Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Tổng quan về hành trình thiêng liêng

Bài viết này cho bạn một sơ đồ về cuộc hành trình tâm linh và nó được đăng chỉ với mục đích để bạn biết cuộc hành trình tâm linh của người Kitô hữu, cuộc hành trình với Chúa Kitô, không là một hành trình vô vị, cứ ráng sống tốt lành để vào thiên đàng là đủ. Không. Cuộc hành trình này cũng như một cuộc hành trình của một cặp đôi, đầy thăng trầm, có nhiều khúc ngoặt (vì loài người hay thay đổi) và có đầy bí ẩn VÀ có tiêu điểm.

Cuộc hành trình của tương quan giữa người với người đòi hỏi phải có sự trừ khử những thói quen ích kỷ, những nết xấu và phát triển khả năng sống tha thứ, quảng đại… Trong cuộc hành trình với Chúa Giêsu cũng vậy, chúng ta sẽ được biến đổi nhờ tình yêu để ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu ngày một hơn nên đây là một cuộc hành trình đầy thú vị và cũng đầy thách thức. Nó là một cuộc hành trình tiến đến sự gần gũi rất thân mật với Thiên Chúa – “hôn nhân thần nhiệm”, một cùng đích của mọi Kitô hữu.

Cũng như cuộc sống con người chúng ta phải trải qua những giai đoạn dai dẳng để trưởng thành. Trong hành trình này, diều quan trọng không là tôi đã đi bao xa (vì thế đừng quá bận tâm về tôi đang ở đâu) mà điều quan trọng là tôi có kiên nhẫn hay không. Vì điều rất tuyệt vời trong hành trình này là nó khác với mọi hành trình khác, mọi mục tiêu khác. Trong hành trình này, nếu bạn không bỏ cuộc, bạn nhất quyết sẽ thành công. Cuộc hành trình này không đòi hỏi tài năng, trí tuệ nhưng là sự kiên trì là kết quả của lòng khiêm nhường và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn bạn thành công và không gì có thể phá hủy kế hoạch của Ngài – ngoại trừ bạn.

 


 

Những lời khuyên khác nhau để phân loại các giai đoạn của sự phát triển tâm linh đã được thực hiện qua nhiều thế kỷ. Sự phân loại chủ yếu, được sử dụng bởi các tiến sĩ Hội thánh mà chúng tôi đang trích dẫn và nhiều nguời viết khác, là sự phân chia ba giai đoạn của thanh luyện, quang khải / khai sáng và hợp nhất. (Một nỗ lực lớn khác trong việc phân định các giai đoạn phát triển là của Thánh Têrêsa thành Avila, người đã chia hành trình thành bảy “cơ sở” hoặc giai đoạn.)

Nói tóm lại, giai đoạn thanh luyện bao gồm các đoạn đầu tiên của đời sống tâm linh, bao gồm việc bắt đầu hoán cải, quay lưng lại với tội lỗi, đưa cuộc sống của một người phù hợp với luật luân lý, bắt đầu thói quen cầu nguyện và thực hành các việc đạo đức, và duy trì một cuộc sống tương đối ổn định trong Giáo hội. (Ba cơ sở đầu tiên của thánh Têrêsa nói về các vấn đề liên quan đến giai đoạn thanh tẩy.)

Giai đoạn soi sáng là giai đoạn của sự tiếp tục phát triển. Nó được đặc trưng bởi sự cầu nguyện sâu sắc hơn, tăng trưởng các nhân đức, yêu thương người lân cận hơn, đời sống đạo đức luân lý ổn định hơn, quy phục uy quyền của Chúa Kitô cách trọn vẹn hơn, từ bỏ những gì không thuộc về Chúa hơn, và khao khát ngày càng được kết hợp với Chúa cách trọn vẹn. Nó đi kèm với nhiều loại thử thách và thanh luyện và đôi khi là những niềm an ủi và phước lành lớn lao, bao gồm cả những gì thường được gọi là “hiện tượng thần bí.” (Cơ sở thứ tư, thứ năm và thứ sáu của Têrêsa giải thích các vấn đề liên quan đến giai đoạn này.)

 Giai đoạn kết hiệp là sự kết hiệp sâu sắc, thường hằng với Chúa, được đặc trưng bởi niềm vui sâu đâm, sự khiêm nhường sâu sắc, không còn sợ hãi về đau khổ hoặc thử thách, ước muốn hết mình phụng sự Chúa, và hoa quả trong việc tông đồ. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa hầu như liên tục; có sự hiểu biết sâu sắc đối với những sự về Chúa;; và mặc dù đau khổ không vắng mặt, nhưng đau khổ bây giờ chủ yếu trở thành ân sủng của việc thông phần vào đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô hơn là đau khổ do thanh luyện. Sự kết hợp với Chúa thuờng hằng, sâu sắc này được mô tả nhiều cách khác nhau như một “hôn nhân thiêng liêng” hoặc “transforming union / sự hợp nhất giữa Thiên Chúa và người được Ngài biến đổi”. (Têrêsa mô tả giai đoạn hợp nhất trong cơ sở thứ bảy.)

 Sự phân chia ba giai đoạn này là một cách hữu ích để mô tả một cách khái quát các khía cạnh khác nhau của cuộc hành trình tâm linh, và vì vậy chúng ta sẽ sử dụng nó như một nguyên tắc tổ chức cho việc học hiểu cuộc hành trình này. Nhưng vì nhiều người cảm thấy thuật ngữ truyền thống hơi tối nghĩa và trừu tượng, chúng tôi thường sẽ sử dụng các mô tả thay thế bằng ngôn ngữ thông thường.

 Tại thời điểm này, tôi muốn trình bày một biểu đồ trong nỗ lực tạo mối tương quan đại khái thuật ngữ một số các đấng tiến sĩ Hội thánh, (những người mà chúng tôi sẽ dẫn lời) dùng và liên hệ nó với ba giai đoạn truyền thống của đời sống tâm linh. Biểu đồ này chỉ là một điểm tham chiếu và là một nỗ lực để cung cấp một cái nhìn tổng quan đơn giản về hành trình ở dạng giản đồ. Tất cả các khái niệm sẽ được giải thích trong các chương thích hợp. Ngoài ra, điều quan trọng cần ghi nhớ là trong thực tế không có cuộc đời ai mà hoàn toàn khớp với một giai đoạn nào trong các giai đoạn được mô tả bởi các vị thánh khác nhau. Bản thân các vị thánh ghi nhận cách mà các khía cạnh khác nhau của những giai đoạn này có thể xuất hiện đồng thời trong cuộc đời của một người, mặc dù hướng cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta đang tiến bộ, ngày càng nên phản ánh những đặc điểm mà các thánh chỉ ra như là những dấu hiệu của sự tiến bộ tâm linh. Như thánh nữ Catarina Siena đã nói, “Đây là ba giai đoạn mà nhiều người có khả năng, và cả ba đều có thể hiện diện trong một và cùng một người.”

Dạng pdf của ảnh trên

Có một cái nhìn tổng thể về cách các vị thánh phân loại các giai đoạn của quá trình biến đổi có thể hữu ích khi chúng ta xem xét chi tiết các yếu tố cụ thể của cuộc hành trình đến với Chúa.

Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive