Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (4:1-13)
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Đây có phải là thử thách thật đối với Chúa Giêsu? Đây có là một cám dỗ thật cho Ngài? Tôi nghĩ nó là thật, theo cách là nơi bản tính con người của Ngài, Chúa Giêsu ao ước để tỏ lộ bản chất thật của Ngài, để được mọi người tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa – nhiều người sẽ tin nếu họ nhìn thấy Ngài bay trên không trung của Núi Đền thờ. “Rõ ràng ông này là con của Thiên Chúa, hoặc rõ ràng người này có quyền năng từ Thiên Chúa.” Thế nhưng, đó không phải là những gì họ đã nói khi Ngài bị treo trên thập giá ở đồi Canvê. Họ nói, “Nếu ông là Con Thiên Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập tự giá.” Lời này lặp lại lời cám dỗ của Sa-tan trong đoạn Kinh thánh này: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy chứng minh điều đó. Hãy chứng minh nó.”
Và Chúa Giêsu đã làm gì? Trong mỗi trường hợp cám dỗ, việc Chúa Giêsu làm là Ngài gánh chịu nơi bản thân mình những cám dỗ của Ađam và chiến thắng chúng. Trong khi Ađam sa ngã vì dục vọng của tính xác thịt, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Ađam sa ngã vì dục vọng của đôi mắt, thì Chúa Giêsu đã chiến thắng nó. Ađam bị sự kiêu ngạo khống chế, Chúa Giêsu đã khiêm nhường và vâng lời thánh ý của Cha mình. Chúa Giêsu là một Adam mới, Ngài tiêu hủy hậu quả của sự sa ngã của Ađam.
Nếu bạn có chút nghi ngờ nào về điểm này, bạn hãy nhớ rằng Luca 4:1 là phần khởi đầu của tường thuật Chúa chịu cám dỗ và nó xuất hiện ngay sau Luca 3:38, là phần cuối trong gia phả của Chúa Giêsu. Gia phả của Chúa Giêsu trong Phúc âm thánh Luca không giống với Mát-thêu. Mát-thêu bắt đầu với Áp-ra-ham và Đa-vít, sau đó mới đến Giô-sép. Gia phả của Lu-ca bắt đầu với Giô-sép và đi ngược lại đến Ađam. Cụm từ cuối cùng của gia phả, trước tường thuật về cuộc cám dỗ trong Phúc âm Lu-ca là, “Sết con A-đam và A-đam là con Thiên Chúa.”
Thánh sử Luca vừa nói với chúng ta về Ađam. Lúc này Luca nói về Chúa Giêsu đi vào sa mạc, gánh chịu ba cám dỗ, những cám dỗ của Ađam xưa và cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang vượt thắng chúng. Đó là những gì đang diễn ra qua ba cám dỗ trong sa mạc, đó là lý do tại sao chúng ta dùng bài đọc này cho Mùa Chay. Vì chúng ta thực sự đúc kết lại nơi bản thân mình những cám dỗ của Chúa Giêsu.
Cũng như Chúa Giêsu đã trải qua bốn mươi ngày bốn mươi đêm trong sa mạc, chúng ta cũng bước vào 40 ngày 40 đêm của Mùa Chay. Và trong thời gian này, chúng ta được kêu gọi làm ba điều: cầu nguyện (cách chuyên cần và sốt sắng hơn), ăn chay (các triệt để hơn), và bố thí (cách quảng đại hơn). Đây là lý do tại sao bài đọc cho Thứ Tư Lễ Tro là từ Mát-thêu chương 6. Khi anh em cầu nguyện, đừng phô trương; khi anh em ăn chay (phải là một phần của cuộc sống, chứ không là nếu/khi mà anh em ăn chay), đừng cho ai biết; và khi anh em bố thí, đừng khua chiêng đánh trống, hãy làm cách kín đáo. Mỗi một trong ba chỉ thị mà Chúa Giêsu đưa ra trong Bài Giảng Trên Núi (và trong bài đọc ngày thứ Tư Lễ Tro) được gắn liền với ba cơn cám dỗ.
Vậy tôi phải làm gì để chiến thắng dục vọng của tính xác thịt? Tôi làm cách nào để chống lại rối loạn ham muốn của mình đối với khoái cảm xác thịt? Bằng cách làm cho ao ước đó mất đi nhờ việc hãm mình ép xác của ăn chay. Điều này rất là quan trọng. Chúa Giêsu cho rằng các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay và Giáo hội kêu gọi chúng ta không chỉ ăn kiêng (kiêng thịt) trong các ngày thứ Sáu Mùa Chay, nhưng Giáo hội đọc những lời Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta ăn chay.
Hiện nay, chúng ta chỉ buộc ăn chay vào thứ Tư Lễ tro và thứ Sáu Tuần Thánh, đó là hai ngày ăn chay ràng buộc. Nhưng truyền thống của Giáo hội từ xa xưa đã là Mùa Chay là mùa ăn chay. Vì vậy, bất cứ việc kiêng ăn nào bạn làm (hoặc không làm) trong Mùa Thường niên, cần được tăng cường trong Mùa Chay; chúng ta cần phải có một cam kết sẽ ăn chay. Không phải vì thức ăn là tội lỗi, mà là vì nó ngon, vì chúng ta quá gắn bó với nó. Cho nên để gầy dựng nhân đức khỏi dính bén vào dục vọng của tính xác thịt, chúng ta ăn chay.
Cũng vậy với dục vọng của đôi mắt. Bạn có gặp khó khăn với những rối loạn ham muốn để có sở hữu không? Vậy thì hãy bố thí. Thực hiện các hành động bác ái và bố thí trong Mùa Chay - không chỉ trong dịp Lễ Giáng sinh mà cả trong Mùa Chay - để giúp gầy dựng nhân đức không bị gắn chặt vào của cải.
Và cuối cùng, cầu nguyện giúp chúng ta phát triển đức tính khiêm nhường. Bạn có kiêu căng tự phụ không? Bạn có tính ích kỷ, tự ái không? (Nếu bạn là thuộc về giống người, xin hãy nói có). Vậy thì hãy cầu nguyện. Tăng cường việc cầu nguyện của bạn, bởi vì nhờ cầu nguyện, chúng ta biết khiêm tốn hơn. Vì nếu bạn cố gắng cầu nguyện cho bất kỳ khoảng thời gian dài ngắn nào, bạn sẽ học biết cách rất nhanh chóng rằng bạn không biết cầu nguyện. Bạn có đủ năng lực để làm mọi việc khác trong cuộc sống, cho dù đó là kinh doanh hay tài chính hay bất kỳ kỹ năng nào, nhưng về cầu nguyện, bạn giống như một đứa trẻ chỉ đang lẫm chẫm bước ở phía cạn của hồ bơi.
Vì vậy, chúng ta cần phát triển sức mạnh của mình, phát triển nhân đức khiêm nhường, nhận biết rằng cầu nguyện là một món quà Chúa ban và lớn lên trong việc cầu nguyện là một ân sủng. Chúng ta cần sự hỗ trợ của Chúa để cầu nguyện.
Vì vậy, những kỷ luật tâm linh cho Mùa Chay theo truyền thống là: cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Trong Mùa Chay này, đừng chỉ ăn chay để giảm một vài cân hay kiêng ăn sô cô la. Chúa Giêsu không đến thế gian để chúng ta kiêng sô-cô-la bốn mươi ngày một năm. Ngài đến thế giới để giúp đỡ chúng ta, để đỉ ra cho chúng ta rằng chúng ta có thể vượt qua ba dục vọng này. Ngài đã vượt thắng nó, đã ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh để cũng chiến thắng được nó. Ngài ban cho chúng ta những kỷ luật thiết thực để có thể làm điều đó: cầu nguyện, ăn chay và bố thí.
Và nếu bạn sống đời tu trì, nếu bạn sống đời thánh hiến, bạn sống điều đó một cách triệt để trong cuộc sống qua ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
Bài suy niệm của Dr. Brant Pitre
Chú giải của đoạn Luca 4:1-13 qua hình ảnh:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét