Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Xin lôi cuốn chúng con trở về lại với Thiên đàng

Nếu bạn chưa bao giờ cầu nguyện với Mẹ Maria, hãy cầu nguyện với Mẹ lúc này. Chẳng lẽ bạn không thể thấy rằng nếu chính Chúa Kitô muốn được thành hình về thể xác trong Đức Mẹ chín tháng và sau đó được Đức Mẹ dạy dỗ về mặt tinh thần trong ba mươi năm, thì chúng ta cũng phải học từ Đức Mẹ cách để Chúa Kitô được hình thành trong chúng ta sao? Chỉ mình Mẹ, Đấng đã nuôi dạy Chúa Kitô mới có thể nuôi dạy một Kitô hữu.

Để gia tăng mối dây liên kết thiêng liêng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chuỗi Mân Côi là hữu hiệu nhất. Tràng hạt có nghĩa là “vòng hoa hồng” được chắt lọc từ Khu Vườn Cầu Nguyện. Mỗi chục chỉ cần từ hai đến ba phút; do đó, toàn bộ chuỗi Mân Côi chỉ cần hơn mười phút.

Nếu bạn không quỳ và đọc hết tràng Mân côi trong một lần, thì hãy lần một chục khi bạn thức dậy vào buổi sáng, rồi một chục nữa trên đường đi làm, một chục nữa khi quét nhà, hoặc khi đợi séc vào giờ ăn trưa, một chục nữa ngay trước khi bạn đi ngủ; chuỗi cuối cùng bạn có thể đọc trên giường ngay trước khi chìm vào giấc ngủ.

Khi bạn chưa 25 tuổi, bạn chỉ có dành thời gian đọc một chục trước khi chìm vào giấc ngủ; khi bạn bốn mươi tuổi, bạn sẽ có thời gian cho hai chục; và khi bạn sáu mươi, bạn sẽ có thời gian cho một tá.

Bởi vì lời Kinh Kính mừng được đọc nhiều lần trong chuỗi Mân Côi, đừng nghĩ đó là một sự lặp lại vô ích.  Vì mỗi lần kinh này được đọc trong một khung cảnh hoặc bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như khi đọc kinh ấy khi suy niệm Mầu Nhiệm Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Sáng, Năm Sự Mừng.  Khi bạn còn nhỏ, bạn đã chẳng bao giờ nghĩ lời “con yêu mẹ”, có cùng ý nghĩa như bạn vừa nói xong lời đó. Vì bối cảnh của tình cảm đã thay đổi nên sự khẳng định của nó cũng mới. Vẫn là mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng, nhưng nó tạo nên một ngày mới.

Một số lợi ích của chuỗi Mân Côi:

1. Nếu bạn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi, và đem lời kinh vào mỗi ngày trong cuộc sống bạn, bạn sẽ không bao giờ đánh mất linh hồn của mình.

2. Nếu bạn ước mong có sự bình an trong tâm hồn và trong gia đình bạn, và lãnh nhận nhiều hồng ân từ trời cao, thì mỗi tối hãy tập trung lại và lần chuỗi Mân Côi.

3. Nếu bạn đang lo lắng về việc đưa một linh hồn trở về với Chúa, để họ biết tình yêu và sự sống của Chúa, hãy dạy người đó lần hạt Mân Côi. Người đó hoặc sẽ ngừng lần chuỗi Mân Côi hoặc sẽ nhận được ơn Đức tin.

4. Nếu chúng ta có đủ quân số lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày, thì giờ đây, cũng như Mẹ đã xảy ra trong quá khứ, Mẹ sẽ xin được từ Con Chí Thánh của Mẹ dập tắt những cơn bão tố hiện tại, đánh bại kẻ thù của nền văn minh nhân loại và một nền hòa bình thực sự trong trái tim của nhân loại yếu đuối và lạc lối.

5. Nếu lòng bác ái của bạn nguội lạnh khiến bạn buồn sầu từ nội tâm và hay chỉ trích người khác, thì chuỗi Mân Côi, qua việc suy niệm về Tình yêu cao cả Chúa dành cho bạn trên Thập giá và tình yêu của Mẹ Maria dành cho bạn trên đồi Canvê, sẽ thắp lại tình yêu của bạn đối với Chúa và người lân cận và khôi phục lại cho bạn sự bình yên vượt quá mọi sự hiểu biết.

Đừng nghĩ rằng khi tôn vinh Đức Mẹ bằng chuỗi Mân Côi, bạn đang bỏ bê Chúa của chúng ta. Bạn đã bao giờ biết ai phớt lờ bạn, bằng cách đối xử tốt với mẹ bạn chưa? Nếu Chúa của chúng ta đã nói với bạn “Đây là Mẹ của con,” thì chúng ta có trách nhiệm phải tôn trọng Người Mẹ mà Thiên Chúa đã chọn trên hết mọi thụ tạo. Dù thế nào đi nữa, hãy nhớ dù bạn muốn chỉ muốn đến với Mẹ và ngừng ở đó, Mẹ sẽ không để bạn ngừng với Mẹ thôi đâu. Như nhà thơ Francis Thompson đã nói:

Tên Cám dỗ từ trời ra tay,
Hết thảy nhân loại phúc thật phủi tay;
Với những lời dịu ngọt thánh thiêng
Và đôi mắt quyến rũ của Mẹ,
Xin lôi cuốn chúng con trở về lại với Thiên đàng.

Chuyển ngữ từ Seven Words of Jesus and Mary by Fulton J. Sheen

Share:

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Danh Thánh Giêsu

“Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1:1).

Trong câu mở đầu này, Mát-thêu giới thiệu cho chúng ta Danh thánh của Chúa Giêsu, Danh thánh đã được kêu cầu đến trong lời cầu nguyện ngay từ buổi đầu của Kitô giáo.

Theo quan điểm Kinh thánh, việc chúng ta có thể kêu gọi tên của Chúa Giêsu là điều thật đáng kinh ngạc. Trong đạo Do Thái cổ đại, danh thánh Chúa chỉ được gọi đến một lần mỗi năm và chỉ bởi vị Thượng tế. Giờ đây, qua việc Thiên Chúa xuống thế làm người trong Đức Kitô, chúng ta có đặc ân kêu cầu danh Chúa: Danh hiệu Giêsu mà Con Thiên Chúa đã tiếp nhận khi nhập thể bao hàm mọi tước hiệu. Con người không có quyền gọi tên Thiên Chúa, nhưng khi nhập thể, Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc khải Danh Thánh này và chúng ta có thể xướng lên Danh đó: ‘Giêsu’; ‘Thiên Chúa Cứu Độ’” (GLCG 2666)

Danh thánh Giêsu hàm chứa một quyền lực mạnh mẽ. Đây là tên duy nhất dưới gầm trời này mà chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. (Cv 4:12). Nhân danh Chúa Giêsu, người bệnh có thể được chữa lành (Mc 16: 17-18; GLCG 1507), tội nhân tìm thấy lòng thương xót (GLCG 1846), và linh hồn gặp được sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Như Sách Giáo lý giải thích, “Danh Người là danh hiệu duy nhất hàm chứa sự Hiện diện thần linh. Đức Giêsu đã phục sinh, ai kêu cầu danh Người sẽ được đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến và hiến mạng sống cho họ.” (GLCG #2666).

Danh thánh Chúa Giêsu có thể là một lời cầu nguyện đơn giản, khi được kêu khẩn với lòng yêu mến và sự chú ý (GLCC 2668). Ví dụ, các Kitô hữu qua nhiều thế kỷ đã đọc Lời cầu nguyện danh Chúa Giêsu, họ lặp đi lăp lại cách chậm rãi và trìu mến câu “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội,” hoặc thậm chí chỉ tên “Chúa Giêsu,” đôi khi hàng trăm lần một ngày, giữa những công việc nhỏ nhặt hàng ngày, hoặc đọc theo nhịp thở của họ trong khi cầu nguyện. Bằng cách này, cuộc sống hàng ngày của chúng ta có thể trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ với Chúa Kitô luôn ở trong tâm trí, trên môi miệng và trong trái tim của chúng ta.

Việc kêu cầu danh thánh Chúa Giêsu cũng có thể hữu ích trong những lúc bị cám dỗ hoặc thử thách tâm linh. Thánh danh của Chúa Giêsu có quyền năng khiến muôn vật phải quy phục Ngài, vì thế, như Thánh Phaolô đã nói, “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa.”(Pl 2, 10-11). – Gospel of Matthew, Catholic Commentaries

Share:

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ

“Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).

Được “cứu khỏi tội lỗi” thì không chỉ là “được cứu khỏi hậu quả của tội.” Chúa Giêsu đến không chỉ để cứu chúng ta khỏi địa ngục nhưng để cứu chúng ta khỏi việc phạm tội. Ngài đến để chúng ta có thể sống cuộc đời thánh thiện. Cuộc đời tội lỗi thật là một cuộc đời khốn khổ; nó đúng thật là địa ngục ở trần gian. Nhưng tội là một thứ nghiện, và chúng ta cần đến một Quyền Năng cao hơn— thực sự là một Đấng cao cả hơn — để có thể có được sự tự do.

...Khi lùi lại một bước và suy niệm những bài đọc của ngày hôm nay, chúng ta nhận ra chủ đề của các bài đọc là về sự xâm nhập của Thiên Chúa vào cuộc sống của con người. Thiên Chúa tỏ ý muốn can thiệp vào cuộc đời của vua A-khát, và câu trả lời của vua là “Cám ơn nhưng con không cần”.

Trong Tin Mừng, Thiên Chúa “xâm chiếm” cuộc đời của Đức Maria và Thánh Giuse với sự hiện diện của Người. Có lẽ khát vọng của hai đấng là không gì khác hơn sống một cuộc sống bình lặng và yên ổn, cố gắng gây dựng một gia đình ở Nazareth trong khi chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời Ngài đã hứa với tổ tiên của họ qua các vị tiên tri. Họ không nghĩ đến việc Chúa sẽ dùng cuộc đời của họ để thực hiện hết những lời hứa mà họ đã đọc hoặc nghe.

Sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của họ có nghĩa là công việc sẽ không bình thường như trước kia và sự thoải mái của một đời sống bình thường không còn nữa.  Giuse lo lắng khi biết vị hôn thê của mình đang mang thai và sợ phải cưới Maria, vì Giuse nghi ngờ Maria: (theo quan điểm của thời hiện đại hơn) có hành vi sai trái nào đó, hoặc (theo quan điểm của truyền thống cổ điển) Giuse do dự vì ngài sẽ kết hôn với một người phụ nữ thánh thiện đến mức bà đã được chọn để cưu mang Đấng Mêsia.

Hy vọng của Giuse và Maria, sống một cuộc sống thuộc tầng lớp trung lưu, sống trong sự đợi trông của dân Israel đã tan thành mây khói. Cuộc sống của họ sẽ không bình thường như những người khác. Thiên sứ hướng dẫn Giuse đi bước tiếp theo – hãy đón bà về nhà mình. Chúng ta biết rằng những tháng năm sắp tới sẽ có nhiều khó khăn và lo lắng hơn nữa – một hành trình dài đến Bết-lê-hem trong giai đoạn cuối của thai kỳ, sau đó là trốn thoát lúc nửa đêm từ Bết-lê-hem đến Ai Cập để tránh việc bị hãm hại.

Cuộc đời của Mẹ Maria và Thánh Giuse sẽ không bao giờ bình thường và thoải mái nữa vì khi Thiên Chúa “xâm chiếm” cuộc đời chúng ta, Ngài tháp nhập chúng ta vào chương trình cứu độ vũ trụ của Ngài, và chúng ta phải thông phần đau khổ của Đấng mệnh danh là “Đấng Cứu Độ” (xem Rm 8:17).

Trong Thánh lễ, chúng ta chuẩn bị “việc Chúa xâm nhập” vào cuộc đời của chúng ta qua bí tích Thánh Thể, khi Thiên Chúa một lần nữa sẽ đi vào cuộc sống và thân xác của chúng ta, “Mình Máu, Linh hồn và Thiên tính”. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó chưa? Chúng ta có sẵn sàng để cuộc sống của mình bị chệch hướng, sang một hướng mới, thậm chí có thể là một hướng không thoải mái vì Chúa hiện đang sống trong chúng ta không?
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share:

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Thầy có phải là Đấng phải đến không?: Niềm hy vọng của Gioan và của chúng ta

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11:2-11)

Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” 4 Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

“Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”

------

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

“Câu hỏi này có vẻ kỳ quặc vì Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu khi Chúa lãnh nhận phép rửa ở sông Giođan, và theo các lời tường thuật khác của Phúc âm, Gioan đã thừa nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng sẽ đến sau ông và ông không đáng cởi dây giày của Ngài (Luca 3:16). Vậy tại sao Gioan lại sai người đi hỏi “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Dường như việc Gioan bị cầm tù là môt thử thách đức tin cho ông. Đúng là Gioan đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong những thời điểm hạnh phúc hơn, như khi Gioan rao giảng ở sông Giođan và đám đông kéo đến với ông. Lúc đó, nước Chúa dường như là sắp xuất hiện. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo cách đó. Tại sao vì chỉ nói sự thật (với Hêrôđê) mà Gioan bị bỏ tù? Và nếu Chúa Giêsu là người đã được xức dầu để “đem tin mừng cho kẻ nghèo hèn … công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân,” (Isaia 61:1), thì ngài có thể sử dụng một số quyền năng giải phóng đó để Gioan được phóng thích?

Ngay cả những vị thánh vĩ đại cũng có thể trải qua đêm tối và trải qua những thử thách về đức tin. Vì thế, việc bị thử thách không là không tương thích với sự thánh thiện. Khi Gioan phải chịu đau đớn về thể lý và đêm đem của tâm linh trong ngục tối tăm của Hê-rô-đê, ông tìm đến Chúa Giêsu để được an ủi: “Thầy có phải là Đấng phải đến không? Thầy không biết tôi bị nhốt trong ngục vì đã làm chứng cho hôn nhân sao?

Chúa Giêsu đáp lại họ rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Chúa Giêsu nhắn lại lời an ủi cho Gioan: “Hãy đi nói với Gioan rằng các dấu hiệu của thời đại của Đấng Mêsia như đã được đề cập đến trong Isaia 35 và 61 đã được ứng nghiệm cách rõ ràng trước mắt các anh. Và thật hạnh phúc thay cho những ai không bị vấp ngã. Vì cách Ta đem nước Thiên Chúa đến trần gian thì khác với những gì họ mong chờ”.

Như chúng ta đã thấy, những lời tiên tri của Isaia về người mù, què, điếc, v.v., thực sự nói về những thực tại thuộc linh. Nhưng trước bản chất yếu đuối của chúng ta, vốn cần những dấu hiệu hữu hình (Gioan 4:48), Chúa Giêsu đã đoái thương diễn ra qua hành động những lời tiên tri về mặt tâm linh.

Nếu những vấn đề chính của nhân loại là những khuyết tật về thể chất, thì Chúa Giêsu đã thành lập một bệnh viện để chữa lành cơ thể cho mọi người. Nhưng trái lại, Chúa thành lập một Giáo hội, để chữa lành tâm hồn con người. Giáo hội ấy cũng đã thành lập các bệnh viện bởi vì cùng với Chúa Giêsu, Giáo hội nhận ra rằng chúng ta cần những dấu hiệu hữu hình để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng sự chữa lành về thể xác cần phải hướng chúng ta đến sự chữa lành sâu hơn, nếu không thì nó chỉ là tạm thời và cuối cùng là vô nghĩa.

Chúa Giêsu sau đó tiếp tục bằng việc khen ngợi Gioan Tẩy Giả, gọi ông là vị tiên tri vĩ đại nhất của Giao ước cũ, đỉnh cao của việc rao giảng và dạy dỗ Kinh thánh của Israel (xem Matthêu 11:13). Tuy nhiên, “Kẻ nhỏ nhất trong nước thiên đàng còn lớn hơn ông ta”. Điều đó có nghĩa là gì?

Vương quốc thiên đàng là Giáo hội. Những lời của Chúa Giêsu có thể được coi là ám chỉ đến Giáo hội Khải hoàn, những người đã được cứu rỗi và ngay cả lúc này, đang ở trước sự hiện diện của Chúa trên thiên đàng. Họ cao trọng hơn Gioan (trong Phúc âm lúc này) vì họ đã được thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và chia sẻ vào vĩnh phúc của Chúa, trong khi Gioan còn phải chịu những thử thách về thể lý cũng như tinh thần và sự yếu đuối của thân xác.

Và điều này cũng có thể được coi là ám chỉ đến Giáo hội Chiến đấu, những tín đồ vẫn đang chiến đấu trên trái đất. Mặc dù chúng ta có thể thiếu nhiều đức tính của Gioan, nhưng chúng ta có rất nhiều lợi thế mà ông không có: các bí tích ban truyền Chúa Thánh Thần cho chúng ta, chân lý trọn vẹn trong Kinh thánh và được Giáo hội làm sáng tỏ thêm, sự hiệp thông các thánh tăng thêm sự hỗ trợ, và nhiều hơn nữa. Vì vậy, ngay cả những người nhỏ nhất trong chúng ta, những người thực sự tin vào Chúa Kitô, cũng vĩ đại hơn Gioan về nhiều mặt.

Hoặc chúng ta nên nói, vĩ đại hơn Gioan đã là, vì khi Chúa Giêsu nói những lời này, Gioan vẫn còn trên trái đất và bị ràng buộc bởi Giao ước Cũ. Nay, Gioan đã đi vào phúc vinh quang và được phúc nhìn thấy Chúa cùng với các thánh khác.

Không cần phải nói cuộc sống này bao hàm việc buồn nản chờ đợi vì cuộc sống dường như đi lùi hơn là tiến bước. Ngay cả khi chúng ta hát những bài hát về niềm hy vọng và niềm vui khi Chúa Giêsu đến trong Mùa Vọng, nó không mấy thích hợp với các sự kiện trong cuộc sống cá nhân cũng như các sự kiện xã hội và chính trị trên khắp thế giới, nhiều sự kiện dường như báo trước thảm họa không thể tránh khỏi và không là về tình yêu, niềm vui và hòa bình. Giáo hội rất là thực tế, và Kinh thánh cũng vậy. Vì thế, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ở thế gian này, anh em sẽ gặp khó khăn. Nhưng hãy can đảm! Thầy đã thắng thế gian” (Gioan 16:33).

Đó là sứ điệp của các bài đọc Chúa Nhật tuần này. Như các tiên tri, chúng ta đang mong đợi từ giữa một thế giới đang chảy ngược dòng tiến đến hạnh phúc trọn vện. Nhưng thế giới hiện tại này là một vấn đề tạm thời và Chúa Giêsu đã có câu trả lời vĩnh cửu cho vấn đề này. Khi chúng ta thắp ngọn nến hồng để đánh dấu “Chúa Nhật Gaudete / mừng vui,” chúng ta hãy phấn khởi với sự thật rằng chúng ta, những kẻ nhỏ bé, có thể cùng đứng với một người vĩ đại như Gioan Tẩy Giả và hy vọng về ngày chúng ta sẽ cũng với ngài vui hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng.”
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A

Share: