Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Scott Hahn về 40 ngày của Mùa Chay

Lời từ video:

Mùa Chay đến hàng năm và nó luôn là một phiêu lưu cho người Công Giáo. Nguồn gốc của Mùa Chay nằm sâu trong Kinh Thánh và tôi nghĩ nó rất hữu ích để chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay bằng việc suy niệm về những đoạn Kinh Thánh mà là nguồn gốc của Mùa Chay.

Chúng ta quay lại sách đầu tiên, Sách Sáng Thế trong chương 7 câu 12. Chúng ta nhìn thấy việc thử thách của ông Nôe và hộ gia đình của ông trên tàu, với 40 ngày dài, mưa tầm tả. Tiếp đến, trong sách Xuất hành chương 24 chúng ta nhận ra Ông Môsê cũng ăn chay 40 ngày để chuẩn bị. Cũng vậy, trong Sách Dân Số khi 12 người được gởi vào Đất Hứa 40 ngày để thám thính đất Canaan và trở về. Rồi chúng ta thấy một thử thách đức tin nữa khi chúng ta tiếp tục đọc đến 1 Samuen chương 17, một thử thách của dân Israel và đó là 40 ngày khi Goliath, người khổng lồ của dân Phi-li-tin, đang trêu chọc dân Israel cho tới khi Đavít tiến ra để chứng tỏ quyền năng của Chúa.

Cũng vậy, chúng ta tìm thấy Elia trong 1 Vua chương 19. Sau một bữa ăn thần thiêng, ông đi bộ 40 đêm ngày đến núi Hô-rếp, đến núi Sinai để nghe tiếng Chúa, không phải qua tiếng sấm sét hay trận động đất, nhưng Chúa nói với ông trong tiếng thì thầm nho nhỏ. Chúng ta đi tiếp đến Ông Giôna chương 3, và sứ điệp của Giôna cũng là 40 ngày thử thách, 40 ngày sám hối cho thành Ninêvê. Sám hối là điều dân thành Ninêvê đã đón nhận và Giôna đã kinh ngạc. Họ ăn chay, họ cầu nguyện, họ sám hối và Chúa chúc lành cho họ và tha phạt cho họ.

Tất cả những điều này dẫn đường cho những gì chúng ta đọc trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu chương 4. Đó là Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa, được đưa dẫn bởi Chúa Thánh Thần để đi vào nơi hoang vắng.

Thánh sử Mác-cô viết Chúa Thánh Linh xua Ngài đi vào sa mạc nơi Ngài trải qua cùng một loại cám dỗ hay thử thách mà Môsê và dân Israel đã trải qua. Dĩ nhiên Chúa Giêsu vượt thắng cơn thử thách mà dân Israel đã quỵ ngã.

Chúng ta biết lý do cho sự chiến thắng là vì Ngài trả lời ma quỷ bằng lời của Kinh Thánh. Nhưng tôi nghĩ điều chúng ta cần để ý là cả ba cám dỗ mà chúng ta đọc trong Sách Mát-thêu chương 4 về Chúa Giêsu đi thẳng trở về với Đệ Nhị Luật chương 6 đến 8. Đó chính là lúc Môsê chỉnh đốn sự ngu ngốc và bất tuân của dân Israel vì đã thua bại trong cuộc thử thách, vì con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, ngay cả bánh Manna huyền diệu như đã xảy ra.

Chúng ta sống nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Và 40 ngày đã được lập nên để giúp chúng ta lắng nghe Lời của Chúa. Nó là thời gian để lắng nghe và cùng một lúc, Chúa Giêsu đã trích ra một thực tế là chúng ta cần phải thờ phượng Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi, không phải con bò vàng các người đã tạo ra trong 40 ngày khi Ta ở trên đỉnh núi Sinai.

Vì vậy, khoảng thời gian 40 ngày này cũng là thời gian chúng ta thanh luyện tình yêu của chúng ta và đó là để tập trung trái tim của chúng ta vào việc thờ phượng Thiên Chúa để cuốn gói trọn vẹn cuộc sống chúng ta chung quanh dự định Thiên Chúa có cho chúng ta. Và cuối cùng Môsê nói “Ngươi chớ nên thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi” đặc biệt là khi Ngài thử thách ngươi.

Bạn biết 40 ngày của Mùa Chay thật dễ để chúng ta nhận ra sự thèm ăn uống và những đam mê của chúng ta đang ngoi đầu lên để chúng ta nhìn thấy mình yếu đuối dường nào. Thần khí thì sẵn sàng nhưng mà thân xác thì oh yếu đuối. Chúa Giêsu đã vượt thắng những thử thách này cách vinh quang không phải để chúng ta không phải bị thử thách nữa nhưng là để chúng ta cuối cùng biết được mình có thể vượt qua những thử thách cách trội hơn điều gì chúng ta đã đọc trong Cựu Ước.

Chỉ thế kỷ thứ bốn chúng ta có Công Đồng chung thứ nhất, Công Đồng Nicea năm 325. Một trong những giáo luật, một trong những quy định được ban hành là 40 ngày chay tịnh của Mùa Chay. Cho các cộng đoàn ẩn tu, đây là chay tịnh nghiêm ngăt mà rất là khổ cực nếu chúng ta muốn bắt chước.

Nhưng cho những cộng đoàn tín hữu thông thường và đặc biệt là cho các tân tòng đang chuẩn bị cho bí tích Thanh Tẩy trong Đêm Vọng Phục Sinh thì đây là thời gian để cầu nguyện liên lỉ và sốt sắng, một chay tịnh thực sự và cũng là thời gian để làm việc hy sinh. Đây không là một cái gì đó được lập nên năm 325 như là sự gì mới lạ nhưng là một nhắc nhở về một chỉ tiêu mà đã trở thành tục lệ và giờ đây đã trở thành một quy luật.

Ở thế kỷ thứ 5, chúng ta đọc Thánh Gioan Cassian chỉ dạy các vị ẩn tu và Kitô hữu về Môsê, Elia và Chúa Giêsu trong 40 đêm ngày chay tịnh và chuẩn bị. Nhưng ngài đặc biệt chỉ đạy về  Mùa Chay và 40 ngày như là một phần thuế thập phân cho năm khi đếm số ngày trong một năm, số ngày Chúa Nhật, v.v…, chúng ta dâng lên cho Thiên Chúa sự dâng biếu như là phần thuế thập phân.

Bất kể chúng ta nhìn về nó theo phương diện thần học hay Kinh Thánh và lịch sử, thực tại là 40 ngày Mùa Chay là thời gian chúng ta có thể nhìn vào bên trong chúng ta.

Chúng ta đang trải qua một thời gian kiểm tra, không phải thứ kiểm tra tôi đưa cho học sinh của tôi giữa kỳ học và cuối kỳ vì là một giáo sư, tôi cần biết học trò của tôi đã hiểu những bài học không. Thực ra thì Chúa không thử thách chúng ta để biết chúng ta đã hiểu biết những bài học của Ngài vì Ngài biết mọi sự. Nhưng Thiên Chúa thử thách chúng ta để chúng ta có thể nhận ra điều chúng ta không biết.

Vì vậy, tôi nghĩ Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho việc kiểm tra để chúng ta nhận ra chúng ta yếu đuối dường nào, chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa biết bao. Khi chúng ta quay lại để nhìn và nhận ra: Noah trải qua 40 ngày thử thách, cũng như Môsê và 12 người tình thám mà Môsê gởi, cũng như dân Israel dưới thời của Goliath; Êlia và Giôna cũng thế và những người khác.

Điểm chính không chỉ là trải qua giai đoạn thử thách mà là để cảm nghiệm sự yếu đuối của chúng ta và chuẩn bị chính mình cho sự mặc khải, sư bày tỏ sức mạnh của Chúa, của lòng thương xót của Ngài, sự mặc khải về tình yêu của Ngài. Không chỉ về việc trao ban Giới Luật trên Núi Sinai nhưng là sự mặc khải của Giới Luật mới của Đức Kitô trong Bài Giảng Trên Núi ngay sau 40 ngày chịu cám dỗ.

Thiên Chúa có lời để nói đến với chúng ta, Chúa có lòng thương xót đặc biệt cho chúng ta và đó là thuốc chữa lành mà chúng ta thực sự cần. Lời Chúa và lòng thương xót của Ngài thỏa mãn những cần thiết sâu thẳm nhất của chúng ta.

Nhưng ngoại trừ khi chúng ta có một thời gian riêng biệt, khi chúng ta có riêng 40 ngày và sau đó chúng ta bắt đầu nhận ra những giải quyết của chúng ta thật nông cạn. Những giải quyết của Thiên Chúa thật đúng là giải quyết và thuốc chữa lành từ lòng thương xót của Ngài chính là điều Ngài muốn trao ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không nhận ra điều đó cho tới khi chúng ta nhận ra chúng ta cần những giải pháp của Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Anh em không có vì anh em không cầu khẩn.” Nhưng khi chúng ta ăn chay, khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta hy sinh, chúng ta bắt đầu nhận ra chúng ta yếu đuối dường nào và chúng ta cần sức mạnh của Thiên Chúa biết bao.

Vì thế, trong Mùa Chay này, tôi khuyến khích rằng chúng ta không chỉ không ăn đồ tráng miệng hay chôcôla hay không lên Facebook hay một hy sinh nào khác nhưng hãy dành cho Chúa một khoảng thời gian nhất định hằng ngày để thực sự cầu nguyện, một sự cầu nguyện biết lắng nghe. Có thể là 5 hoặc 10 phút đọc Kinh Thánh. Nếu bạn đã làm điều ấy, thì có thể 15 phút.

Và tôi khuyến khích việc đọc sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nữa như là phần đọc sách thiêng liêng của cá nhân bạn. Dù sao đi nữa, chúng ta đang chuẩn bị chính mình để đón nhận mặc khải của lòng thương xót đến với chúng ta trong Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Khi chúng ta đi vào Tuần Thánh, tuần mà đã được Giáo Hội biến đổi rất đáng kể trong khoảng 60, 70 năm trước. Tôi không biết nếu người ta cảm kích rằng ĐTC Piô XII trong thời những năm đầu của thập kỷ 1950 đã hội phục trọn vẹn Tuần Thánh, bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá, rồi chuyển qua thứ Năm Tuần Thánh, thứ Sáu Tuần Thánh, và Đêm Vọng Phục Vinh trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh dẫn đến lễ trọng đại của sự phục sinh ngày Chúa Nhật Phục sinh. Những ngày này đã trở nên đỉnh cao của một dãy những ngày lễ tạo nên năm phụng vụ.

Tôi nghĩ khi chúng ta càng dấn thân, chúng ta càng đón nhận được ân sủng và lòng thương xót mà chúng ta cần đến, không chỉ cho cá nhân nhưng còn là cho hôn nhân, gia đình và giáo xứ của chúng ta nữa.

Tôi nghĩ Mùa Chay này sẽ là một sự ngạc nhiên cho nhiều người vì họ sẽ khám phá ra rằng một chút vâng lời sẽ giúp họ nhiều để chuẩn bị mở rộng đến với ân sủng, dễ đón nhận những ân sủng lớn lao nhất Chúa ban.

Share:

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

Nguồn gốc Kinh Thánh của Thứ Tư Lễ Tro và mục đích của Mùa Chay

Sau lễ Giáng Sinh, một trong những ngày lễ phổ biến nhất trong năm để người Công giáo tham dự Thánh Lễ, ngay cả những người không thường đến với Thánh Lễ cũng sẽ tham dự đó là Thứ Tư Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Chay. Tuy là ngày phổ biến nhất và có tỷ lệ tham dự Thánh Lễ cao hơn, nó cũng là một trong những ngày khó hiểu nhất của năm vì trong ngày đó người Công giáo làm những điều “kỳ quặc”. Trước hết, chúng ta bôi tro trên trán trong hình dạng thập giá.

Nhiều người thắc mắc tro có ý nghĩa gì? Tại sao người ta bôi tro trên trán của họ? Thường có những người thách thức chúng ta và hỏi tại sao người Công giáo bôi tro trên trán của mình để nói cho mọi người biết bạn ăn chay khi Chúa Giêsu đã nói rõ ràng trong Phúc Âm là khi anh em ăn chay, đừng cho ai biết các người ăn chay và nên rửa mặt cho sạch, xức dầu trên đầu để không ai thấy là anh ăn chay và ăn chay cách kín đáo. Thứ Tư Lễ Tro của người Công Giáo đi ngược lại với lời dạy của Chúa Giêsu và Phúc Âm không?

Vì thế trong video này tôi muốn trà lời những câu người ta thường hỏi về Thứ Tư Lễ Tro bằng việc nhìn vào hai điều. Trước hết, tôi muốn xem xét về nguồn gốc của tro trong Do thái giáo. Nói cách khác, việc dùng tro có ý nghĩa gì trong bối cảnh của Do thái giáo ở thế kỷ thứ nhất. Vì cũng như nhiều nghi thức chúng ta có trong Công giáo, thoạt nhìn có vẻ kỳ quặc hoặc khó hiểu.

Đây là một trong những nghi thức đó khi Giáo Hội Công giáo có truyền thống thực sự là phát xuất từ Do thái giáo, có nguồn gốc trong Cựu Ước. Nếu bạn đặt việc này trong bối cảnh Do thái giáo, nó sẽ bày tỏ cho bạn ý nghĩa thực sự của việc chúng ta cần phải thực thi trong ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Điều thứ hai tôi muốn thực hiện là nhìn vào những bài đọc trong Thứ Tư Lễ Tro từ Sách Bài đọc trong Thánh Lễ để chúng ta có thể hiểu tại sao Giáo Hội đã chọn những đoạn trong Kinh Thánh đó để giải thích những điều chúng ta phải làm không chỉ vào ngày Thứ Tư Lễ Tro mà thực sự là chìa khóa cho toàn bộ Mùa Chay.

Vì thế nếu bạn đã thắc mắc về ý nghĩa của Thứ Tư Lễ Tro hoặc nếu bạn đã từng tự hỏi tôi nên làm gì trong Mùa Chay này, tôi có thể làm gì để chuẩn bị cho Mùa Chay này thì video này là dành cho bạn.

Tôi muốn quay trở lại để xem xét tro tượng trưng cho sự gì trong nguồn gốc Do thái giáo. Tro biểu hiện cho sự gì trong thời Cựu Ước và chúng ta sẽ bắt đầu từ đó.

Điều trước hết chúng ta muốn nghiên cứu là nếu bạn học về tro trong Kinh Thánh, đặc biệt là về tro bụi trong Cựu Ước, bạn sẽ nhận ra một vài chủ đề luôn được gắn liền và chỉ về biểu tượng của tro. Ví dụ thứ nhất là trong Sách Sáng Thế 3:19, Chúa nói với Ađam sau khi ông sa ngã, sau khi ông phạm tội: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” Câu này là một trong những câu được trích dẫn trong ngày lễ Thứ Tư Lễ Tro, biểu tượng đầu tiên được dùng cho bụi và tro. Nếu bạn nói ai đó là bụi và tro, thì đó là biểu tượng của sự chết chóc, đó là biểu tượng của sự thật rằng sau khi đã sa ngã, sau tội nguyên tổ, chúng ta nay không chỉ sẽ phải chịu đau khổ mà là cả chết chóc. Do đó, con người thì đều phải chết và sau cái chết của mình sẽ trở về với tro và bụi. Đây là đoạn Kinh Thánh đầu tiên.

Đoạn thứ hai tôi muốn nêu ra là từ cuốn sách của Ông Gióp 42:6; đoạn này đoạn này đi vào trọng tâm của những gì chúng ta làm trong Mùa Chay.

Khi Ông Gióp đứng trước mặt Chúa, ông nói: “Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn.” Ở đây chúng ta có một lớp ý nghĩa khác, tro bụi không chỉ tượng trưng cho sự chết mà tro và bụi còn tượng trưng cho cái chết và việc ăn năn sám hối. Sám hối là ý nghĩa thứ hai của hình ảnh tro bụi.

Chúng ta cũng thấy điều này trong sách Đanien. Chẳng hạn như trong Đanien 9:3, Đanien cầu nguyện và cầu thay cho dân của ông mặc dù Đanien là người công chính. Ông làm việc đền tội thay cho dân. Và cách ông biểu lộ việc đền tội đó là qua việc ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro trên mình. Đanien 9:3 đọc: “Tôi quay về cùng Chúa Thượng là Thiên Chúa và cầu nguyện xin Ngài giúp đỡ. Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và ngồi trong tro để tỏ lòng buồn thảm.”

Từ đó chúng ta biết một trong những việc người Do thái cổ đại làm là khi họ bước vào thời gian cầu nguyện, đền tội và cầu xin khẩn thiết, họ sẽ mặc áo vải thô, là một loại vải gai nhám nên rất khó chịu, một thứ đền tội. Vải ấy sẽ làm trầy da, khiến da bị ngứa và gây nên sự đau đớn nên đó là một việc đền tội. Họ cũng sẽ ăn chay, một thứ gây nên sầu khổ. Kiêng ăn, kiêng uống để chịu đựng. Sau đó họ cũng tự rắc tro trên thân mình như một dấu hiệu một ngày nào đó họ sẽ chết và là dấu hiệu của sự sám hối.

Tất cả những điều này là thực hành thông thường trong Cựu Ước, trong thời kỳ ăn chay và cầu nguyện khẩn thiết. Chúng ta cũng thấy điều tương tự trong sách Macabê. Có một điều rất thú vị trong I Macabê 3. Thực ra điều này không chỉ là thú vị, điều này thì quan trọng.

Sách Macabê 3:47, dù là Sách Macabê không có trong Sách Cựu Ước của đạo Tin Lành, chỉ ở trong Sách Cựu Ước của người Công giáo. Câu này đưa đến hình ảnh này: Nó cho chúng ta biết nguồn gốc của việc rắc tro, không là bất cứ nơi nào trên thân thể mà đặc biệt là trên đầu.

Khi Mát-tít-gia và nhóm của ông đang khẩn cầu và bước vào giai đoạn này của việc cầu nguyện, Sách Macabê nói, “Ngày hôm ấy, họ ăn chay, mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu và xé áo mình ra.” Xé áo cũng là một dấu hiệu của việc đền tội và than khóc. Nhưng trong trường hợp này, hãy lưu ý họ không chỉ ăn chay và cầu nguyện, họ còn rắc tro trên đầu. Một trong những điều người Công giáo chúng ta làm là lấy tro, từ bỏ tội lỗi và bôi nó đặc biệt trên trán.

Cuối cùng một trong những nguồn gốc trong Cựu Ước của truyền thống rắc tro mà tôi thích nhất là từ Sách Ét-te 14:1-3. Trong đó chúng ta biết Ét-te, người cưới một vị vua ngoại giáo, vị vua sẽ giết hết thảy mọi người Do thái nếu bà không khẩn cầu cho họ và nhờ vua cứu họ. Bà Ét-ra bắt đầu cầu nguyện cách khẩn thiết và ăn chay, cầu thay cho dân của Bà và đây là cách bà đã thực hiện điều đó. Hãy chú ý điều bà làm. Chúng ta sẽ xem xét điều bà làm.

Trong chương 14:1-3 nói: “Hoàng hậu Ét-te khắc khoải âu lo đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi tro dơ bẩn (phân) rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt; thay vì trang điểm trau chuốt, bà để cho tóc xoã rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en.”

Chúng ta hãy để ý điều Ét-te làm. Ét-te thì rất là xinh đẹp, là hoàng hậu. Bà thường mặc y phục lộng lẫy và trang điểm trau chuốt. Nhưng trong trường hợp này bà cởi bỏ tất cả những y phục của niềm vui. Thay vào đó, bà mặc lấy y phục khiêm hạ, không bôi dầu thơm nhưng rắc tro trên đầu và phân nữa. Đây là việc đền tội triệt để. Vì sao? Vì bà bắt đầu khẩn thiết cho sự cứu thoát của dân bà. Nếu bà không cứu họ, họ sẽ bị giết hết thảy bởi ông vua ngoại giáo.

Thật phúc thay, Giáo hội trong sự khôn ngoan đã chỉ chọn biểu tượng tro cho Thứ Tư Lễ Tro và cho Mùa Chay. Tôi nghĩ đó là một điều rất hay vì “Thứ Tư Lễ Phân” có lẽ sẽ không được tham dự đông đảo như Thứ Tư Lễ Tro nên chúng ta cũng rất biết ơn cho quá trình chọn lọc đó trong truyền thống của Giáo Hội!

Nhưng tất cả những điều này cho thấy rõ ràng là đến thế kỷ thứ nhất, bất kỳ người Do Thái nào cũng sẽ nhận ra khi một người bôi tro trên trán của họ, họ đang làm gì? Họ ý thức rằng họ sẽ chết như Ađam, họ ăn năn tội của mình như ông Gióp và khẩn cầu cho người khác như Đanien hoặc như Ét-te.

Đó là lý do tại sao trong Phúc Âm thánh Mátthêu và một vài người có thể nói, “Ồ, nhưng điều bạn nêu ra là trong Cựu Ước của người Công Giáo. Sách Cựu Ước của Tin Lành không có.” Không, không. Ngay cả Chúa Giêsu đã có nói về điều này trong Phúc Âm Mátthêu 11:21. Chúng ta có thể tìm thấy là người Do thái thực thi điều này vì Chúa Giêsu đã nói trong một những lời “Khốn cho các ngươi” đến với những thành của Galêlia mà đã khước từ Chúa. Chúa nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.” Chúa Giêsu chấp nhận việc rắc tro là một dấu hiệu bên ngoài chỉ về sự sám hối nội tâm.

Vì thế điều quan trọng trước hết chúng ta muốn nói về Thứ Tư Lễ Tro là khi Giáo Hội truyền dạy về truyền thống rắc tro trên trán, đây là một dấu hiệu rất rất cổ xưa từ Kinh Thánh. Dấu hiệu chỉ về sự phải chết của chúng ta, việc ăn năn tội và rất quan trọng là việc khẩn cầu cho những người khác và việc kết nối thời gian cầu nguyện khẩn thiết của chúng ta với việc ăn chay và khẩn cầu tới Chúa, tiến gần đến Chúa hơn bằng việc tách lìa chúng ta khỏi những thú vui trần tục, đặc biệt là việc ăn uống, cùng với sự vui thích của vẻ bề ngoài như trưng diện, làm đẹp với dầu và những thứ tương tự. Đó là ý nghĩa của tro: ăn năn tội.

Chúng ta hãy trở về với Thứ Tư Lễ Tro và chỉ chú ý đến biểu tượng của ngày đó, chú ý đến các bài đọc của ngày, ý nghĩa của nó lại càng đáng chú ý và mạnh mẽ hơn. Cho ngày thứ tư đó, bài đọc 1 từ Cựu Ước là từ sách Ngôn sứ Gioel 2:12-18.

Nếu bạn mở đến Sách Gioel với tôi, hàng năm vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội sẽ đọc những câu này và đây là lời công bố từ Ngôn sứ Gioel đến với dân Israel:

“Bấy giờ Chúa phán: Ngay cả lúc này, các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi? Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: “Chúa của chúng ở đâu?” Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.”

Tại sao đó lại là bài đọc chúng ta nghe mỗi năm cho Mùa Chay? Vì điều này rất quan trọng. Lý do chủ yếu: điều ngôn sứ Gioel diễn tả trong đoạn này là một việc ăn chay buộc, một ngày ăn chay cho toàn nước. Nói cách khác, một ngày ăn chay trịnh trọng với các thượng tế và ngôn sứ của Israel kêu gọi tất cả mọi người với nhau trong sự liên kết, cùng nhau trong việc ăn chay tập thể. Do đó, mọi người sẽ ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro như một biểu tượng từ cộng đoàn với nhau ăn năn sám hối vì chính tội của họ, nhưng cũng là để cầu khẩn cho tội của những người khác, xin Chúa thương xót đến một dân tộc tội lỗi.

Bạn có thể thấy ở đây là ngay từ thuở sách ngôn sứ Gioel, Chúa đã bày tỏ rất rõ ràng cho dân của Ngài là lý do chính yếu cho việc ăn chay và cách cầu nguyện này là để người dân quay trở về với Chúa.

Hãy lưu ý điều Chúa nói lúc ban đầu, “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van.” Đó là điều Chúa làm trong thời gian của ngôn sứ Gioel và đó cũng là điều Giáo Hội mời gọi chúng ta mỗi Mùa Chay. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để người ta quay trở về với Chúa. Đó là thời gian cho những người đã quên lãng đức tin một thời gian dài, đã không tham dự Thánh Lễ lâu năm, hoặc có thể họ có tham dự Thánh Lễ nhưng bị mắc vào cạm bẫy của tội, tội thường phạm,

Điều Giáo Hội làm vào thời gian ban đầu của Mùa Chay là lấy lời của ngôn sứ Gioel và tuyên bố lời ấy qua miệng lưỡi của mình đến với mọi người trong Giáo Hội, “Hãy quay trở về với Ta, trở lại với Ta,” với nước mắt, qua việc chay tịnh và than khóc trong ngày chay tịnh cả thể và nghiêm trọng này. Và mặc dầu Giáo Hội mời gọi chúng ta thực thi những dấu hiệu bên ngoài, Giáo Hội thực sự ước muốn điều gì? Giáo Hội muốn gì? Giáo Hội không chỉ muốn những dấu hiệu bên ngoài nhưng là sự sám hối nội tâm. Đó là lý do tại sao chúng ta có đoạn này, “Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi.” Đó không có nghĩa là Chúa không muốn người ta thực thi những dấu hiệu bên ngoài trong bối cảnh của câu trích, bạn có thể thấy Chúa vừa mới ra lệnh cho họ thực thi việc chay tịnh và mặc áo thô và than khóc.

Ý nghĩa của việc này là ngoài những dấu hiệu bên ngoài, điều Chúa thực sự muốn là dân Chúa xé mở tâm hồn của họ. Chúa muốn họ mở rộng tâm hồn trong tinh thần ăn năn sám hối cho tội của họ, để lìa bỏ đời sống tội lỗi và trở về với Chúa, yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn.

Để làm điều đó, một trong những điều chúng ta phải làm là dùng thân xác chúng ta để giúp chúng ta tập trung tâm hồn chúng ta vào Chúa vì chúng ta không là thiên thần. Chúng ta là thân xác và linh hồn trong một hợp thể. Vì thế, việc chay tịnh là cách rất mạnh mẽ để tách rời tâm trí chúng ta ra khỏi việc làm thân xác được thoải mái với việc ăn uống và để tâm trí chúng ta hướng về việc sám hối đền tội và gắn chặt sự tập trung vào Chúa.

Điều này rất đơn giản để thực thi. Nếu bạn đã từng ăn chay, bạn biết điều này, đặc biệt là nếu bạn không quen với việc nhịn ăn, chẳng hạn như nửa ngày và bạn đã quen với việc ăn vào mọi lúc, thân thể bạn sẽ nhanh chóng nhận ra bạn đã không cho nó ăn như bạn thường làm và nó sẽ kêu la, “Hey, cho tôi ăn. Cho tôi thức uống.” Và điều này đặt bạn trong một cảm giác, một trạng thái tỉnh thức.

Nếu bạn biết tại sao bạn ăn chay, “Tôi ăn chay vì hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro; tôi ăn chay vì Giáo Hội đưa ra luật ăn chay cho mọi người. Việc gì sẽ xảy ra? Suốt cả ngày, bạn sẽ nhớ mùa này là gì. Bạn nghĩ về những điều luật Giáo Hội đưa ra và đó là một sự nhắc nhở liên lỉ là bạn đang bắt đầu một thời gian mới của năm. Bạn đang bắt đầu thời gian đền tội, thời gian chay tịnh. Vì thế nó sẽ giúp bạn cầu nguyện. Nó giúp bạn tập trung. Nó giúp bạn duy trì trạng thái cầu nguyện, trạng thái tỉnh thức, sự tỉnh thức của tâm linh mà bạn sẽ không có nếu bạn chỉ sống một ngày bình thường: ăn sáng, sau đó là ăn vặt, rồi ăn trưa, ăn tối, v.v… Vì thế, ăn chay là một phương thế hữu hiệu để hợp nhất tâm hồn và thân xác của bạn bạn trong thời gian cầu nguyện, thời gian cầu nguyện khẩn thiết mà Giáo Hội kêu gọi chúng ta.

Người Do Thái đã làm điều này, không chỉ trong sách ngôn sứ Gioel, họ đã làm điều này mỗi năm. Mỗi năm họ có một ngày ăn chay buộc, nó được gọi là Yom Kippur: Ngày Xá Tội. Vào ngày đó, theo sách Lêvi 16, mỗi người Do Thái được kêu gọi để từ bỏ chính mình, họ sẽ kiêng ăn, uống, tắm rửa, không thực hiện bất kỳ việc xức dầu nào. Họ thậm chí sẽ kiêng quan hệ hôn nhân, để hoàn toàn chú tâm vào việc cầu nguyện và đền tội ngày đó. Vì vậy, đây là việc làm riêng của người Do Thái.

Ý tưởng là có một ngày mà mọi người ăn chay và một hình thức nào đó của việc cộng đoàn tụ họp lại với nhau, một việc ăn chay chung cho mọi người, mọi người đều nhìn thấy. Đó là Thứ Tư Lễ Tro. Ngày đó tương đương với Ngày Xá Tội thời Tân Ước. Đó là bài đọc thứ nhất của ngày Thứ Tư Lễ Tro. Bài đọc đó giải thích bản chất cộng đoàn của việc ăn chay.

Nếu người ta muốn biết, “Tại sao bạn lại cho mọi người biết bạn đang ăn chay?” Đó là vì như người Do Thái đã làm trong Cựu Ước, khi bạn có một ngày ăn chay tập thể, đây là một việc bên ngoài và người ta có thể nhìn thấy để mọi người có thể liên kết trong việc làm đó.

Tuy nhiên, đó không là ý nghĩa trọn vẹn của ngày Thứ Tư Lễ Tro. Thứ Tư Lễ Tro, mặc dù là một ngày ăn chay chung cho hết mọi người, cũng là ngày bắt đầu Mùa Chay. Và Mùa Chay không phải là ăn chay buộc cả mùa. Trong hiện tại, Mùa Chay là mùa ăn chay cá nhân, ăn chay cách kín đáo, cầu nguyện trong kín đáo và bố thí mà không cho ai biết. Vì thế, ngoài bài đọc từ Cựu Ước về toàn thể dân chúng ăn chay, Giáo Hội cũng muốn giúp chúng ta ghi nhớ rằng trong suốt Mùa Chay, chúng ta sẽ thực hiện việc cầu nguyện và những việc sùng kính Chúa một cách kín đáo nữa nên Giáo Hội đã đưa ra thêm một bài đọc nữa.

Bài đọc này là từ Bài Giảng Trên Núi. Phúc âm cho ngày là Mt 6:1-6 và Mt 6:16-18. Chúng ta hãy đọc đoạn Phúc Âm này và tự hỏi, “Tại sao Giáo hội lại đưa ra bài đọc này vào Thứ Tư Lễ Tro?” Và bạn sẽ tìm thấy ở đó một câu trả lời thực sự thú vị.

Đây là lời của Chúa Giêsu nói trong Bài giảng trên núi, Mt 6:  “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Chúng ta hãy ngừng ở đây và lưu ý đến điểm này: Tôi không bao giờ quên khi tôi nhận ra điểm này lần đầu tiên. Tôi nhớ một trong những người bạn không Công giáo tấn công tôi…không tấn công nhưng chỉ trích tôi, “Tại sao người Công giáo đi ngược lại với lời của Chúa Giêsu bằng việc bôi tro trên trán của mình để mọi người nhìn thấy trong khi Chúa nói hãy làm việc đó mà không cho ai biết? Bạn không biết những gì Kinh Thánh nói sao?”

Sau đó tôi tham dự Thứ Tư Lễ tro và nhận ra Giáo Hội không chỉ che dấu đoạn Kinh Thánh đó, Giáo Hội còn cho chúng ta nghe đoạn đó trong ngày Thứ Tư Lễ tro, chính là vì chúng ta sẽ bước vào Mùa Chay và Giáo Hội không muốn chúng ta nói cho mọi người biết việc đền tội của chúng ta là gì. Giáo Hội muốn chúng ta làm những việc công đức cách kín đáo.

Nghe xong tôi chỉ biết cười, “Chúng ta không chỉ dấu kín việc công đức và đây còn là bài đọc của ngày.” Nhưng chúng ta hãy tiếp tục và chú ý đến điều Chúa Giêsu nói. Ngài sẽ nêu ra ba việc thực hành công đức và Ngài sẽ dạy người ta cách để thực thi điều đó.

Câu hai: “Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

Điều thực hành thứ hai: “Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.”

Và hãy đi tới câu 16, việc thực hành thứ ba: “Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, "sẽ trả công cho con”. Kết thúc bài đọc từ Phúc Âm.

Vậy tại sao Giáo Hội chọn bài đọc Phúc Âm này cho Thứ Tư Lễ Tro? Cho phép tôi đưa ra vài điểm chủ yếu.

Điểm thứ nhất: Như tôi đã nói và tôi sẽ nói lại lần nữa. Thứ Tư Lễ Tro là ngày bắt đầu Mùa Chay. Một trong những điều chúng ta sẽ làm trong Mùa Chay là những việc sám hối cá nhân. Giáo hội làm rõ ràng bằng việc nhắc nhở chúng ta về lời khuyên nhủ của Chúa Giêsu: Đừng “làm việc công đức,”đó là từ Hy Lạp. Chúa Giêsu nói, “Đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy.”

Một trong những cám dỗ khi làm việc sùng kính như cầu nguyện, ăn chay là chúng ta trở nên kiêu căng về đời sống tâm linh của mình và chúng ta muốn nói cho người khác nghe để chúng ta cảm thấy mình thánh thiện, đạo đức hoặc đáng được người khác kính nể. Chúa Giêsu biết đó là cơn cám dỗ để kiêu ngạo về đời sống thiêng liêng nên Ngài chặn đứng nó và nói, “Khi làm những việc này, đừng phô trương công đức để được người khác nhìn thấy.” Chúa nói, “Thầy muốn các con làm nó trong bí mật.”

Hãy chú ý đến điểm này vì điểm này thì quan trọng. Mặc dù Chúa Giêsu nói chúng ta đừng làm để phô trương nó, Chúa không bảo chúng ta đừng làm. Ngài vẫn dạy chúng ta hãy thực thi những điều đó.

Thật ra, chỉ có ba việc thao luyện thiêng liêng, ba thực tập tâm linh Chúa Giêsu trong Bài giảng trên núi đã truyền dạy. Vậy chúng ta hãy kỹ càng xem xét.

Trước hết, Chúa nói về việc bố thí. Hãy chú ý đến điểm này. Ngài nói “Khi các con bố thí,” Chúa không nói “nếu” các con bố thí. Điều này thì quan trọng. Vậy bố thí là gì? Bố thí là trao ban tiền của hoặc quần áo, hoặc thứ của cải nào đó cho kẻ nghèo, cho những người bần túng hoặc cho Giáo Hội. Nên trong thế ký thứ nhất, người ta có thế cúng tiền vào Đền Thờ hoặc cho kẻ nghèo.

Và đây là điểm chính yếu: Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài hãy là những kẻ bố thí thường xuyên. Ngài muốn các môn đệ của Ngài là những kẻ thường xuyên chứ không chỉ là đôi khi giúp đỡ người nghèo. Lệnh Ngài đưa ra là, “Hãy làm trong bí mật… đừng để tay trái biết việc tay phải làm” và phần thưởng của các con sẽ là từ Cha các con trên trời chứ không là từ lời khen ngợi của kẻ khác.

Điều thứ hai, cầu nguyện. Hãy chú ý đến điều này: Chúa Giêsu không nói “nếu” các con cầu nguyện, Ngài nói, “khi” con cầu nguyện. Vì thế, Ngài đòi hỏi các môn đệ của Ngài là những người thường xuyên cầu nguyện, không chỉ thỉnh thoảng cầu nguyện mà là thường xuyên.

Trong thế giới chúng ta hôm nay, người ta dễ bị lôi cuốn để nói, “Tôi tin vào Chúa Giêsu.” “Ồ, tuyệt quá. Bạn có thường xuyên cầu nguyện không?" "Thỉnh thoảng."

Không, không. Để là môn đệ của Chúa Giêsu bạn cần là người thường xuyên cầu nguyện. Và đây là điều Chúa Giêsu nói, “Đừng chỉ cầu nguyện nơi công cộng, chẳng hạn như trong Thánh Lễ. Bạn cần cầu nguyện nơi bí ẩn; trong nhà của bạn, một mình.” Đi vào trong phòng nội tâm của bạn, và đó là nghĩa đen của từ Hy Lạp, cầu nguyện lên Cha các con Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con. Đó là việc cầu nguyện.

Điểm thứ ba và cuối cùng: ăn chay. Điều này thực sự quan trọng trong thời đại của chúng ta, bởi vì việc chay tịnh không được đón nhận. Chúa Giêsu nói, “Khi các con ăn chay” chứ không là “nếu” các con ăn chay. Vì thế, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của mình thường xuyên ăn chay. Điều đó nghĩa là gì? Ăn chay là gì?

Thật là chúng ta có thể làm một video chỉ về việc ăn chay. Ăn chay là một thực hành từ Kinh Thánh. Bạn sẽ thấy trong suốt Cựu Ước và bạn cũng thấy nó trong Tân Ước. Ý nghĩa cơ bản của việc ăn chay, tôi chỉ muốn nói tổng quát, là kiêng cử thức ăn và thức uống. Nó có các hình thức khác nhau. Đôi khi đó là kiêng thức ăn và thức uống; đôi khi chỉ kiêng thức ăn. Nhưng theo truyền thống của Giáo hội, như trong quy luật của Thánh Benêdictô, và bạn nhìn vào lịch sử của Giáo hội, ý nghĩa thông thường của việc ăn chay sẽ là kiêng cử thức ăn và thức uống mãi cho đến buổi tối. Sẽ chỉ có một bữa ăn mỗi ngày và thường là một bữa ăn rất đơn giản. Vì vậy, các tu sĩ như các tu sĩ của Thánh Benêdictô, sẽ không ăn uống cả ngày cho đến buổi chiều. Khi chiều đến, họ sẽ ăn một bữa nhỏ.

Người Do thái trong thế kỷ thứ nhất cũng thực hành điều này. Chúng ta biết từ Phúc Âm Chúa Giêsu nói các kinh sư và những người Pharisêu ăn chay hai lần một tuần. Chúng ta cũng biết người ta biết các môn đệ của Gioan Tẩy Giả ăn chay. Thật vậy, đây là một việc phổ biến đến mức khi có lần người ta thấy các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay, họ nói rằng “Hey, sao môn đệ của ông không ăn chay như các môn đệ của Pharisêu và Gioan?” Và Chúa Giêsu cho họ biết lý do của Ngài. Chúa nói, “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, ý là chính Ngài, ngày đó họ mới ăn chay.” Hoặc “Họ sẽ ăn chay trong những ngày đó.”

Chúa Giêsu dự đoán rằng rằng sau cuộc khổ nạn và chịu chết, các môn đệ sẽ ăn chay. Trong Giáo hội sơ khai, nó trở thành truyền thống để các Kitô hữu nhịn ăn hai lần một tuần. Thông thường họ sẽ làm điều đó, theo sự tôn kính cổ xưa nhất, là vào thứ Tư và thứ Sáu. Đó là những ngày ăn chay theo truyền thống.

Vì vậy, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình ăn chay và Ngài nói, “Khi anh thực hiện việc ăn chay kín đáo và thường xuyên điều này khác với một ngày ăn chay chung cho hết cả mọi người như Ngày Xá Tội, hoặc cho chúng ta vào Thứ Tư Lễ Tro hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh khi anh ăn chay riêng, đừng cho ai biết anh ăn chay. Hãy giữ bí mật. Rửa mặt cho sạch, xức dầu cho thơm để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Vậy tại sao Giáo hội đưa ra bài Phúc Âm này? Có hai điều quan trọng.

Trước hết, và đây có lẽ là điều quan trọng nhất, nó cho chúng ta biết rằng Mùa Chay không là về, bạn hãy nghe tôi, Mùa Chay không là về việc kiêng cử. Trong thời đại của chúng ta, hầu hết người ta đã biến Mùa Chay thành mùa kiêng cử.

Kiêng cử nghĩa là gì? Kiêng cử có nghĩa là kiêng ăn hoặc thịt hoặc sản phẩm có sữa hoặc thậm chí chỉ từ bỏ một việc gì đó bạn thích. Vì thế, “Tôi sẽ từ bỏ sô cô la. Tôi sẽ không ăn sô cô la. Tôi sẽ kiêng uống cà phê.” Đây là những điều khá thông thường. Hoặc “Tôi sẽ kiêng ăn đồ ngọt hoặc kem,” và bất cứ điều gì khác. Tôi sẽ kiêng sự đó cho 40 ngày của Mùa Chay. Thật tuyệt vời. Rất tốt.

Những điều đó có thể thực sự là những sự hy sinh quan trọng và mạnh mẽ, nhưng chúng ta không muốn hạ mùa Chay xuống để nó trở thành chỉ là những việc kiêng cử cho đời sống thiêng liêng. Đó không bao giờ là truyền thống của Giáo hội

Qua nhiều thế kỷ, đoạn này từ Bài giảng trên núi đã được nối kết với Mùa Chay vì Mùa Chay đã luôn là mùa có ba thực tập cho đời sống tâm linh. Không chỉ kiêng cử, nhưng là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Ý tưởng là trong mùa Chay, bạn sẽ cầu nguyện nhiều hơn, tăng mức độ việc ăn chay và mức độ bố thí thường xuyên hơn nữa để nó sẽ là mùa thanh tẩy tâm linh đặc biệt mãnh liệt, của việc thanh luyện ăn năn sám hối và hy sinh, dâng hiến những hy sinh nho nhỏ vì yêu Chúa.

Lý do chúng ta làm điều này trong Mùa Chay là vì Chúa Giêsu, cách nào đó đã thực hiện nó trong Mùa Chay. Khi nào? Bạn có thể nghĩ, “Anh ta nói gì vậy?” Tôi đang nói về việc Chúa Giêsu trong sa mạc.

Nếu bạn đọc Phúc Âm thánh Mátthêu chương 4, Chúa Giêsu đi vào sa mạc và ở đó ma quỷ cám dỗ Ngài qua ba cám dỗ: biến những hòn đá thành bánh, chiếm hữu hết mọi vương quốc trên thế gian và chứng tỏ cho mọi người thấy Ngài là Đấng Mêsia bằng việc nhảy xuống từ Đền Thờ và sẽ có các thiên thần tay đỡ tay nâng Ngài. Tôi không có đủ thời gian để đi vào chi tiết nhưng tôi đã trình bày ở nơi khác, trong những bài diễn thuyết và video khác rằng điều Chúa Giêsu làm ở đây là Ngài tháo gỡ, cứu chuộc ba cơn cám dỗ trong Vườn Địa Đàng.

Nếu chúng ta quay trở lại với sách Sáng Thể, ở đó chúng ta đọc Ađam và Evà ăn trái của cây biết lành biết dữ vì nó ăn thì ngon, điều Thánh Gioan gọi là dục vọng của tính xác thịt, làm vui thích vì nó trông thì đẹp mắt điều thánh Gioan gọi là dục vọng của đôi mắt, ước muốn để chiếm hữu nó, và cuối cùng nó làm cho được tinh khôn điều thánh Gioan trong thư I Gioan 2 gọi là “kiêu ngạo về cuộc sống vật chất.”

Ba cám dỗ này tất cả chúng ta đều phải đối mặt: thú vui, chiếm hữu và kiêu căng. Một số người gọi nó là “Bộ ba kinh dị”: tiền của, tình dục và quyền lực. Ba cám dỗ này là gốc rễ của mọi tội lỗi.

Điều Chúa Giêsu làm là Ngài đi vào sa mạc 40 đêm ngày và Ngài chiến đấu với ba cám dỗ đó: cám dỗ để có khoái lạc; cám dỗ để chiếm hữu: hãy nghĩ về cơn đói của Ngài, để sở hữu tất cả vương quốc của thế giới; và cám dỗ để kiêu căng, phù phiếm, để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa. Không giống Adam đã sa vào từng cơn cám dỗ, Chúa Giêsu khắc phục được dục vọng của xác thịt, Chúa Giêsu vượt thắng dục vọng của đôi mắt và Chúa Giêsu vượt qua cám dỗ để kiêu hãnh với sự khiêm nhường.

Vì thế, điều Ngài mời gọi chúng ta làm trong Mùa Chay là chiến đấu chống lại cùng những khó khăn đó và vượt thắng cùng ba cám dỗ đó.

Vậy trong 40 ngày, Giáo hội làm gì? Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay. Tại sao? Để vượt qua sự gắn bó rối loạn của chúng ta với niềm vui thể chất. Trong 40 ngày, Giáo hội kêu gọi chúng ta tăng cường việc bố thí. Vì sao? Để vượt qua sự gắn bó rối loạn của chúng ta với tài sản, tiền bạc, và vật chất.

Cuối cùng, trong 40 ngày, Giáo hội kêu gọi chúng ta tăng cường việc cầu nguyện. Tại sao? Để vượt qua sự tự yêu bản thân cách rối loạn, sự phù phiếm, sự kiêu căng của chúng ta và để thay thế sự kiêu căng đó bằng ơn khiêm nhường ngày càng được tăng lên.

Vì vậy, ba kỷ luật tâm linh này là ý nghĩa nòng cốt của việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, điều chúng ta cần làm vào Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta nên lập ra kế hoạch, lập ra một chương trình cho mình. Làm thế nào trong Mùa Chay này, tôi sẽ cầu nguyện nhiều hơn, ăn chay nhiều hơn nữa và bố thí cho người nghèo, để tôi ngày càng có khả năng vượt thắng dục vọng của xác thịt, dục vọng của con mắt, kiêu hãnh về cuộc sống vật chất, ba xu hướng của dục vọng mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt với.

Khi chúng ta thực thi những điều đó, chúng ta sẽ thấy Mùa Chay trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều, mạnh mẽ hơn, tràn đầy ân sủng hơn là, “Tôi sẽ cố gắng giảm cân năm nay, vì vậy tôi sẽ từ bỏ kem.” Hay, “Tôi sẽ tập thể thao thêm nhiều hơn trong năm nay.” Hay “Tôi sẽ từ bỏ việc uống rượu bia,” và bất cứ điều gì khác. Những điều đó đều là quan trọng và chúng có thể là một phần của việc ăn chay, nhưng việc thường xuyên ăn chay, thường xuyên bố thí và thường xuyên cầu nguyện, tăng cường cả ba điều đó thực sự là điều mà Mùa Chay là và đó là lý do tại sao Giáo hội đưa ra cho chúng ta bài đọc Phúc Âm này. Tất cả những điều này là những khái niệm rất là Do Thái, rất là Kinh thánh.

Để kết thúc, tôi chỉ muốn nói đến bài đọc thứ hai cho ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Bài đọc này là từ II Corinthians 5:20: “Chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa.” Rồi tiếp tục, “Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát.” Tại sao Giáo Hội đọc bài này trong ngày đầu tiên của Mùa Chay? Vì Giáo Hội muốn nói, “Đừng chờ đợi để ăn năn.” Nếu bạn chờ nhiều năm để trở lại với Giáo Hội, khi nào là lúc bạn sẽ làm điều đó? Đây là lúc để làm.

Nếu bạn lâu năm đã chưa đi xưng tội, nếu bạn đã chưa đến tòa giải tội năm này, nếu bạn đã chưa đi xưng tội 10 năm rồi, khi nào là lúc đề đến tòa giải tội? Đây là lúc để làm. Đây là ngày cứu thoát. Đây là lúc để được hòa giải với Chúa.

Trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2042, Giáo hội nói với chúng ta, một trong những giới luật của Giáo Hội là chúng ta phải đi xưng tội ít nhất là một năm một lần. Vì thế nếu bạn chưa đến tòa giải tội và hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, đây là thời gian đó. Hãy đi xưng tội và được hòa giải với Chúa. Hãy bắt đầu chuẩn bị bản thân cho lúc này và mùa này, mùa cầu nguyện, ăn chay và bố thí, lúc mà chúng ta sẽ bước vào mầu nhiệm Chúa Giêsu đi vào sa mạc và trong 40 đêm ngày, chiến đấu với Chúa bên cạnh chúng ta và ân sủng của Ngài, để chúng ta được lớn lên trong sự thánh thiện lớn lên trong việc yêu mến Chúa. Nhờ đó, Cha chúng ta, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, hết mọi điều chúng ta làm trong bí mật, sẽ trả ơn cho chúng ta với món quà vĩ đại của sự sống đời đời và của sự phục sinh mà chúng ta sẽ chúc mừng trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Share: