Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Chúa Giêsu làm gì trong ngày thứ hai và thứ ba Tuần Thánh?

Chúa Giêsu làm gì trong ngày thứ hai và thứ ba Tuần Thánh? Chúa Giêsu rủa cây vả và Tẩy sạch Đền thờ; chỉ về Đền thờ mới và hàng tư tế mới.

Bài dài nhưng xin bảo đảm bạn sẽ biết những điều bạn hề được nghe đến hoặc đọc đến.

Tóm tắt từ bài thuyết trình The Jewish Roots of Holy Week/ Nguồn gốc Do thái giáo của Tuần Thánh của Dr. Brant Pitre

*Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

*Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.

*Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” (Mác-cô 11:12-21)

Tại sao Chúa rủa cây vả Tẩy sạch Đền Thờ?

Chúa Giêsu thực sự không rửa sạch Đền thờ mà là làm xáo trộn, lật đổ bàn ghế. Chẳng lẽ Mẹ Maria đã không dạy Chúa Giêsu cách xử sự sao? Thật là kỳ lạ. Mỗi khi đọc Phúc Âm và thấy có điểm gì kỳ quặc, tôi thường nói với học trò của tôi hãy tìm câu trả lời trong Cựu Ước.

Lý do Chúa lật đổ đồ đạc không là như người ta thường nghĩ là vì họ mua bán trong Đền thờ và đó là ý nghĩa chính. Đúng, có vần đề đó. Nhưng người ta nghĩ là vì người ta bóc lột dân nghèo đến mua lễ hy tế. Nhưng Phúc Âm không nói có sự bóc lột, lừa dối, không nói là Chúa phẫn nộ vì họ lừa dối kẻ khác mà là vì họ làm ngược lại với lời tiên tri của Isaia 56 là nhà của Chúa, Đền thờ đáng lẽ phải là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Các học giả nêu ra là Đền thờ thời Chúa Giêsu có hai phần riêng biệt: một phần cho người Do thái, phần ngoài của Đền thờ và có phần cho dân ngoại. Điều xảy ra là phần để dân ngoại cầu nguyện đã trở thành nơi chợ búa.

Nói cách khác, một số người Do thái đã nói, chúng ta không quan tâm dân ngoại không có nơi để cầu nguyện hay không. Chúng ta sẽ thiết lập phần đi vào Đền thờ này thành nơi dân Do thái hành hương cho Lễ Vượt qua có thể tiện nghi mua hy lễ cho dịp lễ.

Đó là điều làm Chúa phẫn nộ. Vì kế hoạch của Chúa từ thời Ápbraham, từ sáng Sách Thế chương 12 là Chúa chọn dân Do thái để qua Abraham mọi dân tộc sẽ được chúc phúc. Nhưng bây giờ một số dân Do thái đã trở thành chướng ngại vật cho dân ngoại.

Người ngoại bang gắn bó cùng ĐỨC CHÚA chớ nói rằng :“Hẳn ĐỨC CHÚA đã tách tôi ra khỏi dân Người.” Người bị hoạn chớ nói: “Chính tôi đây là một cây khô.” Quả vậy, ĐỨC CHÚA phán như sau: Nếu những người bị hoạn mà vẫn giữ các ngày sa-bát Ta truyền, và lựa chọn điều Ta ưa thích, cùng tuân thủ giao ước của Ta, thì trong nhà và trong tường luỹ của Ta, Ta sẽ cho chúng được lưu danh và có đài kỷ niệm ; như thế còn quý hơn con trai con gái. Ta sẽ cho tên tuổi chúng trường tồn, không bao giờ bị ai xoá bỏ. Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.

Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân. (Isaia 56:3-7)

Isaia không chỉ nói Thiên Chúa muốn cứu dân ngoại ngày nào đó mà còn là sẽ có một Đền thờ mới và trong Đền thờ đó, không chỉ dân ngoại sẽ có nơi để thờ phượng mà ngay cả từ giữa dân ngoại, Chúa sẽ chọn các tư tế mới. Tôi không biết làm cách nào cho bạn hiểu điểm này gây sốc như thế nào đối với người Do thái!

Trong thời Do thái giáo của thế kỷ thứ I, có hai loại người không được phép đi vào Đền thờ: dân ngoại và những người nam bị hoạn, những người không thể có con. Cả hai đều bị xem là ô uế… Tôi nghĩ lúc này thật khó để tưởng tượng một tôn giáo, trong đó có những tư tế vừa là dân ngoại, vừa không có con. Rất khó những bạn cứ tưởng tượng… Linh mục! Lý do Giáo hội có luật sống độc thân cho linh mục có gốc gác trong Mt 19:12. Chúa Giêsu nói, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng ; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn ; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

Nói cách khác, có những người nam sẽ tự nguyện đời sống độc thân vì nước trời. Tại sao? Để họ có thể hoàn thành lời tiên tri này của một Đền thờ mới, một tư tế mới và hy lễ mới. Đừng nói tôi là dân ngoại, đừng nói tôi không có con cái, Chúa sẽ ban cho các ngươi, những tư tế mới của Ta một lưu danh mới, một đài lưu niệm như thế còn quý hơn con trai con gái.

Tôi có 5 đứa con; tôi đã cho con tôi sự sống tự nhiên nhưng một linh mục đem sự sống siêu nhiên. Một người linh mục trở thành người cha thiêng liêng đến những người họ đã rửa tội. Cha Mitch làm linh mục chỉ 5 năm và bao nhiêu trẻ cha đã rửa tội? Quá nhiều cha không còn nhớ nữa. Cha ấy có nhiều con hơn tôi nữa.

Ngày thứ hai Tuần thánh, khi Chúa nhìn thấy Đền thờ trần thế đã bị làm ô uế, Chúa thực hiện việc tẩy sạch Đền thờ trần tục để chỉ về Đền thờ mới, hàng tư tế mới, hàng tư tế độc thân. Đây là điều Chúa muốn thực hiện trong những ngày cuối của đời mình để hoàn tất lời tiên tri của Kinh Thánh về Đền thờ mới, bắt đầu hàng tư tế mới.

CHÚA RỦA CÂY VẢ

Tôi đã suy nghĩ về việc này khá lâu. Nếu bạn đọc các chú giải bạn sẽ thấy họ cũng không hiểu tại sao Chúa rủa cây vả (fig tree) giữa mùa xuân vì đến mùa hè nó mới có trái.

Manh mối cho câu trả lời nằm trong truyền thống Do thái giáo cổ xưa vì cây vả là một biểu tượng quan trọng. Nếu bạn quay trở về đọc Cựu Ước, có một lần cây vả được nói đến. Trong vườn Địa đàng dù là hầu hết người Công giáo khi nghĩ đến cây biết lành biết dữ, cây của sự chết, là cây táo vì sách vở vẽ trái táo. Trong Cựu Ước không có nói đến trái táo. Cây được nói đến là cây vả. Truyền thống Do thái giáo thực sự tin là cây biết lành biết dữ là cây vả.

Sách Sáng thế chương 3 nói người đàn bà thấy trái cây ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình trở nên tinh khôn, bà hái lấy trái ăn và đưa cho chồng bà cùng ăn. Mắt cả hai liền mở ra và họ trông thấy mình trần truồng. Họ lấy lá cây vả để che thân.

Lá cây vả làm da bị ngứa nên Ađam và Evà đã phải làm việc đền tội từ lúc ban đầu. Chúa phải ra tay sát hại con vật làm “cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ.” (St 3, 21). Dân Do thái biết điều này vì họ đọc Kinh Thánh rất kỹ càng và họ có trong truyền thống văn bản của họ rằng cây Kinh thánh nói đến là cây vả.

Có một truyền thống Do thái viết, Evà nói, tôi trích ở đây: “Ngay lúc này mắt tôi mở ra và tôi biết mình trần trụi sự công chính mà tôi đã được mặc lấy. Tôi tìm lá che đậy sự xấu hổ của mình nhưng không tìm thấy lá nào trong địa đàng ngoại trừ lá cây vả. Tôi lấy lá của nó làm cho mình một cái váy từ cây tôi đã lấy trái mà ăn.” (Life of Adam and Eve 21:4-5).

Cây vả từ đó được nối kết với cây biết lành biết dữ. Ađam và Evà vì ăn nó đã phạm tội, đem đau khổ và sự chết vào thế giới và cho những con cháu ở chốn lưu đày này.

Chúa Giêsu trên đường đi đến Giêrusalem để gánh lấy cuộc khổ nạn, Ngài thấy cây vả Ngài nói “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Vì Ngài không chỉ là Vua Salômôn mới, không chỉ là Đấng Mêsiah, không chỉ sẽ thiết lập một Đền thờ mới, Ngài còn là Ađam mới và Ngài đến để gỡ bỏ những hậu quả của Ađam đầu tiên. Ngài không muốn ai phải ăn cây sự chết nữa, Ngài không muốn ai ăn trái của cây biết lành biết dữ nữa nên Ngài đã rủa nó như là một biểu tượng cho điều Ngài sẽ thực hiện trên cây thánh giá khi Ngài sẽ gỡ bỏ ràng buộc của tội và quyền lực của nó là sự chết.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive