Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là Mục tử thuộc dòng dõi Đavít

Hình ảnh người chăn chiên của dân Israel bắt nguồn từ quan niệm của người Cận Đông cổ đại về vị vua là người mục tử cai quản quốc gia của mình. Trong lịch sử của Israel, mô-típ vua chăn chiên hầu hết đều gắn liền với Đa-vít, như trong Thánh vịnh 78:

Chúa chọn Đa-vít, người tôi trung,

cất nhắc ông, thuở còn là mục tử,

cho vời đến, lúc đang giữ bầy chiên,

để chăn dắt dân Người là Giacóp,

và Ít-ra-en sản nghiệp của Người.

Êdêkien cũng đã nói trước:

Ta sẽ cứu thoát chiên của Ta để chúng không còn bị cướp phá, Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên.

Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố mình là Mục tử của Israel trong đoạn Phúc âm này (Gioan 10:1-10), Ngài tuyên bố chính Ngài ứng nghiệm lời tiên tri của Êdêkien, rằng một vị vua thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ trở về cai trị Israel vào một ngày nào đó. Nhưng Êdêkien không chỉ nói về Đa-vít với tư cách là Mục tử của Israel, mà còn nói chính Thiên Chúa là Mục tử của họ:

Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng (Êdêkien 34:15).

Có phải là sẽ có hai mục tử, một vị thuộc từ Thiên Chúa và một vị từ dòng dõi vua Đavít? Không. Vì Êdêkien khẳng định: Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng (34:23).

Chúa Giêsu đã giải tỏa mâu thuẫn đó trong Êdêkien 34 nơi chính Ngài, lời tiên tri nổi tiếng về vị mục tử mới của Israel. Êdêkien nói rằng cả Thiên Chúa và Đa-vít sẽ là mục tử của Israel, nhưng sẽ chỉ có một mục tử mà thôi. Hai bản tính trong một người, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là Mục tử thuộc dòng dõi Đavít.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp,” rất có thể Ngài đang ám chỉ đến phần lớn những người đã tuyên bố mình là người lãnh đạo của Israel kể từ khi Xít-ki-gia-hu / Zedekiah, con trai trị vì cuối cùng của Đa-vít, bị phế truất vào năm 587 trước Công nguyên (xem 2 Vua 25:7). Nhiều người trong số những nhà lãnh đạo này có những phả hệ đáng nghi ngờ nếu không muốn nói là hoàn toàn bất hợp pháp. Gia tộc Lê-vi của Ma-ca-bê đã tiếp quản vào giữa những năm 100 và tự phong mình làm vua của Y-sơ-ra-ên mặc dù họ không thuộc dòng dõi Đa-vít. Hêrôđê Cả, người chỉ có nửa dòng máu Do Thái, đã cai trị Israel bằng cách thao túng chính trị của chính quyền La Mã và thành lập một triều đại thậm chí còn bất hợp pháp hơn Ma-ca-bê. Trong khi đó, chức tư tế thượng phẩm đã bị tha hóa ít nhất là từ năm 175 trước Công nguyên, khi vị thượng tế Ô-ni-a III bị lật đổ bởi thủ đoạn chính trị và thay thế bởi anh trai của ông, Jason, và sau đó là Mê-nê-la-ô, một người Ben-gia-min (2 Macc 3–4).

Trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, vương quyền và chức thượng tế là do những kẻ giả danh nắm giữ, và nhiều đấng cứu thế giả nổi lên và dẫn đầu những cuộc nổi loạn thất bại. Khoảng trống thiếu vắng những lãnh đạo tôn giáo mà những người đòi quyền lợi và cạnh tranh này để lại khi họ không còn, trường phái Pha-ri-sêu đã nổi lên, nơi đào tạo các học giả về luật Môsê để dạy dỗ thường dân trong các hội trường khắp xứ.

Những người Pha-ri-sêu tuy có thiện chí, họ không thể dựa vào Kinh thánh để nắm lấy bất cứ quyền lực nào. Không một tiên tri nào đã hứa rằng những kinh sư tìm học luật Chúa sẽ xuất hiện để cứu Israel trong những ngày cuối cùng. Tất cả những nhà lãnh đạo giả này, thường có ý định làm giàu cho bản thân bằng việc đàn áp dân Israel, có thể là những người mà Chúa Giê-su nghĩ đến là “những kẻ trộm cướp” đã đến trước Ngài.

Tuy vậy, dân thường nghèo khổ của Israel biết rằng những kẻ giả mạo này là bất hợp pháp và không là sự ứng nghiệm của lời tiên tri nào cả. Trái lại, Chúa Giêsu người Na-da-rét, người thừa kế đích thực của Đavít (Mátthêu 1), đã đến để chăn dắt dân Ngài, như Ê-dê-ki-en đã hứa.

Chúa Giêsu đến không phải để “ăn trộm, giết hại và phá huỷ,” nhưng để chiên “được sống, và sống dồi dào”. Một cách dịch khác có thể là “Ta đến để chiên có sự sống, và có sự sống dư dật, thừa mứa / excessively (từ Dr. John Bergsma dịch từ bản gốc)” (Gioan 10:10). Câu nói này khai thác một chủ đề trong Phúc âm Gioan, chủ đề về sự dư dật mà Chúa Giêsu đến để trao ban cho chúng ta. Chủ đề này được công bố trong chương đầu tiên của Phúc âm, nơi nói về Chúa Giêsu, “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Gioan 1:16). Điều đó được thể hiện rõ ràng qua việc Chúa biến nước thành rượu dư đầy tại tiệc cưới Cana (Gioan 2), bánh và cá dư dật trên núi (Gioan 6). Chúa Giêsu đến để chiên của ngài được sống dồi dào, cảm nghiệm sự sung mãn họ chưa từng biết.

Chúng ta thường sống đời sống Kitô hữu của mình với cảm giác bị gò bó, nghĩ là luật của Chúa đặt “giới hạn” trên cuộc sống chúng ta. Đây không là một lối suy nghĩ đúng đắn. Trên thực tế, tội lỗi đặt hạn chế trên cuộc sống chúng ta và dẫn đến tình trạng nô lệ (nghiện), đến các hành vi hoặc thú vui khác nhau và kết quả là cái chết cả về thể xác lẫn linh hồn. Sự sống mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta thì tràn ngập ý nghĩa, niềm vui, tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong ta. Đó là một kiểu sống khi so sánh với bất cứ điều gì khác thì dường như là một kiểu chết hơn là sống.

Cuộc sống đích thực bắt đầu với Chúa Giêsu. Một cuộc sống buông thả và đầu hàng trước những ham muốn thể xác của chúng ta thực sự là một kiểu sống chết dần. Có lẽ đó là lý do tại sao những bộ phim về thây ma ngày nay rất phổ biến: mọi người thực sự cảm thấy mình giống như những thây ma, sống một “cuộc sống” trống rỗng mặc dù họ đã chết về mặt tâm linh. Chúng ta hãy cầu nguyện để trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta hiểu rõ hơn rằng cuộc sống tội lỗi không đem lại sự sống chút nào, và sự sống trong Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu đang được khởi đầu ngay lúc này. -- Dr. John Bergsma

Share:

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Cha Robert Barron (nay ĐGM) bình luận về ma quỷ

Lời từ video

Trong chương thứ sáu của Phúc âm Thánh Mác-cô, chúng ta nghe về Chúa Giêsu sai các tông đồ đi làm sứ vụ. Họ sẽ rao giảng, chữa lành và điều trước tiên Ngài bảo họ là họ sẽ có quyền hành trên quỷ dữ. Khi trở về từ sứ vụ, điều đầu tiên họ kể lại cho Ngài là nhân danh của Chúa Giêsu, họ đã xua đuổi được quỷ.

Khi tôi đã đến tuổi trưởng thành, và ngay cả trong chủng viện, nói về ma quỷ được cho là một lối nói thô sơ, mê tín dị đoan. Hoặc ở thời đó, người ta sẽ dùng cách nói văn học để biến đổi nó: nói rằng đó là một biểu tượng về sự dữ, một cách để nhân cách hóa sự dữ trong bối cảnh cá nhân hoặc của một cấu trúc xã hội.

Nhưng cách nói này không trung thực với Kinh Thánh. Kinh Thánh rất rõ về tội của cá nhân và Kinh thánh cũng nói rõ về những rối loạn chức năng của những cấu trúc tội lỗi trong xã hội. Nhưng Kinh Thánh cũng nói rất rõ về chiều kích thứ ba: một sự Ác độc ở bên dưới, là nền tảng cho hai sự dữ trên, một sự Ác độc có khả năng thâm nhập khắp nơi và nguy hiểm hơn nhiều. Đây là mức độ thực sự ác độc về mặt tâm linh. Tôi đang nói về những thiên thần sa ngã.

Mỗi tuần người Công giáo thức dậy để tham dự Thánh lễ và tuyên xưng rằng chúng ta tin vào Chúa, Đấng dựng nên thế giới hữu hình và vô hình, nghĩa là cõi của các thần khí, những tồn tại ở một mức độ cao siêu hơn.

Ma quỷ là gì? Chúng là thiên thần đã sa ngã hoặc bị tổn hại về mặt đạo đức. Cũng như có người tốt và xấu, thì cũng có thiên thần tốt và xấu. Những bạn hãy xem xét điều này. Hãy nghĩ về một kẻ độc ác bạn biết, người cũng rất thông minh, rất tài năng và có nhiều mối kết nối, đó là một nhân vật thực sự nguy hiểm phải không? Khi bạn kết hợp cái ác với rất nhiều sức mạnh khác. Một ác quỷ, một thiên thần có trí thông minh rất cao, v.v., người đã trở nên xấu xa thực sự là một nhân vật nguy hiểm.

Vậy ma quỷ có ảnh hưởng trên thế giới không và có phải đôi khi ảnh hưởng đó thì rất là trực tiếp và kinh hoàng không? Đúng vậy, hãy nói chuyện với bất cứ ai có liên quan đến việc trừ quỷ. Tôi đã nói chuyện với một số người trừ quỷ và nghe những câu chuyện phi thường. Nhưng đó không là cách quyền lực bóng tối thường hoạt động. Nó thường dùng ảnh hưởng của nó cách gián tiếp hơn qua việc gợi ý, qua những cám dỗ.

Tôi đã giới thiệu trong Catholicism Series / Những video về Đức tin Công giáo, một bức tranh tôi nghĩ là đáng sợ nhất trên thế giới, tại Thánh đường Orvieto của một họa sĩ tài ba, Luca Signorelli, cũng rất được Michelangelo ngưỡng mộ.

Trong Thánh đường đó, bạn sẽ thấy những bức tranh tường và bức tranh nổi bật nhất là bức tranh mô tả về Tên Phản Kitô. Tên Phản Kitô đang lắng nghe những gì ma quỷ thì thầm vào tai hắn, một biểu tượng cổ điển về sự cám dỗ của ma quỷ. Điều thực sự đáng chú ý là tên quỷ đặt tay của nó trong áo khoác của Tên Phản Kitô, như thể đó chính là tay của Tên Phản Kitô.

Đây là một bức tranh rất tinh tế gợi ý cách các thế lực đen tối ảnh hưởng đến chúng ta một cách gián tiếp, ám muội, để chúng ta nghĩ đó là ý nghĩ, hành vi của chính chúng ta. Ở một số khía cạnh nào đó, đó là hành vi của chúng ta; thế nhưng, thế lực của bóng tối cũng đã xâm nhập vào.

Vậy đâu là những dấu hiệu của ma quỷ? Những cách nào mà chúng ta có thể biết đó là do ma quỷ? Chúng ta hãy xem xét những biệt danh mà Kinh thánh gán cho nó? Trong tiếng Hy Lạp: διάβολος (diávolos). Tiếng Anh từ devil, tiếng Tây ban nha diablo, tiếng Pháp diable, tất cả đều xuất phát từ gốc Hy lạp; teufel trong tiếng Đức. διαβάλλειν (dia-ballein) có nghĩa là phá tung, phân lìa, phân tán. Dấu hiệu rõ ràng của ma quỷ là phân tán. Chúa là Đấng thu nhóm lại.

Khi mọi thứ kết hợp lại với nhau, khi một cộng đồng hình thành, đó là dấu hiệu của Chúa Thánh Thần. Năng lực phân tán, đó là dấu hiệu của quyền lực bóng tối. Khi gia đình bị phân tán, tổ chức kinh doanh, khi các cộng đồng, các nền văn hóa bị chia rẽ, đó là sức mạnh của sự dữ. Một tên nữa biểu lộ đặc tính của ma quỷ trong Kinh thánh là satanas, từ Hy lạp dựa trên từ tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ tố cáo.

Đây là một thử nghiệm nhỏ bạn có thể làm. Hãy xem xét lương tâm và tìm xem có bao nhiêu lần trong ngày bạn buộc tội ai đó về một điều gì đó. Tôi chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên. Chúng ta làm điều đó rất nhiều lần. Đó là một trong những trò tiêu khiển chúng ta yêu thích: chỉ ngón tay, đổ lỗi, ngồi lê đôi mách, hủy hoại danh tính của ai đó. Dấu hiệu của ma quỷ là lời buộc tội. Chúa Thánh Thần thì nâng ta lên và xác nhận, khẳng định ai đó là họ đáng giá. Ma quỷ hành động với sức mạnh của kẻ tố cáo.

Đây là một biệt danh khác có liên quan đến ma quỷ tôi thấy đáng chú ý. Kinh Thánh gọi ma quỷ là Cha của sự dối trá. Thiên Chúa là sự thật. Sự trung thực về chính bản thân, về những mối tương quan của chúng ta, về gia đình; về bất cứ sự gì, sự trung thực luôn là con đường của sự sáng, con đường dẫn đến sự hoạt động trôi chảy, êm dịu -- sự trung thực.

Dấu hiệu của sự dữ là lừa dối, không là sự thật. Bạn có thể nghĩ về một lời không thật được nói về bạn và có lẽ đã tổn thương bạn cách sâu sắc. Ai đó đã nói điều không đúng về bạn, đó là một lời nói dối, nhưng nó đã làm tổn thương bạn theo cách mà vết thương đó vẫn còn mưng mủ sau nhiều thập kỷ.

Hãy nghĩ về những lần bạn đã làm tổn thương ai đó bằng một lời nói dối, việc hủy hoại danh tiếng của ai đó, hủy hoại nhân cách của ai đó bằng lời nói dối. Đó là dấu hiệu của thế lực đen tối.

Đây là biệt danh cuối cùng và cũng là biệt danh đáng sợ nhất. Đó là trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, Gioan nói ma quỷ là kẻ giết người từ thuở ban đầu. Thiên Chúa là sự sống. Việc gì nâng cao sự sống thuộc về Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao Thánh GH Gioan Phaolô II nói về nền văn hóa của sự chết. Dấu hiệu của thế lực đen tối luôn là sự gia tăng của cái chết, sự phủ nhận sự sống.

Hãy nhìn vào thế kỷ 20, thế kỷ không chút nghi ngờ là thế kỷ đẫm máu nhất. Số người bị giết vì các hệ tư tưởng, trong chiến tranh, ở thế kỷ 20 là nhiều nhất. Bạn có thể giải thích điều đó hoàn toàn qua các lý do tâm lý hoặc chính trị? Tôi nghĩ giải thích qua cách đó có vẻ đơn giản đến độ hài hước, hoàn toàn không hợp với thực tế khi nói Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, v.v… có thể đơn giản được giải thích với lý do chính trị hoặc tâm lý. Tôi nghĩ sự lan tỏa của bạo lực và sự hủy diệt của cuộc sống của thế kỷ 20 có dấu vết của Kẻ giết người từ thuở ban đầu.

Những gì chúng ta đã nói là thông tin xấu, tồi tệ. Và đây là tin mừng. Tin mừng này là trọng tâm của Kitô giáo, là Đức Kitô đã chiến thắng những quyền lực này. Ngài đã chiến thắng tội lỗi cá nhân. Ngài đã chiến thắng cấu trúc tội lỗi của xã hội. Nhưng Kinh thánh làm chứng rõ ràng cho sự thật rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng những quyền lực này.

Một đoạn tuyệt vời là trong chương 2 của thư gửi Côlôsê, Thánh Phaolô dùng một hình ảnh trong thời của ngài. Khi một vị tướng La Mã đã thắng trận, ông đưa các thủ lĩnh của dân tộc bị thua trận với ông, ông diễu hành những người này trong xiềng xích trên các đường phố để làm bẽ mặt họ. Thánh Phaolô nói Chúa Kitô qua cây thánh giá, đã làm điều đó đến với các quyền lực của bóng tối. Ngài đã xiềng xích chúng, đã công khai điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người. Chúng ta giờ đây đọc lối nói đó và không hiểu ý của Thánh Phaolô. Đó chính xác là điều Thánh Phaolô diễn tả. Điều ngài biết với tư cách là một công dân La Mã của thời đó: Đây là cách họ bêu xấu những kẻ bị đánh bại. Đây chính là điều Chúa Kitô đã làm qua sức mạnh của cây thánh giá. Nghĩa là chúng ta không cần phải bị giam giữ bởi những quyền lực này. Thông điệp này là một trong những trọng tâm của Kitô giáo. Sự dữ đã bị đánh bại và giờ đây chúng ta có thể tuyên bố chiến thắng trên quyền lực của bóng tối.

Đâu là vũ khí nếu bạn muốn dùng hình ảnh chiến thắng quân sự đó? Thánh lễ, bí tích Thánh Thể, bí tích Hòa giải (xưng tội), các bí tích, các thánh. Nói cách khác, toàn bộ những gì Giáo hội là, chúng ta có thể nhận ra đó là vũ khí chúng ta có thể sử dụng trong cuộc chiến chống lại các thế lực đen tối. Và điều đáng buồn là nhiều người Công giáo hiện nay đang tự tách lìa mình ra khỏi tất cả những vũ khí đó. Họ không nên quá ngạc nhiên khi các thế lực đen tối có thể bắt đầu ảnh hưởng đến họ.

Hoặc chúng ta có thể dùng những hình ảnh của ngành y tế để diễn tả, đặc biệt là để giải thích về việc xưng tội. Giả sử bạn có một vết cắt sâu trên tay, vết cắt mà bạn không bao giờ chăm sóc, không chữa lành, không băng bó nó, không bôi thuốc khử trùng. Nó là vết thương hở và điều sẽ xảy đến là vi trùng, vi khuẩn sẽ đi vào và bàn tay sẽ bị nhiễm trùng. Nếu bạn làm lơ về nó, thì với thời gian toàn bộ cơ thể bạn sẽ bị nhiễm trùng.

Hãy nghĩ về tội, tôi không có ý nói về tội vặt, không cố tình ở đây, tôi muốn nói về tội lặp đi lặp lại theo thói quen mà tất cả chúng ta đều có thể mắc phải như một loại vết thương hở trong tâm linh. Không được chữa trị thì điều có thể xảy ra là vi trùng và vi khuẩn của thế giới tâm linh, những quyền lực đen tối có thể sử dụng chúng để đi vào và ảnh hưởng đến bạn.

Giáo hội trao cho chúng ta phương cách để điều trị những vết thương này và phương cách đó được gọi là xưng tội. Nó là xưng thú tội lỗi; đón nhận ơn tha tội là thứ điều trị vết thương. Chúng ta có vũ khí, chúng ta có phương tiện y tế theo cách so sánh, để đối phó với những thế lực đã bị Chúa đánh bại. Nhưng chúng ta phải nắm lấy chiến thắng đó, phải lãnh nhận ơn chữa lành đó. Tôi nghĩ điều đó là một trong những trọng tâm của Kitô giáo ngay cả hôm nay. Như Chúa Giêsu đã sai các tông đồ ngày nay Chúa Giêsu vẫn sai Giáo hội ra đi cho cùng một mục đích.

Share:

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Sự thụ động của Adam và việc đánh mất chức vụ tư tế

Trong cuốn sách, Jesus and the Old Testament Roots of the Priesthood, Dr. John Bergsma, chứng minh rằng Chúa Giêsu đã thực sự thiết lập chức vụ linh mục trong Giao Ước mới. Dr. Bergsma cho thấy chức tư tế là sợi dây chủ yếu gắn kết mạch truyện trong Kinh thánh với nhau — bắt đầu với công cuộc sáng tạo, Chúa dựng nên vũ trụ là đền thờ và Vườn Eđen là cung thánh, chia rẽ ngày đêm là các mùa phụng thờ Chúa, và con người khác biệt với mọi tạo vật vì chỉ con người biết phụng thờ Chúa; việc A-đam mất đi chức vụ tư tế vì phạm tội và quá trình lâu dài mà Chúa đã dùng để khôi phục lại chức vụ tư tế này cho con cháu của Ađam trong nhiều thế kỷ, và đỉnh điểm là Chúa Giêsu Kitô, Ađam Mới, Vua các vua, Ngôi Lời của Thiên Chúa (Ngôn sứ), Vị Thượng Tế cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa Cha. Và chương này là về tại sao Ađam đã mất chức vụ đó.

Nhưng ai đã được đặt trong Vườn [Địa Đàng] để bảo vệ nó? Lệnh canh gác vườn đã không được giao phó cho Evà. Một người khác đã được giao phó trách nhiệm đó. Chúng ta không biết chính xác A-đam đã làm gì trong đoạn đầu của sách Sáng thế chương 3, nhưng chúng ta có cơ sở vững chắc để khẳng định rằng ông đã lơ đễnh đến nỗi trở nên thụ động  trong lời tường thuật của sách Sáng thế. Vì lý do nào đó, nhiều bản dịch tiếng Anh không dịch đầy đủ câu sáu, câu này trong tiếng Híp-ri đọc: “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình”. Cụm từ cuối cùng đó, thường không được dịch ra, cho thấy rõ ràng rằng A-đam đã ở bên Evà suốt thời gian nhưng đã chẳng làm gì cả. Khi Evà trao cho ông trái từ cây, Ađam không phản đối hoặc nhắc nhở Evà về lệnh truyền của Chúa. Ông chỉ lấy nó và ăn. Ông không làm bất cứ sự gì để đối mặt với con rắn.

Con rắn đòi hỏi sự hy sinh nào từ Ađam? Tôi muốn gợi ý rằng Adam cần phải hy sinh chính bản thân mình. Thiên Chúa đặt Ađam trong Vườn Địa đàng và cho phép con rắn thử thách ông. Vai trò của A-đam là chống lại con rắn đó. Dù cho thực tế là con rắn rất đáng sợ và không chút nghi ngờ, Ađam biết rằng để chống lại nó, ông cần hy sinh ngay cả mạng sống mình, Ađam phải “canh giữ” Vườn và đuổi con rắn để hoàn thành chức vụ tư tế của mình*. Tôi tin rằng Ađam được gọi để vâng lời [sứ vụ] của Chúa và sẵn sàng hiến mạng sống mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ông có thể phải chết. Ađam cần phải đồng ý hy sinh mạng sống, thân thể của chính mình để chống lại con rắn vì cô dâu của mình. Nếu ông đã làm như vậy, Chúa sẽ giúp ông. Nhưng thay vì vậy, Ađam lại tỏ ra lơ đểnh đến nỗi thụ động, thậm chí hèn nhát.

Nếu cách giải thích này đúng, thì nó mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề Kinh thánh mà đỉnh điểm là việc Đức Kitô hiến mạng sống mình vì Hiền thê của Ngài. Điều đó cũng tuân theo khuôn mẫu “hy tế của chức tư tế” của Ađam diễn ra trước khi Ađam và Evà phạm tội. Trong sách Sáng thế chương 1–2, chỉ có một điều sai trong công cuộc sáng tạo, chỉ một điều không tốt, chỉ một điều có thể được gọi, theo một nghĩa hẹp nào đó, là “xấu” vì nó là sự thiếu vắng của cái tốt. Đó là con người ở một mình: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2:18).

Ađam phải phản ứng thế nào với sự “xấu” này trong công cuộc sáng tạo? Đầu tiên, Chúa mang tất cả các loài động vật đến với ông, nhưng không một loài động vật nào có thể từ bỏ vai trò tự nhiên của nó, để “hy sinh” vị trí của nó trong hệ sinh thái, theo một cách nói, để trở thành bạn đồng hành của con người. Vì thế, Thiên Chúa đặt A-đam vào một giấc ngủ giống như cái chết, và cắt mổ xương thịt, làm ông đổ máu, để lấy đi chiếc xương sườn của Ađam mà tạo nên người phụ nữ, Evà. Nghĩa là, để sửa chữa sự vắng thiếu duy nhất trong tất cả thụ tạo trước khi Ađam và Evà sa ngã, Ađam cần phải chết đi và hy sinh thân thể của mình. Tôi muốn gợi ý rằng đây là mô hình về chức vụ tư tế của Ađam: của lễ hiến tế chính là bản thân của ông, chính “thân thể” của ông, như Thánh Phao-lô nói trong Rô-ma 12:1: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người”. Ađam đã sẵn sàng thực hiện sự hy sinh bản thân này lần đầu tiên để Evà được tạo nên; nhưng khi đòi hỏi đến lần thứ hai, ông ngã lòng về đức tin và lòng dũng cảm đang khi Evà bị đe dọa trong sách Sáng thế chương 3.

Ađam và Evà ngã gục trước cơn cám dỗ, và điều này tự nhiên dẫn đến câu hỏi, còn chức tư tế thì sao? Nhân loại sa vào tội lỗi và từ bỏ Thiên Chúa, mối tương quan với Thiên Chúa bị sứt mẻ. Ađam bị đuổi ra khỏi cung thánh của mình và có vẻ là không cũng ông có thể thực thi chức năng tư tế của mình. Chức tư tế này dường như đã bị kết thúc. Loài người sa ngã sâu hơn vào tội lỗi (Sáng Thế 4–6). Cuối cùng, Thiên Chúa đau buồn vì đã tạo ra loài người vì bạo lực tràn ngập trái đất (St 6:5–6).

Thiên Chúa quyết định giáng trận lụt để tẩy sạch trái đất và Ngài sẽ bắt đầu lại với người công chính nhất, Nô-ê, người trở thành hình tượng Ađam mới, một người cha mới, một “người đàn ông đầu tiên” mới của loài người. Nô-ê đóng tàu và đem cây cối và động vật vào thuyền (ark / hòm bia). Thuyền có ba tầng hoặc boong (6:16),  Đền Thờ sau này sẽ được xây dựng cũng kiểu ấy, không là lý do ngẫu nhiên chút nào (1 Các Vua 6:6). Ông trôi qua trận lụt. Khi nước lụt rút đi, đất khô bắt đầu trồi lên khỏi mặt nước (Sáng thế 8:14), như trong quá trình sáng tạo (Sáng thế 1:9). Nô-ê đáp xuống đỉnh núi A-ra-rát (Sáng thế ký 8:4), cũng như Ê-đen đã là một ngọn núi. Khi xuống tàu, Sáng thế 8:20 mô tả hành động đầu tiên của ông: “Ông Nô-ê dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ”.

Nô-ê, với tư cách là người cha mới của toàn thể nhân loại, ở đây tiếp tục vai trò tư tế của Ađam. Ông dâng tiến của lễ, điều mà sau này trong lịch sử Israel chỉ giới hạn cho các con trai của A-ha-ron. Nô-ê đảm nhận chức tư tế đã bị đánh mất do tội tổ tông. Hãy lưu ý rằng của lễ của thầy tư tế này có liên quan đến giao ước. Trong chương tiếp theo, sau khi tác giả thánh mô tả Thiên Chúa  “ngửi mùi thơm ngon” của lễ tế của Nô-ê, chúng ta đọc: “Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này” (Sáng thế 9:8-9)

* Từ người dịch: Chúa ra lệnh cho Ađam công việc “canh giữ và chăm sóc” vườn, cũng là chức vụ mà các tư tế trong Đền thờ phải thực thi: “chăm sóc”: thi hành chức vụ này trước bàn thờ và bên trong bức màn; “canh giữ”: Ngoài ra, người nào đụng đến các công việc này đều phải chết” (Dân số 18-7)

Trích từ chương Adam’s Passivity And The End Of His Priesthood của sách Jesus and the Old Testament Roots of the Priesthood by John Bergsma

Share: