Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Để chống trả cơn cám dỗ

Thân thể và tâm hồn của bạn là một, phải cùng nhau hành động

Hôm nọ nghe một linh mục trừ quỷ khuyên về việc chống trả cơn cám dỗ và lời khuyên của cha có phần trùng hợp với Đức ông Stephen Rossetti là cầu nguyện lớn tiếng (Có lẽ vì chúng ta có linh hồn và xác và chúng ta cần nói lớn tiếng để suy nghĩ của ta được bộc lộ cách rõ ràng chứ không là từ của lời cầu nguyện và ý nghĩ đến từ cơn cám dỗ bị quyện vào nhau). Video ngày 8 của sách Rèn Luyện cũng đề cập đến việc cầu nguyện lớn tiếng.

----------

“Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra [cám dỗ] bởi vì ma quỷ rất tinh vi. Chúng có rất nhiều thời gian. Những cuộc tấn công cá nhân chúng ta thấy ngày hôm nay, không bắt đầu từ hôm qua. [Ma quỷ] đã bắt đầu từ cả thập niên trước, năm tháng trước. Ma quỷ chơi trò lâu dài; con người chúng ta chỉ có thể thấy gì cận mắt. Sự dữ xuất hiện và trở thành một phần của ta, bao trùm và gây ảnh hưởng đến bản chất và quan điểm của ta, khiến ta không chống nỗi. Sau đó bạn đi đến linh mục, xin “thuốc chữa lành” nhưng việc thoát khỏi ảnh hưởng của sự dữ cần thời gian lâu dài vì bạn đầu tư vào nó cả năm rồi.

… Tôi thường nói với những người đang vướng vào một tội lỗi mà bạn có thể gọi là nghiện, là nói không ngay lập tức, nói không khi sự cám dỗ đó xuất hiện để chạy sang một phòng khác hoặc chay ra khỏi nhà của họ theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng. Đi đến một địa điểm mới [Chẳng hạn ra khỏi phòng ngủ, hoặc ngồi dậy là ra khỏi trạng thái]. Và sau đó là đọc lời cầu nguyện. Nhưng họ phải nhận ra cám dỗ đó ngay từ đầu, họ phải có khả năng nhận biết. Và họ phải nói không, nói bằng môi miệng lời khước từ, đừng chỉ thì thầm. Nếu bạn cần làm điều đó 10 lần một ngày, làm điều đó 10 lần một ngày. hoặc 10 lần một tuần. Thân thể và tâm hồn của bạn là một, phải cùng nhau hành động. Hãy chống cự cám dỗ cách này, biến nó thành một phần cuộc sống của bạn. Cám dỗ đến nói KHÔNG, CHUYỂN khác nơi khác và CẦU NGUYỆN.

Share:

Chúa Lên Trời

Trọn cuộc đời của Chúa Giêsu là cho chúng ta: từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, cuộc sống ẩn dật, sứ vụ công khai, cái chết và sự phục sinh, cả việc Chúa Giêsu lên trời nữa.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mà chúng ta sẽ cử hành tuần tới là sự kiện làm ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Êdêkien 36:26-27).

Chúa Giêsu lên trời và Ngài gửi Thánh Thần Chúa để chúng ta được thánh hóa và có thể gọi Chúa là “Áp-ba, Cha ơi!” (Rôma 8:15).

Chúa Giêsu, Đấng đã tự hạ mình, trút bỏ vinh quang Thiên, mang thân phận nô lệ của con người, nay được tôn vinh để ngồi bên hữu Chúa Cha trong thân xác phục sinh của Ngài. Là Nhiệm thể của Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống lại vinh quang và được đưa vào bản thế của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là lý do viết: "Vì Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa" (GLCG #460). Vì thế, những ai tin vào Chúa Giêsu, được kết hợp làm một với Ngài để khi Chúa Cha nhìn vào họ, Chúa Cha thấy nơi họ, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô: “Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rôma 8:29).

Chúa Giêsu nay luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta: “Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Híp-ri 7:24-25).

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho cộng đoàn chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển ; là Thủ Lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những chi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”

Share:

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

Chúa thích nghe chúng ta hát lời ca tụng những kỳ công của Ngài

Tác giả Thánh vịnh viết: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công”. Những gì Chúa đã làm thật là kỳ diệu. Ngài đã tạo dựng toàn bộ vũ trụ từ hư không. Ngài đã tạo ra loài người theo giống hình ảnh của Ngài, có lý trí và ý chí tự do (free will). Ngài đã thực hiện nhiều việc vĩ đại cho chúng ta; Ngài sai các ngôn sứ đến với chúng ta. Trên hết mọi sự, Ngài đã sai Con Một đến với chúng ta, là người như chúng ta cũng không ngừng là Thiên Chúa, sống một cuộc sống hoàn hảo và chết một cái chết hoàn hảo để cứu chúng ta khỏi tội lỗi của chính mình. Ngài chiến thắng sự chết, phục sinh và lên trời. Ngài sẽ trở lại trong tương lai để thiết lập một công cuộc sáng tạo mới với vẻ đẹp, sự tốt lành và niềm vui không thể tưởng được. Đây không chỉ là một chuỗi những sự thật vĩ đại: nó là một chuỗi những hành động vĩ đại, những sự kiện vĩ đại; đó là tin mừng. Trên thực tế, là tin mừng vĩ đại nhất từ trước đến nay, những việc làm vĩ đại nhất từng được thực hiện, câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể.

Vậy chúng ta phản ứng thế nào trước những việc Chúa đã làm?

Câu trả lời không nói với chúng ta sự gì về việc Chúa làm, nhưng tất cả mọi sự về bản thân ta. Nếu chúng ta phản ứng về chiến tranh hoặc một đại dịch bằng niềm vui, hoặc nếu chúng ta phản ứng với chiến tranh kết thúc hoặc đại dịch đã chấm dứt với nỗi buồn, thì chúng ta đang là kẻ điên rồ về mặt đạo đức. Nhưng dù chúng ta có thay đổi thế nào, sự thật vẫn không hề thay đổi; khi chúng ta trở nên điên loạn về mặt đạo đức, chiến tranh và bệnh tật không trở nên ít xấu xa hơn, hòa bình và sự chữa lành không trở nên kém tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta phản ứng với tin xấu theo cùng cách phản ứng như khi chúng ta phản ứng với tin tốt thì chúng ta thực sự đã chết về mặt tâm linh. Nếu chúng ta phản ứng với những tin mừng nhỏ bé của mình với niềm đam mê mạnh mẽ hơn là phản ứng với tin mừng long trời lở đất của Phúc Âm (*người dịch: điều đó thực sự đã xảy ra nha bạn: động đất và người chết ra khỏi mồ khi Chúa chết trên cây thánh giá), nếu chúng ta quan tâm đến việc đội thể thao yêu thích của chúng ta giành chức vô địch hơn là quan tâm đến việc Chúa cứu chúng ta khỏi địa ngục và ban cho chúng ta một vé lên thiên đường, điều đó chứng tỏ điều gì? Nó chứng tỏ rằng chúng ta tội lỗi và ích kỷ nhưng lại cực kỳ ngu ngốc, nông cạn một cách ngoạn mục, ngớ ngẩn một cách siêu nhiên.

Một vị thánh vĩ đại như vua Đa-vít, tác giả của Thánh vịnh không phải là người ngu ngốc, nông cạn hay ngớ ngẩn. Vậy ông phản ứng thế nào trước tin vui hết sức kinh ngạc là Thiên Chúa, Đấng toàn năng, rất mực khôn ngoan, Đấng chí thánh của toàn vũ trụ yêu thương ông, quan tâm đến ông và thực hiện hàng loạt hành động đáng chú ý nhất cho anh ta?

Vua Đavít hát. Và ông cũng kêu gọi chúng ta hãy ca hát.

Lời Chúa không mời chúng ta biểu diễn mà chỉ mời chúng ta ca hát. Lời ấy không bảo chúng ta “Hãy hát thật hoàn hảo,” hay thậm chí là “Hát đúng phím,” mà chỉ đơn giản là “Hát!” Lời Chúa mời gọi chúng ta “Hãy vui vẻ tung hô Chúa , hỡi toàn thể địa cầu” (Thánh vịnh 100:1). Nếu bạn có miệng, bạn có thể làm được điều đó. Chúa đã cho bạn một cái miệng không chỉ để ăn, không chỉ để nói mà còn để ca hát.

Nếu bạn cảm thấy xấu hổ khi nghe giọng nói của chính mình, đó không phải là lý do, bởi vì hơn một nửa số người đến nhà thờ cũng cảm thấy giống như bạn. Chúa có thể lắng nghe các thiên thần của Ngài bất cứ lúc nào Ngài muốn và họ có thể hát hay hơn bất kỳ ai trong chúng ta, vì vậy Ngài không cần sự hoàn hảo về âm nhạc của chúng ta; nhưng có một điều Ngài vô cùng mong muốn, và là điều Ngài không thể tự mình trao tặng hay làm tất cả: Ngài muốn chúng ta tự do trao ban cho Ngài tình yêu của trái tim chúng ta. Ca hát là thể hiện tình yêu đó. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share: