Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

3. Tôi ăn năn, tôi tin tưởng

Trong năm chương tiếp theo tôi muốn đặt vào tay bạn năm chiếc chìa khóa. Hãy tưởng tượng một cánh cửa khóa kín. Việc mở cánh cửa đó ra đại diện cho sự tự do khỏi vòng nô lệ tâm linh. Cánh cửa này có năm lần khóa, mỗi ổ khóa cần một chiếc chìa. Là người tin vào Chúa Kitô, bạn có mọi chiếc chìa khóa cần thiết để được tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ.

Nếu chiếc chìa khóa không được sử dụng thì ổ khóa vẫn gài then và cánh cửa sẽ không tự mở. Nếu bạn đã dùng bốn chiếc chìa khóa thì tốt thôi, nhưng việc đó sẽ không đưa bạn qua cánh cửa đến với tự do. Tôi giới thiệu những chiếc chìa khóa theo trình tự mà chúng thường được dùng nhất, nhưng thứ tự này không bắt buộc.

Khi tôi đưa bạn đi xem xét năm chiếc chìa này, hãy ngẫm xem liệu có một hay vài chiếc chìa nào bạn chưa dùng đúng cách. Khi đó, hãy suy niệm lời Chúa Giêsu: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Khải huyền 3:20)

Năm Chìa Khóa

1. Ăn năn và tin cậy
2. Tha thứ
3. Từ khước công việc của ma quỷ / Từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỷ
4. Đứng trong uy quyền bạn có nơi Chúa Kitô
5. Lãnh nhận phúc lành Chúa ban cho bạn và cùng đích của bạn

Những chìa khóa này sẽ mở ra cho bạn đời sống tràn trề Chúa Kitô đã hứa và đóng lại những lối mà ma quỷ dùng để xâm nhập vào đời sống của bạn.

Năm bước để thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ:

 

Sự trở về của người con trai hoang đàng

Trong chương 1, tôi đã nhắc sơ về Mike, chàng trai 26 tuổi trên đà thành công, thăng tiến vù vù trong một công ty viễn thông. Một ngày nọ anh thấy mình kẹt trong bữa ăn trưa khi gặp lại Betsy, đồng nghiệp cũ, từ ngoại thành đến thăm. Mike là người Công giáo, anh rất tôn trọng phẩm chất của Betsy và cách cô sống dấn thân cho Đức Kitô với tư cách một người theo giáo phái Báp-tít. Cô thích Mike như một đồng nghiệp và nói với anh về Chúa. Betsy rất thẳng thắn. Trước khi gọi đồ ăn trưa, cô nhìn thẳng vào anh với đôi mắt nâu sâu thẳm. “Anh và Chúa Giêsu thế nào?” cô hỏi. Nói chung Mike nghĩ anh đang có một cuộc sống tuyệt vời. Anh có tiền, ảnh hưởng và cá tính. Ai cũng thích anh, trừ những kẻ ngáng đường anh. Nhưng câu hỏi này xoáy sâu hơn. Anh đang không có mối tương quan tốt với Chúa Giêsu lắm. Câu hỏi đã phơi bày thế giới chè chén, phê pha và chạy theo thỏa mãn của anh.

“Tôi không ngoan lắm,” anh trả lời thành thật, đột nhiên thấy tâm hồn mình thiếu thốn. “Tôi mà có đức tin của bạn thì tôi đã là một người Công giáo tốt. Một người Công giáo rất tốt.” Khoảng mười năm về trước Mike đã thề rằng anh sẽ không làm một kẻ đạo đức giả. Nếu anh sống một đời sống không phản ánh đức tin, anh sẽ không đi nhà thờ. Nhưng giờ khi lắng nghe Betsy, anh chạm trán với câu hỏi cơ bản nhất: Mình có thật sự tin vào Chúa Giêsu. Nếu có, làm thế nào mình có thể tin rằng đây không chỉ là một lời hứa suông, một dấu chấm hết? Anh có thể thử cho đời sống Kitô một cơ hội, nhưng anh biết bắt đầu ở đâu?

“Okay. Bạn bắt được thóp mình rồi,” anh nói với Betsy. “Mình có thể làm gì?”

“Sao bạn không đơn giản là nhờ Chúa Giêsu đến và tìm bạn?” cô nói, linh cảm rằng một câu trả lời phức tạp hơn sẽ quá sức anh.

Mike có thể đi bước đầu tiên như thế. Anh chân thành lặp lại, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và tìm con!"

Anh hỏi Betsy “Giờ thì sao?”

“Bạn có cuốn Kinh Thánh không? Hãy đọc Kinh Thánh mỗi tối như thể đó là lời Chúa nói với bạn và Chúa Giêsu là Đấng đang bày tỏ về Ngài cho bạn. Bạn có thể bắt đầu với Phúc âm của Gioan,” Betsy thách đố anh.

“Okay, vậy thôi hả?” Mike muốn biết.

“Cứ liên tục cầu xin Chúa Giêsu đến và tìm bạn, và hãy trở về với việc đi nhà thờ.”

Mike tìm thấy cuốn Kinh Thánh chưa đọc mà ông nội đã tặng anh khi lãnh nhận bí tích Thêm sức. Mỗi đêm anh đọc Kinh Thánh và buổi sáng anh rời giường rồi ngay lập tức quỳ gối. Anh cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến và tìm con”, rồi nhanh nhảu thêm, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen.” Hai tháng sau đó vào một tối thứ Tư, anh cảm thấy một giọng nói bên trong thúc giục, “Đi nhà thờ đi.” 

Giờ mình nghe thấy những giọng nói cơ đấy, khúc khích một mình khi chỉnh lớn tiếng nhạc rock từ radio trên xe. 

“Đi nhà thờ đi.” Lần này giọng nói nghe như một mệnh lệnh; và anh không thể phớt lờ. Quay xe hướng đến một nhà thờ địa phương, anh cho rằng cũng chả hại gì, vì ai mà lại đi nhà thờ Công giáo vào tối thứ Tư chứ?

Tại nhà thờ Mike hết hồn thấy bảy chục người ở những hàng ghế đầu. Anh lủi ra sau ngồi một mình. Vào lúc đó vị linh mục ló ra xin lỗi vì tới trễ; xe ông bị hư. Như thể Chúa đã trì hoãn buổi lễ để chờ Mike đến. Vị linh mục giải thích rằng đó là tuần thứ năm của Khóa Sống trong Chúa Thánh Thần / Life in the Spirit Seminar. Mọi người sẽ cầu nguyện để những ai muốn nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình được tràn đầy Thần Khí. Thấy mình không thuộc về buổi lễ, Mike đứng lên ra về. Anh vừa nhổm dậy thì nghe vị linh mục nói, “Con ngồi cuối phòng có nghe được không? Nếu con lại gần Cha đã không phải nói lớn tiếng” Giờ anh ở thế kẹt. 

Vài phút sau Cha John nói ra ngoài những gì đã chuẩn bị sẵn. “Cha thấy vài gương mặt mới trong nhóm, và Chúa đã nói với lòng cha rằng ít nhất một trong số những người mới đến thật sự đã kêu cầu chúa, và thật có nói, ‘Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến tìm con.’” Nỗi hoang mang đè lên Mike khi anh nhận ra điều này nghĩa là: Chúa đã dẫn anh đến đây. Thứ sắp xảy ra có ảnh hưởng khủng khiếp lên đời sống anh; đây là giờ của anh. Giờ thì anh chăm chú lắng nghe. 

Đến lúc phải lên phía trước tuyên xưng cách công khai Chúa Giêsu là Chúa và suy phục Ngài, Mike bước tới. “Xin anh lặp theo tôi,” vị linh mục nói:

Con có từ bỏ ma quỷ không?
- “Thưa con từ bỏ.” Vào khoảnh khắc đó anh biết được thực tại của ma quỷ trong đời sống mình; anh trở nên ý thức rằng ma quỷ có thật và rằng những lời này không hề sáo rỗng.

Và những quyến rũ dối trá của ma quỷ không?
- “Thưa con từ bỏ.” Anh đã thấy những thất bại và sự trống rỗng trong đời sống tội lỗi của mình.

Con có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỷ không?
-Thưa con từ bỏ!

Con có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất không?
- Thưa con tin.

Con có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
- Thưa con tin.

Con có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không?
- Thưa con tin.

Mike công khai tuyên xưng đức tin anh đã tìm lại trong vài tháng qua. Khi vị linh mục cầu nguyện với Mike, anh đã gặp Chúa Thánh Thần với quyền năng mãnh liệt.

Trong buổi lễ sau đó, anh lãnh nhận ơn sám hối. Lòng ăn năn và đau buồn sâu sắc bao trùm lấy anh khi anh sám hối về những năm tháng nổi loạn của mình. Anh đã nên khiêm nhường bởi sự thừa nhận rằng Chúa đã chủ động trước anh và đã mang anh đến nhà thờ đêm đó để anh có thể nhận biết Ngài.

Người con hoang đàng và sự ăn năn

Trong dụ ngôn của Chúa Giêsu ở Luca chương 15 về người con trai hoang đàng, Ngài đã bày tỏ đặc tính của Thiên Chúa trong người cha và điều gì đó về mỗi chúng ta trong hai cậu con trai của ông ấy. Đầu tiên, hãy nhìn vào câu chuyện của cậu em. Cậu em tiêu biểu cho những người làm điều họ muốn dù biết việc đó là không nên. Chúng ta làm điều mình muốn trong thần khí của sự nổi loạn và không phó mình, hay có lẽ ta đơn giản tuyên bố, “Những điều đó đâu tệ lắm,” hay “Con người tôi là vậy,” “Tôi làm đúng mọi việc; chỉ trừ việc này; nhưng tôi vẫn sẽ làm”

Câu chuyện trong kinh thánh bắt đầu với một cậu con trai bốc đồng hỏi xin cha của thừa kế và ra đi. Chu du đến một đất nước xa xôi, cậu ngu ngốc tiêu pha cho tới trở nên một kẻ nghèo túng mới tỉnh ngộ – và cậu quyến định quay về nhà.

“Mấy đứa đầy tớ nhà cha ta còn được ăn uống dư giả mà ta đây phải chết đói. Ta sẽ bỏ chỗ nầy trở về và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và có lỗi với cha lắm. Con không còn xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Con chỉ xin được làm một trong những đứa đầy tớ của cha thôi.’ (Luca 15:17-19)

Cậu lê bộ về nhà cha và bất ngờ thấy ông đang ở ngoài ngóng trông mình. Hết sức ăn năn, cậu nhào vào vòng tay cha, xin ông tha thứ. Người cha phản ứng thế nào? Ông mở một bữa tiệc. ”’Con ta đây đã chết, mà bây giờ sống lại! Nó bị mất tích, mà bây giờ tìm lại được!’ Rồi họ bắt đầu liên hoan.” (15:24)

Đứa em nhận ra điều sai quấy nó đã làm, hạ mình và quay về. Đây là bức tranh về sự ăn năn thật: quay lưng khỏi tội và quay về phía Chúa. Việc này giống như người nọ đang đi theo một hướng thì chuyển sang một hướng hoàn toàn mới. Việc này nghĩa là làm mới tâm trí một người, như người con trai hoang đàng đã làm khi cậu lặp lại với chính mình, “Ta sẽ bỏ chỗ nầy trở về và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và có lỗi với cha lắm. Con không còn xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Con chỉ xin được làm một trong những đứa đầy tớ của cha thôi.’” (Luca 15:18-19). Cậu quay lưng khỏi sự kiêu hãnh cùng nổi loạn của mình và đi về nhà. Quá trình ăn năn được hoàn thiện trong sự phục hồi mối tương quan, sự thể hiện tình cảm của Cha và lãnh nhận ân sủng Cha ban.

Sự chữa lành kết quả vô cùng khi ta ăn năn, tìm tới Chúa, và trải nghiệm tình yêu cùng sự chấp nhận của Ngài, khám phá ra ta thật sự là ai thông qua sự mặc khải của chính Ngài.

Nhận biết cá vị về tội và Đấng Cứu độ của chúng ta

Mọi sự chữa lành đều liên quan đến việc tha thứ. Sự chữa lành bắt đầu với món quà khó tin và không thể đong đếm của Chúa trong việc Ngài tha thứ tội lỗi của chúng ta qua cái chết vô tội của Chúa Giêsu – Thiên Chúa trong thân xác con người. Tội ta đáng chết thế nào? Sự vi phạm ta nghiêm trọng bao nhiêu? Hãy xem giá chuộc cho sự tự do của bạn: Chúa Cha đã cho Con duy nhất của Ngài xuống thế làm người, chịu đau đớn và chết trên thập giá vì chúng ta. Tội của ta là dự phần vào tội, là sự nổi loạn chung của nhân loại chống lại Chúa đã đi vào tiên tổ loài người trong sự nổi loạn của Ađam và Evà.

Có những người tự xem mình là Kitô hữu mà chưa bao giờ hiểu rõ và chấp nhận cách cá vị thực tế về Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ. Việc đi nhà thờ có thể trông như vô nghĩa nếu chúng ta thiếu một hiểu biết riêng về tội và thiếu mối tương quan với Đấng giải cứu ta.

Tôi biết nhiều người lớn lên trong Giáo hội và chấp nhận những lời Giáo hội dạy về đức tin. Nhưng một mối tương quan cá vị với Chúa cần thời gian hoán cải, đối mặt với không chỉ sự thật rằng tất cả chúng ta đều phạm tội mà còn là tôi phạm tội và tội lỗi tôi cần cho riêng nó Đấng Cứu độ. Khi suy ngẫm về sự chết và sự sống lại của Ngài, bạn có hiểu điều đó theo cách cá nhân không – Ngài có chết và trỗi dậy để bạn có sự tự do không? Hay đó đơn giản là dấu hiệu về tình yêu của Ngài cho toàn nhân loại? Hy vọng của bạn về đời sống vĩnh hằng có phụ thuộc hoàn toàn vào điều Ngài đã làm cho bạn không?

Nếu bạn đã cố gắng đi theo Đức Kitô và băn khoăn liệu bạn có biết Ngài như là Đấng Cứu độ của mình không, tôi khuyên bạn bắt đầu với lời cầu nguyện sau: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy chỉ cho con biết có gì không ổn nơi con.” Chẳng mấy chốc bạn sẽ nhận ra mình cần Đấng Cứu độ. Như Betsy đã khuyên Mike, hãy đọc Kinh Thánh như là lời Chúa dành cho bạn và hãy đi nhà thờ, tham dự việc thờ phượng của giáo xứ. Nếu bạn không biết Ngài cách cá vị, hãy tìm ai đó biết Ngài cách ấy. Chấp nhận công việc cứu độ của Đức Kitô là nền tảng để nhận lãnh quyền năng phá vỡ ảnh hưởng của ma quỷ.

Khi ta tiếp tục hành trình Kitô hữu của mình, ta cần luôn ý thức rằng ta cần đến Đức Kitô và phụ thuộc vào Ngài như Đấng Cứu độ. Qua việc luôn hoán cải và phó thác vào Đấng Cứu độ, ta có thể được tránh khỏi cái bẫy sùng đạo. Ta không cần phải thành ra như những kẻ “hành động như thể họ hầu việc Thiên Chúa nhưng lại chẳng có chút sức mạnh gì của Ngài.” (2 Ti-mô-thê 3:5). Định nghĩa tốt về hoán cải là “chấp nhận bởi quyết định riêng mình quyền cứu độ của Đức Kitô và trở nên môn đệ của Ngài.” Hoán cải (hay trở nên môn đệ) là mỗi ngày chấp nhận Đấng Cứu độ và luôn sống như môn đệ của Ngài. Thư Thánh Phaolô gửi Cô-lô-sê 3:6 nhắc chúng ta, "Vì anh chị em đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Chúa mình nên hãy cứ sống trong Ngài.”

Về người anh trai

Hai mươi năm trước, tôi lượn lờ trong một hiệu sách Kitô giáo tìm thứ gì đó giúp tôi xác định những tội lỗi trong đời sống cá nhân để tôi có thể xưng tội tốt hơn. Những tội nghiêm trọng mà tôi mang theo vào đời sống Kitô hữu đã được xử lý. Danh sách tôi từng sử dụng không còn áp dụng được nữa. Hôm đó tôi không tìm được cuốn sách nào, nhưng tôi tin Chúa đã đặt vào lòng tôi một khao khát được hiểu những tội lỗi ngầm ẩn bên trong mà nhiều năm sau đó niềm khao khát ấy  đã được hoàn thành khi tôi viết cuốn sách đầu tiên, Người Anh Trai Trở Về.

Tiêu đề nhắc tới người anh trai trong dụ ngôn người con trai hoang đàng. Anh xuất hiện ở cuối Luca 15. Người cha gặp cậu em thì hân hoan và ra lệnh cho kẻ hầu mở một bữa tiệc. Từ cánh đồng cậu anh về nhà và hỏi có chuyện gì. Nghe tin em được cha chấp nhận, cậu anh từ chối tham dự bữa tiệc, khiến hai cha con nói qua lại: “Bao năm nay con làm việc cho cha và chưa bao giờ trái lệnh cha. Vậy mà cha chưa từng cho con lấy dù một con dê nhỏ để con vui vầy với chúng bạn. Nhưng khi cái thằng đã phung phí gia tài của cha với kỹ nữ trở về, cha giết con dê béo mừng nó!”

“Con này,” người cha nói, “con luôn ở cùng ta, và những gì ta có đều là của con.”

Lòng sốt sắng viết sách của tôi đến từ tưởng tượng người con hoang đàng trở về nhà cha và gặp trúng người anh. Chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu có bao giờ quay về với cha không? Ngày nay chuyện gì sẽ xảy ra nếu những đứa con hoang đàng trở về và gặp trúng cậu anh bên trong chúng ta? Những bài học trong cuốn sách của tôi về cậu anh đến từ việc tìm kiếm câu trả lời qua một số giai đoạn rất là thử thách. Cộng đồng Kitô hữu tôi lãnh đạo khi đó chứng kiến những mối quan hệ tan vỡ trong đau đớn. Việc Chúa ghé thăm dưới hình thức của sự phán xét đã phơi bày tấm lòng và bẻ gãy sự kiêu ngạo của chúng tôi. Chỉ khi đó tôi mới bắt đầu nhận ra ý nghĩa của người anh trong dụ ngôn.

Hàng năm trời tôi đơn giản chỉ xem mình là người con hoang đàng trở về nhà. Tôi chưa bao giờ quên khoảnh khắc Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài với tôi. Thời gian trôi qua tôi nhận ra có điều gì đó bị thiếu. Trái tim tôi đã trở nên lạnh lẽo. Tôi không nhận ra mình đã trở nên giống người anh hơn. Người anh nhìn bên ngoài thì tốt đẹp, nhưng bên trong có điều không ổn. Anh ta làm điều phải nhưng vì những động cơ sai trái.

Điều đó khiến tôi nhớ về câu chuyện của Samuel trong Cựu Ước, người đã được Chúa gửi tới nhà Jesse để xức dầu cho một trong các con trai của Jesse làm vua. Samuel ấn tượng với những người con trai lớn của Jesse, nhưng Chúa bảo Sa-mu-ên, “Đừng xem tướng tá đẹp trai của Ê-li-áp hay tầm vóc cao ráo của nó vì ta không chọn nó. Thiên Chúa không nhìn như loài người nhìn. Loài người nhìn bên ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn trong lòng.” (1 Samuel 16:7)

Trong trường hợp của David, người con được Chúa chọn, “nhìn trong lòng” là tin tốt lành. Trong trường hợp của người anh trai, đó là tin xấu. Tin xấu là bởi chúng ta thường là kẻ cuối cùng biết được điều gì chôn giấu trong lòng mình. Jeremiah 17:9 nói như thế này: "Lòng con người ác độc hơn mọi thứ, không chữa trị được. Không ai hiểu được.” Trái tim chúng ta có thể dụ dỗ chúng ta, nhưng Chúa không bị dụ. “Chúa biết rõ lòng dạ của từng người. Ngài biết tư tưởng con.” (1 Sử ký 28:9)

Những tội lỗi trong lòng người anh trai

Sau đây là một số tội lỗi trong lòng mà tôi xác định được trong đời sống các Kitô hữu đã luôn trung tín với Chúa ở “bề ngoài.” Hãy dùng danh sách này để kiểm tra các tội lỗi trong lòng bạn.

Trọng luật pháp và tự mãn

Trọng luật pháp là nỗ lực của ta nhằm tìm kiến sự chấp nhận của Chúa hay của những người khác trên cơ sở tuân thủ theo một bộ nguyên tắc, thực hành hay lời dạy. Ta cố gắng phù hợp bằng nỗ lực tự thân. Tự mãn rất giống trọng luật pháp. Ta nghĩ mình xứng đáng với điều gì đó vì “chúng con đã làm việc cho cho bao năm nay.” Khi ta phán xét ai đó là kém đáng giá hơn ta lại được hưởng ân huệ, ta nói, “Chuyện này không công bằng.”

Kiêu ngạo

Kiêu ngạo tìm cách kiểm soát ta, để ngăn ta cậy dựa vào Chúa. Ta thích kiểm soát hơn là được gần gũi Chúa. Ta giả vờ như ta tốt đẹp hơn con người thật của mình. Ta diễn vai mộ đạo và thánh thiện, nhưng không biết rằng thứ đang xảy ra bên trong lại hoàn toàn khác. Cậu anh ghê tởm sự yếu đuối và khoe khoang sức mạnh. Sự tan nát và tuyệt vọng không được xem trọng, nhưng vẻ ngoài và thành đạt thì có. Trong Mát-thêu 5, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng những ai khó nghèo trong tinh thần, những ai than thở và những ai đói khát là người được ban phúc. Cậu anh nghĩ rằng mình không bao giờ được phép yếu đuối.

Phán xét

Người anh đứng ở thế bề trên, phán xét kẻ khác. Sách Kinh dạy chúng ta chớ phán xét (đối với những phán xét trái lẽ, không phải với trường hợp biện phân hay nhận thức phải trái, tốt xấu). Ta có thể nhốt ai đó vào tù bằng suy nghĩ, “Con người họ là vậy, họ sẽ không bao giờ thay đổi.” Bằng việc dán nhãn người khác ta tự cho mình lý do để rút khỏi mối quan hệ. Bức tường của nhà tù ta xây thực chất là được xây để bảo vệ chính ta.

Sợ hãi

Cậu anh sợ hãi; anh không cảm thấy yên lòng trong mối tương quan với Chúa. Anh không hiểu rằng tương quan đó không dựa trên việc anh làm nhưng dựa trên tình yêu của Chúa. Sợ hãi là nguyên nhân đầu tiên khiến chúng ta có nhu cầu kiểm soát.

Tủi thân

Ta muốn sự thông cảm và đồng cảm của mọi người hơn là muốn mình được tự do, hơn là muốn được sống tiếp và bỏ những thử thách lại phía sau. Nếu ta buông bỏ sự tủi thân ta phải chấp nhận rằng ta chính là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

Cay đắng và hiềm thù

Ta trở thành người anh trai mỗi khi phản ứng tách biệt với tình yêu của Chúa trước những đau khổ của cuộc đời. Thay vì tha thứ và khoan dung với người khác, ta xây những bức tường bảo vệ quanh mình. Ta cố chấp cay đắng và hiềm thù như thể chúng là hình thức tự vệ nào đó, nhưng chúng đâu phải. Chúng thật ra là những bức tường nhà tù, ngăn ta khỏi đời sống tự do và tình yêu mà Chúa định sẵn.

Thoát ra?

Đôi khi ta mắc kẹt; ta không nhận ra mình cần ăn năn. Khi ta trở nên mù mờ trước tội lỗi mình và sự lồ lộ của chúng. Giống như người con hoang đàng, đói cồn cào nhưng chưa nóng lòng về nhà cha, chúng ta chưa tỉnh ngộ. Ăn năn bắt đầu với việc nhớ rằng Chúa yêu ta nhiều nhường nào. Đó vừa là món quà. Vừa là sự lựa chọn.

Như ta đã thấy trong chương 2, Chúa dùng những hoàn cảnh cuộc đời để phơi bày tình trạng tấm lòng ta - những mối quan hệ ta không thể hàn gắn, những câu hỏi ta không thể trả lời và những khó khăn ta không thể giải quyết. Khi ta học cách tin tưởng Ngài và đáp lại ân sủng của Ngài những hoàn cảnh trái ngang, ta có thể đối mặt với điều ẩn giấu trong lòng mình. Nếu ta cứ nuôi cái loại tội “anh cả” này, ta không thể thừa nhận ta thật sự nghèo khó và túng thiếu cùng tuyệt vọng nhường nào.

Cuối cùng ta sẽ đến chỗ thực lòng muốn Chúa phơi bày giùm trái tim ta. Khi đó ta có thể cầu nguyện cùng tác giả Thánh vịnh: "Lạy Chúa, xin hãy tra xét tôi và hiểu lòng tôi; xin thử nghiệm tôi và biết các sự lo lắng trong lòng tôi. Xin đừng để tôi bước trên lối sai lạc. Xin dẫn tôi vào con đường phải lẽ.” (Tv 139:23-24). Lối phải lẽ đó là gì? Là về việc được biến đổi, trở nên giống người cha hơn là hai người con trai, biết yêu những anh chị em ương ngạnh với cùng lòng khoan dung mà Chúa dành cho chúng ta.

Xưng tội và Ăn năn

Một khía cạnh quan trọng của ăn năn là xưng tội. Ta có thể an lòng rằng khi ta chân thành và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của ta với Chúa, Ngài tha thứ cho ta và phục hồi ta. Sách kinh dạy rằng “nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là Đấng đáng tin và công bình sẽ xóa tội và tẩy sạch mọi điều ác trong chúng ta.” (1 Gio-an 1:9)

Thành thật trong việc kể tên và thú nhận tội lỗi mở ra cánh cửa để ân sủng của Chúa bước vào địa hạt đời sống mà trước đây ta đóng kín. Ăn năn đòi hỏi ta thay đổi hoàn toàn định hướng và ân sủng của Chúa rất cần thiết cho  sự thay đổi đó. Lời xưng tội chân thành bẻ gãy lối mù mờ và xua tan bóng tối nơi ma quỷ trú ngụ.

Có quyền năng trong việc gọi lớn tiếng những tội lỗi của ta. Tôi sẽ làm rõ hơn điều này trong chương về sự từ bỏ, là một cách thể hiện sự ăn năn dứt khoát.

Ăn năn và Giải cứu

Ăn năn dẫn đến sự giải cứu sâu sắc hơn khỏi ảnh hưởng của ma quỷ, nhưng chiều ngược lại cũng đúng. Tôi nói giải thoát nghĩa là bẻ gãy quyền lực đứng sau lối tư duy và hành động đã thành thói quen trong đó hạn chế ta khỏi được tự do chấp nhận tình yêu của Chúa và nghĩa là quay lưng khỏi thứ cản trở tình yêu của Ngài. Qua sự giải thoát ta khám phá ra những lời nói dối bên trong và phơi bày bản chất của chúng để ta có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc đời mình.

Tự do làm sao khi có thể thấy tội lỗi kín giấu và trực tiếp xử lý nó. Một phụ nữ từng luôn hục hoặc với mẹ đã tuyên bố cùng sự nhẹ nhõm khôn cùng, “Giờ tôi đã biết gọi tội mình là gì!” Sau buổi hội thảo tuần một người đàn ông đã đứng lên làm chứng. Sự giải thoát của anh đến bằng việc khám phá ra tội. “Cả đời tôi cứ nghĩ những tội duy nhất tôi có thể phạm là trong Mười Điều răn. Giờ tôi có thể thú nhận những tội trong lòng tôi.” Tự do đến trong việc biết tên kẻ thù, là những tội trong lòng. Ta bắt buộc phải nhận ra tội mình và ăn năn. Thật sự là, không có tự do nào ngoài ăn năn.

Một thực tại mới

“Sau khi Gioan bị tù, Chúa Giê-xu đến miền Ga-li-lê giảng Tin Mừng về Thượng Đế. Ngài dạy, “Thời đã điểm. Nước Trời đã gần kề. Ai nấy hãy ăn năn và tiếp nhận Tin Mừng!”’ (Mc 1:14-15). Những lời đầu tiên chúa Giêsu nói trong phúc âm theo thánh Mác-cô là ăn năn, tin cậy và nhận lãnh. Sự hoán cải sâu sắc luôn cần ba việc này. Nicky Gumble, một thư ký Anh giáo chịu trách nhiệm lan truyền khóa Alpha hiện đang tiếp cận hàng triệu người với Phúc âm, đã thu gọn Phúc âm xuống ba từ đơn giản nhất: (1) xin lỗi, (2) cảm ơn và (3) làm ơn. Mọi sự ăn năn đều cần thể hiện nỗi buồn, cần chấp nhận tội cá nhân và việc dự phần vào tội, và cần xin được tha thứ. Thứ hai, hoán cải đòi hỏi lời "cảm ơn” cho những gì Chúa Giêsu đã làm trong sự chết và sống lại của Ngài. Và, cuối cùng, cần thỉnh cầu (làm ơn!) Chúa bước vào đời sống của ta và cai trị tấm lòng ta. Bằng việc sống trong tương quan đúng đắn với Ngài, ta bước vào một lối sống mới, đó là thực tại mới, và là nước Thiên Chúa.

Nếu bạn đang “mắc kẹt”, theo cách nào đó đau khổ với toàn bộ cái suy nghĩ rằng mình là một tội nhân, hay đang ái ngại về tình trạng của tấm lòng mình, hãy biết rằng quyền năng đã hiện diện khi bạn lần đầu tìm đến Đấng Cứu độ vẫn đang hiện diện. Một lần nữa, tôi khuyên bạn đừng hướng về bản thân mà hướng về Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, Đấng đã phó chính mình Ngài cho bạn. Sau đó hãy chấp nhận rằng bạn là một tội nhân; hãy thật lòng và gọi những tội mình ra. Hãy kể tội của đứa con hoang đàng hoặc tội của người anh trai. Nếu bạn cần sự giúp đỡ hãy xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt bạn khi cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin hãy tra xét tôi và hiểu lòng tôi; xin thử nghiệm tôi và biết các sự lo lắng trong lòng tôi.” (Tv 139:23). Hãy ngừng một khắc và cầu nguyện:

Chúa Giê-xu là Đấng được Thiên Chúa cất nhắc lên, ngồi bên phải Ngài, để làm Lãnh đạo và Đấng Cứu độ. Ngài làm như thế cho toàn dân Ít-ra-en có cơ hội ăn năn để được tha tội. Cv 5:31 

 


 

Lạy Chúa, con thân tội nhân; con đến trước Chúa để trình với Ngài rằng con hối hận về mọi tội lỗi mình. Tạ ơn Ngài đã đã phó mình cho con, để con được tha tội và được về nhà với Ngài. Xin hãy đến và làm Thiên Chúa đời con; con muốn sống trong nước Ngài với quyền tự do của con cái Chúa. Xin hãy ngỏ lời với con khi con đọc tiếp cuốn sách này. Xin hãy dẫn con đến sự tự do sâu sắc khi nhận biết tình yêu của Ngài.

 

“Nếu ta có thể thấy sự thật về chính mình mà không bị làm hốt hoảng, dằn vặt bởi điều đó, quyền tể trị của Chúa xuất hiện trong sự giản đơn mà ta dùng để tìm hiểu tội lỗi của mình, khi ta từ chối ngó lơ tội cũng như bào chữa cho tội.”

Peter John Cameron

 

Trong chương tiếp theo tôi muốn chia sẻ với bạn cách loại bỏ chướng ngại vật lớn nhất để nhận lãnh ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa.

Trích từ Chương 3 của sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét