Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Thánh hóa đời sống hằng ngày -- phần 1

I. Những người sống trong thất vọng

Hàng triệu người nam và nữ ngày nay đang ở trong tình trạng “sống trong thất vọng âm thầm.” Họ đang hoang mang, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và nản lòng. Và việc sống trong thất vọng là hậu quả từ sự thất bại đã xảy ra hay có thể xảy ra trong tương lai. Một số người có thể trở nên thất vọng vì so sánh những vấn đề mà họ phải đối diện với khả năng nhỏ bé của họ để giải quyết những vấn đề đó. Trong những trường hợp này, họ quá thất đảm, quá sợ thất bại đến nỗi không còn dám tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình. Cũng có thể họ trở nên thất vọng vì không có ai đó để yêu, không có ai đó sẽ yêu họ để đáp lại tình yêu của họ.

Loại thất vọng thứ nhất đặt tâm hồn vào trong tình trạng giống như một người không có tiền để thanh toán một đống hóa đơn dày cộm. Người ấy kinh hãi trước tương lai của mình. Loại thất vọng thứ hai liên quan đến cảm giác rằng cuộc sống đang trôi qua quá nhanh và người ta cảm thấy cơ hội cho sự thành đạt của mình càng ngày càng ít đi. Các loại hình thức khổ sở này đều nối kết với một cảm thức cá nhân không hạnh phúc về sự qua đi quá nhanh của thời gian. Tâm hồn thất vọng là tâm hồn có khuynh hướng khiếp sợ khi thấy mọi sự dường như quá trễ đối với mình.

Mọi lo âu của chúng ta đều liên quan đến thời gian. Con người là thụ tạo duy nhất ý thức về thời gian. Chỉ có con người mới có thể đưa quá khứ vào trong trí không để nó đè nặng trên giây phút hiện tại với di sản mà nó đã chồng chất. Và chỉ con người mới có thể đưa tương lai vào trong hiện tại, để tưởng tượng điều sẽ xảy ra như thể đang xảy ra bây giờ. Không một con vật nào có thể nói: “Tôi đau khổ vì nỗi đau này đã 6 năm rồi và nó sẽ còn mãi cho đến khi tôi chết.” Nhưng bởi vì một con người có thể nối kết quá khứ vào hiện tại nhà trí nhớ và nối kết tương lại vào hiện tại nhà trí tưởng tượng, nên nó cần thiết để con người sao lãng khỏi nỗi đau khổ của mình, làm cắt đứt sự liên tục của nỗi khốn khổ. Mọi sự bất hạnh (khi không có nguyên nhân trực tiếp gây ra đau buồn) đều xảy đến từ việc tập trung thái quá vào quá khứ hay bận tâm quá đến tương lại. Vấn đề của tâm thần học cần giải quyết nằm ở chỗ phân tích nỗi thất vọng, bi quan, sầu muộn và sự phức tạp, là những điều nối kết với nỗi sợ hãi và lo âu do tưởng tượng về điều sẽ xảy ra. Thêm vào đó là trường hợp lo âu, bất an, bận tâm đến quá khứ và tương lai vì vấn đề luân lý. Một lương tâm nặng nề lo âu vì tội lỗi trong quá khứ và lo sợ sự phán xét của Thiên Chúa.

2 Hai phương thuốc chữa trị

Nhưng Thiên Chúa do lòng thương xót của Ngài đã ban cho chúng ta hai phương thuốc cho trường hợp bất hạnh trên. Một là bí tích giao hòa xóa bỏ quá khứ bằng việc tha thứ tội lỗi của chúng ta và thắp sáng tương lai bằng niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự thống hối và thay đổi đời sống. Không điều gì có hiệu quả chữa lành ký ức và trí tưởng tượng của con người bằng việc xưng tội. Nó thanh tẩy chúng ta khỏi tội và nếu chúng ta nghe theo lời Chúa Giêsu, chúng ta sẽ loại bỏ khỏi tâm trí những tội của mình mà chúng ta đã xưng thú. Việc xưng tội chữa lành trí tưởng tượng, xóa bỏ sự lo âu về tương lai. Cùng với thánh Phaolô, chúng ta kêu lên: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng đã ban sức mạnh cho tôi” (P14,13).

Phương thuốc thứ hai cho căn bệnh của chúng ta là việc thánh hóa giây phút hiện tại. Chúa Giêsu nói: “Đừng lo lắng cho ngày mai. Ngày mai có ngày mai lo, ngày nào có cái khổ cho ngày đó” (Mt 6,34). Điều này có nghĩa rằng mỗi ngày có thử thách cho ngày đó. Chúng ta đừng mang lấy nỗi sầu muộn của ngày mai, bởi vì ngày nào có đủ thập giá cho ngày đó rồi. Chúng ta hãy phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa và tin tưởng vào tương lai, bất cứ thử thách nào xảy đến đều phát xuất từ sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi giây phút của cuộc sống có bổn phận của nó, bất kể vẻ bề ngoài của nó ra sao. Giây phút hiện tại là giờ cứu độ. Mỗi lời càm ràm là một thất bại. Mỗi hành vi nhẫn nhục chịu đựng là một chiến thắng.

Giây phút hiện tại bao gồm những điều chúng ta không kiểm soát được, nhưng nó mang theo những khó khăn chúng ta không thể tránh nét những điều như sự làm ăn thất bại, một cơn cảm cúm, mưa gió vào ngày dã ngoại, một vị khách khó chịu, một con ruồi trong ly sữa, một cái mụn nhọt trên mũi vào ngày họp mặt bạn hữu. Chúng ta không luôn luôn biết lý do tại sao những điều như bệnh tật và nghịch cảnh lại xảy ra cho chúng ta, vì tâm trí chúng ta quá nhỏ bé để nắm bắt kế hoạch của Thiên Chúa.

Khi ông Gióp đau khổ, ông đặt câu hỏi với Thiên Chúa: Tại sao ông được sinh ra? Tại sao ông phải chịu đau khổ? Thiên Chúa hiện ra với ông, nhưng thay vì trả lời các câu hỏi của ông, Ngài bắt đầu yêu cầu ông Gióp trả lời những câu hỏi về vũ trụ. Khi Đấng Tạo Hóa đặt câu hỏi, ông Gióp nhận ra rằng những câu hỏi của Thiên Chúa khôn ngoan hơn những câu trả lời của con người. Bởi vì đường lối của Thiên Chúa không phải đường lối của chúng ta, bởi vì ơn cứu độ của một con người thì quan trọng hơn mọi giá trị vật chất, bởi vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa có thể rút điều tốt lành từ sự dữ, tâm trí con người cần chấp nhận hiện tại, dù chúng ta không thể hiểu nổi. Chúng ta không rời bỏ rạp hát vì vị anh hùng bị bắn hạ ngay trong cảnh thứ nhất. Chúng ta tin tưởng người viết kịch bản đã có một kế họach trong đầu. Vì thế, linh hồn chúng ta nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Những gì xảy ra cho chúng ta không luôn luôn làm tổn thương cho tâm trí chúng ta; nhưng chúng luôn ở trong khả năng chấp nhận đức tin của chúng ta và sự vâng phục của ý chí chúng ta.

Khi chúng ta thật sự yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ hỏi tại sao? Đây chỉ là câu hỏi do sự ngờ vực, lừa dối và của quỷ dữ nêu lên. Hạnh phúc trong vườn địa đàng dựa trên tình yêu tín thác, nhưng Satan gợi lên câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa ra lệnh như vậy?” Đối với người đang yêu đích thực, mỗi ước muốn của người mình yêu là một mệnh lệnh, người đang yêu thực sự còn muốn những đòi hỏi của người mình yêu thật nhiều, để mình có cơ hội phục vụ. Những người đang thực sự yêu mến Thiên Chúa không phản đối, bất cứ điều gì Thiên Chúa yêu cầu họ, không nghi ngờ lòng nhân hậu của Chúa khi Ngài gửi đến cho họ những giờ phút khó khăn. Một bệnh nhân uống thuốc mà không đòi hỏi thầy thuốc làm giảm vị đắng đót của thuốc, bởi vì người bệnh tin tưởng sự hiểu biết của bác sĩ. Vì thế linh hồn có đức tin mạnh mẽ sẽ chấp nhận mọi biến cố trong cuộc đời như là những quà tặng của Thiên Chúa dành cho mình, trong niềm tin rằng Thiên Chúa biết điều gì tốt nhất cho tôi.

Mọi giây phút đưa đến cho chúng ta những kho báu nhiều hơn khả năng chúng ta có thể thu góp được. Giá trị lớn nhất của giây phát hiện tại là nó mang đến một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi cho tôi. Các sách báo, bài giảng đạo đức được gửi đến cho mọi người. Nhưng chúng lại chứa đựng các áp dụng cụ thể khác nhau cho mỗi cá nhân. Chính là vì tôi mà Chúa gửi đến cuốn sách hay bài giảng này.

Những ai biết thánh hóa giây phút hiện tại và dâng nó cho Chúa bằng việc kết hiệp với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ không bao giờ nản lòng thối chí, hay càm ràm, than trách. Họ vượt qua mọi chướng ngại bằng việc làm cho chúng trở thành cơ hội cho việc cầu nguyện, hy sinh để lập công. Chúng là cơ may để chúng ta lớn lên trong tình yêu. Khi một người không biết Thiên Chúa, không tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài, không tín thác vào tình yêu của Ngài, thiếu đức tin, cậy, mến thì lúc gặp khó khăn họ sẽ giận dữ, hối tiếc về quá khứ hay sợ hãi tương lai và chịu đau khổ rất nhiều. (Phần 2)

Trích từ Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét