Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Mẫu gương của gia đình Na-da-rét

Trích huấn từ của Đức giáo hoàng Phaolô VI (5-1-1964).

Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su; đó là trường học của Tin Mừng.

Tại đây, trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để âm thầm noi theo.

Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta : địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo, và tất cả những gì Đức Giê-su đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa.

Tại đây, trong trường học này, chúng ta hiểu được cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở nên môn đệ Đức Ki-tô.

Ôi, tôi thật lòng mong muốn trở lại làm trẻ thơ và đến học nơi ngôi trường Na-da-rét khiêm nhu nhưng cao cả này ! Tôi khao khát biết bao được ở gần bên Đức Ma-ri-a để bắt đầu học lại phải sống như thế nào và tìm hiểu các chân lý của Thiên Chúa khôn ngoan siêu việt biết bao !

Nhưng, tôi chỉ là người khách qua đường. Tôi phải để lại đây ước muốn tiếp tục được học hỏi để hiểu thấu Tin Mừng cho dù việc học hỏi đó không bao giờ được ngưng nghỉ. Tuy nhiên, tôi sẽ không rời khỏi đây mà không lượm vội lấy, như thể trộm vụng, một vài bài học vắn tắt từ Na-da-rét.

Trước hết là bài học về thinh lặng. Ước chi nơi mỗi chúng ta lại nảy sinh lòng quý trọng sự thinh lặng. Đây là điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tinh thần, đang khi chúng ta bị quấy nhiễu vì bao tiếng la hét, ồn ào và náo động của cuộc sống hiện đại, luôn ầm ĩ và quá căng thẳng. Ôi, ước chi sự thinh lặng của Na-da-rét dạy chúng ta biết suy đi gẫm lại, biết trở về với nội tâm, sẵn sàng đón nhận những hướng dẫn âm thầm của Thiên Chúa và lắng nghe những vị thầy chân chính dạy bảo. Ước chi sự thinh lặng đó dạy chúng ta biết sự cần thiết và giá trị của việc chuẩn bị, nghiên cứu, suy niệm, của nếp sống cá nhân và nội tâm, của lời cầu nguyện mà chỉ một mình Thiên Chúa nghe thấy trong nơi bí ẩn.

Thứ đến là bài học về đời sống gia đình. Ước chi Na-da-rét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Na-da-rét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không gì có thể thay thế được. Ước chi Na-da-rét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội.

Sau nữa là bài học về lao động. Ôi căn nhà Na-da-rét, ngôi nhà của người con bác thợ mộc. Hơn bất cứ nơi nào khác, tại đây chúng tôi muốn hiểu và ca tụng lề luật tuy khắt khe nhưng mang tính cứu chuộc đòi buộc con người phải lao động. Tại đây, tôi mong ước mọi người ý thức lại về sự cao cả của lao động. Tại đây, dưới mái nhà này, tôi muốn nhắc nhở rằng lao động tự nó không phải là cùng đích. Đàng khác, sự tự do và tính cao cả của lao động không hệ tại ở các giá trị kinh tế mà thôi, nhưng còn ở những giá trị hướng lao động đến cứu cánh đích thực của nó.

Sau cùng, tại đây, tôi muốn gửi lời chào đến mọi người lao động trên toàn thế giới, đồng thời muốn chỉ cho họ thấy gương mẫu vĩ đại, người anh em mang bản tính Thiên Chúa, vị ngôn sứ bênh vực những quyền lợi chính đáng của họ, đó là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Share:

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Bốn bước của Lectio Divina và Thánh Lễ

Với tất cả những hiểu biết này, giờ đây chúng ta có thể chuyển từ Kinh thánh sang lectio divina theo truyền thống Kitô giáo.15 Mặc dù có nhiều phương pháp suy niệm Kinh thánh, ở đây chúng ta sẽ tập trung vào diễn giải “bốn bước” nổi tiếng của lectio divina trong chuyên luận ngắn gọn nhưng rất hay được gọi là The Ladder of Paradise / Cây thang của Thiên đàng.16

Lectio Divina và Thang của Giacóp

Vào cuối thế kỷ 12, một tu sĩ Carthusian/ Dòng Thánh Bruno, tên là Guigo II đã viết điều được nhiều người coi là lời giải thích kinh điển thời Trung cổ về việc suy niệm Kinh thánh.17 Ông sử dụng chiếc thang của Giacóp làm hình ảnh cho bốn bước cơ bản của lectio divina:

 Một ngày nọ, khi tôi đang bận làm việc với đôi tay, tôi bắt đầu nghĩ về thực hành thiêng liêng của mình, và ngay lập tức tất cả bốn giai đoạn trong việc linh thao  nảy ra trong đầu tôi: đọc, suy niệm, câu nguyện và chiêm niệm. Những bước này làm nên một cái thang cho các đan sĩ, cái thang mà sẽ đưa họ từ trái đất lên đến thiên đàng. Cái thang này có ít bậc, nhưng mỗi bước thì rất dài và tuyệt vời, vì phần dưới của nó nằm trên trái đất, nhưng phần trên của nó xuyên qua những đám mây và chạm đến những bí mật trên trời.18

Trong Cây thang của Thiên đàng, bốn bậc thang của lectio divina có khả năng đưa linh hồn lên thiên đàng như thang của Gia-cóp xưa. Bạn có thể hình dung nó như sau:

Từ góc nhìn này, Kinh thánh không chỉ là một cuốn sách thánh cổ hay một hướng dẫn đáng tin cậy về cách sống tốt. Bất cứ khi nào những người theo Chúa Giêsu thực hành lectio divina, thiên đàng được mở ra cho họ và họ nghe tiếng của Thiên Chúa của vũ trụ. Bằng cách này, Kinh thánh tự nó trở thành một nấc thang thực sự dẫn đến thiên đàng.

Việc giải thích về bốn bước

Nhưng mỗi bước trong bốn bước này bao gồm những điều gì? Rất may, Guigo đã định nghĩa chúng (tôi đã liệt kê chúng cho rõ ràng hơn):

(1) Đọc là học hỏi Kinh thánh một cách cẩn thận, tập trung mọi năng lực của mình vào đó. (2) Suy niệm là chăm chỉ áp dụng tâm trí để tìm kiếm với sự trợ giúp của lý trí những sự thật tiềm ẩn trong đó. (3) Cầu nguyện là việc con tim hết lòng hướng về Thiên Chúa  để xua đuổi điều ác và tìm kiếm điều tốt. (4) Chiêm niệm là khi tâm trí cách nào đó được nâng lên đến với Chúa và được giữ ở trạng thái vượt trên chính nó, để nó nếm trải niềm vui của sự ngọt ngào vĩnh cửu.19

Chúng ta hãy dành một chút thời gian để giải thích từng bước:

Bước 1: Đọc: Bước đầu tiên và thiết yếu nhất của lectio divina là “đọc” (lectio theo tiếng La-tinh). Điều này có nghĩa là mở Kinh Thánh ra và đọc các từ trong Kinh Thánh một cách chậm rãi và cẩn thận — không đọc lướt hoặc vội vàng.

Bước 2: Suy niệm: Mặc dù nói chung lectio divina là một hình thức suy niệm, nhưng bước thứ hai - “suy niệm” (tiếng Latinh meditatio) – ám chỉ cụ thể việc suy ngẫm những gì đã đọc. Nó liên quan đến việc sử dụng trí óc để tìm ra sự thật ẩn chứa trong Kinh thánh.

Bước 3: Cầu nguyện: Khi nói đến bước thứ ba - “cầu nguyện” (tiếng La tinh oratio) – lần nữa, nói về một điều gì đó rất cụ thể. Sau khi đọc lời Kinh Thánh và suy nghĩ về chúng, bước tiếp theo là nói chuyện với Chúa từ trái tim của mình về chúng. Theo cách này, cầu nguyện biến việc suy ngẫm về Kinh thánh thành cuộc đối thoại giữa linh hồn và Thiên Chúa. Như một nhà văn Kitô giáo thời cổ có nói: “Chúng ta nói chuyện với Chúa khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta lắng nghe Ngài khi chúng ta đọc lời của Chúa.” 20

Bước 4: Chiêm niệm: Bước thứ tư là “chiêm niệm” (tiếng La tinh contemplatio). Chúng ta đã đọc rằng việc chiêm niệm có thể được định nghĩa là một thể loại cầu nguyện đặc biệt, trong đó “đôi mắt” của trái tim gắn chặt vào Chúa trong một “cái nhìn” yêu thương (xem chương 3). Điều chính yếu mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trong ba bước đầu của lectio divina, chúng ta làm việc — bằng việc đọc Kinh thánh, suy nghĩ về nó và nói chuyện với Chúa về điều đó. Tuy nhiên, ở bước thứ tư, chính Chúa hành động: bằng cách “nâng” linh hồn lên với chính mình và cho phép nó nếm trải “vị ngọt ngào” của sự hiện diện của Ngài. Nói cách khác, trong bước thứ tư này, chúng ta không phải làm bất cứ điều gì ngoại trừ đứng yên và “nhìn” vào Chúa, lặng lẽ nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Ngài. Đôi khi, trong lectio divina, qua ân sủng của Ngài, Chúa có thể “nâng” linh hồn đang còn ở trên trần gian này “lên khỏi chính nó” để nó được hưởng sự ngọt ngào của sự hiện diện của Ngài trên trời.21

Tóm lại, lectio divina bao gồm bốn bước đơn giản: đọc Kinh thánh, suy nghĩ về những gì chúng ta đã đọc, trò chuyện với Chúa về điều đó và yên lặng nghỉ yên trước sự hiện diện của Ngài.

Bốn bước đi cùng với nhau

Qua những gì chúng ta đã tìm hiểu, bây giờ chúng ta đã rõ tại sao Guigo lại tuyên bố rằng “việc linh thao” của người Kitô hữu nên “xoay quanh” bốn bước của lectio divina.22 Cả bốn bước đều phối hợp với nhau để những lời cầu nguyện của chúng ta không trở nên vô hiệu, tẻ nhạt, hoặc thậm chí nguy hiểm về mặt thiêng liêng. Như vị đan sĩ ấy nói,

Đọc mà không suy niệm là vô ích, suy niệm mà không đọc thì dễ bị lầm lạc, cầu nguyện mà không suy niệm thì tẻ nhạt, và suy niệm mà không cầu nguyện thì không có hiệu quả, cầu nguyện khi sốt sắng thì sẽ có sự chiêm niệm, nhưng để đạt được nó mà không cầu nguyện sẽ là điều hiếm hoi, thậm chí là kỳ diệu.23

Nói cách khác, nếu chúng ta chỉ đọc Kinh Thánh mà không bao giờ nghĩ về chúng, thì những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ luôn trở nên khô khan và không có sự sống. Mặt khác, nếu chúng ta dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ về những câu hỏi sâu sắc nhưng không bao giờ tìm đến Kinh thánh cho câu trả lời, chúng ta chắc chắn sẽ mắc đủ loại sai lạc. Nếu tất cả những gì chúng ta làm là nói chuyện với Chúa mà không bao giờ dành thời gian để suy nghĩ về những gì Ngài đã nói qua Lời Chúa, thì những lời cầu nguyện của chúng ta có thể sẽ trở thành những cuộc đơn thoại không nóng không lạnh hơn là một cuộc trò chuyện từ trái tim. Cuối cùng, nếu chúng ta dành hết thời gian để suy ngẫm Kinh thánh mà không bao giờ cầu xin Chúa ban cho chúng ta những món quà thiêng liêng mà chúng ta khám phá được trong các trang sách, thì việc suy ngẫm của chúng ta sẽ không bao giờ mang lại hoa quả thiêng liêng.

Nói tóm lại, nếu đời sống cầu nguyện của chúng ta có vẻ cằn cỗi, không nóng không lạnh, hoặc không sinh hoa kết quả, thì chúng ta cần thực hành lectio divina. Nếu suy ngẫm Kinh thánh thực sự là một “nấc thang” dẫn đến thiên đàng và là cuộc gặp gỡ cá nhân với Ngôi Lời làm người, thì đó phải là một phần hàng ngày trong đời sống thiêng liêng của mỗi Kitô hữu.

 Lectio Divina và Phụng vụ

Cuối cùng, tôi muốn kết thúc chương này bằng việc nêu ra sự song song giữa bốn bước lectio divina và phụng vụ.

Từ thời cổ xưa, việc thờ phượng của người Kitô hữu bao gồm bốn phần cơ bản: (1) đọc Kinh thánh, (2) giải thích Kinh thánh trong bài giảng, (3) lời cầu nguyện Thánh Thể, và (4) rước lễ, hiệp thông với Chúa. Hãy xem xét chẳng hạn một trong những mô tả cổ xưa nhất về việc thờ phượng của Kitô giáo sơ khai mà chúng ta có (để rõ ràng hơn, tôi đã liệt kê các bước):

Vào ngày Mặt Trời, như người ta thường gọi, những người tín hữu trong thành phố hay ở nông thôn đều họp lại một nơi.

(1) Tùy thời gian cho phép, người ta đọc bút tích của các tông đồ và sách các ngôn sứ.

(2) Sau khi đọc xong, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người sống theo các giáo huấn và gương lành tốt đẹp này.

(3) Sau đó chúng tôi đứng dậy, dâng lời cầu nguyên lên Thiên Chúa cho chính chúng tôi... và cho mọi người khác trên thế giới, để xứng đáng trở thành những người công chính và trung thành tuân giữ lề luật ngay trong cuộc sống hầu đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.

Sau lời nguyện, chúng tôi hôn và chúc bình an cho nhau.

(4) Tiếp đến, một tín hữu mang bánh và một chén rượu có pha nước đến cho người chủ sự.

Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu, nhân danh Chúa Con và Thánh Thần, dâng lời tán tụng và tôn vinh Chúa Cha là Chúa tể càn khôn. Ông đọc một lời tạ ơn dài về việc Thiên Chúa cho chúng ta xứng đáng lãnh nhận các hồng ân.

Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và kinh tạ ơn, mọi người hiện diện đều đồng thanh đáp: A-men.

Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân thưa A-men, các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát bánh và rượu có pha nước đã "trở thành Thánh Thể" cho mọi người hiện diện hưởng dùng và đem về cho những người vắng mặt.
Thánh Giút-ti-nô, tử đạo (thế kỷ thứ II) 24

Với cấu trúc bốn phần cơ bản này, hãy xem xét những điểm tương đồng sau đây giữa phụng vụ Kitô giáo và lectio divina:

Thật là những tương đồng đáng chú ý! Tuy nhiên, nếu chúng ta dừng lại để suy nghĩ về điều đó, chúng sẽ không gây nên ngạc nhiên. Vì nếu Chúa Giê-su là “bậc thang” đích thực dẫn đến thiên đàng (xin xem Gioan 1:51) và nếu “thức ăn” và “thức uống” mà Ngài ban cho chúng ta thực sự là “bánh hằng sống từ trời xuống” (Gioan 6: 51, 55), thì có nghĩa là hành động tối cao của lectio divina là hành động diễn ra trong phụng vụ. Nhìn dưới ánh sáng này, việc thực hành cầu nguyện suy gẫm Kinh Thánh sẽ dẫn chúng ta một cách tự nhiên đến sự khao khát sâu sắc hơn đối với việc nuôi dưỡng thiêng liêng Chúa Kitô ban tặng trong Bí tích Thánh Thể.

Tóm lại, ngay cả khi chúng ta chưa bao giờ thực hành lectio divina một cách riêng tư, nếu chúng ta đã chăm chú và cầu nguyện tham gia phụng vụ Thánh Thể, thì chúng ta đã bắt đầu leo ​​lên Bậc thang Địa đàng. Thật vậy, nếu cả Chúa Giêsu và Sách Thánh đều thực sự là Lời của Chúa, thì mỗi khi chúng ta đọc và suy gẫm Kinh Thánh, chúng ta đang gặp chính con người của Chúa Giêsu Kitô — cầu thang sống động dẫn đến thiên đàng.

Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre

Chú thích

15. See Mariano Magrassi, Praying the Bible: An Introduction to Lectio Divina, trans. Edward Hagman, O.F.M. Cap. (Collegeville, Minn.: Liturgical Press, 1998).
16. The various manuscripts of Guigo’s treatise have multiple titles, such as the “Ladder of Paradise” (Latin Scala Paradisi) and “Ladder of Monks” (Latin Scala Claustralium). Here I will use the former in order to emphasize that the four steps of lectio divina are not just for cloistered monks but can be used by all Christians. For example, see Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Verbum Domini (The Word of the Lord), nos. 86–87, who refers to these four as “the basic steps” of lectio divina.
17. Robertson, Lectio Divina, 224, describes Guigo’s Ladder as “a didactic summary of the whole lectio divina tradition.”
18. Guigo II, The Ladder of Paradise, 2.
19. Guigo II, The Ladder of Paradise, 2.
20. Ambrose of Milan, De Officiis, 1.20.88. In Ambrose, De Officiis, ed. Ivor J. Davidson, vol. 1, Introduction, Text and Translation (Oxford: Oxford University Press, 2001), 169.
21. Guigo II, The Ladder of Paradise, 2.
22. Guigo II, The Ladder of Paradise, 14.
23. Guigo II, The Ladder of Paradise, 14.
24. Justin Martyr, 1 Apology, 1.65–67. Cited in CCC no. 1345.
25. See Benedict XVI, Verbum Domini, no. 86: “The privileged place for the prayerful reading of sacred Scripture is the liturgy, and particularly the Eucharist…In some sense the prayerful reading of the Bible, personal and communal, must always be related to the Eucharistic celebration. Just as the adoration of the Eucharist prepares for, accompanies and follows the liturgy of the Eucharist, so too prayerful reading, personal and communal, prepares for, accompanies and deepens what the Church celebrates when she proclaims the word in a liturgical setting. By so closely relating lectio and liturgy, we can better grasp the criteria which should guide this practice in the area of pastoral care and in the spiritual life of the People of God.”

Share:

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Thánh hóa đời sống hằng ngày -- Tín thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa

Trong kế hoạch của Thiên Chúa, không có gì là ngẫu nhiên. Không bao giờ có sự va chạm của các lực lượng mù quáng, làm tổn thương chúng ta cách ngẫu nhiên. Thay vào đó, có sự gặp gỡ giữa ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của con người, nếu có sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa của chúng ta thì đó là lợi ích lớn nhất, là ý nghĩa của sự kiện, mặc dù chúng ta không hiểu được nó. Mọi người đều như một đứa trẻ nằm trong vòng tay yêu thương của người mẹ hiền, một người mẹ đôi khi đưa thuốc đắng cho con. Thiên Chúa đã gửi đến những sự kiện lớn nhỏ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Đứa trẻ khóc, người ích kỷ thì chống đối, nhưng người công chính thì hài lòng, bởi vì biết rằng Thiên Chúa biết rõ điều gì là tốt đẹp nhất cho tôi. Như vậy, nỗi cay đắng và sự ngọt ngào, niềm vui và nỗi buồn của mỗi giây phút là chất liệu thô của sự thánh thiện. “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8,28).

Mọi sự việc bây giờ trở nên một huyền nhiệm, bởi vì nó chuyên chở ý muốn của Thiên Chúa. Không có gì là vô nghĩa hay buồn tẻ, mọi sự đều có thể được thánh hóa, như chiên và dê, cá và hạt lúa, cây nho và lỗ kim đều trở nên những dụ ngôn về nước Thiên Chúa. Những điều mà kẻ khôn ngoan theo kiểu thế gian chà đạp dưới chân đã trở nên quý giá như viên ngọc đối với những người công chính, vì họ thấy “sự tốt lành trong mọi sự.” Ngay cả những cay đắng của gánh nặng cuộc đời cũng biến thành niềm vui của họ, vì có những kho báu thiêng liêng nằm dưới vẻ ngoài xấu xí, thô thiển.

Ngay cả có những kẻ lừa đảo, vu khống chúng ta thì việc đó cũng có thể trở nên cơ hội để chúng ta càng kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa. Mọi nghịch cảnh đều có thể được chuyển thành điều tốt lành cho những ai đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Nếu xem những thử thách như xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, người ta sẽ không bao giờ ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Mỗi thử thách là một cơ hội để lớn lên trong tình yêu và đức tin vào Thiên Chúa. Nếu phó thác bản thân cho tình yêu Thiên Chúa, như đứa trẻ trong tay mẹ hiền, thì chúng ta sẽ thấy mọi sự việc đều xảy ra đều nhằm điều tốt đẹp nhất cho mình dù chúng ta không hiểu được.

Mỗi người tự quyết định mình đang ra sức làm việc vì điều mình đang ước muốn phần thưởng nào. Nếu chúng ta không nhắm đến sự sống vĩnh cửu, việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ hướng đến lời ca ngợi của những người khác. Chúa Giêsu biết điều này nên Ngài nói: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1). Và Ngài còn nói thêm: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,32- 35).

Chúa Giêsu đã liệt kê những việc lành nhỏ bé như việc cho người là một chén nước và bảo đảm rằng chúng ta sẽ có một phần thưởng nếu chúng ta làm việc đó vì Thiên Chúa, vì yêu mến Chúa.

Giống như những điều kiện để một kẻ chạy đua trên thao trường đoạt giải thưởng, một tâm hồn muốn chạy nhanh đến ơn cứu độ đời đời cũng phải có một số điều kiện. Trước hết, phải được tái sinh nhờ bí tích Rửa tội, phải sống trong tình trạng có ơn thánh sủng để làm những việc siêu nhiên. Nhành nho phải gắn liền với cây nho mới sinh trái được. Tất cả mọi việc lành của một người phải ở trong tình trạng có ơn thánh sủng mới đáng được ơn cứu độ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguyên nhân chính của mọi công nghiệp. “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1 Cr 15, 10).

Kế đến, linh hồn phải tự do. Không có công nghiệp nếu người ta bị cưỡng bách để thi hành. Khi chúng ta đáp lại tác động của Thiên Chúa, sự góp phần của chúng ta là chân thực. Thiên Chúa và con người cùng cộng tác với nhau. Sau cùng, bất cứ điều gì chúng ta làm phải là một việc lành luân lý. Không có những hành vi trung tính khi người ta ở trong tình trạng có ơn sủng, mỗi hành vi hoặc là đáng thưởng hoặc không đáng thưởng.

Những hành động chúng ta làm là tốt về mặt luân lý thì mỗi nhiệm vụ hay bổn phận giống như một tấm séc để trống. Giá trị của nó sở hữu tùy thuộc vào tên người ký trên đó; công việc được thực hiện vì lợi ích của tôi hay vì Thiên Chúa. Chính động lực của công việc là điều làm cho người ta nên thánh hay không; sự thánh hóa không phụ thuộc vào nơi chốn, công việc hay hoàn cảnh. Một số người tưởng tượng rằng nếu họ ở chỗ khác, hay có nghề nghiệp khác, hay có nhiều tiền hơn, họ có thể làm cho việc của Chúa tốt đẹp hơn. Sự thật là: bất kể họ làm nghề gì, thì điều quan trọng là họ có làm theo ý Thiên Chúa hay không, có làm vì lòng mến Chúa hay không.

Chúng ta không cần tạo ra thập giá cho riêng mình, nhưng hãy đón nhận mọi điều Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta và làm cho chúng trở nên ích lợi nhất về mặt thiêng liêng cho chúng ta. Người thư ký soạn thảo văn bản, người nông dân cày trên mảnh ruộng, bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân, sinh viên miệt mài học tập, bệnh nhân chịu cảnh đau đớn trong thân xác, người mẹ chăm sóc cho con nhỏ, mỗi công việc bổn phận như thế có thể trở nên cao quí và đem lại ích lợi tâm linh nếu chúng được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, vì lòng yêu mến Chúa.

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Thánh hóa đời sống hằng ngày -- Vâng phục thánh ý Chúa

Những ai chấp nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự sẽ không nản lòng trước những biến cố xảy ra cho mình và xem chúng như những sứ giả của Thiên Chúa mà họ yêu mến. Cách thức chúng ta chấp nhận một sự bất hạnh, rủi ro, thậm chí cả một sự nhục nhã sẽ rất khác nếu chúng ta biết ai là người gửi nó đến cho mình. Một cô bé sẽ tức giận nếu một người chạm vào chiếc áo đẹp của cô và làm bẩn nó, nhưng nếu cô nhận ra người ấy lại là diễn viên nổi tiếng, là thần tượng điện ảnh của mình thì cô sẽ vui sướng và tự hào thuật lại việc đó với các bạn bè của mình. Một cách tương tự nếu chúng ta nhận ra rằng chính Thiên Chúa đứng sau cơn bệnh, những sự kiện gây sốc và những thất vọng trong cuộc đời của mình, chúng ta sẽ đón nhận chúng với một cách thức khác hẳn.

Con Thiên Chúa được bọc trong cái tã ở Bêlem, Chúa Kitô ở trong tấm bánh nhỏ nơi Nhà Tạm, và chính Thiên Chúa cũng ẩn mình phía sau mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời của tôi. Chúng ta sống cuộc đời của mình trong sự phụ thuộc vào những thiện ích chung như không khí trong lành để thở, nước mát để uống. Thiên Chúa cũng mong ước nhận được từ chúng ta hàng ngàn hành vi nhỏ bé, những chi tiết tầm thường làm nên cuộc sống hàng ngày của chúng ta, miễn là chúng ta nhận thấy, ngay cả trong những sự kiện làm chúng ta đau buồn, “cánh tay Thiên Chúa đang vươn ra để yêu thương và chăm sóc chúng ta” và chúng ta dâng hiến chúng cho Chúa. Đây là bí quyết của việc thánh hóa; một phương pháp dễ dàng cho mọi người, cho những ai tự hỏi: “Tôi có thể làm gì cho Chúa?” Vì nhiều người mong muốn làm những điều vĩ đại lớn lao cho Thiên Chúa. Họ phàn nàn rằng họ không có cơ hội để thực hiện những hành động anh hùng, những việc tông đồ. Họ sẵn sàng chịu tử đạo; nhưng khi xe buýt đầy ắp người và họ phải đứng, khi công việc bị trì hoãn, họ trở nên bực bội, cáu kỉnh cả ngày. Họ đã bỏ lỡ cơ hội để chứng tỏ tình yêu của họ đối với Thiên Chúa trong những điều nhỏ bé. Chúa Giêsu nói: “Ai trung tín trong những điều nhỏ thì cũng trung tín trong những điều lớn” (Lc 16,10).

Chúa nói với linh hồn trong tiếng thì thầm, nhưng linh hồn lại chờ đợi tiếng kèn đồng, nó hụt mất mệnh lệnh của Chúa. Chúng ta muốn tự làm cây thập giá riêng cho mình, nhưng ít người đón nhận các thập giá Chúa gửi đến. Những thập giá này nằm trong việc thực hiện một cách hoàn hảo những công việc bổn phận nhỏ bé hàng ngày của chúng ta. Những công việc lớn lao mà chúng ta tưởng tượng muốn làm cho Thiên Chúa thì cuối cùng chỉ nuôi dưỡng tính kiêu ngạo và ích kỷ của chúng ta mà thôi. Mặt khác, chúng ta cần chấp nhận những thập giá trong bậc sống của mình, bởi vì chúng đến từ Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, Ngài muốn biến đổi chúng ta. Chúng ta sẽ được thánh hóa nhờ việc kiên nhẫn chịu đựng những lời càm ràm của người thân, tiếng ồn của đám trẻ con, một cơn bệnh xảy đến bất ngờ, những thất bại trong cuộc sống. Những điều này có thể trở nên cơ hội để lập công, để cầu nguyện nhiều hơn, để chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng đã và đang kiên nhẫn chịu đựng những thất bại, những khuyết điểm và tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta khó mà chịu đựng được những khuyết điểm của người khác nếu chúng ta không nhận ra Thiên Chúa đã và đang chịu đựng những khuyết điểm của chúng ta. Người ta kể rằng: “Có một người Ả Rập đến thăm ông Abraham và người này càm ràm đủ thứ: từ thức ăn, chỗ ở, cái giường và rượu mà Abraham đã quảng đại cho anh ta. Cuối cùng, Abraham nổi giận và đuổi anh ta ra khỏi nhà. Thiên Chúa hiện ra với Abraham và nói: “Abraham, Ta đã chịu đựng người này trong suốt 40 năm, vậy tại sao người không thể chịu đựng nó chỉ trong một ngày?”

Để đón nhận bổn phận trong giây phút hiện tại vì Thiên Chúa thì chúng ta phải nghĩ đến sự vĩnh cửu. Việc đón nhận và thi hành cách hoàn hảo bổn phận “ở đây và bây giờ” để tôn vinh Thiên Chúa là một hành vi của ý chí và tình yêu đối với Thiên Chúa. Chúng ta không cần một sự hiểu biết rõ ràng về kế hoạch của Thiên Chúa để đón nhận nó. Khi thánh Phaolô được hoán cải, ngài hỏi: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúng ta có thể được sưởi ấm bằng ngọn lửa mà không cần biết các thành tố hóa học của ngọn lửa và chúng ta có thể được chữa lành nhờ uống thuốc mà không cần biết các thành phần bên trong viên thuốc. Một tâm hồn đang bị đau khổ biết vâng theo ý Chúa sẽ có một hiểu biết sâu xa về Ngài hơn cả một giáo sư thần học chỉ nghiên cứu lý thuyết mà không đem ra thực hành. Hai tên trộm bị treo trên thập giá cũng có một khủng hoảng về sợ hãi và đau khổ như nhau, một kẻ thì càm ràm và mất đi cơ hội vào Nước Trời; còn người kia đã dùng khoảnh khắc đau khổ để nên thánh. Một số tâm hồn có được sự bình an và thánh thiện từ cùng những thử thách giống nhau, những thử thách đã làm những người khác lo lắng, nổi loạn và bị suy sụp.

Thiên Chúa không thể ép buộc ý chí chúng ta, hay cưỡng bách chúng ta sử dụng những thử thách để thu về lợi ích, cả ma quỷ cũng không thể ép buộc chúng ta được. Chúng ta có ý chí tự do để quyết định đón nhận và dâng những đau khổ của mình cho Thiên Chúa Và nếu chúng ta dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm những điều lớn lao trong chúng ta. Như một cái đục trong tay nghệ sĩ tài ba Michelangelo có thể tạo ra một bức tượng tuyệt đẹp thì ý chí của chúng ta nếu thuận theo ý Chúa cũng tạo ra những điều tốt đẹp như vậy. Ý chí của chúng ta nếu cứ để buông xuôi theo tự nhiên sẽ trở nên bận rộn với đủ thứ chuyện, nhưng cuối cùng chăng làm nên điều gì cả. Còn nếu ý chí của chúng ta thuận theo ý Chúa thì sẽ trở nên hiệu quả vượt quá mọi ước mơ của chúng ta.

Câu nói được áp dụng sẽ thánh hóa mọi giây phút của chúng ta là: xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Đó là tiếng “Xin vâng” của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, đưa đến ơn cứu độ của chúng ta. Đó cũng là tiếng “Xin vâng” của Đức Maria trong ngày Truyền Tin mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể. Lời “xin vâng” đó cắt bỏ mọi dính bén của chúng ta vào những điều tầm thường quen thuộc của mình. Nó mở ra cánh buồm để đưa chúng ta đến nơi Chúa muốn. Để “ý Cha được thực hiện” thì phải chấm dứt mọi càm ràm, than trách; để mọi điều xảy đến trong mọi giây phút cuộc đời của chúng ta mang dấu ấn của thánh ý Thiên Chúa.

Có nhiều lợi ích to lớn trong việc thuận theo ý Chúa. Trước hết, chúng ta thoát khỏi quyền lực của những “tai nạn” trong cuộc sống áp đặt trên chúng ta. Những tai nạn trong cuộc sống là những điều cắt ngang cuộc sống, phá hỏng các kế họach, dự định của chúng ta, những rủi ro, bất hạnh như một cơn bệnh buộc chúng ta trì hoãn chuyến đi. Nó là một sự kiện có tính “thuốc đắng” để dành cho những người hay căng thẳng và lo âu. Một số người hay than trách rằng mình “không có một chút rảnh rỗi nào” và thế giới này là kẻ thù của họ, họ là những kẻ không may mắn. Còn những ai phó thác cho ý Thiên Chúa sẽ không càm ràm như thế. Bất cứ điều gì xảy ra họ đều đón nhận chúng. Những kẻ không có mục đích tập trung mọi sự hướng về Thiên Chúa, luôn qui hướng mọi sự về cái tôi của mình sẽ cố gắng áp đặt ý riêng của mình trên vũ trụ này và luôn thất bại.

Sự khác biệt giữa những người luôn than van rằng mình không bao giờ có lúc thảnh thơi và những người dùng mọi giây phút để cảm tạ Thiên Chúa là người sau sống trong một bầu khí của lòng mến yêu thánh ý Thiên Chúa hơn ý riêng của mình. Điều đó giống như một kẻ lang thang ngoài đường phố đau khổ hơn một đứa trẻ sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Vì thế, người ta cần học biết để đặt niềm tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, lúc ấy mọi sự xảy ra đều không gây nên phiền muộn cho họ. Thiên Chúa tỏ mình ra khác nhau đối với mọi thụ tạo. Ngài chỉ cho chúng ta thấy cách thức chuyển mọi sự thành niềm vui. Điều này không có nghĩa là Thiên Chúa không công bằng, nhưng nó có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho một số tâm hồn nào đó với một vài điều kiện. Ánh sáng mặt trời không thiên vị ai, nhưng nó không thể chiếu sáng trên một tấm gương dơ bẩn và một tấm gương trong sạch như nhau.(Phần 1)

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Thánh hóa đời sống hằng ngày -- phần 1

I. Những người sống trong thất vọng

Hàng triệu người nam và nữ ngày nay đang ở trong tình trạng “sống trong thất vọng âm thầm.” Họ đang hoang mang, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và nản lòng. Và việc sống trong thất vọng là hậu quả từ sự thất bại đã xảy ra hay có thể xảy ra trong tương lai. Một số người có thể trở nên thất vọng vì so sánh những vấn đề mà họ phải đối diện với khả năng nhỏ bé của họ để giải quyết những vấn đề đó. Trong những trường hợp này, họ quá thất đảm, quá sợ thất bại đến nỗi không còn dám tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình. Cũng có thể họ trở nên thất vọng vì không có ai đó để yêu, không có ai đó sẽ yêu họ để đáp lại tình yêu của họ.

Loại thất vọng thứ nhất đặt tâm hồn vào trong tình trạng giống như một người không có tiền để thanh toán một đống hóa đơn dày cộm. Người ấy kinh hãi trước tương lai của mình. Loại thất vọng thứ hai liên quan đến cảm giác rằng cuộc sống đang trôi qua quá nhanh và người ta cảm thấy cơ hội cho sự thành đạt của mình càng ngày càng ít đi. Các loại hình thức khổ sở này đều nối kết với một cảm thức cá nhân không hạnh phúc về sự qua đi quá nhanh của thời gian. Tâm hồn thất vọng là tâm hồn có khuynh hướng khiếp sợ khi thấy mọi sự dường như quá trễ đối với mình.

Mọi lo âu của chúng ta đều liên quan đến thời gian. Con người là thụ tạo duy nhất ý thức về thời gian. Chỉ có con người mới có thể đưa quá khứ vào trong trí không để nó đè nặng trên giây phút hiện tại với di sản mà nó đã chồng chất. Và chỉ con người mới có thể đưa tương lai vào trong hiện tại, để tưởng tượng điều sẽ xảy ra như thể đang xảy ra bây giờ. Không một con vật nào có thể nói: “Tôi đau khổ vì nỗi đau này đã 6 năm rồi và nó sẽ còn mãi cho đến khi tôi chết.” Nhưng bởi vì một con người có thể nối kết quá khứ vào hiện tại nhà trí nhớ và nối kết tương lại vào hiện tại nhà trí tưởng tượng, nên nó cần thiết để con người sao lãng khỏi nỗi đau khổ của mình, làm cắt đứt sự liên tục của nỗi khốn khổ. Mọi sự bất hạnh (khi không có nguyên nhân trực tiếp gây ra đau buồn) đều xảy đến từ việc tập trung thái quá vào quá khứ hay bận tâm quá đến tương lại. Vấn đề của tâm thần học cần giải quyết nằm ở chỗ phân tích nỗi thất vọng, bi quan, sầu muộn và sự phức tạp, là những điều nối kết với nỗi sợ hãi và lo âu do tưởng tượng về điều sẽ xảy ra. Thêm vào đó là trường hợp lo âu, bất an, bận tâm đến quá khứ và tương lai vì vấn đề luân lý. Một lương tâm nặng nề lo âu vì tội lỗi trong quá khứ và lo sợ sự phán xét của Thiên Chúa.

2 Hai phương thuốc chữa trị

Nhưng Thiên Chúa do lòng thương xót của Ngài đã ban cho chúng ta hai phương thuốc cho trường hợp bất hạnh trên. Một là bí tích giao hòa xóa bỏ quá khứ bằng việc tha thứ tội lỗi của chúng ta và thắp sáng tương lai bằng niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự thống hối và thay đổi đời sống. Không điều gì có hiệu quả chữa lành ký ức và trí tưởng tượng của con người bằng việc xưng tội. Nó thanh tẩy chúng ta khỏi tội và nếu chúng ta nghe theo lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ loại bỏ khỏi tâm trí những tội của mình mà chúng ta đã xưng thú. Việc xưng tội chữa lành trí tưởng tượng, xóa bỏ sự lo âu về tương lai. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta kêu lên: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng đã ban sức mạnh cho tôi” (P14,13).

Phương thuốc thứ hai cho căn bệnh của chúng ta là việc thánh hóa giây phút hiện tại. Chúa Giêsu nói: “Đừng lo lắng cho ngày mai. Ngày mai có ngày mai lo, ngày nào có cái khổ cho ngày đó” (Mt 6,34). Điều này có nghĩa rằng mỗi ngày có thử thách cho ngày đó. Chúng ta đừng mang lấy nỗi sầu muộn của ngày mai, bởi vì ngày nào có đủ thập giá cho ngày đó rồi. Chúng ta hãy phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa và tin tưởng vào tương lai, bất cứ thử thách nào xảy đến đều phát xuất từ sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi giây phút của cuộc sống có bổn phận của nó, bất kể vẻ bề ngoài của nó ra sao. Giây phút hiện tại là giờ cứu độ. Mỗi lời càm ràm là một thất bại. Mỗi hành vi nhẫn nhục chịu đựng là một chiến thắng.

Giây phút hiện tại bao gồm những điều chúng ta không kiểm soát được, nhưng nó mang theo những khó khăn chúng ta không thể tránh nét những điều như sự làm ăn thất bại, một cơn cảm cúm, mưa gió vào ngày dã ngoại, một vị khách khó chịu, một con ruồi trong ly sữa, một cái mụn nhọt trên mũi vào ngày họp mặt bạn hữu. Chúng ta không luôn luôn biết lý do tại sao những điều như bệnh tật và nghịch cảnh lại xảy ra cho chúng ta, vì tâm trí chúng ta quá nhỏ bé để nắm bắt kế hoạch của Thiên Chúa.

Khi ông Gióp đau khổ, ông đặt câu hỏi với Thiên Chúa: Tại sao ông được sinh ra? Tại sao ông phải chịu đau khổ? Thiên Chúa hiện ra với ông, nhưng thay vì trả lời các câu hỏi của ông, Ngài bắt đầu yêu cầu ông Gióp trả lời những câu hỏi về vũ trụ. Khi Đấng Tạo Hóa đặt câu hỏi, ông Gióp nhận ra rằng những câu hỏi của Thiên Chúa khôn ngoan hơn những câu trả lời của con người. Bởi vì đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của chúng ta, bởi vì ơn cứu độ của một con người thì quan trọng hơn mọi giá trị vật chất, bởi vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa có thể rút điều tốt lành từ sự dữ, tâm trí con người cần chấp nhận hiện tại, dù chúng ta không thể hiểu nổi. Chúng ta không rời bỏ rạp hát vì vị anh hùng bị bắn hạ ngay trong cảnh thứ nhất. Chúng ta tin tưởng người viết kịch bản đã có một kế họach trong đầu. Vì thế, linh hồn chúng ta nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Những gì xảy ra cho chúng ta không luôn luôn làm tổn thương cho tâm trí chúng ta; nhưng chúng luôn ở trong khả năng chấp nhận đức tin của chúng ta và sự vâng phục của ý chí chúng ta.

Khi chúng ta thật sự yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ hỏi tại sao? Đây chỉ là câu hỏi do sự ngờ vực, lừa dối và của quỷ dữ nêu lên. Hạnh phúc trong vườn địa đàng dựa trên tình yêu tín thác, nhưng Satan gợi lên câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa ra lệnh như vậy?” Đối với người đang yêu đích thực, mỗi ước muốn của người mình yêu là một mệnh lệnh, người đang yêu thực sự còn muốn những đòi hỏi của người mình yêu thật nhiều, để mình có cơ hội phục vụ. Những người đang thực sự yêu mến Thiên Chúa không phản đối, bất cứ điều gì Thiên Chúa yêu cầu họ, không nghi ngờ lòng nhân hậu của Chúa khi Ngài gửi đến cho họ những giờ phút khó khăn. Một bệnh nhân uống thuốc mà không đòi hỏi thầy thuốc làm giảm vị đắng đót của thuốc, bởi vì người bệnh tin tưởng sự hiểu biết của bác sĩ. Vì thế linh hồn có đức tin mạnh mẽ sẽ chấp nhận mọi biến cố trong cuộc đời như là những quà tặng của Thiên Chúa dành cho mình, trong niềm tin rằng Thiên Chúa biết điều gì tốt nhất cho tôi.

Mọi giây phút đưa đến cho chúng ta những kho báu nhiều hơn khả năng chúng ta có thể thu góp được. Giá trị lớn nhất của giây phát hiện tại là nó mang đến một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi cho tôi. Các sách báo, bài giảng đạo đức được gửi đến cho mọi người. Nhưng chúng lại chứa đựng các áp dụng cụ thể khác nhau cho mỗi cá nhân. Chính là vì tôi mà Chúa gửi đến cuốn sách hay bài giảng này.

Những ai biết thánh hóa giây phút hiện tại và dâng nó cho Chúa bằng việc kết hiệp với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ không bao giờ nản lòng thối chí, hay càm ràm, than trách. Họ vượt qua mọi chướng ngại bằng việc làm cho chúng trở thành cơ hội cho việc cầu nguyện, hy sinh để lập công. Chúng là cơ may để chúng ta lớn lên trong tình yêu. Khi một người không biết Thiên Chúa, không tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài, không tín thác vào tình yêu của Ngài, thiếu đức tin, cậy, mến thì lúc gặp khó khăn họ sẽ giận dữ, hối tiếc về quá khứ hay sợ hãi tương lai và chịu đau khổ rất nhiều. (Phần 2)

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Lòng thương xót của Chúa qua lịch sử cứu độ

Bài đọc 2 của Kinh Sách cho thứ Năm, Tuần II Mùa Vọng

Trích bài giảng của thánh Phê-rô Kim Ngôn, giám mục.

Khi thấy thế gian chìm ngập trong sợ hãi, Thiên Chúa không ngừng hành động. Người lấy tình thương mà kêu gọi, lấy ân sủng mà thúc giục, lấy đức ái mà giữ gìn, và lấy sự dịu dàng mà ấp ủ.

Đó là lý do khiến Người phải dùng đến hình phạt Hồng Thuỷ mà tẩy rửa mặt đất đã hoá ra khô cằn vì bao điều xấu xa. Người kêu gọi ông Nô-ê làm tổ phụ một thế giới mới, dùng lời lẽ ân cần để khích lệ ông, lấy tình thân để gây cho ông niềm tin tưởng, lấy tình phụ tử mà giáo dục ông về những biến cố hiện tại và ban ân sủng để thúc đẩy ông chấp nhận những thử thách sắp xảy đến. Người đã không truyền lệnh nhưng đã đem vận mệnh của toàn thế giới vào một con tàu và như thế đã cho ông được tham dự vào công việc của Người, để tình thương thân hữu xoá bỏ nỗi lo sợ của phận tôi đòi, để những gì được cứu vớt nhờ công lao chung, sẽ được bảo tồn nhờ một tình yêu chung.

Đó cũng là lý do khiến Người kêu gọi ông Áp-ra-ham từ giữa dân ngoại, thêm cho tên ông một vần, đặt ông làm tổ phụ những người tin. Người đồng hành với ông, bảo vệ ông giữa đám dân xa lạ, tăng thêm của cải cho ông. Người giúp ông thắng trận vẻ vang, hứa cho ông muôn phúc lành, cứu ông khỏi sỉ nhục, cho ông được vinh dự tiếp đón Người, khiến ông phải kinh ngạc vì được một người con nối dõi trong khi ông chẳng còn hy vọng. Khi được bấy nhiêu ân huệ, được tình yêu dịu hiền của Thiên Chúa vỗ về như vậy, ông học được điều này là yêu mến Thiên Chúa, chứ không phải sợ hãi, thờ phượng Người vì yêu mến, chứ không phải vì khiếp sợ.

Đó cũng là lý do khiến Người dùng các chiêm bao để khích lệ ông Gia-cóp, đang lúc ông trốn chạy. Người thách ông vật lộn, đang khi ông trên đường về quê ; Người ôm chặt lấy ông, quật ông ngã xuống. Nhờ vậy, ông yêu mến người cha đã vật lộn với mình, mà không hề sợ hãi.

Đó cũng là lý do khiến Người dùng tiếng mẹ đẻ của ông Mô-sê kêu gọi ông, trò chuyện thân mật với ông như cha con, mời ông trở nên anh hùng giải phóng dân tộc mình.

Nhưng nhờ các sự kiện vừa nhắc tới, trong đó ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đốt cháy lòng người, niềm say mê yêu mến Thiên Chúa tràn ngập mọi tình cảm của con người, nên những ai mang vết thương lòng đều mong ước được nhìn xem Thiên Chúa nhãn tiền.

Thiên Chúa mà cả thế gian không chứa nổi, làm sao cái nhìn giới hạn của con người lại có thể chứa được ? Tình yêu đòi hỏi, nhưng không suy tính xem mình sẽ ra sao, mình phải thế nào hay có thể làm được gì. Tình yêu không xét đoán, không lý luận cũng không so đo. Tình yêu không viện cớ không thể làm được để tự an ủi, không viện cớ khó khăn để tự chữa lấy mình.

Tình yêu nếu không được thoả mãn, sẽ làm cho người đang yêu héo hắt. Vì thế, tình yêu đi tới nơi được dẫn đến, chứ không phải tới nơi cần đến. Tình yêu làm nảy sinh ước muốn, nó như lửa cháy bừng, lao mình vào những điều quá giới hạn. Và còn phải nói thêm gì nữa ?

Tình yêu không thể không nhìn thấy điều mình yêu. Bởi thế, tất cả các thánh đều cho rằng những điều mình đã đạt được, vẫn còn quá ít, nếu không được nhìn thấy Chúa.

Vì vậy, tình yêu khát khao được nhìn ngắm Thiên Chúa, dù không có lý, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đạo đức.

Đó cũng là lý do khiến ông Mô-sê dám thưa : Nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con thấy tôn nhan Ngài.

Đó cũng là lý do tác giả thánh vịnh nói : Xin Ngài toả ánh Tôn Nhan rạng ngời. Sau cùng, đó cũng là lý do khiến dân ngoại tạo ra các tượng thần: họ muốn nhìn thấy tận mắt điều họ thờ, theo cái nhìn lệch lạc của họ.

Share:

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” --Lc 21,25-28.34-36

 


 

Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre cho Chúa Nhật I Mùa Vọng

Có thể bạn đã từng có trải nghiệm này - nếu bạn đã từng đọc cuộc đời của các vị thánh, bạn nhìn thấy sức mạnh tinh thần đáng kinh ngạc của họ. Không chỉ khả năng ăn chay, hay cầu nguyện nhiều giờ liên tục, thiết lập các tu viện và tu viện, đi đến tận cùng trái đất để làm người khác trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, như các hội dòng truyền giáo, mà là sức mạnh thiêng liêng nhờ sự thánh thiện của họ.

Khả năng của họ để dẫn giúp nhiều người hoán cải và lôi kéo mọi người đến với Chúa Giêsu, xuất phát từ thực tế là họ đã một đời thực tập những việc thiêng liêng. Họ không chỉ ngồi đó thơ thẫn suy niệm; họ không ngồi không. Họ cố gắng để trưởng thành mỗi ngày một hơn trong sự thánh thiện, cầu nguyện, ăn chay, đọc lời Chúa, dạy dỗ và rao giảng.

Tôi không biết về bạn, nhưng bất cứ khi nào tôi đọc cuộc đời của các vị thánh, tôi cảm thấy tôi yếu ớt như miếng bánh bèo về khía cạnh đời sống thiêng liêng, đúng không? Có thể bạn đã có trải nghiệm này: bạn mua những video về tập thể dục, bạn xem họ và sau đó bạn cố gắng làm những gì bạn thấy họ làm nhưng bạn không làm được. Tại sao? Bởi vì bạn không đủ mạnh.

Điều này cũng đúng trong đời sống thánh thiện. Chúng ta phải thực hiện các linh thao, các việc làm tâm linh nếu chúng ta muốn trở nên mạnh mẽ, nếu chúng ta muốn phát triển sức mạnh. Chúng ta không thể chỉ nghĩ rằng bởi vì chúng ta đã được rửa tội, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Không, bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành con cái của Chúa, nhưng nó không làm cho chúng ta trở thành người lớn; nó không đưa chúng ta đến tuổi trưởng thành về tâm linh. Để trở thành người lớn, chúng ta phải học hỏi, chúng ta phải trưởng thành, nhưng chúng ta cũng phải tập thể dục. Chúng ta phải tập luyện những khả năng tâm linh của mình.

Vì vậy, tôi nghĩ điều này thật đáng chú ý và thực sự quan trọng là vào đầu năm phụng vụ, Giáo hội đặt trước chúng ta lời cổ vũ hãy tăng trưởng sức mạnh của mình Cầu nguyện, cảnh thức, và chuẩn bị cho việc Chúa đến qua những linh thao. Và điều đó sẽ tạo nên một giai điệu cho Mùa Vọng… Vì vậy, nếu bạn nhìn vào Mùa Vọng, bạn sẽ nhận thấy màu sắc phụng vụ cho Mùa Vọng là màu tím. Màu tím trong phụng vụ luôn là màu của sự sám hối; mùa sám hối. Mặc dù t Mùa Vọng không phải là mùa sám hối long trọng như Mùa Chay, nhưng chính màu sắc phụng vụ cho chúng ta biết rằng đó phải là thời gian rèn luyện tinh thần mạnh mẽ hơn.

 Cho dù đó là cầu nguyện, hoặc là ăn chay, hoặc là tình thức, dành thời gian chờ đợi Chúa Kitô, đọc lời Chúa, bất cứ điều gì có thể, như lần Chuỗi Mân côi. Bất cứ việc linh thao nào bạn chọn để thực hiện, cần có sự khác biệt cho những linh thao bạn làm trong Mùa Thường niên và những linh thao bạn làm trong Mùa Vọng. Bởi vì Giáo hội đang kêu gọi chúng ta chuẩn bị cho sự tái lâm của Chúa Giêsu. Bao gồm việc Ngài đến với chúng ta trong Lễ Giáng Sinh, nhưng theo một nghĩa nào đó, luôn trông chờ việc Ngài đến lần thứ hai vào thời cuối cùng, việc phán xét vào thời cánh chung, để sẵn sàng cho việc đứng trước tòa phán xét.

Khi tôi nói những điều này, bạn có thể đang nghĩ, Dr. Pitre đã 2000 năm rồi, Chúa Giêsu có thể sẽ không trở lại trong năm nay, đúng không? Có thể không. Có thể Chúa không trở lại lần cuối cùng trong Mùa vọng này, nhưng bạn có thể chết trong Mùa vọng này. Sẽ có những người chết trong Mùa Vọng này, có những người sẽ đi gặp gỡ Chúa Kitô, những người sẽ đứng trước tòa phán xét của Chúa Kitô, lãnh nhận việc phán xét riêng của họ. Không ai trong chúng ta biết ngày hay giờ xảy ra cuộc phán xét riêng của mình. Vì vậy, hãy khôn ngoan. Giáo hội đã kêu mời chúng ta hàng năm hãy cầu nguyện, tỉnh thức và sẵn sàng để gặp Chúa Giêsu. Đó là những gì chúng ta sẽ làm trong suốt Mùa Vọng.

Share:

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

CHÚA GIÊSU VÀ KHẨU NGUYỆN

Từ việc khảo sát khẩu nguyện trong Kinh thánh Do Thái giáo sang cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta nhanh chóng khám phá ra rằng chính Chúa Giêsu đã tự mình thực hành khẩu nguyện và dạy các môn đệ bắt chước gương mẫu của Ngài.

Chúa Giêsu dùng Thánh vịnh để cầu nguyện

Vào thời Chúa Giêsu, sách Thánh vịnh là “Sách Kinh” cơ bản của người Do Thái.[8] Là một người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất, hẳn Chúa Giêsu đã thuộc lòng những bài hát Thánh vịnh được dùng trong các lễ hội như Lễ Vượt Qua. Người cũng sử dụng những lời của Thánh vịnh trong lời khẩu nguyện của mình. Hãy nhìn vào một ví dụ: Khi sắp sinh thìtrên thập tự giá, Chúa Giêsu kêu lên với Chúa Cha,

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”. (Lu-ca 23:46)

Với những lời này, Chúa Giêsu dâng hiến mạng sống mình cho Chúa Cha. Đây là ví dụ tối cao về việc dùng khẩu nguyện như một của lễ hiến tế. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm. Ngài cũng đã trích dẫn từ Thánh vịnh:

Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín. (Thánh vịnh31: 5)

Chúa Giêsu không chỉ thuộc lòng những lời trong Thánh vịnh 31 mà còn biến những lời này thành lời của riêng Ngài trong lời cầu nguyện cuối cùng mà Ngài đã thốt ra. Tuy nhiên, trong khi Thánh vịnh dùng từ “ĐỨC CHÚA” (tiếng Híp-ri YHWH), thì Chúa Giêsu lại dâng lời cầu nguyện của Ngài với “Cha” (tiếng Hy Lạp patēr). Một trong những khía cạnh đặc biệt nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là việc Ngài nhiều lần khăng khăng nhấn mạnh với các môn đệ là họ hãy xưng Chúa là Cha của họ.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng lời riêng của Ngài

Ngoài những lời cầu nguyện thuộc lòng, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện bằng lời của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha ở nơi công cộng, nơi mọi người có thể nghe thấy Ngài (x. Lu-ca 10:21–22; Gioan 11:41–42). Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với lời cầu nguyện dài nhất được ghi lại trong các sách Phúc âm — được gọi là “Lời nguyện thượng tế” — trước sự hiện diện của các môn đồ được chọn khi ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất (x. Gioan 17:1–26). Có lẽ xúc động nhất là lời cầu nguyện trong cơn hấp hối của Ngài ở vườn Ghết-sê-ma-ni:

Bấy giờ Đức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.”

…Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ…. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó.  (Mát-thêu 26:36, 39–40, 42–44)

Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu dùng lời nói để cầu nguyện, ngay cả khi Ngài ở một mình. Rõ ràng, Đức Giêsu không cần phải làm điều này, nhưng Ngài đã chọn để làm. Cũng lưu ý rằng Chúa Giêsu thậm chí còn lặp lại lời Ngài cầu nguyện, “nói lại cùng một lời” (Mát-thêu 26:44). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện của một người, mang tính cách con người trọn vẹn. Trong cơn hấp hối ở Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giêsu nêu gương cho các môn đồ tầm quan trọng của lời cầu nguyện tự phát và kiên trì với Chúa Cha, thốt ra từ trái tim.

Chúa Giêsu dạy các môn đồ của Ngài khẩu nguyện

Cuối cùng, khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, Ngài đưa ra cho họ lời để cầu nguyện, dưới hình thức của Kinh Lạy Cha:

Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”  Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lu-ca 11: 1–4)

Chúng ta sẽ xem xét kỹ càng hơn phiên bản dài của Kinh Lạy Cha sau (x. Mát-thêu 6:9–13). Lúc này, điểm chính yếu là khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cách cầu nguyện, thì Ngài đã cho họ những lời nhất định để nói — lời đầu tiên trong những lời đó là “Cha”. Khi làm như vậy, Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ cầu nguyện như Ngài cầu nguyện. Khi dạy họ Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cho thấy Ngài vừa là thấy dạy vừa là kiểu mẫu của việc cầu nguyện bằng lời nói.

Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre

Share:

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Trích từ bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày lễ Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được trở nên đền thờ của Thiên Chúa

Trích bài giảng của thánh Xê-da-ri-ô, giám mục Ác-lơ.

Anh em thân mến, hôm nay nhờ lòng khoan nhân của Đức Ki-tô, chúng ta hân hoan mừng rỡ cử hành ngày kỷ niệm khánh thành ngôi đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dân Ki-tô hữu quả có lý khi trung thành mừng kính ngày trọng đại của Mẹ Hội Thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội Thánh mà họ được tái sinh vào cuộc sống thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần đầu, chúng ta là những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng lần sau, chúng ta đã được trở nên những kẻ được Người xót thương. Lần sinh thứ nhất dẫn chúng ta đến cõi chết, còn lần sinh thứ hai lại đưa chúng ta về cõi sống.

Thưa anh em, trước khi được thanh tẩy, mọi người chúng ta là miếu thờ ma quỷ, nhưng sau khi được thanh tẩy, chúng ta thành đền thờ của Đức Ki-tô. Nếu chúng ta để tâm suy nghĩ nhiều hơn về ơn cứu độ linh hồn, chúng ta sẽ biết chúng ta là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ ngự trong những đền do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ bằng đá, nhưng đặc biệt Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây lên. Vì thế, thánh Phaolô tông đồ đã nói: Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em.

Và vì khi Đức Ki-tô đến, Người trục xuất ma quỷ ra khỏi lòng chúng ta để chuẩn bị ngôi đền thờ cho chính Người trong chúng ta, nên với sự trợ giúp của Người, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình, để nơi chúng ta, Người không còn phải chịu sỉ nhục vì các việc làm xấu xa của chúng ta nữa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì sỉ nhục Đức Ki-tô. Như tôi đã nói: trước khi Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, chúng ta là đền đài của ma quỷ, về sau chúng ta lại được nên ngôi nhà của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa đã đoái thương làm cho chúng ta trở thành ngôi nhà cho Người ngự.

Vì thế, thưa anh em, nếu chúng ta muốn hân hoan mừng ngày cung hiến đền thờ, chúng ta không được dùng những hành động xấu xa để phá huỷ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Sở dĩ tôi nói như vậy là để ai nấy có thể hiểu rằng: mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì chúng ta cũng phải chuẩn bị chính tâm hồn chúng ta như thế.

Bạn muốn thấy ngôi thánh đường sạch sẽ ư? Bạn đừng làm cho linh hồn bạn ra ô uế vì những nhơ bẩn của tội lỗi. Nếu bạn muốn ngôi thánh đường rực sáng, thì Thiên Chúa cũng muốn bạn không được để cho linh hồn ra tối tăm, nhưng lời Chúa nói phải được thực hiện: ấy là ánh sáng của các việc lành chiếu sáng trong chúng ta và như thế, Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, được tôn vinh. Bạn muốn vào ngôi thánh đường kia như thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, theo lời Người đã hứa: Ta sẽ ngự giữa họ và sẽ đi đi lại lại giữa họ.

Share:

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Bài đọc 2 từ Kinh Sách cho ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời

Chúng ta hãy cùng chết với Chúa Ki-tô để cùng sống với Người

Trích sách của thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, về cái chết của người anh là ông Xa-ti-rô.

Chúng ta thấy chết là một mối lợi và sống là một hình phạt. Bởi đó, thánh Phao-lô nói: Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Chúa Ki-tô là gì, nếu không phải là sự chết về thể xác, là thần khí ban sự sống? Vì thế, chúng ta hãy cùng chết với Người để cùng sống với Người. Chớ gì mỗi ngày chúng ta tập làm quen và yêu mến sự chết, để nhờ sự tách biệt này, linh hồn chúng ta học cho biết đoạn tuyệt với các dục vọng thể xác, và một khi được đặt ở chốn cao siêu, nơi các ham muốn trần tục không thể tới cũng không quyến rũ được nó, linh hồn đón nhận được hình ảnh của sự chết, để khỏi phải chịu hình phạt của sự chết. Quả vậy, luật của xác thịt thì chống lại luật của tinh thần và đưa luật này vào con đường lầm lạc. Nhưng phải dùng phương thuốc nào để trị liệu? Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Chúng ta có thầy thuốc, nên hãy theo phương thuốc trị liệu của Người. Phương thuốc của chúng ta là ơn Chúa Ki-tô, và thân xác phải chết là thân xác chúng ta. Vậy, chúng ta hãy đi ra khỏi thân xác chứ đừng đi ra khỏi Chúa Ki-tô; dù chúng ta ở trong thân xác, nhưng những gì thuộc thân xác, chúng ta đừng theo, cũng đừng từ bỏ quyền lợi của tính tự nhiên, nhưng hãy dành ưu tiên cho hồng ân của Chúa.

Còn phải nói gì nữa? Nhờ cái chết của một người, thế gian được cứu chuộc. Thật thế, Đức Ki-tô đã có thể không chết, nếu Người muốn, nhưng Người nghĩ rằng không được tránh cái chết bị coi như ô nhục ấy, cũng không có cách nào tốt hơn để phục vụ chúng ta cho bằng chết. Vì thế, cái chết của Người làm cho mọi người được sống. Chúng ta được ghi dấu bằng cái chết của Người; chúng ta loan truyền Người đã chịu chết khi chúng ta cầu nguyện; chúng ta rao giảng Người đã chịu chết khi chúng ta dâng lễ. Cái chết của Người là chiến thắng, cái chết của Người là mầu nhiệm, cái chết của Người là đại lễ hằng năm cho thế giới.

Khi gương của Chúa đã cho chúng ta thấy rõ chỉ có sự chết mới tìm được sự bất tử, và chính sự chết tự chuộc lấy mình, thì chúng ta còn nói được gì về cái chết của người anh em này nữa? Vậy, không nên buồn vì phải chết, bởi chết là nguyên nhân sinh ơn cứu độ cho mọi người; không nên trốn cái chết, vì Con Thiên Chúa đã không quản ngại, cũng chẳng trốn tránh.

Trước kia, cái chết đã không thuộc về bản tính loài người, nhưng nay đã nhập vào bản tính ấy; quả vậy, Thiên Chúa đã không lập ra sự chết từ ban đầu, nhưng đã dùng nó làm phương thuốc trị liệu. Một khi, vì tội bất tuân, con người bị kết án phải vất vả triền miên, phải than van khóc lóc, thì kiếp người trở thành khốn khổ. Cần phải chấm dứt các nỗi bất hạnh, để sự chết trả lại những gì sự sống đã đánh mất. Nếu không có ơn Chúa trợ giúp, thì bất tử sẽ là gánh nặng hơn là lợi ích.

Linh hồn phải ra khỏi cuộc đời rối ren, khỏi xác đất vật hèn lăn lộn trong vũng bùn nhơ, mà hướng về hội vui thiên quốc, nơi chỉ thần thánh mới tới được. Ở đó, linh hồn phải dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, lời ngợi khen mà qua bài đọc sách Ngôn Sứ, chúng ta biết có những nhạc công vừa gảy đàn vừa ca hát rằng: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh! Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa? Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài? Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan. Lạy Chúa Giê-su, linh hồn cũng được tham dự hôn lễ của Ngài với hiền thê; hiền thê không còn lệ thuộc vào trần gian, nhưng kết hợp với thần khí, được rước từ đất lên trời giữa muôn ngàn tiếng reo vui: Mọi phàm nhân sẽ đến với Ngài.

Điều vua thánh Đa-vít ước ao hơn cả là được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng những điều nói trên. Cuối cùng, vua nói: Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang.

Share:

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Chúa nhật thứ XXX Mùa Thường niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (10:46-52)

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

 


 

Khởi đầu của cuộc hành trình hướng về Giê-ru-sa-lem được bắt đầu bằng việc chữa lành dần dần một người mù tại Bết-lê-hem (8: 22-26). Giờ đây, ở phần cuối của cuộc hành trình, ngay trước lối vào Giê-ru-sa-lem, là một cuộc chữa lành khác cho một người mù — lần này là tức thời và hoàn tất. Mác-cô đã đóng khung cuộc hành trình theo cách này để biểu lộ rằng nó hoàn toàn là chỉ về việc chữa lành chứng mù tâm linh của các tông đồ. Mặc dù Chúa Giê-su đã dạy họ suốt “con đường”, tại thời điểm này, khả năng nhìn, tầm nhìn của họ vẫn chỉ là một phần; họ vẫn chưa hiểu Chúa Giêsu là ai và ý nghĩa của việc theo Người. Chỉ sau khi sống lại, mắt họ mới được mở hoàn toàn.

10:46 Chúa Giê-su và những người cùng đồng hành của Ngài đến Giê-ri-cô, một thành phố cổ cách Giê-ru-sa-lem 15 dặm về phía đông bắc, nơi diễn ra cuộc chinh phục đầu tiên của Israel trong vùng đất thánh (Giô-suê 6). Sau khi đi qua thành, có một đám đông lớn cùng đi với họ, có thể bao gồm cả những người theo Chúa Giêsu và những người hành hương đang hướng về Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt qua (Mc 14: 1). Hàng năm, tất cả những người Do Thái ở Palestine, những người có thể làm cuộc hành hương đến thành thánh Giê-ru-sa-lem để cử hành Lễ Vượt Qua (xem Lu-ca 2:41), kỷ niệm cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập. Batimeô (tiếng A-ram có nghĩa là con trai của Timaeus), một người mù ăn xin, ngồi nơi thuận lợi bên vệ đường, nơi anh ta có thể xin từ những người hành hương đi ngang qua. Trái ngược với đám đông lễ hội đi bộ dọc theo, anh ta ngồi, nhấn mạnh sự cô lập xã hội của mình vì là người tàn tật.

10:47 Cảm thấy có điều gì đó bất thường, Bartimaeus hỏi và được biết rằng Đức Giêsu thành Nazareth đang đi ngang qua. Rõ ràng anh ấy đã nghe đủ về người ráp-bi làm nhiều phép lạ này và đức tin của anh được khuấy động. Bartimaeus là người duy nhất được chữa lành trong Thánh sử gọi Chúa Giêsu bằng tên của Ngài. Đây cũng là lần đầu tiên trong Phúc âm, tước hiệu là con Vua Đa-vít được áp dụng cho Chúa Giê-su. Danh hiệu này có nghĩa đen là người thuộc dòng dõi của Đa-vít (xem Mátthêu1:20), nhng đối với người Do Thái, tước hiệu này có ý nghĩa cao trọng hơn nhiều: như một người thừa kế mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa, một vị Mêsia-Vua, người mà sẽ khôi phục vương quyền Đa-vít và cai trị dân Israel đến muôn đời (2 Samuen 7: 12-16; 1 Biên niên sử 17: 11-15; Tv. 89: 21-38; Giêrêmia 23: 5-6) . Hơn nữa, một trong những lời hứa liên quan đến sự xuất hiện của Đấng cứu thế là việc mở mắt cho người mù (xem Isaia 29:18; 35: 5; Lu-ca 4:18). Xin dủ lòng thương tôi là lời cầu xin thường được cất lên với Chúa trong Thánh vịnh (Tv. 6: 3; 25:16; 51: 3; 86:16). Anh mù Batimêo thực sự đã nhìn thấy rõ ràng hơn những người xung quanh.

10:48 Tuy nhiên, như thường lệ (2: 4; 7:27; 10:13) có những trở ngại trong con đường đến với Chúa Giêsu: nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi. Có lẽ đám rước của Chúa Giêsu ra khỏi Giê-ri-cô có vẻ trang trọng yên tĩnh, và người mù dường như đang làm náo động một cách không đúng đắn. Nhưng đó là một phản ứng bạc bẽo vì Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ chữa lành. Những người đi theo Chúa Giê-su vẫn chưa học cách đưa mọi người đến với Ngài thay vì đuổi họ đi (xem 6:36). Nhưng Batimê không nản lòng trước sự khiển trách này của quần chúng. Như người phụ nữ Syrophoenicia (7: 25-29), quyết tâm của anh được làm vững chắc hơn khi phải đối mặt với một trở ngại. Và Chúa Giê-su không thể từ chối đức tin mạnh dạn và đầy phấn khởi như vậy, ngay cả khi nó làm gián đoạn cuộc hành trình của Đấng Mêsia mà Ngài là. Chúa Giêsu là Đấng ai cũng có thể tiếp cận được: “Tất cả những ai kêu cầu danh CHÚA sẽ được cứu” (Giô-ên 3: 5; Cv 2:21). Đây là lần đầu tiên Chúa Giê-su cho phép việc tung hô danh tính Mêsia của Ngài cách công khai. Cho đến thời điểm này, việc Chúa Giêsu là Đấng Mêsia là một bí mật (Mc 8:30), nhưng bây giờ khi việc sẽ hoàn thành sứ mệnh Đấng Mê-sia, Đấng sẽ chịu đau khổ đã gần kề, lúc đó nó mới được tiết lộ một cách công khai. “Chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng” (4:22).

10: 49-50 Thay vì tự mình gọi Batimê đến với Ngài, Chúa Giê-su yêu cầu những người xung quanh, đảo ngược cách hành động trước đây của họ: Gọi anh ta lại đây. Thật là trớ trêu, bây giờ họ trấn an người mù rằng: Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy — như thể Batimê là người cần được khích lệ. Câu trả lời của anh là một mẫu mực của đức tin nhiệt tình và dứt khoát: Anh đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. “Vất áo choàng lại” biểu lộ cho việc bỏ đi cuộc sống trước đây của mình, vì các Kitô hữu được mời gọi từ bỏ con người cũ khi lãnh nhận bí tíc Rửa tội và trong suốt cuộc đời của họ (Rm 13:12; Ep 4:22; Cl 3: 8-9; Dt 12: 1).

 10: 51-52 Chúa Giê-su hỏi điều tương tự mà ngài vừa hỏi Giacôbê và Gioan (10:36), thách thức Ba-ti-mê thể hiện đức tin của mình bằng hình thức cụ thể. Không giống như các con trai của Dêbêđê, Batimê không yêu cầu bất kỳ vinh dự đặc biệt nào cho bản thân, mà chỉ xin được toàn vẹn trở lại, là một phần trong lời hứa của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đáp lại như khi ngài nói với người phụ nữ bị băng huyết (5:34), Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh. Đức tin của con người là sự tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa để làm điều “không thể” thông qua Chúa Giêsu (10:27). Động từ sozo trong tiếng Hy Lạp, có cả hai nghĩa “chữa lành” và “cứu rỗi,” gợi nhớ đến sự cứu rỗi đời đời mà Chúa Giêsu đã nói trên đường đi (8:35; 10:26, 30).

Batimê được chữa lành về mặt thể xác, nhưng còn hơn thế nữa, con mắt của trái tim ông còn được soi sáng (xem Ep 1:18) — một hình ảnh về những gì xảy ra với mọi người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Anh ta thể hiện phản ứng hoàn hảo về việc đã được chữa lành: anh ta đi theo Chúa Giêsu trên con đường làm môn đồ (Mc 10:52), con đường qua cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su đến sự sống lại và sự sống vĩnh cửu. Batimê là người duy nhất nhận được sự chữa lành và tên của anh được ghi lại, cho thấy rằng anh đã trở thành Kitô hữu và được biết đến trong Giáo hội sơ khai.

Tạm dịch từ The Gospel of Mark by Dr. Mary Healy

Share:

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Ra-pha-en và Gáp-ri-en

Từ bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày 29 tháng 9

Các tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Ra-pha-en và Gáp-ri-en

Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, về Tin Mừng.

Nên biết rằng “thiên sứ” là danh từ chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính, bởi các thánh thiên thần ở trên trời bao giờ cũng là thiên thần, nhưng không phải bao giờ cũng được gọi là “thiên sứ”. Các vị ấy chỉ là “thiên sứ” khi được sai đi loan báo một điều gì thôi. Các vị loan báo điều nhỏ thì gọi là “thiên sứ”, còn vị nào loan báo điều lớn thì gọi là “tổng lãnh thiên sứ”.

Quả thế, không phải bất cứ “thiên sứ” nào cũng được sai đến với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, mà phải là tổng lãnh thiên sứ Gáp-ri-en, vì một thiên sứ cao cả đến loan báo một việc hệ trọng thì thật là chính đáng. Người ta cũng biết đến một số vị nhờ các tên riêng, để thấy được công việc của các ngài qua những danh xưng đó. Trong thành thánh trên trời, nơi tri thức đạt tới mức hoàn hảo nhờ ơn hưởng kiến Thiên Chúa toàn năng thì không cần có tên riêng, vì đâu phải không có tên mà ngôi vị các ngài không được biết đến. Nhưng chỉ khi nào đến với chúng ta để thi hành một tác vụ, thì ở giữa chúng ta các ngài mới mang tên gọi liên quan đến tác vụ đó. Vì thế, Mi-ca-en có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa”, Gáp-ri-en có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa” và Ra-pha-en có nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”.

Mỗi khi có việc cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Mi-ca-en được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Bởi vậy, vì kiêu ngạo, kẻ cựu thù kia đã muốn nên giống Thiên Chúa, khi dám nói : “Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa... ta sẽ nên như Đấng Tối Cao.” Trong ngày tận thế, lúc còn được thi thố sức mạnh của mình, trước khi chịu khổ hình đời đời kiếp kiếp, nó sẽ giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en, như lời thánh Gio-an nói: Có cuộc giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en.

Cũng thế, thiên sứ Gáp-ri-en mệnh danh là “sức mạnh của Thiên Chúa” được sai đến với Đức Ma-ri-a làm sứ giả loan báo Đấng đoái thương xuất hiện như một kẻ hèn mọn để chiến đấu chống những quyền lực trên không. Vậy phải nhờ “sức mạnh của Thiên Chúa” mà loan báo Đấng là Đức Chúa nắm giữ quyền lực và oai hùng khi xuất trận sắp ngự đến.

Như đã nói, thiên sứ Ra-pha-en cũng được giải nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”, vì khi người chạm tới đôi mắt của ông Tô-bi-a như làm công việc chữa bệnh, thì người xua tan bóng tối là sự mù loà. Vậy, gọi đấng được sai đến để chữa lành là “linh dược của Thiên Chúa”, thì thật là đích đáng.

Share:

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Vì lòng thương xót Chúa Giêsu đã rất nhiều lần nói đến hỏa ngục

“Việc Chúa Giêsu dạy về hai điểm cùng đích của cuộc cuộc sống con người sau cái chết - thiên đàng hoặc hỏa ngục, niềm vui vĩnh cửu của việc được kết hợp với Chúa hoặc sự sầu khổ của việc bị mãi mãi tách lìa khỏi Chúa Ngài - đã được liên tục khẳng định  trong suốt truyền thống của Giáo hội. Tuy nhiên, nó thường bị các Kitô hữu ngày nay phủ nhận hoặc nhìn vào nó với một thái độ hoàn toàn nghi ngờ.

… Chân lý mà Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho chúng ta là chúng ta tự chọn số phận của mình. Với mỗi quyết định và hành động trong cuộc đời của mỗi một người, chúng ta tự định hướng thiên đường hoặc địa ngục cho mình, và vào lúc chết chúng ta lãnh nhận điều mà đã thực sự trở thành lựa chọn của chúng ta. C.S. Lewis đã diễn đạt điều đó rất hay: “Cuối cùng thì chỉ có hai loại người: những người nói với Thiên Chúa, “Xin cho ý Chúa được thể hiện”, và những người mà Chúa cuối cùng sẽ nói với họ, “Theo như ý người muốn”. Tất cả những người trong địa ngục đã chọn nơi đó. Không có sự tự lựa chọn,  thì không thể có Địa ngục.” Nhưng Chúa không ngừng mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận lòng thương xót vô biên của Ngài, ngay cả vào lúc một người đang bước qua ngưỡng cửa vào cõi đời đời.” –Mary Healy, The Gospel of Mark

Từ Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo

“Hội Thánh dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời. Ngay sau khi chết, linh hồn kẻ còn mắc tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình “lửa đời đời”. Vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được sự sống và hạnh phúc hằng khao khát, nên cực hình chính của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa.” –GLCG 1035

“Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục. Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Đấng "không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải" (2 Pr 3,9) : “Đây là lễ vật của chúng con là tôi tớ Cha và cũng là lễ vật của toàn thể gia đình Cha nữa, cúi xin Cha vui lòng chấp nhận. Xin an bài cho chúng con ở đời này được hưởng bình an của Cha. Xin cứu chúng con khỏi án phạt đời đời và thâu nhận chúng con vào số những người được Cha tuyển chọn” (Sách lễ Rô-ma, lễ qui Rô-ma 88). –GLCG 1037

Share:

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Làm cách nào để dạy trẻ em về tính dục cách lành mạnh (Video)

Lời từ Video:

Để ngăn ngừa trẻ em đi vào con đường sai lầm, bạn có đề nghị nào cho các bậc cha mẹ về phương cách dạy các em một hiểu biết lành mạnh về tình dục theo cái nhìn của Kinh thánh?

- Yeah, chúng tôi sẽ cần đến rất nhiều cuộc đối thoại về điểm này đặc biệt là khi các em lớn tuổi hơn. Khi các em còn trẻ tuổi hơn, chúng ta muốn nói tích cực về hôn nhân và sex vì hôn nhân và sex nối kết với nhau, thuộc về nhau.

Trong thời buổi này, chúng ta muốn nói về giới nam và giới nữ, thật tốt và thật tuyệt vời khi là một người con trai, thật tuyệt vời khi là một người con gái. Về con trai và con gái thì giống nhau và cũng khác nhau.

Một điều gia đình chúng tôi đã làm ở bàn ăn khi con cái chúng tôi còn rất bé… Tôi nhớ vào một đêm tôi hỏi, Có điều gì thật tuyệt vời nơi bố mà mẹ không có? Và điều gì tuyệt vời về mẹ mà bố không có? Chằng hạn chúng nó sẽ nói về râu xồm xòa của tôi và chúng tôi đi tiếp từ đó.

Một đứa con của tôi nói, “Con thích râu cứng của bố vì con thích chà mặt con vào mặt bố.” Và đứa khác nói, “Con không thích râu cứng cà vào da con và làm con đau.” Nhưng râu cứng của tôi là gì? Điều đó đang nói về Thiên Chúa như thế nào? Có một khía cạnh nào đó của Chúa thì cứng rắn hơn? Có một sức mạnh muốn tung con lên cao rồi bắt được con?

Còn mẹ thì sao? Và rồi chúng tôi có thể nói về việc mẹ cho con bú, sự mềm mại của mẹ chúng. Vợ tôi là một người lãnh đạo tuyệt vời nên chúng tôi có những lĩnh vực hoạt độngtrùng nhau theo ranh giới của khuôn mẫu giới tính.

Nhưng chúng tôi chỉ muốn thúc đẩy con trẻ của mình có sự sáng tạo và suy tư về việc làm con trai hoặc con gái là điều tuyệt diệu thế nào.

Khi con cái lớn hơn, chúng ta phải có những cuộc đối thoại thành thật, minh bạch về thực tại chúng ta đang sống; điều này chúng tôi cũng nói đến khi chúng nó còn nhỏ hơn. Nhưng trong gia đình chúng tôi, những cuộc đối thoại rất thường xảy ra khi coi phim, nghe nhạc, xem truyền hình.

Chúng tôi tìm để nhận ra đâu là những giả tạo và điều gì là thật, và khi sự thật bị trộn lẫn với sự giả dối. Tôi nói cho bạn biết, có những lúc tôi tức giận về những gì chúng tôi nhìn thấy. Trên truyền thông, họ chiếu những thứ mà tôi không thấy là tốt đẹp. Tôi cho bạn một ví dụ và đây là một ví dụ không vui cho tôi.

Đó là cuộc đối thoại gây cấn khi đang xem một chương trình chúng tôi ưa thích. Rồi có một cặp tuổi teen, cô gái có bầu và quyết định phá thai. Họ đi đến Viện Planned Parenthood, Planned Parenthood do Hollywood trình bày. Tôi phải thành thật nói rằng cảnh ấy được trình bày cách tuyệt vời.

Trong phòng chờ, có nhạc, có những cuộc nói chuyện… có nhạc nền và cận cảnh khuôn mặt của những đứa bé. Trên bàn của những người làm việc ở đó.... Tôi không biết điều tôi thấy có thực sự là vậy trong các viện khám của Planned Parenthood, nhưng trên bàn của phòng đợi này… tôi không chắc chắn về dòng chữ nhưng có những lời nói như, “Chúng tôi ở đây phục vụ bạn bất kể sự gì xảy ra.”

Tôi thậm chí không để ý lắm, tất cả những gì tôi thấy là họ làm cho nơi này như thể là một môi trường xinh đẹp. Tôi bấm nút để dừng ở cảnh đó, và nói, “Các con này, cái tổ chức này là một tổ chức xấu (phá thai, bán bộ phận của thai nhi). Điều họ đang diễn là một điều bịa đặt. Các con không thể tin vào cảnh này.” Câu nói đó của tôi đưa đến đủ loại phản ứng từ con cái của tôi.

Con tôi nói cho tôi biết về những cuộc nói chuyện tại trường. Con cái chúng tôi cảm thấy bị che mắt và nói, Bố mẹ không nói cho chúng con biết những điều tốt lành Planned Parenthood làm. Tôi phản ứng, “Tốt lành? Sự tốt lành nào?” Và con cái chúng tôi chia sẻ những gì chúng nghe từ bạn bè của chúng.

Tôi thì như thể, Ok, hít sâu vào… tôi cảm thấy như tôi đang thua trận, Tôi thầm thì, Chúa ơi, chúng nó đã nhiễm độc con cái của con, con phải làm gì đây? Và như thể Chúa Thánh Thần cho tôi nhìn lên tivi và nhìn thấy cảnh, có một hàng chữ có ý nói, “Chúng tôi đón nhận các bạn bất kể sự gì.” Tôi nhận ra dù đúng hay sai, sự thật hay giả dối đối với thực tại, bóp méo hay không, con cái của tôi đang nghe thấy những thông tin từ cảnh này.

Cảnh ấy chạm đến trái tim chúng nó, về điều chúng nó khát khao là có được một nơi mà chúng nó cảm thấy được chấp nhận ngay cả khi chúng nó đã sai phạm, nơi chúng nó có thể đến khi chúng nó đang gặp vấn đề rất rất phức tạp. Tôi không muốn chúng nó đi đến nhờ vả Planned Parenthood. Tôi muốn chúng nó đến với tôi.

Đó là những đối thoại khó khăn mà chúng ta cần tham gia vào với con cái của chúng ta. Chúng ta cần lắng nghe, đón nhận và đưa ra lời chỉ dạy như tôi nhận ra vẻ đẹp đang được trình bày trên tivi, chúng ta cần phân tích, cần nhổ cỏ lùng ra khỏi điểm này vì tôi nghĩ đó không phải là sự thật trọn vẹn. Tôi cùng gặp những khó khăn với con cái của tôi, bạn viết sách với tôi cũng gặp khó khăn cùng với con cái của mình.

Đây là những đối thoại khó khăn, đây là lĩnh vực chuyên môn phức tạp nhưng tôi không chút nào muốn trốn tránh. Và những cuộc đối thoại đó, dù là xảy ra trong ngôi nhà của chúng tôi, hay xảy ra ở phòng ký túc xá ở đại học khi chúng nó phải rời khỏi nhà, tôi muốn những đối thoại đó xảy ra tại nhà vì ít nhất chúng tôi có thể cùng tham gia trao đổi ý kiến với con cái.

Đó là một vài ý kiến của tôi. Dĩ nhiên, tôi có thể nói nhiều hơn.

- Đó là những điểm tuyệt vời. Bạn cần hiện diện ở đó với con cái để xem phim để những cuộc đối thoại này có thể xảy ra. Có mặt ở đó và chúng nó có thể sờ khuôn mặt của bạn. Thật nực cười khi bạn nói đến điểm đó. Trong gia đình tôi cũng vậy.

Đứa con gái 8 tuổi của tôi thích mỗi khi tôi cạo râu bóng bẩy, trái lại đứa con trai 6 tuổi, Joseph nói nó thích khi mặt của tôi có gai râu. Hai đứa tranh cãi qua lại nên bây giờ điều tôi bắt đầu làm là tôi cạo sạch sẽ nửa khuôn mặt và khuôn mặt bên kia chưa cạo khoảng hai ngày. Mấy đứa con ưa thích điều đó. Khi đứa con gái đến hôn tôi, nó nói ồ tuyệt quá. Rồi khi Joseph đến để hôn tôi, nó thích gai râu.

Điều đó thật vui. Tôi định nói lên điều đó để chọc anh là anh nên cạo chỉ nửa khuôn mặt. Nhưng tôi nghĩ tôi chỉ nói đùa thôi, nhưng anh lại làm thật.

Tôi đã làm điều đó tháng trước. Con tôi rất thích điều đó nên tôi chỉ cạo nửa bên và chúng nó vô cùng vui thích. Nhưng điều anh nói về Planned Parenthood, đúng thực là đập vào con mắt bạn: Chúng tôi ở đây là cho bạn. Chúng tôi chỉ muốn hỗ trợ bạn.

Tuần vừa rồi tôi được phước đi đến mái ấm ở Phoenix và chứng kiến những điều tuyệt diệu tại nơi đó dành cho những người mẹ trẻ, giúp đỡ họ.

Những người làm nơi đó kể cho tôi về một người mẹ đã đến đó gần đây, cô đi đến Planned Parenthood nói, “Tôi đang có thai và đã mất chu kỳ vài lần rồi. Tôi muốn được siêu âm.” Họ trả lời, “Không, không, chúng ta không cần làm việc đó. Chúng tôi không làm việc như vậy. Bạn chỉ cần 3 ngày, chúng tôi sẽ cho bạn những viên thuốc, blah blah…”

Và khi họ từ chối việc siêu âm, cô ấy biết có sự gì đó rất sai. Cô ấy rời nơi đó đi xuống nơi mái ấm này và họ trả lời, “Chúng tôi sẽ siêu âm cho chị”. Và cô ấy có bầu đã 18 tuần. Khi cô thấy hình ảnh của đứa bé cô ấy khóc nức nở và biết mình như thể đã ở trong miệng con chó sói. Nghĩ tới việc cô suýt chút xíu là tiêu hủy mạng sống đó làm cô kinh hoàng.

Khi tôi đến nơi đó, họ có một nhà nguyện xinh đẹp và trong nhà nguyện, họ có tấm hình của Đức Mẹ, đang cưu mang Chúa Giêsu. Tấm hình có vẻ rách nát và không có vẻ đẹp đẽ. Họ nói, “Bạn có biết câu chuyện của tấm hình này không? Trước đây Planned Parenthood đã bị đóng cửa trên cùng con đường này. Khi họ dọn dẹp nơi đó, khi họ đập phá họ tìm thấy dưới những tấm lót sàn nhà của phòng mổ phá thai, tấm hình này, đang úp ngược lại.

Đó là tấm hình Đức Mẹ Guađalupê, dưới những tấm lót sàn nhà, nơi mà việc phá thai được tiến hành. Chúng tôi không biết tại sao lại như vậy, chúng tôi không biết liệu có phải người công nhân xây dựng như thể muốn cắm chất nổ dưới phòng phá thai để khi quả bom thiêng liêng này nổ tung, phá tan nơi đó. Và thực sự nơi đó đã đóng cửa. Hoặc ai đó trong ngành công nghiệp phá thai muốn cười nhạo món quà sự sống và mầu nhiệm nhập thể.

Nhưng điều này làm bạn lạnh cả xương sống về bản chất quỷ dữ của việc này. Vậy mà họ muốn tạo nên cái nhìn rằng, “Chúng tôi đây để phục vụ bạn và cho bản có khả năng chọn lựa để lập kế hoạch cho việc làm cha mẹ của bạn.Thực sự ra việc làm cha mẹ không hề là điều họ muốn giúp đỡ bạn lập kế hoạch.

Nhưng quay trở về với trọng tâm: bạn cần hiện diện, ở đó với con cái bạn trên ghế sa lông, xem điều chúng nó xem. Không gì có thể thay thế việc đó được.
Chúng ta có thể thiết lập thiết bị ngăn ngừa nhưng nếu bạn không có ở đó, không chỉ là có một thời gian chất lượng, nhưng là số thời gian cần có để chỉ ở đó với con cái. Tôi nghĩ bạn sẽ đồng ý đó là điều quan trọng số 1 mà những đứa trẻ cần.

- Đúng vậy. Tôi có nói trước đây, công nghệ thông tin là một phần của vấn đề. Không phải công nghệ chỉ là tệ hại. Tôi không có ý đó. Chúng ta không thể có video này nếu không nhờ công nghệ của ngày hôm nay.

Nhưng giải pháp của vấn đề là về tương quan vì sự khao khát là về tương quan. Sex nơi cốt lõi của nó là về tương quan. Có một sự gì đó đã được kết cấu trong con cái chúng ta và trong chúng ta và điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể làm với con cái là về mối tương quan.

Có rất nhiều điều trong lĩnh vực này và đó là một trong những lý do chúng tôi viết cuốn sách. Chúng tôi muốn cha mẹ tự tin trong việc có những đối thoại đó. Chúng tôi muốn cha mẹ cảm thấy họ có thể nối kết với con cái họ.

Trong quá khứ, đã có những tài liệu khác nhau, chỉ rằng bạn hãy đọc cho con cái nghe, tỏ bày điều này cho con cái.

Tôi đã luôn làm việc với người lớn và mỗi một người trong họ, gặp khó khăn với tổn thương tình dục, khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện về cuộc đời của họ, họ bày tỏ rằng họ biết họ đã ao ước để có sự nối kết với cha mẹ của họ. Họ ước gì bố họ đã không làm như vậy, họ ước là mẹ họ đã nói… hoặc bố họ đã nói… hoặc đã không nói…

Một phần tại sao chúng tôi viết cuốn sách này là vì chúng tôi tin chắc chắn rằng con cái của bạn không cần chúng tôi. Con cái của bạn cần bạn và chúng tôi chỉ muốn giúp bạn có mặt ở đó với con cái của bạn với phương cách có lẽ tuyệt vời hơn so với khả năng của bạn lúc này.

Trước khi chúng ta kết thúc, làm sao người ta có thể liên lạc với anh,  tìm được cuốn sách Treading Boldly Through a Pornographic World, và cách để biết nhiều hơn về công việc mục vụ và những công việc khác của anh.

- Cám ơn anh, Jason. Bạn có thể xem trước về cuốn sách tại TreadingBoldbly.com, bạn có thể mua ở amazon hoặc những tiệm sách Kitô giáo, hoặc ở bất cứ nơi nào bạn mua sách. Và bạn có thể tìm biết về công việc của chúng tôi tại RegenerationMinistries.org. Mong rằng mọi người tìm đến.

Share:

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XXIII, Mùa Thường niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc. 7, 31-37)

Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

 


 

Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật cho chúng ta giai thoại Đức Giêsu chữa lành một cách thật kỳ diệu một người bị câm điếc. Người ta mang đến cho Đức Giêsu một người bị câm điếc và người ta cầu xin Người đặt tay chữa lành anh. Nhưng trái lại, Đức Giêsu lại thực hiện trên người câm điếc này những loạt những cử chỉ: trước tiên, Người đưa anh ra một nơi xa, xa hẳn đám đông dân chúng. Trong dịp này, cũng như trong những trường hợp khác, Đức Giêsu luôn luôn hành động một cách kín đáo. Người không muốn gây ấn tượng mạnh nơi dân chúng, Người không hề tìm cho mình được lòng dân chúng, hay được thành công, nhưng Người chỉ muốn làm điều thiện, làm điều tốt lành cho mọi người. Qua thái độ này, Người dạy chúng ta rằng, điều thiện phải được thực hiện cách âm thầm, không phô trương khoác lác, “không kèn không trống”. Việc thiện phải được thực hiện trong sự thinh lặng.

Khi Đức Giêsu đã ở riêng ra một nơi, thì Người liền đặt các ngón tay của Người trong đôi tại của người câm điếc, và Người dùng nước miếng của Người xức vào lưỡi của người câm điếc. Cử chỉ này đưa chúng ta về lại biến cố Nhập Thể. Con Thiên Chúa là một con người đã đi vào trong thực thể nhân văn: Người đã làm người, chính vì thế, Người có thể hiểu được thân phận khó nhọc của một con người khác, và Người can thiệp với một cử chỉ, mà qua đó, bao hàm cả nhân tính của Người. Và đồng thời, Đức Giêsu cũng muốn làm cho chúng ta hiểu rằng, phép lạ có được là nhờ Người kết hợp với Cha của Người; và để được thế, Người ngước mắt lên trời. Đoạn Người thốt lên một tiếng thở dài, và Người đọc lời mang tính quyết định: “Effata!”, nghĩa là: “Ngươi hãy mở ra!” Và ngay lúc ấy, người câm điếc đã được chữa lành: đôi mắt của anh đã được mở ra, và lưỡi của anh đã được tháo cởi. Đối với anh, chữa lành này là một sự “mở ra” với người khác và với thế giới.

Trình thuật Phúc Âm hôm nay làm nổi bật nét đòi hỏi phải có một sự chữa lành kép. Trước tiên, chữa lành khỏi bệnh tật, và khỏi sự đau khổ về mặt thể lý, để thân xác phục hồi được sức khỏe, ngay cả khi chúng ta không đạt được một cách hoàn toàn mục đích tính này trong viễn tượng trần thế, dầu cho có nhiều nỗ lực về mặt khoa học và y học. Nhưng chúng ta cũng thấy có một vụ chữa lành thứ hai, có thể là khó khăn hơn nhiều, đó là chữa lành khỏi sự sợ hãi. Chữa lành khỏi sự sợ hãi, một sự sợ hãi làm cho chúng ta gạt ra ngoài lề xã hội bệnh nhân, gạt ra ngoài lề xã hội con người đang đau khổ, con người khuyết tật. Và có nhiều hình thức gạt ra ngoài lề xã hội như thế, thậm chí với một sự thương hại mang tính giả hiệu, hay bằng cách loại trừ vấn nạn; người ta vẫn cứ sống cấm điếc, khi đối diện với những nỗi đau khổ của những con người bị ghi dấu bởi bệnh tật, bởi những âu lo và bởi những khó khăn vất vả. Rất nhiều khi bệnh nhân và người đau khổ trở thành một vấn nạn cho chúng ta, thay vì phải trở nên dịp để chúng ta và xã hội có thể biểu lộ sự ân cần, và tình liên đới đối với những con người yếu đuối nhất.

Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta bí quyết của một phép lạ mà chúng ta cũng có thể lập lại, khi chúng ta trở nên những con người chủ chốt trong phép lạ “Effath”, những con người chủ chốt của từ ngữ này, của từ ngữ “Ngươi hãy mở ra”, mà qua đó, Đức Giêsu đã cho người câm điếc được phục hồi lại lời nói và thính giác. Ở đây muốn nói đến việc chúng ta mở rộng lòng ra với những điều cần thiết của anh chị em chúng ta đang đau khổ, và đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, bằng cách từ chối tính ích kỷ và sự khép kín con tim. Chính con tim, nghĩa là hạt nhân sâu xa của con người, mà Đức Giêsu đã đến để “mở ra”, đã đến để giải phóng, để mang lại cho chúng ta khả năng sống trọn vẹn mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người đã làm người, để cho con người vì tội lỗi đã bị câm điếc về mặt nội tâm, lại có thể lắng nghe lời Thiên Chúa, lời Tình Yêu đang nói với con tim của con người, và như thế, học biết đến phiên mình, cũng nói ngôn ngữ của tình yêu, bằng cách biểu lộ ngôn ngữ này qua những cử chỉ quảng đại và tận hiến.

Ước gì Đức Maria, Đấng đã hoàn toàn “mở rộng lòng” đón nhận tình yêu Chúa, giúp chúng ta mỗi ngày, trong đức tin, trải nghiệm được phép lạ “Effath”, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta.

Share:

Blog Archive

Blog Archive