Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

“Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19:1-10)

Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

-----------

 

Da-kêu thường bị Kitô giáo đương đại biến thành một nhân vật ủy mị, đa cảm, có lẽ vì những bài hát dạy giáo lý ngày Chúa nhật và những hình cho trẻ em để dán lên bảng làm bằng nỉ làm ông nhìn thấp bé, dễ thương và hấp dẫn. Nhưng chúng ta không nênđa cảm hóa ông như thế. Ông là một người thu thuế giàu có, một kẻ đàn áp người khác trong xã hội, và là người cộng tác với một kẻ thù áp bức và độc tài của nước ngoài.

Chúng ta cảm thấy thế nào về những kẻ buôn bán ma túy lái những chiếc SUV sang trọng và rút ra cọc tiền 500 ngàn đồng? Chúng ta cảm thấy thế nào về các cựu giám đốc điều hành Enron hiện đã nghỉ hưu thoải mái ở Aspen? Chúng ta cảm thấy thế nào về việc những người nhận hàng triệu đô quyên góp từ các chính phủ nước ngoài cho chính mình?

Người Do Thái cũng có những cảm xúc tương tự  về ông Da-kêu. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao họ  tức giận khi Chúa Giê-su chọn ăn bữa với ông chứ không phải bất kỳ ai khác trong thị trấn. Tại sao không đến nhà một số người nghèo từng là nạn nhân bị Da-kêu tống tiền?

Da-kêu cũng giống như con nhện, con gián… những thứ chúng ta ghê tởm — thụ tạo Chúa dựng nên mà chúng ta không thể nhìn thấy bất kỳ sự tốt lành nào. Chúng ta chê bỏ ông và kết luận rằng Chúa không nhân từ đối với tất cả những gì ông đã làm. Chúa chỉ tạo ra một số người rồi để họ mặc xuống hỏa ngục.

Nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy sự việc trong tầm nhìn rộng lớn hơn. Ngài nhìn thấy sự tốt lành đã được dựng nên vẫn còn trong Da-kêu bất chấp điều ác mà ông đã làm. Và việc Chúa ghé thăm nhà ông đã dẫn đến sự sám hối, và không chỉ sám hối mà còn là đền bồi.

Điều quan trọng là Da-kêu thề sẽ sửa chữa những sai lầm của mình:

“Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

Cách đây nhiều năm, Chúa đã ban cho tôi cơ hội trải qua việc một người Kitô hữu bạn đã lầm lỗi nặng nề với tôi, người này sau đó đã cho tôi một bài thuyết trình về sự kỳ diệu của việc tha thứ của Chúa Giêsu cho những ai tin — sự tha thứ mà anh ta rõ ràng nghĩ tôi chưa bao giờ trải nghiệm bởi vì tôi là một người Công giáo (John Bergsma, tác giả của bài suy niệm này, trước đây là một người Tin Lành). Người Công giáo là những người được bạn tôi cho rằng không biết tin cậy vào sự cứu rỗi của Chúa, mà phải mua lòng Chúa, mua sự cứu rỗi bằng việc làm phúc đức của mình.

Tôi nghĩ việc tôi phải trải nghiệm sự kiện đó là một ân sủng vì nó đã giúp tôi hiểu thật là chướng mắt khi nghe tín hữu (dù là Công giáo, Tin lành, hoặc nhóm nào khác) nói về sự tha thứ của Chúa khi bạn là người đã phải lãnh nhận những thiệt hại, sầu khổ do họ gây nên. Không chút nào khó để tưởng tượng sự kiện như vậy có thể làm người ta không còn tin vào Kitô giáo nữa. Nó làm cho Kitô giáo như thể là một cách dùng lời mời gọi tha thứ của Chúa để tránh việc xin lỗi và thực hiện việc đền bù mà họ đã gây ra đối với người khác. Chúa Giêsu (như trong bài Phúc âm) đã làm cho lương tâm họ bớt chống cự và giúp họ đối mặt với những việc làm sai trái của mình.

Đây không phải là vấn đề Công giáo - Tin lành. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến mọi Kitô hữu — bạn, tôi, tất cả chúng ta. Chúng ta phải thận trọng: nếu chúng ta muốn nói với người khác về sự tha thứ của Chúa, trước tiên chúng ta hãy làm những gì Da-kêu đã làm, và đảm bảo rằng chúng ta đã làm mọi điều đúng đắn với những người chúng ta đã làm sai; chúng ta gọi điều này là đền bù tội lỗi. Đền bù minh chứng rằng sự sám hối của chúng ta là thật. Cho đến khi chúng ta thực hiện sự đền bù, hành vi đạo đức của chúng ta chỉ là lời nói suông. Trái lại, sự đền bù chạm đến trái tim. Lời xin lỗi và những hành động cụ thể — bao gồm cả tiền bạc và của cải khi thích đáng — đối với những người bị oan, chịu thiệt hại có thể làm dịu trái tim và phá vỡ những rào cản dường như không thể gỡ đi được.

Những người nghèo ngay chính, bị cám dỗ để phẫn nộ với Chúa Giêsu vì Chúa đã đến thăm nhà ông Da-kêu, có lẽ đã rất biết ơn Chúa Giêsu vì Ngài đã đến thăm ông khi ông Da-kêu xuất hiện trước cửa nhà họ vào tuần sau với số tiền gấp bốn lần số tiền mà ông lấy từ họ năm trước đó. Có lẽ điều này giúp họ xét đoán khác đi về Chúa Giêsu.

Có sự bồi thường nào mà bạn và tôi phải thực hiện trong tuần tới để những người khác có cơ hội nhìn thấy Chúa Giê-su một cách rõ ràng không? -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Thuốc giải độc cho sự kiêu ngạo

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Luca 18:9-14)

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

--------

Chúa Giê-su kể chuyện ngụ ngôn này cách khá hài hước. Người Pharisêu kiêu hãnh “cầu nguyện đến với chính mình”. Ông chủ yếu nói về bản thân trong lời cầu nguyện;  ông đang tự khen ngợi bản thân và thậm chí đang cầu nguyện với chính mình! Người Pha-ri-sêu đã nhầm lẫn ông với Thiên Chúa. Đó là bản chất của sự kiêu căng.

Người thu thuế chỉ đơn giản kêu xin Chúa thương xót và nhận lời ông cầu xin. Lưu ý: điều này không có nghĩa là người thu thuế là một “người tốt”. Nhiều người thu thuế là những người bất công, lạm dụng và lợi dụng những người khác trong xã hội, kể cả người nghèo. Dụ ngôn của Chúa Giêsu gây sốc cho những người đương thời vì hầu hết người Do Thái đều có lý do để phẫn nộ trước cách những người thu thuế Do Thái cộng tác với chế độ La Mã. Họ là những kẻ ăn bám xã hội, là thảm họa của  xã hội, tương tự như cách chúng ta nhìn những kẻ buôn bán ma túy ngày nay. Hãy tưởng tượng: “Một tên trùm ma túy đi lên cầu nguyện, ‘Ôi Chúa ơi, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi. ’” Điều chúng ta nghĩ về người này cũng tương tự với những người Do Thái trong thời Chúa Giêsu.

Ý của Chúa Giê-su không phải là cộng tác với chế độ áp bức và lừa gạt người nghèo là tốt, cũng không phải ăn chay là xấu;  tham lam, bất lương, và ngoại tình là tốt. Quan điểm của Chúa Giê-su là kiêu ngạo là gốc rễ của mọi tội lỗi khác, và nếu chúng ta đã đạt được tất cả các nhân đức nhưng vẫn giữ lòng kiêu căng trong bản thân, thì chúng ta như một người thậm chí còn chưa bắt đầu đời sống thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng bắt đầu với sự thừa nhận tội lỗi và nhu cầu của chúng ta. Sau đó, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta nên tăng triền trong sự thánh thiện, không bao giờ quên rằng “Công trạng các việc lành của chúng ta là hồng ân do lòng nhân hậu của Thiên Chúa.” (GLCG §2009). Điều này làm tôi nhớ đến một trong những câu trích dẫn yêu thích của tôi trong Sách Giáo lý Công giáo.

Các thánh luôn có một nhận thức sống động rằng công đức của họ là ân sủng thuần khiết.

“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng được vui hưởng nhan Chúa nơi quê thật trên trời. Con không muốn thu thập công trạng để được lên thiên đàng, con làm việc chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi....Cuối cuộc đời này, con đến trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay không, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi điều công chính của chúng con đều mang tì vết trước nhan Chúa. Con chỉ ao ước mặc lấy sự công chính của Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần gia nghiệp đời đời là chính Chúa (FT. Tê- rê-sa Hài Đồng Giê-su, tận hiến cho tình yêu nhân từ)”

Thuốc giải độc cho sự kiêu ngạo là hoàn toàn phó thác vào lòng thương xót của Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào ân sủng mà sẽ ban sức mạnh để chúng ta từ bỏ tội lỗi và sống bác ái.
-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C

Share:

Đừng sợ ! Hãy mở rộng cửa cho Đức Ki-tô!

Đừng sợ ! Hãy mở rộng cửa cho Đức Ki-tô!

Trích bài giảng khai mạc sứ vụ giáo hoàng của Đức Gio-an Phao-lô II (ngày 22 tháng 10 năm 1978 : A.A.S. 70 [1978], pp. 945-947).

Phê-rô đã đến Rô-ma ! Điều gì đã dẫn đưa người tới thành phố này, tới trung tâm của đế quốc Rô-ma, nếu không phải là việc vâng theo ơn Chúa soi dẫn ? Có lẽ người ngư phủ xứ Ga-li-lê đã không muốn sang mãi tận đây. Có lẽ ông thích ở lại với thuyền với lưới trên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét bên đó hơn. Thế nhưng, được Chúa dìu dắt và vâng theo ơn soi dẫn của Người, ông đã qua tận bên đây.

Theo một truyền thống cổ xưa, trong thời Nê-rô bách hại, Phê-rô muốn rời bỏ Rô-ma. Nhưng Chúa can thiệp : Người đến gặp Phê-rô. Phê-rô quay sang hỏi Người : “Quo vadis, Domine ?” - “Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy ?” Chúa đáp ngay : “Thầy đến Rô-ma để chịu đóng đinh lần nữa đây”. Phê-rô đã trở ngược lại Rô-ma và ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh vào thập giá.

Thời đại hôm nay mời gọi chúng ta, thôi thúc chúng ta, đòi buộc chúng ta nhìn lên Chúa, khiêm nhường và đạo hạnh chìm sâu vào suy niệm về mầu nhiệm quyền tối thượng của chính Đức Ki-tô.

Đấng sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, nhiều người nghĩ là con bác thợ mộc, nhưng Phê-rô lại tuyên xưng là Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng ấy đã đến làm cho tất cả chúng ta trở thành “một vương quốc tư tế”.

Công đồng Va-ti-ca-nô II nhắc cho chúng ta nhớ mầu nhiệm về quyền năng này và cũng nhớ điều nữa là sứ vụ của Đức Ki-tô vẫn tiếp tục trong Giáo Hội : Người là Tư Tế, là Ngôn Sứ Giảng Dạy, là Vua. Mọi người trong toàn Dân Thiên Chúa được dự phần vào sứ vụ ba phẩm vị này. Và có lẽ ngày xưa, chiếc vương miện ba tầng đã được đội trên đầu vị giáo hoàng là để làm biểu tượng nói lên rằng : tất cả phẩm trật trong Giáo Hội Đức Ki-tô, tất cả “quyền năng thánh” của phẩm trật đó được thực thi chỉ là để phục vụ chứ không nhằm gì khác. Mục tiêu duy nhất của phục vụ ở đây là làm sao cho toàn thể Dân Thiên Chúa tham dự vào sứ vụ ba phẩm vị nói trên của Đức Ki-tô và luôn luôn phục quyền Chúa, thứ quyền không xuất phát từ các thế lực trần gian, nhưng từ Cha trên trời và từ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh.

Quyền năng tuyệt đối nhưng dịu dàng và êm ái của Chúa đáp ứng tất cả những gì là sâu thẳm của con người, những ước vọng cao cả nhất của lý trí, ý chí và con tim. Quyền năng này không lên tiếng bằng ngôn ngữ của vũ lực, nhưng tỏ bày trong tình thương và chân lý.

Hôm nay, người kế vị mới của Phê-rô trên toà Rô-ma xin dâng lên một lời cầu nguyện nồng nàn, khiêm tốn và đầy tin tưởng : “Lạy Đức Ki-tô, xin làm cho con có thể trở nên và có thể là người phục vụ quyền năng chỉ thuộc về Ngài, phục vụ quyền năng êm dịu của Ngài, phục vụ quyền năng không bao giờ mai một của Ngài ! Xin làm cho con có thể là một người tôi tớ ! Hay đúng hơn, có thể là tôi tớ của các tôi tớ Ngài”.

Anh chị em thân mến, anh chị em đừng sợ tiếp đón Đức Ki-tô và chấp nhận quyền của Người !

Hãy trợ giúp giáo hoàng cũng như tất cả những ai muốn phục vụ Đức Ki-tô và muốn dựa vào quyền năng của Đức Ki-tô mà phục vụ con người và toàn thể nhân loại !

Đừng sợ ! Trái lại, hãy mở toang cửa cho Đức Ki-tô. Hãy mở biên cương các nước, mở các hệ thống kinh tế cũng như hệ thống chính trị, mở các lĩnh vực văn hoá, văn minh và phát triển là những lĩnh vực rộng lớn, mở hết ra mà đón lấy quyền năng cứu độ của Người. Đừng sợ ! Đức Ki-tô biết “điều gì ở trong con người”. Chỉ mình Người biết mà thôi.

Ngày nay, rất nhiều khi con người không nhận biết những gì đang chất chứa trong mình, trong sâu thẳm tâm hồn và trái tim mình. Rất nhiều khi họ không chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống của mình trên mặt đất này. Lòng họ tràn ngập thứ hoài nghi đưa tới thất vọng. Vậy, hãy để cho Đức Ki-tô - tôi xin anh chị em, tôi khiêm tốn và tin tưởng van nài anh chị em đấy - hãy để cho Đức Ki-tô nói với con người. Chỉ Người mới có những lời ban sự sống, vâng, sự sống đời đời.

Share:

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Lời tiên đoán của Chúa về việc Đền thờ Giêrusalem bị tiêu hủy để cứu Giáo hội nhỏ bé thời sơ khai

Chuyển ngữ từ một đoạn của Rapture: The End-Times Error That Leaves the Bible Behind by Dr. David Currie

Chúa đã cảnh cáo các Pharisêu và kinh sư với những lời “Khốn thay...” nhưng họ đã không hoán cải và cuối cùng là họ đã kết án Chúa Giêsu và đóng đanh Ngài vào thập giá. Trong đoạn này, Dr. Currie đang nói về Diễn giải trên Núi Ô-liu của Chúa Giêsu và việc nó đã được ứng nghiệm theo như lời Chúa đã tiên đoán trong  Mát-thêu 24 25, Mác-cô 13, and Luca 21. Đến thời Chúa xét xử thành Giêrusalem vì đã không nhận ra Chúa khi Ngài đã đến giữa họ, Chúa đã nói trước những dấu hiệu để các môn đệ của Ngài biết mà thoát khỏi thời điểm Chúa kết án thành Giêrusalem. Đoạn này nói lên sự trung tín của Chúa với những ai tin theo Người và cơn thịnh nộ của Chúa thật là kinh hoàng cho những ai không ăn năn, không đón nhận ơn cứu độ của Con Ngài.

-------------

... Bảy dấu hiệu đầu tiên: sự xuất hiện của những mêsia giả; chiến tranh và tin đồn về chiến tranh; nạn đói; động đất; cuộc đàn áp tôn giáo do nhà nước bảo trợ; sự sa ngã của một số Kitô hữu; và việc Phúc âm được rao giảng trên toàn thế giới. Những dấu hiệu này không có mối liên hệ chặt chẽ với khi nào Đền thờ bị phá hủy. Các môn đệ chỉ biết điều đó sẽ xảy ra trong khi Đền thờ vẫn đứng vững, vì chúng là những lời cảnh báo về sự sụp đổ của Đền thờ… Ngược lại, dấu hiệu thứ tám: sự xúc phạm làm Đền thờ trở nên tan hoang từ sách Đa-ni-en (dân ngoại bao quanh Giê-ru-sa-lem) – được kèm theo với lời cảnh báo nguy cấp là phải chạy trốn ngay lập tức khi dấu hiệu thứ tám xuất hiện. Chúa Giêsu nhấn mạnh, “Các con đừng để sự gì làm các con chậm trễ khi thấy dấu hiệu cuối cùng này.”

Sự bị phá tan hoang được ứng nghiệm

Vậy lịch sử cho chúng ta biết điều gì về tám dấu hiệu này? Vào mùa hè năm 66 A.D., tướng quân La Mã Cestius Gallus tấn công Giê-ru-sa-lem để phản ứng lại việc ngừng hiến tế cho Hoàng đế Nero trong Đền thờ. Ông đã thực sự dẫn binh lính của mình đến cổng của Đền thờ, và nhiều người Do Thái nghĩ rằng người La Mã đã thắng trận. Đền thờ sắp sụp đổ. Tuy nhiên, vì một số lý do không rõ, Cestius bất ngờ rút lui.

 Trước dấu hiệu suy yếu này, người Do Thái đã truy đuổi đội quân đang rút lui và giết hàng trăm binh lính La Mã trong khi thu được một lượng lớn vật liệu chiến tranh. Các đơn vị đồn trú của La Mã, hiện là một hòn đảo trong vùng biển có lãnh thổ rất thù địch, đã được hứa là họ có thể tiến hành an toàn, nhưng những người lính La Mã đã đầu hàng vũ khí của mình. Sự đẩy lùi này của quân đội La Mã để lại cho Giê-ru-sa-lem ấn tượng rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục bảo vệ Đền thờ của Ngài, và rằng họ có thể đánh bại La Mã khi ra trận (WJ, II, 17–19).

Nero nổi điên lên khi được thông báo về sự thất bại này. Ông ngay lập tức tuyên chiến và cử vị tướng giỏi nhất của La Mã đến Israel vào tháng 2 năm 67 A.D. Tướng Vespasian bắt đầu chinh phục Galilê và vùng nông thôn Giuđêa. Ông ấy không muốn phạm phải sai lầm mà Cestius đã làm. Vespasian tham gia một chiến dịch vào mùa hè năm 67 A.D., và sau đó một lần nữa vào mùa hè năm sau. Sau khi hoàn thành các chiến dịch này, ông đã lên kế hoạch đưa toàn bộ quân đội của mình đến bao vây Giê-ru-sa-lem.

Đột nhiên mọi thứ thay đổi. Nero tự sát vào tháng 6 năm 68 A.D. Vespasian ngay lập tức rút khỏi chiến trường. Vì một điều quan trọng hơn: ngôi hoàng đế ở Rôma. Mặc dù cho như ông đã thành công trong cuộc chiến đó, ông đã phải rời bỏ Giê-ru-sa-lem trong lúc này. Vespasian đã ra trận trong chiến dịch thứ ba, rất ngắn ngủi vào mùa hè năm 69 A.D. Lúc đó, đối thủ thứ nhất của ông là Galba, đã bị sát hại (tháng 1 năm 69 A.D.), và đối thủ thứ hai của ông, Ortho, đã bị đánh bại và tự sát (tháng 4 năm 69 A.D.).  Đối thủ thứ ba của ông, Vitellius, đến Rôma vào tháng bảy. Các quân đoàn phía đông tuyên bố Vespasian là hoàng đế, và Vitellius bị giết vào mùa thu năm 69 A.D bởi chính quân đội của mình. Con trai của Vespasian, Titus, cuối cùng đã trở về Giê-ru-sa-lem vào năm 70 A.D. để hoàn thành công việc mà cha ông đã chưa hoàn thành.

Điều này có liên quan gì đến việc các Kitô hữu có thể an toàn trốn chạy khỏi Giêrusalem? Trong lần rút quân ban đầu khi có tin Nero tự sát, có vẻ như người La Mã đã rời khỏi Giê-ru-sa-lem, và Giêrusalem không còn bị bao vây nữa. Lỗi này nhanh chóng được khắc phục, nhưng có một khoảng thời gian ngắn mà không có quân đội La Mã nào bao vây Giê-ru-sa-lem.

Sự rút lui của Vespasian không ngăn cản những người của các nhóm nhiệt thành (Zealots) sống ngoài vòng pháp luật tiến hành chiến tranh chống lại nhau. Một nhóm trong số họ đã ẩn náu ở Giê-ru-sa-lem vì sự an toàn tương đối mà nó mang lại. Những người trong thành phố Giê-ru-sa-lem sẽ không cho phép bất cứ ai rời đi vì sợ rằng họ sẽ giúp những người bên ngoài thành. Nhóm Zealots sống ngoài vòng pháp luật bên ngoài thành phố sẽ không cho phép bất kỳ ai rời đi vì sợ họ là gián điệp.

Khi Vespasian đã đảm bảo được thành Rôma và ngai vàng cho mình, Titus có thể tập trung toàn bộ vào Giê-ru-sa-lem. Titus sẽ không bỏ dở dang công việc mà cha ông đã bị dụ dỗ từ bỏ sau cái chết của Nero. Vào thời điểm này, phần còn lại của Giuđêa hoặc đã kiện đòi hòa bình hoặc đã bị chinh phục, và Titus giờ đây có thể tự do tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào thành  Giê-ru-sa-lem nổi loạn này (WJ, IV, 10: 5).

Ông tạm dừng để các phe phái của người Do Thái trong thành phố tiếp tục tàn sát lẫn nhau. Đền thờ lúc này đang được một trong những nhóm Zealot sống ngoài vòng pháp luật kiểm soát bởi, chiến đấu với tầng lớp tư tế và cư dân thành phố. Người Idumeans, là hậu duệ của Esau, đã xâm nhập được vào thành phố và đang hoành hành khắp thành phố. Và một nhóm người Zealots vô luật pháp, những người đã bị bao vây bên ngoài các bức tường, cuối cùng đã vào thành và tham gia vào cuộc chiến (WJ, IV, 6: 2).

Người La Mã đã xây thành lũy để phá tường thành, đúng như lời Chúa Giêsu tiên đoán. “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” (Lu-ca 19: 43–44).

Nhiều người Do Thái đã cố gắng thoát khỏi thành Giêrusalem khi cuộc bao vây cuối cùng của Titus đang được tiến hành, nhưng cơ hội để chạy trốn đã không còn nữa. Có vẻ như cơ hội duy nhất là trong cuộc rút lui ngắn ngủi và cuộc đuổi theo Cestius, hoặc trong thời điểm Vespasian quyết định chiếm ngai vàng sau khi Nero tự sát. Ngay lúc đó Vespasian đã kéo toàn bộ quân đội của mình khỏi Giê-ru-sa-lem. Sau đó, ông nghĩ lại và gởi một nhóm binh sĩ trở về Giêrusalem.

Chúa Giêsu biết rằng khoảng thời gian để trốn rất ngắn ngủi. “Ai ở trên sân thượng thì đừng xuống lấy đồ đạc trong nhà, ai ở ngoài đồng, đừng trở lại phía sau lấy áo choàng của mình.  Khốn cho những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!  Anh em hãy cầu xin cho khỏi phải chạy trốn vào mùa đông hay ngày sa-bát.”(Mat 24: 17–20). Các Kitô hữu đã phải thoát khỏi thành, không chút do dự khi có cơ hội.

Cestius xuất hiện vào năm 66 A.D. Vespasian đến vào năm 67, 68 và 69 A.D. Sau đó Titus chiếm thành vào năm 70 A.D. Trong mỗi biến cố, dân Do thái làm điều họ đã luôn làm khi bị xâm chiếm bởi quân lính ngoại bang. Họ chạy vào thành Giê-ru-sa-lem và tạ ơn Chúa vì sự khá an toàn của nó. Đó là một thành kiên cố và đã chịu đựng được các cuộc tấn công trong suốt lịch sử.

Vì vậy, lời khuyên của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài trong Bài giảng Núi Ô-liu hoàn toàn trái ngược với bản năng của mọi người Israel. Ngài ra lệnh cho các môn đệ của Ngài “chạy trốn lên núi” ngay lập tức khi họ quan sát thấy cảnh tượng tàn ác ghê tởm của Đa-ni-ên, mà Lu-ca xác định là những đội quân bao quanh Giê-ru-sa-lem. Các Kitô hữu phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem! Lời khuyên này thách thức đức tin của ngay cả những Kitô hữu sùng đạo nhất và đáng tin cậy nhất của Giê-ru-sa-lem. Có phải các Kitô hữu đã tin theo những xét đoán hay nhất của chính họ và trốn trong các bức tường thành; hay họ đã vâng lời Chúa của họ và chạy xa khỏi Giê-ru-sa-lem khi có cơ hội?

Eusebius ghi lại rằng các Kitô hữu chạy trốn hàng loạt vì lời tiên tri của Chúa Giêsu, có thể là vào năm 68 A.D. “Tuy nhiên, toàn bộ các tín hữu của cộng đoàn tại Giê-ru-sa-lem, đã được chỉ huy bởi một sự mặc khải của Chúa, mặc khải được giao cho những người có lòng mộ đạo được cộng đoàn chứng nhận trước khi chiến tranh xảy ra, đã rời khỏi thành, và cư ngụ tại một thị trấn nào đó bên ngoài sông Giođan, tên là Pella.… Và khi những người tin vào Chúa Giêsu Kitô đã từ Giê-ru-sa-lem đến đó… sự phán xét của Chúa sau một thời gian dài đã được thực hiện… và hoàn toàn tiêu diệt thế hệ cứng đầu đó.” (EH, III, 5:86).

 Khu vực này trên khắp sông Jordan trước hết là một vùng đất của dân ngoại, dưới sự bảo hộ của Vua Agrippa. Hầu hết những người Kitô hữu đã trốn đến Pella ở Transjordan, nhưng một số đi xuống Alexandria ở Ai Cập, và một số ít trốn đến Tiểu Á.

Josephus (một lịch sử gia Do thái giáo chẳng chút thân thiện với Kitô giáo) nói với chúng ta rằng nhiều người Do Thái đã bỏ trốn khỏi Giê-ru-sa-lem ngay sau khi Tướng Cestius thất bại vào năm 66 A.D. Có phải là những người Do Thái tin vào Chúa Giêsu không? Eusebius đặt sự trốn chạy này vào tháng 6 năm 68 A.D., khi Vespasian tạm thời rút quân khỏi vòng vây của Giê-ru-sa-lem.

Nó thực sự không quan trọng các Kitô hữu đã thoát khỏi thành lúc nào. Trong cả hai trường hợp, sẽ có một khoảng thời gian rất ngắn để trốn thoát. Tất nhiên, cả hai đều vào đúng thời điểm mà bất kỳ Kitô hữu nào có suy nghĩ sáng suốt sẽ không bị thuyết phục rằng họ cần phải chạy trốn.

Nhưng các Kitô hữu đã không nhìn các sự kiện mà không có sự hỗ trợ của tầm nhìn siêu nhiên. Họ đã nhớ những lời của Chúa Kitô. Thánh Athanasius cho chúng ta biết rằng mặc khải mà Eusebius đề cập đến, chính là những lời của Chúa Kitô mà chúng ta đang xem xét. Sau khi trích dẫn lời cảnh báo của Chúa Giêsu, Athanasius mô tả các hành động của cộng đoàn ở Giuđêa “Biết được những điều này, các vị thánh của Chúa đã điều chỉnh hành vi của họ cho phù hợp” (DHF). Không hề nghĩ đến của cải, họ chạy trốn để cứu mạng sống của họ.

Hầu như không một ai sống sót thoát khỏi quân đội La Mã một khi cuộc bao vây được tổ chức một cách nghiêm túc. Những người cố gắng trốn thoát khỏi thành Giê-ru-sa-lem đã bị người La Mã bắt, đánh roi, và sau đó bị đóng đinh trên thập tự giá: năm trăm người trở lên bị đóng đanh mỗi ngày. Titus “hy vọng rằng người Do Thái có thể nhún nhường trước cảnh tượng đó, vì sợ hãi.… Những người Do thái bị đóng đanh rất đông, họ không có chỗ để đóng đanh và cây không đủ để treo người ta.” (WJ, V, 11: 1). Eusebius ghi lại rằng không một Kitô hữu nào bị bắt trong Giê-ru-sa-lem khi Titus thành công trong việc bao vây thành (EH, III, V)! Giáo hội sơ khai đã thấy những dấu hiệu về sự ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giêsu. Đức tin của họ vào lời của Chúa Kitô đã cứu Giáo hội Giuđêa non trẻ khỏi sự diệt vong.

Share:

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế

Chúng ta nên nhớ lại bối cảnh của bài đọc. Sau mười bệnh dịch và Lễ Vượt Qua, vài tuần trước, dân Israel đã rời Ai Cập, băng qua Biển Đỏ, và bây giờ tiến vào đảo Sinai, một sa mạc núi đá rộng lớn. Amalek là một quốc gia của những người du mục kiểm soát phần đông bắc của bán Sinai và phần nam của Negeb (nam sa mạc của Giuđêa). Người Amalekite không hài lòng khi dân Israel di chuyển qua vùng ngoại ô lãnh thổ của họ, và họ đã cử các đội do thám để theo dõi họ. Theo sách Đệ Nhịt Luật 25:18, những kẻ cướp phá Amalekite sẽ giết những người yếu nhất trong số những người Israel bị tụt lại phía sau trại chính — đó là những người ốm yếu, người già, những gia đình nghèo có nhiều trẻ em, v.v. Người Amalekites là một biểu hiện cổ xưa của văn hóa cái chết.

Trên đường đến Núi Sinai, dân Israel bị tấn công bởi phần lớn lực lượng Amalekite, và họ buộc phải phản hồi, mặc dù thực tế rằng họ không phải là quân nhân mà là cựu nô lệ, và nếu có vũ khí thì có rất ít vũ khí thích hợp. Đó là một tình huống vô cùng nguy hiểm có thể kết thúc với việc dân Israel bị tiêu diệt hoàn toàn ở giữa một sa mạc hoang vu.

Chàng trai trẻ Giô-suê lãnh đạo những lực lượng mà dân Israel có thể tập hợp được trong khi Mô-sêlên đỉnh núi cầu nguyện với Thiên Chúa. Ý của bản văn này là một ví dụ điển hình về sự bổ sung của cầu nguyện và hành động, của ora (cầu nguyện) et labra (làm việc). Dân Israel chiến đấu và cầu nguyện: cả hai đều cần thiết vì đức tin và việc làm hợp tác với nhau.

Thật kỳ lạ là việc cầu nguyện của Mô-sêlại quá là cần thiết như vậy! Sao Chúa không chỉ ban chiến thắng cần gì đến việc cầu nguyện? Dĩ nhiên là Chúa có thể ban chiến thắng! Tuy nhiên, đây là điều bí ẩn về ý muốn của Chúa: Chúa muốn sự tham gia của chúng ta khi Chúa thực hiện các kế hoạch của Ngài. Ngài đã định là Ngài sẽ ban chiến thắng cho dân Israel qua lời cầu bầu của Mô-sê. Cầu nguyện là sự hợp tác với thánh ý của Chúa cho chúng ta.

Không có cuộc chiến tranh nào là “thế tục” trong Cựu Ước. Mỗi trận chiến đều là một cuộc xung đột cả về vật chất lẫn tâm linh bởi vì các đội quân đối lập luôn kêu gọi các vị thần tương ứng của họ. Xung đột của các quốc gia là xung đột của các thần thánh của họ, và thần thánh nào mạnh hơn sẽ chiến thắng. Ở đây cũng vậy: có một trận chiến tâm linh đang diễn ra ở đây giữa Thiên Chúa của Israel và các thần của người Amalekites, cũng như trong sách Xuất hành trước đó, Chúa đã chiến đấu với các vị thần của Ai Cập qua mười bệnh dịch, đánh bại thần sông Nile, thần mùa màng, thần chăn nuôi, thần mặt trời, v.v… Trong một cuộc xung đột tâm linh, cầu nguyện là điều quan trọng. Thiên Chúa chọn sử dụng nó làm phương tiện để ban chiến thắng. Điều này gợi lại những xung đột tâm linh trong thời gian công khai của Chúa Giê-su. Khi các môn đồ không thể đuổi được quỷ, Chúa nói với họ, “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”  (Mác-cô 9:29,).

Đức giáo hoàng Benedict XVI nêu ra rằng Môsê với cả hai cánh tay giơ lên ​​khi cầu nguyện, là tư thế giống như tư thế của Chúa Kitô trên cây thập tự. Vì vậy, chúng ta có thể thấy Mô-sê ở đây là một mẫu của Chúa Kitô, mẫu của lời cầu nguyện vĩ đại  dâng lên Chúa Cha: đó là Sự Thương Khó và Đóng đinh, lời cầu nguyện cao quý đã dứt khoát đánh bại kẻ thù của dân Chúa. Chúng ta tham gia vào Lời cầu nguyện vĩ đại đó của Chúa Kitô trên Thập giá trong mỗi Thánh lễ.

Là Giáo hội lữ thứ, chúng ta đang ở trong một vị trí rất giống với dân Israel trên hành trình đến núi Sinai. Chúng ta đã rời khỏi Ai Cập (nghĩa là nô lệ của tội) bằng cách vượt biển đỏ (qua bí tích Rửa tội), bây giờ chúng ta là những người tự do, chúng ta lại thấy mình đang ở trong một trận chiến.

Người ta đôi khi ngạc nhiên khi khám phá ra rằng đời sống Kitô hữu là một trận chiến. Có lẽ họ cho rằng mọi việc sẽ dễ dàng hơn sau khi được rửa tội hoặc khi có mối tương quan gần gũi với Chúa. Nhưng thật sự là kẻ nô lệ không cần phải chiến đấu. Ở Ai Cập, dân Israel không có quân đội; họ chỉ làm nô lệ vâng lời các chủ nhân Ai Cập của họ. Đó biểu tưởng cho cuộc sống của tội lỗi: nó không thực sự là một cuộc chiến. Bạn không chống lại sự cám dỗ; bạn chỉ cần tuân theo nó. Kẻ nô lệ không cần chiến đấu mà là kẻ tự do, thuộc nước tự do có quân binh. Trong đời sống tâm linh cũng vậy. Khi chúng ta bỏ lại những cơn nghiện của mình, sau khi trải qua sự hoán cải, chúng ta bước vào cuộc sống tự do này nhưng phát hiện ra rằng tự do đòi hỏi phải đấu tranh, rằng tự do không thể được duy trì nếu không chiến đấu.

Điều gì mang lại cho chúng ta sức mạnh cho cuộc chiến này? Cầu nguyện. Đó là căn nguyên thật có sự của chiến thắng của chúng ta. Nhưng chúng ta phải kiên trì cầu nguyện liên lỉ cho đến khi giành được chiến thắng cuối cùng: thiên đàng.

Chuyển ngữ từ The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year C của Dr. John Bergsma

Share: