí (khát khao sự thiện hảo). Nhưng chúng ta biết rằng chân lý hoàn hảo và sự thiện tối cao chỉ có nơi Thiên Chúa và chúng ta chỉ đạt được sự viên mãn trong Ngài mà thôi. Một khi coi Thiên Chúa là mục đích thì hạnh phúc đạt được không chỉ giới hạn trong cõi đời chóng qua này, mà còn cho linh hồn của chúng ta nữa. Người nhận Thiên Chúa làm mục đích cuộc đời sẽ có được bình an mà thế gian này không thể ban cho, cũng như không thể hủy diệt được.

Một khi đã chọn Thiên Chúa làm giá trị chủ đạo, chúng ta cần có một khuôn mẫu để đo lường các hành động, để đánh giá tốt xấu. Người làm lành là người hướng về Thiên Chúa, còn làm dữ khi quay lưng lại với Thiên Chúa. Cuộc sống hiện tại là sự chuẩn bị để được sống hạnh phúc với Thiên Chúa trong vĩnh cửu. Đó là mục đích thực sự cho con người. Khi nào chúng ta dấn bước về phía Thiên Chúa, bấy giờ chúng ta tốt lành, nghĩa là chúng ta đang thực thị mục đích của mình. Con người thiện hảo khi chu toàn tốt đẹp mục đích này: hiểu biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.

Chỉ khi nào cuộc sống của chúng ta qui chiếu về Thiên Chúa, chúng ta mới đánh giá đúng mức được giá trị của hành động này so với hành động kia. Điều quan trọng là duy trì và phát triển mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa và gia đình, bạn bè, và mọi người. Khi chúng ta loại bỏ tính ích kỷ thì mỗi người, mỗi sự việc và mỗi thụ tạo đều giúp chúng ta tiến về với Thiên Chúa là cùng đích của cuộc đời chúng ta.

Share:

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Chúa Nhật Lễ Chúa Lên Trời, năm B

Từ bài giảng của ĐTC Phanxicô:

Ngày hôm nay… chúng ta long trọng cử hành Lễ Chúa Lên Trời. Ngày lễ này chứa đựng hai yếu tố. Một mặt, ngày lễ này hướng cái nhìn của chúng ta về trời cao, nơi Đức Giêsu được tôn vinh đang ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Mc 16, 19). Mặt khác, ngày lễ này nhắc cho chúng ta nhớ lại khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Tại sao thế? Bởi vì Đức Giêsu phục sinh và lên trời sai các môn đệ của Người ra đi truyền bá Phúc Âm trên toàn thế giới. Do đó, Lễ Chúa Lên Trời khuyến khích chúng ta đưa mắt nhìn lên trời cao, để rồi sau đó, lại đưa mắt nhìn xuống đất thấp, để chu toàn những trách vụ mà Chúa Phục Sinh giao phó cho chúng ta.

Đó là điều mà bài Phúc Âm ngày hôm nay mời gọi chúng ta thi hành: biến cố Thăng Thiên xảy ra ngay sau sứ mệnh mà Đức Giêsu uỷ thác cho các môn đệ. Đây là một sứ mệnh không biên giới - nghĩa là “không có giới hạn”, nếu chúng ta dịch từng chữ - vượt qua những sức mạnh của con người. Vì chưng, Đức Giêsu nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, tuyên bố Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Nhiệm vụ mà Đức Giêsu giao phó cho một nhóm nhỏ gồm những con người đơn sơ, và không có những khả năng lớn lao gì về mặt trí thức, dường như thực sự là quá táo bạo! Thế nhưng, đoàn hội bé nhỏ này, chẳng có tầm quan trọng gì, khi đối diện với những quyền lực lớn lao của trần gian này, lại được sai phái để mang sứ điệp tình yêu và lòng thương xót của Đức Giêsu đến các chân trời góc bể.

Nhưng chương trình của Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện được nhờ sức mạnh mà chính Thiên Chúa đã ban cho các tông đồ. Theo nghĩa này, thì Đức Giêsu trấn an các tông đồ rằng, sứ mệnh của họ được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Và Người nói: “Nhưng các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ ngự xuống trên các con. Lúc đó, các con sẽ là những chứng nhận của Thầy tại kinh thành Jerusalem, trong khắp cả vùng ludea và vùng Samaria, và cho đến tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1, 8). Chính như thế đó mà sứ mệnh này đã có thể thực hiện được, và các tông đồ đã bắt đầu công việc này, và sau đó, được đeo đuổi bởi những người kế vị các ngài. Sứ mệnh mà Đức Giêsu giao phó cho các tông đồ đã được đeo đuổi dọc suốt dòng thời gian, và còn tiếp tục trong ngày hôm nay nữa: sứ mệnh này đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Vì chưng, mỗi người, căn cứ vào Bí Tích Thánh Tẩy mà họ đã lãnh nhận, có đủ tư cách trong những gì liên quan bố Phúc Âm. Đích xác chính Bí Tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta có đủ tư cách, và thúc đẩy chúng ta làm những nhà thừa sai, thúc đẩy chúng ta đi loan báo Phúc Âm.

Lễ Chúa Lên Trời, trong khi khai mở một hình thức hiện diện mới của Đức Giêsu ở giữa chúng ta, đã yêu cầu chúng ta phải có một cặp mắt, và một con tim để gặp gỡ Đức Giêsu, để phục vụ Người, và để làm chứng tá cho Người bên cạnh những người khác. Ở đây muốn nói đến những người đàn ông và phụ nữ của biến cố Lên Trời, nghĩa là những con người tìm kiếm Đức Kitô trên những con đường của thời đại chúng ta đang sống, là những con người mang lời cứu độ của Đức Giêsu cho đến tận cùng chân trời góc bể của hành tinh xanh này. Trên lộ trình này, chúng ta gặp được chính Đức Kitô trong những người anh em của chúng ta, đặc biệt trong những người nghèo nhất, trong những ai đang đau khổ trên thân xác của họ, qua cảm nghiệm đau đớn và thê lương của những cảnh nghèo đói của ngày hôm qua và ngày hôm nay. Cũng như vào lúc khởi đầu, Đức Kitô Phục Sinh đã sai các tông đồ của Người, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thì ngày hôm nay cũng thế, Người cũng sai phải tất cả chúng ta, cùng với cùng một sức mạnh, để mang đến những dấu chỉ cụ thể và hữu hình của niềm hy vọng. Bởi vì Đức Giêsu ban cho chúng ta niềm hy vọng, nên Người đã về trời và đã mở ra những cánh cửa của Trời cao, và cho chúng ta hy vọng rằng, chúng ta cũng sẽ đến đó với Người.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, với tư cách là thân mẫu của Chúa đã chết và sống lại, là Đấng đã thúc đẩy niềm tin của cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, giúp chúng ta cũng “nâng tâm hồn lên”, như phụng vụ vẫn thường khuyến khích chúng ta làm thế. Và đồng thời, ước gì Mẹ giúp chúng ta “đặt chân trên đất cứng”, và can đảm gieo rắc Phúc Âm, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống và của lịch sử.

Share:

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ VI Mùa Phục Sinh, Năm B

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 15:9-17)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

--------------------

Anh chị em thân mến, Xin chào buổi sáng!

Trong Mùa Phục Sinh này, Lời Chúa tiếp tục chỉ bảo cho chúng ta những cung cách sống gắn kết chặt chẽ với nhau để làm cộng đoàn của Đấng Phục Sinh. Trong số những cung cách sống đó, bài Phúc Âm ngày hôm nay giới thiệu cho chúng ta những lệnh truyền của Đức Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9), ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu. Cư ngụ trong dòng sông tình yêu của Thiên Chúa, trung thành ở lại trong tình yêu, đó là điều kiện để chúng ta không đánh mất đi sự hăng say và táo bạo của tình yêu chúng ta trên bước đường hành trình. Chúng ta cũng thế, cũng như Đức Giêsu, và trong Đức Giêsu, với lòng biết ơn, chúng ta phải đón nhận tình yêu đến từ Cha, và ở lại trong tình yêu của Cha, bằng cách không để cho tính ích kỷ và tội lỗi tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Cha. Đây là một chương trình mang tính đòi hỏi, nhưng không phải là không thể thực hiện được.

Trước tiên, điều quan trọng là chúng ta phải ý thức rằng, tình yêu của Đức Kitô không phải là một thứ tình cảm hời hợt, không, không phải thế, đây là một thái độ cơ bản của con tim, được biểu lộ qua sự kiện sống như Đức Kitô muốn. Vì chưng, Đức Giêsu quả quyết: “Nếu các con giữ lệnh truyền của Thầy, thì các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ những lệnh truyền của Cha Thầy, và Thầy ở lại trong tình yêu của Cha” (c. 10). Tình yêu được thể hiện qua cuộc sống mỗi ngày, được thể hiện qua những thái độ sống, qua những hành động, nếu không, thì đó chỉ là một cái gì hão huyền. Đó chỉ là những từ ngữ, những ngôn từ, những từ ngữ: đó không phải là tình yêu. Tình yêu thì cụ thể, tình yêu được thể hiện mỗi ngày. Đức Giêsu yêu cầu chúng ta tuân giữ các giới răn của Người được tóm tắt lại qua điều sau đây: “Các con hay yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (c. 12).

Làm thế nào để chia sẻ cho những người khác tình yêu mà Chúa Phục Sinh đã ban cho chúng ta? Đã không biết bao nhiêu lần Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy ai là người chúng ta phải yêu, không phải yêu bằng lời nói, nhưng bằng những việc làm. Đó là người mà tôi gặp trên những nẻo đường tôi đi, và đó là người mà qua gương mặt và qua lịch sử của người đó, đã chất vấn tôi; đó là người, mà chỉ cần qua sự hiện diện của người đó, cũng đã đủ để thúc đẩy tôi đi ra khỏi cái tháp báu ngọc ngà là những tư lợi của tôi, cũng như đi ra khỏi những an ninh của tôi, đó là người đang chờ, đang đợi tôi dành chút ít thời gian để sẵn sàng nghe người ấy nói, và sẵn sàng cùng nhau đi một đoạn đường. Sẵn sàng đối với mỗi người anh chị em, dầu họ là ai, và dầu cho tình thế mà họ đang sống trong đó là gì đi chăng nữa, và bắt đầu bằng người ở gần tôi, trong gia đình của tôi, trong cộng đoàn của tôi, nơi công sở tôi làm việc, nơi học đường tôi đèn sách... Bằng cách đó, nếu tôi sống kết hợp với Đức Giêsu, thì tình yêu của Người có thể chạm đến người đó, và lôi kéo người đó đến với Đức Giêsu, đến với tình bạn của Người.

Và tình yêu mà chúng ta dành cho tha nhân không thể chỉ được dành cho những lúc đặc biệt, nhưng tình yêu đó phải trở nên hằng số cho cuộc hiện sinh của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta được mời gọi, chẳng hạn, dùng tình yêu thương để bảo vệ những người da mồi tóc bạc, như thể đó là một kho tàng quý giá, ngay cả khi những con người này tạo nên những vấn nạn về kinh tế, và làm cho chúng ta cảm thấy chẳng thoải mái chút nào, thì chúng ta vẫn phải bảo vệ họ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải sẵn sàng để có thể giúp đỡ những bệnh nhân, ngay cả những bệnh nhân ở giai đoạn cuối. Đó là lý do tại sao các em được sinh ra phải luôn luôn được đón tiếp, đó là lý do tại sao, rốt cục, sự sống phải luôn luôn được bảo vệ và yêu mến, kể từ lúc thụ thai cho đến ngày kết thúc cách tự nhiên. Đó chính là tình yêu.

Chúng ta được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Giêsu Kitô, Người là Đấng yêu cầu chúng ta yêu mến nhau, như Người yêu mến chúng ta. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này, nếu chúng ta có được Quả Tim của Người trong chúng ta. Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được kêu gọi đến tham dự mỗi Chúa Nhật, có mục đích tạo nên trong lòng chúng ta Quả Tim của Đức Kitô, để cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta được hướng dẫn nhờ những thái độ quảng đại của Người. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu, và lớn lên trong tình yêu dành cho tất cả mọi người, đặc biệt dành cho những người yếu đuối nhất, để hoàn toàn đáp trả lại ơn gọi Kitô hữu của chúng ta.

Share: