Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Chúa là Mục tử tôi -- phần 1

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.
-- Thánh vịnh 23

Là người Kitô hữu, chúng ta ước ao mình biết yêu mến Chúa. Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện để tỏ lòng yêu mến đó hay ít ra là vì chúng ta không muốn quên Ngài và vì chúng ta cần đến Ngài.

Nhưng để yêu mến một người, chúng ta cần sống với người ấy, biết rõ về người ấy, có tình cảm với người ấy. Để yêu một người, chúng ta cần biết người ấy có thể đáp trả lại tình yêu của chúng ta. Nhưng trước đó nữa là câu hỏi: người ấy có đáng yêu không? Tính tình người ấy như thế nào?

Chúng ta có biết Chúa không?

Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng Ngài đã trở thành hữu hình để chúng ta có thể sờ mó Ngài. Các tông đồ của Chúa Giêsu đã sống với Ngài. Chúa Giêsu sống ở trên mặt đất này 2000 năm trước và các Thánh Sử đã ghi chép lại những điều Ngài dạy, việc Ngài làm.

Chúng ta có thể biết Chúa.

Thiên Chúa đã tỏ lộ mình qua Lời của Ngài (Kinh Thánh) và Lời ấy đã nhập thể, sống giữa chúng ta và đã hy sinh mạng sống mình cho chúng ta.

Dưới đây, chúng ta sẽ dùng thánh vịnh 23, truyền thống cho biết do vua Đavít viết (viết trong thời Vua Đavít) để tô vẽ vài nét về bộ mặt của Thiên Chúa chúng ta.

Chúa là Ai? Ngài có những đặc tính nào?

Chúa là Mục Tử tôi.

Vua Đavít là người viết thánh vịnh này. Đối với ông, Thiên Chúa của Israel, Giavê, là Mục Tử của ông. Chúa Giêsu khi Ngài đi giảng dạy đã tuyên bố: “Ta là Mục Tử nhân lành.”

Vị Mục Tử này như thế nào?

Đavít trước khi làm vua, ông đã là người chăn chiên và biết rất rõ về những nhiệm vụ của người mục tử. Trong tay một mục tử tốt, con chiên sẽ ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, được chăm sóc khỏi bệnh tật, có nơi an toàn để nghỉ ngơi và dưỡng sức. Đoàn chiên là niềm hãnh diện của ông, nó đem danh tiếng cho người chăn chiên. Láng giềng sẽ khen ông tài năng, giàu có. Trong tay một mục tử thờ ơ, con chiên sẽ ốm yếu vì đói và bệnh tật. Nó sống, nó chết mặc kệ, ông không hề quan tâm.

Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành. Đoàn chiên được béo tốt là niềm vui sướng của Ngài. Là Mục Tử tốt lành, Chúa Giêsu hy sinh bản thân cho mạng sống của con chiên, không những chỉ những con chiên khỏe mạnh nhưng nhất là những con chiên mắc nạn, lâm vào cảnh ngặt nghèo. Ngài phải đi tìm con chiên lạc và hồi phục nó.

Giữa người mục tử và chiên có một nối liên kết. Ông biết các con chiên của mình; ông gọi từng con bằng tên của nó và chiên của ông chỉ nhận ra tiếng của ông. Người chủ chiên thường ấn dấu vào mỗi một con chiên của mình để ông có thể nhận ra nó từ đằng xa. Khi một con chiên mới gia nhập đoàn chiên, người mục tử thường lấy con dao sắc cắt vào tai dấu vết riêng của ông. Mỗi một chúng ta cũng đã được Chúa Giêsu khắc dấu vết riêng của Ngài, dấu thánh giá, không phải bằng dao, nhưng bằng Máu Thánh của Ngài qua bí tích Rửa tội.

Là chiên của Chúa Giêsu, chúng ta thuộc về quyền sở hữu của Ngài và vâng nghe lời Ngài. Con chiên không thể chỉ thuộc về đoàn chiên mà không bước theo chủ chiên. Một là chúng ta thuộc về đoàn chiên của người mục tử tốt lành, hay là chúng ta không theo tiếng người chủ và đi lạc vào đoàn chiên của tên mục tử ác nghiệt. Người Mục Tử tốt lành đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên và ông có quyền trên đoàn chiên của mình để chăn nuôi nó theo ý muốn của ông.

Tôi có thật sự thuộc về Ngài không? Tôi có nhận quyền của Ngài trên tôi?

Tôi chẳng thiếu thốn chi

Đây là lời tuyên xưng của con chiên rất hài lòng với chủ mình. Chẳng những nó chẳng thiếu thốn gì mà còn quá mãn nguyện cả thể xác lẫn tâm linh. Ngay cả về những ao ước trong tương lai, nó biết nó sẽ có được.

Đây là lời tuyên xưng của vua Đavít, không phải khi đời ông xuôi chảy, nhưng chính là khi ông bị lính trung thành với vua Saolô truy nã; và cuối đời, khi Ápsalôm, con của ông, đang tìm ông để cướp ngôi vua; ông đã nếm qua sự đói khát, cùng cực và tâm hồn xao xuyến.

Đavít là một người chăn chiên. Ông đã nhìn thấy đàn chiên thuộc về kẻ chăn mướn thì như thế nào.

Số phận của chiên không phải là sự bận tâm của kẻ chăn mướn. Chiên mắc bệnh, bị lạnh lẽo, ăn cỏ đến tận gốc làm cho đất đai khô cằn, kiệt chất dinh dưỡng…, vì sức khỏe của đàn chiên không là danh dự của ông. Ông chẳng cần biết nếu chiên có đủ cỏ để ăn hay không chưa nói đến ăn đủ thứ cỏ các loại. Ông không đổ mồ hôi, vất vả để tìm và tạo ra những cánh đồng cỏ xanh rờn cho chiên. Không có cỏ tốt, chiên không có đủ sinh lực. Đoàn chiên hay có rận, giun, ruồi quấy rầy đến nỗi sức khỏe của chúng sẽ bị thiệt hại vì không có sự nghỉ ngơi. Điều đó chẳng làm ông lo lắng.

Trái lại, người chủ chiên tốt, không những chỉ lo lắng thức ăn để chiên có sức khỏe dồi dào, khỏe mạnh, ông sẽ dẫn chiên ông đi đến đồi xanh ông đã dọn sẵn, cỏ tươi tốt, nhiều thứ khác nhau. Ông chăm sóc đến sự chuyển động của đoàn chiên, từ cánh đồng này đến cánh đồng khác, để nó có đủ những hoạt động thích thú và được mập chắc. Chiên và người chăn chiên được cùng nhau đi dạo nhiều nơi, cùng nhau chia sẻ mưa gió, nắng và bóng mát, nỗi khổ và sự vui sướng.

Vì biết những điều này, Đavít ngay trong cảnh hoạn nạn, có thể nói “tôi chẳng thiếu thốn chi,” ngay cả giữa những cảnh mưa gió của cuộc đời, Chúa không bao giờ bỏ rơi ông. Thực sự là Chúa đang huấn luyện ông.

Trong đoàn chiên, thường cũng có một hai con chiên cứng đầu, không theo lệnh của người chăn chiên. Thay vì ăn cỏ trong cánh đồng dọn sẵn, nó tìm cách đi riêng rẻ ra, đi tìm của ăn riêng cho nó. Nhưng chiên là một súc vật không thể sống mà không cần người chăn chiên. Nó lại còn chỉ dạy cho các con chiên khác thói quen xấu của nó khiến nó và bạn bè nó thường lâm vào cảnh nguy khốn. Vì lợi ích của đoàn chiên, người chăn chiên sẽ phải loại trừ con chiên này.

Có Chúa Giêsu, người Mục Tử hiến thân mạng sống mình vì đoàn chiên, chúng ta cũng sẽ nói như Đavít: “Tôi chẳng thiếu thốn chi.” Nhưng nếu chúng ta không theo lệnh của người chăn chiên, thật là thiệt hại cho chúng ta thay.

Bạn có biết các bí tích như xưng tội là cách Chúa chữa lành bệnh tật, bảo vệ chúng ta khỏi bị ruồi muỗi quấy nhiễu, và rước lễ là cách Chúa dưỡng nuôi tâm hồn chúng ta không?

Tóm tắt phỏng theo A Shepherd Looks at Psalm 23

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive