Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

3. Bình an và cuộc chiến đấu thiêng liêng

Chúng ta còn phải xác nhận ngay lúc này một chân lý khác vốn cũng không kém phần quan trọng hơn điều vừa được nói ở trên, đó là: đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến, một cuộc chiến không khoan nhượng.

Trong thư gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy “binh giáp vũ khí của Thiên Chúa” để chiến đấu “không phải với phàm nhân nhưng là với những bậc thống trị thế giới tối tămvới những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 10, 12) và rồi ngài liệt kê tất cả những mảng binh giáp mà chúng ta phải mặc vào.

Mọi Kitô hữu phải biết tường tận rằng, đời sống thiêng liêng của mình không phải là sự trải dài êm ả của một cuộc sống đơn điệu không có bất cứ vấn đề nào; đúng hơn, đời sống thiêng liêng phải được xem như cảnh tượng của một cuộc chiến trường kỳ, đôi khi cam go và sẽ không kết thúc cho đến chết - một cuộc chiến chống lại sự dữ, cám dỗ và tội lỗi trong chính mình. Cuộc chiến này là một điều không thể tránh khỏi, nhưng phải được xem như một thực tại hết sức tích cực, vì như thánh Catarina Siêna nói, “không có chiến tranh, sẽ không có hoà bình”; không có chiến đấu, sẽ không có chiến thắng. Nhìn một cách đúng đắn, cuộc chiến này là nơi chúng ta được thanh luyện để trưởng thành về mặt thiêng liêng, cũng là nơi chúng ta học biết chính mình trong sự yếu đuối của chúng ta và học biết Thiên Chúa trong lòng thương xót vô biên của Người. Cuộc chiến này là chặng cuối của sự biến đổi để đi vào vinh quang của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thiêng liêng của người Kitô hữu đôi khi rất khốc liệt, thì nó không hề là một cuộc chiến vô vọng của một ai đó đang chiến đấu một cách mù quáng, đơn độc, không chút tin tưởng nào về hậu kết của cuộc đương đầu này. Đúng hơn, đó là cuộc chiến của một người chiến đấu với niềm xác tín tuyệt đối rằng, mình đã dành được chiến thắng chỉ vì Đức Giêsu đã phục sinh. “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng” (Kh 5, 5). Người ấy không chiến đấu bằng sức mạnh của bản thân nhưng nhờ dũng lực của Đức Giêsu, Đấng đã nói với người ấy, “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9). Vũ khí chủ lực của người ấy không phải là quyết tâm tự nhiên của tính cách hay những khả năng nhân loại nhưng là đức tin, chính sự gắn kết trọn vẹn với Đức Kitô cho phép người ấy từ bỏ chính mình với một niềm tin được coi như mù quáng vào Đấng không thể nào bỏ rơi người ấy, cả trong những thời khắc tệ hại nhất, “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13). Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?” (Tv 27, 1).

Vậy khi chiến đấu chống lại tội lỗi, đôi khi rất khốc liệt, người Kitô hữu được “mời gọi để chiến đấu cho đến chết” (Dt 12, 4), nhưng người ấy chiến đấu với một tâm hồn bình an và càng bình an, họ chiến đấu càng hiệu quả; bởi lẽ như chúng ta đã nói, chính bình an nội tâm giúp họ chiến đấu, không phải bằng sức riêng rất dễ cạn kiệt của mình, nhưng bằng sức mạnh của Thiên Chúa. -- Trích từ Tìm Kiếm & Giữ Lấy Bình An của Cha Jacques Philippe

Share:

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

2. Bình an nội tâm và hoa trái tông đồ

Đối với một số người, việc tìm kiếm bình an nội tâm xem ra là một cái gì khá ích kỷ. Làm sao có thể coi đó như một trong những mục đích chính yếu của những nỗ lực của chúng ta khi thế giới chung quanh còn quá nhiều đau khổ và khốn cùng?

Với vấn đề này, trước hết chúng ta phải đáp lại rằng, bình an chúng ta đang nói đến là bình an của các sách Tin Mừng; một bình an không mảy may liên quan đến thái độ vô cảm, xơ cứng, chai lì, dửng dưng lạnh lùng hay khép kín bản thân… mà từ đó, giáo huấn nhà Phật hay một vài giáo phái Yoga có thể đưa ra cho chúng ta một hình ảnh. Ngược lại, như chúng ta sẽ thấy sau này, bình an nhất thiết phải là kết quả tất yếu của tình yêu, của một sự nhạy cảm thật sự trước những khổ đau của bao người khác và của một lòng trắc ẩn đích thực. Bởi lẽ, chỉ có sự bình an tận con tim này mới thật sự giải thoát chúng ta khỏi chính mình, gia tăng sự nhạy cảm trước tha nhân và giúp chúng ta sẵn sàng hiến thân cho đồng loại.

Cần phải thêm rằng, chỉ những ai sở hữu bình an nội tâm này mới có thể phục vụ tha nhân cách hiệu quả; làm sao tôi có thể thông chuyển bình an này cho những người khác nếu bản thân tôi không có nó? Làm sao có được bình an trong gia đình, giữa xã hội, giữa các cá nhân nếu trước tiên không có bình an trong tâm hồn mỗi người?

Thánh Séraphim Sarov nói, “Hãy giành cho được bình an nội tâm và vô số người sẽ tìm thấy ơn cứu độ của họ ngang qua bạn”. Để có được bình an nội tâm này, ngài đã tìm ẩn mình bao năm tháng với lòng hoán cải và liên lỉ cầu nguyện. Mười sáu năm đan sĩ, mười sáu năm ẩn sĩ, rồi mười sáu năm giam mình trong một tịnh thất chật hẹp; nhưng mãi sau những bốn mươi tám năm dâng hiến đời mình cho Chúa, thánh nhân mới bắt đầu toả sáng. Biết bao hoa trái ngài đã trổ sinh! Hàng ngàn khách hành hương đến với ngài đã được ủi an, được giải thoát khỏi những ngờ vực và lắng lo, được khai sáng trong ơn gọi của mình và được chữa lành cả hồn lẫn xác.

Câu nói của thánh Séraphim là một chứng từ hùng hồn cho kinh nghiệm cá nhân của ngài cũng như kinh nghiệm riêng của bao vị thánh khác. Đạt được và giữ lấy bình an nội tâm không thể có nếu không cầu nguyện; do đó, đây phải là ưu tiên số một, nhất là đối với những ai nói rằng, họ muốn làm điều lành cho người khác; bằng không, họ chỉ thường xuyên thông chuyển sự bồn chồn và thất vọng của mình. --Trích từ Tìm Kiếm & Giữ Lấy Bình An của Cha Jacques Philippe

Share:

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời -- Chúa Nhật thứ XXI Mùa Thường niên, Năm A

Đoạn Kinh Thánh tử Cựu ước trong bài đọc hôm này kể về việc ông En-gia-kim được trao chìa khóa Nhà Đavít. Đoạn này được chọn vì rõ ràng nó báo trước một đoạn nổi tiếng hơn, đó là đoạn trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu gọi Simon là “Phêrô”, nghĩa là “đá, ” và nói rằng Ngài sẽ xây Giáo hội của Ngài trên tảng đá này. Cùng một công thức từ ngữ về trao thẩm quyền mà Thiên Chúa thiết lập được dùng trong cả đoạn văn của Chúa Giêsu nói với Phêrô, cũng như đoạn Cựu Ước, trong đó Chúa ủy quyền cho En-gia-kim thay vì Shebna làm thượng tế. Đó là quyền trói buộc và tháo cởi, để “khi nó mở thì không ai được đóng; khi nó đóng thì không ai mở được.” Trong đoạn sách Isaia, En-gia-kim sẽ được Chúa làm cho “vững chắc như đinh đóng cột”. Còn Chúa Giêsu nói Phêrô là “tảng đá” và cũng có cùng ý nghĩa là chắc chắn và bất di bất dịch. Hình ảnh Chúa Giêsu dùng thậm chí còn mạnh mẽ hơn, và lời hứa của Người cũng mạnh mẽ hơn, vì Người nói thêm rằng “trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

… Chúa Giêsu hứa rằng ngay cả hỏa ngục cũng không thắng được Giáo Hội của Người. Và địa ngục đã không ngừng cố gắng trong mọi thế kỷ. Giáo hội Công giáo luôn là kẻ thù công khai số một của mọi tên bạo chúa độc ác, từ Caesar đến Hitler, và tất cả các cuộc cách mạng vô thần, từ Cách mạng Pháp dưới thời Robespierre đến Cách mạng Nga dưới thời Lê-nin đến Cách mạng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Nhiều lúc Giáo Hội tưởng chừng như đang chết dần nhưng Giáo Hội luôn sống lại lần nữa. Nếu thế giới tồn tại thêm một vạn năm nữa, hay thậm chí một triệu năm nữa, chúng ta chỉ có thể chắc chắn hai điều sẽ tồn tại cùng với nó: dân tộc Israel và Giáo hội Công giáo. Thiên Chúa đã long trọng thiết lập hai giao ước: với dân Israel và với Giáo hội. Và Thiên Chúa không bao giờ bội ước với những lời hứa của Ngài.

… Cũng hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không gọi Phêrô là “ông chủ” hay “người chỉ huy” hay thậm chí là “người cai trị” Giáo hội của Người, mà là “tảng đá”. Một tảng đá ổn định và đáng tin cậy, không độc tài. Nó cần phải là “bảo thủ”. Nó không lay chuyển. Giáo hội luôn “bị mắc kẹt trong vũng bùn” bởi vì vũng bùn mà Giáo hội đã may mắn bị dính chặt vào chính là Chúa Kitô. Nhưng Giáo hội cũng luôn sống động, tăng trưởng và tiến bộ và vì thế, “tiền tiến”. Là một tổ chức nhưng vượt qua hết mọi thể loại chính trị. Chúa Giêsu nói: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt. 13:52). Giáo Hội đang sống động và phát triển dần dần, từ bên trong, giống như một sinh vật, chứ không phải đột ngột và từ bên ngoài, như một tòa nhà hay một cỗ máy.
… Cuối cùng, ở dòng cuối cùng trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ đừng nói cho ai biết Người là Đấng Messia. Tại sao? Thánh Gioan nói với chúng ta trong Tin Mừng của ngài: “nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15). Hầu hết người Do Thái mong đợi Đấng Mêsia tay nắm giữ quyền lực chính trị và cai trị trần thế, với tư cách là Vua Đa-vít mới, và giải phóng Israel khỏi chế độ độc tài, hung hãn của La Mã, một chính quyền cướp đoạt tài sản của dân Do thái và nền độc lập của họ. Nhưng sự giải thoát Chúa Giêsu đem đến là giải thoát chúng ta khỏi sự bạo ngược thiêng liêng của kẻ thù thực sự, tội lỗi của chúng ta, đang cướp đi linh hồn và sự cứu rỗi của mình. Chúa Giêsu lánh mặt khỏi những người chạy đến với Ngài vì những lý do sai trái. Ngài không tranh cử; Ngài tránh khỏi những nhiệm sở. Ngài có việc làm cao cả hơn và một vương quốc quý giá hơn để thiết lập. Chúa Giêsu không tranh cử tổng thống /thủ tướng. --Trích từ Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections for Mass Readings - Cycle A

Share:

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

1. Không có Thầy, các con không thể làm gì được

Để hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển đời sống Kitô hữu, hầu đạt được và giữ lấy bình an trong tâm hồn, tiên vàn phải xác tín rằng, mọi điều thiện hảo chúng ta có thể thực hiện đều phát xuất từ Thiên Chúa và chỉ phát xuất từ một mình Người. Chúa Giêsu đã nói, “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15, 5). Ngài không nói, “Các con không thể làm gì nhiều”, nhưng là “Các con không thể làm gì được”. Chúng ta phải tin vào chân lý này. Chúng ta thường phải trải nghiệm những thất bại, thử thách và sỉ nhục mà Thiên Chúa cho phép xảy ra trước khi chân lý này tự nó tác động trên chúng ta, không chỉ trên bình diện tri thức mà còn là một trải nghiệm của toàn bộ hữu thể của mình. Nếu muốn, Thiên Chúa có thể miễn cho chúng ta khỏi những thử thách đó; thế nhưng, chúng cần thiết để chúng ta tin rằng, chúng ta hoàn toàn không thể tự sức làm điều thiện. Theo chứng từ của tất cả các thánh, chúng ta nhất thiết phải lĩnh hội tri thức này. Thực vậy, đây là khúc dạo đầu cần thiết cho tất cả những việc trọng đại mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi chúng ta bằng quyền năng ân sủng của Người. Đó là lý do tại sao thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bông Hoa Nhỏ, đã thổ lộ rằng, điều kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đã có thể thực hiện nơi tâm hồn chị là “cho chị thấy sự nhỏ bé và bất lực của mình”.

Nếu xem xét kỹ lưỡng đoạn Tin Mừng thánh Gioan trên đây, chúng ta sẽ hiểu, vấn đề cốt lõi của đời sống thiêng liêng là: Bằng cách nào, tôi có thể để Chúa Giêsu hành động trong tôi? Bằng cách nào tôi có thể để cho ơn Chúa tự do hoạt động trong đời tôi?

 Đó là đích nhắm của chúng ta, không phải cốt để áp đặt nhiều thứ xem ra tốt lành cho bản thân theo sự khôn ngoan riêng của mình hay theo như kế hoạch đã vạch định… Trái lại, hãy cố gắng khám phá thiên hướng của linh hồn, thái độ nội tâm sâu xa và hiện trạng thiêng liêng vốn cho phép Thiên Chúa hành động nơi chúng ta. Chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới có thể sinh hoa kết trái - những “hoa trái tồn tại” (Ga 15, 16).

Không có chìa khoá vạn năng hay câu trả lời xác đáng nào cho câu hỏi “Chúng ta phải làm gì để ân sủng Thiên Chúa có thể tự do hoạt động trong cuộc đời mình?”. Để trả lời trọn vẹn câu hỏi này, cần phải viết một linh đạo hoàn chỉnh về đời sống Kitô hữu, trong đó chúng ta nói đến việc cầu nguyện (chủ yếu là suy niệm, rất căn bản trong lãnh vực này), các bí tích, việc thanh tẩy tâm hồn, sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần… cùng hết thảy những phương cách mà qua đó, ân sủng Thiên Chúa có thể thẩm thấu sâu xa hơn vào đời sống chúng ta.

Trong tác phẩm nhỏ bé này, chúng ta không mong sẽ bàn đến tất cả những chủ đề ấy. Tôi chỉ muốn lưu tâm đến một yếu tố trong câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra trên đây. Tôi chọn nói về chủ đề này vì nó tối cần thiết. Hơn thế nữa, chủ đề này thường ít được các Kitô hữu biết đến cũng như suy xét trong đời sống thường ngày, kể cả những người có đức tin mạnh.

Chân lý căn bản tôi muốn trình bày và triển khai như sau: Để ơn Chúa hoạt động và trổ sinh trong chúng ta - dĩ nhiên với sự cộng tác bởi ý chí, trí năng và khả năng của chúng ta - tất cả những công việc tốt lành màThiên Chúa đã chuẩn bị từ trước cho chúng ta “để sống mà thực hiện những công trình tốt đẹp” đó(Ep 2, 10), thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải ra sức dành cho được cũng như giữ cho được một sự bình an bên trong, bình an tận bên trong tâm hồn.

 Để hiểu được điều này, chúng ta có thể sử dụng một hình ảnh (không phóng đại, như chúng ta thường tránh khi so sánh) để minh hoạ. Hãy quan sát mặt hồ mà ánh mặt trời đang chiếu rọi. Nếu mặt hồ êm ả, tĩnh lặng, mặt trời sẽ được phản chiếu trong đó; mặt hồ càng tĩnh lặng, mặt trời được phản chiếu càng trọn vẹn. Ngược lại, nếu mặt hồ bị khuấy động, dập dờn thì hình ảnh mặt trời không thể được phản chiếu trong đó.

Hình ảnh này cũng tựa hồ tâm hồn chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Tâm hồn càng tĩnh lặng, bình an, hình ảnh của Thiên Chúa càng được phản chiếu rõ nét trong đó và ân sủng Người càng hoạt động ngang qua chúng ta. Ngược lại, nếu tâm hồn chúng ta xao xuyến bất an, ân sủng của Thiên Chúa sẽ hoạt động khó khăn hơn nhiều. Tất cả những gì thiện hảo chúng ta có thể thực hiện là phản ảnh Sự Thiện Thiết Yếu đó, chính là Thiên Chúa. Tâm hồn chúng ta càng lặng lẽ, quân bình và phó thác, Sự Thiện càng tự thông ban cho chúng ta và cho người khác ngang qua chúng ta. Có lời Thánh Kinh dạy rằng, “Xin Chúa ban quyền lực cho dân Chúa, tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an” (Tv 29, 11).

Chúa là Thiên Chúa của bình an. Người không lên tiếng cũng không hành động trong rối bời và lo lắng, nhưng trong bình an. Hãy nhớ lại trải nghiệm của ngôn sứ Êlia trên núi Hôrép: Thiên Chúa không ở trong cơn lốc, cũng không ở trong cơn động đất hay lửa cháy, nhưng Người ở trong “tiếng gió hiu hiu” (x. 1 V 19).

Thông thường, chúng ta chuốc lấy sự bồn chồn và xáo động khi cố tự sức giải quyết mọi việc mà lẽ ra sẽ hiệu năng hơn khi chúng ta ở lại trong bình an trước cái nhìn của Thiên Chúa, đồng thời để cho Người hành động và thực hiện trong chúng ta với sự khôn ngoan và quyền năng của Người trổi vượt vô vàn sức lực của chúng ta, Vì Chúa Thượng là Đức Chúa, là Đức Thánh của Israel phán thế này: Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát, giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh; thế nhưng, các ngươi đã không muốn!” (Is 30, 15).

Những gì chúng ta đang nói, nếu hiểu cho thật đúng, không là một lời mời gọi biếng nhác hay ù lì, nhưng là một lời cổ võ hành động, thậm chí phải hành động quyết liệt dưới sự thôi thúc của Thánh Thần, một Thần Khí dịu dàng và bình an, chứ không phải một Thần Khí bất an, sợ hãi hay quá vội vã mà chúng ta rất thường mắc phải. Sự nhiệt thành của chúng ta, ngay cả cho Thiên Chúa, thường bị tô vẽ cách lệch lạc. Thánh Vincent Phaolô, người cuối cùng mà bất kỳ ai cũng có thể nghi ngờ là lười biếng, đã từng nói, “Sự thiện Thiên Chúa thực hiện thì được thực hiện bởi chính Người mà chúng ta hầu như không hay biết. Chúng ta cần bị động hơn là chủ động”.
– Trích từ Tìm Kiếm & Giữ Lấy Sự Bình An của Cha Jacques Philippe

Share:

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

1. Kết hiệp với Chúa không phải là một loại yoga Kitô giáo

Để có thể bền bỉ trong đời sống cầu nguyện, cách hiển nhiên là ngay từ đầu, chúng ta cần tránh lao mình vào một con đường sai lạc. Vì thế, cần phải xác định những gì là đặc thù của hành vi cầu nguyện Kitô giáo - những gì làm cho nó khác biệt với những hoạt động tâm linh khác. Điều này hết sức quan trọng vì chúng ta có thể phản ứng chống lại một nền văn hoá duy vật chung quanh bằng cách phát triển một loại hình khát khao cái tuyệt đối, khát khao thần nghiệm và ước ao kết hiệp với một thần minh không trông thấy nào đó. Điều đó tự nó là tốt nhưng lại có thể dễ dàng dẫn người ta đến những trải nghiệm sai lạc và thậm chí, phương hại.

Trước hết, không có nền tảng chân lý, chúng ta không thể tiến xa, đó là cuộc sống kết hiệp với Chúa (hay cuộc sống chiêm niệm, cũng một điều nhưng tên gọi khác nhau) không là kết quả của một kỹ năng, nhưng là một quà tặng được lãnh nhận. Thánh Jane Frances de Chantal từng nói, “Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là không có phương pháp nào cả, bởi cầu nguyện không đạt được bởi sự khéo léo” - bằng kỹ năng, như chúng ta thường nói thời nay - “nhưng bằng ân sủng”. Không có “phương pháp” cầu nguyện nào, theo nghĩa gồm một loạt những chỉ dẫn hay tiến trình để rồi mỗi người chỉ việc áp dụng hầu cầu nguyện cho tốt. Dẫu cuộc sống chiêm niệm là một quà tặng Thiên Chúa ban nhưng không, chúng ta vẫn phải biết phương thức lãnh nhận nó.

Điều này cần được nhấn mạnh vì một số lý do. Trước hết, dĩ nhiên những phương pháp suy niệm Đông Phương như yoga, Thiền… đang được biết đến rộng rãi trong thế giới hôm nay; hơn thế nữa, não trạng hiện đại những muốn giảm thiểu mọi thứ thành kỹ thuật. Lý do thứ ba, đầu óc con người luôn bị cám dỗ tìm cách cải biến cuộc sống, kể cả đời sống thiêng liêng thành một cái gì đó vốn có thể được điều khiển theo ý mình. Vì tất cả những lý do này mà chúng ta, dù ý thức hay không ý thức, đều quan niệm một cách sai lầm rằng, chiêm niệm là một loại hình yoga Kitô giáo. Chúng ta tưởng tượng đến tiến trình tập trung, hồi tưởng… kết hợp với những phương thức hít thở phù hợp, những tư thế được chỉ bày, lặp lại một số công thức nào đó… sẽ giúp chúng ta tiến triển trong việc kết hiệp. Một khi hoàn toàn tự chủ qua việc luyện tập, chúng ta tưởng rằng những điều này sẽ giúp mỗi người đạt tới một trạng thái ý thức cao hơn. Nhưng quan điểm này đã tạo nên một hình ảnh lệch lạc về việc kết hiệp với Chúa và cuộc sống thần nghiệm trong Kitô giáo.

Thật sai lầm vì nó dẫn chúng ta đến chỗ bám víu vào những phương pháp hoàn toàn lệ thuộc vào những nỗ lực nhân loại, đang khi trên thực tế, Kitô giáo cho thấy, mọi sự đều là ân sủng, một quà tặng nhưng không đến từ Thiên Chúa. Đúng là có thể có một sự tương đồng nào đó giữa những tu sĩ khổ hạnh hay “những người thánh” của Đông Phương và các nhà chiêm niệm Kitô giáo, nhưng sự tương đồng chỉ dừng lại ở bề ngoài mà thôi. Ở tận bên trong, họ thuộc về những lãnh địa rất khác nhau, thậm chí không thể so sánh.

Khác biệt căn bản đã được chỉ ra. Một đàng, khác biệt cốt tại kỹ năng, một hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào con người và khả năng của họ. Điều này thật khác biệt cả khi những hệ thống như thế tuyên bố có thể khơi dậy những khả năng đặc biệt mà những người thông thường chưa biết sử dụng, đang khi những cái gọi là “kỹ thuật suy niệm” lại được đề nghị để khai mở và phát triển. Đàng khác, ngược lại, vấn đề nằm ở chỗ chính Thiên Chúa thông ban chính mình cách nhưng không cho một ai đó. Ngay cả, như chúng ta sẽ thấy, nếu có chỗ cho sáng kiến và hoạt động nào đó về phía con người, thì toàn bộ cơ ngơi của đời sống cầu nguyện vẫn được xây dựng trên sáng kiến và ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự hiểu biết này, vì một trong những cám dỗ dai dẳng và đôi lúc rất tinh tế của đời sống thiêng liêng là cậy dựa vào những nỗ lực của bản thân chứ không phải vào lòng nhân từ được trao ban cách nhưng không của Thiên Chúa.

Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với những gì vừa được nói đến. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số hậu quả đó.

--Trích từ Dành Giờ Cho Chúa của Cha Jacques Philippe

Share:

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

Cầu nguyện và đức cậy

Cầu nguyện là một hành vi cậy trông: nó có nghĩa là nhận ra rằng, chúng ta cần Thiên Chúa, chúng ta không thể tự xoay xở khi đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống, chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa hơn mọi nguồn lực và tài năng riêng mình, tín thác vào Người, Đấng cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta cần. Trong cầu nguyện, đức cậy được diễn đạt, và do đó, được đào sâu và củng cố. Một cách thiết thực, dòng suy tư này dẫn chúng ta đến sự khiêm tốn và nghèo khó thiêng liêng vốn không thể tách rời khỏi đức cậy.

Về căn bản, hành vi cậy trông bao gồm thái độ sau đây: “Tôi nhận ra mình nhỏ bé và nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa, nhưng tôi tin tưởng trông đợi mọi sự từ Người. Vì thế, sự nghèo khó của tôi không còn là vấn đề nhưng là một vận may”.

Đời sống cầu nguyện một cách cần thiết dẫn chúng ta đến chỗ trải nghiệm sự nghèo khó của mình. Đôi lúc điều này rất đau đớn, nhưng chúng ta không nên sợ bởi rốt cuộc, trải nghiệm này sinh ích vô cùng.

Hãy bắt đầu từ cuộc sống riêng của mình. Nửa giờ hay một giờ dành cho việc cầu nguyện lặng lẽ riêng tư trong một góc phòng hay trong nhà thờ, đôi lúc là thời gian tuyệt vời và ngọt ngào vô cùng. Chúng ta cảm nếm hạnh phúc, niềm vui và bình an quý giá hơn bất kỳ điều gì mà thế gian có thể ban tặng.

Thế nhưng, mọi sự không luôn luôn như thế. Thời gian cầu nguyện này có thể khó khăn. Đôi khi lủi thủi một mình trong lặng lẽ sau khi bước ra khỏi những bận rộn quen thuộc của mình, chúng ta thấy mình đối diện với mọi thứ trục trặc trong đời sống. Những khiếm khuyết, vấp ngã, sai lầm, khó khăn...chúng ta gặp phải khi hồi tưởng, hối tiếc quá khứ hoặc những lo toan về tương lai .v.v... - danh sách có thể rất dài - tất cả được phơi bày ra đó. Thay vì cảm nhận thời gian cầu nguyện như một điều gì đó tích cực, chúng ta lại coi đó như là thời khắc đau đớn khi phải đối diện với những gì xem ra tiêu cực trong đời mình. Điều đó có thể dẫn đến nản chí, dẫn đến cám dỗ bỏ cầu nguyện và hướng về những bận bịu vui thú hoặc những trò tiêu khiển đáng thưởng thức hơn. Quả vậy, nhiều người bỏ cầu nguyện, lẩn tránh cô tịch và thinh lặng bởi sợ phải đứng trước một cuộc đối diện với chính mình mà cầu nguyện buộc họ phải trải qua.

Đừng hoảng sợ trước trải nghiệm này, một trải nghiệm thông thường và thậm chí tuyệt đối cần thiết cho bạn. Ngày kia, Đức Giêsu bảo Thánh Louis, Vua nước Pháp rằng, “Con muốn cầu nguyện như một vị thánh, nhưng ta lại mời con cầu nguyện như một gã nghèo!”.

Cầu nguyện dẫn chúng ta đến chỗ đối mặt với những gì chúng ta thật sự là. Mỗi một người đều có những khoảng tối riêng, một phần làm nên chính họ vốn đôi lúc nặng nề và là căn nguyên của sự xấu hổ, tội lỗi và đau khổ: đó là những giới hạn của con người, những căn bệnh tâm lý, những vết thương lòng, những lãnh vực đồng loã với sự dữ, sự bất lực, sa ngã đủ loại .v.v...Cầu nguyện dẫn chúng ta ngày càng sâu hơn vào ánh sáng của Thiên Chúa và như tia nắng mặt trời dọi vào một phòng tối và phơi bày những vết bụi nhỏ nhất bay lơ lửng trong không khí, vết bẩn của những bất toàn và tội lỗi của chúng ta.

Dĩ nhiên không chỉ cầu nguyện mới làm cho chúng ta trải nghiệm sự nghèo túng của mình; toàn bộ đời sống và những hoàn cảnh khó khăn của nó cũng kéo theo việc cảm nghiệm những giới hạn, yếu đuối, thương tích và tội lỗi. Thế nhưng, cầu nguyện giúp chúng ta ý thức cao độ hơn về tất cả những điều đó và buộc mỗi người đối mặt với nó mà không có bất cứ một lối thoát khả thể nào.

Vậy chúng ta phải làm gì? Trên hết, đừng sợ, “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).

Ơn cứu độ cốt tại ở một thái độ kép: khiêm tốn và cậy trông. Chúng ta hãy bằng lòng hoàn toàn với những gì mình là, chấp nhận sự phơi bày trần trụi những giới hạn và lầm lỗi của mình, đồng thời, tận dụng toàn bộ những điều đó bằng việc học cách không đặt mọi tín thác và hy vọng của chúng ta nơi các phẩm chất và việc làm của mình, ngoại trừ nơi chỉ một mình Thiên Chúa.

“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11). Với những lời này, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhận biết và chấp nhận hoàn toàn lỗi lầm của mình, dù nó thâm căn cố đế và phiền toái đến đâu, cùng lúc, lao vào cánh tay của Thiên Chúa với niềm tín thác dẫu cho mù quáng vào lòng xót thương và quyền năng của Người. Chúng ta cần chấp nhận chính mình như kẻ nghèo thâm căn cố đế và biến sự nghèo khó đó thành tiếng van nài mong mỏi với niềm cậy trông bất khuất. Rồi Thiên Chúa sẽ đến giúp chúng ta.

Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn(Tv 34, 6).

“Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 22, 24).

Lời cầu khẩn duy nhất mà Thiên Chúa nghe là lời cầu khẩn của kẻ cùng khốn. Đó không phải là lời cầu của người Pharisiêu vốn bằng lòng với chính mình và những việc lành mình làm khi ông cảm tạ Chúa vì mình tốt hơn người khác, nhưng là lời cầu của người thu thuế đứng xa xa, đấm ngực, thưa rằng, “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi!” (Lc 18, 13). Lời cầu xuyên thủng tầng trời, chạm đến cõi lòng Thiên Chúa, lôi xuống ơn Người... là lời cầu vọng lên từ tận thâm sâu của yếu nhược và tội lỗi, “Từ vực thẳm con kêu lên Ngài, lạy Chúa! Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con!” (Tv 130, 1-2).

Trích từ Khát Khao Cầu Nguyện của Cha Jacques Philippe

Share:

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

Chúa Nhật thứ XX, Mùa Thường niên, năm A: Đức tin của người đàn bà Ca-an-na

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (15: 21-28)

Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” xNhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !” Người đáp : “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” Người đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

 


 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tiếp xúc với một phụ nữ dân ngoại. Sự kiện này xảy ở phía bắc Israel, gần các thành phố ven biển ngoại giáo là Tia và Si-đôn. Trong câu chuyện này, điều quan trọng là khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ cho bà, các môn đệ ngạc nhiên nhiều hơn là chính người phụ nữ dân ngoại. Chúa Giêsu cuối cùng nói với bà: “Lòng tin của bà mạnh thật!” Nhưng Chúa không nói điều đó với các môn đệ của mình khi họ van nài Ngài hãy làm cho bà điều bà muốn kẻo bà cứ theo sau họ mãi. Các môn đệ đã không dạy bà một bài học về đức tin: chính bà dạy họ một bài học về đức tin.

Người phụ nữ có một vấn đề rất nghiêm trọng: con gái bà bị quỷ ám. Nếu bạn không tin rằng ma quỷ tồn tại, hoặc việc là bị ma quỷ nhập là thật, bạn đơn giản là không đồng ý với Chúa Giêsu, Kinh thánh, Giáo hội và tất cả các thánh trên trời. Hầu hết các trường hợp gọi là bị quỷ ám rõ ràng đều là tưởng tượng. Giáo hội thường là có thái độ nghi ngờ và cẩn thận trước khi thực hiện một cuộc trừ quỷ. Việc người ta bị ma quỷ nhập rất hiếm. Nhưng nó tồn tại, và Giáo hội yêu cầu mỗi giáo phận phải có ít nhất một nhà trừ quỷ được đào tạo.

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ ngoại giáo là một trong hai ví dụ duy nhất Chúa Giêsu bị thua trong một cuộc tranh luận. Chúa Giêsu chưa bao giờ thua trong một cuộc tranh luận với bất kỳ người đàn ông nào, nhưng Ngài thua trong cuộc tranh luận với người phụ nữ hai lần. Một lần tại tiệc cưới Cana, khi họ hết rượu và Đức Maria nói với Người: “Họ hết rượu rồi,” Người đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Nhưng khi nhìn thấy đức tin của Đức Maria, đức tin không chấp nhận câu trả lời phủ định, Mẹ chỉ đơn giản bảo những người phục vụ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, Chúa Giêsu vì thế đã biến nước thành rượu (Gioan 2:3-5). Ngài không thể nói không với mẹ mình.

Lần này, Ngài cũng đưa ra lý do cho việc không làm phép lạ cho người đàn bà Ca-an-na. Sau khi nói, “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”, Ngài nói với người đàn bà, “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Ngài đang cố ý sỉ nhục bà, ngụ ý nói bà là con chó, để thử lòng tin của bà. Và bà đã đáp lại bằng cách bác bỏ lập luận của Ngài từ phép loại suy. Bà đã sử dụng phép loại suy của chính Ngài để trả lời. Bà ấy nói, “Tôi khiêm tốn chấp nhận tiền đề của Ngài: Dân ngoại chúng tôi giống như những con chó và người Do Thái là những đứa con được Chúa chọn. Nhưng tiền đề đó chứng minh cho kết luận của tôi, không phải của Ngài, vì ngay cả những con chó cũng ăn đồ thừa trên bàn của chủ chúng, nếu chủ của chúng là một người chủ yêu thương, giống như Ngài vậy. Vì vậy, xin hãy vì tình yêu của con gái tôi, hãy chữa lành vết thương cho con tôi.” Đôi khi một giáo viên cố tình nói điều gì đó có thể bị bắt bẻ, học trò có thể trả lời, điều gì đó mở đường cho người học trò của mình trả lời và bác bỏ lý luận của người giáo viên. Ở đây, điều Chúa Giêsu hy vọng, bà đã làm.

Chúa Giêsu, vì thế, ngay lập tức, đã cho tất cả những ai có liên quan đến việc này những gì họ cần nhất: người phụ nữ, đứa con gái của bà, ma quỷ, các môn đệ của Chúa và thế giới, bao gồm tất cả chúng ta, những người nghe đoạn Kinh thánh này, xuống các thời sau này. Người đàn bà cần phép lạ của Chúa Giêsu để thỏa mãn tình yêu của bà cho đứa con gái, đức tin của bà cũng cần được thử thách và củng cố. Đứa con gái cần được khỏi bị quỷ ám. Con quỷ phải trở về địa ngục là nơi của nó. Các môn đệ cần một bài học về sự quảng đại và lòng khiêm nhường thay vì sự hẹp hòi (ý tưởng của họ về dân ngoại) và kiêu căng. Và thế giới cần thấy tình yêu, sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa Giêsu, ba thuộc tính của Thiên Chúa biểu lộ thần tính của Chúa Giêsu cách rõ ràng nhất.

Hãy chú ý một điều nữa. Chúa Giêsu khen ngợi người phụ nữ vì đức tin của bà, và đức tin là điều cần thiết, nhưng chỉ có đức tin thôi thì chưa đủ, cũng như ta cần mở rộng bàn tay và tấm lòng để nhận một món quà nhưng vậy cũng không đủ, vì món quà đến từ người tặng quà chứ không phải từ người nhận. Việc trừ quỷ này không là việc một người tự thực hiện cho chính mình; nó không phải là một sự chữa lành tâm lý; người phụ nữ đã không chữa lành con gái mình bằng đức tin của mình. Chúa Giêsu đã chữa lành cho bà. Đức tin không tạo ra sự chữa lành cũng như vòi không tạo ra nước; đức tin là vòi để nước chảy qua. Chúa Giêsu là nước hằng sống. Và Ngài là một đại dương vô tận của nước hằng sống ấy. – Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul

Share:

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa

Làm sao để thật sự cảm thấy an tâm, chúng ta muốn luôn đoan chắc mình đang làm theo ý Thiên Chúa. Khát khao hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để thích ứng là một điều bình thường; và thường khi, nếu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa với một con tim chân thật, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng để hiểu thánh ý Người. Nhưng không luôn luôn như thế. Ngay cả khi chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để tìm ra thánh ý Chúa trong trong hoàn cảnh này trong hoàn cảnh khác bằng cầu nguyện, suy nghĩ và bàn hỏi thiêng liêng, chúng ta vẫn sẽ không luôn luôn nhận được câu trả lời rõ ràng, ít nữa không phải ngay lập tức.

Về điều này, có hai lý do: trước tiên, Thiên Chúa coi chúng ta là người trưởng thành và trong nhiều tình huống, Người muốn chúng ta tự quyết định. Lý do thứ hai là sự thanh luyện. Nếu luôn đoan chắc mình đang thi hành ý Chúa và bước đi trong chân lý, chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên quá tự tin dẫn đến nguy cơ tự kiêu về đường thiêng liêng. Không luôn tuyệt đối chắc chắn mình đang thi hành ý Chúa là khiêm tốn và khốn khó, nhưng điều đó bảo vệ chúng ta. Nó gìn giữ trong chúng ta một thái độ không ngừng tìm kiếm thánh ý và ngăn ngừa chúng ta khỏi thứ an toàn giả tạo vốn miễn cho chúng ta phó mình cho Người.

Khi không chắc thánh ý Chúa, điều quan trọng là chúng ta cần nói với chính mình rằng: “Ngay cả khi những khía cạnh của thánh ý Thiên Chúa chạy trốn tôi, vẫn luôn có những khía cạnh khác mà tôi biết chắc và có thể đầu tư vào mà không gặp nguy hiểm nào, vì tôi biết sự đầu tư này luôn sinh lời”. Những điều chắc chắn này bao gồm việc chu toàn nhiệm vụ trong đấng bậc mình và thực hành những điểm cần thiết của mọi ơn gọi Kitô hữu. Ở đây có một khiếm khuyết cần nhận ra và tránh xa, thấy mình mù mờ về thánh ý Chúa trước một vấn đề quan trọng - một sự chọn lựa ơn gọi có tầm mức lớn hay một quyết định nghiêm túc nào khác - chúng ta dành quá nhiều thời gian tìm kiếm, nghi hoặc hay nản lòng đến nỗi phớt lờ những gì Chúa muốn cho chúng ta mỗi ngày như trung thành cầu nguyện, giữ vững niềm tin vào Người, yêu mến những người chung quanh ở đây và giờ này. Không có những câu trả lời cho tương lai, chúng ta nên chuẩn bị đón nhận chúng bằng cách sống cái hôm nay cách sung mãn.

Trích từ Tự do nội tâm của Cha Jacques Philippe

Video về thánh ý của Chúa cho tôi

Share:

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Làm thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận?

2738 Mặc khải về cầu nguyện trong nhiệm cục cứu độ cho biết chúng ta có thể tin vì dựa vào hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Hành động tuyệt vời của Người, cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô đã khơi lên trong chúng ta lòng tin tưởng phó thác của người con thảo. Đối với người Kitô hữu, cầu nguyện là cộng tác với Chúa Quan Phòng, với ý định yêu thương Người dành cho nhân loại.

2739 Theo thánh Phaolô, chúng ta dám tin tưởng như thế (x. Rm 10,12-13), vì Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng chúng ta và vì Chúa Cha, Đấng đã ban Con Một của Người cho chúng ta (x. Rm 8, 26-39), hằng trung tín yêu thương ta. Ơn đầu tiên Chúa ban cho người cầu nguyện là tâm hồn họ được biến đổi.

2740 Nhờ Đức Giêsu cầu nguyện mà lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời. Chẳng những là gương mẫu, Người còn cầu nguyện trong chúng ta và với chúng ta nữa. Chúa Con chỉ tìm kiếm những gì đẹp lòng Chúa Cha, không lẽ chúng ta là nghĩa tử lại bận tâm về các quà tặng hơn cả Đấng ban tặng sao?

2741 Đức Giê-su cũng đứng vào vị trí của chúng ta và vì lợi ích của chúng ta mà cầu nguyện cho chúng ta. Mọi lời khẩn cầu của chúng ta đều được thâu tóm lại một lần trong tiếng kêu lớn của Người trên Thập Giá, và đã được Chúa Cha nhận lời khi cho Người sống lại; vì thế Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta bên tòa Chúa Cha (x. Dt 5, 7; 7, 25; 9, 24) . Khi cầu nguyện nếu chúng ta kết hiệp với lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong lòng tín thác và dạn dĩ của người con thảo, chúng ta sẽ nhận được mọi điều cầu xin nhân danh Người; hơn thế nữa, chúng ta không những nhận ơn này tới ơn khác mà còn nhận được chính Thánh Thần là nguồn mạch mọi hồng ân.

Share:

Blog Archive

Blog Archive