Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Phần 1 Tự do

1. Tự do để có hy vọng

Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Ngài cứu loài người khỏi sự dữ và tình huống vô vọng của mình; Ngài bẻ gãy những dây xích trói buộc họ với quá khứ và ban cho họ một quyền năng cho phép họ tìm thấy tương lai. -William Barclay

 


 

“Tạm biệt. Cảm ơn anh chị. Giờ em đã có hy vọng!” Anna, cô gái hiểu chuyện ở lứa tuổi mười chín của mình nói. “Cha em thường xuyên đi vắng, nhưng ngay cả khi ở nhà ông cũng không có vẻ gì gần gũi. Anna đã lớn lên với anh trai và người mẹ nghiện rượu trong sự dằn vặt và rối bời. Nỗi buồn bao phủ em khi em đến gặp vợ tôi, Janet, và tôi. Em tránh nói chuyện và khi phải nói thì em không thể nào ngẩng đầu nhìn chúng tôi. Gần đây em đã đến Trung tâm Lighthouse Fellowship ở Phần Lan và bắt đầu tìm kiếm Chúa.

Chúng tôi hỏi, “Có người nào mà em cần tha thứ không?”.
“Có ạ, nhưng em sợ sẽ làm người đó tổn thương nếu nói cho anh chị.” Một lúc sau, em nhắc tên một người: “Mẹ em hay uống rượu.” 

Tôi bảo em, “Anna, nếu em muốn được tự do, em cần để Giêsu giúp em tha thứ”.
“Vâng,” em đáp.

Thế nhưng em chẳng thể lặp lại theo tôi ngay cả một câu cầu nguyện ngắn. Em không cất lời nổi. Khi tôi cầu nguyện cho em và lắng nghe với tâm linh của mình, Chúa đã mở trái tim em ra cho tôi, và tôi cảm nghiệm được nỗi thống khổ của cô đơn và tuyệt vọng trong em. Tôi lớn tiếng cầu nguyện, “Lạy Chúa, Anna đã sống trong hoang mang và chưa từng biết phải trông đợi điều gì. Cô bé muốn sửa chữa tình hình nhưng lại không thể.” Em bắt đầu thút thít. “Mà điều em không hiểu là vì sao Chúa lại không làm gì hết. Em ấy biết Chúa là Thiên Chúa và Chúa có thể làm mọi thứ. Em đã kêu cầu đến Chúa; em đã cầu xin Chúa; hằng đêm em dỗ mình vào giấc ngủ bằng nước mắt, và Chúa đã không trả lời.”

Giờ thì Anna òa khóc nức nở, run lên vì nỗi thống khổ bao năm. Janet và người thông dịch khóc cùng em khi Chúa cũng cho phép họ cảm nghiệm sâu sắc nỗi đau của em. Rồi tôi cầu nguyện, “Lạy Chúa, con không hiểu. Con không hiểu sao Ngài không làm điều gì đó.” Tất cả chúng tôi cùng rơi lệ trước Chúa.

“Giờ thì, Anna, em sẽ từ bỏ thần khí của sự hiềm thù, tổn thương và dằn vặt chứ?" Tôi hỏi em. “Em sẽ nói, ‘Mẹ, con tha thứ cho mẹ’ chứ?" Cô bé đã sẵn sàng, vì em biết mọi người đã cảm nhận nỗi đau của em. Nhất là em đã biết nỗi đau của mình theo một cách mới, khi em cho phép nỗi đau đó được mang ra ánh sáng.

“Mẹ, con tha thứ cho mẹ, cho thói nghiện rượu và cho việc mẹ chối bỏ con cùng mọi sự hoang mang và tổn thương.” Con tha thứ cho mẹ vì đã không yêu con theo cách con cần được yêu.” Rồi em từ bỏ sự u uất, sự tự khước từ, sự kết tội và tự buộc tội. Em đã được tự do. Chúng tôi biết Anna vẫn còn chặng đường dài phía trước, nhưng chúng tôi biết ơn việc em đã tham gia cộng đoàn của những người tin vào Chúa, những Kitô hữu có thể giúp em khi em tiếp tục tìm kiếm kế hoạch tốt lành của Chúa và từ chối cho ma quỷ tiếp cận cuộc sống của mình.

Ngày hôm sau, gương mặt em rạng rỡ và tính cách em trở nên hân hoan, không còn u sầu. Chúng tôi đã phát hiện ra khiếu hài hước tuyệt vời của em. Em đã đưa gia đình mình đến gặp chúng tôi. Trước khi chúng tôi rời khỏi thị trấn, em đã một mình chờ chúng tôi hơn một tiếng đồng hồ để có thể chụp hình cùng chúng tôi và nói với chúng tôi những lời mà giờ đây vẫn làm chúng tôi xúc động, “Cảm ơn anh chị, giờ em đã có hy vọng.”

Khao khát Hy vọng

Anna là một người bình thường ở trong hoàn cảnh rất khó khăn và đau khổ. Sự vô vọng và tuyệt vọng đang dần hủy hoại em. Hoàn cảnh của bạn có lẽ rất khác với Anna, nhưng liệu trong cuộc sống của bạn có địa hạt nào bị đánh dấu bởi sự vô vọng không? Bạn có từng như Anna, kêu cầu Chúa hết ngày này sang ngày khác mà chẳng có lấy một sự thay đổi? Thái độ oán giận đối với Chúa có lẻn vào tim bạn và tạo ra cảm giác xa cách khi bạn cố gắng lại gần Ngài? Có điều gì mà bạn đã thú nhận không biết bao lần, nhưng vẫn chẳng thể thay đổi?

Đối với một số người, nhu cầu hy vọng là điều vi tế hơn nhiều. Một người bạn lâu năm đã đến gặp tôi để tư vấn vì anh gặp khó khăn ở một số địa hạt trong cuộc sống của mình. Tôi hỏi Dave xem anh có muốn từ bỏ một số những địa hạt ấy không. Anh đồng ý. Anh kể câu chuyện của mình như sau:

“Tôi đã cầu nguyện tha thiết với Neal nhưng không thấy điều gì bất thường. Thế rồi Neal nhắc đến việc từ bỏ ‘sự tuyệt vọng’ và ‘vô vọng.’ Có điều gì đó xảy ra. Tôi thấy mình vật lộn để khước từ những thần khí ấy. Cùng lúc đó, dường như mỗi thần khí đi kèm một luồng cảm xúc, và tôi cố gắng gọi tên chúng mà không gặp khó khăn gì. Nỗi oán giận và đau đớn tăng lên, những cảm xúc ấy gắn liền với việc tôi từ chối các thần khí của sự tuyệt vọng và vô vọng. Quá trình đó ngắn ngủi, kịch tích và chân thật. Theo sau là cảm giác bình tĩnh và nhẹ nhõm.

“Khoảng một tuần sau buổi cầu nguyện, tôi đã trải qua một tình huống mà nếu là trong quá khứ chắc đã khiến tôi vô cùng phẫn nộ và, vâng, thoáng thất vọng (dù tôi chắc sẽ không nhận ra đó là thất vọng hay vô vọng). Dù tôi vẫn phản ứng thật cẩn thận, những cảm xúc và lối suy nghĩ của tôi đã không hạ cấp và trở nên u ám. Tôi tin rằng một cánh cửa trong những mẫu thức tư duy và cảm xúc đáng lẽ đã dẫn tôi xuống một địa hạt tối tăm nay đã bị đóng lại. Cánh cửa không còn mở nữa. Chính tôi có nhiệm vụ phải giữ cánh cửa luôn đóng chặt.

Bản thân tôi cũng rất bất ngờ. Tôi biết Dave là một Kitô hữu tận tâm, luôn sẵn sàng phục vụ và khuyến khích người khác. Hơn mười lăm năm trước anh đã bị một người anh hết sức tôn trọng phản bội. Anh ngỡ chuyện đó đã xong xuôi, thế nhưng trong hoàn cảnh ấy thần khí vô vọng, không được nhận diện và ẩn mình khỏi Dave cùng những người xung quanh anh, đã tìm được đường vào và cứ ở trong cuộc sống của anh. 

Theo cách nào đó, Dave đã tập chấp nhận tình trạng thiếu hy vọng của mình. Dường như khi cảm thấy vô vọng ở chiều kích nào đó trong cuộc sống, người ta sẽ tìm cách để làm tê liệt cảm giác vô vọng đó. Có người còn tự tẩy não rằng “Con người mình là vậy”; “Mình phải sống chung với lũ”; “Cũng đâu đến nỗi; mình sẽ vượt qua thôi.”

Quá nhụt chí để hy vọng?

Trước khi được tự do, một người bạn của tôi đã phải vật lộn với rối loạn ăn uống. Chị viết: “Gần đây tôi nhận ra mình lại trượt dài trong vũng lầy ăn uống cả khi tôi không thấy đói, nhưng là bất kỳ lúc nào tôi thấy tức giận, hoang mang và/hoặc cô đơn. Chậc! Thế là mấy kilogram tôi giảm được đã quay lại cùng với bao nhiêu là vô vọng, tội lỗi, tức giận và trầm uất. Tôi hoang mang lắm, vì tôi hiểu rõ vấn đề, nhưng lại vẫn bất tuân và cảm thấy bị ngăn cách khỏi Chúa; kiểu như tôi không thể nghe thấy Ngài hay lại gần Ngài cho tới khi tôi có thể quản lý được việc ăn uống của mình. Tôi đoán anh có thể tưởng tượng ra cảm giác tội lỗi/lên án đi cùng với lối suy nghĩ ấy. Nói đơn giản thì là tôi đang vật vã và bị mắc kẹt. Tôi chán bị béo phì và mất kiểm soát lắm rồi.

Bạn có đồng cảm với hoàn cảnh của chị ấy không? Có nếu bạn ở trong những hoàn cảnh tương tự sau: “Tôi sợ bị từ chối”; “Tôi là kẻ cầu toàn ám ảnh”; “Tôi nghiện khiêu dâm”; “Tôi sợ chết”; “Tôi sợ bị bỏ rơi”; "Tôi không thể tha thứ”; hay “Tôi nghĩ tới việc tự tử."

Hiển nhiên, những điều này không phải chỉ toàn là công việc của các thần dữ, nhưng với nhiều người, ảnh hưởng của các thần dữ là một địa hạt không được chú ý và đề cập trong quá trình tìm kiếm sự chữa lành của Thiên Chúa.

Châm ngôn 13:12 dạy chúng ta rằng “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải, ước mơ toại nguyện là cây ban sự sống.” Hy vọng là vững tâm chờ đợi điều tốt lành; mà điều tốt lành nhất là thiên đàng. Kinh Thánh nói rằng Chúa Kitô trong chúng ta chính là niềm hy vọng đó, hy vọng là chúng ta có thể đạt tới vinh quang (Côlôsê 1:27) Có phải Phúc Âm chỉ đơn giản trao cho chúng ta hy vọng về thiên đàng khi ta còn trong vòng nô lệ? Không hề. Thư Thánh Phaolô gửi Côlôsê 1:13-14 nói, “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” Chúng ta đã được giải cứu (chuyển dời, giải thoát) rồi, từ vương quyền này sang vương quyền kia, thế nhưng ta không nhận thức được đầy đủ. Tôi chợt nghĩ về con cái Ít-ra-en lang thang trong hoang mạc. Chúa đã qua Môse mà giải thoát họ khỏi các đốc công Ai Cập, tuy thế họ vẫn bám víu vào não trạng nô lệ. Cả một thế hệ người Ít-ra-en đã chết trong hoang mạc trước khi dân này sẵn sàng hợp tác với Thiên Chúa, nắm lấy những điều Chúa đã hứa cho họ. Bạn có một “não trạng nô lệ” nào cần loại bỏ không?

Quá thất vọng để tìm kiếm sự giúp đỡ?

Có lẽ nhiều năm về trước bạn đã trải qua buổi cầu nguyện giải thoát khiến bạn sang chấn tới mức bạn không bao giờ muốn thử lần nữa. Có thể ai đó đã cầu nguyện cho bạn và không thành công, hoặc người cầu nguyện cho bạn không thể hiện được tình yêu và sự tôn trọng khi mà bạn đang dễ tổn thương nhất. Dường như bạn đang suy nghĩ lệch lạc về việc giải thoát khỏi ma quỷ và "hoảng sợ” bởi ý nghĩ, “Ý anh là, có thể tôi bị quỷ ám?"

Có lẽ trong suốt thời gian qua bạn đã tìm đến cha xứ hay linh mục vài lần. Bạn đã xưng tội, họ đã cho bạn lời khuyên để bạn làm theo, cho bạn mẫu cầu nguyện để bạn cầu nguyện, cho bạn sự động viên để bạn tránh sự dữ và cho bạn những cách để đưa các suy nghĩ cùng hành động của mình vào kỷ luật thế nhưng thất bại cứ liên tiếp thất bại đã khiến bạn càng thêm tuyệt vọng.

Có thể bạn đã tiếp nhận tư vấn và những buổi tư vấn thật sự có ích. Giờ thì bạn hiểu lý do bạn làm những gì bạn làm, nhưng con người bên trong vẫn không thay đổi. Có thể bạn đã tiếp nhận tư vấn suốt nhiều năm và hầu như chẳng có gì thay đổi, nên bạn không còn trông cậy điều gì hơn là chỉ đủ sức chống chọi.

Bạn có lẽ cũng như nhiều người khác, đã nghĩ đến việc tiếp nhận tư vấn, nhưng vì tài chính eo hẹp hoặc vì ngại mà chưa bao giờ thực hiện được. Tôi hy vọng bạn kiên quyết tìm kiếm sự giúp đỡ và trò chuyện với ai đó lần nữa. Chúng ta ai cũng có thể hưởng lợi từ các chuyên gia thông thái, người lắng nghe và thấu hiểu.

Các chuyên gia được đào tạo bài bản là một món quà, một nguồn lực quan trọng, nhưng chỉ có một Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Thật không may, các mục sư và các lãnh đạo của Giáo hội cảm thấy mình vô dụng, như thể Phúc Âm không có chút quyền lực nào. Khi những vấn đề xuất hiện, quá nhiều Kitô hữu nhanh chóng tìm tới các chuyên gia tư vấn. Quyền năng của Phúc Âm so với một chuyên gia tư vấn tài năng thì lớn hơn nhiều (mặc dù cả hai chiều kích này có thể hỗ trợ nhau cách tuyệt vời). Nếu một Kitô hữu cần được tiếp nhận tư vấn, các vị đảm nhiệm mục vụ cần biết cách hợp tác với chuyên gia tư vấn để làm sao chăm sóc các vết thương trong linh hồn.

Một vương quyền mới

“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” (Mác-cô 1:15). Phúc âm Thánh Mác-cô đã ghi lại những lời trên, là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói sau bốn mươi ngày trong sa mạc. Chúa Giêsu là “Môse mới”, bẻ gãy quyền thống trị của Satan và dẫn đưa chúng ta ra khỏi sự thống trị của nó. Chúa Giêsu là “Giô-suê mới” lãnh đạo chúng ta tiến vào Vương quốc của Thiên Chúa, nơi chính Chúa là Đấng cai quản và luật pháp của Ngài được viết vào trái tim chúng ta.

Một ngày nọ, các bạn của Gioan Tẩy giả hỏi Chúa Giêsu, “Ông là đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ một đấng nào khác nữa?” Trước mặt họ, Chúa Giêsu đã chữa trị nhiều người khỏi bệnh tật, mù lòa và quỷ ám. Ngài trả lời, “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe” (xem Luca 7:20-22). Những người chịu sự áp bức đang trải nghiệm sự xuất hiện của Nước Chúa. Đây là Tin Mừng! Những người túng quẫn và bị áp bức, được tự do khỏi vòng nô lệ và bệnh tật, đang tiến vào Nước Trời.

Trong thời cổ, khi một vị vua đã chinh phục thành nào, ông sẽ gửi đi các sứ giả loan báo tin mừng: Có một cách sống mới; giờ đây các người sống dưới một thẩm quyền mới! Các sứ giả loan báo danh của đấng cai trị mới và những ích lợi lớn lao từ việc sống dưới quyền cai trị của ông. Hợp tác với sự công bố này là vấn đề sống còn.

Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô đã trở thành Vua của chúng ta. Ngài đã đánh bại Satan và xóa nợ cho chúng ta. Sự giải thoát tuyệt vời nhất của chúng ta đến từ việc quy phục Ngài, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Giờ đây khi ta đã chọn sự cai trị của Ngài và đặt mình dưới Thần Khí của Ngài, ta không còn sống theo luật của tên vua cũ nữa. Bạn đang ở dưới một thẩm quyền mới; bạn sống trong một vương quốc mới. Sự tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ càng sâu sắc khi ta đáp lại chương trình của Chúa, để Ngài giành chủ quyền trong cuộc sống của chúng ta.

Ân sủng của Vương quốc

Tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ chính nó vẫn chưa phải cùng đích. Cùng đích là lãnh nhận đầy đủ ân sủng Chúa ban cho chúng ta trong Con Ngài và trở nên môn đồ của người Con ấy. Sự giải thoát phóng thích chúng ta khỏi vòng nô lệ và đến với sự được chúc phúc. Từ chúc phúc (baruk) trong tiếng Do Thái có nghĩa là khích lệ ai đó triển nở, thành công và phát triển. Mọi ân sủng, mọi chúc phúc đều bắt nguồn từ Chúa. Vào ngày thứ sáu, sau khi tạo ra người nam và người nữ, Chúa đã chúc phúc cho họ và nói, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ….” (Sáng thế 1:28). Nói lời chúc phúc là trở thành khí cụ của Chúa.

Vào thời Kinh Thánh, lời chúc phúc đem sự che chở và giúp đỡ cho cuộc hành trình. Sự chúc phúc đó là để đem ân sủng vào cuộc hành trình. Lời chúc phúc là để nói tốt lành về ai đó. Ngược lại với nguyền rủa. Ý thức về sự chúc lành của Chúa và nhu cầu chúc phúc những người khác đã ăn sâu vào nền văn hóa Do Thái cổ đại đến nỗi từ shalom vẫn còn được sử dụng như một hình thức chào hỏi. Shalom nghĩa là bình an, trọn vẹn, hòa hợp, mạnh giỏi và hạnh phúc. Shalom được tóm lại trong câu nói về chương trình của Chúa trong Giê-rê-mi-a 29:11: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA –, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” Ở đây từ shalom được dịch thành “kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương”.

Đây là điều Chúa đã dự định cho chúng ta từ lúc đầu, và ngày nay trong Chúa Kitô chúng ta đã thực sự lãnh nhận mọi ân sủng tự cõi trời (Êphêsô 1:3). Nghĩa đầy đủ của việc được chúc phúc là nhận biết Đấng Kitô, sự thật về căn tính và số phận của chúng ta trong Ngài. Là nhận biết rằng Ngài có chương trình đặc biệt cho tương lai ta. 

Khi chúng ta tìm kiếm sự chúc lành của Chúa Cha, chúng ta có thể nhìn vào ví dụ về cách Chúa Cha nói lời chúc lành vào cuộc đời Chúa Giêsu, Con Ngài. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu đã đến gặp Gioan để chịu phép rửa. Gioan biết Chúa Giêsu không cần phép rửa sám hối nên nói, “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa,” (Mát-thêu 3:14) Nhưng Chúa Giêsu đã xuống thế để mặc lấy thân phận con người như chúng ta. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã cảm thông với tội lỗi của chúng ta. Con Chiên Thiên Chúa đã đến chịu chết để Ngài có thể cứu chuộc chúng ta và trở nên cánh cửa đưa ta vào lòng thương xót của Chúa.

Phép rửa mà Chúa Giêsu lãnh nhận là hành động đầu tiên được ghi lại về việc Ngài đón nhận chức vụ làm Con Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc trần gian. Khi Chúa Giêsu ra khỏi nước, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Ngài, và một tiếng từ trời phán, “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3:17). Chúa Cha đã tuyên bố Giêsu là ai và rằng Ngài yêu thích Con của Ngài. Khi bước vào thế giới đau đớn và khổ sở của chúng ta, Chúa Giêsu đã mang sự được Chúa Cha yêu dấu, sự chúc phúc của Chúa Cha với Ngài. Rôma 5:10 nói rằng Chúa Giêsu đến để hòa giải chúng ta với Chúa Cha. Ân sủng Chúa Giêsu đã lãnh nhận được truyền lại cho chúng ta. Trong Đức Kitô, những lời ấy, mối quan hệ ấy, thuộc về chúng ta. “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa!” (1 Gioan 3:1)

Những lời chúc phúc khẳng định căn tính của chúng ta và chuẩn bị để chúng ta hoàn thành định mệnh của mình. Mỗi người chúng ta đều có một mục đích, một phần đóng góp vào sự mầu nhiệm đang hé mở trong kế hoạch của Chúa, một điều gì đó mà sẽ ngợi khen và tôn vinh Đấng đã gọi chúng ta từ thuở đời đời.

Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng ta là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Ki-tô, chúng ta ngợi khen vinh quang Người. (Êphêsô 1:11-12)

Tự do khỏi vòng nô lệ tâm linh là tự do lãnh nhận ân sủng Chúa Cha ban nơi Con Ngài để ta có thể sống với mục đích ngợi khen vinh quang của Ngài. Chúa vui lòng khi ta tìm kiếm mọi điều Ngài ban cho ta trong Đức Kitô.

Hy vọng đủ để cầu xin

Chúa muốn ta xin Ngài chúc lành cho chúng ta. Tôi thích câu chuyện của Gia-cóp trong Cựu Ước, không phải vì ông đã sống một cuộc đời không tì vết, mà vì ông khẩn khoản muốn được chúc phúc. Ông biết Chúa đã ban phước cho ông nội ông là Áp-ra-ham, và ông đã lập mưu với mẹ để thừa kế quyền trưởng nam của Esau. Sau việc đó ông chạy trốn khỏi quê nhà.

Nhiều năm sau, ông biết mình phải quay về và đối mặt Esau, và ở chỗ này sách Sáng Thế đã ghi chép một thời khắc khốn quẫn nữa trong cuộc đời Gia-cóp. Trong đêm đau khổ vì cuối cùng phải đối mặt với sự thật về chính mình, Gia-cóp đã vật lộn với Chúa (Ngài xuất hiện dưới hình dạng một người đàn ông) cho đến rạng đông. (xem Sáng Thế 32:24). Chúa nhận ra Ngài không thể thắng Gia-cóp nên đã chạm vào và làm xương hông của ông bị trật.

Thật kỳ lạ khi nghĩ đến Chúa lại không thể thắng được Gia-cóp. Có điều gì bên trong Gia-cóp mà lại không thể bị đánh bại? Ông hẳn phải hoàn toàn kiệt quệ cả về thể sức lẫn tinh thần, và hông ông chắc là đau lắm, thế mà ông vẫn không từ bỏ. Rốt cuộc người đàn ông nói, “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.” Gia-cóp đáp, “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi.” Gia-cóp không từ bỏ. Ông đã vật lộn với Chúa suốt đêm, ông bị thương mà vẫn từ chối buông thả Chúa ra cho tới khi Ngài chúc phúc cho ông. Ông không bao giờ còn dựa vào chính sức mình để được thành công nữa; trong khó khăn, ông đã quy hàng trước chương trình của Chúa cho hạnh phúc và tương lai của mình. Chúa đã ban phúc cho ông, thậm chí còn đổi tên ông thành Ít-ra-en và cho các con của ông thành cha của mười hai chi tộc Do Thái.

Bạn có đang tìm kiếm lời chúc phúc của Chúa không? Có lẽ nào bạn đã vật lộn suốt đêm - hay thậm chí suốt đời không? Có lẽ bạn đã trải qua những lúc khó khăn. Nỗi đau của bạn đã bị phơi bày; như Gia-cóp, bạn bị tổn thương và biết mình sẽ không bao giờ như trước nữa. Có lẽ ngày mới đã sang và đến lúc bạn phải buông tay. Giờ là lúc để bạn lặp lại lần nữa, “Con sẽ không để Ngài đi trừ khi Ngài ban phúc cho con.”

Có lẽ bạn đang nói, “Con muốn được tự do. Con muốn nhận biết những ân sủng Chúa đã dành sẵn cho con, nhưng con không có sức mạnh của Gia-cóp.” Hãy an lòng, Chúa muốn gặp bạn và cùng hoạt động với bạn dù bạn ở đâu. Ngài muốn bạn tìm đến Ngài và cầu xin Ngài.

Trong chương sau tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của Mike, một thanh niên 26 tuổi đang trên đà thành đạt. Là một trong những đứa con trai hoang đàng của Chúa, hành trình tâm linh trở về với Chúa của anh đã bắt đầu với một lời thỉnh cầu đơn giản, được gieo vào lòng anh bởi một người bạn Kitô hữu trung tín. Cảm nhận được sự đói khát trong tâm hồn của anh, cô nói, “Sao bạn không thử xin Chúa Giêsu đến tìm bạn?”

Đây là một cách khởi đầu tốt. Cứ cầu nguyện, “Chúa Giêsu ơi, xin hãy đến tìm con.” Hãy cầu nguyện như vậy thường xuyên. Nói thành tiếng hay nói trong đầu cũng được. Bạn có thể biến tấu theo cách khác. “Lạy Chúa Giêsu, nếu Ngài có thật, xin hãy cho con thấy.” Hoặc một lời thỉnh cầu đơn sơ khác: “Chúa ơi, giúp con.” Sự giúp đỡ không phải lúc nào cũng đến vào lúc và theo cách mà chúng ta trông đợi. Anna không nghĩ em sẽ phải chờ lâu đến vậy để có được câu trả lời. Em cũng không nghĩ Chúa sẽ gửi ai đó từ nửa vòng trái đất đến giúp đỡ mình. Nhưng, hãy an lòng, điều bạn cầu xin được Chúa lắng nghe, và câu trả lời của Ngài đang đến (xem Mt 7:7).

Chính bạn phải cầu xin. Chẳng ai có thể xin thay bạn. Không một hành trình tìm tự do nào diễn ra mà không có ân sủng của Chúa và quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong bạn. Chúa Giêsu đã chết để cứu bạn và để bạn được tự do. Tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ mở ra cánh cửa cho phép ta trải nghiệm cuộc đời mới một cách sâu sắc hơn, cuộc đời ta đã lãnh nhận trong Chúa Kitô.

Hãy đọc tiếp...

Trong chương kế chúng ta sẽ xem xét thực tại của ma quỷ, kẻ thù của chúng ta, và cách hắn muốn ngăn cản ta sống định mệnh của mình là con cái Chúa. Trong những chương sau của phần 1, chúng ta sẽ thảo luận năm chìa khóa thiêng liêng giải phóng ta khỏi vòng nô lệ của ma quỷ. Tôi dùng hình ảnh ẩn dụ là chiếc chìa khóa bởi vì chúng có hai công dụng, vừa dùng để khóa và để mở khóa.

Ma quỷ chiếm được ảnh hưởng trong đời sống thông qua những cánh cửa bị chính ta hay người khác mở ra, thường là trong thời thơ ấu. Qua những cánh cửa ấy, lời nói dối và mưu mô của Satan khiến chúng ta khó tiếp nhận được ân sủng của Nước Chúa. Bằng cách dùng những chìa khóa được trình bày trong sách này, chúng ta có thể đóng những cánh cửa mà qua đó ma quỷ chiếm được ảnh hưởng, đồng thời mở ra những cánh cửa để Chúa Kitô giải phóng và ban ân sủng của Ngài cho chúng ta.

Như bạn sẽ thấy, đây không phải sự kiện mở ra –hay đóng lại trọng đại, chỉ xảy đến một lần trong đời. Đúng hơn, khi chúng ta tìm kiếm và tìm thấy tự do mới, Chúa Thánh Thần giải phóng chúng ta khỏi vòng nô lệ ở những mức độ sâu thẳm nhất. Chúa giải phóng ta và giáng phúc xuống cho ta để ta có thể là sự chúc lành cho những người khác. Trong phần 2, tôi sẽ cho bạn những hướng dẫn để bạn có thể giúp ai đó lãnh nhận món quà giải thoát trong Đức Kitô.

Bất kể tình trạng của bạn, tôi khuyến khích bạn đọc tiếp. Việc lật sang chương 2 bản thân nó đã là một nỗ lực mang hy vọng. Khi Anna tìm đến chúng tôi, em không trông đợi nhiều. Em đến vì chúng tôi đã cầu nguyện với một người bạn, và em nghĩ có lẽ em cũng nên thử. Em đã rời đi với hy vọng và một khởi đầu mới. Nếu đọc tiếp, bạn sẽ có cơ hội giống như Anna. Bạn sẽ học được cách khơi lại món quà hy vọng, cách bẻ gãy sự gắn bó với những thứ trói buộc bạn và cách buông tay những người đã tổn thương bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng quyền năng của kẻ thù đã bị phá vỡ và rằng bạn có thể hợp tác với quyền năng của Chúa khi Ngài bày tỏ mục đích đặc biệt của Ngài cho cuộc đời bạn.

 


 

[Chúa Giêsu nói,] “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ.” Luca 11:9-10

 


 

Lạy Chúa, xin hãy đến tìm con. Thu phục trái tim con với tình yêu của Ngài. Con không có sức mạnh như ông Gia-cóp; xin Ngài ban cho con sự can đảm để xin ơn tự do và những ân sủng thuộc về con trong Chúa Kitô. Xin Ngài dùng cuốn sách này để làm mới hy vọng của con và phơi bày những địa hạt nào trong cuộc sống của con mà chưa suy phục Ngài. Xin cho con biết con là ai và chương trình của Ngài cho cuộc đời con, căn tính của con, cùng số mệnh của con. Xin hãy chúc phúc cho con để con có thể là sự chúc lành cho những người khác.

Trích từ sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano

Share:

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Được tháo gỡ: Phần Giới thiệu

Trích từ sách Unbound: A Practical Guide to Deliverance from Evil Spirits by Neal Lozano

Thiên Chúa Cha đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi. (Côlôsê 1:13-14)

Chúng ta thường ít ý thức về ma quỷ và việc làm của các ác thần trong đời sống cho tới khi chúng ta gặp gỡ tình yêu của Chúa cho cá nhân mình trong Chúa Giêsu Kitô. Rồi sự hoạt động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong ta biến đổi ta và trang bị để ta trở nên chứng nhân của Ngài.

Tháng Giêng năm 1970, tôi đã có một cuộc gặp gỡ như vậy. Khi có người đã cùng cầu nguyện để tôi được lãnh nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần (baptism of the Spirit), Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho tôi, và cuộc đời tôi đã mãi mãi thay đổi. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận thấy ma quỷ chống đối tôi khi tôi tìm cách phục vụ Chúa, như là khiến tôi đổ bệnh không đúng lúc để rồi tôi phải rút lui. Trước buổi nói chuyện được dự kiến của mình, lần đầu tiên tôi bị đau lưng. Tôi trở nên ý thức về cách Satan dùng nỗi sợ để làm tôi nhụt chí. Tôi đã bắt đầu hiểu ra rằng cám dỗ không chỉ là cuộc đấu đá với những yếu đuối cá nhân mà trong thực tế còn là mưu chước của ma quỷ nhằm phá hoại và hủy diệt đức tin tôi. Khi đọc Kinh Thánh, tôi nhận thấy nhiều phân đoạn nhắc đến công việc của quỷ và sự tự do mà Giêsu mang lại. Những câu truyện như trong Luca 4:33-37 đã hấp dẫn tôi:

Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:  “Ông Giêsu Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”  Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!”  Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Tôi đã đọc mọi tư liệu về việc giải thoát khỏi ma quỷ [deliverance prayers, khác với việc trừ quỷ chỉ linh mục được Giám mục Địa phận ủy thác thực hiện] mà tôi có thể tìm được. Tôi đã lắng nghe tâm sự của mọi người về việc được giải phóng khỏi vòng nô lệ tâm linh nhờ danh Chúa Giêsu. Một thanh niên yêu Chúa và đang cân nhắc con đường trở thành linh mục kể với tôi rằng cậu đã mất hàng năm trời đấu tranh với việc thủ dâm. Cậu đã xưng tội, kháng cự và làm mọi thứ người khác bảo cậu làm, nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn đó. Một ngày nọ, sau buổi cầu nguyện nhóm, ai đó đã cầu nguyện xin Chúa xua đuổi sự hiện diện của ác thần, nhân danh uy quyền Chúa Giêsu. Cậu được tự do khỏi thứ nhu cầu đang bủa vây mình. 

Tôi ngày càng ý thức rằng cuộc đời tôi và những người xung quanh cần một sự tự do to lớn hơn. Điều duy nhất tôi có thể giúp các Kitô hữu đang chiến đấu là những câu Kinh Thánh quen thuộc mà tôi nghĩ là tôi hiểu rõ: “Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em” (Giacôbê 4:7). “Các người sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các người!” (Gioan 8:32). Kháng cự những cám dỗ và dối trá của ma quỷ là rất quan trọng, nhưng tôi biết rằng có điều gì đó vẫn còn thiếu. Tôi đành chờ Chúa chỉ dạy.

Khoảng mười lăm năm sau, một người đàn ông kính sợ Chúa, cậy dựa vào quyền năng của Ngài, đã giải thoát cho tôi khỏi ảnh hưởng của một ác thần. Đó thật là vòng nô lệ tâm linh bắt rễ từ thương tổn sâu đậm của con người. Qua nhiều năm tôi đã có thể hỗ trợ hàng trăm người khác làm điều tương tự. Sự kiện đó thật ấn tượng, và tuy thế tôi tin rằng 98 phần trăm cuộc giải thoát khỏi các ác thần nằm ở việc hiểu biết sự thật - về việc Chúa là ai, Ngài đã nói gì và Ngài đã tạo ra chúng ta để nên người thế nào - qua việc kháng cự cám dỗ, ăn năn sám hối tội lỗi mình, khước từ những việc làm của ma quỷ và tha thứ cho những ai đã tổn thương ta. Có lẽ nhiều lắm chỉ hai phần trăm là ra lệnh cho ma quỷ rời đi. Cuốn sách này không là về ma quỷ cho bằng việc nhận biết những cánh cửa mà ta đã mở ra cho ảnh hưởng của tà thần và về cách đóng chúng lại.

Chúng ta được tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ khi ta cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự vào những việc thờ phượng của giáo xứ hoặc lãnh nhận các bí tích. Sự giải thoát không xảy đến trong một lần mà là một điều tiếp diễn và là điều bình thường của đời sống Kitô hữu.

Tôi viết cuốn sách này không nhằm chứng minh sự tồn tại của quỷ dữ.2 Mà tập trung vào cách giải cứu khỏi ảnh hưởng của ma quỷ trong bối cảnh cuộc sống bình thường của người Kitô hữu. Nhiều người đã tiếp nhận tư vấn, xưng tội, theo đuổi lối sống tập trung vào Chúa và làm mọi cách họ biết nhằm được tự do khỏi vòng nô lệ tâm linh trong những chiều kích nhất định của cuộc sống riêng. Bất chấp những nỗ lực ấy, họ vẫn không được chữa lành. Nhiều tín hữu trung tín và đầy cam kết đã phải sống với tội lỗi, nghiện ngập và nỗi sợ ẩn tàng vì công việc toàn dối trá của ma quỷ. Họ có lẽ còn chưa từng nghĩ mình cần được giải thoát khỏi ma quỷ.

Chúng ta, những người bước theo Chúa Giêsu Kitô, cần suy ngẫm thật kỹ về cách ta tìm kiếm sự giải thoát. Sách vở, phim ảnh và báo đài về trừ quỷ thời nay đang phổ biến. Có một cuốn sách nổi tiếng kể rất nhiều những câu chuyện mô tả chi tiết các biểu hiện của ma quỷ và những lời quỷ nói qua miệng những người bị Satan câu thúc. Một người kể với tôi rằng ở Slovakia, chẳng ai đọc sách trừ quỷ trước giờ đi ngủ mà không gặp ác mộng. Những trình thuật này có lẽ mang lại ảnh hưởng tích cực lên những ai không tin vào sự tồn tại của ma quỷ. Cũng như là lời cảnh tỉnh tới những ai muốn tìm tòi quyền năng thiêng liêng ngoài Chúa Giêsu Kitô. Thật không may, nhiều người Kitô hữu chưa từng được nghe một lời nhắc nhở rõ ràng về những nguy hiểm của ma quỷ. Vì thiếu hiểu biết mà họ tham gia vào những thứ không nên.

Mặt khác, những câu chuyện như này có thể khiến người ta quá chú tâm vào ma quỷ. Từ đó người ta đâm sợ, nỗi sợ là một trong những phương cách Satan sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của hắn. Những câu chuyện dễ khiến người ta tưởng rằng ma quỷ sở hữu quyền năng vĩ đại có thể kháng cự ngay cả Danh của Chúa Giêsu. Nếu những thông tin chúng ta có về ma quỷ và về những việc phải làm để chống lại ảnh hưởng của hắn dựa trên những lời tường thuật vắn tắt của những trường hợp nghiêm trọng, chúng ta sẽ lạc lối. Nếu những trường hợp ấy trở thành tiêu chuẩn, ta sẽ càng khó mà thừa nhận rằng ta cần sự giúp đỡ trong cuộc sống thường nhật, và ta sẽ đánh mất cơ hội lãnh nhận quyền năng cứu chuộc của Chúa Giêsu trong một lĩnh vực cụ thể của cuộc đời.

Trước khi vợ tôi sinh con trai đầu, chúng tôi đã dự một lớp về sinh nở để hiểu quá trình này và không bị hù dọa bởi những điều chúng tôi chưa biết. Chúng tôi đã được dạy cách đối phó với những nỗi sợ. Cũng lý do tương tự, tôi đã viết cuốn sách này: để các bạn biết cách cộng tác với Chúa và để Ngài giải thoát cho bạn. Tôi đã viết cuốn sách với lòng chân thành muốn chạm đến tâm hồn bạn và giúp đỡ bạn trên con đường đó.

Tôi vô cùng trân trọng những người cầu nguyện cho anh chị em mình được tự do khỏi ma quỷ. Để đi đến thành công không chỉ có một con đường, để cầu nguyện cho một người được giải thoát khỏi ma quỷ cũng có nhiều hơn một cách thức.

Tôi đã nhờ một người bạn là Kitô hữu làm chuyên gia tâm lý đọc bản thảo đầu tiên của cuốn sách này và cho tôi biết quan điểm của cô. Cô rất thích cuốn sách và nói rằng tôi có tiềm năng trở thành một chuyên gia tâm lý giỏi. Vấn đề duy nhất là cô không tin vào ma quỷ. Sau đó cô đã gửi cho tôi câu chuyện thế này: Có hai cậu bé đang đi bộ về nhà sau khi nghe một bài giảng hùng hồn về ma quỷ từ trường Chúa Nhật. Một cậu hỏi, “Ông nghĩ sao về mấy chuyện Satan đó?” Bạn cậu trả lời, “Chắc giống chuyện ông già Noel. Rốt cuộc chỉ là bố ông đóng giả."

Tôi có thể hiểu sự hoài nghi của cô. Tôi cũng công nhận thực tế trong câu chuyện cô gửi. Mức độ ảnh hưởng của thần dữ /ma quỷ trong cuộc đời một người thường bắt rễ từ kinh nghiệm đầu đời của người đó hay từ sự thiếu thốn trải nghiệm cùng cha, mẹ và từ những sang chấn của cuộc sống. Kinh Thánh nói với chúng ta, “Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Phê-rô 5:8) Với sư tử, còn con mồi nào ngon mắt cho bằng con mồi bị thương?

Mục vụ cầu nguyện xin ơn giải thoát theo nghĩa rộng nhất chính là sự cứu chuộc. Giải thoát là quyền năng của Chúa hủy diệt các công việc của ma quỷ trong đời sống chúng ta để ta được lãnh nhận quyền thừa kế ta có trong Đức Kitô: nước Thiên Chúa (xem Côlôsê 1:13, 1 Gioan 3:8). Sự giải thoát khỏi ma quỷ tháo bỏ những rào cản để chúng ta có thể lãnh nhận ân sủng của Chúa Cha trong Chúa Kitô. Nhưng với nhiều người thì món quà này còn mang theo những ý nghĩa tiêu cực, và họ có lý – xem quá nhiều những hiện tượng quỷ ám, tham gia vào những cuộc hội thoại không cần thiết với ma quỷ, lặp lại lời ma quỷ nói như lời ấy có ý nghĩa, xâm nhập vào một linh hồn khác mà không được cho phép, tập trung vào ma quỷ thay vì người ở trước mặt họ. Tôi mong cuốn sách này sẽ đóng góp chút gì cho công cuộc tìm kiếm một cách tiếp cận cân bằng, an toàn và trung tín cho thừa tác vụ trừ quỷ. Tuy nhiên, quan tâm chủ yếu của tôi là trò chuyện bằng trái tim những người tìm kiếm một sự quay lại sâu sắc với Chúa Giêsu của chúng ta. Chúa Giêsu là Đấng giải phóng ta: Ngài là lẽ thật, và Ngài đã nói với chúng ta rằng sự thật giải phóng chúng ta.

... Không ai tránh khỏi được ảnh hưởng của ma quỷ. Hắn tìm cách dụ dỗ, dối gạt, chiếm đoạt và hủy hoại các công việc của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Cuốn sách này bàn về tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ, tự do để hy vọng. Sự tự do này có được khi ta học cách hợp tác với ơn Chúa và giành lấy thắng lợi Ngài đã ban sẵn cho chúng ta.

Chú thích
1. Tôi viết về câu chuyện của tôi trong cuốn sách đầu tiên: The Older Brother Returns.
2. Tôi đã không trực tiếp đưa ra các lý do từ Kinh thánh và thần học tại sao người ta cần tin vào sự hiện hữu của ma quỷ. Và tôi cũng không viết lời bào chữa cho việc cầu nguyện xin ơn giải thoát. Nhiều người khác đã làm điều đó. Thực tại về ma quỷ là chủ đề của cuốn sách này qua những câu Kinh thánh tôi trích dẫn và kể câu chuyện của những người đã được giải thoát. Khi tôi đề cập đến ma quỷ hoặc các linh hồn xấu xa, tôi không nói một cách ẩn dụ. Tôi đang đề cập đến một thực thể có thật, hiểm ác hoặc một nhóm thực thể có danh tính.

Share:

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời (Khải huyền 1:18)

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ (chương 1)

9 Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su. 10 Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn 11a nói rằng : “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh.” 12 Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. 13 Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.

17 Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói : “Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối. 18 Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ. 19 Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này.”

----------

Một phần của lời chú giải của Dr. Brant Pitre cho bài đọc hai của ngày Chúa nhật thứ II, Mùa Phục sinh.

Khi Gioan nghe lệnh truyền hãy viết xuống thị kiến, ngài quay lại để nghe xem người đang nói với mình là ai. Và ngài nói:

Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi… (Kh 1,12)

Khi quay lại nhìn, ngài thấy thị kiến này. Nếu bạn tìm cách giải thích thị kiến này theo nghĩa đến, bạn sẽ có một hình ảnh rất quái dị về Đức Kitô. Tôi đôi khi thử thách các học trò của tôi hãy đọc sách Khải huyền và thử vẽ nó ra. Một điều không thể làm được. Bạn sẽ có những hình ảnh rất kỳ quặc nếu bạn theo những từ ngài dùng và vẽ chúng ra trên một trang giấy.

Đó là vì chúng ta không nên hiểu nó theo nghĩa đen. Những thứ mà Gioan đang nhìn thấy là những hình ảnh có tính chất biểu tượng; chúng là biểu tượng cho những thực tại khác. Ngài nhìn thấy những thứ này, nhưng chúng là biểu tượng của những thứ khác.

Và bạn thực sự có thể thấy điều này ngay trong điều đầu tiên ngài nói:

…Tôi thấy bảy cây đèn vàng…

Hãy dừng một chút ở đây. Dù bạn và tôi khi nghe những lời ấy, có thể là đang tưởng tưởng bảy cây đèn cây hoặc bảy chiếc đèn dầu, cho những người Do thái giáo trong thể ký thứ nhất, khi bạn nói về cây đèn vàng, điều trước tiên đến với tâm trí họ là cây đèn có bảy nhánh của cây đèn menorah ở trong Đền thờ. Trong sách Xuất hành chương 25 có nói về nó. Chúa ra lệnh cho dân Israel dựng nên một chân đèn bảy nhánh, trong tiếng Do Thái được gọi là menorah. Menorah là chân đèn chiếu sáng nơi cung thánh trong nhà tạm cổ của Mô-se và sau đó là trong Đền thờ Sa-lô-môn xây lên.

Vì vậy, khi Gioan quay lại nhìn, ngài thấy cây đèn có bảy nhánh bằng vàng … đối với người Do Thái thế kỷ thứ nhất, điều đó có nghĩa là Gioan đang ở trong Đền thờ. Đó là nơi duy nhất người ta có thể nhìn thấy menorah, là trong Đền thờ, chân đèn có bảy nhánh.

Thật vậy, thậm chí cho đến ngày nay, bạn có thể nghĩ, “Chà, đợi đã. Tôi đã đến nhà những người bạn Do Thái giáo và họ có một menorah trong nhà.” Bạn thấy đúng, nhưng đó là tám nhánh, không phải bảy. Cây bảy nhánh được dành riêng cho Đền thờ.

Chúng ta sẽ tạm dừng về điểm này ở đây; chúng ta sẽ quay lại điểm này. Bây giờ chúng ta xuống câu 20, tôi đọc câu cuối cùng của chương đó để giúp bạn một chút trong việc hiểu sách Khải huyền.

Khi Gioan nhìn thấy Đức Kitô và Đức Kitô nói với ngài -- Đức Kitô sẽ nói một số điều khác với ngài. Và một trong những điều cuối cùng mà Người nói – câu này không ở trong bài học hai hôm nay nhưng là điều quan trọng – Đức Kitô sẽ giải thích ý nghĩa của biểu tượng ấy. Trong câu 20, chúng ta đọc:

Đây là ý nghĩa mầu nhiệm của bảy ngôi sao ngươi đã thấy trên tay hữu Ta, và của bảy cây đèn vàng : bảy ngôi sao là các thiên thần của bảy Hội Thánh, và bảy cây đèn là bảy Hội Thánh.

Bạn hãy lưu ý ở đây… không chỉ tôi nói với bạn rằng chúng ta không hiểu những hình ảnh trong sách Khải Huyền theo nghĩa đen vì chúng mang tính biểu tượng. Chính Đức Kitô nói với Gioan, “Điều con đang thấy là một mầu nhiệm” - nói cách khác, nó chỉ đến thực tại khỏi thế giới này. Nó là dấu hiểu hữu hình chỉ về điều gì đó vô hình. Nó đại diện cho một cái gì đó khác hơn là hình ảnh của nó. Nó biểu tượng cho một cái gì đó khác với nó.

Trong trường hợp này, mầu nhiệm của cây đèn có bảy nhánh là nó đại diện cho bảy Hội Thánh. Và mầu nhiệm về bảy ngôi sao mà Chúa Giêsu đang cầm trong tay và Gioan nhìn thấy trong thị kiến, không phải là Chúa Giêsu đã gom lại bảy quả cầu khí từ vũ trụ và đặt chúng giữa lòng bàn tay của Ngài. Bảy ngôi sao, thị kiến mà Gioan nhìn thấy, đại diện cho bảy thiên thần của bảy Hội Thánh.

Và đây là một khía cạnh hấp dẫn Kitô giáo thời sơ khai. Trong Do Thái giáo vào thời Chúa Giêsu, sách Đa-ni-ên và các văn bản khác có niềm tin rằng mỗi dân tộc, mỗi quốc gia (như dân tộc Israel) có một thiên sứ đặt để cai quản, canh giữ, bảo vệ đất nước đó. Và niềm tin đó trong Giáo hội sơ khai trở thành mỗi giáo xứ (Hội thánh trong Khải huyền) và mỗi thành phố đều có một thiên thần hộ mệnh, một thiên thần bảo trợ, một thiên thần cai quản, hướng dẫn, bảo vệ nó.

Và đây là nơi - xin lỗi, tôi không thể không chia sẻ điều này. Đây là nơi chúng ta lấy ý tưởng về những thánh quan thầy cho các giáo xứ và giáo phận. Khi tôi đến giáo xứ, tôi đến giáo xứ Thánh Mác-đa-lê-na, giáo xứ Thánh Phêrô, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, v.v... Điều này bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa về việc chọn một vị thánh hoặc thiên thần quan thầy cho một nhóm, hoặc một giáo xứ.

Quay trở lại… chính Chúa Giêsu nói cho chúng ta rằng cây đèn là một mầu nhiệm vì vậy khi bạn quay lại đọc phần Gioan mô tả về những gì ngài nhìn thấy, hãy nhớ rằng mỗi một điều là một mầu nhiệm. Nó chỉ về một điều gì khác. Mục đích của biểu tượng là để bày tỏ / tiết lộ những sự thật ẩn dấu về Chúa là Đấng nào, Đấng Kitô là Đấng nào, và Gioan đang thấy gì. Vậy trong trường hợp này, trong thị kiến này - Gioan nhìn thấy gì? Nếu bạn quay trở lại, ngài nói:

Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy…

Thứ nhất:

bảy cây đèn vàng. 13 Ở giữa các cây đèn,

Thứ hai

… có ai giống như Con Người…


Con Người là ai? Đó là nhân vật từ trời trong sách Đa-ni-en, người cưỡi trên mây và lãnh nhận vương quốc vĩnh cửu.

Thứ ba: Ngài nhìn thấy con người:

…Người mình mặc áo chùng và nang ngực có thắt đai bằng vàng…

Bản dịch RSV (clothed with a long robe and with a golden girdle) dùng từ hơi cổ ở đây. Chúng tôi thường không nghĩ girdles là thứ mà đàn ông mặc. Nghĩa đen của nó có nghĩa là một chiếc thắt đai bằng vàng, vì vậy một dải vải thắt ngang ngực. Thắt đai đó là gì? Đó là y phục của vị thượng tế. Trong Xuất hành chương 28, vị thượng tế phải mặc áo choàng dài bằng vải lanh và đeo thắt lưng vàng.

… 14 Đầu Người tóc trắng như len trắng, như tuyết…

Chà, rõ ràng là tóc Chúa Giêsu đã trở nên bạc sau khi Ngài lên Thiên đàng. Không, đây là một mầu nhiệm. Ai trong Cựu ước có tóc trắng như lông cừu? Hãy trở về sách Đa-ni-en. Đa-ni-en trong chương 7 nhìn thấy Chúa, và Đa-ni-en gọi Ngài là Đấng Lão Thành - ngồi trên ngai vàng, tóc Ngài tựa lông chiên tinh tuyền. Vì vậy, đây là biểu tượng về sự cổ xưa của Thiên Chúa – Đa-ni-en gọi Ngài là Đấng Lão Thành. Và hình ảnh này được áp dụng cho Đức Kitô. Rất thú vị.

Gioan thấy cây đèn menorah và ở giữa menorah là Con Người, Ngài nhìn như con người nhưng mang vẻ của Đấng Lão Thành? Vậy thì Ngài là Con Người hay là Đấng Lão Thành? Ngài là vị thượng tế hay Ngài là vua. Vì thế bạn phải suy nghĩ về điều này từ bí ẩn này sang bí ẩn khác qua hình ảnh được đưa ra. Và sau đó bài đọc hai bỏ qua một câu và chuyển xuống câu 17:

… Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy…

Nhưng tôi muốn trích thêm vào những câu này:

…mắt Người như ngọn lửa hồng ; 15 chân Người giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò ; và tiếng Người như tiếng nước lũ. 16 Tay hữu Người cầm bảy ngôi sao và từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén. Mặt Người toả sáng như mặt trời chói lọi.

Mỗi một hình ảnh ở đây là một mầu nhiệm, là một biểu tượng.

Và đây là mẹo cho bạn. Khi bạn đang đọc sách Khải Huyền, nếu bạn gặp một điều gì đó kỳ quặc, lạ lùng - điều mà bạn sẽ gặp, chẳng như “từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén” - điều đó không có nghĩa là Chúa Giêsu có một thanh kiếm thực sự làm bằng thép phát ra từ Ngài. Nhưng đó biểu tượng cho một mầu nhiệm. Nó là một biểu tượng của một thực tại thiêng liêng nào đó. Và trong trường hợp này, trong sách Khải Huyền, chìa khóa để mở mầu nhiệm thiêng liêng này được tìm thấy trong Cựu Ước.

Vậy câu “Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng” có nghĩa gì? Nó bày tỏ Ngài là vị Thượng tế. Khi nói, “Đầu Người tóc trắng như len trắng, như tuyết”, điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là Ngài chính là Đấng Lão Thành chứ không chỉ là Con Người. “Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén” có nghĩa là gì? Nếu bạn quay về Isaia chương 11, ở đó có câu “Hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà”, chính lời là vũ khí của Đấng Mêsia, Lời của Thiên Chúa. Và cuối cùng:

…Tay hữu Người cầm bảy ngôi sao…

Ở đây, chính Đức Kitô giải thích mầu nhiệm này. Ngài nói:

…bảy ngôi sao là các thiên thần của bảy Hội Thánh…

Vì vậy, Đức Kitô có thẩm quyền trên các thiên sứ của bảy Hội Thánh Gioan nói đến. Tôi chỉ đưa điều này cho bạn như một ví dụ để bạn đi chậm lại, tìm hiểu sách Khải Huyền và nhận ra rằng nếu bạn muốn hiểu nó, bạn phải hiểu Cựu Ước.

Với những điều đó, bạn có thể hiểu tại sao khi Gioan nhìn thấy tất cả những điều này - như thanh gươm phóng ra từ miệng và các ngôi sao trong tay Ngài và tóc Ngài trắng như len trắng, như tuyết mắt Người như ngọn lửa hồng - phản ứng của Gioan là ngã vật dưới chân Chúa Giêsu, như thể đã chết.

Điểm này thật đáng chú ý, bởi vì theo truyền thống, tác giả của Phúc âm và tác giả của sách Khải huyền cùng là một Gioan. Có một là sự khác biệt nổi bật giữa phản ứng của Gioan về Chúa Giêsu khi còn sống trên trần gian và phản ứng của Gioan đối với Chúa Giêsu trong vinh quang. Chúa Giêsu khi còn sống trong trần gian, Gioan môn đệ được yêu mến dựa vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Nhưng khi Gioan Tông đồ nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh trong quyền năng và vinh quang, thì phản ứng của Ngài không phải là dựa vào lòng Chúa Giêsu mà là ngã vật dưới chân Người, như thể chết vậy. Gioan bị choáng ngợp bởi vinh quang của Chúa Giêsu, ngài bị choáng ngợp bởi thị kiến.

Share:

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

Tại sao Chúa không nghe lời tôi cầu nguyện

Trích từ sách Giáo lý Hội thánh Công giáo

III. LÒNG TIN TƯỞNG CỦA NGƯỜI CON

2734 Lòng tin tưởng của con cái Thiên Chúa sẽ bị thử thách và được chứng thực “khi gặp gian truân” (Rm 5,3-5). Khó khăn lớn nhất xảy ra khi ta khẩn cầu cho chính mình hay chuyển cầu cho người khác. Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin. Ở đây, có hai vấn nạn: Tại sao chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời? Làm thế nào để lời cầu xin của chúng ta được “linh nghiệm”, được Thiên Chúa nhận lời?

Tại sao phàn nàn Chúa không nhận lời?

2735 Nghĩ cũng lạ! Khi ngợi khen hay tạ ơn Thiên Chúa vì các ơn lành Người ban, ta không hề để ý xem những lời đó có đẹp lòng Người hay không; trái lại khi xin gì chúng ta đòi phải được ngay. Vậy chúng ta nghĩ Thiên Chúa là ai khi cầu nguyện: Người là phương tiện để ta sử dụng hay Người là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta?

2736 Chúng ta có xác tín rằng: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Những điều chúng ta cầu xin Thiên Chúa có đúng là “những ơn lành cần thiết” không? Cha trên trời biết rõ điều chúng ta cần, trước khi chúng ta xin Người (Mt 6, 8); nhưng Người chờ chúng ta kêu xin Người, vì phẩm giá của con cái Thiên Chúa đòi chúng ta phải có tự do. Vậy chúng ta phải cầu nguyện với Thần khí Tự Do của Người, để có thể thực sự nhận biết ước muốn của Người (Rm 8, 27).

2737 “Anh em không có là vì anh em không xin. Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4, 2-3). Nếu chúng ta cầu xin với một tấm lòng chia năm xẻ bảy như hạng “bất trung” (Gc 4,4), Thiên Chúa không thể nhận lời, vì Người muốn điều tốt lành cho ta, muốn ta được sống. “Hay anh em nghĩ là Lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta ước muốn đến phát ghen lên?” (Gc 4,5). Thiên Chúa “phát ghen” vì chúng ta, đó là dấu cho thấy Người thật lòng yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy ước muốn theo Chúa Thánh Thần và chúng ta sẽ được nhậm lời:

“Bạn đừng buồn nếu bạn không được Thiên Chúa ban ngay điều bạn xin; vì Người muốn cho bạn được nhiều ích lợi hơn nữa, nhờ bạn kiên trì kết hiệp với Người trong cầu nguyện (x. Evagre, or 34). Người muốn tôi luyện những ước muốn của chúng ta trong cầu nguyện, để chúng ta có khả năng đón nhận những gì Người sẵn lòng ban”. (T. Âu-tinh, ep 130, 8,17).

Làm thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận?

2738 Mặc khải về cầu nguyện trong nhiệm cục cứu độ cho biết chúng ta có thể tin vì dựa vào hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Hành động tuyệt vời của Người, cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô đã khơi lên trong chúng ta lòng tin tưởng phó thác của người con thảo. Đối với người Kitô hữu, cầu nguyện là cộng tác với Chúa Quan Phòng, với ý định yêu thương Người dành cho nhân loại.

2739 Theo thánh Phaolô, chúng ta dám tin tưởng như thế (x. Rm 10,12-13) , vì Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong lòng chúng ta và vì Chúa Cha, Đấng đã ban Con Một của Người cho chúng ta (x. Rm 8, 26-39) , hằng trung tín yêu thương ta. Ơn đầu tiên Chúa ban cho người cầu nguyện là tâm hồn họ được biến đổi.

2740 Nhờ Đức Giêsu cầu nguyện mà lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời. Chẳng những là gương mẫu, Người còn cầu nguyện trong chúng ta và với chúng ta nữa. Chúa Con chỉ tìm kiếm những gì đẹp lòng Chúa Cha, không lẽ chúng ta là nghĩa tử lại bận tâm về các quà tặng hơn cả Đấng ban tặng sao?

2741 Đức Giêsu cũng đứng vào vị trí của chúng ta và vì lợi ích của chúng ta mà cầu nguyện cho chúng ta. Mọi lời khẩn cầu của chúng ta đều được thâu tóm lại một lần trong tiếng kêu lớn của Người trên Thập Giá, và đã được Chúa Cha nhận lời khi cho Người sống lại; vì thế Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta bên tòa Chúa Cha (x. Dt 5, 7; 7, 25;9, 24). Khi cầu nguyện nếu chúng ta kết hiệp với lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong lòng tín thác và dạn dĩ của người con thảo, chúng ta sẽ nhận được mọi điều cầu xin nhân danh Người; hơn thế nữa, chúng ta không những nhận ơn này tới ơn khác mà còn nhận được chính Thánh Thần là nguồn mạch mọi hồng ân.

Share:

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Dr. Scott Hahn về ngày thứ 5 Tuần Thánh làm sáng tỏ cái chết của Chúa Giêsu trên đồi Canvê

Lời từ video:

Trong Luca chương 22, nơi chúng ta tìm thấy điểm then chốt mà những bữa tiệc này hướng về, xa khỏi bữa ăn bình thường và bữa tiệc, để là bí tích và sự hiện diện của Chúa Thánh Thể. Chúng ta có một điều mang ý nghĩa quyết định, đặc biệt với những người Công Giáo,và tôi muốn kể về những gì xảy đến với tôi 3, 4 tháng về trước.

Tôi có một tình bạn  từ mãi những thập kỷ 1970 được nhen nhóm lại với người bạn cùng lớp là Chris. Chúng tôi học chung với nhau thời trung học và tốt nghiệp cấp 3 năm 1975 và anh ấy lại là thủ khoa. Anh ấy là một người Công Giáo đi lễ ngày Chúa Nhật đều đặn. Tôi không nhớ chuyện này nhưng anh ấy quả quyết với tôi là nó thường xảy ra: trong quán ăn tự phục vụ sau một vài câu hỏi thăm, tôi đi ngay vào cuộc tranh luận rằng bạn tìm thấy Tân Ước nói về hy tế của Thánh Lễ ở đâu? (Scott Hahn chưa phải là Công Giáo lúc này).

Gần đây Chris kể lại câu chuyện này cho tôi vì khoảng 8 năm về trước, chúng tôi gặp lại nhau lần đầu tiên ở phi trường sau vài chục năm. Anh ta nói: “Scott, anh sẽ vui mừng khi biết tôi bây giờ là người Tin Lành/evangelical Bible Christian. Và tôi nói: “Chris, tôi không biết bạn có vui không khi biết rằng tôi là người tin vào Tin Mừng Công giáo/Evangelical Bible Catholic.” Thật hơn cả hết sức kinh ngạc nên chúng tôi phải tìm chỗ ngồi và trao đổi khoảng 10 phút. Tôi phải nói sự thật về tôi trong khoảng thời gian ấy. Cuối cùng, chúng tôi trao đổi danh thiếp và từ lúc này bắt đầu gọi điện cho nhau tuy không đều đặn. Để tóm tắt câu chuyện, tôi chia sẻ với Chris những điều mà các giáo phụ chia sẻ với tôi qua các bài tôi đọc và cùng với họ là nhà thần học gia nọ mà tôi bắt đầu nghiên cứu cách kỹ lưỡng. Tên nhà thần học gia ấy là Ratzinger. Có lẽ các bạn đã nghe về ông ấy (ĐTC Benedictô).

Khoảng 27 năm về trước tôi bắt đầu ngấu nghiến những tác phẩm của người này và tôi bị đánh động vì điều ĐTC Benedictô nói trùng hợp với những gì tôi đọc nơi các giáo phụ.

ĐTC Benedictô đưa ra một điểm mà đối với tôi là điểm quyết định. Vấn đề là bạn tìm thấy ở đâu trong Tân Ước nói về hy tế của Thánh Lễ? Các anh em Kitô hữu, không phải là Công Giáo, sẽ không nêu ra Thánh Lễ là hy lễ nhưng họ sẽ chỉ về đâu? Đồi Canvê. Đồi Canvê là hy lễ. Và chúng ta có bất đồng với nhau về điều đó không? Dĩ nhiên không. Đồi Canvê không chỉ là hy lễ mà còn là hy lễ tối cao của mọi thời điểm.

Nhưng ĐTC Benedictô là người đã nêu ra điểm hiển nhiên mà tôi chưa nghĩ đến trước đây khi ĐTC chỉ ra rằng không một ai ở đồi Canvê hôm ấy, ngày thứ Sáu Tuần Thánh, về nhà và mô tả cảm nghiệm của họ với từ ngữ hy lễ. Tại sao không? Vì nó xảy ra bên ngoài thành Giêsusalem. Nó xảy ra xa khỏi Đền Thờ, nơi không có bàn thờ, không có vị tư tế nào trong y phục của người tư tế, không có hy lễ nào cả. Điều mà họ sẽ tường thuật khi trở về nhà ngày hôm ấy sẽ không gì hơn là một việc xử tử của người Rôma, đơn giản và rõ ràng chỉ là thế. Một cuộc xử tử tàn bạo nữa.

Vì thế câu hỏi cho tôi và cho Chris là qua cách nào mà một cuộc xử tử của người Rôma bỗng nhiên được biến đổi thành một hy tế mà mọi Kitô hữu, Công Giáo và Tin Lành, cùng đồng ý. Một hy lễ tối cao mà sẽ làm cho những dâng tiến súc vật không còn cần thiết nữa. Và tôi đã ép bức Chris như ĐTC Benedictô đã ép bức tôi.

Đây không là một điều dễ trả lời nhất là, nếu chúng ta nhớ, hầu hết những người tín hữu đầu tiên là những người Kitô hữu từ Do-thái giáo. Họ không có phương cách nào để biến đổi một vụ xử tử của người Rôma thành một hiến tế tối thượng. Tôi nêu ra cho Chris một lần nữa điều mà ĐTC Benedictô đã chỉ cho tôi, đó là điều này xảy ra từ  rất sớm.

Qua tác động của Chúa Thánh Thần và lời dạy của các tông đồ như chúng ta đã tìm thấy, có lẽ là tại thời điểm sớm nhất chúng ta tìm thấy trong thư thánh Phaolô gửi các tín hữu ở Côrintô, trong 1 Côrintô 5:7. Và Thánh Phaolô tuyên xưng Đức Kitô là gì? Con Chiên Vượt Qua đã được hiến tế vì chúng ta. Vì thế chúng ta hãy giữ ngày lễ này.

Trong những chương sau đó, từ chương 6 đến chương 11, Thánh Phaolô tiếp tục giải nghĩa ngày lễ với hình ảnh mà chúng ta nhận ra là Bữa tiệc Thánh Thể, Thánh Lễ, nhất là chương 11. Đức Kitô, Con Chiên Vượt Qua của chúng ta đã được hiến tế là điều thật sự mở mắt tôi để tôi thấy rằng cách duy nhất mà Giáo Hội tiên khởi có thể nhìn thấy một cuộc xử tử là một hy tế trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, đó là nhờ việc quay trở lại, một bước nhảy lớn và nhìn vào điều xảy ra ngày thứ Sáu Tuần Thánh trong ánh sáng của những gì Chúa Giêsu làm trong ngày thứ Năm.

Chúa Giêsu đã làm gì ở Lầu trên với các môn đệ trong ngày thứ Năm Tuần Thánh? Ngài cử hành Lễ Vượt Qua của Cựu Ước lần cuối cùng. Nhưng đó không là tất cả mọi sự Ngài làm. Ngài làm ứng nghiệm sứ vụ Con Chiên và thay thế  Lễ Vượt Qua [của Cựu Ước] nhưng  không chỉ có thế, Ngài còn biến đổi cái cũ thành cái mới.

Lễ Vượt Qua của dân Israel từ thuở xưa trở nên Lễ Tạ Ơn (Thánh Thể) của Giao Ước Mới. Vì thế, các môn đệ trong khi đang trải nghiệm nghi lễ quen thuộc mà họ đã biết từ tuổi thơ, bỗng nhiên một sự gì khác biệt, ngoài nghi thức đang diễn ra. Ngài nói gì vậy? “Đây là mình Thầy sẽ được trao ban cho các con.” Lời này đã được viết xuống ở đâu chưa? Chưa. Ngài vừa mới thêm nó vào. “Đây là mình Thầy sẽ được trao ban cho các con.” Loại văn nào đang được chèn vào đây? Và gần cuối bữa tiệc họ nghe một điều khác. “Đây là chén máu của Thầy, máu của Giao Uớc Mới. Giao Uớc Mới có thể được dịch là Tân Ước. Từ “diathéké” trong Hy-lạp có thể được dịch “Giao ước mới” hay “Tân Ước.” Máu của Giao Ước mới, Tân Ước, được đổ ra cho nhiều người được tha tội. Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.”

Một lần nữa, các môn đệ thắc mắc và tự hỏi Ngài đang nói gì vậy? Ngài đang làm gì? Lối nói mới này là gì? Nghi thức mới được thêm vào này là gì? Và tôi nghĩ khi họ xong đêm ấy và đi với Chúa Giêsu vào vườn Ghếtsêmanê, họ vẫn thắc mắc. Tôi nghĩ họ không nhận ra được điều Chúa Giêsu thực sự đang nói hay làm ngay cả ngày hôm sau. Chỉ nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, họ mới nhận ra Ngài không chỉ cộng thêm chút lời, hay chút nghi thức. Ngài nói điều Ngài muốn nói, và Ngài muốn điều Ngài nói: “Đây là mình Thầy sẽ được trao bạn cho các con.” Đó là cách Ngài ứng nghiệm Lễ Vượt Qua của Cựu Ước như là Con Chiên đích thực.

Đó là cách Ngài biến đổi nó thành Lễ Vượt Qua của Tân Ước qua việc thành lập bí tích Thánh Thể. Vì thế, khi Ngài nói: “Đây là chén máu của Thầy, máu của Giao Ước Mới, của Tân Ước.” Chén rượu không còn là rượu nữa, giờ đây chính Đức Kitô hiện diện trong chén ấy.

Với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần, những tín hữu tiên khởi nhận ra rằng Lễ Tạ Ơn, hay Thánh Lễ đã biến đổi thứ Sáu Tuần Thánh từ chỉ là cuộc xử tử để trở thành đích điểm và đỉnh cao của Giao Ước Mới. Tôi nói với bạn: Nếu Thánh Lễ đầu tiên không là một hy tế, thì đồi Canvê chỉ là một cuộc xử tử. Chỉ khi nhận ra Thánh Lễ đầu tiên là hy tế, chúng ta mới có thể hiểu niềm tin của thế hệ đầu tiên mà đã biến đổi đồi Canvê thành hy tế tối cao, hoàn tất mọi hiến dâng của súc vật trước đó.

Thánh Thể là điều biến đổi đồi Canvê thành hy tế. Một hy tế không thể tách rời được và cùng là một sự tự hiến dâng, cũng như thứ Năm Tuần Thánh biến đổi thứ Sáu Tuần Thánh từ một cuộc xử tử tàn bạo để trở thành một hy tế của Thiên Chúa.

Tôi muốn đưa ra điều này là Chúa Nhật Phục Sinh chính là điều biến đổi hy tế thành một bí tích, điều mà các tông đồ với quyền năng của Chúa Thánh Thần có thể thực hiện để nhớ đến Chúa Giêsu vì Ngài chính là Đấng thực sự hiện diện trong Thánh Lễ. Đó không phải là thân xác bị đánh nát của xác Chúa Giêsu treo trên cây thập tự, thở hổn hển và cuối cùng trút hơi thở.

Đó là cùng một hy tế, một thân thể, chỉ là lần này là thân xác phục sinh của Chúa Kitô, thân xác được lên trời, được làm vinh quang, được tôn vinh là Thiên Chúa, tính loài người thần thiêng của Chúa Kitô đang hiện diện trong các Nhà Tạm, trên bàn thờ, và trên lưỡi chúng ta khi chúng ta đón nhận Lễ Vượt Qua thần thánh này, hy tế Vượt Qua này. Chính là vì đó là Lễ Vượt Qua, chúng ta không cần phải suy nghĩ đó có phải là một hy tế, hay một bữa tiệc. Bởi vì Vượt Qua trong cả Cựu Ước và Tân Ước là gì? Nó là bữa tiệc, những bữa tiệc là nghĩa thứ hai. Trước hết và trên hết mọi sự, đó là hy tế và được lệnh truyền để là sự hiệp thông hy tế của Bữa tiệc Vượt Qua.

Vì thế Luca 22, khi đưa ra cho chúng ta việc thành lập bí tích Thánh Thể, đó là điều rọi sáng mầu nhiệm cây Thánh giá, bày tỏ cho chúng ta rằng Chúa Giêsu không chỉ là nạn nhân của bạo lực và bất công của Rôma, Ngài là hy lễ của tình yêu Thiên Chúa. Ngài không bị giết chết trong ngày thứ Sáu mà thực ra Ngài trao ban chính mình cho họ và cho chúng ta trong ngày thứ Năm. Và Ngài đã làm điều ấy.

Hay như Thánh Tôma Aquinô có nói, không phải vì những đau khổ Ngài chịu đựng trên cây thập tự mà đã cứu chúng ta. Trái lại vì Ngài yêu thương biết dường nào vì sự đau khổ, chính nó, không đủ. ĐTC Benedictô cũng có những lời tương tự: “Đau khổ mà không có tình yêu thì không thể chịu đựng nổi. Nhưng tình yêu mà không có đau khổ thì chỉ là lời nói suông hay chỉ là cảm xúc.”

Chúng ta bộc lộ tình yêu cách nào? Chúng ta chứng tỏ tình yêu cách nào? Bằng cách nào chúng ta hoàn hảo và thanh luyện tình yêu? Qua đau khổ. Và tình yêu làm gì cho sự đau khổ? Nó biến đổi đau khổ thành một hiến tế, một hy lễ. Sự dâng hiến của Chúa Kitô, sự tự hiến chính mình trong bí tích Thánh Thể mà Luca mô tả trong chương 22 chính là điều biến đổi sự tàn bạo và bạo lực của đau khổ của Chúa Giêsu khi Ngài gánh lấy chúng trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh thành hy tế thánh thiện trên mọi hy tế.

Nhưng hy tế mà Ngài dâng hiến không phải là vì thế mà chúng ta không cần dâng hiến hy tế, những chính là hy tế mà Ngài đã dâng hiến để chúng ta cũng có thể dâng hiến hy tế của chúng ta. Bằng việc đón nhận Thánh Thể trong tình yêu chúng ta có thể dâng hiến những đau khổ hèn mọn của chúng ta và kết hiệp chúng với hy lễ cứu chuộc của Chúa Kitô.

Một số các bạn là người Công Giáo từ khi sinh ra đã chia sẻ với tôi qua năm tháng rằng bạn biết nếu bạn dập đầu ngón chân hay trễ xe buýt, bạn biết câu mà mẹ bạn sẽ nói với bạn trong bầu khí gia đình Công giáo (đời sống đức tin trong gia đình cũng là một nghi thức, một phụng vụ), “dâng lên cho Chúa” và bạn biết đó không chỉ là một câu nói đạo đức.

Đó là mầu nhiệm Thánh Thể vì tình yêu chúng ta đón nhận trở thành tình yêu của chính chúng ta. Những đau khổ chúng ta gánh chịu có thể được biến đổi bởi tình yêu ấy để trở thành một lễ hy sinh. Và nhờ quá trình đó, chúng ta có khả năng, không chỉ để thắng cuộc tranh luận với người không Công giáo nhưng để thắng anh chị em chúng ta cho Đức Kitô, để chỉ cho họ rằng Thánh Lễ phải là một hy tế vì nếu không, đồi Canvê chỉ là một cuộc xử tử.

Share:

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Chúa xuống âm phủ

Trích từ Bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày thứ Bảy Tuần Thánh

Trích một bài giảng cổ về ngày thứ Bảy Tuần Thánh.

Thế này là thế nào? Hôm nay cõi đất chìm trong thinh lặng. Thinh lặng như tờ và hoàn toàn thanh vắng. Thinh lặng như tờ vì Đức Vua đang yên giấc. Cõi đất kinh hãi lặng yên vì Thiên Chúa đã ngủ say trong xác phàm.

Thật vậy, trước hết Người đi tìm nguyên tổ như tìm con chiên lạc. Người muốn tới viếng thăm những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần. Thiên Chúa cũng là Con của A-đam đến giải thoát ông A-đam bị giam cầm, cùng với bà E-và, cho khỏi mọi nỗi đớn đau.

Chúa tiến đến với hai ông bà, tay cầm vũ khí chiến thắng là thập giá. Thoạt trông thấy Người, nguyên tổ A-đam sững sờ, đấm ngực và lớn tiếng kêu lên với mọi người rằng: Chúa của tôi ở với mọi người. Đức Ki-tô trả lời ông A-đam rằng: Và ở cùng thần trí ngươi. Người cầm lấy tay, lay ông dậy và nói: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi.

Ta là Thiên Chúa của ngươi, mà vì ngươi Ta đã thành con của ngươi; giờ đây vì ngươi và vì những kẻ do ngươi sinh ra, Ta phán, và dùng quyền ra lệnh cho những kẻ đang bị xiềng xích: Hãy ra khỏi đây!, cho những ai đang ngồi nơi tăm tối: Bừng sáng lên!, cho những kẻ đang ngủ mê: Hãy trỗi dậy!

Ta truyền cho ngươi: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Ta đâu dựng nên ngươi để ngươi bị giam cầm trong cõi âm ty! Trỗi dậy đi nào, từ chốn tử vong! Ta là sự sống của những kẻ chết. Trỗi dậy đi, hỡi công trình tay Ta nhào nặn! Trỗi dậy đi, hỡi hình tượng của Ta, đã được dựng nên giống hình ảnh Ta! Trỗi dậy đi nào, chúng ta ra khỏi đây! Ngươi ở trong Ta và Ta ở trong ngươi. Chúng ta chỉ là một và bất khả phân ly.

Vì ngươi mà Ta vốn là Thiên Chúa của ngươi, đã thành con của ngươi. Vì ngươi mà Ta đang là Chúa, đã mang lấy hình hài nô lệ của ngươi. Vì ngươi mà Ta đang ngự trên trời, đã đến trần gian và đi vào lòng đất. Vì ngươi là người, mà Ta đã thành con người không được ai săn sóc đỡ đần giữa bao kẻ chết. Vì ngươi đã ra khỏi vườn, mà Ta bị nộp cho người Do-thái ở ngoài vườn và bị đóng đinh trong vườn.

Hãy nhìn xem nước miếng người ta khạc nhổ trên mặt Ta. Vì ngươi, Ta đã đón nhận, để trả lại cho ngươi sinh khí trước kia ngươi đã lãnh nhận. Hãy nhìn xem những cái vả trên má Ta, Ta đã hứng chịu, để phục hồi gương mặt hư hỏng của ngươi cho giống với hình ảnh của Ta.

Hãy nhìn xem những đòn vọt trên lưng Ta, Ta đã hứng chịu, để cất gánh tội đè nặng trên lưng ngươi. Hãy nhìn xem tay Ta bị đóng đinh chặt vào cây gỗ, vì có lần ngươi đã đưa tay hướng về cây gỗ mà phạm tội.

Ta đã thiếp đi trên thập giá và lưỡi đòng đã đâm thủng cạnh sườn Ta, vì ngươi đã ngủ say trong vườn địa đàng và đã cho E-và phát xuất từ cạnh sườn ngươi. Cạnh sườn của Ta đã chữa lành sự đau đớn của cạnh sườn ngươi. Giấc ngủ của Ta kéo ngươi ra khỏi giấc ngủ trong cõi âm ty. Lưỡi đòng đâm Ta đã ngăn chặn lưỡi đòng đang nhắm vào ngươi.

Nào trỗi dậy, chúng ta đi khỏi đây. Kẻ thù đã kéo ngươi ra khỏi vườn địa đàng. Phần Ta, Ta không đặt ngươi trong vườn địa đàng nữa, mà đặt lên ngai trên trời. Kẻ thù đã ngăn chặn ngươi không cho đến gần cây ban sự sống. Nhưng nay Ta là sự sống, Ta liên kết với ngươi. Ta đã đặt các Kê-ru-bim làm đầy tớ canh giữ ngươi. Ta truyền cho các Kê-ru-bim phải thờ lạy ngươi sao cho xứng với một vì Thiên Chúa.

Ngai Kê-ru-bim đã sửa soạn, người khiêng ngai đã túc trực sẵn sàng, phòng loan đã làm xong, cỗ bàn đã dọn, nơi cư ngụ muôn đời đã được trang hoàng lộng lẫy, kho tàng ân phúc đã rộng mở và Nước Trời từ muôn thuở nay đã sẵn sàng.

Share:

Giá trị của máu Đức Ki-tô

Trích từ Bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

Trích bài giáo huấn của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục.

Bạn muốn nghe nói về giá trị của máu Đức Ki-tô ư? Chúng ta hãy trở về với hình ảnh báo trước, nhớ lại mẫu cũ, cùng kể lại chuyện xưa về máu.

Ông Mô-sê đã nói : Anh em hãy giết con chiên một tuổi và lấy máu bôi lên cửa. Thưa ông Mô-sê, ông nói gì vậy? Phải chăng máu chiên vẫn cứu thoát được con người có lý trí? Ông bảo : Được lắm, nhưng không phải vì nó là máu chiên mà vì là hình ảnh máu Chúa. Vậy giờ đây, nếu thay vì thấy máu chiên bôi lên bậu cửa, kẻ thù lại thấy máu Đức Ki-tô đỏ thắm nơi miệng các tín hữu là cửa đền thờ đích thực, thì ắt nó phải chạy trốn cho nhanh.

Bạn có muốn khám phá giá trị khác của máu này nữa không? Tôi muốn bạn nhìn kỹ xem máu đó trước tiên từ đâu chảy ra và phát xuất từ nguồn mạch nào. Trước hết, máu đó từ chính thập giá tuôn ra, bắt nguồn từ cạnh sườn của Chúa. Quả vậy, như Tin Mừng nói, khi Đức Giê-su đã chết, còn treo trên thập giá, thì một người lính đến gần, lấy đòng đâm cạnh sườn Người và từ đó nước cùng máu chảy ra. Nước tượng trưng phép rửa, máu tượng trưng thánh lễ. Người lính đã mở cạnh sườn của Chúa : anh đã chọc thủng bức tường đền thánh, còn tôi, tôi đã tìm được kho tàng quý giá và lấy làm vui vì đã chiếm được trân châu bảo ngọc. Về con chiên cũng vậy : người Do-thái xưa đã giết chiên, còn tôi đã được hưởng hiệu quả của lễ tế.

Từ cạnh sườn Người, máu cùng nước chảy ra. Hỡi bạn thính giả, tôi không muốn bạn dễ dàng lướt qua các bí mật của mầu nhiệm cao cả như thế. Quả thật, tôi còn một điều thần bí và ẩn tàng phải nói. Tôi đã nói nước và máu là biểu tượng của phép rửa và thánh lễ, từ đó Hội Thánh được xây dựng qua việc tái sinh và canh tân của Thánh Thần, tức là qua phép rửa và thánh lễ. Cả hai, có thể nói, đã phát xuất từ cạnh sườn của Đức Ki-tô. Vậy từ cạnh sườn mình, Đức Ki-tô đã xây dựng Hội Thánh, cũng như từ cạnh sườn của ông A-đam đã phát xuất bà E-và, bạn đời của ông.

Vì lẽ đó, thánh Phao-lô cũng muốn nói đến cạnh sườn Chúa khi quả quyết rằng : Chúng ta bởi thân thể và xương cốt của Người. Cũng như Thiên Chúa đã làm nên người phụ nữ từ cạnh sườn của ông A-đam, thì Đức Ki-tô cũng lấy nước và máu từ cạnh sườn Người mà điểm tô Hội Thánh. Cũng như Thiên Chúa đã mở cạnh sườn ông A-đam khi ông đang ngủ say, thì sau khi Đức Ki-tô tắt thở, Người cũng ban cho chúng ta nước và máu như vậy.

Anh em hãy xem Đức Ki-tô đã kết hợp hiền thê với mình như thế nào, hãy xem Người nuôi dưỡng chúng ta nhờ của ăn nào. Chúng ta được sinh ra nhờ của ăn nào thì cũng được nuôi dưỡng bằng của ăn ấy. Cũng như người mẹ do tình thương tự nhiên thúc đẩy, sẵn sàng nuôi con bằng sữa và máu của mình, thì Đức Ki-tô cũng luôn lấy máu mình mà nuôi những kẻ Người đã tái sinh như vậy.

Share:

Con Chiên chịu sát tế đã cứu chúng ta khỏi chết và đưa chúng ta đến sự sống

Từ bài đọc 2 của Kinh Sách cho ngày Thứ Năm Tuần Thánh

Trích bài giảng của đức cha Mê-li-ton, giám mục Xác-đê, về mầu nhiệm Vượt Qua.

Các ngôn sứ đã nói trước nhiều điều về mầu nhiệm Vượt Qua là Đức Ki-tô. Xin tôn vinh Người đến muôn thuở muôn đời. A-men. Chính Người đã từ trời xuống thế vì con người đau khổ. Người đã mặc lấy con người đó trong lòng Đức Trinh Nữ và đã sinh ra làm người. Người đã hứng chịu những nỗi đau khổ của con người đau khổ trong thân xác phải đau khổ, và đã tiêu diệt những đau khổ của thân xác. Người đã lấy tinh thần không thể chết mà giết cái chết giết người.

Người đã bị điệu đi như chiên và bị giết như cừu. Người đã cứu chuộc chúng ta khỏi làm tôi thế gian như khỏi Ai-cập. Người đã giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ ma quỷ như khỏi tay Pha-ra-ô. Người đã dùng Thần Khí của Người mà đóng ấn vào linh hồn chúng ta, và lấy máu mình mà đóng ấn vào các chi thể trong thân xác chúng ta.

Chính Người đã làm cho sự chết phải xấu hổ và khiến ma quỷ phải rên la như ông Mô-sê đã làm cho Pha-ra-ô. Chính Người đã trừng phạt sự gian ác và bất công như ông Mô-sê đã lên án cho Ai-cập phải khô cằn.

Chính Người đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ để được tự do, khỏi bóng tối mà vào ánh sáng, khỏi phải chết mà được sống, khỏi ách bạo chúa mà vào vương quốc vĩnh cửu, và làm cho chúng ta thành hàng tư tế mới, thành dân được tuyển chọn, tồn tại đến muôn đời. Chính Người là Chiên Vượt Qua đem lại cho chúng ta ơn cứu độ.

Chính Người đã gánh chịu bao đau khổ nơi nhiều người : Người bị giết trong ông A-ben, bị trói trong ông I-xa-ác, phải lưu lạc nơi ông Gia-cóp, bị bán nơi ông Giu-se, bị bỏ ngoài bờ sông nơi ông Mô-sê, bị giết trong con chiên, bị truy nã nơi vua Đa-vít và bị sỉ nhục nơi các ngôn sứ.

Chính Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ, bị treo trên thập giá, bị chôn vùi trong lòng đất, rồi từ trong kẻ chết trỗi dậy mà lên trời cao thẳm.

Chính Người là con chiên không kêu một tiếng, là con chiên bị giết, sinh ra từ chiên mẹ xinh đẹp là Đức Ma-ri-a. Người là con chiên được lấy ra trong bầy để mang đi giết, bị sát tế vào buổi chiều, rồi ban đêm được mai táng. Trên thập giá, Người không bị đánh giập ống chân ; dưới lòng đất, Người không bị tiêu tan. Người đã trỗi dậy từ trong kẻ chết và làm cho con người trong mồ sâu sống lại.

Share:

Thứ Bảy Tuần Thánh

Ảnh: Chúa xuống ngục tổ tông, giải thoát A-đam và E-và đang trong ngồi trong bóng tối u sầu. Trong icon này, ma quỷ bị trói dưới chân Chúa Giêsu. Cây thánh giá đã đập tan tành cửa hỏa ngục, mọi mưu kế của nó đã bị cây thánh giá đập tan ra thành mảnh nhỏ. Ai tin vào Chúa Giêsu Kitô, sẽ không bị giam cầm bởi sự chết nữa. Sự chết chẳng còn làm chủ họ được nữa.

Tóm tắt từ bài thuyết trình của Dr. Brant Pitre

Chúa Giêsu đã làm gì trong ngày thứ bảy Tuần thánh? Bạn nghĩ Chúa đã chết, Ngài chỉ nằm trong mồ. Nhưng đừng quá vội. Chúng ta hãy xem xét chốc lát.

Chúa Giêsu là người thật, Ngài thực sự chết nằm trong mồ. Gioan 19:40-41 nói, “Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.”

Chúng ta tự hỏi tại Chúa Giêsu nằm trong mồ trong ngày thứ bảy? Về mặt thực tế, đó là điều họ phải làm vì cho người Do thái, ngày mới bắt đầu khi mặt trời lặn. Vì thế, ngày Sabát bắt đầu tối thứ sáu và khi mặt trời lặn, người ta không được phép làm bất cứ việc gì. Những người của Chúa đặt Ngài trong mộ trước khi mặt trời lặn và họ không thể quay trở lại để làm sự gì cả cho đến ngày sáng ngày Chúa nhật.

Nhiều lúc người Công giáo nghĩ Chúa nhật là ngày Sabát nhưng Chúa nhật không là ngày Sabát. Đối với người Do thái, ngày Sabát là ngày thứ 7 của tuần và đó là ngày nghỉ ngơi nên họ không thể làm gì với thân xác Chúa cả. Sáng Chúa nhật, lúc trời còn tối thì các bà sẽ ra mồ. Về mặt thiêng liêng, Chúa Giêsu thi hành luật Sabát ngay cả khi Ngài chết. Ngài vâng theo luật nghỉ ngơi.

Nhưng linh hồn Ngài làm gì trong ngày thứ bảy Tuần Thánh? Ngài xuống ngục tổ tông. Đây là một tín điều trong Kinh Tin Kính. Tôi sẽ trích một đoạn từ Giáo Lý Hội thánh Công giáo:

“634. “Tin Mừng cũng được loan báo cho cả kẻ chết..." (1 Pr 4,6). Việc Đức Giê-su xuống ngục tổ tông hoàn tất cách sung mãn việc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đây là chặng cuối cùng trong sứ mạng Mê-si-a của Đức Giê-su, tuy diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao là công cuộc cứu độ được mở rộng cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi. Như vậy, tất cả những kẻ được cứu độ đều do Đức Ki-tô.”

Đức Kitô đi vào chốn sâu thẳm để những kẻ đã chết sẽ nghe được tiếng của Con Thiên Chúa và những ai lãnh nhận sẽ có sự sống đời dời.

Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông như Đấng Mêsia, đem ơn cứu độ Ngài đã chiến thắng cho nhân loại trên cây thánh giá đến với các linh hồn của Cựu Ước, những kẻ sống chính trực và những người thánh thiện của Cựu Ước. Nếu không có Ngài, làm sao họ được cứu độ? Chúa đem ơn cứu độ đến cho kẻ chết ngay cả khi Ngài nằm trong mồ của mình. GLHTCG đoạn 635 trích một đoạn từ bài giảng cổ nói về thứ bảy Tuần thánh:

“Hôm nay mặt đất hoàn toàn thinh lặng, hoàn toàn thinh lặng và hoàn toàn cô quạnh. Hoàn toàn thinh lặng vì Đức Vua an giấc. Trái đất run rẩy rồi yên tĩnh lại, vì Thiên Chúa đang ngủ trong xác phàm và Người đi đánh thức những kẻ đang ngủ từ bao đời ... Người đi tìm nguyên tổ A-đam như tìm con chiên lạc. Người muốn thăm viếng tất cả những ai đang ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết. Vừa là Thiên Chúa, vừa là con cháu của nguyên tổ, Người đi giải thoát A-đam và E-và đang đau khổ trong gông cùm xiềng xích ... “Ta là Chúa của ngươi, nhưng vì ngươi, Ta đã trở thành con của ngươi. Hỡi người ngủ mê, hãy chổi dậy! vì Ta dựng nên ngươi không phải để cho ngươi ở lại đây trong gông cùm âm phủ. Hãy chỗi dậy từ cõi chết, vì Ta là sự sống của những kẻ đã chết (Bài giảng cổ vào thứ bảy tuần thánh).”

Share:

Mầu nhiệm "Ba lần" trong cuộc khổ nạn

“Một sáng khi Luisa đang suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, bà bắt đầu nghĩ đến việc mão gai của Chúa bị ấn sâu vào đầu ba lần. Khi mão gai bị gỡ ra cách hung tợn để đổi áo choàng của Đức Giêsu, một số gai vẫn còn cắm sâu vào sọ của Ngài. Rồi mão gai lại được đặt trên đầu Chúa và đâm sâu vào sọ của Chúa lần nữa, nhiều gai còn lại còn đâm thâu hơn trước nữa. Khi bà đang chú tâm suy niệm những ý tưởng này, Chúa Giêsu hiện ra chỉ trong chốc lát. Bà Luisa hỏi Chúa tại sao Chúa lại chịu đựng những cực hình mão gai ba lần vì một lần là đã đủ để đền bù cho những ý nghĩ xấu xa của con người. Chúa Giêsu trả lời Chúa không chỉ đeo mão gai ba lần mà hầu hết những đau đớn trong cuộc khổ nạn đều là ba lần, bắt đầu với ba giờ thống khổ trong vườn Cây dầu. Việc bị đánh đòn cũng ba lần vì họ dùng ba loại roi khác nhau. Chúa cũng bị lột y phục ba lần và ba lần bị kết án tử hình.

Khi vác thập tự, Chúa đã ngã dưới sức nặng của nó ba lần, người ta dùng ba cây đinh để đóng đanh Ngài; và Ngài chịu đau đớn ba giờ trên cây thập tự. Trái tim Chúa cũng tuôn máu ra ba lần. Trước hết trong Vườn, sau đó là khi Chúa bị treo trên cây thập tự, thân xác Ngài bị kéo dãn quá sức nên nó đã hoàn toàn bị trật xương, trái tim Ngài bị dập nát bên trong và lần thứ ba là khi bị đâm thâu bởi chiếc gươm giáo. Chúa Giêsu nói với bà Luisa nhiều loại “ba lần” khác có thể được tìm thấy khi người ta suy niệm về nó.

Không sự gì đã xảy ra do tình cờ nhưng là do thánh ý Thiên Chúa sắp đặt. Tất cả là để đem vinh danh đến với Chúa Cha (vì chúng chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa), để đền bù cho những xúc phạm đến với Thiên Chúa và để chiếm được những ân sủng tốt lành cho loài thụ tạo.

Sự tốt lành lớn lao nhất mà con người đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa là được dựng theo giống hình ảnh của Chúa, được ban ba quyền năng vĩ đại: trí nhớ, trí năng và ý chí. Nhưng mỗi tội mà con người phạm đều cùng lúc có liên quan đến cả ba chức năng này. Qua cách này, linh hồn làm dơ bẩn hình ảnh Thiên Chúa nơi người ấy, dùng món quà đã lãnh nhận để xúc phạm đến Đấng đã trao ban.

Chúa Giêsu “ba lần” chịu khổ nhục, để cùng một lúc, khôi phục lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, cách đặc biệt: trí nhớ, năng trí và ý chí. Qua cách này, Ngài đã dâng lên cho Chúa Cha trọn vẹn sự vinh quang mà chúng ta đáng phải dâng hiến và đem lại mọi ân sủng tốt lành các thụ tạo cần.” – Trích từ Life of the Mystic Luisa Piccarreta Journeys in the Divine Will - the Early Years

Bạn có thể đọc Cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong thánh Mátthêu từ chương 26 để tìm ra mão gai gỡ ra, ấn vào 3 lần. Và nếu bạn tìm ra những khổ cực khác, xin viết ra cho mọi người cùng biết.

Bạn có thể đọc thêm về Luisa Piccarreta ở đây (tiếng Anh)

Bạn cũng muốn đọc về Thị kiến Cuộc thương khó của Chúa Giêsu của Chân phước Anne Catherine Emmerich (Tiếng Việt)

Share:

Thứ Tư Tuần Thánh

Ngày thứ tư Tuần Thánh còn được gọi là Thứ tư Do Thám

Đây là ngày Giuđa phản bội Thầy mình. Giuđa đi gặp các thượng tế hứa sẽ nộp Chúa Giêsu cho họ. Phần dưới đây là từ bài thuyết trình của Dr. Brant Pitre

“Khi Đức Giê-su giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: ‘Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá.’ Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Cai-pha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi. Nhưng họ lại nói: ‘Không nên làm vào chính ngày lễ, kẻo gây náo động trong dân.’ Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: ‘Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.’ Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su” (Mt 26:1-5;14-16).

Rất nhiều điều xảy ra ở đây. Tôi chỉ tập trung vào một điểm: Tại sao Giuđa phản bội Chúa Giêsu? Người ta có nhiều suy đoán, đặc biệt nếu bạn xem những phim ảnh, họ sẽ nói Giuđa muốn Chúa Giêsu làm nhà cách mạnh nhưng khi thấy đó không là ý định của Chúa, hắn thất vọng và phản bội Chúa dù không mấy sẵn lòng. Tất cả những điều đó đều là do họ tưởng tượng ra. Các Phúc Âm nói với chúng ta Giuđa làm điều đó vì tiền, hắn là kẻ tham tiền. Hắn thường trộm tiền từ túi chung. Gioan đã nhìn thấy Giuđa làm việc đó và biết Giuđa là tên ăn trộm. Vì tham lam, hắn đã bán Chúa của hắn, người Thầy và là người bạn để có 30 đồng bạc.

Nhưng ở đây thánh sử Mátthêu khi chính xác giá Chúa bị bán, ngài muốn chúng ta nhớ đến hai việc. Trước hết, sách Xuất hành nói 30 đồng bạc là giá để mua một người nô lệ. Chúa Giêsu đã bị bán với một giá hết sức rẻ rúng, bằng giá của một người nô lệ già nua. Từ sách Sáng thế, cũng có một câu chuyện song song với bị bán.

Chúa Giêsu không là người thứ nhất bị phản bội bởi người tên là Giuđa để có đồng bạc. Giuse và các anh của mình, 12 đứa con của Giacóp. Sách Sáng Thế chương 37 tường thuật chuyện 10 người con của Giacóp đang ngồi ăn, thấy có đoàn người Ít-ma-ên đến từ Giliad sẽ đi đến Ai cập. Họ liền bán em mình cho 20 đồng bạc.

Giuse bị bán làm nô lệ rồi Pharao tôn vinh ông, cho ông cai quản toàn thế Ai cập, với quyền thế chỉ sau vua. Giuse cứu cả dân ngoại và dòng dõi Giacóp. Giuse cũng bị bán bởi người tên là Giuđa.

Giuse là hình bóng chỉ về Đức Kitô. Cũng như Giuse được tôn vinh ngồi bên phải của Pharao và cứu toàn thể dân tộc được biết đến trong thời ấy, Đức Kitô là Giuse mới bị Giuđa phản bội. Nhưng chính qua sự phản bội đó, Chúa Giêsu sẽ cứu không chỉ các tông đồ, những kẻ bỏ Ngài một mình chạy trốn mà là cả thế giới qua bí tích Thánh Thể. Nhân thể đây, mỗi khi bạn thấy số 7 trong Kính thánh, đó là con số của Giao ước (Chúa lập giao ước qua 7 bí tích), không phải là con số chỉ về sự hoàn hảo. Số 10 là con số hoàn hảo. Như xưa, Giuse đã cứu dân chúng qua 7 năm đói khát, Chúa Giêsu sẽ cứu chúng ta qua Thánh Thể, Giao ước mới.

Đó là lý do Kitô hữu có thói quen ăn chay ngày thứ tư và thứ sáu. Thứ sáu vì là ngày Chúa chịu nạn và thứ tư vì là ngày Chúa bị phản bội.

Ngày mai, sáng thứ Năm Tuần thánh, Đức Giêsu sẽ cử hai môn đệ thân thiết nhất của mình -- Phêrô và Gioan đi chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Vì nếu Giuđa biết Đức Giêsu ăn Lễ Vượt Qua ở đâu, Đức Giêsu không thể thiết lập bí tích Thánh thể trước khi Ngài bị nộp.

Từ One Bread, One Body:

Không phải vì một ngày không may mắn nào đó mà Satan đã nhập vào Giuđa sau khi ăn miếng bánh trong bữa lễ quan trọng nhất, Bữa Tiệc Ly (xem Gioan 13:30; Luca 22:53). Giuđa đã dần dần trở nên kẻ tồi tàn. Những quyết định hằng ngày để có quyền lực và những quyến rũ của vương quốc của bóng tối. Thật oái ăm là trong tuần mà đáng lẽ hắn phải tìm đến với Chúa Giêsu nhất, hắn lại tìm cơ hội để nộp Người.”

Share:

Thứ Sáu Tuần Thánh

Từ muôn thuở Thiên Chúa Cha đã kỹ càng chuẩn bị mọi sự để lịch sử làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.

Từ bài diễn thuyết của Dr. Brant Pitre

Chúng ta chỉ tập trung vào một khía cạnh của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Chúng ta biết những gì đã xảy ra trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh: Vào buổi sáng Chúa Giêsu bị điệu đến Philatô, bị kết án tử hình bằng cách đóng đinh, Ngài bị chế nhiễu, mặc áo đỏ như là vị vua, bị đánh đòn nát da thịt, vác thánh giá lên núi Canvê. Ở đó người ta lột hết áo quần, bắt thăm coi ai lấy áo choàng, bị lột hết mọi sự và bị đóng đánh vào cây thập tự. Chúa phó linh hồn mình trong tay Chúa Cha và trút linh hồn.

Trong Phúc Âm thánh Gioan, Phúc Âm được đọc hằng năm cho ngày thứ sáu Tuần Thánh. (Gioan 19:26-37)

“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát !” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.”

Họ đánh giập xương ống chân của người bị đóng đanh lý do là người ấy sẽ bị chết ngạt rất nhanh chóng. Quân lính Rôma biết cách để giết người và chúng rất thành thạo về việc ấy.

“Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”

Gioan gián đoạn việc tường thuật ở đây và nói, “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. [trích từ Xuất hành 12:46] Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.”

Những sự gì đã xảy ra trong đoạn này? Tại sao Gioan nhấn mạnh việc người ta đưa rượu cho Chúa Giêsu trên nhành hương thảo. Sau đó, Chúa chết, bị đâm thâu và máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Người. Gioan nói, “Việc này xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”

Thánh sử Gioan muốn chứng tỏ Chúa Giêsu là Con Chiên Vượt qua mới và nếu bạn có chút nghi ngờ về điểm đó thì theo như luật Chúa truyền là khi họ sát tế con chiên xong, họ sẽ bôi máu con chiên trên khung và ngưỡng cửa. Bạn nghĩ họ sẽ dùng cây gì để bôi máu? Một bó hương thảo (Xuất hành 12:22).

Cũng như dân Do thái xưa dùng hương thảo để bôi máu lên khung và ngưỡng cửa… Nhân thể, tôi muốn hỏi khi bạn bôi máu như vậy bạn sẽ làm nên dấu gì? Từ ngưỡng cửa đi xuống, và khung cửa từ trái sang phải… đó sẽ là dấu thánh giá… Chúa Giêsu là con chiên thật – người lính nhúng bọt biển trên cành hương thảo và đưa cho Chúa Giêsu. Tại sao? Vì Ngài là Con Chiên Vượt qua mới. Và Ngài sẽ trao ban cho chúng ta máu của người dưới hình dáng của rượu.

Đây là một điều nữa mà chúng ta dễ không nhận ra. Khi chúng ta nghe máu và nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra, chúng ta chỉ đơn giản nghĩ Chúa Giêsu đã thực sự chết. Nhưng nếu bạn là người Do thái lên Giêrusalem để cử hành Lễ Vượt qua hằng năm, một trong những điều bạn sẽ phải chứng kiến là việc sát tế con chiên. Sẽ có 250.000 con chiên bị sát tế trong một ngày. Một trong những câu hỏi học trò đã hỏi tôi là họ làm gì với số lượng máu nhiều như vậy.

Các ráp-bi nói cho chúng ta biết họ làm gì. Ở đây tôi trích: “Máu và nước từ cạnh Đền thờ ở góc đông nam của bàn thờ. Có hai lỗ như hai lỗ mũi hẹp để máu khi được đổ ở dưới chân bàn thờ phía tây và phía nam, sẽ chảy xuống lẫn lộn với kênh nước và chảy ra suối Kidron” (Mishnah Middoth 3:2; trans. H. Danby).

Gioan thấy nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu và thánh sử nhận ra. Thánh sử cũng muốn bạn nhận ra điều đó nữa vì điều này bày tỏ sự gì? Rằng Chúa Giêsu không chỉ là Con Chiên Vượt qua mới, Ngài là Đền thờ mới. Cũng như máu và nước chảy ra từ bên hông núi của Đền thờ, máu và nước sẽ chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu đề đền bù cho tội của tôi, của bạn và cho toàn thể nhân loại.

Bạn nhớ Chúa Giêsu nói, “Hãy phá đền thờ này và tôi sẽ xây lại trong ba ngày.” Nếu thân xác Ngài là Đền thờ, thì Bàn Hiến tế ở đâu? Trái tim Rất thánh Chúa là Bàn thờ Hiến tế!

Hình ảnh này thật mạnh mẽ vì không chỉ vì Chúa Giêsu chịu đau khổ chừng nào trên cây thập giá, không chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta dường nào mà điều làm vui lòng Chúa Cha là tình yêu của Chúa Kitô tuôn tràn từ Trái tim của Ngài dưới hình dạng nước rửa sạch chúng ta trong bí tích Rửa Tội và máu mà sẽ ban cho chúng ta sự sống trong bí tích Thánh Thể.

Kinh Thánh nói tình yêu che lấp muôn ngàn tội lỗi thì tình yêu vô tận của Chúa Giêsu che lấp vô tận những án tội của chúng ta.

Khi Gioan chứng kiến điều này, ngài nhận ra ơn cứu độ của trần gian vừa mới xảy ra.

Khi Chúa chết, ông Giuse Arimathea đặt Ngài trong ngôi mộ mới. Bạn nghĩ mọi sự đã kết thúc? Không. Chúa Giêsu còn có những sự khác Ngài phải thực hiện.

(Chúng ta sẽ nói về thứ Bảy Tuần Thánh ngày mai.)

Share:

Blog Archive

Blog Archive