Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Chúa nhật thứ VI Mùa Phục Sinh, Năm C -- ý nghĩa của "Chúa Cha cao trọng hơn Thầy"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (14:23-29)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

 



Chuyển ngữ từ video của Dr. Brant Pitre

… Và sau đó Chúa Giêsu nói những lời này: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.” Điều đó có nghĩa là gì? Bạn đã bao giờ thắc mắc điều đó chưa? Tôi biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Ngài chẳng phải là “Ánh sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật” sao? Đó là lời chúng ta đọc trong Kinh Tin kính. Và nền tảng, một trong những nền tảng của Kitô giáo là lời tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Ngài không chỉ là người, nhưng là Thiên Chúa nhập thể. Đặc biệt trong Phúc âm của Gioan. Trong Phúc âm Gioan chúng ta đọc, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.”

Không Phúc âm nào nói về tính Thiên Chúa của Đức Giêsu rõ ràng hơn Phúc âm của Gioan. Tuy nhiên, chính trong Phúc âm của Gioan (chứ không phải trong các sách Phúc âm khác), chúng ta nghe Chúa Giêsu nói “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”. Trong suốt nhiều thế kỷ, những nhóm dị giáo, những nhóm người có quan điểm sai lầm về Chúa Giêsu, đã dựa vào câu Phúc âm này để tranh luận rằng Chúa Giêsu không là Thiên Chúa hoặc Ngài không hoàn toàn là Thiên Chúa, hoặc cách nào đó Ngài “kém hơn Thiên Chúa Cha,” rằng Ngài “tùy thuộc / subordinate” vào Chúa Cha. Đôi khi bạn sẽ thấy thuật ngữ đó được sử dụng. Vây người Công giáo sẽ nói gì về điều đó? Chúng ta giải thích câu Phúc âm đó như thế nào?

Câu trả lời cho điều đó thực sự rất đơn giản. Chúng ta thường chỉ phớt lờ nó. Chúng ta không nói về nó. Chúng ta không giảng về nó. Chúng ta chỉ giả vờ như nó không có ở đó. Không… Chúng ta làm sao để hiểu câu này trong bối cảnh của toàn bộ Phúc âm?

… Lúc này tôi chỉ nói rõ một điểm này: trong bối cảnh của cả Phúc âm, câu này không thể có nghĩa là Chúa Giêsu đang phủ nhận thiên tính của mình, bởi vì toàn bộ Phúc Âm Gioan được cấu trúc xoay quanh việc mặc khải thần tính của Chúa Giêsu. Do đó, Phúc âm của Gioan bắt đầu với câu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Hàng chữ đâu tiên nói rằng Ngôi lời đã mặc lấy thân xác người phạm chính là Thiên Chúa. Có cả từ diễn tả sự khác biệt (hai từ Ngôi Lời và Thiên Chúa), nhưng cũng có sự đồng bản chất, Ngôi Lời là Thiên Chúa. Và nếu bạn đi đến phần cuối của Phúc âm, thì cao trào của nó như thế nào? Với Thánh Tôma nói, “Lạy Chúa (Lord) của con, lạy Thiên Chúa (God) của con.” Và Chúa Giêsu không trả lời, “Nào nào, Tôma, anh sai rồi. Ta chỉ là người như con.” Nếu Chúa Giêsu nói trong bối cảnh đó nói, “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”, thì bạn có thể nghĩ “Ồ, có sự khác biệt. Chúa Giêsu phủ nhận thần tính của mình.” Nhưng sự việc không là như vậy, Chúa Giêsu đón nhận sự thờ phượng chỉ được dâng tiến cho Thiên Chúa mà Tôma đã dâng lên Ngài Gioan 20. Và còn rất điều đoạn trong cả Phúc âm, như Gioan 10:30, “Tôi và Cha là một”, khiến người Do Thái lấy đá để ném Ngài “vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”

Do đó, thần tính của Chúa Giêsu, Ngài là Chúa thật, là điều không thể chối cãi trong Phúc âm Gioan. Vì vậy, câu hỏi trở thành, Chúa Giêsu muốn nói gì trong câu này: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”? Thực ra câu trả lời thực sự đơn giản, mặc dù, cần một chút xem xét để có thể hiểu đầy đủ. Câu trả lời rất đơn giản: Là người Công giáo, bạn phải nhớ, trong Phúc âm của Gioan, Chúa Giêsu không chỉ là Thiên Chúa thật mà còn là người thật. Ngài là người thật. Trong bối cảnh của bài diễn từ Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tập trung vào khía cạnh nào ở đây? Ngài đang tập trung vào mầu nhiệm về thần tính của mình? Hay Ngài đang tập trung vào bản tính con người của mình, con người sắp bị đóng đinh, sắp chết, và sẽ được sống lại, và rồi làm gì nữa? Lên trời về với Chúa Cha. “Thầy về với Cha.” Vì vậy, trong ngữ cảnh ở đây, sự nhấn mạnh là bản tính con người của Ngài, thân thể của Ngài sẽ bị đóng đinh vào thập giá, sẽ bị giết chết, và sẽ sống lại, và sau đó là mầu nhiệm lớn lao của việc Chúa lên trời: một sự việc chưa từng có sẽ xảy ra. Cụ thể là, một thân thể người, hữu hạn, chỉ có thể ở một nơi, có xương có thịt, bị giới hạn bởi vật thể và không gian, thân xác con người có giới hạn đó sẽ được tôn vinh, và được đưa vào cuộc sống của Chúa Ba Ngôi. Thân thể đó sẽ trở về với Chúa Cha.

Đó là điều chưa hề xảy ra trước đây. Vì vậy, xét về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, từ muôn thuở, như Gioan đã nói ở phần đầu Phúc âm của mình: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”; có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi là Thiên Chúa vĩnh hằng. Nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều là thuần linh, đúng không? Không có thân thể, Ba Ngôi Vị không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ba Ngôi là Thiên Chúa vĩnh hằng.

Nhưng Ngôi thứ hai mặc lấy bản chất người phàm, như Gioan nói ở phần đầu Phúc âm, một trong ba Ngôi vị mặc lấy thân xác hữu hạn của con người. Điều này có nghĩa là Ngài có thân thể, linh hồn, trí óc con người, ý chí con người, mặc lấy mọi thứ về con người (nghĩa là có giới hạn), ngoại trừ tội lỗi. Cho nên trong ngữ cảnh ở đây, điều mà Chúa Giêsu đang nói đến không phải là thần tính của Ngài, mà là bản tính nhân loại của Ngài, thân thể con người của Ngài thì thấp kém hơn Chúa Cha. Chúa Cha là Đấng toàn năng, hiện hữu ở khắp mọi nơi.  Nhưng trong nhân tính của mình, Chúa Con có ở khắp nơi không? Không. Ngài hiện hữu khắp nơi trong thần khí, nhưng thân thể của Ngài lúc ấy thì không ở khắp mọi nơi, thân thể của Ngài có giới hạn.

Vì vậy, ở đây, Chúa Cha cao trọng hơn Chúa Kitô theo nghĩa là nhân tính của Chúa Kitô, bản chất con người có giới hạn của Ngài. Và Ngài nói với các môn đệ, nếu anh em hiểu điều Thầy làm, thì hẳn anh em đã vui mừng vì bản tính con người của Thầy sẽ bị hủy diệt. Thân xác của Thầy sẽ  phải chết và sống lại, rồi Thầy sẽ trở về cùng Chúa Cha, Anh em nên vui mừng vì điều đó. Bởi vì trước khi Chúa Giêsu thăng thiên, không một ai, (không một ai với bản tính con người) đã được đưa vào sự sống của Thiên Chúa Ba ngôi (Cha, Con và Thánh Thần). Sự kết hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại là điều được xảy ra nhờ mầu nhiệm nhập thể, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Đó là sự gia nhập của Đức Giêsu vào sự sống của Chúa Ba Ngôi, không chỉ với thần tính của Ngài vì thần tính ấy, từ muôn thuở luôn được kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhưng có một sự gì đó mới mẻ đang diễn ra trong bản tính con người mà Chúa Giêsu đã mặc lấy trong mầu nhiệm Nhập thể.

Lúc đầu, tôi nói câu trả lời thật đơn giản, nhưng có lẽ nó thực sự không đơn giản. Nó là một mầu nhiệm. Nhưng ý tôi muốn nói là ý nghĩa của câu Phúc âm ấy thì rõ ràng khi bạn nhìn vào những lời của Chúa Giêsu… lời ấy có ý nghĩa rõ ràng khi bạn đặt nó trong bối cảnh. Chúa Giêsu không phủ nhận thần tính của mình, Ngài đang nói về nhân tính của mình. Cho nên bất cứ khi nào bạn đọc những lời của Chúa Giêsu trong các sách Phúc âm, hãy luôn nhớ phân biệt giữa… có những lần Ngài sẽ nói về thần tính của mình và những lần Ngài sẽ nói về bản tính nhân loại của mình. Thật là quan trọng để luôn tự hỏi bản thân, Ngài đang nói về bản tính nào vì có sự khác biệt giữa hai bản tính. Điều đó thật quan trọng để ghi nhớ. Ngài không nói Chúa Cha cao trọng hơn Ngài về thần tính, nhưng Chúa Cha cao trọng hơn Ngài ở bản tính con người của Ngài và đó là trọng tâm của câu này.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive