Từ muôn thuở Thiên Chúa Cha đã kỹ càng chuẩn bị mọi sự để lịch sử làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Từ bài diễn thuyết của Dr. Brant Pitre
Chúng ta chỉ tập trung vào một khía cạnh của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Chúng ta biết những gì đã xảy ra trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh: Vào buổi sáng Chúa Giêsu bị điệu đến Philatô, bị kết án tử hình bằng cách đóng đinh, Ngài bị chế nhiễu, mặc áo đỏ như là vị vua, bị đánh đòn nát da thịt, vác thánh giá lên núi Canvê. Ở đó người ta lột hết áo quần, bắt thăm coi ai lấy áo choàng, bị lột hết mọi sự và bị đóng đánh vào cây thập tự. Chúa phó linh hồn mình trong tay Chúa Cha và trút linh hồn.
Trong Phúc Âm thánh Gioan, Phúc Âm được đọc hằng năm cho ngày thứ sáu Tuần Thánh. (Gioan 19:26-37)
“Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát !” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.”
Họ đánh giập xương ống chân của người bị đóng đanh lý do là người ấy sẽ bị chết ngạt rất nhanh chóng. Quân lính Rôma biết cách để giết người và chúng rất thành thạo về việc ấy.
“Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”
Gioan gián đoạn việc tường thuật ở đây và nói, “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. [trích từ Xuất hành 12:46] Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.”
Những sự gì đã xảy ra trong đoạn này? Tại sao Gioan nhấn mạnh việc người ta đưa rượu cho Chúa Giêsu trên nhành hương thảo. Sau đó, Chúa chết, bị đâm thâu và máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Người. Gioan nói, “Việc này xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”
Thánh sử Gioan muốn chứng tỏ Chúa Giêsu là Con Chiên Vượt qua mới và nếu bạn có chút nghi ngờ về điểm đó thì theo như luật Chúa truyền là khi họ sát tế con chiên xong, họ sẽ bôi máu con chiên trên khung và ngưỡng cửa. Bạn nghĩ họ sẽ dùng cây gì để bôi máu? Một bó hương thảo (Xuất hành 12:22).
Cũng như dân Do thái xưa dùng hương thảo để bôi máu lên khung và ngưỡng cửa… Nhân thể, tôi muốn hỏi khi bạn bôi máu như vậy bạn sẽ làm nên dấu gì? Từ ngưỡng cửa đi xuống, và khung cửa từ trái sang phải… đó sẽ là dấu thánh giá… Chúa Giêsu là con chiên thật – người lính nhúng bọt biển trên cành hương thảo và đưa cho Chúa Giêsu. Tại sao? Vì Ngài là Con Chiên Vượt qua mới. Và Ngài sẽ trao ban cho chúng ta máu của người dưới hình dáng của rượu.
Đây là một điều nữa mà chúng ta dễ không nhận ra. Khi chúng ta nghe máu và nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra, chúng ta chỉ đơn giản nghĩ Chúa Giêsu đã thực sự chết. Nhưng nếu bạn là người Do thái lên Giêrusalem để cử hành Lễ Vượt qua hằng năm, một trong những điều bạn sẽ phải chứng kiến là việc sát tế con chiên. Sẽ có 250.000 con chiên bị sát tế trong một ngày. Một trong những câu hỏi học trò đã hỏi tôi là họ làm gì với số lượng máu nhiều như vậy.
Các ráp-bi nói cho chúng ta biết họ làm gì. Ở đây tôi trích: “Máu và nước từ cạnh Đền thờ ở góc đông nam của bàn thờ. Có hai lỗ như hai lỗ mũi hẹp để máu khi được đổ ở dưới chân bàn thờ phía tây và phía nam, sẽ chảy xuống lẫn lộn với kênh nước và chảy ra suối Kidron” (Mishnah Middoth 3:2; trans. H. Danby).
Gioan thấy nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu và thánh sử nhận ra. Thánh sử cũng muốn bạn nhận ra điều đó nữa vì điều này bày tỏ sự gì? Rằng Chúa Giêsu không chỉ là Con Chiên Vượt qua mới, Ngài là Đền thờ mới. Cũng như máu và nước chảy ra từ bên hông núi của Đền thờ, máu và nước sẽ chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu đề đền bù cho tội của tôi, của bạn và cho toàn thể nhân loại.
Bạn nhớ Chúa Giêsu nói, “Hãy phá đền thờ này và tôi sẽ xây lại trong ba ngày.” Nếu thân xác Ngài là Đền thờ, thì Bàn Hiến tế ở đâu? Trái tim Rất thánh Chúa là Bàn thờ Hiến tế!
Hình ảnh này thật mạnh mẽ vì không chỉ vì Chúa Giêsu chịu đau khổ chừng nào trên cây thập giá, không chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta dường nào mà điều làm vui lòng Chúa Cha là tình yêu của Chúa Kitô tuôn tràn từ Trái tim của Ngài dưới hình dạng nước rửa sạch chúng ta trong bí tích Rửa Tội và máu mà sẽ ban cho chúng ta sự sống trong bí tích Thánh Thể.
Kinh Thánh nói tình yêu che lấp muôn ngàn tội lỗi thì tình yêu vô tận của Chúa Giêsu che lấp vô tận những án tội của chúng ta.
Khi Gioan chứng kiến điều này, ngài nhận ra ơn cứu độ của trần gian vừa mới xảy ra.
Khi Chúa chết, ông Giuse Arimathea đặt Ngài trong ngôi mộ mới. Bạn nghĩ mọi sự đã kết thúc? Không. Chúa Giêsu còn có những sự khác Ngài phải thực hiện.
(Chúng ta sẽ nói về thứ Bảy Tuần Thánh ngày mai.)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét