Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

GIẢI PHÁP ĐỂ LÀM CHỦ HAM MUỐN NHỤC DỤC: ĐỨC KHIẾT TỊNH

Vì vậy, một người nên làm gì? Biện pháp khắc phục sự dâm dục là gì? Làm sao ai có thể chiến thắng trong trận chiến với tội lỗi này, khi những ham muốn thúc đẩy nó rất mạnh mẽ và khó kiểm soát?

Thói dâm ô và sự thánh thiện thì không tương thích với nhau

Việc đầu tiên là tránh đặt mình vào những tình huống bị cám dỗ. Chúng ta sẽ không bao giờ trau dồi đức tính khiết tịnh nếu chúng ta không nỗ lực loại bỏ những dịp ham muốn nảy sinh khỏi cuộc sống của mình. Chúng ta phải từ chối sự cám dỗ khiến chúng ta nói với Chúa, như Augustinô thành Hippo đã làm khi còn trẻ, "Xin hãy ban cho con sự trinh bạch và tiết chế, nhưng khoan đã!”19

Cùng những dòng này, thánh Phaolô liệt kê “tình dục vô luân” (tiếng Hy Lạp porneia) là một trong những “việc làm của xác thịt” sẽ ngăn cản một người thừa hưởng “nước trời” (Ga-lát 5:19, 21). Nói cách khác, mọi hành vi tình dục ngoài đời sống hôn nhân vợ chồng đều là tội lỗi nặng nề.20 Theo thánh Phaolô, dục vọng và sự thánh thiện không tương đồng với nhau:

Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. (1 Thêxalônica 4:3–5)21

Như chúng ta đã thấy trước đó, sự thánh thiện có nghĩa là được biệt riêng khỏi tội lỗi và được biệt riêng cho Chúa. Theo Tân Ước, mỗi người đều được kêu gọi nên thánh. Vì lý do này, những hành vi thể hiện ra ngoài của “tình dục vô luân” (tiếng Hy Lạp porneia) cũng như những hành vi ẩn bên trong của “dâm dục” (tiếng Hy Lạp epithymia) đều không có chỗ đứng trong cuộc sống của một môn đồ Chúa Giêsu.22 Chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và porneia. Chúng ta sẽ yêu người này và ghét người kia hoặc hết lòng vì người này và coi thường người kia.

Ba giai đoạn của cám dỗ

Mặt khác, cũng cần phải hiểu sự khác biệt giữa việc đơn giản cảm thấy sự cám dỗ (không phải là tội lỗi) và thích thú với nó hoặc chấp thuận nó (là tội lỗi). Từ thời cổ đại, các nhà bình luận Kitô hữu về lời của Chúa Giêsu trong Bài giảng trên núi đã phân biệt ba giai đoạn của cám dỗ tình dục: gợi ý, khoái cảm và thoả hiệp. Hãy xem lời giải thích của Thánh Phanxicô de Sales về những bước này:

1. Sự Cám dỗ: "tội lỗi được bày ra cho linh hồn" (không tội lỗi)
2. Sự Vui thích: “[linh hồn] hài lòng hoặc không hài lòng ”
3. Sự Chấp thuận: “hoặc [linh hồn] chấp thuận hoặc nó từ chối.”

Như Đức Phanxicô tiếp tục giải thích, sự cám dỗ đơn thuần đối với “bất kỳ tội lỗi nào,” dù mạnh đến đâu, bản thân nó không phải là tội lỗi, “miễn là chúng ta không thích thú với nó và chấp thuận nó.” Như chúng ta đã thấy trước đó, Chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ trong sa mạc với “mọi sự cám dỗ” (Lu-ca 4:13), nhưng Ngài vẫn không phạm tội (xem Híp-ri 4:15). Lý do: bởi vì Chúa Giêsu không vui thích cũng như không chấp thuận những cám dỗ được bày ra với Ngài. Điều này cũng đúng đối với chúng ta trong cuộc chiến chống lại dâm dục. “Dù sự cám dỗ kéo dài bao lâu thì nó cũng không thể gây hại cho chúng ta chừng nào nó khiến chúng ta không hài lòng” và chúng ta từ chối nhượng bộ. 28

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch

Ngoài ra — và điều này rất quan trọng — cần phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn khiết tịnh. Như những lời cảnh báo của Chúa Giêsu chống lại việc phạm tội “ngoại tình” trong “tâm” đã nói rõ, đức tính khiết tịnh không chỉ bao gồm việc kiêng cử một số hành vi thân thể (Mát-thêu 5:28). Sự trong trắng thực sự được tìm thấy trong tâm con người. Một lần nữa, như Chúa Giêsu nói trong Bài giảng trên núi:

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mát-thêu 5:28).

Mặc dù từ “trong sạch” (tiếng Hy Lạp katharos) có thể có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ví dụ nổi tiếng nhất về “tâm trong sạch” trong Kinh thánh Do thái giáo xuất phát từ Thánh vịnh 51, lời cầu nguyện được cho là của Vua Đa-vít sau khi ông ngoại tình với Bát Se-va:

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy…
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
(Thánh vịnh 51:4, 12)

Lưu ý ở đây rằng Đa-vít nhận ra rằng một “tâm/ tấm lòng trong trắng” (tiếng Hy Lạp kardian katharan) là thứ mà chỉ Thiên Chúa mới có thể “tạo” ra; Đa-vít không thể đạt được nó bằng sức riêng của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho sự tự do và hạnh phúc đi kèm với ơn khiết tịnh.

 Sự ăn chay, suy niệm và lao động chân tay

Cuối cùng, nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng, như các tác giả Kitô giáo viết về đời sống thiêng liêng sau này sẽ nhấn mạnh, có một số cách thực tế nhất định để chống lại tác hại của dâm dục mà mọi Kitô hữu có thể thực hành được. Theo lời của Gioan Cassian:

Ăn chay thôi thì không đủ để có được và sở hữu đức trong trắng của đức khiết tịnh hoàn hảo;… cần phải liên tục suy ngẫm Kinh thánh… cũng như lao động chân tay chăm chỉ, thứ giúp kiềm chế và nhớ lại những hành động lang thang vô ích của trái tim;… trước tất cả những sự khác phải đặt để nền tảng của sự khiêm tốn thực sự, nếu không có sự khiêm tốn này thì không bao giờ có thể chiến thắng bất kỳ thói xấu nào.30

Nếu thông qua việc ăn chay, chúng ta có thể học cách kiểm soát cảm giác thèm ăn của mình, chúng ta cũng sẽ học cách kiểm soát cảm giác thèm muốn của mình đối với các thú vui thể chất khác. Nếu chúng ta rèn luyện cơ thể thông qua lao động thể chất thường xuyên, chúng ta sẽ phát triển trong khả năng hãm mình và làm chủ bản thân trong các lĩnh vực khác. Nếu chúng ta gặp khó khăn với những ý nghĩ và hình ảnh dâm dục trong tâm trí, thì chúng ta cần lấp đầy trí tưởng tượng của mình với vẻ đẹp của Kinh thánh bằng cách ghi nhớ và suy ngẫm về nó hàng ngày. Như sách Thánh Vịnh đã nói,

Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng?
Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy…

Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ,
để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung.

(Thánh vịnh 119: 9, 11)

Cuối cùng, không ai trong chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dâm dục bằng chính sức mạnh của mình. Chúng ta cần sự khiêm nhường để cầu xin Chúa - Đấng làm nên trái tim - tạo nên trong chúng ta một “tấm lòng trong sạch” (Thánh vịnh 51:10).

Như chúng ta vừa thấy, dâm ô không phải là tội đầu duy nhất bắt nguồn từ một ham muốn bị rối loạn về lạc thú thể xác. Còn có một thói xấu khác không được nói đến, hoặc thậm chí không bị cho là tội lỗi. Tôi đang nói ở đây về sự háu ăn. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sự chú ý của mình đến nó.

Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive