Cuộc sống con người chỉ tìm được quân bình và sự tươi đẹp trọn vẹn khi đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Thánh Joan Arc khuyên, “Trước hết hãy phụng sự Thiên Chúa!”.
Trung thành cầu nguyện là điều bảo đảm chắc chắn chúng ta có thể dành cho Thiên Chúa vị trí trung tâm này bằng những phương thế đặc thù. Không trung thành cầu nguyện, việc dành vị trí ưu tiên cho Thiên Chúa có nguy cơ không hơn không kém một ý định tốt hay thậm chí một ảo tưởng.
Không cầu nguyện, một cách tinh tế, chúng ta hầu chắc sẽ đặt cái tôi của mình ở trung tâm của đời sống, thay vì Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta sẽ xao lãng bởi vô số ước muốn, đòi hỏi và sợ hãi khác nhau. Trái lại, nếu chúng ta cầu nguyện, thì dẫu phải chiến đấu chống lại sức nặng của bản ngã và những thói quen quy ngã cũng như ích kỷ của mình, chúng ta thấy rằng, mình vẫn đang đi theo hướng tách ra khỏi chính mình và tái quy về Thiên Chúa vốn dành lại cho Người vị trí xứng đáng vị trí đầu tiên trong đời chúng ta. “Ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11, 23).
Khi Thiên Chúa ở vị trí trung tâm, mọi sự khác sẽ rơi vào đúng chỗ của chúng.
Tuyệt đối dành cho Thiên Chúa vị trí trước nhất so với mọi thực tại khác (công việc, các mối tương quan, .v.v...) là cách duy nhất để thiết lập một mối tương quan đúng đắn với các sự vật. Chính việc thiết lập này kéo theo một sự đầu tư đích thực và một sự tách biệt lành mạnh, giúp chúng ta bảo vệ tự do bên trong và thống nhất đời sống. Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào sự dửng dưng và bất cẩn, hoặc hoàn toàn ngược lại, rơi vào sự phụ thuộc, xâm chiếm, xao lãng, và đau đớn không cần thiết.
Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập khi chúng ta cầu nguyện cũng là yếu tố cơ bản của sự ổn định trong đời sống. Thiên Chúa là Đá Tảng, là Tình Yêu không hề lay chuyển, là “Cha, Đấng dựng nên muôn vì tinh tú, nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1, 17). Trong một thế giới bất ổn như thế giới chúng ta, với tốc độ thay đổi nhanh đến chóng mặt, khiến các thiết bị điện tử trở nên lỗi thời trong thời gian vỏn vẹn một năm, thì điều quan trọng hơn cả, là tìm sự hỗ trợ bên trong nơi Thiên Chúa. Cầu nguyện dạy chúng ta bén rễ sâu nơi Người, “ở trong tình yêu của Người” (Ga 15, 9), tìm thấy sức mạnh và sự an toàn nơi Người, nhờ đó, đến lượt mình, chúng ta trở thành nguồn động viên không suy suyển cho kẻ khác.
Hơn thế nữa, Thiên Chúa là nguồn lực duy nhất không bao giờ cạn kiệt. Bằng cầu nguyện, như Thánh Phaolô nói, “dù con người bên ngoài của chúng ta có tiêu tan đi thì con người bên trong chúng ta ngày càng đổi mới” (2Cr 4, 16). Chúng ta cũng có thể nhớ lời của ngôn sứ Isaia: Thanh niên thì mệt mỏi nhọc nhằn; trai tráng cũng ngã nghiêng, lảo đảo; nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh, như thể chim bằng, họ tung cánh, họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân (Is 40, 30-31).
Dĩ nhiên sẽ có những lúc thử thách và mệt mỏi trong đời vì chúng ta cần trải nghiệm sự yếu đuối để biết rằng mình nghèo hèn và nhỏ bé. Tuy nhiên, vẫn đúng, là trong cầu nguyện, Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta nguồn năng lượng, đôi lúc kể cả năng lượng thể lý, mà chúng ta cần để phụng sự và yêu mến Người.
Trích từ Khát Khao Cầu Nguyện của Cha Jacques Philippe
0 nhận xét:
Đăng nhận xét