Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Thế giới tâm linh

Không may, nhiều tín hữu đã đánh mất khả năng nhận thức về sự tương tác giữa thế giới tự nhiên và thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh trở nên điều gì đó xa lạ. Bằng tri thức, có lẽ ta chấp nhận nó, nhưng trên thực tế, thế giới tâm linh không phải một phần của thế giới quan phương Tây chúng ta. Với những người khác, nó vẫn là điều gì đó kỳ dị và người ta thà không nghĩ đến còn hơn. Ngay cả người đã thức tỉnh tâm linh cũng thấy mơ hồ.

Việc thế giới ma quỷ bị ẩn giấu là một phần vấn đề. Ta thường sợ điều ta không hiểu, và ta không hiểu thế giới đó. Nỗi sợ là một trong những chướng ngại lớn nhất trong sự hợp tác của ta với Thiên Chúa để được giải phóng. Hình ảnh ma quỷ lảng vảng xung quanh hay bên trong ta kích thích một trong những nỗi sợ cơ bản nhất: Có gì đó không ổn với tôi mà tôi không làm gì được. Như Adam và Evà, ta phản ứng bằng cách lẩn trốn.

Việc nói về ma quỷ có thể mang tới những nỗi sợ như “Tôi có bị quỷ ám không?" Ta tưởng tượng ra một con quỷ nhỏ mọn xấu xa trốn ở một nơi bí mật bên trong ta. Đáng sợ! Ghê tởm! Viễn tưởng đó phần nào cũng đúng, nhưng sự thật là ma quỷ không xấu xa hơn tội mà nó giấu phía sau. Tội mà chúng ta đã quen phạm, lối suy nghĩ làm phật lòng Người đã tạo ra chúng ta, nỗi tuyệt vọng mà ta vác theo và đã trở nên quen thuộc, dục vọng ta âm thầm nuôi dưỡng, sự hiềm thù và cay đắng ta ấp ủ. Những điều này là biểu hiện của việc bị ma quỷ ảnh hưởng. Ma quỷ trông như thế đấy, nhưng trong mắt ta chúng trông không xấu lắm vì chúng là những con quỷ của ta. Chúng là những vị khách được mời, là bạn đồng hành của ta.

Ý nghĩa của từ trong Sách Kinh mà thường được dịch là “bị chiếm hữu” làm nảy sinh sự sợ hãi và hoang mang. Tiếng Hy Lạp có một cách dịch hay hơn là “quỷ ám." Thật ra nó có nghĩa là “có một con quỷ” hay “hành động dưới sự kiểm soát của một con quỷ.” Từ “bị chiếm hữu” trong tiếng Anh hàm ý đời sống của người đó ở dưới sự kiểm soát của ma quỷ hay rất nhiều quỷ. Điều này nghiêm trọng hơn nhiều so với việc bị một con quỷ gây ảnh hưởng lên một hay vài địa hạt của đời sống. Đây là ví dụ điển hình về cách kẻ thù muốn dời chúng ta từ chỗ cân bằng sang chỗ cực đoan.

Ta khó mà cho rằng mình cần được giải thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ nếu ta đánh đồng ảnh hưởng đó với sự bị ma quỷ chiếm hữu, nhất là kiểu chiếm hữu được truyền thông mô tả. Nhiều Kitô hữu xem hoạt động của ma quỷ thuộc về lý thuyết mà không nghĩ nó có ảnh hưởng thực sự lên đời sống tín hữu. Họ tin rằng ma quỷ chỉ có thể tác động những ai không biết Đức Kitô. Có thể nào một Kitô hữu lại “bị quỷ ám,” bị ở dưới ảnh hưởng của ác thần hoặc bị mất tự do ở một địa hạt nào đó trong cuộc sống? Có. Hầu hết tín hữu sẽ thừa nhận rằng có những địa hạt trong cuộc sống họ không suy phục Đức Kitô. Họ đang giấu diếm điều gì đó. Trong những địa hạt này, ma quỷ vẫn có thể gây ảnh hưởng và giữ mọi người trong vòng nô lệ.

Phim ảnh và sách vở thường dùng cách tập trung vào những vụ quỷ nhập nghiêm trọng để làm gia tăng nỗi sợ của chúng ta. Những biểu hiện bệnh hoạn của ma quỷ đáp lại lời cầu nguyện của linh mục hay thừa tác viên khiến ta phân vân: Satan có thể chiếm linh hồn của một Kitô hữu không? E sợ ma quỷ và không chắc chắn về tình yêu của Chúa Giêsu, nhiều người bị cướp mất thẩm quyền họ có trong Danh thánh Giêsu. Nghĩ về việc được cầu nguyện giải thoát nhắc tôi nhớ đến người bị quỷ ám mà Chúa Giêsu đã gặp trong Phúc Âm theo Thánh Mác-cô, chương 5. Người bị quỷ ám có sức mạnh siêu nhân bẻ được xiềng xích. Lũ quỷ nói qua miệng anh và làm anh phát điên, khiến anh tự rạch thân mình.

Tôi tin rằng những lần ma quỷ hiện hình đầy quyền phép liên quan đến mức độ xâm nhập hơn là quyền năng của ma quỷ, nghĩa là cuộc sống và tính cách người bị quỷ ám đã bện chặt với sự hiện diện của ma quỷ đến mức nào. (Trong Luca 11:26 Chúa Giêsu chỉ ra rằng có quỷ này ranh mãnh hơn quỷ khác. Mặc dù mỗi con có mức năng lực khác nhau, sức mạnh của chúng không là gì so với quyền năng của Chúa phục sinh.)

Hơn 95% những người đã được chúng tôi cầu nguyện cho không có sự hiện hình của ma quỷ về thể lý. Sự hiện hình của ma quỷ về thể lý thật sự có xảy ra, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chúng chỉ chiếm phần thiểu số. Trong những vụ nghiêm trọng nhất người ta mới thấy quỷ hiện hình. (Tôi sẽ bàn luận đầy đủ hơn về sự quỷ hiện hình trong chương 14.) Sự quỷ hiện hình cũng thường thấy hơn trong những mẫu kinh cầu giải thoát nhấn mạnh việc chạm trán ma quỷ hoặc khi người ta đã tính tới việc quỷ hiện hình. Chăm chăm vào những biểu hiện dữ dội khi bị quỷ ám ngăn nhiều người tìm kiếm ơn giải thoát, tôi chắc chắn lũ quỷ không rảnh đâu mà hiện hình, tụi nó thích lẩn trốn.

Trốn trong hào rãnh

Ma quỷ có nhiều chiến lược. Một trong số đó là nó thích cải trang và trốn trong bóng tối, để có thể từ nơi kín giấu mà dụ dỗ ta. Hãy nhớ, khi dụ dỗ Adam và Evà nó đã cải trang thành con rắn, một trong các tạo vật của Chúa.

Nhiều lần khi chúng tôi cầu nguyện với ai đó, chúng tôi cảm thấy sự giải thoát khỏi vòng nô lệ di chuyển từ phòng này sang phòng khác. Người đó tiết lộ một địa hạt khó khăn và từ khước ma quỷ liên quan tới khó khăn ấy, và rồi họ thấy có thứ gì sâu thẳm hơn hay tăm tối hơn, một cánh cửa mở sang căn phòng khác. Khi người ta được tự do khỏi chỗ nô lệ thì điều từng bị giấu kín nay trở nên rõ ràng.

Một thừa tác vụ từng đến nhờ chúng tôi cầu nguyện. Anh thú nhận là anh sợ phát biểu trước đám đông. Anh cũng kể đã phải chịu đựng nhiều thôi thúc tính dục, nhưng tìm cách kháng cự lại được. Trước khi cầu nguyện giải thoát với ai, tôi đều đặt một số câu hỏi – kiểu nói chuyện thân mật – để có thông tin về môi trường thơ ấu và lối sống của người đó. “Bố mẹ anh là người thế nào,” tôi hỏi.

Anh nói, “Mẹ tôi bận quá nên ít dành thời gian cho tôi.” “Bà thích kiểm soát và hay phán xét bố tôi khi ông không ở gần. Bố tôi thì chất phác hơn. Tôi từng chơi cùng bố. Khi tôi bảy tuổi ông phải rời quê nhà một năm đi tìm việc. Sau khi ông quay lại, quan hệ giữa bố con tôi không bao giờ như trước nữa.”

Khi lắng nghe anh và cố cảm nhận Chúa Thánh Thần, tôi ghi lại nhiều thứ anh có thể từ khước: sợ hãi, sợ nói trước đám đông, sự bị từ chối, sợ bị làm nhục, sợ bị bẽ mặt, sợ bị phán xét, bấn an, kiểm soát, bỏ rơi, từ chối, bi thương, cô đơn và hối hận.

Nhưng vấn đề ẩn bên dưới là gì? Tôi gợi ý, “Có lẽ khi mẹ anh phê phán bố anh lúc mà ông không ở gần, anh đã cảm thấy bất an, tự hỏi mẹ sẽ nói gì về anh khi anh quay đi chỗ khác.”

“Tôi chưa từng nghĩ thế.”

Tôi lặp lại, “Cũng có thể tôi sai, nhưng khi chúng ta bắt đầu tôi muốn hướng dẫn anh cầu nguyện tha thứ. Nếu anh thấy mình giống bố mà mẹ thì phán xét bố, anh có lẽ đã cảm thấy như thể anh nên làm hay nói gì đó, nhưng anh lại không làm hay nói gì được. Có thể anh đã chạnh lòng.”

Anh nhìn tôi mắt rưng rưng và nói, “Có cái gì đó đang làm tôi xúc động.”
Chúng tôi bắt đầu cầu nguyện. “Tôi tha thứ cho mẹ tôi vì…” Anh khóc. Rồi chúng tôi chuyển sang bố anh. “Bố ơi, con tha thứ cho bố, vì đã rời xa và không bảo vệ con...” Anh càng nức nở khi nỗi đau chưa nguôi bị phơi bày. Anh chưa từng nghĩ mình đã cảm thấy bị bỏ rơi sâu sắc cách nào khi bố anh ra đi năm đó.

Anh khước từ các ác thần có khả năng liên quan tôi liệt kê và nói, “Tôi được bình an.” Tôi tưởng thế là xong, nhưng anh bảo, “Tôi còn điều này.” Căn phòng tiếp theo đã mở. Anh chia sẻ về vài lần ăn nằm khi anh còn trẻ con – là một thành viên trong nhóm trai gái vuốt ve lẫn nhau và xem khiêu dâm. Hơn hai mươi năm sau anh vẫn nhớ ra đúng hình ảnh khiêu dâm đó. Chúng tôi lại cầu nguyện. Anh tha thứ cho những cậu bạn đã đưa anh xem bức hình, và anh từ khước sự hổ thẹn. Rồi anh nói, “Vẫn còn một điều. Suốt đời tôi chưa từng nói về điều này với bất cứ ai. Khi tôi mười hai tuổi, một cậu bạn đã ngồi lên người tôi và cố gắng cho vào miệng tôi. Tôi hoảng sợ và tìm cách bỏ chạy.

Khi chúng tôi đã khước từ các ác thần và ra lệnh cho chúng rời đi, niềm hân hoan lớn đến trên bạn tôi. Kẻ thù đã bị vạch trần, ánh sáng đã tràn vào những nơi tăm tối và lối suy nghĩ cũ đã bị bẻ gãy.

Kế hoạch của Satan cho đời sống chàng thừa tác viên này là gì? Tôi thật sự không biết, nhưng sau đây là vài suy đoán. Chúa đã gọi anh đi truyền bá Phúc Âm. Nỗi sợ bị từ chối ập đến, và anh thấy việc đứng trước đồng bạn, bày tỏ điều sâu nhiệm Chúa đã làm cho anh thật khó. Tôi dám chắc Satan sướng run lên khi ngăn được người nam này tiến vào thẩm quyền Chúa đã trao cho anh, nhưng Satan vẫn còn những kế hoạch sâu sắc hơn. Satan dùng sự đau lòng và nghi ngờ bản thân đẩy anh đến chỗ chán nản và thỏa hiệp. Giờ thì cái rễ ấy đã bị phơi bày và quyền lực của kẻ thù (ít nhất cũng ở mức độ nào đó) đã bị bẻ gãy. Bạn tôi được tự do bước đi trong chiến thắng. Anh không còn trốn trong sợ hãi. Khi phó thác hoàn toàn vào Chúa, anh có cơ hội biến điểm yếu thành điểm mạnh.

Những thử thách đã phát triển trong anh sự dễ mủi lòng và nhạy cảm với Chúa Thánh Thần. Việc được tự do dường như đã giải phóng sự ý thức sâu sắc hơn về lòng thương xót của Chúa. Nỗi sợ ma quỷ trong anh đã mất đi sức mạnh. Khi anh cùng chúng tôi cầu nguyện cho những người khác, tôi thấy rõ ràng rằng anh có năng lực đặc biệt trong việc khích lệ trái tim những người mà anh phục vụ. Tôi tin rằng anh sẽ phát huy được năng lực suy xét mà nhờ đó nhiều người bị giam cầm sẽ được tự do.

Tìm kiếm sự chú ý

Điều này có vẻ ngược ngạo, nhưng chiến thuật thứ hai mà Satan sử dụng là thu hút sự chú ý, bằng cách lấy khỏi Chúa điều thuộc về Ngài. Một trong những cám dỗ ma quỷ dùng với Chúa Giêsu là, “Nếu ngươi cúi đầu bái lạy ta, ta sẽ cho ngươi tất cả các quốc gia này.” (Mt 4:9) Tên dối trá tiếp tục lặp lại lời này với chúng ta.

Bằng vài câu, C. S. Lewis đã viết ra sự thật thâm thúy: “Loài người chúng ta có hai sai  lầm ngang nhau và trái ngược về ma quỷ. Một là không tin vào sự tồn tại của chúng. Hai là tin, và có một cảm giác thích thú thái quá cùng không lành mạnh về chúng. Ma quỷ thích cả hai sai lầm này như nhau. Để giữ được sự quân bình lành mạnh là điều khó. Dường như chính ma quỷ đẩy chúng ta về một trong hai thái cực.

Trước khi một người lính ra trận, anh được dạy phải tập trung và kẻ địch và những chiến lược của hắn. Anh học cách đánh bại quân thù. Anh không được dạy hãy nhìn vào mặt người mà anh sắp giết, sắp gây thương tích hay bắt giữ, cũng không nghĩ xem kẻ đó là ai. Anh không hỏi, “Chúng đã sống như thế nào? Chúng sẽ bỏ lại bao nhiêu đứa con? Thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi thực tế là chúng sẽ không còn tồn tại? ”

Hãy nghĩ ma quỷ là kẻ thù độc dữ và ý thức bạn dễ bị cám dỗ trở nên bận lòng với chúng. Trong Ê-phê-sô 6:11 ta được hướng dẫn phải cương quyết “chống lại mưu chước của ma quỷ.” Khi hỗ trợ những người khác được tự do khỏi ma quỷ, tôi tập trung vào cá nhân người đó và cố gắng hiểu các chiến lược của kẻ thù. Kế hoạch của hắn là gì? Lời nói dối nền móng là gì? Những địa hạt nào trong cuộc sống người này đang bị cầm giữ trong vòng nô lệ? Cứ chăm chăm xem ma quỷ mạnh nhường nào là một sai lầm. Việc ấy kéo sự chú ý của ta khỏi Chúa. Khi ma quỷ bị truất quyền bước vào đời sống của Kitô hữu, nó trở nên bất lực. Nhận ra điều này, ta sẽ thấy mình bớt hẳn nghĩ suy về ma quỷ mà sẽ tìm hiểu mưu chước (chiến thuật) của chúng.

Trích từ Chương 2 của sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive