Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Chúa Nhật thứ I Mùa Chay -- Chúa Giêsu bị cám dỗ

Bài chú giải của Dr. Brant Pitre

Cách để hiểu bản chất của cuộc cám dỗ trong Vườn Địa đang được tìm thấy trong 1 Gioan 2:15–16:

Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian : như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian.

Trong truyền thống Kitô giáo, việc yêu thế gian bao gồm ba khía cạnh: dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của; ba mặt của dục vọng đi song song với tội ham muốn xác thịt, tham lam của cải và tính kiêu căng.

Chúng ta thấy khuôn mẫu ba mặt này hoạt động khi Evà bị cám dỗ: Người đàn bà thấy trái cây đó
(1) ăn thì ngon,
(2) trông thì đẹp mắt và
(3) đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.

“Ăn thì ngon”: đây là dục vọng của tính xác thịt.
“Trông thì đẹp mắt”: đây là sự tham lam, mong muốn có nhiều hơn nữa, sở hữu những thứ vì vẻ đẹp hoặc giá trị của chúng.
“Đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” - đây là sự kiêu ngạo vì mục đích để có được sự khôn ngoan của Evà là để mình được giống Thiên Chúa như con rắn nói, “Ông bà sẽ giống như Thiên Chúa”.

Mặc dù theo câu chuyện, Êvà là người bị cám dỗ phạm tội, nhưng truyền thống trong Kinh thánh và truyền thống hậu Kinh thánh thường quy sự sa ngã phần lớn, thậm chí phần chủ yếu, cho Ađam, vì ông đứng đó và chẳng làm gì cả. Ông được coi là “người lãnh đạo gia đình” và lẽ ra hành động cách hiểu biết hơn.

Những cám dỗ tuân theo khuôn mẫu của ba khía cạnh của dục vọng. Thứ nhất là dục vọng của tính xác thịt: “Hãy truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Chúa Giêsu chắc chắn rất đói sau bốn mươi ngày kiêng ăn. Ngài bị đau đớn về thể xác vì cơ thể đã dùng hết chất béo dự trữ và các mô cơ bắt đầu bị dùng đến để duy trì sự sống. Bánh từ lò mới ra rất hấp dẫn đối với một người đang đói. Tuy nhiên, Chúa chúng ta biết rằng việc sử dụng các quyền năng thiêng liêng của mình để tránh khỏi sự đau khổ của thân phận con người không phải là ý muốn của Chúa Cha.

Tiếp đến là thói cậy mình có của. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi… và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Đây là sự cám dỗ để thực hiện một biểu diễn công khai mà sẽ đem đến danh tiếng và địa vị làm Chúa trở nên người nổi tiếng. Chúa Giêsu sẽ ngay lập tức gây chấn động toàn quốc. Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết sứ vụ của Ngài là sống khiêm tốn.

Cuối cùng là dục vọng của đôi mắt. Ma quỷ chỉ cho Chúa “thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy”. Chúa Giêsu có thể có được rất nhiều chỉ với một hành động thờ phượng nhỏ thôi. Rồi hãy nghĩ đến hết những điều tốt lành mà Chúa Giêsu có thể làm khi Ngài đã là người cai trị tất cả các vương quốc trên trái đất này!

Trong mỗi trường hợp, Chúa Giêsu chống lại sự cám dỗ bằng cách trích dẫn Kinh thánh, cụ thể là Đệ Nhị Luật, “Luật của Môsê”.

Một chủ đề phụ của đoạn văn này — ngoài việc Chúa Giêsu đảo ngược ba dục vọng mà tổ tiên đầu tiên của chúng ta sa vào — là khái niệm Chúa Giêsu là Con mới của Vua Đa-vít, Ngài vĩ đại hơn cả Sa-lô-môn.

Sa-lô-môn được giao nhiệm vụ tuân giữ Luật Môsê (1 Các vua 2:1–4), luật này đưa ra ba điều cấm cụ thể mà nhà vua phải tuân theo (không được tăng số ngựa, vàng hoặc vợ; Đệ nhị luật 17:14–17). Về sau, Sa-lô-môn đã vi phạm một cách ngoạn mục ba điều cấm của Luật Môsê (xem 1 Các Vua 10:14–11:8), các vi phạm của Sa-lô-môn tương ứng với ba thứ dục vọng (dục vọng của tính xác thịt = vợ, dục vọng của con mắt = vàng , thói cậy mình có của = ngựa [tức là sức mạnh quân sự và sự kiêu ngạo]). Chúa Giêsu là người Con tốt hơn của Đa-vít, Người đã ba lần tuân giữ Luật Môsê để hủy bỏ ba lần quỵ ngã của người con đầu lòng của Đa-vít.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để chiến thắng, như Chúa Giêsu đã làm, sự ham muốn của tính xác thịt, sự ham muốn của con mắt và tính kiêu ngạo. Những người trong đời sống tu trì làm như vậy một cách triệt để, khi họ khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm là khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Khiết tịnh liên quan đến việc giết chết dục vọng của xác thịt (qua việc hãm mình ép xác). Nghèo khó tiêu diệt sự thèm khát của đôi mắt. Sự vâng lời làm chết đi tính kiêu căng—thật khó để tự kiêu khi bạn đang vâng lời người khác.

Tôi thấy lạ lùng khi những người theo đạo Tin lành không thực hành “những lời khuyên của Phúc âm”. Bất kể việc nhấn mạnh về việc đi đúng theo lời của Kinh thánh và thậm chí hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen trong một số nhóm Tin lành, gần như không có người Tin lành nào chấp nhận lời mời gọi sống không kết hôn vì Nước Trời của Chúa Giêsu theo nghĩa đen (xem Mt 19:12) hoặc về lời khuyên nghèo khó (“Hãy bán tất cả những gì anh có và đến theo tôi.” Xem Mt 19:21). Những lời này của Chúa Giêsu chỉ được các tu sĩ trong các Giáo hội xưa (Công giáo và Chính thống giáo) tuân theo một cách triệt để.

Nhưng việc hãm mình về ba khía cạnh của dục vọng không chỉ dành cho đan sĩ, nữ tu và linh mục. Tùy theo bậc sống của mình, tất cả chúng ta phải vượt qua cám dỗ. Các kỷ luật truyền thống của Mùa Chay (cầu nguyện, ăn chay, bố thí) là để giúp chúng ta trong việc này.

Ăn chay làm giảm ham muốn của tính xác thịt. Bố thí làm chết lòng tham lam của con mắt (tham lam, hám lợi). Và cầu nguyện dập tắt sự kiêu ngạo bằng cách thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa (“Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” [Mát-thêu 6:11) và làm cho ý muốn của chúng ta biết suy phục thánh ý của Chúa (“xin cho ý Cha được thể hiện” (6:10).

Chúng ta hãy hợp nhất những nỗ lực của chúng ta với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu nhờ đức tin, và hãy để Thần Khí của Người hoạt động trong chúng ta trong Mùa Chay này qua các kỷ luật Mùa Chay. -- Dr. John Bergsma

Share:

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Hãy yêu mến kẻ thù

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (5:38-48)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

-------

Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vượt lên trên những việc “sòng phẳng” với những kẻ làm hại chúng ta. Ngài khuyên chúng ta đừng kháng cự và thậm chí hãy cho đi nhiều hơn những gì người ta đòi hỏi.

Lời dạy của Chúa Giêsu đặt ra nhiều câu hỏi. Chẳng lẽ không nên chống lại kẻ ác sao? Chúng ta có nên để một tay súng điên cuồng chạy vào trường và bắn những đứa trẻ nhỏ mà không làm gì không? Chúng ta có nên để kẻ trộm giết chúng ta và lấy hàng hóa của chúng ta nếu chúng ta gặp phải trường hợp nó xông vào nhà?

Không. Người Kitô hữu thậm chí có bổn phận tự vệ và Sách Giáo lý đã nói rõ ràng về điều đó trong phần đề cập đến Điều răn thứ năm (§2263–2267). Một người thực sự có nghĩa vụ chính đáng là phải làm bất cứ điều gì cần thiết – ngay cả vũ lực có thể làm chết người: “Hành động tự vệ đưa đến hai hậu quả: một là cứu lấy chính mạng sống mình, hai là giết kẻ tấn công. Chỉ được phép nhắm tới điều trước, chứ không phải điều sau” (GLCG 2263) – để ngăn chặn một tay súng điên cuồng đang hướng về những đứa trẻ nhỏ.

Nhưng những ví dụ Chúa Giêsu nêu ra không là về những trường hợp gây ra nguy hiểm đến tính mạng. Chúa không nói: “Nếu ai đó chặt đứt tay con, hãy đưa cả tay kia cho họ nữa”. Hoặc “Nếu ai đó cầm giáo xông vào con, hãy ưỡn ngực ra để họ đâm xuyên qua”.

Những ví dụ mà Chúa Giêsu trích dẫn là lăng mạ và chiếm lấy tài sản của một người. Đánh vào má bên phải sẽ là một cú tát ngược của người thuận tay phải. Đó là, một sự xúc phạm, không phải là một mối đe dọa ngay lập tức cho cuộc sống (theo văn hóa Do thái). Kiện đòi chiếc áo choàng của một người và đòi đi một dặm, là những áp đặt về của cải và thời gian của một người. Vì vậy, thật là quá đáng khi nói Chúa Giêsu cấm mọi hành vi tự vệ hoặc mọi hành vi sử dụng vũ lực. Chính Chúa Giêsu đã dùng lực để thanh tẩy Đền thờ (Gioan 2:15–16), cho thấy rằng trong đời sống Kitô hữu có một chỗ dành cho sự phẫn nộ chính đáng.

Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta với tư cách là môn đệ của Người hãy chịu đựng những lời sỉ nhục và quảng đại trong việc phân phát của cải và chia sẻ thời gian của chúng ta. Chúa Giêsu không lo lắng rằng chúng ta sẽ bị nghèo đi khi cho đi ngay cả quần áo của chúng ta bởi vì “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5:3) (tức là những người nghèo vì những lý do tâm linh), và Chúa sẽ cung cấp áo mặc và cơm ăn cho những người “trước hết tìm kiếm nước Thiên Chúa” (Mt. 6:25–33 ).

Khi Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù,” có lẽ Ngài đang tóm tắt hai đoạn trong luật pháp: Lê-vi 19:13–18, liên quan đến tình yêu đối với kẻ thù; và Đệ Nhị Luật 20:16–18, quy định chiến tranh toàn diện (tức là “sự thù hận”) chống lại dân Ca-na-an, kẻ thù của Israel. Cuộc chiến toàn diện chống lại người Ca-na-an là một đặc điểm đáng lo ngại của luật Cựu Ước, một sự không hoàn hảo về đạo đức (như ly hôn) được Môsê cho phép, trong trường hợp này để ngăn chặn việc bỏ đạo và đồng hóa với các dân ngoại, đồng hóa với nền văn hóa Ca-na-an suy đồi.

Như Chúa Giêsu đã loại bỏ việc cho phép ly dị trong bài đọc tuần trước, bây giờ Ngài sửa lại điều răn về “thù ghét” kẻ thù. “Hãy yêu kẻ thù của anh em,” Chúa Giêsu nói. Bản chất của con người là yêu những người yêu bạn, vì vậy không có công đức trong đó. Chỉ những sociopath/ kẻ chống xã hội hoặc rối loạn chức năng tâm lý mới ghét những người yêu mến mình. Để giống như Thiên Chúa, để có bất kỳ giá trị đạo đức nào, chúng ta phải yêu thương ngay cả những người không đáng yêu bởi vì đây là imitatio Dei / sống giống theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa yêu những người không đáng yêu, bắt đầu từ mỗi người chúng ta, vì vậy chúng ta cũng phải làm như vậy.

Tất nhiên, tình yêu đích thực tương thích với sự sửa chữa, quở trách, thậm chí là trừng phạt (theo Thánh Thomas Aquinas) khi bạn có thẩm quyền đối với kẻ phạm tội, vì hình phạt chỉ nhằm mục đích cải tạo và đưa đến sám hối. Vì vậy, yêu thương kẻ thù của mình thì phức tạp hơn chỉ đơn giản là “tử tế, dễ thương”. Trong nhiều trường hợp, bước đầu tiên có bao gồm “sự tử tế”.

Những lời dạy của Chúa Giêsu không phải là đơn thuốc cho một hệ thống chính trị hay tư pháp mà là những lời khuyên cho hành vi cá nhân trong cuộc sống hàng ngày. Lời nói của Ngài dễ đưa đến sự ngưỡng mộ nhưng lại khó để thực hiện.

Chúng ta đang có ác cảm với ai trong tuần này? Chúng ta có thực sự cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta không? Là người Công giáo, bạn có cầu nguyện cho những chính trị gia chống lại văn hóa sự sống, tham nhũng, hay bạn chỉ chỉ trích họ? Còn những kẻ thù khác của đức tin hoặc đời sống chính trị của cá nhân bạn thì sao? Những người là kẻ cạnh tranh trong đời bạn? Bạn đang có ác cảm với ai? Có lẽ là một thành viên trong gia đình? Những sai lầm phạm phải trong gia đình có thể là điều khó tha thứ nhất.

Chúa nhật này là thời gian để kiểm điểm lương tâm và tự vấn tâm hồn, để xác định sự thù hận nào đang ẩn thân trong lòng chúng ta, để bắt đầu thực hành sống quảng đại, bắt đầu cầu nguyện để có thể tẩy bỏ nó. --Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year A
Share:

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Mục đích cuộc đời

Quyết định đầu tiên mỗi người lữ khách phải thực hiện là chọn đích đến. Chỉ khi nào biết mình đi đâu người ta mới quyết định chọn lựa mình sẽ dùng phương tiện gì: đi xe hơi, đi bộ, tàu hỏa, máy bay... Con người khôn ngoan cũng làm như thế trong việc thu xếp cuộc sống, vì cuộc đời là một chuyến đi. Nó cũng phải có mục đích, được lựa chọn hợp lý, sau đó chúng ta mới quyết định sử dụng năng lực tối ưu để đến được đích đó.

Chỉ ai biết chọn Thiên Chúa làm mục đích cuộc đời mới hướng trọn vẹn hoạt động của mình vào việc cứu rỗi linh hồn. Đó cũng là hành vi lựa chọn thường tình đối với con người. Có những người như nhân vật Macbeth của Shakespear xem cuộc đời chỉ là một câu chuyện kể của một người điên, đầy âm thanh và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì”. Nhưng cũng như Macbeth, họ đi đến kết luận này chỉ vì những tội lỗi ghê gớm của họ khiến họ hãi hùng với sự phán xét sau khi chết. Không ai phủ nhận sự bất tử cả, trừ kẻ nào nhận thấy chính cuộc sống của họ khiến họ sợ hãi cuộc sống đời sau. Người vô liêm sỉ phạm tội và thừa nhận một châm ngôn nào đó để hợp pháp hóa tội lỗi của họ.

Nhiều người ngày nay cho rằng mục đích đời người là sự giàu sang. Đó là một đích đến thấp kém, vì nó hạ thấp phẩm giá con người bắt con người phụng sự một thực thể kém hơn nhân cách. Có người lại săn đuổi danh vọng, đó cũng không phải là mục đích sáng giá và làm chúng ta thỏa mãn được. Danh vọng không nâng được mình lên cao hơn đồng loại. Khi chọn mục đích sống “người ta sao mình vậy” thì đây là cách che đậy tình trạng suy sụp thần kinh bằng cách tự biến thành nô lệ cho công luận.

Một mục đích sống thật sự phải cứu xét đến bản chất con người: sinh ra để làm gì và khao khát những gì. Tính năng giúp con người khác với thú vật đó là tri thức (khả năng tìm kiếm chân lý) và ý chí (khát khao sự thiện hảo). Nhưng chúng ta biết rằng chân lý hoàn hảo và sự thiện tối cao chỉ có nơi Thiên Chúa và chúng ta chỉ đạt được sự viên mãn trong Ngài mà thôi. Một khi coi Thiên Chúa là mục đích thì hạnh phúc đạt được không chỉ giới hạn trong cõi đời chóng qua này, mà còn cho linh hồn của chúng ta nữa. Người nhận Thiên Chúa làm mục đích cuộc đời sẽ có được bình an mà thế gian này không thể bạn cho, cũng như không thể hủy diệt được.

Một khi đã chọn Thiên Chúa làm giá trị chủ đạo, chúng ta cần có một khuôn mẫu để đo lường các hành động, để đánh giá tốt xấu. Người làm lành là người hướng về Thiên Chúa, còn làm dữ khi quay lưng lại với Thiên Chúa. Cuộc sống hiện tại là sự chuẩn bị để được sống hạnh phúc với Thiên Chúa trong vĩnh cửu. Đó là mục đích thực sự cho con người. Khi nào chúng ta dấn bước về phía Thiên Chúa, bấy giờ chúng ta tốt lành, nghĩa là chúng ta đang thực thị mục đích của mình. Con người thiện hảo khi chu toàn tốt đẹp mục đích này: hiểu biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.

Chỉ khi nào cuộc sống của chúng ta qui chiếu về Thiên Chúa, chúng ta mới đánh giá đúng mức được giá trị của hành động này so với hành động kia. Điều quan trọng là duy trì và phát triển mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa và gia đình, bạn bè, và mọi người. Khi chúng ta loại bỏ tính ích kỷ thì mỗi người, mỗi sự việc và mỗi thụ tạo đều giúp chúng ta tiến về với Thiên Chúa là cùng đích của cuộc đời chúng ta.

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Cuộc đời đáng sống

Cuộc đời đáng sống hay nó là buồn tẻ và đơn điệu? Cuộc đời là đơn điệu nếu nó vô nghĩa cuộc đời không đơn điệu khi nó có một mục đích. Khi chúng ta không biết tại sao chúng ta lại ở đây, hay chúng ta đang đi đâu, thì cuộc sống đầy những thất vọng và bất hạnh. Khi không có mục đích, người ta chỉ lo họat động. Thay vì làm việc hướng đến một lý tưởng, họ thay đổi lý tưởng và gọi nó là “tiến triển”. Họ không biết mình đang đi về đâu, nhưng họ chắc chắn là đang trên đường đi. Cuộc đời giống như một radio; dường như không ai thích bắt một chương trình nhất định. Họ thích thay đổi liên tục.

Những ai không có mục đích cuối cùng cho cuộc đời sẽ không thể nói rằng họ đang tiến triển. Nếu không có điểm xác định, họ không thể nói họ đang tiến gần đến mục đích của họ hay không. Cuộc sống trong những hoàn cảnh này thì buồn chán. Một nhà điều khắc sau khi đục cắt khối đá cẩm thạch thì được hỏi: “Ông đang làm gì?” Ông trả lời: “Tôi không biết. Tôi không có dự định.”

Người ta sống 20, 30 hay thậm chí 50 năm mà không có mục đích. Không ngạc nhiên nếu họ thấy cuộc đời của mình buồn tẻ, mệt mỏi và phiền hà. Nếu là nông dân, họ trồng lúa mì tuần này, tuần sau nhổ lên và trồng lúa mạch, rồi bỏ lúa mạch mà trồng dưa hấu.

Cuối cùng mùa thu đến và họ chẳng thu hoạch được gì. Đó là sự vô nghĩa của cuộc sống làm cho nó trở nên chán ngắt và mệt mỏi. Có người thay đổi triết lý cuộc đời của họ theo mỗi cuốn sách họ đọc. Họ có một túi tên đầy ắp nhưng không có mục tiêu để bắn. Cuộc đời của họ trở nên chán chường. Sự chán ngán có thể dẫn đến nổi loạn. Họ sẽ bắn bất cứ cái gì. Cuộc nổi loạn này nảy sinh từ một cuộc đời không mục đích và vô nghĩa.

Một trường đại học nuôi hai chuồng chó để thí nghiệm. Một chuồng gồm những con chó không có bọ chét, chuồng kia thì chó có bọ chét. Các giáo sư thấy rằng những con chó có bọ chét thì bình thản hơn những con chó không có bọ chét, bởi vì chúng bận rộn với việc bắt bọ chét. Những con chó không có bọ chét thì cứ tru lên và sủa, chúng tạo ra nhiều vấn đề. Các nhà khoa học kết luận rằng sự kiểm soát sinh lý được hướng đến làm việc và tiêu hao năng lượng. Sự bồn chồn không yên của những con chó không có bọ chét là một loại điều tiết máy móc nhằm giữ cho cơ thể được tốt.

Trong lãnh vực cao hơn, năng lượng của con người được hướng đến việc tiêu hao cho một mục đích sau cùng. Nếu một con người thiếu mục đích này, người ấy sẽ phải trả giá bằng sự choáng váng, bồn chồn và chán chường. Người chán ngán nhất trong cuộc đời không phải là những người nghèo, mà là những người dư dả. Luân lý ở đây không phải là có những quấy rầy hay phiền muộn, nhưng là có điều gì đó để làm và sống cho, không phải cho ngày hôm nay và ngày mai, nhưng là mãi mãi.

Khi cuộc đời không có mục tiêu, không có đích điểm, không có lý tưởng, lẽ sống thì nó đầy tràn sự xoàng xĩnh và chán ngán. Nó trở nên chỉ có bề ngoài, mất đi nghị lực và sự bình an. Ở đâu mà người ta không có nguồn vui nội tâm, nhưng chỉ có sự đơn ái và tẻ nhạt, thì những người như thế nói rằng cuộc đời đã làm cho họ thất vọng. Không phải thế, bởi vì họ có một lối sống hư hỏng. Họ bào chữa bằng cách nói rằng: họ chán chường, vì họ không được yêu thương. Không phải thế. Họ chán ngán bởi vì họ đã không yêu thương, bởi vì họ đã từ chối yêu thương.

Nhiều người nghĩ rằng: khi chúng ta nói về hạnh phúc cao nhất của con người là kết hiệp với Thiên Chúa, mà Thiên Chúa như là một phần thưởng cho một cuộc sống tốt, như huy chương cho học sinh xuất sắc. Một huy chương vàng cuối năm học không nhất thiết liên hệ với việc học. Nhiều sinh viên học giỏi và đã không lãnh huy chương. Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời không liên hệ với chúng ta theo cách đó. Đúng hơn, Thiên Chúa và thiên đàng liên hệ với nhau như việc bông hồng nở, như quả đào với cây đào, cụ thể đó là sự hoàn hảo thuộc bản chất của chúng ta, không có nó chúng ta bất toàn, với nó chúng ta được hạnh phúc.

Có những người ghét sự lặp lại; vì thế, làm việc hướng đến một mục đích lý tưởng là chán ngán. Không, hãy nhìn những người tràn đầy sức sống, họ yêu thích sự lặp lại. Hãy đặt một đứa bé lên đầu gối bạn, rồi cứ nâng nó lên và hạ xuống ba bốn lần, đứa trẻ sẽ nói: “Xin cứ làm thêm nữa.”

Bởi vì Thiên Chúa là sự sống viên mãn, tôi tưởng tượng mỗi sáng Thiên Chúa nói với Mặt trời: “Hãy làm lại lần nữa”; và mỗi buổi tối Ngài nói với mặt trăng và các ngôi sao: “Hãy làm lại lần nữa”; và mỗi mùa xuân Ngài nói với cây cúc: “Hãy làm lại lần nữa”.

Cuộc đời đáng sống khi chúng ta sống mỗi ngày để trở nên gần Thiên Chúa hơn. Khi bạn cầu nguyện, dâng các việc bạn làm để kết hiệp với Thiên Chúa, tiếp tục vui hưởng “nỗi hồi hộp của sự đơn điệu” và “hãy làm lại lần nữa”.

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2023

Thị kiến Cuộc thương khó của Chúa Giêsu của Chân phước Anne Catherine Emmerich

Thánh nữ Têrêsa Avila là Tiến sĩ Hội thánh và đã viết về hành trình thiêng liêng mà chính ngài đã đi qua. Thánh nữ nêu ra sự rất cần thiết của việc suy niệm và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Khi nhiều người nói thánh nữ đã tiến đến mức cao của sự kết hiệp với Chúa, thánh nữ không cần dùng hình ảnh để nghĩ về cuộc khổ nạn của Chúa. Thánh Têrêsa Avila khẳng định rằng điều này không chỉ sai, mà trên thực tế, còn là một âm mưu lừa dối của ma quỷ, kẻ thù của các linh hồn.

Thánh Têrêsa khuyến khích mọi người không ngừng nhìn vào và hướng trái tim của mình về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vì lợi ích mà việc này đem lại. Các tín hữu có thể làm điều này bằng cách lần chuỗi suy niệm về các mầu nhiệm Năm Sự Thương một cách chậm rãi, bằng cách đọc sách thiêng liêng về Cuộc Khổ Nạn hoặc về Thánh Tâm Chúa, bằng việc đi Đàng Thánh Giá, v.v.

Thánh nữ giải thích:

Bằng từ suy niệm, tôi muốn nói về thời gian suy luận nhờ sự hiểu biết... Chúng ta bắt đầu bằng việc nghĩ đến ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi ban Con Một của Ngài cho chúng ta; và chúng ta không dừng lại ở đó mà tiếp tục xem xét những mầu nhiệm trong toàn bộ cuộc đời của Ngài. Hoặc chúng ta bắt đầu với việc Chúa cầu nguyện trong Vườn Ghetsemani, và tiếp tục nhớ lại các sự kiện tiếp theo cho đến khi Chúa bị đóng đinh. Hoặc chúng ta lấy một đoạn của Cuộc Khổ nạn - chẳng hạn như việc Chúa Kitô bị bắt - và ôn lại mầu nhiệm này trong tâm trí, suy gẫm chi tiết về những điểm mà chúng ta cần suy nghĩ và cố gắng nhận ra, chẳng hạn như sự phản bội của Giuđa, việc Chúa bị các Tông đồ bỏ rơi, v.v. Đây là một loại cầu nguyện đáng ngưỡng mộ và đem lại nhiều ân sủng nhất.

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu Chân phước Emmerich để lại thật là một tài nguyên đáng được đọc đặc biệt trong Mùa Chay này để chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy cách tỉ mỉ và dễ dàng Chúa yêu thương chúng ta dường nào.

Thị kiến Cuộc thương khó của Chúa Giêsu của Chân phước Anne Catherine Emmerich

Thị kiến Cuộc thương khó của Chúa Giêsu của Chân phước Anne Catherine Emmerich

Hai chương đầu

Share:

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 2:1-5)

Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.

-------------

Thánh Phaolô không được đào tạo như một nhà hùng biện của Hy Lạp và người Hy Lạp đánh giá cao nghệ thuật hùng biện, đặc biệt là ở những nơi giàu có và cổ xưa của nền văn hóa Hy Lạp như thành phố Côrintô. Trong đoạn này, Thánh Phaolô Tông đồ tự bảo vệ mình trước những người chế giễu chính Thánh Phaolô và thông điệp của ngài vì tiếng Hy Lạp của ngài là tiếng thường dân, tư tưởng của Thánh Phaolô được định hình bởi các tiêu chuẩn lập luận của người Do Thái hơn là của người Hy Lạp.

Thánh Phaolô chỉ ra rằng sức mạnh Tin Mừng của Chúa Giêsu không tùy thuộc vào lời hoa mỹ hay thủ pháp văn chương mà tùy thuộc vào thực tại. Chúa Thánh Thần có sức mạnh biến đổi cuộc đời của một người, có quyền tha tội, chữa lành bệnh tật phần xác và phần hồn, dẫn đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu với Chúa. Đây là những thực tại, những sự kiện chứ không là từ ngữ với mục đích để vẽ ra một hình ảnh hoặc diễn văn sân khấu.

Những người tìm kiếm một buổi biểu diễn sẽ không muốn tìm đến với Chúa Kitô trên cây thánh giá, một hình tượng u sầu, ảm đạm khi nhìn qua con mắt giải trí. Điều này cũng áp dụng cho các hình thức thờ phượng hiện đại của chúng ta. Bài giảng tuyệt vời và âm nhạc tuyệt vời là điều nên có và tốt lành, bằng mọi cách, chúng ta nên cố gắng tôn vinh Thánh Lễ theo như phụng vụ cho phép, nhưng những điều này không thể là nền tảng cho đức tin của chúng ta.

Các nhà thuyết giáo và nhạc sĩ đến và đi. Lý do chúng ta tham dự Thánh lễ phải là để chứng kiến lại phép lạ của Thập giá và Phục sinh, diễn ra trước mắt chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Thánh lễ không là điều gây ấn tượng theo tiêu chuẩn của thế gian vì bạn có thể xem một chương trình hay hơn trên truyền hình hoặc trong nhà hát hoặc sân vận động địa phương. Nhưng Thánh lễ là một “thể hiện của Thần Khí và quyền năng” khi bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, và Thánh Thể thực sự có sức mạnh biến đổi cuộc sống của chúng ta, miễn là chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa trong đức tin chứ không phải sự hoài nghi, hoặc tệ hơn – hời hợt.

Thánh Lễ Chúa Nhật có thể không “thú vị,” như những trình diễn của mega-church / nhà thờ khổng lồ (Mỹ chẳng hạn), nhưng Thánh Lễ là một sự kiện đang xảy ra, không chỉ là lời nói. Bài giảng và âm nhạc có thể ấn tượng hơn ở nơi khác, nhưng Chúa Kitô chịu đóng đinh thực sự hiện diện ở đây dưới hình bánh và rượu cho những ai muốn đón nhận Người. -- Dr. John Bergsma

Share:

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Người Kitô hữu cần cầu nguyện. Thế thì làm như thế nào?

Trích từ Cha Jérôme – Những khả thể và giai điệu

Một trong các thư trả lời của Cha Jérôme:

Bạn muốn tôi nói về cầu nguyện ! Về vấn đề này, tôi chỉ có vài bài học mà tôi đã chia sẻ với bạn và tôi không ngừng lặp đi lặp lại. Tôi có thể lặp lại với bạn lần nữa (...).

Bạn thân mến, hãy cầu nguyện. Trước Nhà Tạm, đó là điều cốt yếu. Mười phút trước Nhà Tạm luôn luôn và tuyệt đối đáng giá hơn một giờ cầu nguyện trong phòng hay ngoài trời. Nếu quá bận, bạn có thể tới trước Nhà Tạm bảy hoặc mười phút, vào những ngày thường, và bạn nên dành ra mỗi tuần một ngày để thực hiện một giờ cầu nguyện. Thế thì làm như thế nào ?

Hãy luôn bắt đầu, ngay cả khi cầu nguyện ngắn, bằng cách đọc một trong những trích đoạn từ các sách đã ghi lại để có thể dễ dàng hồi tâm và thoát khỏi mọi thứ trần tục. Chắc chắn bạn đã bắt đầu đọc Thánh Kinh và nhiều sách khác, như tôi đã chỉ cho bạn, trong đó bạn đã có thể rút ra cho mình những đoạn trích hầu giúp bạn mỗi ngày lấy lại được sở thích cầu nguyện. Nếu quả thực như vậy thì bạn hãy luôn bắt đầu bằng việc đọc, đọc đi đọc lại để thấm nhuần và để hồi tâm. Với những trang sách ấy trên tay, bạn sẽ được bảo vệ an toàn khỏi những chia trí phàm tục hay những tư tưởng huyên náo lúc nào cũng quấy nhiễu tâm trí bạn.

Một khi bạn đã hồi tâm và trầm lắng, nhờ những bài đọc đó, hãy hướng nhìn về Nhà Tạm, hoặc nếu bạn không ở trong nhà thờ thì hãy nhìn lên Thánh Giá hay một hình ảnh tượng nào về Chúa, và hãy chậm rãi lặp lại một lời nguyện tắt mà bạn đã soạn cho chính mình hầu diễn tả thái độ nền tảng của bạn trước mặt Chúa. Hãy mau có thói quen vận dụng một trong bốn hoặc năm mẫu lời nguyện tắt mà bạn có thể tự do chọn lựa sao cho phù hợp với mình nhất ; bởi chưng, tất cả những lời nguyện tắt ấy thổ lộ với Chúa những gì là căn bản nhất trong bạn, và bởi vì bạn thường xuyên lặp đi lặp lại chúng, nên để mỗi câu đều được ưa thích và dễ dàng diễn tả.

Nếu bạn đã có đủ bình an, một sự bình an không loại trừ những ưu tư hay những lo toan hệ trọng, thì thỉnh thoảng bạn hãy ngừng việc đọc lại, cũng không thầm thì lời nguyện tắt nữa, để dành ra những khoảnh khắc thuần tuý thinh lặng, trong sự hiện diện của Chúa chúng ta đang ngự nơi Nhà Tạm.

Nếu cảm thấy mệt hay chia trí, hãy quay về với việc đọc để tìm lại cho mình sự hồi tâm và có can đảm tiếp tục chuyện vãn với Chúa ngang qua những lời nguyện tắt. Trong vòng mười lăm phút, hay có thể là nửa giờ, chu kỳ của ba giai đoạn này (đọc, lời nguyện tắt và thinh lặng) có thể diễn ra một hoặc nhiều lần. Cần phải linh động đủ để thay đổi hay không, tùy theo nhu cầu mỗi ngày.

Đó là tất cả phương thức cầu nguyện của tôi. Trình bày ra thì nhanh đấy! Tuy nhiên, để đạt tới mức độ đó và để chắc chắn, cả lý thuyết lẫn thực hành, rằng không có một phương pháp đúng đắn nào khác cho một đời sống cầu nguyện và rằng mọi linh hồn thực sự kết hợp với Chúa đều thực hiện như thế, thì tôi đã phải bỏ ra hai mươi năm thực hành cũng như đọc rất nhiều sách vở…

Thư trên là gửi cho một sinh viên. Còn thư sau đây, bổ túc cho nó, gửi cho một nữ đan sĩ đã có tuổi:

Đối với những bài đọc nói về tình yêu của Thiên Chúa, lòng tốt, sự vĩ đại của Người, không gì sánh được với Thánh Kinh. (...) Đây nữa, Sơ hãy chép lại những đoạn có thể đáp lại những gì Sơ cần. Đừng coi thường phương tiện nghèo nàn này, phương tiện của người nghèo. Cũng như việc thực hành lời nguyện tắt hay lời nguyện xạ tiễn, điều đủ cho chúng ta là hãy hướng nó vào con đường chiêm niệm và phát huy nó.

Để tận dụng thời gian cầu nguyện của Sơ ở nhà nguyện, xin Sơ chớ suy niệm! Suy niệm, tức là suy nghĩ về một chân lý, áp dụng nó vào trường hợp cá nhân, khai triển nó, làm những bài luận... Hãy bỏ đi mãi mãi cái nô dịch nặng nhọc đó. Đối với những tâm hồn dâng mình cho Chúa, đây là những bước cần theo : hãy bắt đầu bằng việc đọc chậm rãi nhẹ nhàng một đoạn mà Sơ đã chép, chẳng hạn những điểm mà Sơ đã đánh dấu về những lời nguyện tắt, những câu Thánh Kinh mà Sơ đã chọn và đã xếp nối nhau, v.v... Chọn câu nào Sơ thích và chỉ vì lý do là Sơ thích vì nó giúp Sơ hướng lòng mình tới ước muốn cầu nguyện.

Vì đây là điều cốt yếu : việc đọc này không được đẩy Sơ tới những suy tư, những ý tưởng, mà chỉ nhằm kéo Sơ ra khỏi những lo toan ngoại lai, cùng đem tới cho Sơ một chút sở thích cầu nguyện nào đó.

Sau chừng mười phút, khi cảm thấy tâm mình lắng đọng và hướng về ước muốn cầu nguyện, Sơ hãy ngước nhìn lên Chúa trong Nhà Tạm và cầu khẩn Người với lời nguyện tắt của Sơ được lặp lại nhiều lần, có thể tính bằng chuỗi mai khôi, chầm chậm, và ngắt quãng bằng những khoảnh khắc thinh lặng. Nếu thấy dễ, hãy cứ tiếp tục như thế cho đến hết buổi cầu nguyện.

Nếu chia trí, xao động hay mệt mỏi, hãy quay lại với đọc bản văn đang có hay một đoạn khác, để tìm lại sự lắng đọng và sở thích cầu nguyện ; bấy giờ hãy trở lại với chuỗi lời nguyện tắt, và cứ tiếp tục thế. Tất cả điều này chỉ mới là thời thơ ấu của nghệ thuật cầu nguyện! Và dù sao, tất cả những tiến bộ trong tình thân với Thiên Chúa đều khả thi mà chẳng cần thay đổi cách làm. Hãy nhẫn nại với sự mềm dẻo.

… Đối với những lối cầu nguyện truyền thống khác, Sơ đừng tăng gánh nặng cho mình : lần vài chục tràng hạt; và nếu không kết thúc được thì cũng đừng áy náy. Phải thường xuyên có tràng chuỗi trong tay và sử dụng nó để đọc lời nguyện tắt (với Chúa như thói quen thường ngày hoặc một vài lời nguyện tắt thưa với Đức Mẹ) ; hoặc để đọc kinh « Kính Mừng » nửa này hay nửa kia tùy theo Sơ muốn ca tụng hay cầu xin Mẹ v.v...

Share: