Cha Vincent Lampert là linh mục trừ quỷ của Địa phận Indianapolis. Cha đã xuất bản sách, diễn thuyết nhiều nơi không để chúng ta “sợ Satan mà là để giúp người ta hiểu sâu hơn về sức mạnh cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến và đánh bại ma quỷ.”[1]
Ad không dịch video này để chúng ta bị ám ảnh về ma quỷ mà là cảm thấy đức tin Kitô giáo thật mạnh mẽ biết bao và chúng ta phải lấy làm nghiêm trong việc sống đời sống đức tin, việc lãnh nhận các bí tích: xưng tội thường xuyên, tham dự Thánh lễ cùng với việc chuẩn bị tâm hồn để rước lễ. Cha Gabriele Amorth, nhà trừ quỷ của Rôma thường được trích là đã nói, “một lần xưng tội cách chân thành thì mạnh hơn cả việc trừ quỷ.”
Khi bạn sống đời đức tin của mình và siêng năng lãnh nhận các bí tích, bạn sẽ được bảo vệ cách mạnh mẽ khỏi mọi yếm bùa, nguyền rủa… các tất cả các thứ đó. Vì ma quỷ phải sợ Thiên Chúa nơi bạn hơn là bạn cần sợ nó.
Trong khi chúng ta sợ hãi về những hiện tượng quỷ nhập, chúng ta lại không chút sợ hãi về việc ma quỷ len lỏi và làm hại đời sống chúng ta qua việc nói hành, nói xấu, thù ghét, chửi bới nhau, coi trọng cuộc nói chuyện với bạn bè, đi chơi, đi nghỉ hơn là việc tham dự Thánh Lễ... Ma quỷ không thích biểu hiện qua việc quỷ nhập vì chúng ta thấy nó xấu xí, ghê tởm, rợn rùng. Nó thích ẩn trốn trong những việc chúng ta ưa thích, những thói quen xấu làm chúng ta lơ là về đời sống đức tin.
Cha Vincent Lampert trong cuốn sách cũng có viết, “Những trường hợp quỷ nhập thật thì hiếm—chúng có thật—chúng thực sự xảy ra—nhưng không quá thường hằng. Có lẽ một trong 5000 trường hợp [có liên quan đến quỷ] là trường hợp quỷ nhập thật. Hầu hết các trường hợp tôi phải đối phó có liên quan đến quỷ phá, hành hạ và ám ảnh / infestation, vexation, and obsession”[2]
Nhưng còn bao nhiêu việc nó làm trong đời sống hằng ngày mà chúng ta không bao giờ đem tới tòa giải tội để được Chúa rửa sạch, chữa lành và ban sức mạnh để ta đuổi nó ra khỏi đời mình ngày càng mạnh mẽ hơn nhờ được giống Chúa hơn.
Lời từ video:
Đâu là những cách thức chủ yếu người ta để cho ma quỷ có chỗ đứng trong đời sống của họ? Sự thật là nếu chúng ta đang sống đời sống đức tin như những người Công Giáo: cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích thì cũng đủ khiến ma quỷ bỏ chạy rồi. Chúng ta không có gì phải lo sợ. Nhưng khi người ta không sống đời sống Đức Tin của mình thì đó là lúc ma quỷ có thể tìm cách xâm nhập.
Trong 15 năm khi tôi thực hiện tác vụ trừ quỷ này, có vô số cách thức mà mọi người bị rơi vào cạm bẫy ma quỷ đặt ra. Nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn 8 cách chủ yếu mà tôi thấy được người ta mở ra cánh cửa cho ma quỷ đi vào đời sống của họ. Và những điều này không theo bất kỳ sắp xếp cụ thể nào.
1. Đó là những liên kết với điều huyền bí. Từ “occult /huyền bí” xuất phát từ tiếng La tinh “occultus” có nghĩa là giấu kín hoặc bí mật. Nó tập trung vào kiến thức huyền bí. Căn nguyên cơ bản của nó là vì người ta muốn nhìn thoáng tới tương lai. Nó liên quan đến những thứ như: đọc chỉ tay, người trung gian, cầu cơ, bài tarot, đi tìm người ngoại cảm (ông đồng bà cốt) hoặc người trung gian, thực hành yoga, reiki, sử dụng các đá tinh thể, sử dụng ma thuật (magic).
Tất cả các ma thuật vốn dĩ thuộc về ma quỷ. Tôi không có ý nói những thủ thuật như trò ảo thuật với các lá bài, nhưng “ma thuật” theo nghĩa thực của từ này bắt nguồn từ ma quỷ. Có những thứ như xem tử vi/cung hoàng đạo, những thứ này có vẻ như chỉ mang tính giải trí và cho vui nhưng điều đó không có nghĩa là ma quỷ không sử dụng nó một cách rất tinh vi hòng cố gắng chiếm được chỗ đứng trong cuộc sống của chúng ta.
Tôi chưa đề cập đến việc thực hành gõ vào gỗ (knocking on wood). Đừng giơ tay. Có ai đã từng gõ vào gỗ chưa? Bạn có biết tập tục này bắt nguồn từ đâu không? Nó là một tục lệ của một nhóm thuật sĩ, họ tin rằng có các thần sống trong cây. Khi bạn gõ vào cây, bạn đang cầu viện những thần sống trong cây đến giúp đỡ bạn và đáp ứng lời bạn cầu xin. Nếu bạn đã làm điều đó, tôi không nói rằng bạn bị quỷ ám nên đừng lo lắng về điều đó. Tôi chỉ đưa ra như một ví dụ về cách những thứ có liên quan đến điều huyền bí có thể trở nên phổ biến đến mức chúng ta thậm chí không suy nghĩ về ý nghĩa của chúng, hoặc về những gì chúng ta đang làm.
Chắc chắn là Phép phù thủy/ma thuật thuộc về lĩnh vực huyền bí. Tất cả những thực hành này đều bị lên án vì chúng là một hình thức thờ ngẫu tượng, vi phạm điều răn thứ I trong Mười Điều Răn khi Chúa phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.”
Khi người ta tìm đến những điều huyền bí, họ đang tìm kiếm một vị thần thay thế cho Thiên Chúa. Chúng ta thậm chí có thể đọc trong chương 18 của sách Đệ Nhị Luật câu 10, 11 và 12; "Giữa anh em không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn." Các linh mục trừ quỷ sẽ nói cho bạn biết những người ngoại cảm và làm trung gian không có quyền năng nào trong khi họ nói rằng họ có. Hoặc là họ biết quyền lực của ma quỷ đang hoạt động qua họ, hoặc họ bị lừa bịp bởi chính ma quỷ đang hoạt động trong họ để họ tin rằng quyền năng có ở trong họ.
Không ai biết được tương lai trừ một mình Chúa mà thôi (Vì lời cầu nguyện của bạn có thể thay đổi tình huống *người dịch). Ma quỷ rất nhanh nhạy, nó có thể sử dụng lý lẽ suy luận, nó có thể theo dõi và quan sát chúng ta để suy đoán chúng ta đang nghĩ gì hoặc cách chúng ta hành động. Nhưng tôi nhấn mạnh, đó chỉ là phỏng đoán mà thôi. Chỉ một mình Chúa biết tương lai. Và mọi người cần nhận ra rằng chúng ta không thể sử dụng ma quỷ cho lợi ích riêng của mình vì cuối cùng ma quỷ sẽ dùng chúng ta. Cùng đích của ma quỷ là nó muốn cuộc sống chúng ta trở thành hư vô, chỉ còn là một mớ các mảnh vỡ vụn.
2. Cách thứ hai mà người ta có thể mở cửa để ma quỷ đi vào là thông qua ngành công nghiệp giải trí: phim ảnh, truyền hình thực tế, tác phẩm truyện, trò chơi và các dụng cụ điện tử. Trẻ em ngày nay lớn lên trước màn hình, khiến các em bị cô lập và không thuộc về cộng đồng. Khi bạn đi đến nơi nào đó và có một nhóm người gặp gỡ nhau, phần lớn thời gian, họ có tương tác với nhau không? Hay họ chỉ nhìn vào thiết bị của chính mình? Vì thế, chúng ta đang bỏ lỡ ý thức về tính tập thể, cộng đồng.
Chúa Giêsu đã đến và lập nên Giáo hội. Giáo hội là từ mà nghĩa của nó là Cộng đoàn, cộng đồng. Mục đích của ma quỷ là cô lập chúng ta để chúng ta chỉ còn là một tập hợp của những cá nhân bị mắc kẹt trong thế giới nhỏ bé của riêng mình và sống theo ba nguyên tắc: Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn; Không ai có quyền chỉ huy tôi và tôi là chúa của mình.
Nếu bạn nghĩ về một số loại văn học, người ta quảng cáo việc trở thành một phù thủy hoặc thầy pháp giống như có một địa vị quyền lực, thứ xấu xa được người ta giới thiệu như một điều gì đó tốt, những thứ thuộc về ma quỷ không bị người ta xem như một thứ gì xấu xa.
Lời nguyền rủa, câu thần chú, thuật giả kim, thuật gọi hồn được người ta giới thiệu như những điều tốt đẹp. Chúng ta cần nhận ra rằng những cuốn sách về ma thuật có bản chất là giảng dạy, mục đích là dạy cho những người trẻ của chúng ta một thông điệp, thông điệp này đương nhiên không phù hợp với việc gầy dựng một mối tương quan chân thực và đúng nghĩa với Chúa.
Chỉ cần dừng một chút để xem xét trong các trường công lập của chúng ta, bạn có thể tìm thấy sách gì ở đó? Sách về phép ma thuật và các thứ liên quan nhưng bạn sẽ không thể tìm thấy cuốn Kinh Thánh. Kinh Thánh đã bị cấm nhưng sách văn học liên quan đến việc tôn vinh cái ác thì được vui mừng đón nhận [vào thư viện] hơn.
3. Cánh cửa thứ ba của ma quỷ là qua lời nguyền rủa. Lời nguyền rủa thì đối lập với lời chúc phúc. Khi một vật gì được làm phép/chúc lành, nó được gửi gắm đến với Chúa. Khi một vật gì bị nguyền rủa, nó được cống hiến cho ma quỷ hoặc một thần ác nào đó. Vì thế, nguyền rủa ai đó là tìm cách làm hại họ cùng với sự giúp sức từ Satan hoặc một trong những đám quỷ của hắn.
Lời nguyền rủa chỉ hiệu nghiệm khi đời sống đức tin của bạn yếu ớt. Chúng ta không thể kiểm soát điều gì người khác gây ra cho chúng ta. Họ có thể muốn chúng ta gặp rủi ro, họ có thể tham gia vào những hành vi, nghi thức huyền bí, tìm cách để ám hại chúng ta qua lời nguyền rủa và các thứ. Chúng ta không thể kiểm soát được họ nhưng chúng ta có thể bảo đảm chúng ta có một đời sống tâm linh vững chắc.
Trong thư gửi tín hữu Êphêsô 6:10 nói, Chúng ta hãy mặc toàn bộ binh giáp vũ khí của Chúa Kitô. Chúng ta nghĩ đến Thánh vịnh 91: “Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày.” Tại sao? Vì chúng ta đang bảo vệ chính mình bằng Ân sủng của Chúa. Tôi muốn nói rõ, những lời nguyền rủa chỉ có hiệu nghiệm khi chúng ta yếu ớt trong Đức Tin.
Nếu chúng ta tin rằng chúng ta đang bị nguyền rủa thì giải pháp của chúng ta là chúng ta cần phải tăng trưởng trong mối tương quan với Chúa Kitô.
4. Cửa thứ tư ma quỷ đi vào là khi người ấy được dâng hiến cho quỷ. Giáo hội dạy không ai ở dưới độ tuổi có lý trí có thể tự đem sự dữ đến cho chính mình. Nếu người chưa đến tuổi có lý trí đang phải đối mặt với ma quỷ tức là có người nào đó đang có quyền trên những đứa trẻ đó, chẳng hạn như cha mẹ hoặc người giám hộ, họ chịu trách nhiệm cho việc đó. Tuổi có lý trí là tuổi nào? Bảy tuổi, đó cũng là lúc một đứa trẻ được xưng tội và rước lễ lần đầu.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Trong số 40 cuộc trừ quỷ, có một phụ nữ trẻ. Cô ấy chia sẻ câu chuyện rằng khi cô ấy được sinh ra, mẹ cô ấy đã hiến dâng cô ấy cho Satan vì mẹ cô ấy không muốn có cô. Bà đã tìm cách phá thai. Việc phá thai không thành và cô được sinh ra. Mẹ cô đổ lỗi cho Chúa là đã cho bà một đứa con bà không muốn và bà muốn trả thù Chúa bằng việc hiến dâng đứa bé cho Satan. Trong suốt 12 năm đầu tiên của cuộc đời, cô đã trải qua tất cả các thứ nghi lễ thờ phượng Satan và lạm dụng tình dục. Khi cô 12 tuổi, cô bỏ nhà chạy trốn và rốt cục là trở thành kẻ vô gia cư trên đường phố Rôma. Khi cô 18 tuổi, cô tìm gặp vị linh mục đang huấn luyện tôi và sau đó vị linh mục đó bắt đầu làm buổi cầu nguyện trừ quỷ cho cô. Tin mừng về cô gái trẻ này là cô đã hoàn toàn tự do, cô tiếp tục dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và bây giờ là một nữ tu dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ những trẻ em sống vô gia cư trên đường phố ở Rôma.
Đó là một câu chuyện tuyệt vời và đầy mạnh mẽ vì nó nhắc nhở chúng ta rằng không một ai bị hư mất đối với Lòng Thương Xót và Ân Sủng Chúa. Nếu chúng ta muốn được tìm thấy, Chúa sẽ tìm thấy chúng ta. Tất cả chúng ta đều có ý chí tự do, nhưng chúng ta phải muốn được tìm thấy. Cô gái trẻ này muốn được tìm thấy và kết quả là cô ấy đã được cảm nếm tự do. Ngay cả khi ai đó bị quỷ nhập, nơi người ấy vẫn còn phần nào đó là ý chí tự do và phần tự do còn lại đó có thể cầu viện đến sự trợ giúp từ Giáo hội.
5. Cửa thứ năm là lạm dụng [tình dục]. Điều này tạo nên những vết thương cảm xúc mà có thể khiến một người tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chốn sai lầm.
Một trong những buổi trừ quỷ tôi thực hiện gần đây là một người phụ nữ lớn lên ở Mexico, cha bà bắt đầu cưỡng hiếp bà khi bà mới 7 tuổi. Bà chia sẻ với tôi câu chuyện này, khóc, và nói việc này kéo dài hơn 5 năm. Khi bà ấy 12 tuổi, ông bố chuyển chú ý sang em gái bà. Bà chia sẻ câu chuyện đời bà với tôi, khóc, nhìn tôi và hỏi, “Cha có thể giúp tôi không?” Tôi nhìn vào bà và nói, “Chúa Giêsu sẽ giúp bà.”
Ngay khi tôi nói lời đó, tròng mắt bà chuyển thành màu xanh lá cây, con ngươi xếch lên như con rắn và một giọng nói phát ra từ miệng bà, “Ông ấy là ai? Ông ấy không có quyền gì trên chúng tôi.” Người bạn cùng đi với bà, nhảy qua bàn để tránh xa khỏi bà. Người linh mục vừa mới được thụ phong, cha phụ tá của giáo xứ quỳ sụp gối và bắt đầu lẩm bẩm liên tục Kinh Kính Mừng như một khẩu súng máy. Linh mục ấy run rẩy quá sức làm tôi nhớ lại những ngày đầu tiên của mình. Tôi lập tức đứng dậy và đặt tay lên đầu người đó, bắt đầu cầu nguyện. Con quỷ ngước lên nhìn tôi bằng cặp mắt xanh lục và nói, “Mày không đuổi được chúng tao đâu. Chúng tao đã ở đây lâu lắm rồi. Mày không đủ mạnh.” Tôi thò tay vào túi lấy nước thánh ra và nói lời chúc lành trên bà. Một tiếng thét kinh hồn và con quỷ gục xuống đất, van xin tôi ngừng cầu nguyện và ngừng sử dụng nước thánh. Chúng tôi kết thúc buổi cầu nguyện đó.
Thật quan trọng khi cần phải luôn chuẩn bị trước. Trước khi thực hiện việc trừ quỷ theo nghi thức chính thức, tôi cần chuẩn bị bản thân. Tôi sẽ cử hành Thánh Lễ, dành thời gian cầu nguyện, xưng tội, xác định buổi trừ quỷ sẽ xảy ra ở đâu, xác định những ai sẽ hiện diện. Không có chuyện như buổi tham quan trừ quỷ, không ai có mặt ở đó vì tò mò. Những người khác hiện diện ở đó là để cầu nguyện.
Một tuần sau đó, tôi sắp đặt một nhà nguyện cho việc trừ quỷ. Tất cả chúng tôi hiện diện và cầu nguyện. Ngay khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện thì một lần nữa là đôi mắt xanh, con ngươi mắt như của rắn, con quỷ cười và chế nhạo tôi. Sau 45 phút cầu nguyện, tôi đọc lời cầu nguyện thổi hơi, cầu khẩn đến Chúa Thánh Thần. Đó là một phần của nghi thức, khi linh mục trừ tà thở hơi vào mặt của người bị quỷ nhập, kêu cầu đến Chúa Thánh Thần. Nó gợi lại cảnh Chúa Giêsu thở hơi vào các tông đồ nói, “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.” Tôi chỉ thổi rất nhẹ, nhưng bạn có thể tưởng tượng người đó như thể bị một cơn gió cuồng phong đập vào bà đang ngồi trên ghế, chiếc ghế bay ra đàng sau, va vào tường. Người đó văng ra khỏi chiếc ghế. Một tiếng hét lên và người ấy gục xuống sàn nhà. Sau đó tôi và một vị linh mục khác nhấc người đó lên, và người phụ nữ lúc này mặt tươi vui, rạng rỡ như mặt trời. Mọi biểu hiện của ác thần hoàn toàn biến mất.
Nó nhắc chúng ta nhớ lại các tường thuật trong Kinh Thánh, ma quỷ sẽ hét lớn tiếng ngay trước khi ra khỏi người ấy.
6. Cánh cửa thứ sáu là một lối sống theo thói quen tội lỗi. Thế giới chúng ta hôm nay đã mất đi ý thức về tội. Có quá nhiều hành vi nghiện ngập đến nỗi con người tìm cách biện minh cho nó.
Chúa muốn chúng ta trở nên hoàn hảo nhưng Ngài biết chắc rằng chúng ta sẽ phạm tội nên Ngài muốn chúng ta làm gì? Ngài muốn chúng ta thú nhận tội của mình. Đó là lý do tại sao Cha Amorth thường nói rằng một lần xưng tội cách chân thành thì mạnh hơn cả việc trừ quỷ. Bởi vì khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình, chúng ta đặt chúng vào bàn tay Chúa và khi chúng ta đặt nó vào bàn tay Chúa, ma quỷ, kẻ tố cáo chúng ta, không còn có thể sử dụng những tội lỗi này để chống lại chúng ta nữa. Vì thế, cửa vào là lối sống theo thói quen tội lỗi.
7. Cửa vào thứ bảy là mời mọc một con quỷ đi vào cuộc sống của bạn. Điểm này có vẻ điên rồ. Một trong những ca trừ quỷ tôi đã thực hiện ở Tổng giáo phận Indianapolis là một người đã nói với tôi, họ nghĩ rằng người bạn của họ đã bị quỷ nhập nên họ đến gặp bạn của họ. Một người bạn nhìn vào mắt anh ta và nói, “Bất cứ điều gì đang ở trong anh, tôi sẵn sàng chào đón nó đến trong tôi." Một ý thức bác ái sai lầm. Ngay khi bà ấy thốt ra lời đó, bà nói có thứ gì đi vào người bà.
Suốt 12 năm, có những biểu hiện của ma quỷ nơi bà. Trên con đường đến nhà thờ, trong khi trừ quỷ cho bà, có bảy con quỷ trong bà nêu tên chúng ra. Mỗi khi ai đó thực sự bị quỷ nhập vào, thường có tới một đám quỷ và giữa chúng có một phẩm trật. Thường có một tên quỷ là mạnh hơn những tên khác.
Khi các thiên thần sa ngã, chúng rơi xuống từ cả 9 phẩm thiên thần nên có một hệ thống phân cấp trong thế giới ma quỷ. Nếu bạn nhớ lại những lời tường thuật từ Phúc Âm về những người bị quỷ ám, chúng luôn quay trở lại và nói “Ông có liên can gì tới chúng tôi? ‘Chúng tôi.’ Tôi biết ông là ai.” Bạn thấy việc đi từ ngôi số ít đến số nhiều. Khi một người bị quỷ ám, thường không là chỉ một con quỷ nhưng là nhiều quỷ và con quỷ mạnh nhất sẽ rời sau cùng. Có một con quỷ bảo tôi tên nó là con giao long/ Leviathan và nó sẽ không đi đâu cả vì nó đã được mời vào. Vì nó được mời vào, nó tuyên bố nó nắm quyền trên người này.
Lần nữa, tôi đọc lời cầu nguyện của Giáo hội, tôi ra lệnh cho con quỷ trả lại cái nó đã đánh cắp tức là một con người được tạo ra theo giống hình ảnh của Chúa, người đang tìm cách hồi phục lại đời sống của họ cho Chúa.
Trong trường hợp này, tôi từng làm việc với người này khoảng hơn một năm. Trong buổi gặp gỡ cuối cùng, khi con quỷ bị đuổi ra, chúng tôi đang ở miền nam Indiana, trong một nhà nguyện của một tu viện của các sơ. Lúc đó là 3 giờ chiều, giờ thánh thiêng đúng không? 3 giờ, chuông trường reo, 400 học sinh đang đổ ra bãi đậu xe ngay bên ngoài cửa sổ nhà nguyện, nơi chúng tôi đang cầu nguyện. Con quỷ bắt đầu la hét, bắt đầu cười mất kiểm soát và nói với tôi hãy ngừng cầu nguyện. “Nếu mày ngưng cầu nguyện, tao sẽ không hét nữa nhưng nếu mày tiếp tục cầu nguyện tao sẽ tiếp tục la lên, lũ học trò sẽ tụ lại đây và thấy được những gì mày đang làm, rồi mày sẽ phải ngừng cầu nguyện thôi.”
Tôi ra lệnh cho nó phải vâng lời tôi trong mọi sự dù tôi là một thừa tác viên không xứng đáng của Chúa Kitô, nó phải nói , Kính mừng Maria đầy ơn phúc, và ra khỏi người này ngay lập tức. Con quỷ nhìn tôi, cười và nói, “ơn phúc đầy”. Nó đổi ngược lời đó và không chịu nói tên của Đức Mẹ và bắt đầu chế nhạo tôi. Tôi ra lệnh cho nó đọc những từ đó theo thứ tự của Kinh Kính Mừng và bảo nó phải đọc lần nữa và rời khỏi đây ngay lập tức. Con quỷ này đang dùng giọng trầm, rất uy quyền, thì giờ đây với giọng của một đứa trẻ, nó nói, “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc.” Một tiếng thét chói tai và tất cả các biểu hiện của nó chấm dứt nhanh hơn bạn có thể búng hai ngón tay. Và bà ấy được giải thoát.
Người ta hỏi tôi đã làm gì sau đó. Có phải tôi đi chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi? Điều tôi đã làm là đi đến tiệm kem Dairy Queen và mua một ly đá bào sô-cô-la. Trời bên ngoài rất oi bức. Người tôi ướt đẫm mồ hôi, tôi rất mệt và còn phải lái 2 tiếng đồng hồ trở về giáo xứ của mình. Tôi đi vào tiệm bán kem, chật ních với nhiều hạng người ở quầy tính tiền. Tôi tự nhủ nếu những người này biết tôi vừa từ đâu đến, tôi sẽ như ông Môsê đang rẽ Biển đỏ ra làm hai. Họ sẽ tránh xa tôi, càng xa càng tốt. Nhân tiện, tôi nghĩ câu chuyện đó cũng có thể là một quảng cáo tốt cho Dairy Queen.
Nhưng ví dụ cuối cùng tôi sẽ đưa ra là các mối tương quan đổ vỡ. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những đổ vỡ trong cuộc sống nhưng cách chúng ta đối phó với nó mới là điều quan trọng.
Chúa Giêsu trong bài đọc Phúc Âm cách đây vài tuần, Có phải bạn nên tha thứ cho người đã làm đau bạn 7 lần? Chúa nói, không phải 7 lần mà là 7 Thánh Phêrô nói 7 lần, Trong thời của Chúa Giêsu, bạn chỉ cần tha thứ cho ai đó 3 lần. Phêrô có thể nghĩ rằng mình đã rộng lượng, đáng được khen. Nhưng Chúa đã không khen thưởng mà còn nói, không đâu con, 70 lần 7 nhé. Những mối quan hệ đổ vỡ.
Ví dụ rõ ràng nhất được tìm thấy trong Phúc Âm Thánh Mác-cô chương 5, câu chuyện ma quỷ ở Ghê-ra-sa. Có một người bị ám bởi một đạo binh của quỷ, anh sống trong đám mồ mả, xiềng xích cũng không thể trói anh ta lại được vì anh ta có sức mạnh siêu phàm. Những con quỷ nói gì? “Chúng tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu ra lệnh cho lũ quỷ câm đi. Chúng xin cho được nhập vào lũ lợn. Có bao nhiêu con lợn? Có ai nhớ hoặc nghe không? 2000 ngàn con lợn. Người đàn ông này đã bị ám bởi bao nhiêu con quỷ? Chúng xin đi vào đàn heo 2000 con, từ trên sườn núi lao xuống biển và chết dưới đó. Người ta hầu hết ngừng ở đó nhưng phần tiếp của câu chuyện thì rất sâu sắc.
Người đàn ông được cứu khỏi đạo binh quỷ, xin đi theo Chúa Giêsu nhưng Chúa Giêsu nói, Không. Có bao nhiêu lần Chúa bảo ai đó đừng theo Người? Chúa nói với anh này, “Anh cứ về nhà với thân nhân.”
Một người từng sống giữa mồ mả, giữa những người chết, Chúa Giêsu muốn đặt anh ta trở về với những người sống. Trong thế giới trừ quỷ, sự đổ vỡ trong gia đình cuối cùng sẽ dẫn đến việc bị quỷ ám. Vì vậy chúng ta phải đối mặt với đổ vỡ nhưng thay vì thấy cay đắng và hận thù, tức giận và trả thù, và làm tất cả những thứ xấu xí thì chúng ta phải luôn tìm kiếm sự tha thứ.
Điều đó sẽ không dễ dàng và cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ ngay lập tức đạt được nhưng đó là con đường mà chúng ta phải bước đi.
Vì vậy, nếu ai đó bị ám, có cách nào để thoát ra không? Câu trả lời là tất nhiên. Ma quỷ có sức mạnh, chúng chỉ có thể bị tiêu diệt bởi sức mạnh và sức mạnh đánh bại nó là quyền lực của Chúa. Sứ vụ trừ tà là cách mà chúng ta kêu cầu đến quyền năng của Chúa. Trong một buổi trừ tà, hãy nhớ Chúa Giêsu không phải là người ngoài cuộc. Người là Nhân Vật Chính, Người là Đấng khiến ma quỷ suy phục.
1. Exorcism: The Battle Against Satan and His Demons, phần giới thiệu
2. Exorcism: The Battle Against Satan and His Demons, chương The Extraordinary Activity of The Devil
0 nhận xét:
Đăng nhận xét