Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Lễ Thánh Phêrô & Phaolô Tông Đồ

Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục.

Cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ diễm phúc là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã làm cho ngày hôm nay trở thành ngày thánh đối với chúng ta. Các thánh chúng ta nói tới hôm nay không phải là những vị tử đạo vô danh nào đó. Thật ra, tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Một khi các ngài đã đi theo đường công chính vì tuyên xưng và chết cho chân lý, thì giờ đây các vị tử đạo này được thấy thể hiện điều các ngài đã rao giảng.

Thánh Phê-rô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô. Quả vậy, vì trước đó chính ông Phê-rô đã nói: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nên Đức Ki-tô đáp lại: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng đức tin mà anh tuyên xưng. Đối lại điều anh vừa nói: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Tên anh quả là Phê-rô. Phê-rô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phê-rô. Ki-tô hữu lấy từ danh Ki-tô thế nào, thì Phê-rô cũng lấy từ “tảng đá” như vậy.

Như anh em đã biết, trước khi chịu thương khó, Chúa Giê-su đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phê-rô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này. Do đó, địa vị nổi bật của Phê-rô được đề cao, vì chính ông tiêu biểu cho đặc tính phổ quát và duy nhất của Hội Thánh, khi Chúa nói với ông: Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá mà Thầy đã trao cho tất cả. Vì chưng, để anh em biết Hội Thánh đã lãnh nhận chìa khoá Nước Trời thế nào, thì hãy nghe điều Chúa nói với tất cả các Tông Đồ ở một đoạn khác: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Rồi Người tiếp: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

Sau khi phục sinh, Chúa cũng đã trao đoàn chiên của Người cho chính ông Phê-rô chăn dắt. Trong số các môn đệ, không phải chỉ mình ông xứng đáng chăn dắt đoàn chiên của Chúa; nhưng khi Chúa nói với một người, là Chúa dạy phải giữ sự duy nhất; dạy ông Phê-rô trước tiên, vì ông là người thứ nhất trong các môn đệ. Thưa thánh Phê-rô, xin ngài đừng buồn; xin hãy đáp lời Chúa một lần, đáp lần thứ hai nữa, rồi lần thứ ba. Ước chi lời tuyên xưng vì yêu mến thắng thế ba lần, bù lại lòng quá tự tin đã thất bại ba lần vì sợ hãi. Ngài đã ba lần cột trói, thì cũng phải ba lần tháo cởi. Ngài đã cột trói vì sợ hãi, thì hãy tháo cởi vì yêu mến. Thế mà Chúa vẫn trao đoàn chiên của Người cho ông Phê-rô một lần, hai lần, rồi đến ba lần.

Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ. Nhưng hai vị xưa kia chỉ là một; dù các ngài chịu tử hình những ngày khác nhau, các ngài cũng chỉ là một. Thánh Phê-rô đi trước, rồi thánh Phao-lô theo sau. Đối với chúng ta, ngày lễ chúng ta cử hành hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ. Chúng ta hãy quý chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của các ngài, quý chuộng những lời các ngài tuyên xưng, những điều các ngài rao giảng.

Nguồn: Bài đọc 2 của Kinh Sách

Share:

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XIII Mùa Thường Niên, năm B

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô  (Mc 5:21-43)

Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,  bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác.  Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo choàng của Người.  Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa.”  Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.  Ngay lúc đó, Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”  Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã sờ vào tôi?’”  Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.  Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.  Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”  Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”  Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.  Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.  Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”  Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi đưa cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm.  Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, có nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!”  Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc.  Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.


Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (x. Mc 5, 21-43) trình bày hai điều kỳ diệu Đức Giêsu đã thực hiện, được mô tả gần giống như một cuộc khải hoàn tiến về sự sống.

Trước tiên, thánh sử nói về một ông Giairô nào đó, là một trong những trưởng hội đường. Ông đến gặp Đức Giêsu, và nài xin Người đến nhà ông, bởi vì đứa con gái mười hai tuổi của ông đang hấp hối. Đức Giêsu chấp nhận và cùng đi với ông, nhưng dọc đường, ông nghe tin là con gái ông đã chết. Chúng ta có thể tưởng tượng ra phản ứng của người cha này như thế nào rồi. Nhưng Đức Giêsu lại nói với ông: “Ông đừng sợ, ông chỉ cần tin” (c. 36). Khi mọi người đến nhà ông Giairô, thì Đức Giêsu đuổi mọi người đang khóc lóc ra khỏi nhà - cũng có những người phụ nữ khóc lóc gào to - và chỉ một mình Người vào trong phòng với cha mẹ em bé và ba môn đệ; đoạn, nói với người chết, Đức Giêsu phán: “Này bé gái, Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy!” (c. 41). Và ngay lập tức, em bé thức dậy, như thể em tỉnh giấc từ một giấc ngủ mê say (x. c. 42).

Trong trình thuật phép lạ này, Thánh Marcô cũng chèn theo một phép lạ khác: vụ chữa lành một phụ nữ bị bệnh xuất huyết, và là người đã được chữa lành ngay tức khắc khi bà đụng đến y phục của Đức Giêsu (x. c. 27). Ở đây, chúng ta bị đánh động bởi sự kiện này là đức tin của người phụ nữ cuốn hút - tôi muốn nói là “ăn cắp” - quyền năng cứu thoát của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đức Kitô cảm thấy một sức mạnh “đang xuất ra từ con người của Người”, nên Người tìm hiểu đâu là nguyên nhân. Và khi người phụ nữ, cảm thấy xấu hổ, liền tiến tới và thú nhận tất cả những gì mình đã làm, thì Người liền nói với bà: “Này con gái của Ta, đức tin của con đã cứu con” (c. 34).

Ở đây muốn nói đến hai trình thuật được lồng khít vào nhau, với một tâm điểm duy nhất: đức tin và hai trình thuật này chỉ cho thấy Đức Giêsu như nguồn suối sự sống, như Đấng ban lại sự sống cho những ai hoàn toàn tin tưởng vào Người.

Hai nhân vật chủ chốt, nghĩa là người cha của bé gái và nữ bệnh nhân, họ không phải là những người môn đệ của Đức Giêsu, thế nhưng, họ lại được Chúa nhậm lời vì đức tin của họ. Họ có niềm tin vào con người Đức Giêsu này. Với câu chuyện này, chúng ta hiểu rằng, trên con đường của Chúa, mọi người, ai ai cũng đều được đón nhận: không một ai cảm thấy mình là người không mời mà đến, hay người dính mũi vào câu chuyện người khác, hoặc nữa là người chẳng có quyền lợi gì cả.

Để có thể đi đến với con tim của Đức Giêsu, để có thể đi vào tâm hồn của Người, thì chỉ cần có một điều kiện mà thôi: đó là người ta cảm thấy mình cần được chữa lành, và cần phải tin tưởng vào Người. Tôi xin hỏi anh chị em một câu: mỗi người trong anh chị em có cảm thấy mình cần được Chúa chữa lành không? Chữa lành khỏi một điều gì đó, khỏi một tội lỗi nào đó, khỏi một vài vấn nạn nào đó? Và nếu người đó trong anh chị em cảm thấy mình cần được chữa lành, thì người đó có tin vào Đức Giêsu không? Đó chính là hai điều kiện để được chữa lành, để có thể đi vào được trong quả tim của Người: cảm thấy mình cần được chữa lành, và tin tưởng vào Người.

Đức Giêsu sẽ khám phá ra những con người cần được chữa lành này, và Người sẽ đưa họ ra khỏi tình trạng nặc danh không ai biết đến, Người sẽ giải phóng họ khỏi nỗi sợ hãi sống và và giúp họ dám làm. Người chữa lành họ bằng một cái nhìn và bằng một lời nói, và lại đặt họ bước đi sau biết bao nhiêu là đau khổ và tủi nhục. Chúng ta cũng thế, chúng ta được Chúa kêu gọi học đòi và bắt chước những lời nói này, những lời nói giải phóng, học đòi và bắt chước những cái nhìn này, những cái nhìn sẽ giúp cho những ai không còn muốn sống lại tiếp tục muốn sống.

Trong trích đoạn Phúc Âm này có chen lẫn những chủ đề đức tin và đời sống mới mà Đức Giêsu đã đến để ban tặng cho tất cả mọi người. Sau khi Chúa vào trong căn nhà nơi cô bé nằm chết, thì Người liền đuổi những ai gây ồn ào và than khóc ra khỏi nhà (x. c.40) và Người nói: “Đứa bé này không chết đâu, nó đang ngủ đấy” (c. 39).

Đức Giêsu là Chúa, và trước mặt Người, thì cái chết thể lý chỉ như một giấc ngủ: chẳng có lý do gì mà phải thất vọng cả. Có một cái chết khác mà chúng ta phải kinh, phải sợ: cái chết của con tim bị chai cứng vì điều xấu xa. Vì chưng, chúng ta phải sợ cái chết đó! Khi chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta có quả tim bị chai cứng, quả tin chai cứng, và xin hãy cho phép tôi dùng thành ngữ quả tim của một xác ướp, thì đó mới là điều chúng ta phải kinh, phải sợ. Đó là cái chết của con tim. Nhưng thậm chí cả tội lỗi, thậm chí cả con tim của một xác ướp, cũng không phải là tiếng nói cuối cùng đối với Đức Giêsu đầu, bởi vì Người đã mang lại cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Cha. Và ngay cả khi chúng ta đã rơi xuống thật sâu, thật sâu, thì giọng nói dịu dàng và mạnh mẽ của Người vẫn vang vọng đến đội tại chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy!”.

Thật là tốt đẹp biết bao khi nghe được lời nói này của Đức Giêsu là Đấng đang ngỏ lời với mỗi người trong chúng ta: “Ta truyền cho con, hãy trỗi dậy!” Hãy ra đi. Hãy trỗi dậy, can đảm lên, hãy trỗi dậy! Và Đức Giêsu đã ban lại sự sống cho em bé, và Người đã mang lại sự sống cho người phụ nữ được chữa lành: sự sống và đức tin sóng đối với nhau.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên con đường đức tin, và trên con đường tình yêu cụ thể của chúng ta, đặc biệt đối với những ai đang sống trong cơn quẫn bách. Và chúng ta hãy khẩn cầu xin Mẹ Maria lấy tình mẫu tử mà cầu bàu cùng Chúa cho những người anh chị em của chúng ta đang đau khổ trong thể xác, cũng như trong tinh thần.

Share:

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện

Từ Kinh Sách của thứ tư, Tuần 11 Mùa Thường Niên

Trích khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, về kinh Lạy Cha.

Tiếp đến là lời nguyện: Xin làm cho triều đại Cha mau đến. Chúng ta xin cho triều đại của Thiên Chúa mau trở thành hiện thực cho chúng ta, cũng như xin cho danh Người hiển thánh nơi chúng ta. Vì có bao giờ Thiên Chúa lại không hiển trị đâu? Hay cái vẫn đã có nơi Người và không khi nào chấm dứt lại phải có lúc bắt đầu ư? Chúng ta xin cho triều đại của chúng ta mau đến, triều đại mà Thiên Chúa đã hứa ban và Đức Ki-tô đã chịu thương khó và đổ máu ra để dành lại cho chúng ta. Như vậy, chúng ta đã sống thân phận tôi đòi nơi trần thế trước, thì về sau, đến thời Đức Ki-tô thống trị, chúng ta cũng sẽ được hiển trị như chính Người đã hứa: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.

Nhưng, anh em thân mến, cũng có thể chính Đức Ki-tô là triều đại của Thiên Chúa. Ngày ngày chúng ta mong cho triều đại ấy mau đến, chúng ta muốn cho triều đại ấy sớm trở thành hiện thực cho chúng ta. Bởi chưng, nếu chính Người là sự sống lại -vì trong Người chúng ta được sống lại-, thì cũng có thể hiểu chính Người là triều đại của Thiên Chúa -, vì trong Người chúng ta sẽ được cai trị. Chúng ta cầu xin cho triều đại của Thiên Chúa mau đến là phải. Đó là triều đại thiên quốc, vì cũng có một triều đại thế gian. Nhưng ai đã từ khước đời này, người đó vượt xa mọi danh giá và quyền cai trị trên đời này.

Rồi chúng ta đọc thêm: Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta không xin Thiên Chúa thực hiện điều Người muốn, nhưng xin cho chúng ta có sức thi hành điều Thiên Chúa muốn. Bởi chưng ai dám ngăn cản không cho Thiên Chúa hành động như Người muốn? Nhưng vì ma quỷ ngăn cản không cho tâm hồn và hành vi của chúng ta tuân phục Thiên Chúa trong mọi sự, nên chúng ta mới cầu xin khẩn nguyện cho ý của Thiên Chúa thể hiện nơi chúng ta. Nhưng muốn cho ý Thiên Chúa được thể hiện nơi chúng ta, thì lại cần có ý của Người, tức là cần có sức mạnh và sự chở che của Người, vì không ai mạnh mẽ tự sức mình, nhưng người ta chỉ được an toàn nhờ lượng khoan dung và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau cùng, chính Chúa cũng đã cho thấy Người phải mang lấy thân phận hèn yếu của con người khi thưa lên: Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng rồi, để nêu gương cho các môn đệ đừng làm theo ý mình, mà theo ý Thiên Chúa, Người nói thêm: Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.

Thánh ý Thiên Chúa chính là những gì Đức Ki-tô đã làm và đã dạy: ăn ở khiêm tốn, giữ vững đức tin, nói năng thận trọng, hành động công chính, làm việc từ thiện, sống có kỷ cương; không hề làm hại ai, nhưng kiên nhẫn chịu đựng khi người khác làm hại mình; sống hoà thuận với anh em; yêu mến Chúa hết lòng: yêu mến Người vì Người là Cha, kính sợ Người vì Người là Thiên Chúa; không lấy gì làm hơn Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô đã không lấy gì làm hơn chúng ta; không chi có thể tách chúng ta khỏi lòng mến của Người, can đảm trung kiên đứng kề bên thập giá Người; khi phải chiến đấu vì danh Người và vì vinh dự của Người, lời lẽ sẽ tỏ ra một mực kiên quyết tuyên nhận Người. Khi bị tra tấn thì tỏ ra đầy lòng tin tưởng mà xông vào cuộc chiến; và khi chịu chết thì đầy lòng kiên nhẫn để được lãnh triều thiên ân thưởng. Làm như thế là muốn nên đồng thừa tự với Đức Ki-tô. Làm như thế là chu toàn thánh ý Chúa Cha.

Share:

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển

Từ Kinh Sách của thứ ba Tuần thứ XI của Mùa Thường niên

Trích khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, về kinh Lạy Cha.

Chúa Ki-tô khoan dung với chúng ta dường nào ! Lòng nhân hậu và từ ái của Người bao la biết mấy ! Người đã muốn chúng ta dâng lời kinh này trước Tôn Nhan mà gọi Thiên Chúa là Cha, và, như Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, chúng ta cũng được gọi là con Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, không ai trong chúng ta dám động tới danh xưng này, nếu chính Đức Ki-tô không cho phép cầu nguyện như thế. Vậy, anh em thân mến, chúng ta phải ghi lòng tạc dạ điều này : được gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải xử sự như con cái của Người, để, chúng ta vui sướng vì có Thiên Chúa là Cha thế nào, thì Người cũng vui sướng về chúng ta như vậy.

Chúng ta hãy sống như những đền thờ của Thiên Chúa, cho người ta thấy rõ Chúa ngự trong chúng ta. Đừng làm gì bất xứng với Thần Khí. Đã là người của Thần Khí và của thiên giới, thì chúng ta chỉ nên nghĩ và làm những gì thuộc về Thần Khí và về thiên giới, vì chính Đức Chúa là Thiên Chúa đã phán : Những kẻ coi trọng Ta thì Ta coi trọng, còn những kẻ khinh dể Ta thì bị khinh thường. Thánh Phao-lô tông đồ cũng ghi lại trong thư của người rằng : Anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

Sau đó, chúng ta đọc : Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (nghĩa là được hiển thánh). Đọc như thế không phải là chúng ta ước mong cho Thiên Chúa được hiển thánh nhờ những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng là chúng ta xin Chúa cho danh Người được hiển thánh nơi chúng ta. Đàng khác, ai làm cho Thiên Chúa hiển thánh được khi chính Người là Đấng thánh hoá ? Nhưng vì chính Người đã phán : Các ngươi phải sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh, nên chúng ta cầu xin khẩn nguyện, để một khi đã được thánh hoá trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta kiên trì trong cuộc sống mới đã khởi đầu. Hằng ngày chúng ta cầu xin như thế. Thật vậy, chúng ta phải lo nên thánh mỗi ngày, để tẩy rửa tội lỗi mình, vì ngày nào chúng ta cũng sai lỗi.

Nhưng ơn thánh hoá Thiên Chúa thương ban cho chúng ta là gì ? Thánh Tông Đồ dạy như sau : Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô, và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta. Người muốn nói là chúng ta đã được thánh hoá nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô và trong Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta cầu xin cho ơn thánh hoá này tồn tại mãi nơi chúng ta. Đấng là Chúa và là Thẩm Phán chúng ta đã truyền cho kẻ được Người chữa lành và phục hồi sự sống là đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước, nên chúng ta không ngừng cầu nguyện để được ơn ấy. Ngày cũng như đêm, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa bảo vệ, giữ gìn ơn thánh hoá và sự sống mới mà Người đã thương ban.

Share:

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Lời cầu nguyện phải xuất phát tự lòng khiêm tốn

Từ Kinh Sách của Chúa Nhật thứ XI Mùa Thường Niên

Trích khảo luận của thánh Síp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo, về kinh Lạy Cha.

Khi cầu nguyện, lời lẽ cầu xin phải bình tĩnh, chừng mực và lễ độ. Nên nhớ là ta đang đứng trước tôn nhan Thiên Chúa, từ cử chỉ thái độ đến lời ăn tiếng nói phải làm sao cho đẹp mắt Người. La lối om sòm sẽ khiếm nhã thế nào, thì ngược lại, khiêm tốn cầu xin sẽ đáng trọng như thế. Sau cùng, khi giảng dạy, Chúa đã truyền cho chúng ta phải cầu nguyện âm thầm, tại những nơi ẩn khuất và xa vắng, cả trong phòng riêng nữa. Làm như thế sẽ phù hợp với đức tin hơn, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi; Người nghe thấy mọi người, nhìn thấy mọi người ; đầy quyền uy, Người thấu nhập cả những nơi ẩn khuất và kín đáo, như có lời chép rằng : Phải chăng Ta chỉ là Thiên Chúa khi ở gần, chứ không phải là Thiên Chúa khi ở xa ? Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy ? Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn hay sao? Lại có lời khác rằng: Mắt Đức Chúa ở mọi nơi mọi chốn, hằng dõi theo kẻ dữ người lành.

Khi chúng ta cùng anh em tụ họp lại một nơi, cùng linh mục của Thiên Chúa cử hành thánh lễ, nên nhớ là phải có lòng tôn kính và phải lễ độ, chứ đừng cầu nguyện ào ào như gió, giọng này lộn giọng kia ; cũng đừng ồn ào huyên thuyên, nhưng phải khiêm nhường dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện của mình, vì Thiên Chúa nghe tiếng lòng chứ không nghe giọng nói. Đấng nhìn thấu tư tưởng chúng ta không cần chúng ta phải kêu gào, Người mới biết đến. Chúa Ki-tô làm chứng điều này khi Người nói : Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Và chỗ khác có lời : Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ.

Theo sách các Vua quyển thứ nhất, thì bà Han-na, hình bóng của Hội Thánh, đã giữ đúng như trên đây. Khi cầu nguyện, bà không xin xỏ ồn ào, nhưng lặng lẽ khiêm nhường nơi cõi lòng thầm kín. Bà nói đó, lời xin vẫn âm thầm, mà lòng tin lại tỏ rõ. Bà nói đó, không ra tiếng, nhưng với tấm lòng, vì bà biết Chúa nghe thấy tiếng lòng của bà. Và thật sự bà đã được như lời xin, vì bà xin với lòng tin. Sách Thánh nói rõ điều đó như sau : Bà thầm thĩ trong lòng : chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà, và Chúa đã nhậm lời bà. Trong thánh vịnh, chúng ta cũng đọc thấy câu : Hãy thầm thĩ trong lòng. Trên giường nằm, hãy sám hối ăn năn. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Chúa Thánh Thần cũng dạy bảo ta cùng một ý tưởng đó : Hãy nói trong lòng rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đấng mọi người phải thờ lạy.

Anh em thân mến, kẻ thờ lạy Chúa không thể không biết là trong Đền Thờ, anh thu thuế đã cầu nguyện như thế nào cùng lúc với người Pha-ri-sêu. Anh không dám xấc xược ngước mắt lên trời, cũng không ngạo mạn giơ cao tay, chỉ đấm ngực xưng thú những tội lỗi nằm sâu trong lòng mình mà van xin Thiên Chúa xót thương trợ giúp. Rồi trong khi người Pha-ri-sêu tự hào tự mãn, thì anh thu thuế lại đáng được ơn thánh hoá hơn, vì đã cầu xin như thế, đã không dám tin rằng mình vô tội để hy vọng được cứu thoát, bởi không ai là người vô tội. Anh đã thú nhận tội lỗi và khiêm tốn cầu xin, nên Đấng hằng thứ tha cho kẻ khiêm tốn đã nhậm lời cầu xin của anh.

Share:

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Chúa Nhật thứ XI Mùa thường niên

Sức mạnh và sự phát triển kỳ diệu của Vương Quốc Thiên Chúa trong lịch sử

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 4:26-34)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”

Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

 


 

Trong trang Phúc Âm hôm nay (x. Mc 4, 26-34), Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng về Vương Quốc Thiên Chúa cũng như những động lực phát triển của Vương Quốc này và Người kể ra hai dụ ngôn ngắn gọn.

Trong dụ ngôn thứ nhất (x. c. c. 26-29), Vương Quốc Thiên Chúa được ví như sự phát triển kỳ diệu của hạt lúa, được gieo xuống lòng đất và rồi sau đó nẩy mầm, lớn lên và sinh bông hạt, hoàn toàn không dính dáng gì đến sự chăm sóc của người nông dân, người mà khi hạt lúa đã chín vàng liền ra tay gặt hái. Sứ điệp mà dụ ngôn này mang lại cho chúng ta là sứ điệp sau đây: qua lời rao giảng và hành động của Đức Giêsu, Vương Quốc Thiên Chúa được loan báo, Vương Quốc này thâm nhập mạnh mẽ vào trần gian, và như một hạt lúa, Vương Quốc này lớn lên và tự mình phát triển, bằng sức riêng của mình, và dựa theo những tiêu chuẩn, mà đứng về mặt con người, thì không một ai có thể hiểu được. Khi lớn lên và khi nẩy mầm trong lịch sử, Vương Quốc này chẳng hề lệ thuộc bao nhiêu vào công việc của con người, nhưng tiên vàn, Vương Quốc này diễn tả quyền năng và lòng tốt lành của Thiên Chúa, diễn tả sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho sự sống của người Kitô hữu được tiến bước trong lòng Dân Chúa.

Nhưng chúng ta được mời gọi sống những thời kỳ này như những mùa thử thách, những mùa hy vọng, và tỉnh thức mong chờ mùa thu hoạch. Vì chưng, ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, Vương Quốc Thiên Chúa lớn lên trên trần gian này một cách mầu nhiệm, một cách đáng ngạc nhiên, khi tỏ lộ cho chúng ta thấy quyền năng bị ẩn giấu của hạt lúa bé nhỏ, tỏ lộ cho chúng ta thấy sức sống chiến thắng của hạt lúa.

Trong những chỗ sâu kín của các biến cố cá nhân cũng như xã hội, là những biến có dường như có lần ghi dấu cảnh suy sụp của niềm hy vọng, thì chúng ta phải sống tin tưởng vào hành động không thể nhận thấy được, nhưng lại đầy quyền năng của Thiên Chúa.

Chính vì thế, trong những lúc đen tối và trong những hồi khó khăn, chúng ta không được để cho mình bị ngã quỵ, nhưng chúng ta phải cắm chặt neo vào trong lòng trung thành của Thiên Chúa, vào sự hiện diện luôn luôn có sức cứu thoát của Người. Anh chị em hãy nhớ lại điều này: Thiên Chúa luôn luôn cứu thoát. Người là Đấng Cứu Thế.

Trong dụ ngôn thứ hai (x. c. c. 30-32), Đức Giêsu so sánh Vương Quốc Thiên Chúa như một hạt cải bé nhỏ. Một hạt cải bé xíu, nhưng nó phát triển mạnh mẽ đến độ trở thành một cây lớn nhất trong các loại cây trong vườn: một sự tăng trưởng không thể nào tiên liệu được, thật đáng ngạc nhiên. Thật chẳng dễ dàng chút nào cho chúng ta để bước vào trong luận lý của đặc tính không tài nào tiên liệu được của Thiên Chúa, và cũng chẳng dễ dàng chút nào cho chúng ta để chấp nhận được luận lý đó trong cuộc đời chúng ta. Nhưng hôm nay, Chúa khuyến dụ chúng ta phải có một thái độ đức tin vượt qua những dự án, vượt qua những toan tính và những tiên liệu của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn là vị Thiên Chúa của những ngạc nhiên. Chúa luôn luôn làm cho chúng ta phải ngạc nhiên. Đây là một lời mời gọi chúng ta mở rộng lòng và quảng đại hơn để đón nhận những dự định của Thiên Chúa, ở trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn. Trong những cộng đoàn chúng ta đang sinh sống, chúng ta phải quan tâm đến những dịp lớn nhỏ mà Chúa đã dùng để mang lại ơn lành phúc đức cho chúng ta, khi chúng ta để Thiên Chúa đưa chúng ta vào trong những động lực tình yêu, những động lực nhân hậu và những động lực đón tiếp của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người.

Tính xác thực của sứ mệnh Giáo Hội không phải do sự thành công, cũng không phải do sự tưởng thưởng cho những thành quả mang lại, mà là do sự kiện chúng ta tiến bước với niềm tin tưởng đầy can đảm và với sự khiêm nhường đầy lòng phó thác vào Thiên Chúa. Tiến bước khi chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu, và tiến bước với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đó là ý thức mình chỉ là những công cụ bé nhỏ và mỏng manh, nhưng một khi nằm trong bàn tay Thiên Chúa, và nhờ ơn sủng của Người, thì những công cụ đó có thể thực hiện được những công việc vĩ đại, làm cho Vương Quốc Thiên Chúa là “công lý, là hoà bình và là niềm vui trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14, 17) được tiến triển.

Ước gì Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống đơn sơ, sống quan tâm, để dùng đức tin của chúng ta, cùng với công việc của chúng ta, cộng tác vào việc phát triển Vương Quốc Thiên Chúa trong tâm hồn của con người và trong lòng lịch sử.

Share:

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Bài giảng của ĐTC Phanxicô cho Lễ Mình Thánh Chúa

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 14,12-16.22-26)

Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ : “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà : Thầy nhắn : ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào ?’ Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng : và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em : chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.

 

Bữa Tiệc Ly được tường thuật trong bài Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe làm cho chúng ta phải ngạc nhiên, vì việc chuẩn bị cho bữa ăn được chú ý nhiều hơn chính bữa ăn. Động “chuẩn bị” quay đi trở lại nhiều lần. Chẳng hạn các môn đệ hỏi: Thầy muốn chúng con chuẩn bị cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14, 12). Đức Giêsu sai các ông ra đi với những chỉ dẫn chính xác, và họ đã tìm thấy “một căn phòng rộng lớn đã được bố trí và đã sẵn sàng cho một bữa ăn” (c. 15). Các môn đệ sắp sữa chuẩn bị, nhưng Chúa đã chuẩn bị trước.

Một điều gì đó giống như thế cũng đã xảy ra sau biến cố sống lại, khi Đức Giêsu hiện ra cho các tông đồ lần thứ ba trong khi các ông đang đánh cá, thì Người chờ đợi các ông trên bờ, nơi Người đã chuẩn bị bánh và cá cho các ông. Nhưng đồng thời, Người cũng yêu cầu các ông mang một ít cá mà các ông vừa mới bắt được, và đó là những con cá mà Người đã chỉ cho các ông phải đánh bắt như thế nào (x. Ga 21, 6.9-10). Ở đây cũng thế, Đức Giêsu chuẩn bị trước, và Người yêu cầu các ông cộng tác vào. Và ở đây cũng thế, trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ “Thầy ra đi dọn cho các con một chỗ ở [...], để Thầy ở đâu thì các con cũng thế, các con cũng ở đó nữa” (Ga 14, 2.3). Chính Đức Giêsu là người chuẩn bị, thế nhưng, cũng chính Đức Giêsu này, với những lời nhắc nhở thật mạnh mẽ, và với những dụ ngôn, trước Lễ Vượt Qua của Người, đã yêu cầu chúng ta chuẩn bị, đã yêu cầu chúng ta sẵn sàng (x. Mt 24, 44; Lc 12, 40).

Tóm lại, Đức Giêsu chuẩn bị cho chúng ta, và Người cũng yêu cầu chúng ta chuẩn bị nữa. Đức Giêsu chuẩn bị điều gì cho chúng ta đây? Người chuẩn bị cho chúng ta một chỗ ở và một lượng thực. Một chỗ ở xứng đáng hơn “căn phòng lớn đã được bố trí” được Phúc Âm nói tới. Chính là ngôi nhà nguy nga và rộng rãi ở trên trần gian này, đó là Giáo Hội, mà ở nơi đây có, và phải có một chỗ ở cho tất cả mọi người. Những Người cũng dành cho chúng ta một chỗ trên cao kia, trên thiên đàng, để ở với Người, và để ở với chúng ta cho đến muôn đời, muôn kiếp. Ngoài chỗ ở ra, Người cũng dành cho chúng ta một lương thực, một Bánh để ăn, chính là Người: “Các con hãy cầm lấy, vì này là Mình Thầy” (Mc 14, 22). Hai hồng ân này, chỗ ở và lương thực, là điều nuôi sống chúng ta. Hai hồng ân này là cái ăn và chỗ ở chung cục. Cả hai điều này được ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Lương thực và chỗ ở.

Ở đây, Đức Giêsu chuẩn bị cho chúng ta một chỗ ở trên trần gian này, bởi vì Bí Tích Thánh Thể là quả tim đang đập của Giáo Hội, Bí Tích Thánh Thể sinh nên Giáo Hội, tái sinh Giáo Hội, quy tụ Giáo Hội, và ban cho Giáo Hội sức mạnh. Nhưng Bí Tích Thánh Thể cũng chuẩn bị cho chúng ta một chỗ ở trên cao kia, trong vĩnh cửu, bởi vì Bí Tích Thánh Thể là Bánh từ trời. Bánh đến từ trên cao kia, đây chính là chất liệu duy nhất trên trần gian này thực sự là vĩnh cửu. Chính đây là bánh tương lai, chính đây là bánh, mà ngay từ bây giờ đã làm cho chúng ta thưởng nếm trước một tương lại ngàn trùng lớn lao hơn tất cả những gì chúng ta có thể mong, có thể đợi được một điều gì đó tốt đẹp hơn. Đó chính là bánh nuôi sống những mong đợi, những mong chờ lớn lao nhất của chúng ta, và duy trì những giấc mơ đẹp đẽ nhất của chúng ta. Tắt một lời, đó chính là vật bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu: không những là một lời hứa, mà còn là một vật bảo đảm, nghĩa là một sự tham dự trước, một sự tham dự trước một cách cụ thể vào những gì sẽ được ban cho chúng ta. Bí Tích Thánh Thể là sự “để dành” thiên đàng cho chúng ta, đó chính là Đức Giêsu, của ăn đi đường dành cho chúng ta trên con đường chúng ta tiến về cuộc sống vĩnh cửu không bao giờ chấm tận.

Trong Bánh đã được thánh hiến, ngoài chỗ ở ra, Đức Giêsu còn chuẩn bị cho chúng ta lương thực, thực phẩm. Trong cuộc sống, chúng ta không ngừng cần nuôi sống chúng ta, và không những chỉ cần lương thực, nhưng cũng còn cần những dự định và những trìu mến, cần những ước muốn và cần những niềm hy vọng. Chúng ta đói khát được yêu. Nhưng những lời khen ngợi được đánh giá cao nhất, những món quà đẹp đẽ nhất, và những công nghệ học tiến bộ nhất vẫn không đủ, vẫn không bao giờ làm cho chúng ta no thoả hoàn toàn được. Bí Tích Thánh Thể là một thực phẩm đơn giản, như bánh ăn, nhưng lại là một thực phẩm duy nhất làm cho chúng ta no thoả, bởi vì không có tình yêu nào lớn hơn. Ở đây, chúng ta thực sự gặp được Đức Giêsu, chúng ta chia sẻ sự sống của Người, chúng ta cảm thấy tình yêu của Người; ở đây, bạn có thể cảm nghiệm được sự chết và sự sống lại của Người là dành cho bạn. Và khi bạn thờ lạy Đức Giêsu đang ngự trong Bí Tích Thánh Thể, thì bạn lãnh nhận từ nơi Người Chúa Thánh Thần, và bạn tìm thấy bình an và niềm vui. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn thực phẩm sự sống này chúng ta hãy để Thánh Lễ chiếm vị trí thứ nhất, chúng ta hãy tái khám phá sự tôn thờ Bí Tích Thánh Thể trong các cộng đoàn của chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin ơn đói khát Thiên Chúa, không bao giờ không lãnh nhận những gì Đức Giêsu chuẩn bị cho chúng ta.

Nhưng cũng như đối với các môn đệ ngày xưa, thì ngày hôm nay cũng thế, Đức Giêsu cũng yêu cầu chúng ta chuẩn bị. Cũng như các môn đệ, chúng ta cũng hãy hỏi Người: “Lạy Chúa, Chúa muốn cho chúng con đi chuẩn bị ở đâu?”. Ở đâu? Đức Giêsu không thích chỗ này hơn chỗ nọ, chỗ nọ hơn chỗ kia, và Người không loại trừ một chỗ nào cả. Người đi tìm những chỗ không được nối kết bằng tình yêu, những chỗ không được tác động bằng niềm hy vọng.

Trong những chỗ gò bó này, Người muốn đi đến đó, và Người yêu cầu chúng ta cũng đi đến đó chuẩn bị. Có biết bao nhiêu người thiếu một chỗ xứng đáng để cư ngụ, và thiếu lương thực để ăn! Nhưng tất cả chúng ta, chúng ta đều biết nhưng con người cô thế cô thân, những con người đau khổ, những con người đang sống trong cơn quẫn bách: đó là những nhà tạm bị bỏ rơi. Chúng ta là người nhận lãnh từ Đức Giêsu cái để ăn, chỗ để ở, chúng ta có mặt ở đó để chuẩn bị một chỗ ở và một thức ăn cho anh chị em yếu đuối hơn của chúng ta. Người đã trở nên tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta, Người yêu cầu chúng ta tận hiến cho người khác, yêu cầu chúng ta đừng sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho nhau. Như thế, người ta sống theo Bí Tích Thánh Thể: bằng cách loan truyền cho thế giới tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận từ thịt máu Chúa. Thánh Thể được diễn tả trong đời sống qua từ ngôi vị tôi sang bạn.

Các môn đệ, Phúc Âm còn nói thêm rằng, họ chuẩn bị cho Bữa Tiệc Ly sau khi “đã đi đến thành phố” (c. 16). Ngày hôm nay, Chúa cũng kêu gọi chúng ta chuẩn bị cho Người đến bằng cách không ở bên ngoài, không sống xa mọi người, nhưng là vào trong các thành phố của chúng ta. Trong thành phố này cũng thế, thành phố mà tên gọi – “Ostie” – chính xác nhắc chúng ta từ ngữ lối vào, cửa vào. Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con mở những cánh cửa nào cho Chúa nơi đây? Những cánh cổng chính nào Chúa gọi chúng con mở rộng hai cánh, những cánh cửa đóng kín nào chúng con phải vượt qua? Đức Giêsu muốn những bức tường lãnh đạm và thông đồng trong thinh lặng phải bị triệt phá, Người muốn những chấn song lưới sắt của những lạm dụng và của những chế độ độc tài phải bị phá huỷ, Người muốn những con đường công lý, con đường danh dự và con đường hợp pháp phải được mở ra. Dải ven bờ biển rộng lớn của thành phố này kêu gọi chúng ta đón nhận vẻ đẹp, bằng cách mở rộng tâm hồn, và cất cánh ra khơi trong cuộc sống. Nhưng để được thế , chúng ta cần tháo bỏ những nút nơ đang cột chặt chúng ta vào những dây buộc của nỗi sợ hãi và của sự áp bức. Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để cho ngọn sóng của Đức Giêsu đưa chúng ta ra đi, đừng để chúng ta bị dằn chặt trên bãi biển để chờ đợi một cái gì đó đến, nhưng hãy nhổ neo tự do, can đảm và hợp nhất để ra đi.

Phúc Âm kết luận, các môn đệ, “sau khi đã hát Thánh Vịnh, liền ra đi” (c. 26). Vào phần cuối Thánh Lễ, chúng ta cũng sẽ ra đi. Chúng ta sẽ cùng với Đức Giêsu rong ruổi trên những con đường của thành phố này. Người muốn cư ngụ giữa chúng ta. Người muốn thăm viếng các tình huống, Người muốn đi vào trong các ngôi nhà, Người muốn bạn phát lòng thương xót có sức cứu thoát của Người, Người muốn chúc lành, Người muốn an ủi. Anh chị em đã trải nghiệm cuộc thử thách đau khổ, Chúa muốn ở gần anh chị em. Chúng ta hãy mở rộng cánh cửa cho Người vào, và hãy thưa với Người:

Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con. Chúng con đón tiếp Chúa trong tâm hồn chúng con, trong các gia đình chúng con, trong thành phố chúng con. Cảm ơn Chúa vì Chúa đã chuẩn bị lương thực sự sống cho chúng con và một chỗ ở trong Vương Quốc của Chúa. Xin hãy làm cho chúng con năng động hơn trong những công việc chúng con chuẩn bị, xin hãy làm cho chúng con vui vẻ đem Chúa là sự sống, để mang lại tình huynh đệ, công lý và hoà bình vào trong các con phố của chúng con. Amen. 

Share: