Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Các thiên thần bản mệnh

Các thiên thần được ơn gọi trước hết là để chiêm ngưỡng ánh huy hoàng của thánh nhan Thiên Chúa và không ngừng ca hát ngợi khen Người. Nhưng theo Kinh Thánh, Chúa cũng trao cho các thiên thần sứ mạng hiện diện bên cạnh con người để giúp đỡ con người. Ngày lễ kính các thiên thần bản mệnh nhắc cho ta nhớ lại điều đó. 

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ

Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường. Các ngài hãy tạ ơn Chúa vì Người nhân hậu và vì những kỳ công Người làm cho con cái loài người. Các ngài hãy tuyên xưng và nói lên giữa chư dân những điều lớn lao Chúa đã làm cho họ. Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa tỏ mình ra cho nó? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Ngài bận tâm đến con người và tỏ ra ân cần săn sóc nó. Sau cùng Ngài còn sai Con Một Ngài đến với con người, sai Thánh Thần Ngài đến trong con người, và hứa cho con người được thấy nhan Ngài. Và để cho tất cả chư thần trên trời không đứng ngoài công việc chăm sóc chúng con, Chúa đã sai các thiên thần đến để phục vụ chúng con, giao cho các ngài nhiệm vụ bảo vệ chúng con và truyền cho các ngài trở thành những người dìu dắt chúng con.

Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường. Lời này phải khơi dậy nơi bạn lòng cung kính, đem lại cho bạn lòng sùng mộ, và truyền đạt cho bạn niềm tin tưởng lớn lao biết chừng nào! Cung kính vì sự hiện diện của các ngài, sốt sắng vì lòng nhân từ của các ngài, tin tưởng vì được các ngài bao bọc chở che. Vậy các ngài hiện diện, hiện diện bên bạn, không chỉ hiện diện với bạn mà còn hiện diện vì bạn. Các ngài hiện diện để chở che, hiện diện để giúp đỡ. Dù chính Thiên Chúa đã sai các ngài, nhưng chúng ta không được vô ơn đối với các ngài, vì các ngài đã vâng phục Thiên Chúa, vì lòng yêu mến lớn lao, và hằng trợ giúp chúng ta trong cơn quẫn bách.

Vậy chúng ta hãy tỏ lòng sùng mộ và biết ơn đối với những vị đã bảo vệ chúng ta như thế; chúng ta hãy yêu mến các ngài để đền đáp, hãy tôn kính các ngài hết sức cho phải đạo. Tuy nhiên, chúng ta phải dành cho Thiên Chúa trọn niềm mến yêu và kính trọng, vì nhờ Người mà cả các thiên thần lẫn chúng ta có khả năng kính trọng và mến yêu Thiên Chúa cũng như đáng được Người mến yêu và kính trọng.

Vì thế, thưa anh em, trong Thiên Chúa, chúng ta hãy tha thiết mến yêu các thiên thần của Người, ý thức rằng một ngày kia các ngài sẽ là những người đồng thừa tự với chúng ta, và từ nay các ngài đã được Chúa Cha sắp đặt và chỉ định làm người hướng đạo và giám hộ chúng ta. Vì giờ đây, chúng ta là con cái Thiên Chúa, tuy điều đó chưa tỏ hiện; cho đến nay, chúng ta còn là trẻ con dưới quyền các vị hướng đạo và giám hộ chẳng khác gì những người nô lệ.

Dù chúng ta là trẻ nhỏ, và đường đời còn dài, chẳng những dài mà còn nguy hiểm nữa, nhưng chúng ta sợ gì khi được bao đấng chở che, bảo vệ? Các đấng giữ gìn ta trên khắp nẻo đường đời là những vị không ai thắng nổi hay bị ai lường gạt lại càng không thể lường gạt chúng ta. Các vị ấy là những người trung thành, khôn ngoan và quyền thế, vậy chúng ta còn sợ gì? Chúng ta chỉ cần theo các ngài, gắn bó với các ngài, ắt sẽ được sống dưới sự chở che của Thiên Chúa trên trời.

Trích từ bài đọc 2 của Kinh Sách của ngày lễ Các thiên thần bản mệnh.

Thêm các tài liệu về Thiên Thần Bản Mệnh

Share:

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Hãy để Thánh Têrêsa thành Lisieux hướng dẫn bạn trong việc suy phục và phó thác vào bàn tay Chúa

Những lời sau đây của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng trong một lá thư gửi Cha Bellière, tóm tắt một cách rõ ràng việc phó thác vào bàn tay Chúa có nghĩa là gì:

“Tôi đi theo con đường mà Chúa đã vạch ra cho tôi. Tôi cố gắng không còn nghĩ đến bản thân trong bất cứ điều gì, và tôi buông thả mình để Chúa Giêsu làm điều Ngài thấy là phù hợp cho tôi, vì tôi đã không chọn một cuộc sống khắc khổ để cứu rỗi bản thân nhưng là để cứu những người khác.” --Thư 247 gửi Cha Bellière, trong Letters of St. Thérèse of Lisieux, 2:1134.

Chúng ta thấy hướng đi mà thánh nữ muôn dẫn chúng ta đến, nhưng để cảm nghiệm được sự phó thác bản thân đúng đắn, chúng ta cần dọn sạch những ý tưởng sai lầm.

Sự chấp nhận bản thân giả tạo

Sự chấp nhận bản thân không phải là thái độ của kẻ tự đánh bại mình và từ chối việc phát triển bản thân.

Sự chấp nhận bản thân không có chút gì liên quan đến việc khước từ việc được chữa lành hoặc làm mới lại bản thân.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã bị tổn thương rất sớm vì mẹ qua đời lúc chỉ bốn tuổi nhưng thánh nữ không muốn mang vết thương này suốt đời mình. Khi kể lại ân sủng được chữa lành nội tâm mà thánh nữ nhận được vào đêm Giáng sinh năm 1886, Têrêsa cho biết ngài quyết tâm sống đời nhân đức đã mười năm với ý định phản công lại cá tính đã bị tổn thương của mình: “Việc mà tôi đã không thể làm được trong mười năm, Chúa Giêsu đã thực hiện trong khoảnh khắc, Ngài vui vì thiện chí của tôi đã không lúc nào bị thiếu hụt.” Đây đúng thật là một linh hồn đầy những nổ lực để tìm con đường chữa lành!

Việc phó thác bản thân cũng không dẫn đến một lối sống lỏng lẻo, sao cũng được. Kinh Thánh có thể làm chúng ta lúng túng về đâu là con đường của trẻ thơ. Một đàng, Kinh thánh mời gọi chúng ta từ bỏ bản thân với lòng tin tưởng của một đứa trẻ: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mat 18: 3). Đàng khác, Kinh Thánh đòi hỏi những nỗ lực lớn lao để tiến đến núi thánh: “Hãy trở nên hoàn hảo, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn hảo ”(Mt 5:48; x. Lêvi 19: 2).

Sự từ bỏ đích thực hoạt động một cách tự tin và thanh thản trong cuộc chiến đấu chống lại khuynh hướng xấu và tội. Têrêsa thực sự đã kết hợp cách dịu dàng nghịch lý này trong một cuộc nói chuyện cuối cùng của ngài. Mẹ Anges của Chúa Giêsu (người chị cả của Têrêsa, Pauline) đã hỏi Têrêsa giải thích về con đường mà thánh nữ muốn dạy các linh hồn sau khi chết. Đây là câu trả lời của Têrêsa: “Thưa Mẹ, đó là con đường của trẻ thơ, con đường của lòng tin tưởng và hoàn toàn từ bỏ.” Đây là khía cạnh dịu dàng của sự từ bỏ: lòng tin tưởng của một trẻ thơ.

Không chút trì hoãn, thánh nữ nói thêm: “Con muốn dạy cho họ những cách nhỏ bé mà nhờ đó con đã  thành công một cách hoàn hảo; con muốn nói với họ rằng chỉ có một điều cần làm ở đây, trên trái đất này là: hãy tung cho Chúa Giêsu những bông hoa của những hy sinh nhỏ bé, để chiếm hữu lấy Chúa Giêsu bằng những vuốt ve âu yếm; đây là cách con đã chiếm được lấy Chúa Giêsu và nhờ chính điều này mà con sẽ được đón nhận cách rất niềm nở.” Và đây là khía cạnh thách thức hơn của sự từ bỏ, không thể tách rời nó ra khỏi khía cạnh đầu tiên: chiến đấu, “công nghiệp,” những hy sinh được thực hiện vì yêu.

Tại sao việc chấp nhận bản thân lại khó khăn quá vậy?

Việc chấp nhận bản thân không dễ dàng vì hai lý do chính:
(1) Sự kiêu căng của chúng ta không muốn nhìn thấy giới hạn của nó, và
(2) chúng ta sợ không còn được yêu thương nữa.

Sự kiêu căng của chúng ta không muốn nhìn thấy giới hạn của nó

Ý thức về những thất bại và tội lỗi sẽ nhanh chóng làm xáo trộn sự tự thỏa mãn về bản thân của chúng ta. Những tiếng thì thầm: “Mình vẫn không tệ như thế!” nói lên sự tinh vi của tính kiêu ngạo. Chấp nhận bản thân không phải là quá chiều chuộng bản thân, nhưng là chúng ta phải chấp nhận việc thương tiếc về bản thân mình ở một mức độ nào đó. Sự than khóc về bản thân này không là điều bẩm sinh. Chúng ta phải học lấy nó: “Con cũng có những khuyết điểm của riêng mình, nhưng con vui mừng vì chúng.... Con vẫn ở vị trí cũ như trước đây! Nhưng con nói điều này với bản thân bằng giọng điệu hết sức dịu dàng và không có chút buồn sầu nào! Thật tuyệt vời khi cảm thấy mình yếu đuối và nhỏ bé! "

Chúng ta giống một người, trong phòng của người ấy, chỉ có hai thứ trên tường - một chiếc gương xinh xắn và một icon của Chúa Giêsu. Người ấy đã dành phần lớn cuộc đời để chiêm ngưỡng bản thân trong chiếc gương xinh đẹp của mình. Một ngày, chiếc gương xinh đẹp bị vỡ và những đức tính cao đẹp đi cùng cũng bị rạn nứt với tấm gương đó. Người này có hai cách giải quyết. Hoặc là người ấy sẽ phải dành phần đời còn lại của mình để phàn nàn về những đức tính ít ỏi nay đã bị vỡ thành ngàn mảnh, hoặc người ấy sẽ chấp nhận việc tấm gương bị vỡ và chọn nhìn vào icon của Chúa Giêsu, icon mà sẽ không bao giờ rơi khỏi tường! Không, thật không dễ dàng cho tính kiêu ngạo của chúng ta khi nhìn thấy những ý tưởng về sự hoàn hảo của bản thân vỡ ra từng mảnh.

Sợ không còn được yêu thương

Sách Sáng thế là một bài học tâm lý tuyệt vời về tội nhân. Trong sách Sáng thế chương 3:10, chúng ta thấy rằng A-đam và Evà, ngay sau khi phạm tội, đã cố gắng trốn tránh Thiên Chúa. Tội nhân nào cũng vậy. Một khi đã phạm tội, con người bị khống chế bởi nỗi sợ hãi là họ không còn được yêu thương bởi Tình yêu, Đấng đã bị họ làm tổn thương. Chúng ta hãy chắc chắn rằng nếu vì tội của mình, chúng ta còn rơi xuống sâu hơn nữa, lòng thương xót Chúa sẽ hạ mình xuống nơi đó để đón nhận chúng ta: “Cho mỗi tội, lòng thương xót và Chúa đủ quyền năng để trao ban sự kiên định đến với ngay cả người không có sự kiên định đó.”

Làm thế nào để chúng ta có một kinh nghiệm đúng đắn về sự chấp nhận bản thân?

Những lời Têrêsa nói với Sơ Geneviève trong Thư 243 có vẻ như là một con đường dẫn đưa vào sự chấp nhận bản thân trong Chúa một cách chân thực:

“Chúng ta hãy khiêm tốn xếp mình vào giữa những người bất toàn, chúng ta hãy coi mình như những linh hồn bé nhỏ mà Chúa phải nâng đỡ mọi nơi mọi lúc. Khi Ngài thấy chúng ta khá tin tưởng về sự hư vô của mình, Ngài đưa tay Ngài ra cho chúng ta nắm lấy. Nếu chúng ta vẫn muốn cố gắng làm điều gì đó vĩ đại ngay cả dưới cái cớ là nhiệt tâm, thì Chúa Giêsu nhân lành sẽ để chúng ta một mình. . . . ĐÚNG VẬY, chỉ cần hạ mình là đủ, chịu đựng sự bất toàn của mình là đủ. Đó chính là việc nên thánh!”

Không chấp nhận bản thân làm kiệt sức

Chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian và năng lượng quý giá khi từ chối chấp nhận những giới hạn của mình hoặc phàn nàn về những gì chúng ta không có. Không tiếp nhận những kém cỏi của bản thân là điều làm kiệt sức, đơn giản vì nó là thực tế và chúng ta không thể làm gì để thay đổi nó trong thời điểm này. Tôi có thể đốt hết năng lực của mình bằng việc khước từ hiện thực này. Sự phức tạp của con người tôi sẽ luôn nhắc nhở tôi về những hạn chế và yếu đuối của mình!

Vì vậy, hãy đón nhận sự khôn ngoan của Têrêsa: “Chúng ta hãy khiêm tốn xếp mình vào giữa những người bất toàn.”

Chúa chỉ có thể hành động nơi con người tôi thực sự là

Nếu tôi dành thời gian của mình - dù có ý thức hay không ý thức - từ chối chấp nhận con người của tôi, đặc biệt là khía cạnh bóng tối và những giới hạn của tôi, với lý do đó không phải là một bức chân dung đáng khen ngợi, theo một cách nào đó, tôi đang sống bên ngoài chính mình. Thiên Chúa, Đấng chính là Sự Hiện hữu, chỉ gặp tôi nơi tôi thực sự là, là một mớ phức tạp, bao gồm cả những gì “rất là rắc rối”!

Vì vậy, một chút thương xót cho bản thân không phải là điều xa xỉ, mà là điều tối thiểu cần có để trải nghiệm tính con người thụ tạo của chúng ta một cách đúng đắn.

Nhẹ nhàng chấp nhận bản thân bằng cách nhìn thấy bản thân qua đôi mắt của Chúa

Chính Chúa Tối Cao là Đấng ban cho sự thấp hèn của chúng ta một ý nghĩa, giá trị và vẻ đẹp. Điều làm tê liệt hoạt động của ân sủng trong cuộc sống của chúng ta không phải là tội lỗi của chúng ta cho bằng việc chúng ta từ chối lòng thương xót của Chúa khi chúng ta sa ngã. Georges Bernanos đã viết về một đệ tử mới vào tu viện. Bề trên khôn ngoan của chị ấy chỉ dẫn cho chị ấy như sau: “Hơn hết, đừng bao giờ khinh chê bản thân. Thật khó khi chê bai chính mình mà không xúc phạm đến Chúa trong chính chúng ta. . . . Nếu bản chất của con là một điều con phải chiến đấu hoặc là một chiến trường, ôi, đừng nản lòng hoặc buồn bã. Mẹ sẽ hân hoan mà nói với con: hãy yêu sự nghèo khó của con, vì Chúa đổ đầy lòng thương xót của Ngài trên nó.”

Chúng ta nên nhìn vào chính mình không với con mắt loài người nhưng với con mắt của Chúa! Ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa, con người có đủ mọi cơ hội để thất vọng về bản thân. Cầu xin lòng thương xót là xin để nhìn thấy bản thân với con mắt của Chúa Giêsu. Thông qua việc chiêm ngưỡng lòng thương xót tột cùng và sự kiên nhẫn vô hạn của Ngài đối với chúng ta, chúng ta sẽ có được sự tôn trọng thiêng liêng đối với chính mình:

“Thật vậy, hạ mình và nhẹ nhàng chịu đựng những khiếm khuyết của mình là đủ. Đó là sự thánh thiện đích thực.” Đó là kêu gọi thánh thiện cho mọi người trên toàn cầu! Nhưng sự chấp nhận bản thân đúng đắn đòi hỏi sự từ bỏ bản thân - việc làm trống rỗng bản ngã hư vô và tất cả những pháo đài bên trong nó, vốn được xây dựng dưới dạng lâu đài cát để che giấu sự nghèo khó của chúng ta. Khi những làn sóng nhẹ nhàng của lòng thương xót dạt trên nó, nó cuối cùng sẽ trôi đi, nhường chỗ cho Tình yêu. Cơn sóng thần của Tình yêu!

Chuyển ngữ từ Abandonment To God: The Way of Peace of St. Thérèse of Lisieux

Share:

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Thế nào là phó thác trong việc lo lắng cho người thân yêu

Sau chương nói về cách thánh Têrêsa đã sửa lỗi cho người chị em của mình là chúng ta cần chậm rãi, để tình yêu Chúa đi trước và yêu người ấy trong trái tim của mình, bài viết tiếp tục:

Trước hết, gương mẫu của thánh Têrêsa thì rất thuyết phục  rằng tinh thần phó thác trong việc giáo dục không liên quan gì đến việc “không làm gì cả” hoặc tính dễ dãi của sự gì cũng được.  Nhưng nó là về việc sống trong Chúa, bao gồm cả nhiệm vụ giáo dục và sửa sai. Mặt khác, chúng ta thường đi quá nhanh. Chúng ta nhìn thấy, chúng ta đánh giá, xét đoán, và ngay lập tức hành động. Chúng ta cần suy nghĩ về việc bao gồm Chúa Thánh Thần trong quá trình nhìn thấy, phán xét và hành động này. “Chúa Thánh Thần, Ngài nghĩ gì về điều này? Con có cần phải can thiệp, và can thiệp cách nào? ” Điều cần thiết là phải kêu cầu Chúa Thánh Linh và trên hết mọi sự là luôn sẵn sàng để Ngài soi dẫn chúng ta. Rất thường xuyên, trong cùng một động tác, chúng ta đặt ra những câu hỏi và câu trả lời theo cách không cho Thánh Linh thời gian để bày tỏ ý của Ngài.

---------

Lo lắng cho những người chúng ta yêu thương - con cái, vợ chồng, cha mẹ, v.v…, là điều hoàn toàn bình thường. Sự lo lắng biểu lộ một tình yêu có sự quan tâm. Nhưng nếu chúng ta dám nhìn sâu hơn, rất có thể một chút tình yêu kiểm soát và một khó khăn nào đó trong việc phó thác những người thân yêu cho Chúa, ẩn sau những lo lắng chính đáng này.

Thật không may nếu chúng ta quên đi sứ vụ của sự thật (sửa lỗi cho ai đó trong đoạn trên) với biện luận là chúng ta phải học cách yêu thương đùm bọc: “nới rộng lều ngươi đang ở” (x. Isaia 54:2).

Chúng ta hãy lắng nghe những lời của thánh nữ Têrêsa, lời đem lại tâm hồn thanh thản cho tất cả những ai đang lo lắng cho người thân của mình. Trong những tháng cuối đời, Têrêsa kể lại những kỷ niệm gặp Céline (khi vào dòng lấy tên Sơ Geneviève), chị của Têrêsa, trong phòng khách của nhà dòng:

 Khi Sơ Geneviève thường đến thăm em, em không thể nói hết những gì em muốn trong thời gian nửa tiếng. Vì thế, trong tuần, bất cứ khi nào em nghĩ đến hoặc cảm thấy hối tiếc vì đã quên nói với Geneviève điều gì đó, em sẽ cầu xin Chúa cho Geneviève biết và hiểu những gì em đang nghĩ, và trong chuyến thăm tiếp theo, Geneviève sẽ nói chuyện với em, chính xác về điều em đã cầu xin Chúa cho Geneviève biết. Lúc đầu, khi Geneviève  đang thực sự sầu khổ và em không thể an ủi em ấy, em sẽ rời khỏi phòng khách với một trái tim nặng nề, nhưng em sớm hiểu rằng em không thể an ủi bất cứ ai; em sau đó không lo lắng khi Geneviève trở về với cõi lòng còn buồn sầu. Em cầu xin Chúa bù đắp cho sự yếu đuối của em, và em cảm thấy Ngài đã lắng nghe lời cầu nguyện của em. Em cảm nhận được sự giúp đỡ đó khi Geneviève đến thăm em lần kế đến. Kể từ thời điểm đó, bất cứ khi nào em vô tình gây rắc rối cho bất kỳ ai, em sẽ cầu xin Chúa sửa chữa cho em, và sau đó tôi không còn tự dằn vặt bản thân về vấn đề này nữa.

Trích từ Abandonment To God: The Way of Peace of St. Thérèse of Lisieux

Share:

Về Thiên Thần Bản Mệnh

Những tài liệu dưới đây về thiên thần bản mệnh được gom lại để dễ tham khảo.

20 Điều Thiên Thần Bản Mệnh Làm Cho Chúng Ta

Hãy tưởng tượng bạn có một vệ sĩ luôn ở bên bạn. Anh ấy đã làm tất cả những việc vệ sĩ thường làm như bảo vệ bạn khỏi nguy hiểm, tránh xa những kẻ tấn công và nói chung là giữ cho bạn an toàn trong mọi tình huống... Chúng ta không cần phải tưởng tượng điều đó. Chúng ta đã có một vệ sĩ như vậy. Truyền thống Kitô giáo gọi họ là những thiên thần bản mệnh. Sự tồn tại của những thiên thần bản mệnh được Kinh thánh chứng minh, và cả người Công giáo và Tin lành đều tin vào thiên thần bản mệnh. -- Stephen Beale, Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ

Vai trò của thiên thần bản mệnh

Hoạt động của các thiên thần đồng hành với cả cuộc sống của con người. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu mọi người hay chỉ các Kitô hữu mới có thiên thần bản mệnh? Nói cách khác, thiên thần bản mệnh được ban cho ngày khi mới sinh hay khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy? Origen đã quen với cả hai ý kiến và cho thấy rằng mỗi ý kiến đều có thẩm quyền theo Kinh Thánh -- Dịch từ tài liệu của Jean Danielou

Các Thiên Thần Bản Mệnh

Đức tin cho chúng ta biết rằng: có những thiên thần gìn giữ chúng ta. Cựu Ước cũng như Tân Ước đầy những chứng cớ làm chứng cho chân lý này, khiến thánh Giêrônimô đã phải thốt lên : "Phẩm giá các linh hồn cao quý dường nào vì mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa trao cho một thiên thần để săn sóc". --Tin tức Công giáo

Thần học về các thiên thần

Trong Thánh Kinh; trong lịch sử thần học; thời các giáo phụ; thời Trung Cổ; thời Hiện đại; thời Đương đại; một vài đường hướng thiên thần luận ngày nay... -- Đaminh Tam hiệp

Các chuyện về thiên thần bản mệnh

Không thể kể chuyện về thiên thần bản mệnh mà quên Padre Pio :)

Padre Pio và thiên thần bản mệnh
CN 5437: Gửi thiên thần bản mệnh đến Padre Pio #40
CN 5543: Padre Pio và thiên thần bản mệnh #109

Share:

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Bạn có biết Chúa nghĩ gì về bạn không?

Một người cha, một người mẹ nhìn vào một đứa trẻ sơ sinh, khi thấy con họ thở là họ đã mừng. Họ ăn, uống, lớn lên làm người cha mẹ vui mừng cho đứa con của mình.

Chúa là Cha, Ngài vui mừng chỉ vì chúng ta hiện hữu, chúng ta còn sống. Trong sách ông Gióp, Chúa khoe với Satan: “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không ? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác!” Và Satan thách thức Chúa rằng Gióp sống tốt với Chúa vì Chúa ưu ái ông và nói, “Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”

Chúa cho phép Satan làm hại ông Gióp để ông có cơ hội bày tỏ sự vâng phục chân thành của ông đối với Chúa. Chúa tin tưởng ông Gióp và cho phép Satan làm hại ông để Gióp có cơ hội làm Satan bẽ mặt. Thực sự ra Chúa chỉ muốn khoe thêm về ông Gióp vì chúng ta chẳng nghe gì về Satan sau đó. Ông Gióp sau khi đã được hồi phục, không thể nào mà quên được Chúa của mình vì đã có một kinh nghiệm đầy khó khăn và đầy ý nghĩa.

Chúng ta có thể biết nhiều về thánh ý của Chúa cho cuộc sống chúng ta từ câu chuyện của ông Gióp:

- Chúng ta như thể những kẻ đang trong một cuộc huấn luyện cho vinh thắng Olympia trên thiên đàng.
- Satan rất là ghen tức vì Chúa quá ưu ái chúng ta.
- Chúa cho phép Satan làm hại chúng ta như thể những huấn luyện viên cần đủ những thách thức để có đủ khả năng cho chiến thắng Olympia.
- Chúng ta sẽ bị cám dỗ để nghĩ Chúa là Đấng khắc nghiệt, “mắt đền mắt, răng đền răng.” Nhưng đừng quên, Con Thiên Chúa đã đền tội cho ta rồi. Chúng ta chỉ cần nhớ mình là con và đã lãnh nhận quyền mà Giao ước Chúa Giêsu đã ký kết với Chúa Cha trên cây thập giá. “Ta đến để chúng có sự sống và sự sống dồi dào; Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết tội mình đã làm; Hôm nay, ngươi sẽ được vào thiên quốc với Ta.”
- Thiên Chúa là Đấng Toàn năng. Dù chúng ta có như thế nào (muôn ngàn khổ đau đổ dập xuống ông Gióp), Chúa có kế hoạch dù ông Gióp thì không thấy kế hoạch đó chút nào:

Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được,
không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu.
“Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết
để làm cho kế hoạch của Ta
không còn được rõ ràng minh bạch ?”
Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì
về những điều kỳ diệu vượt quá sức con.
Vậy, xin Ngài lắng nghe, và cho con thưa gửi đôi điều,
con sẽ hỏi và xin Ngài đáp lại.
Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại,
nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến.
Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại,
trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn. (Gióp 42:2-6)

P.S. Nếu bạn nghĩ ông Gióp là người công chính còn tôi là kẻ tội lỗi, thì bạn hãy đọc về tên giết người bên hữu của Chúa khi Ngài bị treo trên cây thánh giá, hoặc chuyện người đàn bà ngoại tình.

Share:

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Cầu nguyện trong thần khí và sự thật

"Lời cầu nguyện từ trái tim là lời cầu nguyện chân thành. Luôn luôn cầu nguyện với Chúa từ trái tim của bạn. Chúa không đòi hỏi triết học từ chúng ta. Chúng ta nên cầu nguyện từ trái tim, như với Cha của chúng ta: “Lạy Chúa, xin giúp mọi linh hồn, và xin cũng đừng quên con. Giúp mọi người tìm thấy sự bình an và biết yêu mến Chúa như các thiên thần yêu mến Chúa. Xin ban cho chúng con sức mạnh nữa để yêu Ngài như Mẹ Chí Thánh đã yêu Chúa và các thiên thần. Xin ban cho con sức mạnh để yêu mến Chúa hết lòng con.”

Sự thật là khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đọc lời cầu nguyện của mình mà toàn bộ con người chúng ta thì không ở trong lời kinh. Chúng ta chỉ cầu nguyện bằng môi miệng. Chúng ta đang bị chia trí, và tất nhiên điều đó có nghĩa là chúng ta không cầu nguyện trong tinh thần và trong sự thật (xem Gioan 4: 23–24). Chúng ta chỉ cầu nguyện bằng cơ thể của mình và phát âm các từ bằng môi, trong khi chúng ta thực sự đang ở một nơi khác. Sự chú ý của chúng ta được tập trung ở một nơi khác, không phải nơi những lời cầu nguyện. Đó là lý do tại sao các thánh Giáo phụ nói sự cảnh giác và chú tâm luôn phải đi trước lời cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện mà không có sự chú tâm, thì chúng ta không cầu nguyện trong thần khí và sự thật, hay với những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, khi chú ý đến những gì chúng ta cầu xin trong lời cầu nguyện, chúng ta tập trung vào những lời chúng ta nói và những gì chúng ta đang cầu xin.

Khi chúng ta nhờ vả sự giúp đỡ từ một người chúng ta biết có thể giúp đỡ chúng ta, chúng ta tha thiết hướng về người ấy và với trọn vẹn con người van nài người ấy, “Xin hãy làm điều này cho tôi. Tôi biết bạn có thể làm được nó.” Điều này có nghĩa là chúng tôi tin rằng người ấy có thể giúp chúng ta và vì vậy chúng ta xin người ấy giúp đỡ. Nhưng chúng ta thường cầu nguyện với Chúa một cách máy móc mà không có sự chú ý, và chúng ta coi đó là lời cầu nguyện, trong khi thực sự tâm trí và trái tim của chúng ta không hiện diện ở đó. Tâm trí của chúng ta đang ở nơi khác, hoặc chúng ta đang lên kế hoạch làm điều gì đó và suy nghĩ của chúng ta bị bận rộn, hoặc tâm trí của chúng ta ngập chìm trong việc ai đó lăng mạ chúng ta .... Tâm trí của chúng ta tập trung vào mọi thứ ngoại trừ việc cầu nguyện. Đó là lý do tại sao Chúa đã nói rằng Thiên Chúa là thần khí và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải cầu nguyện trong thần khí và trong sự thật. Điều này có nghĩa là tâm trí của chúng ta phải hiện diện khi chúng ta cầu nguyện." -- Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnic

Share:

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

Luôn đến với Chúa bằng trái tim của bạn

9. Tôi dường như luôn quay lại chủ đề này và lại nói điều này lần nữa: chúng ta phải học cách đến gần Cha chúng ta trên trời, học cách đến trước sự hiện diện của Ngài bằng cả trái tim và con người chúng ta, làm thế nào để chúng ta làm vui lòng Ngài như các thiên thần và các thánh. Vì chúng ta rất tội lỗi, đầy những ô uế. Thiên Chúa không kể đến sự ô uế của chúng ta khi chúng ta đến với Ngài từ trái tim mình. Ngài ngay lập tức đón nhận chúng ta. Khi chúng ta phạm tội chống lại Cha mình, rồi sau đó đến gần Ngài từ trái tim, Ngài sẽ tha thứ mọi sự, như thể chưa từng có gì xảy ra.

10. Không có giới hạn đối với Chúa, và tình yêu của Ngài không thể tả được. Chúng ta cần đến với Ngài với trái tim rộng mở và ở với Ngài mọi lúc, vì Ngài luôn ở với chúng ta. Ngài là động lực của cuộc đời chúng ta và muốn chúng ta hiểu được tâm trí Ngài. Trọn vẹn cuộc sống của Ngài [Chúa Giêsu] khi ở trên trái đất giữa loài người là một cuộc sống tự nhiên, chúng ta có thể chạm đến Ngài, có thể hiểu được Ngài. Ngài nói rằng Ngài là Tình yêu và giải thích cho chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để cứu rỗi loài người (xem Gioan 3:16). Ngài đã mặc khải cho chúng ta một bí ẩn lớn lao, cho chúng ta biết đến nhiều điều. Ngài đã dựng nên chúng ta cao trọng hơn tất cả các sinh vật khác. Bản chất con người, được tạo dựng cao trọng hơn tất cả tạo vật, và được đưa vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng làm nên Sự Sống.

 11. Là con người, chúng ta có thể ước gì hơn là được nên một với Thiên Chúa, Cha chúng ta? Muốn vậy, chúng ta phải học cách đến gần Ngài trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mà chúng ta đã được ban cho. Vì chúng ta không có sức mạnh của riêng mình, nên chúng ta phải đến gần Ngài như những đứa trẻ hồn nhiên, với trái tim chân thành rộng mở. Chúng ta phải cầu xin Ngài dạy chúng ta cách trở nên tốt lành, cách yêu mến Ngài như Mẹ Chí Thánh của Chúa Giêsu, các thiên thần và các thánh.

12. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta nếu chúng ta luôn đến gần Ngài từ trái tim của mình. Ngài muốn trái tim và linh hồn của chúng ta bùng cháy với một ước muốn và khao khát Ngài lớn hơn nữa, hầu cho chúng ta không bao giờ rời xa Ngài và tình yêu của Ngài.

Chuyển ngữ từ Our Thoughts Determine Our Lives: The Life and Teachings of Elder Thaddeus of Vitovnica

Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (Rôma 5:8).

Share:

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Quyền Năng Thiên Chúa Trong Yếu Đuối Của Bạn

Thiên Chúa thích dùng người yếu.

Ai ai cũng có những yếu đuối riêng. Quả vậy, bạn có biết bao nhược điểm và bất toàn về ngoại hình, về cảm xúc, về tư chất thông minh, về đời sống tinh thần. Bạn cũng có thể gặp những hoàn cảnh ngoài tầm tay vốn làm bạn yếu nhược, chẳng hạn những giới hạn về tài chánh hoặc giao tế. Vấn đề quan trọng hơn là bạn làm gì với những điểm yếu này. Thông thường, chúng ta phủ nhận những yếu đuối của mình, chúng ta bảo thủ, bào chữa, che đậy và đau buồn vì chúng. Điều này lại cản trở Thiên Chúa sử dụng chúng theo cách Ngài muốn.

Thiên Chúa có một cái nhìn rất khác về những yếu đuối của bạn. Ngài nói, “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Cho nên, Ngài thường hành động theo những cách thế hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta mong đợi. Chúng ta nghĩ, Chúa chỉ muốn dùng sức mạnh của tôi; thế nhưng, Ngài còn sử dụng đến những yếu đuối của chúng ta nữa cho vinh quang Ngài.

Kinh Thánh nói, “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1, 27). Những yếu đuối của bạn không phải là ngẫu nhiên. Thiên Chúa cố ý cho phép chúng xảy đến trong đời bạn nhằm chứng tỏ quyền năng của Ngài ngang qua bạn.

Thiên Chúa không bao giờ bị tác động bởi sức mạnh hay sự hoàn hảo của một ai. Thực tế, Ngài bị hấp dẫn bởi những người yếu kém và những ai thừa nhận điều đó. Đức Giêsu coi việc chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của mình là thái độ của một “tâm hồn nghèo khó”. Đó là thái độ ưu tiên mà Ngài chúc phúc (Mt 5, 3).

Kinh Thánh đầy những  mẫu gương cho thấy cách thức Thiên Chúa sử dụng những con người bất toàn, bình thường để làm những việc phi thường bất chấp những yếu đuối của họ. Nếu Thiên Chúa chỉ dùng những con người hoàn hảo, không gì được thực hiện thành toàn; bởi lẽ không ai trong chúng ta không thiếu sót. Việc Thiên Chúa dùng những con người bất toàn là một khích lệ cho tất cả chúng ta.

Sự yếu đuối, hay nói như thánh Phaolô, “cái dằm đâm vào” (2Cr 12, 7) không phải là một tội, một thói xấu hay một thiếu sót của tâm tánh mà bạn có thể thay đổi, chẳng hạn như ăn quá nhiều hoặc thiếu kiên nhẫn. Một yếu đuối là bất kỳ một giới hạn nào đo mà bạn kế thừa do di truyền hoặc không có khả năng thay đổi. Đó có thể là giới hạn thể lý như khuyết tật, một căn bệnh kinh niên, kém sức khỏe, tê liệt. Đó cũng có thể là một giới hạn về cảm xúc, chẳng hạn một tổn thương tinh thần do một khủng hoảng, một kỷ niệm đau buồn, một khuyết tật của cá tính hay một tính khí di truyền nào đó. Hoặc đó cũng có thể là một giới hạn về tài năng hoặc tư chất thông minh. Không phải ai trong chúng ta cũng thông minh kiệt xuất hay tài năng lỗi lạc.

Khi nghĩ đến những giới hạn trong đời mình, bạn có thể bị cám dỗ đi đến kết luận, “Có lẽ Chúa sẽ không bao giờ dùng tôi”. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bị hạn chế bởi những giới hạn của chúng ta. Qua vậy, Ngài thích đặt quyền năng cao cả của Ngài trong những bình chứa bình thường. Kinh Thánh nói, “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không từ chúng tôi” (2Cr 4, 7). Như những chiếc bình gốm thông thường, chúng ta mỏng giòn, thiếu sót và dễ vỡ. Nhưng Chúa sẽ sử dụng nếu chúng ta để Ngài hành động ngang qua yếu đuối của mình. Để được vậy, hãy bắt chước gương thánh Phaolô.

Thừa nhận những yếu đuối của bạn. Nhìn nhận những bất toàn của bạn. Đừng tiếp tục giả vờ bạn có tất cả, hãy thành thật với chính mình.

Thay vì chối bỏ hoặc tìm cách bào chữa, bạn hãy dùng thời giờ để xác định những yếu đuối riêng của mình. Bạn có thể liệt kê chúng ra thành một danh sách.

Có hai lời tuyên xưng tuyệt vời trong Tân Ước minh họa những gì chúng ta cần để có một cuộc sống lành mạnh. Trước hết là tuyên xưng của thánh Phêrô, người đã nói với Đức Giêsu, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 6). Tiếp đến là tuyên xưng của thánh Phaolô, người đã nói với đám đông vốn tôn sùng thần tượng, “Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn” (Cv 14, 15b). Nếu bạn muốn được Thiên Chúa sử dụng, phải biết Ngài là Đấng nào và bạn là ai. Nhiều Kitô hữu, đặc biệt giới lãnh đạo, thường quên chân lý thứ hai: Chúng ta chỉ là những con người! Nếu cần một khủng hoảng để bạn thừa nhận điều đó, Thiên Chúa sẽ không ngần ngại để nó xảy ra vì Ngài yêu thương bạn.

Trích từ Sống Theo Đúng Mục Đích của Rick Warren

Share: