Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Chuyển ngữ từ Feast of the Baptism (dịch để lấy ý thôi ạ)

Chúa nhật này kết thúc mùa Giáng sinh, mùa của niềm vui: Chúa Giêsu chịu phép rửa đánh dấu sự kết thúc thời thơ ấu và giai đoạn học hỏi của Ngài, và đánh dấu việc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai. Trong ngày Chủ nhật này, các hang đá cần được cất gói cho năm sau, nếu bạn chưa làm việc đó. Mặt khác, Chúa Nhật này đánh dấu điểm bắt đầu của Mùa Thường niên, cuộc tuần hành của ba mươi bốn Chúa Nhật bắt đầu từ tháng Giêng và kết thúc vào tháng Mười Một. Trong những ngày tháng đó chúng ta đi trên con đường làm môn đệ với Chúa Giêsu như được trình bày trong phần đầu của ba sách Phúc âm — trong năm nay, Phúc âm Thánh Mác-cô.

Bài đọc thứ nhất là từ Isaia 55: 1-11. Đây là một bài đọc dài và phức tạp, vì vậy tôi sẽ chú giải từng khúc một:

Đức Chúa phán như sau :
Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.

Đây là một lời tiên tri cực kỳ quan trọng của Isaia, một trong một số ít những lời tiên đoán của Isaia về sự ra đời của Giao ước mới. Tuy nhiên, Isaia không sử dụng thuật ngữ “Mới”, chỉ có Giê-rê-mi dùng thuật ngữ đó (Giê 31:31). Đúng hơn, thuật ngữ ưa thích của Isaia cho những gì chúng ta biết là giao ước mới là giao ước đời đời (Heb. Berît ‘ôlam). Isaia sử dụng cụm từ này để nhấn mạnh đặc tính vĩnh viễn của giao ước sắp tới, không như giao ước Môi-se tại Sinai, đã bị phá vỡ ngay lập tức và một ngày nào đó sẽ không còn cần thiết nữa.

Điều quan trọng là phải nắm bắt được dòng chảy và bối cảnh của lời tiên tri này. Nó bắt đầu với tiếng nói của Thiên Chúa mời gọi những người nghèo (tức là những người “khát” và “không có tiền”) đến một bữa ăn miễn phí (“không phải trả đồng nào”). Những ai đến dự bữa ăn này sẽ được mời vào một “giao ước đời đời,” cùng một giao ước mà Đa-vít được vui hưởng.

… Phần cuối của Isaia 55:3 thực sự có nghĩa là những người nghèo nghe tiếng Chúa và đến ăn bữa ăn không cần trả đồng nào sẽ được khai tâm để bước vào một giao ước, về bản chất thì cùng là một giao ước mà Đa-vít được tận hưởng, thường được các Kinh thánh gia gọi là "Giao ước của Đavít.” Rõ ràng lời tiên tri này mang đậm tính chất Thánh Thể — một trong những lời tiên tri về Thánh Thể quan trọng nhất trong cả Cựu Ước.

4 Này, Ta đã đặt Đa-vít làm nhân chứng cho các dân,
làm thủ lãnh chỉ huy các nước.
5 Này, ngươi sẽ chiêu tập một dân tộc ngươi không quen biết;
một dân tộc không quen biết ngươi sẽ chạy đến với ngươi,
vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
vì Đức Thánh của Ít-ra-en
đã làm cho ngươi được vinh hiển.


Chúng ta quên rằng Đa-vít không chỉ là vua của Israel, mà còn là vua của các quốc gia xung quanh (2 Sm 8:11), và đã được hứa ban quyền hành trên toàn thể trái đất (Tv 2: 1-9). Vì vậy, Isaia đang đưa ra một điểm: Cũng như Đa-vít đã từng là vua trên nhiều quốc gia, vậy các bạn nghèo đến bữa ăn miễn phí mà tôi cung cấp sẽ thấy mình đang được các dân tộc ngoại bang tìm đến, những người đến với bạn để để tìm ơn cứu rỗi. Đây là một lời tiên tri huyền bí về sứ vụ truyền bá Phúc Âm của Giáo hội. Giáo hội sẽ phục hồi vương quốc và giao ước của Đa-vít.

Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa -và Người sẽ xót thương-, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa.
Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.


Lúc này, ngôn sứ Isaia kêu gọi kẻ gian ác ăn năn để được tha thứ. Không như loài người, những kẻ thích suy nghĩ theo kiểu ăn miếng trả miếng, đền đáp công lý, cách suy nghĩ của Thiên Chúa là lòng thương xót và sự tha thứ. Sự rộng lượng tha thứ của Thiên Chúa gắn liền với cách tư tưởng siêu việt của Ngài— “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các người… tư tưởng của Ta vượt xa tư tưởng các ngươi”. Nói cách khác, các ngươi chỉ có thể nghĩ về công lý và hình phạt, nhưng Ta nghĩ về lòng thương xót và sự tha thứ.

10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Đây là một câu nói chung chung, đúng đắn về hiệu quả của Lời Chúa, nhưng trong bối cảnh của Thánh lễ hôm nay, nó còn có thể được hiểu theo ý nghĩa Kitô học cụ thể: Chúa Giêsu là “Lời” phát ra từ miệng Chúa Cha: Người sẽ làm theo ý Thiên Chúa. sẽ đạt được mục đích mà Người đã được gửi đến. Đó là ý tưởng đặc biệt ứng hợp cho ngày này, đánh dấu sự khởi đầu sứ mệnh của Chúa Giêsu, sự khởi đầu nỗ lực của Ngài để “đạt được mục đích” mà Ngài đã được sai đến. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đưa ra ý nghĩa liên quan đến Chúa Thánh Thần cho đoạn này: “mưa và tuyết” từ trên trời xuống để tưới trái đất và sinh hoa kết trái có thể được coi là dấu của Chúa Thánh Thần, Đấng trong bài đọc Tin Mừng của chúng ta, sẽ xuống từ trời để ban sự sống mới cho trái đất, bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng là “hoa quả đầu mùa” của cuộc tạo dựng mới (1 Cr 15:20,23).

Vì vậy, tất cả, những đặc điểm chúng ta quan sát được trong đoạn này — lời kêu gọi ăn năn sám hối, lời mời  đến tham dự bữa tiệc Thánh Thể, lời hứa rằng Lời Chúa sẽ hoàn thành mục đích của Ngài — tất cả những đặc điểm này đều hoạt động cách thích hợp trong ngày lễ hôm nay khi chúng ta bắt đầu “hành trình làm môn đệ” qua phụng vụ với Chúa Giêsu mà Mùa Thường niên tượng trưng.

Đáp ca Isaiah 12:2-3, 4bcd, 5-6

Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không còn sợ hãi,
bởi vì Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,
và nhắc nhở : danh Người siêu việt.
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
Đàn ca lên mừng Chúa,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công;
điều đó, phải cho cả địa cầu được biết.
Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò,
vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!
Đ.Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.

Đây là một trong số ít những dịp mà “Thánh vịnh” không thực sự là một bài thánh vịnh, mà là một bài ca từ một phần khác của Kinh thánh… Isaiah 12 là một thánh ca đặc biệt nổi tiếng, được sử dụng nhiều trong Mùa Phục sinh. Trong cấu trúc của sách Isaia, chương 12 tạo thành một lời tán tụng tuyệt vời kết thúc phần đầu tiên của cuốn sách (Isaia 1-12), có thể hoạt động như một bản tóm tắt của hầu như hết tất cả các chủ đề chính của sách ngôn sứ Isaia. Phần này của Isaia bao gồm một số lời tiên tri về Đấng Mêssia mạnh nhất và rõ ràng nhất: Isaia 7:14; 9: 1-9; 11: 1-15. Isaia kêu gọi độc giả của mình ngợi khen Thiên Chúa sau khi nghe những lời tiên tri tuyệt vời, những điều đang chờ đợi họ trong tương lai. Đặc biệt, chúng ta lưu ý đến chủ đề “nước cứu rỗi” và việc loan báo tin mừng cho “các quốc gia” và “toàn thể trái đất”. Những chủ đề này thực sự là đặc trưng của toàn bộ sách ngôn sứ Isaia. Ngôn sứ này được coi là ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ viết (văn học) trong Do Thái giáo cổ đại, và Isaia là ngôn sứ được trích dẫn nhiều nhất trong cả Sách Cuộn Biển Chết và Tân Ước. Những người thuộc nhóm Essenes để lại cho chúng ta những Cuộn giấy nổi tiếng từ tu viện của họ trên bờ Biển Chết, họ đặc biệt yêu thích Isaia, và họ có lẽ hiểu đoạn văn về việc “rút nước từ nguồn nước cứu độ” này như một tham chiếu đến nghi lễ rửa sạch của họ trong nhiều hồ tắm thánh thiêng mà họ duy trì tại Qumran, tu viện của họ.

Ngay cả một trăm năm trước khi Chúa giáng sinh, họ đã tuyên bố rằng các nguồn nước trong cộng đồng của họ có thể truyền đạt Chúa Thánh Linh và tẩy sạch tội lỗi. Gioan Tầy giả có lẽ đã được đưa đến nơi đó để được dưỡng dục (xem Lu-ca 1:80), nhưng Gioan không hài lòng với việc “nước cứu rỗi” bị giới hạn trong vòng khép kín của những tu sĩ siêu sùng đạo này. Gioan Tẩy giả khao khát để mang thông điệp về sự ăn năn sám hối và ơn cứu rỗi đến với khán giả đông đảo hơn — ngay cả đến với “các quốc gia” hay “dân ngoại” (những từ này giống nhau trong tất cả các ngôn ngữ cổ). Điều đó có lẽ đã dẫn đến việc chia tay với cộng đồng tu viện ở Qumran, và Gioan chuyển dời một vài dặm lên Jordan đến chỗ cạn của Jericho, một tuyến đường thương mại bận rộn, nơi các thương gia và khách du lịch từ khắp nơi trên Đế quốc La Mã (và xa hơn) gặp nhau — có thể so sánh với một trung tâm sân bay lớn (Atlanta Hartfield hoặc Chicago O'Hare) ngày nay. Tại đó, Gioan đã rao giảng phép rửa như một dấu hiệu của việc sám hối và báo trước về Đấng Mêsia sắp đến, Đấng sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến cho loại người.  Điều này tạo tiền đề cho phần Đọc Tin Mừng của chúng ta.

Bài đọc thứ 2 của chúng ta là từ thư I Gioan 5: 1-9. Bài đọc này đặc biệt thích hợp cho Chúa Nhật hôm nay, bởi vì Chúa Nhật này đánh dấu sự kết thúc của các bài đọc gần như liên tục từ thư thứ I của thánh Gioan đánh dấu Mùa Giáng Sinh. Thật vậy, I Gioan là một bức thư có sự ngọt ngào và tinh khiết tuyệt vời, một sự chắt lọc hoàn toàn rõ ràng của Phúc Âm, là sứ điệp cứu rỗi. Giáo Hội “uống sữa” của thư thứ I của Gioan mỗi năm khi GH trở thành một đứa trẻ mới sinh về mặt thiêng liêng với Chúa Hài Đồng vào Lễ Giáng Sinh. Nhưng bây giờ chúng ta đi đến phần cuối của thời thơ ấu thiêng liêng này, và thánh Tông đồ tóm tắt các chủ đề chính của bức thư của mình. Tôi sẽ bình luận từng phần:

Anh em thân mến,
phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.

Ở đây chúng ta thấy Phúc âm của Gioan và lá thứ đầu tiên của ngài có liên quan mật thiết như thế nào. Tất nhiên, Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa là chủ đề chính của Phúc Âm (Gioan 3:16), nhưng địa vị làm con của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu. Ngài chia sẻ điều đó với hết thảy những ai “tin Đức Giêsu là Đấng Kitô." Tất cả chúng ta đều có thể trở thành “được sinh ra” giống như “Đấng duy nhất phát sinh” từ Chúa Cha. Sự “phát sinh” đó được xảy ra trong bí tích Rửa tội, là sự sinh ra trong Thánh linh của chúng ta để được làm con cái của Thiên Chúa. Trước khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta chỉ là có tiềm năng để trở thành con cái của Thiên Chúa (tiếng Latinh spe), nhưng nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta thực sự trở thành con của Thiên Chúa (tiếng Latinh re). Giáo huấn về việc làm con cái Thiên Chúa này độc nhất là giáo huấn của Kitô giáo - các tôn giáo khác bác bỏ lời dạy này, hiểu về nó khác hơn nhiều, hoặc coi nó là không quan trọng.

Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.

Thư thứ nhất của thánh Gioan rất quan tâm đến việc “biết” rằng mình được cứu rỗi và có mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa, vì dị giáo đã nổi lên trong thời của Thánh Gioan Tông đồ; ngài chết vào khoảng năm 96 sau Công nguyên. Làm sao chúng ta có thể “biết” được chúng ta được cứu rồi khi có nhiều thầy dạy giả đi khắp nơi rao giảng về sự cứu rỗi nghe có vẻ hấp dẫn? Gioan đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau về đức tin chân chính trong các lá thư của ngài. Đây là một tiêu chuẩn: chúng ta biết mình đang đi đúng đường khi chúng ta “yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Ngài”. Thi hành các điều răn của Thiên Chúa là một dấu hiệu của tình yêu thương. Không có sự vâng lời mà không có tình yêu, và cũng không có tình yêu mà không có sự vâng lời. Nhiều tà giáo đã nổi lên trong suốt lịch sử Giáo hội và đã tách rời tình yêu thương khỏi sự vâng phục. Tiếng kêu la “sự cứu rỗi chỉ có thể có được bởi đức tin mà thôi” của nhóm Cải Cách, theo một số đường lối của họ, là một nỗ lực để tách lìa tình yêu ra khỏi sự vâng lời bằng cách khẳng định rằng chúng ta có thể yêu Chúa nhưng không tuân theo các điều răn của Ngài. Luôn có cả hai lạc giáo “tiến bộ” và lạc giáo “bảo thủ”. Những người theo chủ nghĩa dị giáo bảo thủ bám chặt vào điều gì đó trong quá khứ một cách không phù hợp, trong khi những người theo chủ nghĩa dị giáo tiến bộ có mục đích “vượt xa hơn” những gì đã được tin tưởng và thực hành.

Sự cám dỗ không ngừng của những tà giáo “tiến bộ” là từ bỏ các mệnh lệnh đạo đức luân lý của Chúa trong khi tuyên bố rằng mình đang ở trong một mối quan hệ loại “mới” hoặc mối quan hệ “được giải phóng” nào đó với Thiên Chúa. Những kẻ lạc giáo này không hiểu được bản chất của tình yêu và giới luật — cụ thể là luật luân lý luôn tuân theo nguyên tắc của tình yêu, rằng không thể có một điều gì đó là sai trái về mặt đạo đức mà lại có tính chất yêu thương, cũng như không thể đúng về mặt đạo đức và không mang tính chất yêu thương. Nhưng chúng ta sẽ phải để cuộc thảo luận đầy đủ hơn về điểm này cho một thời điểm thời khác.

Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?

Đây là từ phấn chấn nhất từ các lá thư của Thánh Gioan. Còn gì hùng vĩ hơn tuyên bố: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.” hoặc “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa!” Đây là những tuyên bố mà một người muốn in trên một lá cờ hoặc một chiếc áo phông như một lời thách thức và nhắc nhở mạnh mẽ đến với toàn thế giới. Những gì Gioan đang nói là đức tin dẫn chúng ta đến sự tái sinh trong Chúa - điều mà chúng ta biết diễn ra trong bí tích Rửa tội - là món quà của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, sự chết và ma quỷ - ba khía cạnh chính của “thế giới” được hiểu như toàn bộ hệ thống của thế giới chống lại Thiên Chúa. Mục tiêu của “thế giới” ngoài Thiên Chúa là loài người bị vĩnh viễn hủy diệt — do đó, tất cả những ai không chịu khuất phục thế giới và muốn gìn giữ đức tin của mình vào Đấng Kitô sẽ chiến thắng mọi thứ mà thế giới muốn chiếm được, muốn chống đối và họ sẽ thắng thế giới này. Ai có đức tin đã chiến thắng và được tham gia vào thiên quốc.

Chính Đức Giêsu Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.

Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước, và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều. Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.

Nước và máu là những dấu hiệu quan trọng trong Phúc âm Gioan. Nước luôn gắn liền với bí tích Rửa tội, và máu với bí tích Thánh Thể. Hơn nữa, Nước được kết nối với việc Đức Kitô được sinh ra giữa chúng ta, và Máu với viêc tái sinh của Ngài qua việc bị đóng đinh và phục sinh. Sự Nhập Thể (Gioan 1:14) và Sự Phục Sinh (Gioan 11:25) giống như hai cực mà Phúc Âm Gioan xoay quanh. Vì vậy, máu và nước chảy từ bên cạnh sườn Chúa Giêsu (Gioan 19:34), sự nhập thể và phục sinh của Ngài, Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, bí tích Rửa tội và Thánh Thể, cả hai đều trình bày về Chúa Thánh Thần.

“Ba nhân chứng” có thể được hiểu là hai bí tích chính: Rửa tội và Thánh Thể, và qua hai bí tích đó, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chủ đề “nhân chứng” cũng mạnh mẽ trong Phúc âm Gioan, vì Gioan miêu tả Chúa Giêsu như một công tố viên từ trời xuống để chứng minh sự tội lỗi của thế gian và làm chứng cho lẽ thật của Thiên Chúa. Khi Gioan nói, “Thiên Chúa đã làm chứng về Con Ngài,” nó nói chung về tất cả các dấu mà Thiên Chúa cung cấp để xác minh và biện chứng cho Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, đáng kể nhất là qua chính việc Ngài sống lại từ cõi chết. Tiếng nói của Thiên Chúa trong Phép Rửa cũng là một thời điểm đầy ấn tượng về việc “Thiên Chúa làm chứng cho Con Ngài”.

Bài Phúc âm hôm nay là từ Mác-cô 1:7-11:

7 Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
9 Hồi ấy, Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. 10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. 11 Lại có tiếng từ trời phán : “Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Trong cuốn sách Jesus and the Dead Sea Scrolls, tôi lập luận rằng Gioan Tẩy giả có thể đã được các tu sĩ người Essene nuôi dưỡng ở bờ tây bắc của Biển Chết, nhưng ông đã rời bỏ họ để hoàn thành sứ mệnh rao giảng tin mừng của ngôn sứ Isaia về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cho toàn thể các quốc gia. Phúc âm Mác-cô mở đầu với việc Gioan Tẩy giả đang làm điều đó, rao giảng tại đồn sông Jordan. Không giống như những người Essenes, Gioan không tuyên bố quyền năng truyền ban Chúa Thánh Linh. Ông nhận thức cách sâu sắc được những giới hạn sứ vụ của mình — phép rửa của Gioan là “bằng nước” —một thể chất và dấu hiệu bên ngoài. Nhưng Đấng sẽ đến, Người có quyền trao ban Chúa Thánh Linh. Rằng Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” là một cụm từ khá kịch tính. Đây là nhiệm vụ của một nô lệ — và nô lệ cấp thấp — đối với chủ nhân của mình. Ông chủ sẽ vào nhà và người nô lệ sẽ đến, tháo dép và rửa chân cho ông. Gioan nói: Tôi không xứng đáng làm nô lệ của Đấng sắp đến. Điều này, cùng với điểm Đấng ấy có quyền gửi Chúa Thánh Linh đến, thực sự đòi hỏi Đấng ấy là Thiên Chúa.

 “Hồi ấy,” Mác-cô nói, rằng “Đức Giêsu đã đến…” Điều này liên quan đến lời tiên tri của Gioan rằng sau ông sẽ có người đến.

Phép rửa của Gioan thực hiện trên Chúa Giêsu thì như là một Sự Sáng Tạo Mới, vì chúng ta nhìn thấy những hình ảnh về sự sáng tạo ban đầu từ sách Sáng Thế chương 1: có trời và đất và nước, và Thánh Linh ngự xuống trên mặt nước. Phép rửa của Chúa Giêsu, giống như Phép Rửa của mỗi một chúng ta, là kinh nghiệm về một cuộc Sáng Tạo Mới (xem 2 Cr 5:17). Thánh Linh trong hình ảnh một con chim hoặc chim bồ câu chỉ ngược về sách Sáng thế ký 1:3, trong đó mô tả Thánh Thần Chúa “bay lượn” (Híp-ri hithhalêk) trên mặt nước. Mác-cô cũng mô tả các tầng trời bị “xé ra”, cùng một từ được dùng để chỉ Môi-se “rẽ ra” Biển Đỏ (Xh 14:21). Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý rằng Mác-cô sử dụng thuật ngữ “xé ra”, (tiếng Hy lạp schizô) chỉ ở một nơi khác trong Tin Mừng của ngài, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Khi Chúa Giêsu tắt thở, tấm màn của Đền thờ bị “xé ra” làm đôi từ trên xuống dưới (tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa rời khỏi Đền thờ và xé tấm màn khi Thiên Chúa rời khỏi nơi đó, hoặc tấm màn che chia cách Thiên Chúa và loài người bị xé làm đôi  — cả hai cách giải thích đều phù hợp ) và vị đại đội trưởng phụ trách việc hành quyết Chúa Giêsu tuyên bố, “Ông này đúng thật là Con Thiên Chúa!”

Chúng ta có thể nhận thấy những điểm tương đồng giữa hai sự kiện này: tấm màn của Đền thờ có màu xanh lam và được trang trí bằng hình ảnh của các thiên thể giống như bầu trời, vì vậy ở cả phần đầu và phần cuối của Phúc âm này, chúng ta có cụm từ “tầng trời xé ra” và lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta cũng có cái chết ở cả hai nơi —  Bí tích Rửa tội là một nghi lễ của sự chết, trong đó người được rửa tội “chết” trong nước và được sống lại với cuộc sống mới, và rõ ràng thập tự giá là “phép rửa” của Chúa trong cái chết chuẩn bị cho sự phục sinh của Ngài. Vì vậy, ngay phần đầu của Phúc âm Mác-cô, chúng ta đã được báo trước phần kết của nó, cũng như lúc khởi đầu của đời sống Kitô hữu, bí tích Rửa tội là sự báo trước về cái chết cuối đời của chúng ta và sự sống lại trong sự sống đời đời.

Tiếng của Thiên Chúa trong cuối bài Phúc Âm tuyên bố một biến thể khác của Thánh vịnh 2:7-8

Tân vương lên tiếng : Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,
Người phán bảo tôi rằng : “Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
8 Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.

Nhiều Kinh thánh gia cho rằng Thánh vịnh 2 là bài ca đăng quang của một hoàng gia, một bài hát cổ khi mỗi con trai mới của Đa-vít lên ngôi lần đầu tiên. Nó tuyên bố quyền thống trị Thiên Chúa trao ban cho vương triều Đa-vít và quyền thống trên toàn cõi địa cầu mà Thiên Chúa đã hứa với vương triều ấy. Đối với Thiên Chúa Cha, việc lặp lại thánh thi tại thời điểm này trong sứ vụ của Chúa Giêsu thì rất là quan trọng. Phép rửa là điểm khởi đầu cai trị vương quốc của Chúa Giêsu. Khi trở về sau cơn cám dỗ trong sa mạc, lời rao giảng của Ngài sẽ là “Hãy ăn năn sám hối  vì triều đại Thiên Chúa đã đến!” (xem Mc 1,15 trong tiếng Hy Lạp).

Nếu chúng ta nhìn vào Cựu ước, chúng ta thấy rằng có phong tục đưa vị vua mới đến suối Gihon - nơi đó ông theo nghi thức tắm rửa - và sau đó xức dầu cho ông ở đó dưới sự hướng dẫn của vị tư tế trị vì (Zadok) và nhà tiên tri trị vì ( Nathan) (xem 1 Các Vua 1: 32-40). Chúa Giêsu trải nghiệm việc rửa sạch và xức dầu theo nghi thức hoàng tộc của Ngài (bởi Thánh Linh) ngay tại sông Gio-đan dưới thời Gioan, người vừa là tư tế thông qua cha mình là Dacaria (xem Lu-ca 1: 5) vừa là vị tiên tri thời ấy.

Gioan đi đến các đồn lũy của sông Giô-đan để mang lại sự cứu rỗi cho tất cả các quốc gia, và rút cục làm phép rửa cho người được mệnh danh là “sự cứu rỗi” (xem Mt 1:21), người sẽ cai trị mọi quốc gia. Trong Thánh vịnh 2: 7, Thiên Chúa nói, “Con là con của Cha,” nhưng trong Máccô, Thiên Chúa nói, “Con là Con yêu dấu của Cha.” Thuật ngữ được yêu dấu (Hy lạp Agapetos) này gợi nhớ đến hai nhân vật trong Cựu Ước: Isaac, người ba lần trong Sáng thế ký 22 của bản Septuagint được gọi là agapetos hoặc con trai “yêu dấu” của Áp-ra-ham (xem Sáng thế ký 22 LXX). Ngoài ra, Đavít, tên riêng trong tiếng Do Thái có nghĩa là “người yêu quý”. Do đó, ngôn ngữ “con trai yêu dấu” được áp dụng cho Chúa Giêsu kết nối Chúa của chúng ta với hai người trung gian quan trọng của Cựu ước là Isaac và Đa-vít. Điều này tương tự như việc Mátthêu giới thiệu Chúa Giêsu trong Mt 1: 1 là “con của Đa-vít, con của Áp-ra-ham”. Quyền vương giả đã được hứa cho cả hai dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng 17: 6) và Đa-vít (2 Sa-mu-ên 7:12), vì vậy điều này củng cố nền tảng hoàng gia của Phép rửa. Sự kết gắn với Isaac cũng báo trước hiến tế của Đức Kitô, vì Isaac được nhớ đến nhiều nhất – Isaac đã được đặt trên gỗ của bàn thờ làm của lễ trên núi Mt. Moriah theo lệnh của tổ phụ Abraham (St 22).

Câu tiếp tục, “Cha hài lòng về Con,” có lẽ bắt nguồn từ các đặc điểm của “người tôi trung huyền bí của CHÚA” trong Isaia 42:1:

Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.

Cụm từ “Cha hài lòng về Con” có lẽ ám chỉ trong tiếng Do Thái “tâm hồn tôi mến chuộng Người”. Chúng ta có thể thấy bối cảnh của Isaia 42:1 phù hợp như thế nào đối với phép Rửa, vì chúng ta đã đề cập đến “Thần Khí Ta ngự trên Người”, và sau đó là nhiệm vụ hoàng gia là mang lại “công lý cho các quốc gia”.

Vì vậy, như Máccô đã kể lại, phép rửa của Chúa Giêsu thực sự là lễ đăng quang quyền vương đế của Ngài và là sự khởi đầu của triều đại Ngài, quyền cai trị Vương quốc của Thiên Chúa.

Về mặt mục vụ, có một số cách chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ hôm nay. Ngày lễ này giúp chúng ta chấp nhận trọn vẹn hơn vương quyền của Đức Kitô trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu không bằng lòng để chỉ là Chúa của một phần cuộc sống chúng ta mà không là Chúa tể trên những phần khác của cuộc sống: có ngóc ngách nào trong cuộc sống mà chúng ta từ chối vương quyền của Chúa Giêsu và từ chối để Ngài cai trị không?

Mặt khác, chúng ta cũng nên nhớ rằng bí tích Rửa tội đặt chúng ta dưới vương quyền của Đức Kitô. Điều này có nghĩa là Ngài có quyền hành trên tất cả tài sản và mọi phạm vi ảnh hưởng của chúng ta với tư cách là phó vương của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh đó như thế nào? Tôi có dùng quyền của mình trên những hoàn cảnh, đem lại trật tự, công lý và bác ái vào những tình huống đó không? Hay tôi bị choáng ngợp bởi hoàn cảnh của mình, hoặc tệ hơn, nghiện những thứ tôi sở hữu hoặc được trao phó, đến nỗi chúng cai trị tôi? Bổn phận của người giáo dân là thánh hóa trật tự thiên thời. Chúng ta nên đưa vương của Đức Kitô (yêu thương, phục vụ, tha thứ, công bằng…) vào văn phòng, ngân hàng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc, ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta đang làm điều đó hay chúng ta nghĩ rằng công việc biến đổi xã hội bắt đầu từ một nơi khác hay là trách nhiệm của người khác?

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể phục tùng vương quyền của Đức Kitô một cách trọn vẹn hơn và thể hiện tốt hơn vương quyền của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

Share:

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Lễ Hiển Linh

Bài này dịch tạm từ bài viết của Dr. John Bergsma

Từ "Hiển linh/Epiphany" bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp: epi, "trên"; và phaino, "xuất hiện, tỏa sáng." Do đó, “Hiển linh/Epiphany” chỉ về thần tính của Chúa Giêsu "chiếu sáng" trên trái đất, nói cách khác, là sự biểu lộ bản tính Thiên Chúa của Ngài.

Lễ Hiển Linh có một lịch sử thú vị, và bắt nguồn từ việc trong phụng vu tưởng niệm các sự kiện khác nhau về thời thơ ấu hoặc sứ vụ ban đầu của Chúa Giêsu, trong đó thần tính của Ngài được mặc khải. Đặc biệt, ba sự kiện đã được Giáo hội sơ khai xác định: cuộc viếng thăm của các đạo sĩ, việc Chúa chịu phép rửa, và việc biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Ở các nhà thờ địa phương khác nhau, những ngày để ghi nhớ những sự kiện này đã được cử hành sau Lễ Chúa Giáng sinh. Một số nhà thờ địa phương đã sử dụng thuật ngữ "Epiphany" để chỉ lễ tưởng niệm Chúa Giáng sinh làm rối loạn tình huống thêm nữa. Tuy nhiên, theo thời gian, nghi lễ Latinh đặt Lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 và đặt sự kiện các đạo sĩ viếng thăm làm “Lễ Hiển linh” mười hai ngày sau, vào ngày 6 tháng 1. Do đó này chúng ta có truyền thống “Mười hai ngày of Christmas ”, tức là khoảng thời gian giữa Lễ Giáng sinh và Lễ Hiển linh.

Người ta sẽ nhận thấy rằng trong lịch các bài đọc trong Thánh lễ và kinh phụng vụ đương thời, sự liên kết của Phép Rửa và Tiệc Cưới tại Cana với Lễ Hiển Linh vẫn được duy trì. Lễ Chúa chịu phép rửa thường được cử hành vào Chúa Nhật sau Lễ Hiển Linh, và Chúa Nhật tiếp theo luôn có bài đọc Tin Mừng về tiệc Cưới Cana (Gioan 2: 1-11) hoặc một đoạn Tin Mừng từ Gioan ngay trước tiệc cưới (Gioan 1: 29-42).

Việc sử dụng từ "hiển linh/epiphany" để chỉ về thần tính có trước Kitô giáo. Hoàng đế Antiochus IV của Syria (Seleucid) (trị vì 175-165 trước Công nguyên), một bạo chúa độc ác 1-2 Maccabees tường thuật, tự đặt tên mình là “Epiphanes” vì ông coi mình là biểu hiện của thần tính trên trái đất. Người dân gọi ông là “Epimanes”, có nghĩa đại khái là “thứ gì đó đang đè lên não”, hay nói cách khác là “mất trí”. Antiochus cuối cùng chết trong thất bại; rõ ràng nhân loại sẽ cần phải chờ đợi một vị vua khác là "Hiển linh" thần tính của mình.

Bài đọc cho lễ trọng hôm nay không thay đổi từ năm này sang năm khác, vì vậy những chú giải của tôi phần lớn không thay đổi so với các năm trước:

Bài đọc 1 được lấy từ sách ngôn sứ I-sai-a 60:1-6

Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất,
và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha :
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa.

Trong đoạn trích từ Isaia này, Chúa dùng từ phụ nữ để gọi thành phố Giê-ru-sa-lem— “ngươi” trong suốt đoạn văn là đại từ số ít, giống cái. Đây là cách gọi điển hình của Isaia, và ở một nơi khác ông gọi Giê-ru-sa-lem là “con gái của Si-ôn” hay ngay cả “trinh nữ, cô gái Si-ôn” (Is 37:22). Dĩ nhiên, Si-ôn là sườn núi trên đó Đa-vít xây dựng cung điện hoàng gia, và do đó là trung tâm của thành phố, vì thế là trọng tâm của Giu-đa, là trọng tâm của Israel. Vì vậy, “Si-ôn” hoặc “Giê-ru-sa-lem” thường là được đại diện cho toàn thể dân Chúa chọn.

Là Kitô hữu, chúng ta hiểu “Giê-ru-sa-lem” và “Si-ôn” là để chỉ về Giáo hội, là “Giê-ru-sa-lem trên trời” (xem Híp-ri 12:22). Một cách riêng biệt, Giáo hội được hiện thân nơi Đức Maria, Mẹ của Giáo hội. Đức Maria là “trinh nữ, con gái của Si-ôn” cách riêng biệt. Hơn nữa, vì Si-ôn là vùng hoàng gia của Giê-ru-sa-lem, nên “trinh nữ, con gái của Si-ôn” được dùng để chỉ những cô con gái trinh nữ của nhà vua, những công chúa hoàng gia là những phụ nữ trẻ đẹp nhất, thành đạt và nổi tiếng trong thành. Đức Maria là cô gái đồng trinh của dòng dõi hoàng tộc, một hậu duệ của Vua Đavít. Khi Đức Maria nhìn thấy đoàn lữ hành lạc đà của các đạo sĩ đến nơi ở khiêm tốn của mình, đầy ắp với những món quà phù hợp với một vị vua, được mang đến từ những vùng đất dân ngoại xa xôi, những lời của Isaia 60: 1-6 được ứng nghiệm cách đặc biệt: “Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ… vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. ” Như ĐTC Bênêđíctô XVI đã nhận xét trong quyển 3 của Chúa Giêsu thành Nazareth về các câu chuyện thời thơ ấu, “Đức Maria, chính ngài, xuất hiện như  con gái của Si-ôn. Những lời tiên tri của Si-ôn được ứng nghiệm nơi Mẹ cách bất ngờ ”(trang 28 của phiên bản tiếng Anh).

Tóm lại, trong bài đọc thứ nhất này, (Is 60), ngôn sứ Isaia tiên đoán một ngày mà ánh sáng Thiên Chúa sẽ chiếu rọi trên khắp dân Ngài, thu hút các quốc gia, những quốc gia mà sẽ biết ơn ánh sáng này. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân tộc của Ngài sẽ không chỉ thu hút những người dân của Chúa (dân Israel) theo truyền thống, mà ngay cả những quốc gia xa xôi có nền văn hóa rất khác nhau, như Sheba (miền nam Ả Rập hoặc Ethiopia). Như chúng ta sẽ thấy, lời tiên tri này có những mối liên hệ quan trọng với bài đọc Tin Mừng.

2. Đáp ca (từ Thánh vịnh 72) là một trong những thánh vịnh quan trọng nhất trong 150 thánh vịnh. Nó xuất hiện ở cuối Sách II của Thánh vịnh (đó là Thánh vịnh 42-72), một trong những Thánh vịnh lạc quan nhất trong năm sách Thánh vịnh, chỉ vượt qua Sách V (Thánh vịnh 107-150) về sự vui mừng. Thánh vịnh 72 được gọi là “về Sa-lô-môn”, nhưng theo truyền thống được hiểu là một Thánh vịnh do Đa-vít viết về Sa-lô-môn chứ không phải do chính Sa-lô-môn viết. Nó mô tả hòa bình và thịnh vượng khôn tưởng tồn tại trong thời gian đầu của triều đại Sa-lô-môn, khi ông còn tuân theo luật pháp của Thiên Chúa và thừa hưởng tất cả mọi phước lành của giao ước Đa-vít. Thật vậy, Thánh vịnh 72 là một điểm cao về cảm xúc và tâm linh của sách Thánh vịnh, cũng như triều đại của Sa-lô-môn là một điểm cao trong lịch sử của dân Israen:

Đ. Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
10Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.

Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.


Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.
Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.

Đ.Lạy Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài.

Triều đại của Sa-lô-môn là một ngóng chờ hoặc dự biểu/type quan trọng về triều đại của Đấng Kitô và việc thành lập Giáo hội. Sa-lô-môn cai trị một đế chế đa quốc gia (I Các Vua 4:21), một đế chế báo trước cho đế chế thiêng liêng đa quốc gia là Giáo hội Công giáo. Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn nổi tiếng đến nỗi các nhà thông thái đến nghe ông từ khắp các quốc gia, ngay cả từ phương Đông (1 Các Vua 4: 29-34). Cũng vậy, lần cuối cùng các đoàn lữ hành đến Jerusalem mang theo vàng và trầm hương từ Sheba (được đề cập trong bài đọc thứ nhất) là dưới triều đại của Sa-lô-môn (1 Các Vua 10:10). Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra khi Solomon ở đỉnh cao quyền lực của mình. Chúa Giê-su vượt trội hơn Sa-lô-môn, bởi vì ngay từ khi còn là hài nhi, các nhà thông thái phương Đông đã đến gặp Ngài để thừa nhận sự vĩ đại của Ngài và tôn vinh ngài. Chúa Giêsu là Con của Đa-vít vĩ đại hơn, khôn ngoan hơn cả Sa-lô-môn.

Sa-lô-môn có trí tuệ uyên bác, nhưng Chúa Giê-su còn hơn nữa, Ngài đem đến một sự khôn ngoan lớn hơn cả sự khôn ngoan, đó là sự khôn ngoan của tình yêu (1 Cr 13: 2). Kinh Thánh luôn ám chỉ rằng tình yêu vượt trên sự khôn ngoan, vì cuốn sách vĩ đại nhất trong ba cuốn sách khôn ngoan cổ đại của Sa-lô-môn là sách Diễm ca. Không phải ngẫu nhiên mà Diễm ca là cuốn sách Cựu ước duy nhất đề cập đến cả ba loại: vàng, nhũ hương và mộc dược (Diễm ca 1:11,13; 3:6,10; 4:6,13; 5:1, 5,11,13,14). Điều này đưa chúng ta trở lại chủ đề hôn nhân đặc trưng cho Kinh thánh. Chúa Giê-su không chỉ là chàng rể được tiên đoán trong nhiều đoạn Kinh thánh từ Cựu ước về vua Đa-vít (ví dụ: Thánh vịnh 45), mà chính Ngài là “sự kết hôn” của bản chất con người và thần tính trong một cá vị. Theo một nghĩa nào đó, Hiển linh/Epiphany là các vị vua của trái đất mang lễ cưới đến cho hôn lễ giữa con người và thần tính.

3. Bài đọc hai được trích từ thư của Thánh Phaolô gửi đến các tín hữu ở Ê-phê-sô. Trong đó, Thánh Phaolô nói đến “mầu nhiệm” của Thiên Chúa mà đến nay mới được tiết lộ cho thế giới, đó là các Dân ngoại (các dân tộc không thuộc dân Israel) là “những thành phần của cùng một thân thể, và những người được thừa hưởng lời hứa trong Đức Giêsu Kitô nhờ Tin Mừng. ”

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô 3:2-3a;5-6
2 Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3a Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

Bài đọc này được chọn vì lời tuyên bố của Thánh Phaolô về dân ngoại “cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Các đạo sĩ, với tư cách là các học giả dân ngoại từ một số vùng đất phía đông, là những dân ngoại đầu tiên trong Tân Ước thừa nhận quyền lãnh chúa của Đức Giêsu Kitô. Họ đã nếm trước về sự tụ họp thật đáng kinh ngạc của các quốc gia khác nhau được gia nhập thành dân Chúa mà chúng ta gọi là “Giáo hội”.

Ngày nay, chúng ta coi “tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa” là điều hiển nhiên nên thật khó để tạo lại cảm giác mới lạ mà Thánh Phaolô và các Kitô hữu từ Do Thái giáo ban đầu đã cảm nghiệm khi khái niệm các dân tộc ngoại giáo đang được Thiên Chúa mời gia nhập để trở thành dân giao ước của mình. Chắc chắn hầu hết người Do Thái thời cổ đại đều không lường trước được điều này: khi những người phái Essenes ở Qumran, những người đã để lại cho chúng ta bản văn Dead Sea Scrolls, nghĩ rằng tương lai của dân ngoại là sẽ bị hủy diệt hoặc sẽ bị làm nô lệ dưới quyền của đế chế Israelite cai quản toàn thể thế giới (ví dụ, đọc War Scroll, 1QM). Giả thuyết của riêng tôi là Gioan Tẩy giả là một thành viên của nhóm Essenes, nhưng đã bị trục xuất vì ông khăng khăng muốn rao giảng về Nước Chúa cho người dân ngoại. (Xem chương 3 của cuốn sách Jesus and the Dead Sea Scrolls của tôi [Penguin Random House, 2019]).

Đây là một chủ đề mà nhóm Essenes đã không lý luận đúng đắn từ Kinh thánh, bởi vì có vô số lời tiên tri Cựu ước trực tiếp và gián tiếp nói về dân ngoại chia sẻ vào vinh quang của Thiên Chúa với dân Israel trong thời kỳ cuối cùng, kể cả đoạn từ Isaia 60 đã đọc ở trên. (Xem thêm Sáng thế 12:1-3; 22:15-18). Mối liên hệ giữa những lời của Thánh Phao-lô với lễ Hiển Linh thì rất rõ ràng: Các đạo sĩ dân ngoại từ phương Đông, đến để thờ phượng Chúa Giêsu, là một sự nếm trước và trông ngóng, hướng về thời đại của Giáo Hội, khi cánh cửa dẫn đến sự cứu rỗi sẽ rộng mở cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Nhiều người trong chúng ta nghe lời giảng Urbi et Orbi của Giáo hoàng vào ngày Giáng sinh. Thật là một cảnh tượng xúc động khi chứng kiến ​​điều này, và nghe thấy tiếng hò reo của từng nhóm ngôn ngữ tập trung tại quảng trường dưới bóng của đấng kế vị thánh Phêrô. Đó là một dấu hiệu hữu hình ứng nghiệm lời của các tiên tri xưa của Israel, rằng một ngày nào đó, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Isaác và Gia-cóp sẽ được thờ phượng bởi tất cả các nước trên trái đất. Ai có thể nghĩ rằng điều này có thể xảy ra vào thời của Isaia, khi quốc gia Israel bị thu hẹp thành một vương quốc chư hầu nhỏ bé ở miền nam Palestine, và sẽ sớm không còn tồn tại như một quốc gia độc lập? Chỉ có sự mặc khải của Thiên Chúa mới có thể cho Isaia thấy trước được một tương lai mà con người không thể nghĩ đến trong thời đại của ông.

4. Bài đọc Phúc Âm tường thuật việc ba đạo sĩ đến thờ lạy Hài nhi Giêsu (Mát-thêu 2:1-12)
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

Các đạo sĩ là những người học giả uyên bác, những nhà khoa học thời họ. Cơ sở kiến ​​thức của họ sẽ bao gồm các nguyên tắc cơ bản của thiên văn học, vốn không khác biệt với chiêm tinh học thời cổ đại. Các chòm sao khác nhau có liên quan đến các nhóm dân tộc khác nhau, và có một “ngôn ngữ” diễn giải nhất định xác định các hiện tượng thiên văn với các sự kiện lịch sử. Theo sự sắp đặt của Chúa, các sự kiện thiên văn xung quanh thời điểm Chúa chúng ta sinh ra đã chỉ ra một dòng dõi hoàng tộc mới trong số những người Do Thái trong lược đồ diễn giải mà các nhà hiền triết phương đông này sử dụng.

Nhân vật Hêrôđê trong bài đọc Tin Mừng của chúng ta phù hợp với tính cách của Hêrôđê mà các sử gia xưa đã ghi lại. Theo nhà sử học Do Thái Josephus, thời trẻ, Hêrôđê là một nhà cai trị tài ba, người đã sớm tạo cho mình quyền lãnh đạo người Do Thái bằng cách đầu tư mạnh vào việc xây dựng lại Đền thờ trên quy mô lớn và thúc đẩy nền kinh tế thông qua hợp tác khéo léo với La Mã. Nhưng khi về già, ông ngày càng trở thành một bạo chúa tàn ác, có lẽ một phần là điên rồ, người đã hành quyết số lượng lớn các đối thủ chính trị cũng như nhiều thành viên trong gia đình mình, bao gồm cả một số vợ và con trai của ông. Là một kẻ xảo quyệt, mục tiêu chính của Hêrôđê trong cuộc sống là duy trì quyền lực của chính mình. Ông luôn cảnh giác trước những mối đe dọa có thể xảy đến với quyền hành của ông, đặc biệt là từ những người tuyên bố là họ ứng nghiệm những lời tiên tri của hoàng gia trong Kinh thánh Do Thái. Ông ta cực kỳ hoang tưởng, càng về già sức khỏe càng suy giảm, và hành vi thất thường của ông ta đã gây ra nỗi sợ hãi, thậm chí kinh hoàng cho những người phải cai quản quốc gia cùng ông ta. Không chút nghi ngờ, phần lớn thành phố và triều đình của ông không hài lòng khi thấy sự xuất hiện của các đạo sĩ với những câu hỏi “sai về mặt chính trị” về một vị vua mới sinh. Những câu hỏi này sẽ kích động hoang tưởng của Hêrôđê; và nếu Hêrôđê trở nên rối loạn, mọi người sẽ chết.

Những món quà mà các đạo sĩ đem dâng tiến mang đậm tính biểu tượng của Kinh thánh. “Nhũ hương và mộc dược” chỉ được đề cập với nhau trong Cựu ước trong sách Diễm ca của Solomon.  Chúng là loại nước hoa dành cho hôn nhân được sử dụng bởi Solomon và cô dâu của ông để chuẩn bị cho hôn nhân của họ. Ở đây trong sách Mátthêu, Chúa Giê-su được chỉ ra là Vị Vua, là Chàng rể từ khi Ngài mới sinh ra.

Đồng thời, “vàng và nhũ hương” chỉ được cùng đề cập với nhau trong Kinh thánh trong lời tiên tri Isaia 60: 6, một phần của bài đọc đầu tiên của chúng ta. Có một mối liên hệ rõ ràng của Chúa Giêsu với “ánh sáng” được tiên đoán bởi Isaia, ánh sáng được liên kết với ngôi sao kỳ diệu đưa các đạo sĩ đến với Chúa Hài đồng.

Về ngôi sao này thì có rất nhiều gợi ý — một số gợi ý khá hấp dẫn — đã được đưa ra trong nhiều năm để xác định thiên thể này. Tuy nhiên, một số Giáo phụ (ví dụ như Origen) đã chỉ ra rằng ngôi sao được đề cập phải là một vật thể siêu nhiên, vì các ngôi sao tự nhiên không di chuyển hoặc đứng yên, cũng như không thể đánh dấu một vị trí trên mặt đất nhỏ như Bethlehem, đừng nói đến một ngôi nhà riêng lẻ. Tuy không thể tuyên bố như là giáo điều, tôi tin rằng ngôi sao là một sự xuất hiện siêu nhiên đối với những đạo sĩ này. Thiên Chúa giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu: ngôn ngữ của các vì sao.

Khi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa của các bài đọc thánh thiêng này cho chính mình vào cuối tuần này, trước hết chúng ta bị ấn tượng bởi sự ứng nghiệm của các lời tiên tri về việc các dân tộc sẽ được quy tụ lại với Chúa Kitô. Giờ đây, vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, cứ ba cư dân trên thế giới thì có một người tự nhận mình là tín đồ của Chúa Kitô, tổng cộng là 2,2 tỷ người, trong đó khoảng một nửa là người Công giáo. Ngay cả khi tác giả Tân ước cuối cùng viết thư của mình, dân số theo Kitô giáo nhiều nhất là hàng chục nghìn người, chủ yếu nói tiếng Hy Lạp và tập trung ở phía đông của Đế chế La Mã. Sự mở rộng đáng kinh ngạc của “giáo phái Do Thái” này đến những vùng đất chưa từng được biết đến sẽ là điều hết sức vô lý trong thời cổ đại đó.

Trong thời hiện đại, đức tin đã bùng nổ ở những khu vực từng bị đóng cửa với Giáo hội. Châu Phi cận Sahara, nơi số lượng người theo Kitô giáo thì không đáng kể, thậm chí cả trăm năm trước đây, hiện có khoảng 60% là người là Kitô hữu. Mặc dù luôn luôn có một trận chiến tâm linh đang diễn ra, nhưng đúng là có vô số từ mọi quốc gia đã tụ họp dưới Ánh sáng.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy trong các đạo sĩ đại diện của các học giả và khoa học gia, những người cống hiến cuộc đời mình để học hỏi, để đạt được sự khôn ngoan. Những ngôi sao mà họ nghiên cứu chỉ ra sự hiện hữu của Chúa. Nhiều người đã viết về một thực tế đáng ngạc nhiên rằng các định luật và công thức vật lý cho phép các ngôi sao chiếu sáng trong không gian và các hành tinh quay quanh chúng, dường như đều được "tinh chỉnh/ finely tuned", đến nỗi cho các số chuẩn hoặc "hằng số vật lý" mà chúng phụ thuộc vào không thể thay đổi một phần của thậm chí -10 lũy thừa 37 (nghĩa là 0.000....37 số zero..1), cho những hành tinh ít nhạy cảm nhất. Ví dụ, nếu lực hấp dẫn mạnh hơn một chút, vũ trụ sẽ sụp đổ trước khi các hành tinh được hình thành; và nếu nó yếu hơn một chút, các hành tinh và ngôi sao thậm chí sẽ không hình thành. Nếu ánh sáng nhanh hơn một chút, thì vũ trụ sẽ quá nóng để có sự sống; chậm hơn một chút, nó sẽ quá lạnh cho sự sống. Nhiều nhà khoa học và triết gia khoa học đã viết về hiện tượng này, hiện tượng này thường được gọi là “sự tinh chỉnh của vũ trụ”. Cha Robert Spitzer, chẳng hạn, đi sâu vào vấn đề này trong cuốn sách của ông từ nhà xuất bản Ignatius Press, New Proofs for the Existence of God /Những bằng chứng mới chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Tuyên bố tôi ưa thích nhất về vấn đề này là từ Sir Fred Hoyle, nhà vật lý thiên văn người Anh vĩ đại nhất thế kỷ XX, và bản thân ông là một người theo thuyết vô thần, dù sao cũng đã thừa nhận:

“Một cách giải thích theo lẽ thông thường về các sự kiện cho thấy rằng một trí óc siêu vời đã thọc tay vào vật lý, cũng như hóa học và sinh học, và không có lực mù quáng nào [theo nghĩa không phải Thiên Chúa dựng nên vũ trụ] đáng được đề cập đến trong thế giới tự nhiên. Đối với tôi, những con số tính toán từ thực tế dường như quá áp đảo đến mức kết luận này gần như không thể nghi ngờ được nữa.”

Vì vậy, các đạo sĩ đã đúng: nếu một người thì chân thật và đi theo bằng chứng nó đưa ra, việc suy niệm các vì sao sẽ dẫn trí tuệ đến tìm thấy Chúa.

 Những đạo sĩ này đã cởi mở với sự thật, ngay cả khi họ sẽ phải hành trình đến một nơi rất xa xôi và rất khác lạ với nền văn hóa của họ. Họ là những người khôn ngoan, thông thái, họ thể hiện một trí tuệ thực sự sáng suốt. Bằng một cách nào đó (chúng ta không biết rõ ràng), họ đã nhìn thấy nơi hài nhi Giêsu, món quà của Thiên Chúa cho loài người, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Sự khôn ngoan chân chính nhận ra giới hạn của sự khôn ngoan. Có một cái gì đó cao thượng hơn sự khôn ngoan, và đó là tình yêu (1 Cô-rinh-tô 13: 1-13). Tình yêu là sự khôn ngoan tối thượng. Những trí thức này quỳ gối và cúi đầu trước một điều gì đó vĩ đại hơn mình: Tình yêu của Thiên Chúa, một Tình Yêu khiêm nhường và không gây sợ hãi của một đứa trẻ ngồi trong lòng mẹ mình. Thay vì làm giảm mất đi sự khôn ngoan, sự khiêm tốn của họ khi đối mặt với Tình Yêu sẽ nâng cao sự khôn ngoan.

Những người cống hiến cuộc sống của mình để theo đuổi việc học cần phải tránh cái bẫy của sự kiêu hãnh trí tuệ để thể đem lợi ích đến cho đồng loại. Các đạo sĩ là những học giả đã cúi đầu trí tuệ trước thực tế của tình yêu và sự khiêm tốn. Chúng ta nên noi gương họ.

Share:

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Bài này dịch tạm từ bài viết của Dr. John Bergsma

Ngày 1 tháng Giêng là Lễ Trọng mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Chúng ta không gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” để khẳng định Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu về mặt thiên tính, mà theo nghĩa Đức Maria là Mẹ của Đức Giêsu, Đấng thực sự là Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô năm 431 — rất lâu trước Giáo hội bị phân chia thành Giáo hội Đông phương, Tây phương và những người theo đạo Tin lành — đã tuyên bố “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu đúng đắn về mặt thần học cho Đức Maria.

Thay vì là nguyên nhân gây chia rẽ, việc tuyên xưng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” cần là sự hợp nhất cho tất cả các Kitô hữu, và phân biệt đức tin Kitô giáo chân thực với những bè phái khác. Chẳng hạn như giáo phái Ario (phủ nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa) hoặc giáo phái Nestorian (Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Đức Giêsu về phần con người chứ không là Đức Giêsu Kitô trọn vẹn).

Trong các Bài đọc cho Lễ trọng này có hai chủ đề: (1) con người của Đức Maria, và (2) Danh thánh của Chúa Giêsu. Tại sao lại Danh thánh của Chúa Giêsu? Trước Công đồng Vatican II, ngày thứ tám của Lễ Giáng sinh là lễ Danh Thánh Chúa Giêsu, không phải là lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Truyền thống đó có thể được nhìn thấy trong việc lựa chọn các bài đọc cho ngày lễ trọng này. (Lễ Danh Thánh Chúa Giêsu đã bị xóa khỏi lịch sau Công đồng Vatican II; Thánh Gioan Phaolô II đã khôi phục nó như một lễ nhớ vào ngày 3 tháng 1. Năm nay Lễ Hiển linh rơi vào ngày 3 tháng Giêng nên ngày lễ này không được cử hành.

1. Bài Đọc 1 từ sách Dân số 6: 22-27

Đức Chúa phán với ông Mô-sê : 23 “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng : Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này:
‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em !
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em !’27 Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.”

Lễ Trọng này là một trong số rất ít lần Sách Dân số được đọc vào ngày Chúa Nhật hoặc ngày lễ kính. Dưới đây là một vài điểm cơ bản về Sách Dân số:

Giữa những Kitô hữu độc giả hôm nay, Sách Dân số ít bị bỏ qua hơn một chút so với sách Lê-vi. Vì khác với sách Lêvi nó kết hợp danh sách dài các luật với một số câu chuyện kịch tính về những cuộc nổi loạn của dân Israel chống lại Thiên Chúa trong sa mạc và điểm này tạo ra điểm sở thích văn học. Cái tên “Dân số” có lẽ đã gây khó chịu cho người đọc thời nay - nó bắt nguồn từ tên Arithmoi trong bản Septuagint/ Bản dịch Bảy Mươi (hiền sĩ). “Dân số”, đề cập đến hai việc kiểm tra dân số cho thế hệ thứ nhất và thứ hai trong hoang địa, tạo nên những trụ cột cấu trúc văn học của cuốn sách trong chương 1 và 26. Tên tiếng Híp-ri là bamidbar, “Trong hoang địa”, là mô tả chính xác vị trí địa lý và tâm linh của Israel trong hầu hết các câu chuyện.

Sách Dân số có mối quan hệ văn học chặt chẽ với các sách kề đó trong Ngũ kinh Môsê. Theo nhiều cách, nó tương ứng với Sách Xuất hành. Xuất hành bắt đầu với dân đang cư ngụ ở Ai Cập (Xh 1-13), sau đó mô tả cuộc hành trình vượt qua sa mạc (Exodus 14-19), và kết thúc với việc họ đóng trại tại Sinai (20-36). Sách Dân số bắt đầu với dân Israel tại Sinai (Dân số 1-10), mô tả cuộc hành trình của họ qua sa mạc (Dân số 11-25), và kết thúc bằng việc họ cắm trại trên đồng bằng Mô-áp. Tại mỗi địa điểm, Sinai và Plains của Moab, dân Israel sẽ nhận một giao ước. Hơn nữa, có những mối liên hệ văn học chặt chẽ giữa các cuộc hành trình qua vùng hoang địa đến Sinai và phát xuất từ Sinai (Xh 14-19; Ds 11-25). Cả hai phần này đều bị chi phối bởi những câu chuyện về dân Israel “càm ràm” (Híp-ri lôn), “nổi loạn” (Híp-ri mārāh), hoặc “chiến đấu” (Híp-ri rîb) chống lại ĐỨC CHÚA và / hoặc Môise, và tường thuật về Môise ‘cần thêm sự trợ giúp để cai trị một dân tộc ngỗ ngược (Xh 18; Ds 11: 16-39), và sự cung cấp kỳ diệu của Thiên Chúa cho nhu cầu vật chất của dân chúng (Xh 15: 22-17: 7; Ds 11: 31-34; 20: 1-13). Đây là bằng chứng nghệ thuật văn chương được đúc kết cách cẩn thận: trọng tâm của bản tường thuật Sinai (Xh 20 – Dân số 10) bị bao quanh bởi hành vi phóng túng của một dân tộc lang thang trong sa mạc.

Sách Dân số cũng có mối quan hệ mật thiết với Lêvi. Nếu Lê-vi Ký thiết lập một “hiến pháp” thánh thiêng cho đời sống của dân Israel, thể hiện một trật tự hợp lý, có hệ thống, giống như một văn kiện giao ước tốt, với liệt kê của các phước lành và lời nguyền (Lêvi 26), thì sách Dân số giống như một danh sách các “sửa đổi” của “hiến pháp”, cùng với những tường thuật về hoàn cảnh lịch sử dẫn đến việc ban hành chúng. Và giống như danh sách các sửa đổi nhiều hiến pháp của tiểu bang và quốc gia, các luật có tính chất đặc biệt, tùy trường hợp, với ít mối liên hệ logic giữa các “sửa đổi” liên tiếp.

Cuối cùng, Sách Dân số “tạo tiền đề” cho Sách Đệ nhị luật, cung cấp cho chúng ta thông tin cần thiết về tình trạng địa lý và đạo đức của dân Israel khi họ đến “Đồng bằng Mô-áp đối diện với Giê-ri-cô” để chúng ta hiểu bài giảng của Môi-se và việc đổi mới giao ước. mà ông đã nói với dân Israel tại địa điểm này trong cuốn sách cuối cùng của Ngũ Kinh Môise.

Bản văn trong bài đọc đầu tiên này là Phép lành của các tư tế trong Dân số chương 6. Công thức để ban phước lành cho các tư tế bao gồm việc kêu cầu đến Danh Thiên Chúa (YHWH) ba lần trên dân Israel.

Một giải thích ngắn về Danh Thánh Chúa

Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán : “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”’  (Xh 3: 13-15).

Sự mặc khải về Danh Chúa cho Môi-se là một trong những đoạn văn có ý nghĩa thần học nhất của Cựu Ước. Bằng cách tự xưng là “Ta là Đấng Hiện Hữu/ I AM”, Thiên Chúa phân biệt mình với các vị thần khác của các quốc gia, những vị thần “không tự hiện hữu”. Ngài thực sự là Thiên Chúa duy nhất. Hơn nữa, tên “Ta là Đấng Hiện Hữu/ I AM” nhấn mạnh rằng Thiên Chúa tồn tại trong chính Ngài; không giống như tất cả những sinh vật khác, Ngài không nhận lấy sự hiện hữu của mình từ một số nguyên nhân khác. Ngôn ngữ triết học sau này sẽ mô tả Thiên Chúa là sự hiện hữu cần thiết. Dù thiếu ngôn ngữ triết học, người xưa đã có khái niệm về sự tự mình hiện hữu: trong tôn giáo Ai Cập, thần mặt trời Amon-Rē “tự mình xuất hiện” và tất cả các sinh vật khác đều lấy sự tồn tại của mình từ thần mặt trời. Tuy nhiên, Thiên Chúa mặc khải cho Môi-se rằng chính Ngài, ĐỨC CHÚA — không phải Amon-Rē hay bất kỳ vị thần Ai Cập nào khác — là nền tảng của sự hiện hữu và là nguồn gốc của sự hiện hữu.

Từ thực sự được ban cho Israel để làm Danh Thánh Chúa được viết là YHWH, tương đương của tiếng Anh với các phụ âm tiếng Híp-ri. Nó không phải là cụm từ đầy đủ “Ta là Đấng Hiện Hữu/ I AM” mà là một dạng cổ xưa của động từ HYH trong tiếng Híp-ri, “hiện hữu”, với nghĩa “NGÀI LÀ ĐẤNG HIỆN HỮU.” Để tôn trọng điều răn thứ ba, người Do Thái sau thời kỳ lưu đày ở Babylon (khoảng 597–537 TCN) đã không còn phát âm danh thánh của Chúa nữa, mà thay vào đó là danh hiệu “Đức Chúa” bằng tiếng Híp-riadonai, bằng tiếng Hy Lạp kyrios. Vì vậy, Thiên Chúa của Israel được gọi là ho kyrios, Chúa” trong Tân Ước. Điều này làm sáng tỏ ý nghĩa của cụm từ, "Đức Giêsu là Chúa!" (Rm 10: 9; 1 Cr 12: 3).

Ngôn ngữ Hebrew được viết mà không có nguyên âm cho đến khoảng năm 700 sau Công nguyên khi các thầy thông giáo Do Thái phát triển một hệ thống viết nguyên âm. Tuy nhiên, hình thức YHWH được viết với các nguyên âm cho adonai, từ mà người Do Thái thực sự phát âm. Các dịch giả tiếng Anh của phiên bản King James không hiểu hệ thống này, và trong một số trường hợp, đã kết hợp các phụ âm trong tiếng Do Thái của YHWH (được gọi là tetragrammaton, tức là “bốn chữ cái”) với các nguyên âm tiếng Do Thái là adonai để tạo thành tên sai lầm “ Đức Giê-hô-va. ” Truyền thống Công giáo không đề cập đến Thiên Chúa bằng hình thức nhầm lẫn “Giê-hô-va” hoặc như cách phát âm cổ là “Giavê”, mà dùng “ĐỨC CHÚA” để chỉ Thiên Chúa của Israel, theo như thực hành của Chúa Giêsu và các Tông đồ. Trong hầu hết các Kinh thánh tiếng Anh, “ĐỨC CHÚA” viết in đại diện cho Đức YHWH trong văn bản tiếng Híp-ri, trong khi “Chúa” ở dạng viết thường đại diện cho từ adonai trong tiếng Híp-ri.

Khái niệm “tên” trong văn hóa Híp-ri có ý nghĩa rất lớn. “Tên” đại diện cho bản chất của một người, và việc gọi tên làm cho người đó hiện diện một cách thần bí. Vì vậy, Thiên Chúa sẽ nói về biểu hiện của sự hiện diện của Ngài trong Đền thờ với tư cách là “nơi ở của Danh thánh Ngài” ở những nơi khác nhau của Cựu Ước.

Việc cầu khẩn Danh thánh Chúa trên dân Israel thông báo sự hiện diện và thần khí của Thiên Chúa cho họ ít nhất là một cách trung gian.

Trong Do Thái giáo hậu lưu đày, Thánh Danh (YHWH) hiếm khi được phát âm, ngoại trừ vào Ngày Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur), khi thầy tư tế cả sẽ làm lễ chuộc tội cho cả dân tộc trong nơi Cực thánh, và sau đó đi ra khỏi Đền thờ để chúc lành cho những người tập họp trong các sân Đền thờ. Ở đó, vị tư tế sẽ tuyên bố lời chúc lành của sách Dân số chương 6, bao gồm cả việc xưng tụng Danh Thánh Chúa. Mỗi khi mọi người nghe Danh thánh phát âm, họ sẽ phủ phục trên mặt đất. Điều này được ghi lại trong Sirach:

Huấn ca 50:20 Bấy giờ ông Si-môn bước xuống, giơ tay trên toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, và đọc lời chúc lành của Đức Chúa; như thế ông được vinh dự xướng lên Thánh Danh Người. 21Một lần nữa dân chúng lại phủ phục, để đón nhận phúc lành từ Đấng Tối Cao.

Thông tin tương tự cũng được ghi lại trong Mishnah, bộ sưu tập vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên về truyền thống và giáo huấn của rápbi Do Thái đã trở thành cơ sở của hệ thống pháp luật của Do Thái giáo hiện đại. Vì vậy, trong Mishnah, trong Yoma 3: 8 và 6: 2:

Và [khi dân chúng nghe Tên có bốn chữ cái] họ trả lời theo sau [Vị Thượng tế]: “Chúc tụng Danh thánh của Vương quyền vinh hiển của Ngài cho đến muôn đời”. (M. Yoma 3: 8)

Bấy giờ, các tư tế và những người đứng trong sân, khi nghe thấy Danh thánh Chúa từ miệng của Vị Thượng tế, sẽ khụy gối, sấp mình và sấp mặt xuống, và họ nói: “Chúc tụng Danh đáng tôn vinh của Vương quyền của Ngài mãi mãi! ” (M. Yoma 6: 2)

Chúng ta đọc đoạn Kinh thánh từ Dân số trong phụng vụ ngày nay vì nhiều lý do.

Trước tiên, chúng ta tập hợp với tư cách là dân của Chúa trên khắp thế giới vào ngày hôm nay, ngày đầu tiên của năm, để cầu xin Chúa ban phước lành cho chúng ta.

Thứ hai, chúng ta tưởng niệm (trong Phúc âm) việc cắt bì và việc Hài nhi Giê-su được đặt tên. Đối với chúng ta trong Giao Ước Mới, Danh thánh Chúa tiếp tục là nguồn ân sủng và sự hiện diện thánh thiêng của Chúa, nhưng danh xưng mà chúng ta sử dụng không còn là YHWH nữa mà là “Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu là Danh thánh của Thiên Chúa, là nguồn của sự cứu rỗi. Khi Phaolô nói với các tín hữu ở Philípphê về Danh thánh Giêsu, ngài có thể nghĩ đến việc sụp lạy trong Đền thờ khi người ta nghe đến Danh thánh Chúa:

Phil. 2:10 Khi nghe Danh thánh Chúa Giê-su, mọi gối phải sụp lạy, trên trời, dưới đất và nơi âm phủ …

Phát âm tên thánh “YHWH” không là truyền thống của Kitô giáo. Chúa Giêsu và các Tông đồ đã thực hành phong tục đạo đức của người Do Thái là dùng từ “Chúa” (‘adonai, kyrios, dominus) để phát âm Danh thánh. Vì lý do này, dưới triều đại Giáo hoàng của Bênêđíctô XVI, danh xưng “Yahweh” đã bị loại bỏ khỏi các bản văn thờ phượng. Giáo phái Nhân Chứng Giê-hô-va khăng khăng trong dùng cách phát âm  của Danh thánh ấy, mặc dù hình thức phát âm của họ là sai lầm, và trong truyền thống Kitô giáo hoặc Tân ước không có bằng chứng nào khuyến khích thực hành vậy. Đối với chúng ta, tên có sức cứu rỗi là “Giêsu”, và mặc dù việc sụp lạy khi Danh thánh Chúa Giêsu được kêu đến thì không thực tế, lòng đạo đức Công giáo quy định phải cúi đầu khi nhắc đến Thánh Danh.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

4 Thưa anh em, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.

Bài Đọc này có sự nối kết với Tin Mừng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Đức Maria là Mẹ sinh ra Chúa Kitô (“con một người phụ nữ”) cũng như Chúa Giêsu và gia đình Người là những người Do Thái ngoan đạo, trung thành với Giao ước Cũ trong việc chịu phép cắt bì (“sống dưới Lề Luật) ”).

Bài Đọc này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta không nên quên rằng đây là điểm độc nhất vô nhị của đức tin Kitô giáo. Kitô giáo — không giống như Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Vô thần — là một tôn giáo để chúng ta được trở thành con cái của Chúa. Trong Do Thái giáo, việc làm con của Thiên Chúa mang tính ẩn dụ; trong Hồi giáo, đó là sự báng bổ. Trong các tôn giáo phương Đông, điều đó là không liên quan, bởi vì Thượng đế thực không phải là một bản thể cá vị, mà là một lực vô nhân cách hoặc bản chất vô tính làm sinh động tất cả. Chỉ riêng Kitô giáo trao ban cho chúng ta lời mời gọi để đón nhận sự gần gũi trong gia đình với Đấng Tạo hóa, đón nhận ơn gọi làm con trai con gái của Cha trên trời.

 Chúng ta cũng hãy để ý đến mối liên hệ chặt chẽ giữa ân sủng của Chúa Thánh Thần và quyền làm con Thiên Chúa. Từ quan điểm luật pháp, Giao ước mới làm cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa; từ quan điểm bản thể học, chính Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta trở thành con cái. Thánh Phaolô nói, việc Chúa Giêsu gửi Thánh Linh “vào tâm hồn chúng ta” tương đương với việc đưa “Chúa thổi hơi” vào lỗ mũi của Ađam, khiến ông trở thành “một sinh linh”. Vì vậy, chúng ta được phục hưng nhờ Chúa Thánh Linh, giống như A-đam đã được vào sự sống trong thuở ban đầu. A-đam là vua của vũ trụ, như Kinh thánh đã viết: “Hãy thống trị cá biển, chim trời và mọi sinh vật di chuyển trên đất” (Sáng thế 1:28). Từ “thống trị” (Híp-ri radah) gợi lên bối cảnh về sự quản trị của một vị vua: sau này từ ấy sẽ được sử dụng cho triều đại của Sa-lô-môn (1 Các Vua 4:24; Tv 72: 8; 110: 2; 2 Sử 8:10). Vì vậy, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành vương giả trong Chúa Kitô: như Thánh Phaolô đã nói, “không còn là nô lệ nhưng là con… cũng là người thừa kế nhờ Thiên Chúa.” Không còn là nô lệ cho sự gì? Tội lỗi, cái chết và ma quỷ. Nếu chúng ta vẫn bị điều khiển bởi các dục vọng, sợ chết và bị lung lay bởi những lời đề nghị của Satan trong cuộc sống, thì chúng ta vẫn còn là nô lệ. Nếu chúng ta thoát khỏi những điều này, thì chúng ta đang bước đi trong Thánh Linh, với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời. Đây là chủ đề trong Thư thứ nhất của Giăng, được đọc trong thánh lễ hàng ngày suốt mùa Giáng sinh.

Bài Phúc Âm từ Luca 2:16-21

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Chúng ta nhận ra một vài điều: Đức Maria “ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây không chỉ là một dấu hiệu về nơi mà Thánh Luca lấy thông tin của mình về những sự kiện này, mà còn là một mô hình của người chiêm niệm. Là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Đặc biệt là trong mùa Giáng sinh này, cho đến Lễ Chúa chịu phép rửa (13 tháng Giêng), chúng ta nên dành ra một chút thời gian để cầu nguyện trong thinh lặng, để suy niệm về những sự kiện kỳ diệu mà chúng ta đang cử hành và để những ý nghĩa này thấm sâu vào tâm hồn chúng ta.

Chúng ta thấy những người chăn chiên “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.” Điều này cũng mô tả ơn gọi của người Kitô hữu. Đặc biệt, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi chúng ta quay trở về với việc ca tụng và vui mừng vốn là đặc tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Đức tin của chúng ta là về trải nghiệm, không chỉ là một triết lý. Đức tin của chúng ta là một cuộc gặp gỡ với một người. Tất cả chúng ta nên biết gặp gỡ Chúa Giêsu là gì, để “nghe và thấy” Người. Thư thứ nhất Thánh Gioan  như những người chăn cừu:

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu,điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.  Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. (1 Gioan 1:1-4)

 Hãy quan sát mối liên hệ trong phân đoạn này với “nhìn thấy” và “nghe thấy” và đỉnh điểm là sự công bố và niềm vui. Đây là điều mà các môn đệ của Chúa Giê-su làm: họ cảm nghiệm Chúa Giê-su và sau đó vui mừng công bố những gì họ đã gặp.

Cuối cùng, chúng ta thấy việc đặt tên Chúa Giêsu khi Ngài chịu cắt bì. Người Kitô hữu không còn thực hành phép cắt bì nữa, bởi vì bí tích Thanh Tẩy là “phép cắt bì của trái tim” mà Môi-se hứa vượt qua phép cắt bì thể xác (xem Đnl 10:16; 30: 6; Cv 2:37; Col 2: 11-12). Tuy nhiên, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, là “phép cắt bì trong lòng”, chúng ta vẫn nhận tên thánh, tên Kitô hữu của mình.

Tên được đặt cho Chúa Giê-su là từ y’shua trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “sự cứu rỗi”. Trong Cựu ước, chúng ta quen thuộc hơn với cái tên dưới dạng “Giô-suê”, là một thể loại đấng Kitô quan trọng. Cũng như Môi-se không thể dẫn dân Israel vào đất hứa, nhưng Giô-suê đã làm được; vì vậy Chúa Giêsu là Giô-suê Mới của chúng ta, Đấng đưa chúng ta vào sự cứu rỗi mà Môi-se và giao ước của ông không thể dẫn chúng ta vào được.

Nay ơn cứu rỗi được tìm thấy nơi Danh Chúa Giêsu, bởi vì sự cứu rỗi có nghĩa là đi vào mối quan hệ làm con cái của Thiên Chúa Cha. Không phải là các nhà lãnh đạo tôn giáo vĩ đại khác (Mohammed, Đức Phật, Khổng Tử, v.v.) tuyên bố có thể đưa chúng ta vào chức vụ làm con cái Thiên Chúa, nhưng không thể làm việc đó. Họ thậm chí không tuyên bố có thể làm việc đó. Đức Giêsu là Đấng duy nhất. Vì vậy, Chúa Giêsu nói, “Thầy là đường, sự thật và sự sống; không ai đến được với Cha, mà không qua Thầy.” (Gioan 14: 6). Đây không phải là vì tính kiêu căng. Chúa Giêsu là người sáng lập tôn giáo vĩ đại duy nhất trong lịch sử nhân loại tuyên bố rằng Thiên Chúa là Cha và chúng ta có thể trở thành con cái của Ngài. Khái niệm làm con cái Thiên Chúa này nằm ở trọng tâm của Tin Mừng. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói đó là trọng tâm của Tin Mừng.

Trong ngày Lễ Trọng này, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Người qua Chúa Giêsu, đã dọn đường cho chúng ta trở thành con cái của Người và nhận một tên mới mà Người đã đặt cho chúng ta (x. Kh 2:17). Mối quan hệ mật thiết, cá nhân này với Thiên Chúa đã được thực hiện nhờ sự hợp tác của Đức Maria, người đã trở thành Mẹ của Đấng mà Danh thánh của Ngài là Cứu độ.

Share: