Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

HAM MUỐN ≠ KHIẾT TỊNH

Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.
— Chúa Giêsu Nazareth (Mátthêu 5:28)

TỘI THỨ NĂM CỦA BẢY MỐI TỘI ĐẦU — DÂM DỤC — có thể được định nghĩa là một ham muốn mất kiểm soát về khoái cảm tình dục. Theo Kinh thánh, niềm vui của sự kết hợp hôn nhân tự nó là tốt. Vì những lời đầu tiên mà Thiên Chúa đã nói với người nam và người nữ là “Hãy sinh sôi nảy nở khắp cùng mặt đất” (Sáng thế 1:28). Hơn nữa, sự kết hợp “một xương một thịt” của vợ chồng là một phần của sự sáng tạo — trước khi tội đầu tiên xảy ra (Sáng thế 2:24).

Tuy nhiên, sau sự Sa Ngã, mong muốn tốt đẹp ban đầu về sự kết hợp hôn nhân - cũng giống như những mong muốn tốt đẹp khác của con người - trở nên rối loạn, có khuynh hướng sa vào tội lỗi và khó để kiểm soát. Theo định nghĩa, dâm dục là sự thèm muốn sử dụng sai cách hoặc lạm dụng khoái cảm tình dục Chúa đã tạo ra cho sự kết hợp một của vợ chồng và cho việc sinh sản con cái (Sáng thế 1:28).1 Như chúng ta sẽ thấy, chính Chúa Giêsu mô tả “tình dục vô luân” (tiếng Hy Lạp porneia) là một trong những “điều xấu xa” xuất phát từ “trái tim” con người (Mác-cô 7:21, 23). Suy cho cùng, dâm dục không chỉ là một vấn đề thể chất. Giống như những tội lỗi khác, ở tầng sâu nhất của nó, dâm dục là một vấn đề tại tâm.

 Khi xem xét những điều mà các tác giả Kitô giáo đã nói về các mối tội đầu, chúng ta phát hiện ra rằng họ rất thực tế về trải nghiệm phổ quát của con người khi ham muốn tình dục bị mất kiểm soát, và khó khan gặp phải khi muốn tránh khỏi “tình dục vô luân” (vô đạo đức) (tiếng Hy Lạp porneia) hoặc "gian dâm" (tiếng Latinh fornicatio). Hãy xem xét những điều sau:

Cuộc đấu tranh thứ hai của chúng ta ... là chống lại thần khí gian dâm. Cuộc chiến man rợ này dai dẳng hơn những cuộc chiến khác.
—John Cassian (thế kỷ thứ 5)2

Tất cả ma quỷ đều cố gắng làm đen tối tâm trí của chúng ta…. Nhưng con quỷ tà dâm cố gắng hơn tất cả những con khác.
—John Climacus (thế kỷ thứ 7)3

Thật là vô nghĩa nếu tự để mình chìm trong ham muốn xác thịt, và nhúng tay vào những việc mà sau này bạn sẽ bị trừng phạt nặng nề.
—Thomas à Kempis (thế kỷ 15)4

Dâm ô có thực sự nghiêm trọng như vậy không? Chúng ta có thực sự cần phải tiến hành “cuộc chiến” chống lại nó không? Và nếu có thì đâu là biện pháp khắc phục cho thói xấu này?

Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét cẩn thận những gì Kinh thánh Do thái giáo (Cựu ước), lời dạy của Chúa Giêsu và các thư của các thánh tông đồ đã dạy về dâm ô. Như chúng ta sẽ thấy, một trong những lý do khiến tính dâm dục gây tổn hại về mặt thiêng liêng là vì nó làm hư hỏng và bóp méo khả năng yêu thương người lân cận một cách đúng đắn của chúng ta.

DÂM Ô TRONG KINH THÁNH DO THÁI GIÁO

Để hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến dâm dục, ít nhất ba đoạn chính trong Kinh thánh Do thái giáo chúng ta cần chú ý: luật chống ngoại tình và ham muốn trong Mười Điều Răn, câu chuyện ngoại tình của Vua Đavít với Bát-se-va, và lời giáo huấn từ sách Châm ngôn. Hãy cùng dành một chút thời gian để xem xét từng nội dung này.

Hai trong Mười Điều Răn

Mặc dù chỉ có Mười Điều Răn, nhưng hai trong số mười Điều Răn — nghĩa là, 20 phần trăm — tập trung vào vấn đề ham muốn tình dục bất chính:

Ngươi chớ phạm tội tà dâm. (Xuất hành 20:14)
Ngươi chớ tham …vợ người. (Xuất hành 20:17)

Ở đây, hãy lưu ý rằng điều răn chống “tội tà dâm” cấm hành động thể xác của việc ăn nằm với vợ/chồng  người khác, trong khi điều răn chống lại sự “thèm muốn” cấm hành động nội tâm trong tham muốn ngoại tình.5 Mặc dù vế sau được đề cập đến cho nam giới, nhưng ở những phần khác, Kinh thánh Do thái giải thích rõ rằng nó cũng áp dụng cho phụ nữ (xem Lêvi 20:10). Cả hai điều luật này đều thuộc về bảng đá thứ hai trong hai bảng đá ghi Mười Điều Răn. Do đó, mặc dù sự thèm muốn và ngoại tình thường được coi là hành vi “của tình yêu”, theo quan điểm của người Do thái giáo cổ đại, cả hai đều là vi phạm tình yêu thương cho người lân cận.6

Sự dâm dục của Vua Đa-vít

Một đoạn khác từ Kinh thánh Do thái giáo liên quan đến điều được cho là ví dụ nổi tiếng nhất về dâm dục trong Kinh thánh: Hành động ngoại tình của Vua Đa-vít với Bát Se-va:

Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đa-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Đa-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem.

Vào một buổi chiều, vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: “Đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết.” Vua Đa-vít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng. (2 Sa-mu-en 11:1–4)

Hãy lưu ý rằng Đa-vít không đơn giản vấp vào hành vi ngoại tình. Có nhiều bước dẫn đến kết quả đó:

(1) Bước 1: Nhàn rỗi. Câu chuyện bắt đầu với việc Đa-vít đã gửi quân đội của mình ra trận chiến trong khi bản thân ông vẫn ở Jerusalem. Ở Israel cổ đại, theo phong tục, vua sẽ dẫn quân ra trận.7 Tuy nhiên, Đa-vít đang làm gì? Lang thang và ngủ một giấc ngon lành vào buổi chiều. Sự lười biếng của Đavít là bước đầu tiên dẫn đến tội danh dâm dục của ông.

 (2) Bước 2: Từ chối Rời Mắt. Tiếp theo, từ sân thượng của mình, Đa-vít nhìn thấy Bát-se-va đang tắm — có lẽ là trong một sân ngoài trời. Vào thời điểm này, Đavít là một người đàn ông đã có gia đình và Bátse-va là một phụ nữ đã kết hôn (xem 2 Sa-mu-en 6; 11: 3). Tuy nhiên, Đa-vít quyết định không rời mắt khỏi vợ của người hàng xóm.

 (3) Bước 3: Sự tò mò cách thèm muốn. Ngược lại, Đa-vít bắt đầu hỏi về danh tính của người phụ nữ mà ông đang nhìn. Đây không phải là sự tò mò vu vơ. Có một ham muốn thèm khát thúc đẩy cuộc điều tra của Đa-vít và mục đích ngoại tình đằng sau đó.

 (4) Bước 4: Ngoại tình. Cuối cùng, Đa-vít hành động theo mong muốn của mình. Ông triệu tập Bát Se-va và thực hiện hành vi ngoại tình với bà. Kết quả là Bát Se-va thụ thai, và Đa-vít cuối cùng âm mưu giết chồng bà, U-ri-gia, để tội lỗi của mình không bị phơi bày (2 Sa-mu-en 11: 5–27). Cuối cùng, lòng ham muốn của Đa-vít khiến ông vi phạm không phải một, không phải hai, mà là ba trong Mười Điều Răn. Dâm dục là thế. Nó nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Thứ bắt đầu với việc Đa-vít vi phạm điều răn chống lại sự thèm muốn kết thúc bằng việc Đa-vít phạm tội ngoại tình và giết người (xem Xuất hành 20: 13–14, 17).

Ngọn lửa của dâm dục

Là một cuốn sách hướng dẫn cho những người mới tin Chúa, một trong những mục đích chính của sách Châm ngôn là cảnh báo người đọc chống lại sự thèm muốn và ngoại tình.8 Hãy xem xét một ví dụ sau:

Có ai dấu lửa trong người mà không bị cháy áo?
 
Có ai đi trên than hồng mà không bị bỏng chân?
Người giao du với vợ bạn mình cũng thế,
gần gũi nàng ắt bị trừng phạt thôi.

Đàn ông ngoại tình thì mất hết lý trí,
người phạm tội ấy tự hủy hoại đời mình.
(Châm ngôn 6: 27–29, 32)

Khi nói đến dâm dục, sách Châm ngôn — cũng như Mười Điều Răn — cảnh báo chống lại cả ham muốn bị rối loạn (“ngọn lửa” của dâm dục) và hành động bên ngoài (đàn ông ngoại tình). Những người nghĩ rằng họ có thể ngoại tình mà không có bất kỳ hậu quả tiêu cực là nguời “không có lý lẽ gì cả”. Vì lý do này, cũng như các tội lỗi khác, dâm dục là phi lý trí. Nó không hợp tình hợp lý. Nó thường bắt nguồn từ những tưởng tượng không thực tế về hậu quả của những hành động của con người. Vì cuối cùng, kẻ ngoại tình “tự hủy hoại đời mình”. Như một nhà bình luận nói rằng, “Ngoại tình giết người.”9 Tất nhiên, đây là điều chính xác xảy ra với Vua Đa-vít. Mặc dù Đa-vít ăn năn và được Chúa tha thứ (xem Thánh Vịnh 51), tội lỗi của ông vẫn để lại hậu quả giết người cho U-ri-gia và hậu quả bi thảm cho bản thân và gia đình ông (xem 2 Sa-mu-ên 12:5–18). Theo Kinh thánh Do thái giáo, chúng ta không thể đùa giỡn với “ngọn lửa” của dục vọng mà không bị đốt cháy.

CHÚA GIÊSU VỀ DÂM DỤC

Những điều trên giúp chúng ta hiểu hơn những gì Chúa Giêsu muốn nói về dâm dục trong hai đoạn chính sau: mô tả của Ngài về “tà dâm” là xấu xa (Mác-cô 7:21) và lời cảnh báo của Ngài về việc phạm tội “ngoại tình” trong lòng một người (Mátthêu 5: 27–30).

Ác ma của Porneia

Đầu tiên, Chúa Giêsu đưa các hành động tình dục bất chính vào danh sách các tệ nạn làm ô uế tâm linh một người:

Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, ... Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế. (Mác-cô 7: 20–23)10

Mặc dù một số bản dịch tiếng Anh có từ “fornication / gian dâm” ở đây (ví dụ: RSV) thay vì “sexual immorality tà dâm”, từ gốc Hy Lạp là porneia — từ đó chúng ta có từ tiếng Anh “pornography” (nội dung khiêu dâm).11 Trong bối cảnh Do thái giáo vào thế kỷ thứ nhất, porneia có thể ám chỉ bất kỳ hành vi tình dục nào ngoại trừ sự kết hợp phát sinh sự sống mới của một người đàn ông và phụ nữ đã thành hôn với nhau.12 Nói cách khác, trong khi Mười Điều Răn rõ ràng chỉ cấm “ngoại tình” (tiếng Hy Lạp moicheia), Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài mô tả tất cả các hành vi porneia là hành vi “xấu xa” về mặt đạo đức làm “ô uế” tâm hồn con người (Mác-cô 7:23).

 Cái nhìn dâm dục và ngoại tình trong "lòng"

Đáng chú ý hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ lên án những hành vi dâm ô. Ngài thậm chí còn lên án những ánh mắt thèm muốn:

 Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn (in order to covet her), thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục.  (Mátthêu 5: 27–30)13

Để hiểu câu nói này một cách chính xác, chúng ta cần chú ý đến bốn điểm quan trọng này.

Đầu tiên, Chúa Giêsu bắt đầu việc giảng dạy chống lại những ánh mắt thèm muốn bằng cách trích dẫn Mười Điều Răn: “Chớ ngoại tình” (Xuất hành 20:14). Trích dẫn này cho thấy rằng Chúa Giêsu coi bản chất bất chính của “ngoại tình” như một điều đã định. Vì suy cho cùng, Chúa Giêsu là người Do thái giáo. Chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Mười Điều Răn thiết lập bối cảnh cho mọi điều Chúa Giêsu sẽ nói về  dục vọng trong lòng.14

 Thứ hai, một số bản dịch tiếng Anh đề cập đến tất cả những người nhìn phụ nữ một cách “lustfully” (đầy dục vọng) (Mátthêu 5:28, RSV) hoặc “with lust” (với dục vọng). Tuy nhiên, trong nguyên bản tiếng Hy Lạp, Chúa Giêsu thực sự đang trích dẫn điều răn chống lại coveting (ham muốn).15 Bản dịch sát nghĩa hơn sẽ là “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn [tiếng Hy Lạp epithymēsai] thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mátthêu 5:28).16 Đây cũng là từ được dùng trong bản dịch tiếng Hy Lạp cổ đại được gọi là Bản Septuagint: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta” (Xuất Hành 20:17 Bản LXX). Nói cách khác - và điều này rất quan trọng - Chúa Giêsu không nói về việc trải qua cảm giác hấp dẫn không tự chủ vì vẻ đẹp hình thể của người khác. Đúng hơn, Ngài đang nói về việc cố tình nhìn ai đó với mong muốn phạm tội với nguời ấy. (Hãy nghĩ đến cảnh Đavít nhìn chằm chằm vào Bát Se-va.)

 Thứ ba, nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về điều này, chúng ta chỉ cần nhìn vào hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra về việc phạm tội “ngoại tình” trong “lòng” (Mát-thêu 5:28). Trong Kinh thánh Do thái giáo, “trái tim” không chỉ là nơi chứa đựng cảm xúc của con người. Đó là nơi quyết định, nơi một người chọn làm điều thiện hay điều ác.17 Trái tim quyết định ai hoặc điều gì chúng ta sẽ yêu. Như Kinh Thánh nói, “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ” (Đệ Nhị Luật 6:5). Vì vậy, Chúa Giêsu đang nói không phải về việc cảm thấy một ham muốn không đúng đắn đối với lạc thú bất chính mà là về việc lựa chọn chấp nhận nó. Chính vì dâm dục dễ dàng xâm nhập vào bên trong trái tim con người nên Chúa Giêsu khẳng định nó hoàn toàn không có chỗ trong cuộc sống của các môn đệ của Ngài: họ phải hoàn toàn “móc mà ném đi” và “chặt mà ném đi” bất cứ điều gì trong cuộc sống của họ khiến họ phạm tội vì tính dâm dục (Mátthêu 5:29–30). Nếu không, theo Chúa Giêsu, họ có nguy cơ sa vào hoả ngục, xa Chúa vĩnh viễn. Nói tóm lại, Chúa Giêsu rất, rất xem trọng tội dâm dục.

Chuyển ngữ từ Introduction to the Spiritual Life: Walking the Path of Prayer with Jesus by Dr. Brant Pitre

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive