Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Khi nào Giáo hội thay đổi giáo huấn về hôn nhân đồng tính với Cha Gregory Pine, OP

Lời từ video:

Xin chào. Tôi là Cha Gregory Pine và là một linh mục Dòng Đa-minh của tỉnh dòng Thánh Giuse cho kênh Pints with Aquinas.

Tôi nghĩ có rất nhiều người đang hỏi liệu Giáo hội sẽ thay đổi giáo huấn của mình về thu hút đồng tính, hay cụ thể hơn là về hôn nhân đồng tính. Đây là điều bạn nghe thảo luận trên tin tức hoặc trên các phương tiện truyền thông, và rồi bạn nghe thấy những điều này được thảo luận giữa một vài nhóm trong Giáo hội. Vì thế có vẻ không rõ ràng đâu là tín điều, đâu là không; sau 10 năm, 100 năm hoặc 1000 năm nữa sự việc sẽ ra sao.

Để đáp lại lo lắng này, để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ chúng ta có thể đưa ra một số nguyên tắc, và những lập luận, sau đó đi đến kết luận liên quan đến những gì Giáo hội dạy. Rồi là Kitô hữu, chúng ta áp dụng giáo huấn đó như thế nào. Chúng ta hãy bắt đầu. Tôi nghĩ rằng một cách tốt để tiếp cận câu hỏi là trước tiên phân biệt giữa cách giải thích sự vật theo kiểu phả hệ, và sau đó là cách giải thích theo siêu hình học (triết lý).

Khi thế giới trần tục tiếp cận những câu hỏi như thế này, họ sẽ đi theo câu chuyện của sự liên tục tiến hóa, hay về việc khai sáng luôn tiếp diễn. Chẳng hạn như trong quá khứ mọi thứ thật khủng khiếp; ai cũng bị hư răng và người ta đã phải làm những việc dã man. Nhưng bây giờ nhờ có công nghệ, nhờ nền văn minh phương Tây, và Hollywood, chúng ta biết mọi thứ ngày càng hoàn hảo. Vì chúng ta thảy đều thừa nhận điều này là đúng trong thực tế, mọi người phải đồng ý là vậy hoặc sẽ hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị coi là thiếu phát triển.

Do đó những gì chúng ta nghe thì như thể là một câu chuyện và thường là câu chuyện của động lực tâm lý, chúng ta cần khẳng định mọi sự, hoặc khẳng định điều họ nghĩ là tốt nhất tiếp theo. Khi người khác không đồng ý với câu chuyện đó, thì bạn phải gạt những người đó ra ngoài lề. Khi người ta sống không theo các nguyên tắc, không có lập luận, thì người ta không thể đàm thoại theo lý lẽ, ta chỉ cố gắng lôi kéo mọi người vào nhóm của mình và nếu có ai không sẵn sàng tham gia vào nhóm, thì ta phải tìm cách câm lặng những tiếng nói đó bằng bất cứ cách nào có thể. Điều này làm cho việc thảo luận vấn đề như vấn đề này rất khó khăn, bởi vì rất hiếm khi thảo luận được tiến hành cách bình đẳng.

Vì vậy, nó giống như một trận chiến hoặc cuộc biểu tình hoặc vạch mặt hơn là một bài diễn ngôn hoặc một cuộc trao đổi. Tôi nghĩ rằng Giáo hội tìm cách đưa ra các nguyên tắc, rồi có những buổi tranh luận, một kiểu trao đổi lý lẽ để trình bày đây là điều chúng tôi tin, đây là những lý do, và đây là lý do tại sao nó thực sự lợi ích cho sự cứu rỗi. Giáo hội muốn đưa ra một đáp ứng siêu hình hơn là về phả hệ, bởi vì Giáo hội dạy rằng chúng ta thực sự có thể tìm biết được thực tại như nó là vì chúng ta được dựng nên có khả năng hiểu biết thực tại.

Dù là con người thì yếu đuối, bị tổn thương, sự hiểu biết thực tại của chúng ta bị giảm thiểu vì tội, ân sủng Chúa vẫn có thể chữa lành chúng ta, làm cho chúng ta được phát triển để chúng ta ngày càng có khả năng hiểu biết thực tại đó đầy đủ hơn.

Có một số khía cạnh lịch sử về sự hiểu biết một tín điều và chúng ta không nên gạt điều đó sang một bên, vì ở một thời đại nào đó, người ta có điều kiện xã hội thích hợp hơn để tiếp nhận một số khía cạnh nào đó của mặc khải, được ban cho trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta ước mong có sự cải thiện trong việc tiếp nhận tín điều Giáo hội đưa ra, nhưng tất cả đều đã được mặc khải trong Đức Kitô. Tất cả đều được biết đến trong Đức Kitô, vấn đề chỉ là làm thế nào để áp dụng nó hoặc làm cho nó rõ ràng hơn.

Tôi nghĩ rằng chúng ta không muốn tán thành bất kỳ khái niệm nào về việc mọi thứ đang ngày càng tốt hơn, hoặc chúng ta đang tiến tới cách diễn đạt ngày càng hoàn hảo hơn đức tin Kitô giáo để nó được tiếp nhận. Tôi nghĩ nó mang vẻ lên xuống / thăng trầm hơn, không có thời kỳ hoàng kim, chỉ có những thời điểm hiểm nghèo.

Do đó khi nói đến bản chất con người, chúng ta sẽ nói rằng: Đúng, chúng ta có thể biết điều gì đó về bản chất con người và khi tôi sử dụng từ “bản chất”, tôi sử dụng nó theo nghĩa chuyên môn của ngành triết học. Về cơ bản, bản chất có nghĩa là nguyên tắc của cả danh tính và cùng đích / định mệnh. Vì vậy, nơi bản chất, là nguyên tắc giải thích một sự vật là gì và sau đó làm thế nào sự vật ấy phát triển, cách nào một sự vật đạt được mục đích của nó, hoặc cách nó đạt được sự hoàn hảo của nó.

Khi chúng ta nói rằng chúng ta biết điều gì đó về bản chất con người, chúng ta nói rằng chúng ta biết con người là gì, đồng thời cũng nói rằng con người nên hành động hoặc sống như thế nào để đạt được sự hoàn thiện hoặc cùng đích của họ như là một thành viên của giống người. Chúng ta có thể tìm đến sự thật này bằng lý trí nhưng hiểu biết đó như chúng ta đã nói, cũng được chữa lành và nâng cao nhờ ân sủng.

Vì vậy, sự hiểu biết của chúng ta thực sự được làm sáng tỏ, được củng cố bởi đức tin. Không phải là nó bị che khuất bởi đức tin hay sự hiểu biết bị gạt sang một bên và rồi bị thay thế bởi đức tin. Nhưng chúng ta tin rằng đời sống đức tin cho chúng ta khả năng tiếp cận hoàn hảo hơn với thực lại như nó là. Bởi vì chúng ta đang tìm hiểu về cùng một sự thật [như đức tin chỉ dạy], và những gì đức tin làm là nó nâng cao lý trí của chúng ta để chúng ta có thể thấy thực tại dưới ánh sáng của Chúa và của các thánh.

Giáo hội dạy về sự thật của con người, cơ bản của loài người là chúng ta được tạo dựng theo giống hình ảnh Chúa. Thiên Chúa là mô hình của chúng ta và chúng ta có khả năng đón nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa mặc khải / bày tỏ chính mình, Ngài trao ban chính mình và chúng ta được tạo dựng có khả năng để đón nhận Chúa, và có khả năng cách nào đó, truyền cho con cái chúng ta bản chất của mình. Điều đó được áp dụng đến cơ thể và linh hồn chúng ta.

Vì vậy, trong truyền thống của Giáo hội, khía cạnh tâm linh không ngừng được nhấn mạnh cách mạnh mẽ nhất, cách liên lỉ nhất. Chúng ta thường nghe là chúng ta được tạo dựng theo giống hình ảnh Chúa vì chúng ta có bản chất tâm linh, nghĩa là chúng ta có một trí khôn để hiểu biết và một trái tim để yêu, và những khả năng thiêng liêng giống với Thiên Chúa nhất.

Nhưng điều đặc biệt của con người là họ là linh hồn được thể hiện nơi thân xác, Chúa thì không có thân xác. Chúng ta sẽ tạm thời để qua một bên những suy xét về việc nhập thể. Thiên thần không có thân xác, nhưng con người có thân xác, vì thế hình ảnh của Chúa là điều gì đó bao trùm toàn bộ bản chất con người của chúng ta. Và đây là điều mà thánh GH Gioan Phaolô II mô tả chi tiết trong Thần học của Thân xác.

Do đó, chúng ta có thể thấy phần nào đó, hình ảnh của Thiên Chúa nơi thân thể của chúng ta, có nghĩa là sự sống của lý trí, sự sống của sự hiểu biết và yêu thương cần phải tràn ngập mọi khía cạnh của con người chúng ta.

Vì thế thánh GH Gioan Phaolô II đã nói về ý nghĩa hôn nhân của thân xác. Vì chúng ta được dựng nên theo giống hình ảnh Chúa, chúng ta được dựng nên để thể hiện sự hiệp thông, đặc biệt trong bối cảnh hôn nhân, đó là ơn gọi tự nhiên, ơn gọi chung của loài người.

Trong Vườn Địa đàng đã không có hàng tư tế riêng biệt, không có ơn gọi tu trì, ơn gọi trong Vườn Địa đàng là ơn gọi đời sống hôn nhân. Theo lẽ thường, chúng ta sẽ phát sinh sự sống, với sự sống là ân sủng.

Nếu Ađam và Evà đã không phạm tội, họ đã truyền thông sự sống con người đến con cháu của họ, và với bản chất con người đó, Chúa sẽ ban cho họ ân sủng của sự chính trực hay sự công chính nguyên thủy.

Được dựng nên giống hình ảnh của Chúa là cách thức Chúa đã đặt định để qua đó ân sủng của Chúa có thể đi vào thế giới thụ tạo, đặc biệt là thế giới có vật thể, thế giới hữu hình, để chúng ta phản ánh phần nào đó vinh quang của Thiên Chúa và sống cho việc cứu rỗi linh hồn chúng ta.

Chúng ta là một tổng hợp của linh hồn và thể xác, được tạo ra theo sự giống hình ảnh Chúa, và hình ảnh đó tràn ngập mọi khía cạnh của con người chúng ta. Một cách mà truyền thống Giáo hội sẽ cố gắng giải nén lời dạy này là mô tả nó theo luật tự nhiên. Luật vĩnh cửu, là kế hoạch của Chúa cho trật tự tốt đẹp của mọi tạo vật, được ghi khắc trong bản chất của chúng ta qua khả năng hiểu biết và yêu thương, là được tạo ra theo giống hình ảnh Chúa. Vì thế, chúng ta có một sự hiểu biết, và cách luật đó biểu hiện trong cuộc sống.

Khi thánh Tôma Aquina nói về luật tự nhiên, ngài nói rằng bạn có thể quan sát được nó ở mức độ khuynh hướng / xu hướng. Một lần nữa, bản chất [của một thụ tạo] vừa là nguyên tắc [biểu lộ] danh tính và là cùng đích của nó: vì chúng ta là như thế này, chúng ta phải làm điều này, OK? Bạn cũng có thể nghĩ ra những ví dụ đơn giản về sự thật đó. Chẳng hạn như vì sọ của chúng ta không là thứ quá cứng, chúng ta nên đội mũ bảo hiểm khi đi xe hai bánh.

Nhưng thánh Tôma sẽ nói vì chúng ta là một vật thể, chúng ta muốn duy trì tồn tại. Do đó, chúng ta cần ăn uống bởi vì nếu không chúng ta sẽ chết. Rồi thánh nhân tiếp tục và lý luận rằng vì chúng ta là động vật, chúng ta có khuynh hướng sinh sản và giáo dục con cái; do đó, chúng ta dựa vào quan hệ tình dục và đời sống gia đình. Chúng ta không chỉ muốn sống cho bản thân, chúng ta muốn sống với những người khác.

Do đó, chúng ta muốn truyền đạt cuộc sống này cho các thế hệ con cháu tiếp theo và chúng ta muốn xây dựng cấu trúc gia đình để qua đó đưa các thế hệ tiếp theo vào đời sống đó.

Thánh Tôma sau đó tiếp tục: vì chúng ta có lý trí nên vì chúng ta biểu hiện hình ảnh Thiên Chúa cách riêng biệt so với tất cả mọi thụ tạo khác. Vì thực tại này, chúng ta cần tìm biết sự thật của Chúa, và chúng ta có khuynh hướng sống hòa bình với nhau trong xã hội; chúng ta muốn tránh sự dốt nát và muốn tìm cách tránh xúc phạm những người cùng chung sống với chúng ta.

Khi bạn tiếp tục lý luận theo cách này, bạn sẽ thấy rằng những thụ tạo thấp hơn được gọi để hướng đến những thứ cao hơn. Cho nên chúng ta có khuynh hướng cần ăn uống nhưng không là luôn ăn uống mà là làm việc đó vì mục đích cao cả hơn, chẳng hạn như cho đời sống gia đình, cho việc giao hợp, sinh sản, giáo dục con cái.

Vì vậy khuynh hướng ăn uống được hướng đến sự sống còn của động vật. Nhưng sự sống của động vật được gọi để hướng tới sự sống của của lý trí. Do đó, chúng ta không nên chỉ tìm ăn uống, sinh sản con cái bất cứ khi nào chúng ta thấy là thích đáng nhất. Nhưng chúng ta sẽ làm điều đó vì chúng ta được gọi để biết sự thật về Chúa, sống trong cộng đoàn chính trị, của một nước, phát triển, tìm kiếm hòa bình và yên tĩnh cho sự tăng trưởng và đời sống đức hạnh của tất cả các công dân, v.v…

Khi bạn đặt nó theo cách suy nghĩ này, chúng ta sẽ thấy rằng hình ảnh của Chúa thực sự thấm ngập mọi khía cạnh của sự tồn tại của con người chúng ta. Vì vậy những khuynh hướng thấp hơn được gọi để hướng về những sự cao hơn. Và những gì đúng nhất về chúng ta đặt điều kiện cho mọi hiện hữu trong bản chất con người của chúng ta. Dưới ánh sáng của sự hiểu biết này, chúng ta biết đến bản chất của bí tích hôn nhân, hay thậm chí chỉ đơn giản là hôn nhân được thiết lập cách tự nhiên.

Thánh Tôma Aquina mô tả hôn nhân là một sự kết hợp, một sự kết hợp toàn diện của hai người: nam và nữ. Nhưng thánh Tôma diễn giải nó theo khuynh hướng này, khuynh hướng mà sẽ được trở nên hoàn hảo nhờ đời sống nhân đức và nhờ những mục đích đã được đặt định cho hôn nhân, đó là đời sống gia đình: việc sinh sản và giáo dục con cái trong bối cảnh của một gia đình gia nhập vào một xã hội chính trị, với cùng đích là phục vụ mục đích của Thiên Chúa, nhờ Ngài và cho Ngài mà chúng ta được tạo dựng, Đấng mà chúng ta được dựng nên để nhận biết, để yêu mến, tôn thờ và chúc tụng.

Bạn sẽ hỏi lý luận này đang đi đến đâu đây?

Bạn biết hôn nhân là sự kết hợp của hai người và sự hỗ trợ lẫn nhau của vợ chồng được mô tả trong truyền thống của Giáo hội là một trong hai cùng đích của hôn nhân. Nhưng sự hỗ trợ đó có cùng đích là cho việc sinh sản và giáo dục con cái. Nó là cho việc phát sinh sự sống. Vì như chúng ta đã nêu ra, thiên chức nguyên thủy của người nam và người nữ là khi họ đến với nhau qua việc kết hợp tình dục và qua việc sinh sản con cái, họ sẽ truyền đến cho con cái không chỉ là bản chất của giống người, bản chất tìm kiếm hướng đi của mình giữa những ao ước và khuynh hướng khác nhau này, nhưng còn là Thiên Chúa sẽ ban ân sủng để người ấy được thiết lập trong đời sống thần linh mà người ấy được gọi để trở nên.

Vì vậy, hôn nhân không chỉ là cho sự hỗ trợ lẫn nhau mà là sự hỗ trợ lẫn nhau cho đời sống gia đình, được thánh hóa bởi ân sủng để thờ phượng. Điều này được được ghi khắc trong bản chất con người của chúng ta.

Sự bổ sung cho nhau của người vợ và chồng, sự kết hợp làm một với mục đích gầy dựng gia đình, được quy về việc thờ phượng Thiên Chúa, được ghi khắc trong bản chất con người và được làm hoàn thiện nhờ đời sống ân sủng, và nó đạt đến sự hoàn hảo của nó, nó đạt được hoa quả của nó trong bối cảnh hôn nhân Kitô giáo.

Cho nên khi Giáo hội nói không có cách nào kết hôn đồng tính, hoặc thu hút đồng tính, hoặc sự kết hợp hoặc hôn nhân đồng tính sẽ được chấp thuận, sẽ được coi là phù hợp với lời dạy của Kitô giáo, sự xét đoán này được dựa trên bản chất [con người] mà Chúa đã trao ban. Bản chất đó là nguyên tắc của danh tính và định mệnh, phù hợp với việc tiếp nhận ân sủng đưa chúng ta đến việc thờ phượng Chúa.

Vì chúng ta là những linh hồn có thân xác được tạo nên giống hình ảnh theo cách cụ thể này. Các cơ quan sinh dục là cho quan hệ tình dục với mục đích sinh sản như Thiên Chúa đã thiết kế nó, theo như sự hiểu biết từng bước về siêu hình này.

Những điều Giáo hội dạy về vấn đề này sẽ không thay đổi. Nhưng cho những người có thu hút đồng tính đây là điều khó khăn và những gánh chịu của họ không bị coi là vô ích, hoặc chỉ bị gạt sang một bên. Đó là lý do tại sao trong Giáo hội có những nỗ lực mục vụ để chăm sóc những người phải gánh lấy đau thương này. Bạn thấy nỗ lực này trong nhóm Courage International hoặc Encourage.

Chúng ta cần phân biệt giữa con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, có phẩm giá vô hạn, có giá trị vô hạn và việc những con người đó có những khuynh hướng nhất định, cần sự chữa lành theo kiến thức về luật tự nhiên mà chúng ta đã mô tả, và vì thế cần sự cải thiện nhờ đức khiết tịnh, cũng như hành động mà tự nó là một sai trái nghiệm trọng và không dẫn đến sự sống theo nghĩa gia đình hoặc sự sống theo nghĩa sự sống thần linh vì chúng không phù hợp với trật tự mà Thiên Chúa đã đặt định nơi thiên nhiên, cho vinh quang của Ngài và sự cứu rỗi của chúng ta.

Nói tóm lại, Giáo hội sẽ không thay đổi giáo lý về vấn đề này. Đôi khi trong quá trình thực hiện mục vụ, bạn có thể nghe thấy một số mục tử trong Giáo hội nói những điều gây bối rối, nhưng đừng hoang mang, đừng bối rối mà hãy kiên vững trong kiến thức của sự thật và việc thực hành đức tin của bạn. Và qua việc cầu nguyện và tình yêu mến cho những người gánh chịu thu hút đồng tính, cũng như tất cả chúng ta đang cần ân sủng để chữa lành và để trưởng thành.

Đó là những điều tôi muốn nói cho kênh Pints With Aquinas.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive