Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Tình yêu không là cảm xúc mà là một lựa chọn để hành động vì yêu -- Chúa nhật thứ XXX Mùa Thường niên, năm A

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt 22:37-40)

Yêu thương là giới răn của Chúa. Nhưng tình yêu về cơ bản không phải là cảm xúc vì chúng ta không thể ra lệnh, không thể điều khiển cảm xúc. Nếu tôi nói, “Tôi cảm thấy buồn” và bạn nói, “Tôi ra lệnh cho bạn đừng cảm thấy buồn nữa”, bạn đang thật là buồn cười. Nếu tôi nói, “Tôi không cảm thấy bị thu hút bởi cô ấy”, và bạn nói, “Tôi ra lệnh cho bạn hãy để cô ấy thu hút bạn”, thì bạn thật là lố bịch. Chúa Giêsu không hề lố bịch. Cả bạn và tôi đều không thể thay đổi cảm xúc của mình chỉ bằng cách ra lệnh cho nó. Những gì chúng ta có thể quản trị là sự lựa chọn, là quyết định và sau đó là hành động sao cho phù hợp với quyết định đó.

... Vậy thì tình yêu là gì nếu nó không chỉ là cảm giác chủ quan? Tình yêu là một sự lựa chọn và một hành động. Thực ra, tình yêu có yếu tố chủ quan, nhưng đó không phải là cảm giác mà là sự tự do lựa chọn, và sự lựa chọn là thực hiện một hành động làm, một việc làm, để tình yêu trở thành việc làm của tình yêu, cũng như đức tin trở thành việc làm của đức tin.

...Cảm xúc thì tự nhiên, tốt lành, quan trọng và rất mạnh mẽ, nhưng chúng không phải là bản chất của tình yêu, và do đó chúng không quan trọng như chúng ta thường nghĩ. Cảm xúc và phương pháp là hai điều mà các thánh đều nói là ít quan trọng hơn chúng ta nghĩ trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt là đời sống cầu nguyện.

“Thiên Chúa là tình yêu” và “Thiên Chúa là Cha chúng ta” cùng nói về một thứ. Việc chúng ta ngạc nhiên trước sự cùng nghĩa đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang ở trong “a deep doo-doo” / tình trạng khó khăn sâu sắc, như một cựu tổng thống đã từng nói. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất của ma quỷ để phá hủy đức tin tôn giáo của xã hội chúng ta là cuộc tấn công vào tình phụ tử, bởi vì nếu bạn không thể yêu người cha trần thế mà bạn có thể nhìn thấy thì làm sao bạn có thể yêu Cha trên trời mà bạn không thể nhìn thấy được?

Nếu một người cha lạnh lùng và xa cách, hoặc ngược đãi con cái, coi mình là trọng tâm, hoặc nếu ông bỏ rơi gia đình, đó là điều mà con cái ông chắc chắn sẽ nghĩ đến khi nghe đến cụm từ “Chúa Cha”: Chúa lạnh lùng, Chúa xa cách, Chúa là kẻ ngược đãi, Chúa là người tự cho mình là trọng tâm, Chúa là kẻ bỏ rơi.

Lý trí của họ có thể bác bỏ ý tưởng đó, nhưng trái tim sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới bắt kịp lý trí. Thánh Augustinô có mối quan hệ tồi tệ với cha mình đến nỗi ngài không thể gọi Thiên Chúa là “Cha” cho đến khi khá muộn trong cuộc đời.

Tôi sắp nói điều gì đó đáng sợ với các ông bố. Thưa các bố, tương lai của nền văn minh của chúng ta nằm trong tay các anh. Có lẽ tương lai của loài người trên trái đất này đang nằm trong tay các anh. Bằng cách yêu thương vợ con mình, các anh có thể làm được nhiều việc hơn bất kỳ người đã thay đổi và gây chấn động vĩ đại nào trên thế giới này. Các anh hữu hiệu hơn những người đã giải quyết các vấn đề về kinh tế, năng lượng hoặc hiện tượng nóng lên toàn cầu hoặc thậm chí là chiến tranh hoặc về phong trào chăm sóc sức khỏe.

Chúng ta đang thiếu linh mục. Nhưng sự thiếu hụt của người cha trong gia đình thì còn trầm trọng hơn.

Điều tương tự cũng đúng với các bà mẹ. Đó là công việc có ảnh hưởng nhất và quan trọng nhất trên thế giới.

Điều được đòi hỏi từ cha mẹ là gì? Tất nhiên là tình yêu. Yêu thương trong hành động, không chỉ trong mơ mộng. Có một bài hát nói, “tình yêu là tất cả những gì bạn cần”. Nhưng điều đó không đúng; bạn cũng cần hiểu tình yêu thực sự là gì và nó đòi hỏi như thế nào.

Được rồi, bạn biết rồi. Vậy bạn sẽ làm gì với điều bạn biết? Đó là quyết định của bạn. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trong những ghi chép của chị, đã nhắc đến “Lòng Thương Xót” khoảng 75 lần. 

Trong tiến trình phong thánh vào năm 1910, Mẹ Bề Trên trước đây của chị Têrêsa, Mẹ Agnes (cũng là chị ruột Pauline của chị) đã được hỏi vì sao bà muốn em gái bà được phong chân phước. Bà trả lời, “Điều này sẽ vinh danh Thiên Chúa và loan báo về lòng thương xót của Ngài.”

Lòng Thương Xót Không Hề Suy Chuyển Của Thiên Chúa 

Sự tín thác của Bông Hoa Nhỏ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, trớ trêu thay, đến từ khi cô bé Têrêsa chứng kiến mẹ mình mất sớm. Chị nói: 

“Từ lâu con đã tin rằng Thiên Chúa dịu dàng hơn cả một người mẹ. Con biết một người mẹ luôn sẵn sàng tha thứ cho những hành vi sai trái nhỏ nhặt, vô tình của con mình. Trẻ con luôn gây rắc rối, hay té ngã, làm bẩn mình, làm vỡ đồ đạc - nhưng tất cả những điều này không làm lung lay tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng.”

Vấn đề nằm ở việc chúng ta thường miễn cưỡng khi chấp nhận niềm vui này - chúng ta nghi ngờ. Trong một vở kịch do nữ tu trẻ sáng tác cho cộng đoàn của mình, Chúa Giêsu Hài Đồng nói từ máng cỏ Giáng sinh: “Ta khao khát hiến thân cho các linh hồn, nhưng nhiều trái tim vẫn mòn mỏi đợi chờ”. Chính để chữa lành căn bệnh thiêng liêng này mà vị Tiến Sĩ Giáo Hội đã cống hiến cả cuộc đời thánh hiến của mình.

Nỗi Khao Khát Lòng Thương Xót 

Chị thánh Têrêsa chỉ đơn giản cho rằng nỗi mong mỏi lòng thương xót của Thiên Chúa của chúng ta cũng giống như của chị. Như chị thú nhận trong một bài thơ:

Con cần một trái tim cháy bỏng dịu dàng,
Người sẽ là chỗ dựa cho con mãi mãi,
Người yêu tất cả mọi thứ ở con, ngay cả sự yếu đuối của con...
Và Người không bao giờ rời xa con, dù là ngày hay đêm.

Một cuộc tranh cãi được nhiều người biết tới với một Sơ dòng Cát Minh theo học thuyết phái Jansen* đã khiến chị thánh Têrêsa xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Những lời cuối của chị với Sơ Fébronie là: “Chị ơi, nếu chị muốn sự công bằng của Chúa, chị sẽ nhận được sự công bằng ấy. Linh hồn nhận được chính xác những gì nó mong đợi ở Thiên Chúa.”

Và thánh Têrêsa luôn mong đợi lòng thương xót của Thiên Chúa. “Sau tất cả những ân sủng mà Ngài đã ban cho con, con cũng mong đợi Ngài ban cho con lòng thương xót vô hạn của Ngài.” Chị đã cầu nguyện trong cuốn tự truyện của mình: “Nếu như công lý của Ngài chỉ muốn ra đi để trải dài trên trần thế này, thì lòng yêu thương nhân hậu của Ngài càng khao khát đốt cháy các linh hồn, vì lòng thương xót của Ngài vươn tới tận trời cao”.

Phó Thác Vào Lòng Thương Xót 

Chìa khóa của sự phó thác nằm ở việc nhìn xa hơn cái ác của chúng ta để đến với thực tại vĩ đại hơn - lòng thương xót không ngừng nghỉ của Thiên Chúa. Sự thu mình vì sợ hãi phải nhường chỗ cho lòng cậy trông. Chị thánh Têrêsa can đảm nói với Đấng Cứu Rỗi của mình:

“Con cảm thấy rằng nếu Ngài có thể tìm được một linh hồn yếu đuối và nhỏ bé hơn con, Ngài cũng sẽ vui lòng ban cho nó những ân sủng còn vĩ đại hơn, nếu nó phó thác hoàn toàn cho Ngài với lòng cậy trông trọn vẹn vào Lòng Thương Xót vô biên của Ngài.”

Chị thánh dạy chúng ta: “Với niềm tin tưởng bạo dạn vào Thiên Chúa, linh hồn tin rằng nó sẽ thu hút được trọn vẹn hơn tình yêu của Đấng không đến để kêu gọi những người công chính mà là những kẻ tội lỗi”. Chị nhấn mạnh điều này trong bài thơ: “Sống bằng tình yêu là xua tan mọi sợ hãi, mọi ký ức về lỗi lầm đã qua”. Làm sao để được như vậy? “Một cái nhìn yêu thương hướng về Chúa Giêsu và sự hiểu biết về nỗi khốn cùng sâu sắc của chúng ta sẽ đền bù mọi thứ.”

Sống theo con đường của Lòng thương xót đòi hỏi việc không ngừng cậy dựa, phụ thuộc vào Chúa. Thánh Têrêsa làm chứng rằng:

“Việc nhớ lại lỗi lầm của con khiến con khiêm nhường; nó khiến con không bao giờ cậy dựa vào sức mạnh của bản thân, vốn chỉ là sự yếu đuối, nhưng nó cũng dạy cho con một bài học nữa về lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa.”

Và:

Chúng ta chỉ cần cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, và tất cả sẽ được đền bù bằng hành động yêu thương đó. Chúa Giêsu mở lòng ra với chúng ta. Ngài quên đi sự không chung thủy của chúng ta và không muốn nhớ lại chúng. Ngài sẽ còn làm nhiều hơn nữa. Ngài sẽ yêu thương chúng ta nhiều hơn cả trước khi chúng ta phạm lỗi đó.

Sứ mệnh mà chị thánh Têrêsa tuyên bố trong đoạn mở đầu Truyện Một Tâm Hồn của chị vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay, từ trên Thiên Đàng: “Con sẽ chỉ làm một điều: Con sẽ bắt đầu ca tụng điều con phải ca tụng mãi mãi: Lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Chuyển ngữ từ Saint Thérèse of Lisieux and Mercy

* "Thuyết Jansen là một phong trào linh đạo ở Pháp được dẫn đầu bởi một vài linh mục, giáo dân, và một tu viện dòng nữ ở Port Royal gần Balê. Phong trào này lấy tên của vị giám mục sáng lập là Cornelius Jansen, giám mục của Ypres, Hòa Lan (k. 1638). Jansen từng viết rất nhiều về sự thối nát của bản tính con người bởi tội nguyên tổ đến nỗi Ðức Giáo Hoàng Innôxentê X phải lên án một số đề nghị của Jansen vào năm 1653, và cho rằng Jansen nghiêng về thuyết Calvin.
... Ngày nay, thuyết Jansen có thể tái diễn ở những người Công Giáo nào cảm thấy mình quá tội lỗi, chỉ vì quá tỉ mỉ hoặc quá khắt khe với lương tâm. Tuy nhiên, một cách tổng quát, có lẽ người Công Giáo ngày nay cần thận trọng đừng nghiêng về thái cực bên kia -- mà lương tâm quá dễ dãi đến độ không nhận ra được sự xấu xa và trầm trọng của tội lỗi để thường xuyên thành tâm sám hối và quay về với Ðức Kitô." -- Trích từ https://www.nguoitinhuu.org/history/ch05_1.html
Nói chung, sự khác biệt giữa Thiên Chúa và chúng ta thì vô tận. Không sự gì chúng ta làm mà có thể làm chúng ta xứng đáng hơn, ngoại trừ đón nhận Lòng Thương xót Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cách nhưng không nơi Đức Giêsu Kitô. Hãy đơn sơ như trẻ nhỏ để đón nhận Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình để làm ta trở nên xứng đáng.

Share:

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

Lòng thương xót của Chúa là sự công bình của Ngài

Lời chú giải của Scott Hahn cho Rôma 3:25

Thiên Chúa đã đặt [Đức Kitô Giêsu] làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm.

Trong Do thái giáo, nghi lễ Yom Kippur, Ngày Đại Lễ Đền Tội, được mô tả trong sách Lê-vi 16:1-34 và những thuật ngữ trọng tâm của sự kiện phụng vụ này: đền tội, máu sự tha thứ. Lễ Yom Kippur là ngày trong lịch của Israel khi lòng thương xót của Chúa tuôn đổ dồi dào nhất, khi mọi việc được sửa chữa lại cho phải lẽ. Đối với Thánh Phaolô, Ngày Lễ Đền Tội đã mở đường cho sự hiểu biết của người Kitô giáo về Thứ Sáu Tuần Thánh.

Ảnh: Vua Đavít đi theo Hòm bia Giao ước tiến vào thành Giêrusalem

Cụ thể, thánh Phaolô hình dung Chúa Giêsu bị đóng đinh là “sự chuộc tội”—trong tiếng Hy Lạp, hilastērion. Đây là thuật ngữ được sử dụng trong bản Cựu ước Septuagint để chỉ “tòa lòng thương xót” bằng vàng ròng dùng làm nắp đậy hòm bia giao ước (Xuất hành 25:17–22). Vật thánh thiêng này là tâm điểm của Phụng vụ Ngày Đền Tội. Trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, đó là nơi đặc ân nhất cho sự thánh thiện và sự hiện diện của Thiên Chúa trên trái đất này.

Hàng năm, vị Thượng tế của Israel lãnh nhận “ơn tha thứ” cho những lỗi phạm của dân tộc mình bằng cách rưới “máu” của các con vật hiến tế len bề mặt trên cùng của hòm bia, cũng được gọi là “tòa lòng thương xót” hay “đền tội” bằng vàng. Thánh Phaolô nhận ra rằng nghi thức cổ xưa của Ngày Lễ Đền Tội báo trước một điều gì đó lớn lao hơn nhiều. Những lời của thánh Phaolô cho thấy (1) cái chết của Chúa Giêsu là một hành động hiến tế, (2) lễ vật hiến tế (máu chiên) của dân Israel đã được thay thế bằng máu của Chúa Kitô trên thập tự giá, và (3) tội lỗi con người và tình yêu Thiên Chúa đã gặp nhau nơi máu và cái chết của Chúa Giêsu theo cách mà sự tha thứ dứt khoát giờ đây được mở ra cho tất cả những ai tin.

Theo thánh Phaolô thì việc đóng đinh Đấng Mêsia là một biểu hiện công khai về sự công chính của Thiên Chúa. Qua thánh giá, Thiên Chúa đã hành động để thực hiện giao ước của Ngài, [đó là lời] hứa Ngài sẽ chúc phúc cho toàn thế giới. Vây thì tất cả những tội lỗi đã phạm trước đó trong lịch sử rất lâu dài trước Thứ Sáu Tuần Thánh thì sao? Chúng không bị bỏ qua hoặc bị lãng quên hoặc bị coi nhẹ. Đúng hơn, Thiên Chúa đã nhẫn nại: vì lòng thương xót, Chúa đã đời hoặc trì hoãn trọn vẹn phán xét [về hình phạt] theo mức độ tội lỗi cho đến khi Con Ngài thực hiện một sự chuộc tội có hiệu quả đặc biệt. Thánh Phaolô xác định thời đại ân sủng và thời đại của Đấng Mêsia vào thời điểm hiện tại.

Sau đó, thánh Phaolô kết nối lời giải thích của ngài về sự công chính của Chúa bằng cách tóm tắt hai khía cạnh chính.Thứ nhất, sự công chính có liên quan đến việc Chúa tỏ ra Ngài công chính trong công cuộc cứu rỗi của Ngài, công cuộc này được chiếu trên màn hình lịch sử nhân loại để mọi người được nhìn thấy. Thứ hai, nó đề cập đến hành động Ngài công chính hóa những ai tin vào Chúa Giêsu… Về cơ bản, thánh Phaolô đang nói rằng sự công chính của Chúa có nghĩa là “chính Thiên Chúa là sự công chính” và rằng “Thiên Chúa làm nên công chính” người đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. -- Trích từ Romans (Catholic Commentary on Sacred Scripture) by Dr. Scott Hahn

Share:

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa -- Chúa nhật thứ XXIX Mùa thường niên, năm A

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (22,15-21)

Khi ấy, những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”

Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

----------

…Không như Hồi giáo, Kitô giáo không tuyên bố mặc khải thiêng liêng về chính trị. Chúa Giêsu không tranh cử tổng thống. Trên thực tế, Ngài đã trốn khỏi đám đông khi người ta muốn tôn Ngài làm vua. Và khi Chúa Kitô nói: “Của Caesar hãy trả cho Caesar và của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”, Ngài không đề cập đến vấn đề chính trị trong mối quan hệ giữa Giáo hội và chính quyền như hai tổ chức công cộng. Đúng hơn, Ngài ra lệnh cho mỗi cá nhân thực hiện hai hành vi công bằng: trả cho cả Caesar và Thiên Chúa vì những gì chúng ta lãnh nhận từ Caesar và từ Thiên Chúa. Caesar làm đường cho ta đi, nền kinh tế và bảo vệ quân sự; ta phải trả thuế cho chính quyền vì những sự đó. Nhưng không cần trao cho Caesar sự kính thờ hay tình yêu, niềm tin tưởng; chỉ cần trả cho Caesar những đồng xu thuộc về ông, với khuôn mặt xấu xí của ông trên đó. Trả cho Caesar những gì Caesar đáng có. Và hãy trả cho Chúa những gì là của Chúa vì những gì Ngài ban cho bạn.

Và đó là gì? Thiên Chúa dựng nên bạn, trao ban sự hiện hữu, sự sống, hàng triệu niềm vui lớn nhỏ, và ơn cứu rỗi khỏi tội lỗi, sự chết và địa ngục. Vì vậy, hãy trả lại cho Ngài vì lý do đó. Cách nào? Hãy trao cho Ngài hết mọi thứ vì Ngài đã ban cho bạn hết thảy những gì bạn có.

Nhưng tất nhiên, ngay cả hết thảy mọi thứ cũng chưa đủ, bởi vì mọi thứ của bạn chỉ là hữu hạn trong khi những món quà Chúa ban cho bạn là vô hạn. Vì vậy, sự đền đáp công bằng và thỏa đáng duy nhất đối với Thiên Chúa là những gì Chúa Kitô đã dâng lên Thiên Chúa thay cho bạn: mọi sự của Người, cả sự sống thể xác của Mình và Máu Thiên Chúa của Người, cũng như sức sống tâm linh của linh hồn Người, tình yêu và sự phó thác hoàn toàn của ý chí Người theo thánh ý của Cha Ngài. Đó là món quà tạ ơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong Thánh Lễ…

Chúa Cha không giữ lại điều gì: Người đã ban Con Một của Người cho chúng ta. Chúa Con không giữ lại điều gì: Ngài đã ban cho chúng ta sự sống của chính bản thân trên thập giá, và sau đó là Thần Khí của chính Ngài, vào Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta cũng không nên giữ lại điều gì. Chúng ta phải dâng mình – trong Thánh Thần, qua Chúa Con, cho Chúa Cha.

Đó là lý do tại sao Thánh Lễ được gọi là “Lễ Tạ ơn”, nghĩa đen là “món quà tốt lành”, ngụ ý rằng chúng ta dâng lời tạ ơn vì một món quà từ Thiên Chúa. Quà gì? Đức Kitô. Và lời cảm ơn của chúng ta về món quà đó là gì? Đó cũng là Chúa Kitô, trong Thánh Lễ. “Thiên Chúa trao Chúa Kitô vào tay kẻ tội lỗi” – lời đó mô tả về Cuộc Khổ Hình Thập Giá, và cũng mô tả Thánh Lễ.

Thiên Chúa đã ban Chúa Kitô cho chúng ta, món quà duy nhất có khả năng đền bù cho tội lỗi của chúng ta, rồi Thiên Chúa đặt Chúa Kitô vào lòng bàn tay chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, trong Thánh lễ, để chúng ta có trong tay cùng một món quà duy nhất xứng đáng để tạ ơn Thiên Chúa. Nó như việc một người cha cho những đứa con nhỏ của mình, những đứa không có tiền, tiền để mua quà Giáng sinh tặng lại cho mình.

Người ta thường nói rằng món quà mà Chúa mong muốn nhất từ chúng ta là trái tim, là tình yêu của chúng ta. Tất nhiên điều đó là rất, rất đúng. Nhưng hết cả mọi tình yêu của chúng ta đều quá nhỏ bé, từ trạng thái tội lỗi, đầy lỗi lầm và ích kỷ, đến nỗi chúng gần như không đủ để trả các khoản thuế thuộc linh chính đáng cho Chúa thuộc linh của chúng ta, theo một cách hoàn toàn không giống với cách đóng thuế về thể chất của chúng ta. tiền đủ để trả cho lãnh chúa chính trị của chúng ta, Caesar của chúng ta, chính phủ của chúng ta. Vì Caesar chỉ cho chúng ta sự bảo vệ quân sự để cứu chúng ta khỏi những kẻ thù trần thế, những kẻ chỉ có thể giết chết thể xác tạm thời của chúng ta. Còn Thiên Chúa, Ngài đã cứu chúng ta khỏi kẻ thù muôn kiếp, tội lỗi, cái chết đời đời và địa ngục.

Vì vậy, Thiên Chúa lại ban Chúa Kitô cho chúng ta trong Thánh Lễ – cũng chính Chúa Kitô mà Người đã ban cho chúng ta trên thập giá, nhưng đã sống lại chứ không phải đẫm máu – để chúng ta có thể dâng Người như lễ tạ ơn duy nhất xứng đáng cho ơn cứu độ của chúng ta. Đó là lý do tại sao Thánh Lễ giống như Lễ Tạ Ơn (Lễ Thanksgiving của nước Mỹ) và Lễ Giáng Sinh kết hợp: đó là một buổi lễ mừng chiến thắng, vinh quang và niềm vui, đầy những alleluia, tràn đầy lời khen ngợi. Nó không giống như một đám tang; nó giống như một cuộc diễu hành. Vì vậy, hãy ngẩng đầu lên và nâng tâm hồn lên, cất cao giọng và ca hát! -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Chúa khoác chiếc áo choàng trắng để bạn được xứng đáng dự Tiệc cưới

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (22,1-14)

Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

-----------

Vị Vua trong dụ ngôn này rõ ràng là Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của Cựu Ước, Người Con mà tiệc cưới đã được dọn sẵn là Con của Đa-vít, Đấng được hưởng quyền làm chức vị làm con Thiên Chúa nhờ giao ước Đa-vít (2 Sa-mu-en 7:14; Thánh vịnh 2:7; 89:26–27) ). Có rất nhiều hình ảnh tiệc cưới mô tả mối quan hệ giữa Đức Chúa và dân Israel (Hô-sê 1–3; Isaia 54; Giê-rê-mi-a 2–3; Ê-dê-ki-en 16, 23; v.v.). Điều ít được chú ý hơn là những đoạn phản ánh mối quan hệ hôn nhân giữa Con vua Đa-vít và Israel (2 Sa-mu-ên 5:1; 17:3; Tv 45; Sách Diễm ca nói chung). Vai trò của Con vua Đa-vít với tư cách là chàng rể đối với đoàn dân là một phần trong việc Người đại diện cho Thiên Chúa là Cha của mình. Tính cách phu thê của Người Cha được phản ánh nơi Người Con.

Một số dụ ngôn Chúa Giêsu kể là những suy niệm về kinh nghiệm sống hằng ngày; trong những dụ ngôn khác Chúa Giêsu nêu ra những bất thường hoặc thậm chí cường điệu. Dụ ngôn hôm nay thuộc loại thứ hai vì hành vi của những vị khách được mời rất là kỳ quặc. Những người nghe Chúa Giêsu sẽ nhận ra đây là một câu chuyện kỳ lạ. Những khúc quanh co của cốt truyện là từ chính câu chuyện Chúa Giêsu đang mô tả qua những nhân vật này, chứ không phải từ phong tục của các đám cưới hoàng gia Cận Đông cổ đại.

Những người được “mời” đến dự tiệc cưới là các nhà lãnh đạo tôn giáo của Giêrusalem, những người lẽ ra phải dễ dàng thừa nhận Chúa Giêsu là Con vua Đavít. Dựa trên dụ ngôn về những tá điền độc ác của tuần trước (Mt 21:33–46) và việc Chúa Giê-su than khóc về Giê-ru-sa-lem (“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” [Mt. 23:37) , “thành” của những kẻ ngược đãi các tôi tớ của nhà vua là Giêrusalem, và dụ ngôn cho chúng ta một lời tiên đoán rõ ràng về sự hủy diệt của thành vào năm 70 sau Công nguyên.

Mệnh lệnh “các ngươi đi ra các ngả đường” để “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” một phần đề cập đến việc truyền bá Tin Mừng cho Dân Ngoại, những kẻ vất vưởng trong Chúa nhật thứ XX Thường niên. Điều Chúa Giêsu báo trước qua việc chữa lành người phụ nữ Canaan, Người cũng đang tiên đoán qua những nhân vật trong dụ ngôn này.

Cung điện đầy khách “xấu cũng như tốt” làm ta nhớ đến dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì và dụ ngôn lưới kéo hết mọi thứ (Mt 13:24–30, 36–43; 47–50). Trong tất cả những dụ ngôn này, vấn đề là vương quốc của Chúa không chỉ đơn giản ám chỉ đến đời sau hay thiên đàng mà đó là một thực tế hiện tại, đã được thiết lập trong sứ vụ của Chúa Giêsu, được biểu lộ trong Giáo hội hữu hình, bao gồm cả các vị thánh và những người tội lỗi. Các phong trào ly giáo cố gắng loại bỏ tất cả những gì ô uế khỏi Giáo hội hữu hình đôi khi có thiện chí nhưng luôn là đi sai đường. Tuy nhiên, việc các phong trào cải cách kêu gọi mọi người sám hối luôn được hoan nghênh.

Điều này đưa chúng ta đến việc suy luận về “áo cưới” mà một vị khách nào đó không mặc lấy trên mình. Hai văn bản Kinh thánh khác giúp chúng ta hiểu biểu tượng này. Trước hết là đoạn từ Isaia 61:10:

Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.

Và từ sách Khải huyền 19:7-8

Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ
dâng Chúa lời tôn vinh,
vì nay đã tới ngày
cử hành hôn lễ Con Chiên,
và Hiền Thê của Người
đã trang điểm sẵn sàng,
nàng đã được mặc áo vải gai
sáng chói và tinh tuyền.”

Dưới ánh sáng của những văn bản về trang phục hôn nhân này trong cả Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta có thể đưa ra một lập luận đúng tiêu chuẩn để hiểu “áo cưới” là “việc làm công chính” - tức là hành vi tương ứng với ân sủng của Chúa và tương ứng với lời mời gọi đến tham dự tiệc cưới của Chúa.

Vì vậy, dụ ngôn này chống lại quan điểm “được cứu rỗi chỉ nhờ đức tin mà thôi” (của các nhóm Tin Lành) nếu qua cụm từ đó người ta muốn nói rằng một người có thể tin và được cứu mà không cần thay đổi đời sống và hành vi của mình. Để được cứu rỗi, chúng ta cần phải thay đổi, thực sự sống thánh thiện.

Đồng thời, trong cả sách ngôn sứ Isaia và sách Khải Huyền, chính Thiên Chúa là Đấng trang điểm cho Cô Dâu của Người. Vì vậy, sự thánh thiện của chúng ta đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ nỗ lực của chúng ta. Đời sống Kitô hữu cốt ở việc để cho Chúa Thánh Thần thay đổi chúng ta và hành vi của ta. Vì thế Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy:

Tình yêu Đức Kitô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa… Các thánh luôn ý thức mãnh liệt, công trạng của họ hoàn toàn do ân sủng:

“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng được vui hưởng nhan Chúa nơi quê thật trên trời. Con không muốn thu thập công trạng để được lên thiên đàng... Cuối cuộc đời này, con đến trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay không, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm… Con chỉ ao ước mặc lấy sự công chính của Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần gia nghiệp đời đời là chính Chúa (Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, trích từ GLCG #2011)

Chúng ta hãy tận dụng việc tham dự Thánh Thể cuối tuần này để xem xét lương tâm. Có giẻ rách bẩn thỉu nào trong cuộc sống mà tôi đang ôm chặt trên mình không? Điều gì đang ngăn cản Chúa Giêsu mặc cho tôi bộ áo trong sạch? Tuần này tôi có thể làm gì để Người gỡ bỏ đống giẻ rách đó và khoác chiếc áo choàng trắng cho tôi? Có lẽ tôi cần đi xưng tội hoặc tìm một người linh hướng để giúp đỡ tôi?-- Dr. John Bergsma

Share:

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

5 sự thật về Thiên thần Bản mệnh của chúng ta

"Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này: vì Thầy bảo cho anh em biết, thiên thần của họ ở trên trời hằng chiêm ngắm thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 18,10).

Giáo hội Công giáo dành ngày 02/10 hằng năm để mừng kính các Thiên thần Bản mệnh. Vào năm 1670, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đã thiết lập lễ này cho toàn thể Giáo Hội để tôn kính các đấng vô hình luôn ngày ngày bảo vệ chúng ta.

Trong khi đa số chúng ta chỉ chú ý đến các Thiên thần Bản mệnh cá nhân, truyền thống Giáo Hội (được các nhà thần học như Thánh Tôma Aquinô giảng dạy) cho biết rằng các quốc gia, các thành phố, các giáo phận, các giáo xứ đều có Thiên thần Bản mệnh riêng, có những người, những nơi còn có nhiều vị Bản mệnh.

Các ngài là những thụ tạo đẹp đẽ của Thiên Chúa, được ẩn giấu trong một mầu nhiệm kỳ vĩ. Báo chí nhiều khi tường thuật chuyện có một người huyền bí xuất hiện để giúp đỡ trong các vụ tai nạn rồi sau đó không bao giờ xuất hiện lại nữa. Chúng ta mắc nợ Thiên thần Bản mệnh của chúng ta rất nhiều, người hằng bảo vệ, chỉ dẫn chúng ta mà chúng ta không biết. Các ngài can thiệp vào đời sống chúng ta cách âm thầm, hoàn thành tác vụ của mình cách khiêm tốn nhất có thể.

Để chúng ta hiểu sâu sắc về các "người hỗ trợ từ trời" của chúng ta, hãy tìm hiểu 5 sự thật này về Thiên thần Bản mệnh.

1. Mỗi một người trên thế giới đều có một Thiên thần Bản mệnh (dù là Kitô hữu hay không)

Giáo lý, như được trình bày trong YOUCAT, dạy rằng "Mỗi một cá nhân đều nhận một Thiên thần Bản mệnh từ Thiên Chúa" (s. 55). Điều này phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh, của các Thánh như Tôma Aquinô, Basiliô và Giêrônimô, thậm chí phù hợp cả với kinh nghiệm của những người ngoài Kitô giáo có cảm nhận về một sự giúp đỡ vô hình từ một vị thiên thần (người Việt Nam ta hay nói trẻ em có một bà mụ nâng đỡ).

Mike Aquilina, một nhà giáo sử nổi tiếng, viết về những kinh nghiệm của bạn ông liên quan đến thiên thần giúp đỡ như sau:

"Một người bạn của tôi, một nhà triết học nổi tiếng từng học ở Harvard, là người vô thần từ trẻ. Một hôm, khi anh ta đang bơi ngoài biển thì bị sóng cuốn ra khơi. Anh ta biết mình đang chìm xuống, không hy vọng được ai cứu nữa. Đột nhiên, một cánh tay mạnh mẽ nắm lấy anh và kéo vào bờ. Người nắm lấy anh là một chàng trai vạm vỡ. Anh bạn vừa chết hụt định cám ơn người thanh niên kia thì anh thanh niên cười và biến mất. Từ lúc đó, anh bạn của tôi bắt đầu con đường quay trở về đức tin."

2. Thiên thần Bản mệnh được ban ngay từ đầu đời

Giáo lý dạy rằng: "Từ khởi đầu đến kết thúc, cuộc đời con người được vị chuyển cầu và săn sóc cẩn thận bao bọc" (số 336). Thánh Anselmô tin rằng các thiên thần được gửi đến ngay từ giây phút đầu tiên khi linh hồn hiệp vào thân xác con người trong dạ mẹ. Tuy nhiên điều này chưa được tuyên tín và vẫn còn có nhiều tranh luận. Nếu đúng vậy, người phụ nữ mang thai có hai Thiên thần Bản mệnh, cho mình và cho thai nhi của mình.

3. Thiên thần Bản mệnh có tên, và chỉ mình Thiên Chúa biết tên của các vị

Giáo Hội hướng dẫn chúng ta rằng: "Thói quen đặt tên cho các Thiên thần nên bị loại bỏ, trừ những vị được đề cập rõ ràng trong Kinh Thánh như Gaprien, Raphaen và Micaen" (Thánh bộ Phụng tự, Huấn thị về Lòng đạo đức Bình dân, số 217, năm 2001).

Lý do cho điều này đó là tên họ chứa ẩn một quyền lực nào đó trên một người. Ví dụ, nếu tôi biết tên bạn và gọi tên bạn khi tôi muốn, bạn bị bó buộc nghe tôi, và tôi có một chút quyền lực trên bạn (khi thư yếm người khác, phù thuỷ cũng phải gọi tên người bị thư yếm). Ngược lại, chúng ta không có quyền gì trên các Thiên thần. Các ngài chỉ phải thưa chuyện với duy nhất Vị Chỉ Huy của mình: Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhờ các vị giúp đỡ, nhưng đừng nghĩ các ngài đứng đó khi ta vẫy tay và gọi.

Giáo Hội bác bỏ thói quen gọi tên các Thiên thần Hộ thủ vì có nhiều người có thói quen đặt tên cho các vị và kêu cầu, nhưng đó không phải là điều được linh hứng. Nó thậm chí có thể là do tác động của ma quỷ. Chỉ những danh hiệu được mặc khải rõ trong Kinh Thánh mới đáng tin tưởng, và những cái tên khác thì không thể biết chắc có đến từ Thiên Chúa hay không.

4. Chúng ta sẽ không trở thành Thiên thần sau khi chết

Nhiều người tin rằng chúng ta sẽ biến thành các Thiên thần sau khi chết, nhưng sự thật ngược lại, đó là chuyện không thể. Sau khi chết, con người rời khỏi thân xác mình một thời gian, và sẽ hiệp nhất lại vào thời tận cùng. Chúng ta sẽ không trở thành các Thiên thần vô hình. Tất cả các Thiên thần Bản mệnh đã được sáng tạo ngay từ khởi thuỷ công trình tạo dựng.

Hãy nhớ lời Chúa phán cùng tiên tri Giêrêmia: "Trước khi Ta tạo thành ngươi trong dạ mẹ ngươi, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi." (Gr 1,5) Thiên Chúa đã biết bạn và đã chỉ định một vị Thiên thần Bản mệnh cho bạn trước khi Người tạo dựng vũ trụ này.

5. Thiên thần Bản mệnh luôn ở đây để giúp đỡ chúng ta

Giáo lý gọi các Thiên thần Hộ thủ là các mục tử luôn muốn bảo vệ và dẫn dắt con người vào sự sống đời đời. Công tác duy nhất của các vị là giúp chúng ta vào Thiên đàng, nên chúng ta hãy cầu nguyện cùng các vị mỗi ngày, xin các vị giúp đỡ chúng ta trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Giáo Hội cung cấp cho tất cả chúng ta một bản kinh tuyệt vời để cầu xin cùng Thiên thần Bản mệnh của mình:

Lạy Thiên thần Chúa là Thiên thần Bản mệnh yêu dấu của con. Nơi ngài Chúa ban tình yêu của Người cho con. Mỗi ngày, xin ngài hãy ở cạnh bên con để soi sáng và canh giữ, để điều khiển và hướng dẫn con. Amen.

Gioakim Nguyễn dịch
Nguồn: Trang Hỏi Đáp Tôn Giáo

Share: