Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Tiến tới trong hành trình thiêng liêng theo Thánh Têrêsa Avila

Thánh Têrêsa Avila so sánh linh hồn như một lâu đài, là Ngôi nhà của Chúa Cha. Thánh Têrêsa Avila là một trong những người thầy dạy vĩ đại nhất của Giáo hội, đặc biệt là về đời sống tâm linh. Trong Lâu đài nội tâm, thánh nữ phát triển hình ảnh “trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở (Gioan 14: 2, 23) để nói về linh hồn và Thiên Chúa, Đấng ngự trong đó.

Trích từ "Cơ sở thứ nhất", chương I của Lâu đài nội tâm

“Tôi nghĩ đến linh hồn như một lâu đài, được hình thành từ một khối kim cương duy nhất hoặc một khối thủy tinh rất trong suốt, trong đó có nhiều phòng cũng như thiên đàng có nhiều chổ ở vậy. Bây giờ, nếu suy nghĩ kỹ, các chị sẽ thấy linh hồn người công chính chằng là gì khác hơn là chính Thiên đàng, nơi mà, như Chúa đã nói, Người lấy làm vui thỏa (CN 8:31). Vậy các chị nghĩ một hoàng cung là niềm vui cho một Đức Vua quyền năng, khôn ngoan, thanh sạch và phú quí đến thế sẽ phải lộng lẫy chừng nào.

... Trong đó một số phòng ở trên, một số ở dưới, và ở mỗi phía, còn ở trung tâm, giữa các căn phòng, là căn phòng chính, nơi diễn ra những điều bí nhiệm giữa Thiên Chúa và linh hồn.

Theo những gì tôi có thể hiểu thì cửa dẫn vào lâu đài này là cầu nguyện và suy niệm. Tôi không đặt nặng tâm nguyện hơn khẩu nguyện vì đã là cầu nguyện thì phải có sự suy niệm kèm theo.

Nếu một người có thói quen đàm đạo với Thiên Chúa như nói với tôi tớ của mình: chẳng bao giờ tự vấn xem mình diễn tả có đúng không, hay chỉ nói những lời chợt đến trên môi, vì đã học thuộc lòng bởi cứ lặp đi lặp lại thì tôi không gọi đó là cầu nguyện tí nào cả. Xin Chúa đừng để cho bất kỳ Kitô hữu nào đàm đạo với Người như thế. Còn các chị, dầu sao tôi hy vọng nhờ lòng nhân hậu của Chúa, không ai trong các chị sẽ hành động như thế. Vì ở đây chúng ta đã quen nói về những vấn đề nội tâm và đó là phương thế tốt để giữ linh hồn khỏi rơi vào thói quen giống như súc vật như thế.

Cho dẫu linh hồn đạt đến mức thánh thiện cao siêu đến đâu đi nữa thì nó cũng không được phép quên đi sự hư vô của chính mình. Lòng khiêm tốn phải luôn luôn thi hành nhiệm vụ của mình như con ong làm mật trong tổ. Không có khiêm nhường thì sẽ mất tất cả.

Không biết tôi đã diễn đạt ý mình đủ hay chưa; nhưng sự biết mình rất quan trọng đến nỗi dầu được nâng lên đến các tầng trời, tôi vẫn muốn các chị không bao giờ được lơ là với công việc tìm biết mình. Bao lâu còn sống trên mặt đất thì không có gì cần thiết hơn là lòng khiêm nhường. Và tôi xin nhắc lại rằng điều rất tốt, điều tuyệt hảo là bắt đầu bước vào căn phòng nơi luyện tập đức khiêm tốn, thì tốt hơn nhiều so với việc ngay lập tức tiến vào những căn phòng khác.

Các chị thân yêu, vì lý do đó xin các chị hãy chăm chú nhìn vào Đức Kitô là sự thiện của chúng ta. Từ nơi Người, chúng ta sẽ học biết đức khiêm nhường chân thật và cũng hãy nhìn vào các Thánh của Chúa. Như tôi đã nói, cái nhìn này sẽ làm cho sự hiểu biết của chúng ta nên cao quí và sự biết mình sẽ không làm cho chúng ta cứ lê lết và nhút nhát nữa. Vì mặc dầu đây chỉ là gian phòng đầu tiên, nó vẫn chứa đựng biết bao của quý giá và bất cứ ai có thể xa tránh được các thứ rắn rết ở đó thì nhất định có thể tiến xa hơn nữa mà không sợ ngã.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ học cách tự biết mình ngoại trừ việc nỗ lực tìm biết Chúa, vì qua việc suy ngắm sự vĩ đại của Ngài, chúng ta thấy được sự thấp hèn của mình, chiêm ngắm sự thuần khiết của Ngài giúp cho ta thấy được sự hôi tanh của chúng ta, và bằng cách suy ngẫm về sự khiêm nhường của Ngài, chúng ta sẽ nhận ra mình còn xa đức khiêm nhường chừng nào.

Việc thực hành này mang đến cho chúng ta hai lợi ích. Đầu tiên, rõ ràng là màu trắng trông trắng hơn rất nhiều khi đặt gần một thứ màu đen, và ngược lại, màu đen trở nên đen hơn khi được đặt bên cạnh một thứ màu trắng. Thứ hai, sự hiểu biết và ý chí của chúng ta sẽ trở nên cao quý hơn và có khả năng trở nên tốt về mọi mặt khi chúng ta hướng mình về Chúa.”

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive