Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

Những lối đi vào và chế ngự phổ biến của sự dữ

Cùng tiêu đề: Video về 8 Cách Thức Người Ta Để Cho Ma Quỷ Chiếm Chỗ Trong Linh Hồn Họ của Cha Vincent Lambert




Chuyển ngữ từ chương 2 của sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits

Khi cầu nguyện giải thoát với mọi người, tôi xin Chúa chỉ cho tôi lối [sự dữ đi] vào, những chỗ nền móng yếu, những lời nói dối mà dựa vào đó lối suy nghĩ của cá nhân được hình thành. Tôi khuyến khích bạn tự mình xin Chúa: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con những chỗ nào mà qua đó ma quỷ đã vào được cuộc sống của con.” Việc tìm ra lối vào sẽ làm sáng tỏ những gì bị giấu trong bói tối, là nơi ma quỷ lẩn trốn.

Sau đây là một số lối vào phổ biến nhất.

Phản ứng với tổn thương

Theo kinh nghiệm của tôi, lối vào tiềm năng nhất là phản ứng của chúng ta đối với tổn thương, lạm dụng, gia đình và bạn bè. Khi một người bị tổn thương hoặc gặp chuyện thương tâm, anh hay cô ấy tìm cách đối phó với điều đó, một cách để bảo vệ bản thân và được an toàn. Dù bằng sự phủ nhận, sợ hãi, hận thù, nhục nhã hay vô số cách phản ứng khác, ma quỷ muốn qua những cách phản ứng đó mà lợi dụng ta, để gây ảnh hưởng và giam cầm ta.

Những việc bị chôn vùi trong bóng tối có ảnh hưởng lên ta nhất: những việc ta chưa từng kể với ai, những việc ta đã không xử lý dưới ánh sáng tình yêu của Chúa dành cho ta.

Một phụ nữ trẻ đã kể với tôi, “Khi tôi chín tuổi, tôi đã bị người bạn mười bốn tuổi của mình cưỡng hiếp,” “Tôi chưa từng kể cho bất kì ai chuyện đã xảy ra.” Cõi lòng tôi tan nát khi tôi nhận ra tổn thương cô đã mang theo trong tám năm qua. Điều tuyệt vời ở chỗ cô đã kể cho tôi nghe câu chuyện trong một căn phòng chật kín khi chúng tôi cầu nguyện cho mọi người sau một cuộc nói chuyện về sự tha thứ. Trước đó, không ai cho cô hy vọng được tự do khỏi nỗi dằn vặt của mình. Bạn có thể tưởng tượng những mưu chước của Satan nhằm hạn chế tự do của cô: kế hoạch giấu sự việc trong bóng tối, kế hoạch phá hoại đặc tính tính dục và các mối quan hệ của cô với những người nam. Đây là lớp móng yếu ớt mà trên đó những suy nghĩ của cô đã xây cất từ thời thơ ấu.

Cách chúng ta học để đương đầu với đau thương trong cuộc đời, bên ngoài tình yêu của Chúa, là cánh cửa dẫn tới ảnh hưởng của ma quỷ. Cũng như cách Chúa dùng con người làm như công cụ cho tình yêu và lòng thương xót của Ngài, Satan muốn dùng con người làm công cụ của hắn cho sự từ chối và buộc tội. Khi còn nhỏ, Natasha, một phụ nữ trẻ xinh đẹp đến từ Ukraine, từng gian nan vì bị những người đồng trang lứa từ chối. Cô nói bằng tiếng Anh bập bẹ, “Anh ấy là mối tình đầu của tôi.” Cô đã mời anh chàng này, người lớn tuổi hơn cô, cùng cô đi dự lễ cưới của chị gái. Tại bàn tiếp khách, chàng trai lên cơn đau tim và ngã ra sàn. Cô trơ mắt nhìn mọi người lao vào giúp đỡ hàng tiếng đồng hồ, rồi nhìn anh chết. Cô đã nghe về buổi hội thảo chúng tôi đang thực hiện và kể rằng Chúa đã nói với cô trong một giấc mơ, rằng cô cô sẽ được tự do. Chúng tôi thấy cô là người khép kín và e thẹn, nhưng rất tài năng. Ở tuổi 29, cô gặp khó khăn trong việc bước vào các mối quan hệ và khó hòa hợp trong các hội nhóm.

Kế hoạch của Satan cho đời sống của cô là gì? Nó đã bắt đầu với thần khí của sự từ chối. Sự từ chối thường đi kèm một nỗi sợ bị từ chối và sự từ chối chính mình. Điều này đã bắt đầu khi cô còn nhỏ và được củng cố trong cái bi kịch đã mang nỗi sợ đó vào cuộc đời cô. Tính cô độc, nhút nhát, cô đơn và vô vọng đã phát triển, cùng nỗi sợ bị tổn thương kết hợp với sự bướng bỉnh và cố chấp. Khi chúng tôi giúp cô xác định những tính cách đang khiến cô khép mình lại, ngăn cô được tự do, chúng tôi không xét xem những tính cách đó có phải các ác thần không, vả nếu phải, thì chúng ở trong cô hay chỉ đang cám dỗ cô. Chúng tôi đưa cô qua những chiếc chìa khóa dẫn tới tự do – là ăn năn, tha thứ, từ khước – và tôi ra lệnh cho mỗi con quỷ mà cô từ khước phải rời đi. Cô đáp lại, “Tôi được tự do.”

Tối hôm sau cô đứng lên và thừa nhận rằng mặc dù cô “chưa bao giờ phát biểu trước hội nhóm,” cô muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện của mình. Natasha từng đồng nhất chính mình với sự từ chối đến nỗi nó đã thành một phần con người cô, xuất hiện trong mọi việc cô làm. Cô đã khao khát tìm kiếm Chúa để Ngài giải phóng cô khỏi nỗi dằn vặt. Cô đã sẵn sàng từ khước thói quen tự phòng vệ trước kia. Sự kìm kẹp của ma quỷ trên cô đã bị phá vỡ. Một năm sau, chúng tôi nhận được từ cô một lá thư với câu kết, “Thật vậy. Tôi được tự do.”

Dính dáng vào tà thuật

Lối vào thường thấy thứ hai là sự dính dáng vào tà thuật. Một phụ nữ trẻ đã kể với chúng tôi, “Hồi mười ba tuổi em đã tới thầy phù thủy để coi số vận. Bà ta bảo em là vào 27 tuổi em sẽ mất đứa con đầu lòng và bị tai nạn xe hơi. Em đi cho vui nên không nghĩ nhiều. Nhưng lớn lên thì nghĩ về đám cưới, em bắt đầu sợ phải mất đứa con đầu lòng. Em 19 tuổi và vẫn không có bằng lái xe. Khi đi xe với người khác em thường có thôi thúc cầm lái và đâm xe vào gốc cây.”

Trong trường hợp này ảnh hưởng của ma quỷ đã đến nhanh chóng vì bằng việc đi coi bói, cô đã mời gọi ma quỷ.

Ở một trong số các buổi hội thảo của chúng tôi, chúng tôi đã mời một sinh viên y khoa ấn tượng cùng đến cầu nguyện cho mọi người. Chúng tôi muốn giúp cậu học cách cầu nguyện cho những người khác. Sau buổi cầu nguyện, cậu hỏi liệu chúng tôi cầu nguyện cho cậu được không. Khi còn nhỏ mẹ cậu đã đưa cậu tới một thầy lang ngoại cảm. Trong buổi cầu nguyện, cậu đã từ khước kết nối với bất kì thần khí nào đã qua sự kết nối mà vào trong cậu. Cậu cảm thấy có điều gì đó bốc lên và đi mất. Sau đó, cậu xác nhận rằng suốt đời cậu từng cảm thấy như thể mình ở dưới một đám mây mà không biết. Giờ thì đám mây đã bay đi.

Một phụ nữ khác kể với chúng tôi rằng cô từng nghĩ gia đình mình bị trù ếm. Khi cô chia sẻ câu chuyện, tôi đã cân nhắc khả năng không phải gia đình bị trù ếm mà chỉ là hôn nhân trắc trở. Tôi bảo cô hãy ăn năn, tha thứ và từ khước nhiều điều, và ngay khi tôi ra lệnh cho ma quỷ rời đi, cô ngước lên như thể vừa nhận ra điều gì lần đầu tiên: “Chủ trước của ngôi nhà chúng tôi mua là một bà phù thủy. Bà ta đã nguyền rủa tất cả hàng xóm của chúng tôi. Khi dọn vào, vợ chồng tôi tìm thấy xương dưới tầng hầm.” Thứ được che giấu đã bị tìm ra. Sau buổi cầu nguyện cô ra về, tuyên bố mình đã được tự do khỏi ảnh hưởng ma quỷ.

Tự nguyền rủa

Lối vào thứ ba là những lời nguyền hay giao kèo với ma quỷ do người ta tự mình tạo ra.

“Mấy năm nay tôi cứ nghe thấy giọng nói. Anh giúp tôi được chứ?” Một phụ nữ nhờ tôi.

Tôi đặt thêm vài câu hỏi. “Cô bắt đầu nghe thấy chúng khi nào? Có sự gì xảy ra vào lúc đó?”

Cô nói, “Lúc tôi được mười lăm tuổi, mẹ tôi bị bệnh nặng." “Tôi đã cầu nguyện Chúa chữa cho bà ấy. Một đêm nọ tôi tức giận với Chúa quá đến nỗi tôi đã quay lưng khỏi Ngài. Tôi tìm đến ma quỷ và giao kèo với nó. Một thời gian sau tôi bắt đầu nghe thấy những giọng nói.”

Sau một lời cầu nguyện ngắn, những giọng nói dừng lại. Cô đã nhận ra lối vào. Việc rất đơn giản.

Hoàn cảnh ra đời

Thường tình trẻ em được nhận nuôi hay trẻ có cha mẹ ly hôn sẽ được lợi từ việc cầu nguyện cho em được tự do khỏi các thần khí từ chối và bỏ rơi. Câu chuyện sau đây được chia sẻ bởi cặp cha mẹ nuôi về một trường hợp được sinh ra cách bất thường.

Đầu tháng giêng năm 1999, John và Sheila đã đến dự buổi hội thảo “Từ Nguyền rủa thành Phúc lành” của Craig Hill. Họ học về sự rằng Chúa muốn ban phúc cho họ và cách loại bỏ những vật cản ngăn họ lãnh nhận phúc lành. Tại buổi hội thảo, Sheila xem qua tờ chương trình và bắt gặp một danh sách các tội có thể phá vỡ sự tiếp nối của các ân sủng.

“Đập vào mặt tôi trên danh sách đó là dòng ‘mang thai ngoài hôn thú,’” cô kể. “Ngay thời khắc đó tôi đã biết vì sao chúng tôi ở đây.” Trong số các con tôi có ba cháu là con nuôi, và đặc biệt có một đứa suốt đời liên tục phạm tội. Nhưng rồi, chỉ có thể là do Chúa, tôi tìm hiểu sâu hơn và nhận ra rằng đứa con đầu lòng mà chúng tôi có trước khi kết hôn cũng phải chịu nhiều hậu quả trong đời. Dù nhìn vào thì cuộc sống của cháu thuộc dạng khá, nhưng cháu cũng chịu đau khổ vì thiếu vắng ân sủng. Vợ chồng tôi đã xưng tội từ lâu, nhưng dường như không cách nào có thể đảo ngược tổn thương mà tội chúng tôi gây ra.

Trong buổi hội thảo đó, John và Sheila nói lại về tội của mình, và rồi xưng tội trước nhóm nhỏ. Sheila kể, “Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên tôi chân thành xin lỗi, không chút biện minh cho những hành động của mình,” Sau đó vợ chồng tôi đã làm một việc trước đó chưa bao giờ làm. Chúng tôi xin Chúa soi trên cuộc đời con trai và tuôn đổ phúc lành vào mọi lúc mọi chỗ mà phúc lành đó đã bị giữ lại vì tội của chúng tôi.”

Anh con trai ấy và vợ lấy nhau được tám năm mà không có con. Họ đã dùng thuốc kích trứng nhưng không thành công. Năm 1998 hai vợ chồng nhận nuôi một đứa trẻ ở Nga. Tháng Ba năm 1999, ba tháng sau buổi hội thảo, cậu con trai gọi điện báo tin vợ đã thụ thai mà không cần bất kì sự can thiệp y tế nào. “Đây là bé con phép lạ,” anh nói.

Cha mẹ anh bảo anh, “Con không biết bé con này thật là một phép lạ nhường nào đâu.”
“Chúng tôi kể cho cháu nghe trải nghiệm của hai vợ chồng, và cháu cực kì xúc động nhận ra rằng hai cháu đã thụ thai đúng mấy ngày hội thảo.”, Sheila nói. “Cùng chia sẻ với cháu câu chuyện và lời cầu nguyện của vợ chồng tôi là một phần khác của sự chữa lành mà Chúa đã chuẩn bị cho con trai tôi.”

Bạn bè và môi trường

Một lối vào khác là môi trường ta sống. Bạn có từng nghe câu “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, và tôi sẽ nói bạn là người thế nào”? Câu đó rất đúng. Chúng ta có xu hướng nói năng và xử sự giống những người xung quanh mình. Những người xung quanh và môi trường ta tạo ra có ảnh hưởng lên ta. Khi ta bắt đầu hành động hay suy nghĩ như những người ta sống cùng, ta mở lòng mình cho những ân điển đi cùng đức hạnh hay cho sự ức chế đi cùng sự nổi loạn và tội lỗi. Điều này được mô tả trong sách Châm ngôn. “Chớ nên làm bạn với người nóng tính, hay kết thân với kẻ dễ nổi giận. Nếu không con cũng sẽ giống chúng. Rồi con sẽ mắc bẫy.” (Châm ngôn 22:24-25). Cánh cửa đang mở toang có thể là bạn bè ta chọn, những hình thức giải trí ta say mê hay địa hạt tội lỗi mà ở đó ta giao nộp lại những suy nghĩ của mình.

Những tội cố ý

Tội do cố ý, lặp đi lặp lại là cách cửa mở ngỏ cho ma quỷ. Những tội sinh ra từ dâm dục có thể dẫn bạn đến cảnh nô lệ cho thói nghiện tình tục. Những tội dối trá lặp đi lặp lại có thể khiến một người thành kẻ nói dối quen mồm, ăn trộm quen tay. Tội lỗi ở dạng nghiện ngập có thể chỉ ra rằng người này cần được giải thoát khỏi ma quỷ. Khi một người bị ma quỷ trói buộc với tội lỗi, thường họ cũng có một cửa vào mấu chốt nằm ở tầng sâu hơn. Một quá khứ bị cô lập và từ chối hay bị tách rời từ sớm khỏi một hoặc cả hai phụ huynh có thể là nền móng cho thói nghiện dựng lên.

Tội gia đình

Kiểu gia đình đã nuôi dưỡng ta có thể đã làm ta dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của ma quỷ. Chẳng hạn, nếu ta lớn lên trong một bầu không khí oán giận và bạo lực thì có khả năng ta sẽ học cách đáp lại những bất mãn trong đời sống bằng sự oán giận và bạo lực. Mẫu thức học được này có khả năng được ma quỷ giúp sức. Vòng nô lệ gia đình có thể bắt nguồn từ nhiều thế hệ trước (xem Xuất hành 20:5-6; Đnl 30:19). Vòng tròn ấy bị chấm dứt khi quyền lực của ma quỷ bị bẻ gãy và những lối suy nghĩ cùng hành động mới được thiết lập.

Điều này được mô tả trong câu chuyện của Cindy. Cindy đương tuổi đôi mươi, lớn lên trong một gia đình quen dồn nén cảm xúc. Những rắc rối hôn nhân khiến cha mẹ cô xa cách nhau cả ngoài mặt lẫn trong lòng. Cô chưa từng thấy cha mẹ thể hiện tình yêu dành cho nhau, cô chưa từng thấy ai trong hai người họ khóc và cũng không thấy họ cãi vã hay tranh luận.

Khi Cindy trưởng thành, mẹ khuyến khích cô nên cởi mở và thể hiện cảm xúc của mình. Mẹ cô biết việc thể hiện cảm xúc là cần thiết, dù chính bà không thể làm điều đó. Qua những nỗ lực bộc lộ cảm xúc, Cindy nhận ra cảm xúc duy nhất cô tiếp cận được là sự tức giận. Nhưng cô hoang mang vì cô không có lấy một ví dụ về cách thể hiện phải phép bất kỳ cảm xúc nào, kể cả sự tức giận. Mỗi khi bộc lộ cảm xúc, cô thấy tội lỗi và xin lỗi nhiều hơn cần thiết. Giống mẹ mình, Cindy chỉ có thể nhận thức được giá trị của cảm xúc bằng lý trí.
Cô tự xem mình là người chừng mực và trầm ổn; bạn bè nhận xét rằng cô không phải người đa cảm. Nhưng sâu thẳm có điều gì đó đang lên tiếng, điều gì đó kín giấu nhưng luôn hiện hữu: “Có gì đó không ổn với tôi; tôi không có cảm xúc.”

Cindy sợ có cảm xúc. Cô bù đắp cho sự thiếu cảm xúc của mình bằng cách duy trì một thời khóa biểu dày đặc các hoạt động. Việc đạt được nhiều thành tựu đã cho phép cô nếm trải thành công và nhờ đó thu được cảm giác mình có giá trị. Bấy nhiêu sự công nhận đã đủ che giấu sự vô năng của cô về mặt cảm xúc khỏi những người khác, nhưng không thể che giấu khỏi chính cô.

Cindy nhờ chúng tôi cầu nguyện cho cô được tự do. Buổi đầu tiên xử lý một số vấn đề vệ sự tha thứ. Cô từ khước các thần khí kiêu hãnh, kiểm soát và cầu toàn. Đó là một trải nghiệm tốt, và cô đã thấy tự do hơn. Tuy thế, một công việc sâu sắc hơn vừa bắt đầu. Vài tháng sau, vào buổi tĩnh tâm, cô nói cô muốn được tự do khỏi tính cầu toàn và nỗi sợ bị mất kiểm soát. Khi cô bước tới để cầu nguyện, cô bắt đầu run rẩy như thể bị lạnh thấu xương (căn phòng rất ấm). Càng run cô lại càng sợ vì cô cảm thấy mất kiểm soát, nhưng cô biết Chúa đã đến và đang chạm vào cô. Khoảnh khắc đó cô nhận ra cô đã dồn nén những cảm xúc của mình biết chừng nào; chúng đã bị đóng băng.

Chúng tôi bảo Cindy từ khước một số điều: tính cầu toàn, sợ cảm xúc và cuối cùng là sự hoang mang. Khi từ khước sự hoang mang, cô ngay lập tức ngừng run rẩy và cảm thấy sự tươi mới của Chúa Thánh Thần.

Khi Cindy học được cách sống mới và có một gia đình của riêng mình, sự tự do của cô sẽ trở thành nguồn phúc lành cho con cháu. Nếu cô không can đảm tìm kiếm sự giải thoát khỏi mẫu thức cũ và những ác thần đi cùng với nó, rất có thể cô đã biến nó thành một lời nguyền truyền sang thế hệ kế tiếp.

Cộng tác và Hoán cải

Đúng, Satan có một kế hoạch cho cuộc đời bạn, nhưng nó cần sự cộng tác của bạn mới thành công. Chúa cũng có một kế hoạch cho cuộc đời bạn. Bạn không trông ngóng nhìn thấy kế hoạch ấy được hoàn thiện sao? Nếu ta xây cuộc đời mình trên nền móng của lời nói dối, ta cần Chúa Giêsu (Sự Thật) vạch trần lời nói dối đó. Trong bốn chương tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ với bạn cách cộng tác với Chúa Thánh Thần để đóng các lối vào và được tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ.

Sự hoán cải ngày càng sâu sắc là quá trình mà nhờ đó những cấu trúc tư duy của chúng ta được phơi bày và ta mở cửa cho Đấng ban tặng chúng ta một đời sống mới. Đời sống mới đó tiếp tục mang ta đến sự hoán cải sâu sắc hơn. Đời sống đó dẫn ta từ quyền lực của Satan sang quyền lực của Chúa (Cv 26:18), từ kế hoạch Satan nhắm cho cuộc đời ta sang kế hoạch Chúa đã thiết lập trước cả các nền của quả đất (Ê-phê-sô 1:11).

Trước khi đọc tiếp, tôi khuyến khích bạn ghi nhớ các điểm chính của chương này: Thứ nhất, không lý gì phải tập trung vào ma quỷ. Ma quỷ không là gì so với Chúa Giêsu. Quyền lực duy nhất ma quỷ có là thứ đã được trao cho hắn bởi chính ta hay cha mẹ hoặc người giám hộ khi ta còn bé. Chúa có một kế hoạch cho cuộc đời ta. Vì thế, bất kể một tín hữu đối mặt với trắc trở nào thì cuối cùng nó cũng sẽ phục vụ cho kế hoạch Chúa đã định sẵn để biến ta thành “giống như Con Ngài” (Lm 8:28-29) và để rao truyền Phúc âm (xem Phi-líp-phê 1:12). Một khi lối vào đã bị vạch trần, việc tước quyền rất đơn giản. Vấn đề không phải ở ma quỷ, sức mạnh hay tên nó; vấn đề đơn giản ở lời nói dối, lối vào và sức mạnh của Danh Chúa Giêsu.

Thứ hai là, hãy luôn chú mục vào Chúa Giêsu, Đấng Giải thoát. Cũng như việc không lý gì bạn phải tập trung vào ma quỷ, không lý gì bạn phải trăn trở, phải biến những cảm xúc thành thần tượng. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn kiểm soát những suy nghĩ của mình. “Chúng ta phá đổ những lý luận con người và những sự kiêu căng lên mình, nghịch lại sự hiểu biết của Thiên Chúa. Chúng ta buộc mọi tư tưởng phải vâng theo Đức Kitô.” (2 Cô-rinh-tô 10:5) Ta cầm buộc những suy nghĩ của mình bằng cách làm theo các hướng dẫn trong Phi-líp 4:8: “Tóm lại, thưa anh chị em, hãy nghĩ đến những gì tốt và đáng khen. Điều gì chân thật, vinh dự, phải lẽ, thanh sạch, tốt đẹp, và đáng trọng thì anh chị em nên nghĩ đến.” Ta cũng được làm mạnh sức bằng việc cầu nguyện, tham gia thờ phượng, nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, suy niệm Kinh Thánh và làm chan chứa tâm trí ta bằng sự thật. Ta còn cầm buộc những suy nghĩ của mình bằng cách nào nữa? Bằng việc thi hành thẩm quyền ta đã được trao để phá vỡ sức mạnh ma quỷ đằng sau những suy nghĩ giam giữ ta.

Hãy dành vài phút cầu xin Chúa chỉ cho bạn thấy kế hoạch của Satan cho đời sống bạn. Liệu bạn có xây dựng suy nghĩ của mình trên hòn đá móng xô lệch nào của sự từ chối, sợ hãi hay một cách phản ứng khác đối với tổn thương?

Đây là điều chúng tôi đã nghe từ Chúa Cứu Thế và truyền lại cho anh chị em: Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có chút tối tăm nào.Vì thế nếu chúng ta tương giao với Ngài mà còn tiếp tục sống trong tối tăm tức là chúng ta nói dối, không đi theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng như chính Ngài ở trong ánh sáng thì chúng ta tương giao với nhau.

 


 

1 Gio-an 1:5-7
Đây là lời loan báo của Đức Giê-su Ki-tô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em : Thiên Chúa là ánh sáng ; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.


Lạy Chúa, con cần Ngài. Xin hãy mang đến cho con ánh sáng của Ngài và xua tan bóng tối. Xin hãy mang cho con sự thật của Ngài và vạch trần sự dối trá. Có nhiều điều trong con ngăn con nhận và cho tình yêu. Xin hãy tẩy sạch con bằng huyết Ngài. Giải phóng con khỏi sự dối trá ngăn con nhận biết tình yêu của Ngài. Con muốn bước đi trong ánh sáng trên nẻo đường Ngài đã chọn cho con.

Khi đọc chương tiếp theo, hãy xin Chúa chỉ cho bạn thấy những điều bị giấu kín trong đời sống của bạn và ban cho bạn khả năng hối cải.

Trích từ Chương 2 của sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive