Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ IV Mùa Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (10:11-18)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

“Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

-----------

Anh chị em thân mến, Xin chào buổi sáng.

Phụng vụ Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay nhằm giúp chúng ta tái khám phá căn tính của chúng ta là những môn đệ của Chúa Phục Sinh. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Phêrô đã công khai tuyên bố rằng, vụ chữa lành anh què này, mà ngài đã làm và cả thành Jerusalem đều nói đến, đã được thực hiện nhân danh Đức Giêsu, bởi vì “không có ơn cứu độ nơi một người nào khác? (4, 12). Trong con người được chữa lành này đều có mỗi người trong chúng ta - Người đàn ông này là hình dạng của chính chúng ta: tất cả chúng ta đều ở trong đó - đều có những cộng đoàn của chúng ta: mỗi một người trong chúng ta có thể được chữa lành khỏi nhiều hình thái khuyết tật thiêng liêng mà chúng ta đang mắc phải - tham vọng, biếng nhác, kiêu hãnh - nếu chúng ta bằng lòng, với niềm tin tưởng, bằng lòng đặt toàn bộ cuộc đời chúng ta vào trong bàn tay của Chúa Phục Sinh. “Nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth”, Thánh Phêrô quả quyết, người đàn ông này rõ ràng đang đứng trước mặt quý vị đây” (c. 10). Nhưng Đức Kitô Đấng chữa lành là ai thế? Được Người chữa lành hệ tại điều gì? Chúng ta được chữa lành khỏi điều gì? Và bằng những thái độ nào?

Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này được tìm thấy trong chính bài Phúc Âm ngày hôm nay, mà qua đó, Đức Giêsu nói: “Ta là mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành liều mạng sống mình vì con chiên” (Ga 10, 11). Lời Đức Giêsu tự giới thiệu mình không thể bị hạn hẹp vào một sự gợi ý mang tính cảm xúc, mà không hề có được một tác động cụ thể nào! Đức Giêsu chữa lành xuyên qua hữu thể của Người là một người mục tử đã hy sinh mạng sống mình Vì đoàn chiên. Thí mạng sống mình vì chúng ta, Đức Giêsu nói với mỗi người trong chúng ta: “Cuộc sống của con hết sức quý giá đối với Ta, đến độ để cứu chuộc con, Ta đã trao ban tất cả con người của Ta.” Việc Đức Giêsu tận hiến mạng sống đã làm cho Người trở thành vị Mục Tử Tốt Lành tuyệt hảo, là Đấng Duy Nhất chữa lành, là Đấng Duy Nhất cho phép chúng ta sống một cuộc sống tốt đẹp và sinh hoa kết trái.

Phần thứ hai của cùng một bài Phúc Âm kể cho chúng ta biết làm thế nào Đức Giêsu có thể chữa lành chúng ta, và làm cho cuộc đời chúng ta trở nên vui tươi và sinh hoa kết trái được: “Ta là mục tử tốt lành”, Đức Giêsu đã nói như thế. “Ta biết các chiến Ta, và các chiến Ta biết Ta, cũng như Cha biết Ta, và Ta biết Cha” (c.c. 14-15). Đức Giêsu không nói đến những điều thiện về mặt trí thức, không, nhưng Người lại nói về một mối quan hệ cá nhân, lại nói về sự ưa chuộng, lại nói về sự dịu dàng hỗ tương, lại nói đến việc suy nghĩ về cùng một mối quan hệ yêu thương sâu xa giữa Người và Cha. Mối quan hệ sống động với Đức Giêsu đã được thể hiện qua thái độ sau đây: đó là để cho Đức Giêsu biết con người chúng ta. Chúng ta không khép chặt mình trong tháp báu ngọc ngà của chúng ta, nhưng mở rộng con người chúng ta ra để đón nhận Thiên Chúa, để Người có thể biết được chúng ta. Đức Giêsu quan tâm đến mỗi người trong chúng ta; Người biết những ngóc ngách sâu xa của con tim chúng ta: Người biết công trạng cũng như những khuyết điểm của chúng ta, Người biết những toan tính, dự định mà chúng ta đã thực hiện được, cũng như biết được những hy vọng đổ sông đổ biển của chúng ta. Nhưng Người vẫn chấp nhận chúng ta như chúng ta là, thậm chí cả với những tội lỗi của chúng ta nữa, để rồi cứu chữa chúng ta, để rồi tha thứ cho chúng ta; Người dùng tình yêu để hướng dẫn chúng ta, để chúng ta có thể băng qua được những con đường không thể nào băng qua được mà vẫn không bị lầm đường lạc lối. Người đồng hành với chúng ta.

Ngược lại, chúng ta được kêu gọi để biết Đức Giêsu. Điều này bao hàm một sự gặp gỡ Đức Giêsu, một sự gặp gỡ khích lệ chúng ta đi theo Người, khích lệ chúng ta từ bỏ những thái độ xem mình là điểm quy chiếu, và sẵn sàng bước đi trên những con đường mới, được chính Đức Kitô chỉ và mở ra những chân trời bao lao. Khi ước muốn sống mối quan hệ với Đức Giêsu, khi ước muốn nghe lời Người và ước muốn trung thành đi theo Người đã nhạt phai trong những cộng đoàn của chúng ta, thì chắc chắn sẽ có những lối nghĩ khác, sẽ có những cách sống khác không phù hợp với Phúc Âm, chúng sẽ chiếm thế thượng phong.

Ước gì Đức Maria, Mẹ của chúng ta, giúp chúng ta phát triển một mối quan hệ bền chặt hơn với Đức Giêsu. Giúp chúng ta mở rộng tâm hồn chúng ta cho Đức Giêsu, để Người có thể bước vào trong tâm hồn chúng ta. Giúp chúng ta có một mối quan hệ mạnh mẽ hơn: Người đã sống lại. Theo cách thế này, chúng ta có thể đi theo Người suốt cả cuộc đời chúng ta.

Trong Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi hôm nay, ước gì Đức Maria chuyển cầu cho chúng ta, để có nhiều người biết đáp trả lại tiếng Chúa gọi một cách quảng đại và bền chí, Người là Đấng kêu gọi chúng ta từ bỏ tất cả vì Vương Quốc của Người.

Share: