Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Phần 1 Tự do

1. Tự do để có hy vọng

Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Ngài cứu loài người khỏi sự dữ và tình huống vô vọng của mình; Ngài bẻ gãy những dây xích trói buộc họ với quá khứ và ban cho họ một quyền năng cho phép họ tìm thấy tương lai. -William Barclay

 


 

“Tạm biệt. Cảm ơn anh chị. Giờ em đã có hy vọng!” Anna, cô gái hiểu chuyện ở lứa tuổi mười chín của mình nói. “Cha em thường xuyên đi vắng, nhưng ngay cả khi ở nhà ông cũng không có vẻ gì gần gũi. Anna đã lớn lên với anh trai và người mẹ nghiện rượu trong sự dằn vặt và rối bời. Nỗi buồn bao phủ em khi em đến gặp vợ tôi, Janet, và tôi. Em tránh nói chuyện và khi phải nói thì em không thể nào ngẩng đầu nhìn chúng tôi. Gần đây em đã đến Trung tâm Lighthouse Fellowship ở Phần Lan và bắt đầu tìm kiếm Chúa.

Chúng tôi hỏi, “Có người nào mà em cần tha thứ không?”.
“Có ạ, nhưng em sợ sẽ làm người đó tổn thương nếu nói cho anh chị.” Một lúc sau, em nhắc tên một người: “Mẹ em hay uống rượu.” 

Tôi bảo em, “Anna, nếu em muốn được tự do, em cần để Giêsu giúp em tha thứ”.
“Vâng,” em đáp.

Thế nhưng em chẳng thể lặp lại theo tôi ngay cả một câu cầu nguyện ngắn. Em không cất lời nổi. Khi tôi cầu nguyện cho em và lắng nghe với tâm linh của mình, Chúa đã mở trái tim em ra cho tôi, và tôi cảm nghiệm được nỗi thống khổ của cô đơn và tuyệt vọng trong em. Tôi lớn tiếng cầu nguyện, “Lạy Chúa, Anna đã sống trong hoang mang và chưa từng biết phải trông đợi điều gì. Cô bé muốn sửa chữa tình hình nhưng lại không thể.” Em bắt đầu thút thít. “Mà điều em không hiểu là vì sao Chúa lại không làm gì hết. Em ấy biết Chúa là Thiên Chúa và Chúa có thể làm mọi thứ. Em đã kêu cầu đến Chúa; em đã cầu xin Chúa; hằng đêm em dỗ mình vào giấc ngủ bằng nước mắt, và Chúa đã không trả lời.”

Giờ thì Anna òa khóc nức nở, run lên vì nỗi thống khổ bao năm. Janet và người thông dịch khóc cùng em khi Chúa cũng cho phép họ cảm nghiệm sâu sắc nỗi đau của em. Rồi tôi cầu nguyện, “Lạy Chúa, con không hiểu. Con không hiểu sao Ngài không làm điều gì đó.” Tất cả chúng tôi cùng rơi lệ trước Chúa.

“Giờ thì, Anna, em sẽ từ bỏ thần khí của sự hiềm thù, tổn thương và dằn vặt chứ?" Tôi hỏi em. “Em sẽ nói, ‘Mẹ, con tha thứ cho mẹ’ chứ?" Cô bé đã sẵn sàng, vì em biết mọi người đã cảm nhận nỗi đau của em. Nhất là em đã biết nỗi đau của mình theo một cách mới, khi em cho phép nỗi đau đó được mang ra ánh sáng.

“Mẹ, con tha thứ cho mẹ, cho thói nghiện rượu và cho việc mẹ chối bỏ con cùng mọi sự hoang mang và tổn thương.” Con tha thứ cho mẹ vì đã không yêu con theo cách con cần được yêu.” Rồi em từ bỏ sự u uất, sự tự khước từ, sự kết tội và tự buộc tội. Em đã được tự do. Chúng tôi biết Anna vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhưng chúng tôi biết ơn việc em đã tham gia cộng đoàn của những người tin vào Chúa, những Kitô hữu có thể giúp em khi em tiếp tục tìm kiếm kế hoạch tốt lành của Chúa và từ chối cho ma quỷ tiếp cận cuộc sống của mình.

Ngày hôm sau, gương mặt em rạng rỡ và tính cách em trở nên hân hoan, không còn u sầu. Chúng tôi đã phát hiện ra khiếu hài hước tuyệt vời của em. Em đã đưa gia đình mình đến gặp chúng tôi. Trước khi chúng tôi rời khỏi thị trấn, em đã một mình chờ chúng tôi hơn một tiếng đồng hồ để có thể chụp hình cùng chúng tôi và nói với chúng tôi những lời mà giờ đây vẫn làm chúng tôi xúc động, “Cảm ơn anh chị, giờ em đã có hy vọng.”

Khao khát Hy vọng

Anna là một người bình thường ở trong hoàn cảnh rất khó khăn và đau khổ. Sự vô vọng và tuyệt vọng đang dần hủy hoại em. Hoàn cảnh của bạn có lẽ rất khác với Anna, nhưng liệu trong cuộc sống của bạn có địa hạt nào bị đánh dấu bởi sự vô vọng không? Bạn có từng như Anna, kêu cầu Chúa hết ngày này sang ngày khác mà chẳng có lấy một sự thay đổi? Thái độ oán giận đối với Chúa có lẻn vào tim bạn và tạo ra cảm giác xa cách khi bạn cố gắng lại gần Ngài? Có điều gì mà bạn đã thú nhận không biết bao lần, nhưng vẫn chẳng thể thay đổi?

Đối với một số người, nhu cầu hy vọng là điều vi tế hơn nhiều. Một người bạn lâu năm đã đến gặp tôi để tư vấn vì anh gặp khó khăn ở một số địa hạt trong cuộc sống của mình. Tôi hỏi Dave xem anh có muốn từ bỏ một số những địa hạt ấy không. Anh đồng ý. Anh kể câu chuyện của mình như sau:

“Tôi đã cầu nguyện tha thiết với Neal nhưng không thấy điều gì bất thường. Thế rồi Neal nhắc đến việc từ bỏ ‘sự tuyệt vọng’ và ‘vô vọng.’ Có điều gì đó xảy ra. Tôi thấy mình vật lộn để khước từ những thần khí ấy. Cùng lúc đó, dường như mỗi thần khí đi kèm một luồng cảm xúc, và tôi cố gắng gọi tên chúng mà không gặp khó khăn gì. Nỗi oán giận và đau đớn tăng lên, những cảm xúc ấy gắn liền với việc tôi từ chối các thần khí của sự tuyệt vọng và vô vọng. Quá trình đó ngắn ngủi, kịch tích và chân thật. Theo sau là cảm giác bình tĩnh và nhẹ nhõm.

“Khoảng một tuần sau buổi cầu nguyện, tôi đã trải qua một tình huống mà nếu là trong quá khứ chắc đã khiến tôi vô cùng phẫn nộ và, vâng, thoáng thất vọng (dù tôi chắc sẽ không nhận ra đó là thất vọng hay vô vọng). Dù tôi vẫn phản ứng thật cẩn thận, những cảm xúc và lối suy nghĩ của tôi đã không hạ cấp và trở nên u ám. Tôi tin rằng một cánh cửa trong những mẫu thức tư duy và cảm xúc đáng lẽ đã dẫn tôi xuống một địa hạt tối tăm nay đã bị đóng lại. Cánh cửa không còn mở nữa. Chính tôi có nhiệm vụ phải giữ cánh cửa luôn đóng chặt.

Bản thân tôi cũng rất bất ngờ. Tôi biết Dave là một Kitô hữu tận tâm, luôn sẵn sàng phục vụ và khuyến khích người khác. Hơn mười lăm năm trước anh đã bị một người anh hết sức tôn trọng phản bội. Anh ngỡ chuyện đó đã xong xuôi, thế nhưng trong hoàn cảnh ấy thần khí vô vọng, không được nhận diện và ẩn mình khỏi Dave cùng những người xung quanh anh, đã tìm được đường vào và cứ ở trong cuộc sống của anh. 

Theo cách nào đó, Dave đã tập chấp nhận tình trạng thiếu hy vọng của mình. Dường như khi cảm thấy vô vọng ở chiều kích nào đó trong cuộc sống, người ta sẽ tìm cách để làm tê liệt cảm giác vô vọng đó. Có người còn tự tẩy não rằng “Con người mình là vậy”; “Mình phải sống chung với lũ”; “Cũng đâu đến nỗi; mình sẽ vượt qua thôi.”

Quá nhụt chí để hy vọng?

Trước khi được tự do, một người bạn của tôi đã phải vật lộn với rối loạn ăn uống. Chị viết: “Gần đây tôi nhận ra mình lại trượt dài trong vũng lầy ăn uống cả khi tôi không thấy đói, nhưng là bất kỳ lúc nào tôi thấy tức giận, hoang mang và/hoặc cô đơn. Chậc! Thế là mấy kilogram tôi giảm được đã quay lại cùng với bao nhiêu là vô vọng, tội lỗi, tức giận và trầm uất. Tôi hoang mang lắm, vì tôi hiểu rõ vấn đề, nhưng lại vẫn bất tuân và cảm thấy bị ngăn cách khỏi Chúa; kiểu như tôi không thể nghe thấy Ngài hay lại gần Ngài cho tới khi tôi có thể quản lý được việc ăn uống của mình. Tôi đoán anh có thể tưởng tượng ra cảm giác tội lỗi/lên án đi cùng với lối suy nghĩ ấy. Nói đơn giản thì là tôi đang vật vã và bị mắc kẹt. Tôi chán bị béo phì và mất kiểm soát lắm rồi.

Bạn có đồng cảm với hoàn cảnh của chị ấy không? Có nếu bạn ở trong những hoàn cảnh tương tự sau: “Tôi sợ bị từ chối”; “Tôi là kẻ cầu toàn ám ảnh”; “Tôi nghiện khiêu dâm”; “Tôi sợ chết”; “Tôi sợ bị bỏ rơi”; "Tôi không thể tha thứ”; hay “Tôi nghĩ tới việc tự tử."

Hiển nhiên, những điều này không phải chỉ toàn là công việc của các thần dữ, nhưng với nhiều người, ảnh hưởng của các thần dữ là một địa hạt không được chú ý và đề cập trong quá trình tìm kiếm sự chữa lành của Thiên Chúa.

Châm ngôn 13:12 dạy chúng ta rằng “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải, ước mơ toại nguyện là cây ban sự sống.” Hy vọng là vững tâm chờ đợi điều tốt lành; mà điều tốt lành nhất là thiên đàng. Kinh Thánh nói rằng Chúa Kitô trong chúng ta chính là niềm hy vọng đó, hy vọng là chúng ta có thể đạt tới vinh quang (Côlôsê 1:27) Có phải Phúc Âm chỉ đơn giản trao cho chúng ta hy vọng về thiên đàng khi ta còn trong vòng nô lệ? Không hề. Thư Thánh Phaolô gửi Côlôsê 1:13-14 nói, “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” Chúng ta đã được giải cứu (chuyển dời, giải thoát) rồi, từ vương quyền này sang vương quyền kia, thế nhưng ta không nhận thức được đầy đủ. Tôi chợt nghĩ về con cái Ít-ra-en lang thang trong hoang mạc. Chúa đã qua Môse mà giải thoát họ khỏi các đốc công Ai Cập, tuy thế họ vẫn bám víu vào não trạng nô lệ. Cả một thế hệ người Ít-ra-en đã chết trong hoang mạc trước khi dân này sẵn sàng hợp tác với Thiên Chúa, nắm lấy những điều Chúa đã hứa cho họ. Bạn có một “não trạng nô lệ” nào cần loại bỏ không?

Quá thất vọng để tìm kiếm sự giúp đỡ?

Có lẽ nhiều năm về trước bạn đã trải qua buổi cầu nguyện giải thoát khiến bạn sang chấn tới mức bạn không bao giờ muốn thử lần nữa. Có thể ai đó đã cầu nguyện cho bạn và không thành công, hoặc người cầu nguyện cho bạn không thể hiện được tình yêu và sự tôn trọng khi mà bạn đang dễ tổn thương nhất. Dường như bạn đang suy nghĩ lệch lạc về việc giải thoát khỏi ma quỷ và "hoảng sợ” bởi ý nghĩ, “Ý anh là, có thể tôi bị quỷ ám?"

Có lẽ trong suốt thời gian qua bạn đã tìm đến cha xứ hay linh mục vài lần. Bạn đã xưng tội, họ đã cho bạn lời khuyên để bạn làm theo, cho bạn mẫu cầu nguyện để bạn cầu nguyện, cho bạn sự động viên để bạn tránh sự dữ và cho bạn những cách để đưa các suy nghĩ cùng hành động của mình vào kỷ luật thế nhưng thất bại cứ liên tiếp thất bại đã khiến bạn càng thêm tuyệt vọng.

Có thể bạn đã tiếp nhận tư vấn và những buổi tư vấn thật sự có ích. Giờ thì bạn hiểu lý do bạn làm những gì bạn làm, nhưng con người bên trong vẫn không thay đổi. Có thể bạn đã tiếp nhận tư vấn suốt nhiều năm và hầu như chẳng có gì thay đổi, nên bạn không còn trông cậy điều gì hơn là chỉ đủ sức chống chọi.

Bạn có lẽ cũng như nhiều người khác, đã nghĩ đến việc tiếp nhận tư vấn, nhưng vì tài chính eo hẹp hoặc vì ngại mà chưa bao giờ thực hiện được. Tôi hy vọng bạn kiên quyết tìm kiếm sự giúp đỡ và trò chuyện với ai đó lần nữa. Chúng ta ai cũng có thể hưởng lợi từ các chuyên gia thông thái, người lắng nghe và thấu hiểu.

Các chuyên gia được đào tạo bài bản là một món quà, một nguồn lực quan trọng, nhưng chỉ có một Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Thật không may, các mục sư và các lãnh đạo của Giáo hội cảm thấy mình vô dụng, như thể Phúc Âm không có chút quyền lực nào. Khi những vấn đề xuất hiện, quá nhiều Kitô hữu nhanh chóng tìm tới các chuyên gia tư vấn. Quyền năng của Phúc Âm so với một chuyên gia tư vấn tài năng thì lớn hơn nhiều (mặc dù cả hai chiều kích này có thể hỗ trợ nhau cách tuyệt vời). Nếu một Kitô hữu cần được tiếp nhận tư vấn, các vị đảm nhiệm mục vụ cần biết cách hợp tác với chuyên gia tư vấn để làm sao chăm sóc các vết thương trong linh hồn.

Một vương quyền mới

“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Mác-cô 1:15). Phúc âm Thánh Mác-cô đã ghi lại những lời trên, là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói sau bốn mươi ngày trong sa mạc. Chúa Giêsu là “Môse mới”, bẻ gãy quyền thống trị của Satan và dẫn đưa chúng ta ra khỏi sự thống trị của nó. Chúa Giêsu là “Giô-suê mới” lãnh đạo chúng ta tiến vào Vương quốc của Thiên Chúa, nơi chính Chúa là Đấng cai quản và luật pháp của Ngài được viết vào trái tim chúng ta.

Một ngày nọ, các bạn của Gioan Tẩy giả hỏi Chúa Giêsu, “Ông là đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ một đấng nào khác nữa?” Trước mặt họ, Chúa Giêsu đã chữa trị nhiều người khỏi bệnh tật, mù lòa và quỷ ám. Ngài trả lời, “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe” (xem Luca 7:20-22). Những người chịu sự áp bức đang trải nghiệm sự xuất hiện của Nước Chúa. Đây là Tin Mừng! Những người túng quẫn và bị áp bức, được tự do khỏi vòng nô lệ và bệnh tật, đang tiến vào Nước Trời.

Trong thời cổ, khi một vị vua đã chinh phục thành nào, ông sẽ gửi đi các sứ giả loan báo tin mừng: Có một cách sống mới; giờ đây các người sống dưới một thẩm quyền mới! Các sứ giả loan báo danh của đấng cai trị mới và những ích lợi lớn lao từ việc sống dưới quyền cai trị của ông. Hợp tác với sự công bố này là vấn đề sống còn.

Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô đã trở thành Vua của chúng ta. Ngài đã đánh bại Satan và xóa nợ cho chúng ta. Sự giải thoát tuyệt vời nhất của chúng ta đến từ việc quy phục Ngài, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Giờ đây khi ta đã chọn sự cai trị của Ngài và đặt mình dưới Thần Khí của Ngài, ta không còn sống theo luật của tên vua cũ nữa. Bạn đang ở dưới một thẩm quyền mới; bạn sống trong một vương quốc mới. Sự tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ càng sâu sắc khi ta đáp lại chương trình của Chúa, để Ngài giành chủ quyền trong cuộc sống của chúng ta.

Ân sủng của Vương quốc

Tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ chính nó vẫn chưa phải cùng đích. Cùng đích là lãnh nhận đầy đủ ân sủng Chúa ban cho chúng ta trong Con Ngài và trở nên môn đồ của người Con ấy. Sự giải thoát phóng thích chúng ta khỏi vòng nô lệ và đến với sự được chúc phúc. Từ chúc phúc (baruk) trong tiếng Do Thái có nghĩa là khích lệ ai đó triển nở, thành công và phát triển. Mọi ân sủng, mọi chúc phúc đều bắt nguồn từ Chúa. Vào ngày thứ sáu, sau khi tạo ra người nam và người nữ, Chúa đã chúc phúc cho họ và nói, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ….” (Sáng thế 1:28). Nói lời chúc phúc là trở thành khí cụ của Chúa.

Vào thời Kinh Thánh, lời chúc phúc đem sự che chở và giúp đỡ cho cuộc hành trình. Sự chúc phúc đó là để đem ân sủng vào cuộc hành trình. Lời chúc phúc là để nói tốt lành về ai đó. Ngược lại với nguyền rủa. Ý thức về sự chúc lành của Chúa và nhu cầu chúc phúc những người khác đã ăn sâu vào nền văn hóa Do Thái cổ đại đến nỗi từ shalom vẫn còn được sử dụng như một hình thức chào hỏi. Shalom nghĩa là bình an, trọn vẹn, hòa hợp, mạnh giỏi và hạnh phúc. Shalom được tóm lại trong câu nói về chương trình của Chúa trong Giê-rê-mi-a 29:11: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” Ở đây từ shalom được dịch thành “kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương”.

Đây là điều Chúa đã dự định cho chúng ta từ lúc đầu, và ngày nay trong Chúa Kitô chúng ta đã thực sự lãnh nhận mọi ân sủng tự cõi trời (Êphêsô 1:3). Nghĩa đầy đủ của việc được chúc phúc là nhận biết Đấng Kitô, sự thật về căn tính và số phận của chúng ta trong Ngài. Là nhận biết rằng Ngài có chương trình đặc biệt cho tương lai ta. 

Khi chúng ta tìm kiếm sự chúc lành của Chúa Cha, chúng ta có thể nhìn vào ví dụ về cách Chúa Cha nói lời chúc lành vào cuộc đời Chúa Giêsu, Con Ngài. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã đến gặp Gioan để chịu phép rửa. Gioan biết Chúa Giêsu không cần phép rửa sám hối nên nói, “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa,” (Mát-thêu 3:14) Nhưng Chúa Giêsu đã xuống thế để mặc lấy thân phận con người như chúng ta. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã cảm thông với tội lỗi của chúng ta. Con Chiên Thiên Chúa đã đến chịu chết để Ngài có thể cứu chuộc chúng ta và trở nên cánh cửa đưa ta vào lòng thương xót của Chúa.

Phép rửa mà Chúa Giêsu lãnh nhận là hành động đầu tiên được ghi lại về việc Ngài đón nhận chức vụ làm Con Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc trần gian. Khi Chúa Giêsu ra khỏi nước, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài, và một tiếng từ trời phán, “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3:17). Chúa Cha đã tuyên bố Giêsu là ai và rằng Ngài yêu thích Con của Ngài. Khi bước vào thế giới đau đớn và khổ sở của chúng ta, Chúa Giêsu đã mang sự được Chúa Cha yêu dấu, sự chúc phúc của Chúa Cha với Ngài. Rôma 5:10 nói rằng Chúa Giêsu đến để hòa giải chúng ta với Chúa Cha. Ân sủng Chúa Giêsu đã lãnh nhận được truyền lại cho chúng ta. Trong Đức Kitô, những lời ấy, mối quan hệ ấy, thuộc về chúng ta. “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa!” (1 Gioan 3:1)

Những lời chúc phúc khẳng định căn tính của chúng ta và chuẩn bị để chúng ta hoàn thành định mệnh của mình. Mỗi người chúng ta đều có một mục đích, một phần đóng góp vào sự mầu nhiệm đang hé mở trong kế hoạch của Chúa, một điều gì đó mà sẽ ngợi khen và tôn vinh Đấng đã gọi chúng ta từ thuở đời đời.

Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng ta là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng ta ngợi khen vinh quang Người. (Êphêsô 1:11-12)

Tự do khỏi vòng nô lệ tâm linh là tự do lãnh nhận ân sủng Chúa Cha ban nơi Con Ngài để ta có thể sống với mục đích ngợi khen vinh quang của Ngài. Chúa vui lòng khi ta tìm kiếm mọi điều Ngài ban cho ta trong Đức Kitô.

Hy vọng đủ để cầu xin

Chúa muốn ta xin Ngài chúc lành cho chúng ta. Tôi thích câu chuyện của Gia-cóp trong Cựu Ước, không phải vì ông đã sống một cuộc đời không tì vết, mà vì ông khẩn khoản muốn được chúc phúc. Ông biết Chúa đã ban phước cho ông nội ông là Áp-ra-ham, và ông đã lập mưu với mẹ để thừa kế quyền trưởng nam của Esau. Sau việc đó ông chạy trốn khỏi quê nhà.

Nhiều năm sau, ông biết mình phải quay về và đối mặt Esau, và ở chỗ này sách Sáng Thế đã ghi chép một thời khắc khốn quẫn nữa trong cuộc đời Gia-cóp. Trong đêm đau khổ vì cuối cùng phải đối mặt với sự thật về chính mình, Gia-cóp đã vật lộn với Chúa (Ngài xuất hiện dưới hình dạng một người đàn ông) cho đến rạng đông. (xem Sáng Thế 32:24). Chúa nhận ra Ngài không thể thắng Gia-cóp nên đã chạm vào và làm xương hông của ông bị trật.

Thật kỳ lạ khi nghĩ đến Chúa lại không thể thắng được Gia-cóp. Có điều gì bên trong Gia-cóp mà lại không thể bị đánh bại? Ông hẳn phải hoàn toàn kiệt quệ cả về thể sức lẫn tinh thần, và hông ông chắc là đau lắm, thế mà ông vẫn không từ bỏ. Rốt cuộc người đàn ông nói, “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.” Gia-cóp đáp, “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” Gia-cóp không từ bỏ. Ông đã vật lộn với Chúa suốt đêm, ông bị thương mà vẫn từ chối buông thả Chúa ra cho tới khi Ngài chúc phúc cho ông. Ông không bao giờ còn dựa vào chính sức mình để được thành công nữa; trong khó khăn, ông đã quy hàng trước chương trình của Chúa cho hạnh phúc và tương lai của mình. Chúa đã ban phúc cho ông, thậm chí còn đổi tên ông thành Ít-ra-en và cho các con của ông thành cha của mười hai chi tộc Do Thái.

Bạn có đang tìm kiếm lời chúc phúc của Chúa không? Có lẽ nào bạn đã vật lộn suốt đêm - hay thậm chí suốt đời không? Có lẽ bạn đã trải qua những lúc khó khăn. Nỗi đau của bạn đã bị phơi bày; như Gia-cóp, bạn bị tổn thương và biết mình sẽ không bao giờ như trước nữa. Có lẽ ngày mới đã sang và đến lúc bạn phải buông tay. Giờ là lúc để bạn lặp lại lần nữa, “Con sẽ không để Ngài đi trừ khi Ngài ban phúc cho con.”

Có lẽ bạn đang nói, “Con muốn được tự do. Con muốn nhận biết những ân sủng Chúa đã dành sẵn cho con, nhưng con không có sức mạnh của Gia-cóp.” Hãy an lòng, Chúa muốn gặp bạn và cùng hoạt động với bạn dù bạn ở đâu. Ngài muốn bạn tìm đến Ngài và cầu xin Ngài.

Trong chương sau tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của Mike, một thanh niên 26 tuổi đang trên đà thành đạt. Là một trong những đứa con trai hoang đàng của Chúa, hành trình tâm linh trở về với Chúa của anh đã bắt đầu với một lời thỉnh cầu đơn giản, được gieo vào lòng anh bởi một người bạn Kitô hữu trung tín. Cảm nhận được sự đói khát trong tâm hồn của anh, cô nói, “Sao bạn không thử xin Chúa Giêsu đến tìm bạn?”

Đây là một cách khởi đầu tốt. Cứ cầu nguyện, “Chúa Giêsu ơi, xin hãy đến tìm con.” Hãy cầu nguyện như vậy thường xuyên. Nói thành tiếng hay nói trong đầu cũng được. Bạn có thể biến tấu theo cách khác. “Lạy Chúa Giêsu, nếu Ngài có thật, xin hãy cho con thấy.” Hoặc một lời thỉnh cầu đơn sơ khác: “Chúa ơi, giúp con.” Sự giúp đỡ không phải lúc nào cũng đến vào lúc và theo cách mà chúng ta trông đợi. Anna không nghĩ em sẽ phải chờ lâu đến vậy để có được câu trả lời. Em cũng không nghĩ Chúa sẽ gửi ai đó từ nửa vòng trái đất đến giúp đỡ mình. Nhưng, hãy an lòng, điều bạn cầu xin được Chúa lắng nghe, và câu trả lời của Ngài đang đến (xem Mt 7:7).

Chính bạn phải cầu xin. Chẳng ai có thể xin thay bạn. Không một hành trình tìm tự do nào diễn ra mà không có ân sủng của Chúa và quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong bạn. Chúa Giêsu đã chết để cứu bạn và để bạn được tự do. Tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ mở ra cánh cửa cho phép ta trải nghiệm cuộc đời mới một cách sâu sắc hơn, cuộc đời ta đã lãnh nhận trong Chúa Kitô.

Hãy đọc tiếp...

Trong chương kế chúng ta sẽ xem xét thực tại của ma quỷ, kẻ thù của chúng ta, và cách hắn muốn ngăn cản ta sống định mệnh của mình là con cái Chúa. Trong những chương sau của phần 1, chúng ta sẽ thảo luận năm chìa khóa thiêng liêng giải phóng ta khỏi vòng nô lệ của ma quỷ. Tôi dùng hình ảnh ẩn dụ là chiếc chìa khóa bởi vì chúng có hai công dụng, vừa dùng để khóa và để mở khóa.

Ma quỷ chiếm được ảnh hưởng trong đời sống thông qua những cánh cửa bị chính ta hay người khác mở ra, thường là trong thời thơ ấu. Qua những cánh cửa ấy, lời nói dối và mưu mô của Satan khiến chúng ta khó tiếp nhận được ân sủng của Nước Chúa. Bằng cách dùng những chìa khóa được trình bày trong sách này, chúng ta có thể đóng những cánh cửa mà qua đó ma quỷ chiếm được ảnh hưởng, đồng thời mở ra những cánh cửa để Chúa Kitô giải phóng và ban ân sủng của Ngài cho chúng ta.

Như bạn sẽ thấy, đây không phải sự kiện mở ra –hay đóng lại trọng đại, chỉ xảy đến một lần trong đời. Đúng hơn, khi chúng ta tìm kiếm và tìm thấy tự do mới, Chúa Thánh Thần giải phóng chúng ta khỏi vòng nô lệ ở những mức độ sâu thẳm nhất. Chúa giải phóng ta và giáng phúc xuống cho ta để ta có thể là sự chúc lành cho những người khác. Trong phần 2, tôi sẽ cho bạn những hướng dẫn để bạn có thể giúp ai đó lãnh nhận món quà giải thoát trong Đức Kitô.

Bất kể tình trạng của bạn, tôi khuyến khích bạn đọc tiếp. Việc lật sang chương 2 bản thân nó đã là một nỗ lực mang hy vọng. Khi Anna tìm đến chúng tôi, em không trông đợi nhiều. Em đến vì chúng tôi đã cầu nguyện với một người bạn, và em nghĩ có lẽ em cũng nên thử. Em đã rời đi với hy vọng và một khởi đầu mới. Nếu đọc tiếp, bạn sẽ có cơ hội giống như Anna. Bạn sẽ học được cách khơi lại món quà hy vọng, cách bẻ gãy sự gắn bó với những thứ trói buộc bạn và cách buông tay những người đã tổn thương bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng quyền năng của kẻ thù đã bị phá vỡ và rằng bạn có thể hợp tác với quyền năng của Chúa khi Ngài bày tỏ mục đích đặc biệt của Ngài cho cuộc đời bạn.

 


 

[Chúa Giêsu nói,] “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ.” Luca 11:9-10

 


 

Lạy Chúa, xin hãy đến tìm con. Thu phục trái tim con với tình yêu của Ngài. Con không có sức mạnh như ông Gia-cóp; xin Ngài ban cho con sự can đảm để xin ơn tự do và những ân sủng thuộc về con trong Chúa Kitô. Xin Ngài dùng cuốn sách này để làm mới hy vọng của con và phơi bày những địa hạt nào trong cuộc sống của con mà chưa suy phục Ngài. Xin cho con biết con là ai và chương trình của Ngài cho cuộc đời con, căn tính của con, cùng số mệnh của con. Xin hãy chúc phúc cho con để con có thể là sự chúc lành cho những người khác.

Trích từ sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive