Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

Dr. Scott Hahn về ngày thứ 5 Tuần Thánh làm sáng tỏ cái chết của Chúa Giêsu trên đồi Canvê

Lời từ video:

Trong Luca chương 22, nơi chúng ta tìm thấy điểm then chốt mà những bữa tiệc này hướng về, xa khỏi bữa ăn bình thường và bữa tiệc, để là bí tích và sự hiện diện của Chúa Thánh Thể. Chúng ta có một điều mang ý nghĩa quyết định, đặc biệt với những người Công Giáo,và tôi muốn kể về những gì xảy đến với tôi 3, 4 tháng về trước.

Tôi có một tình bạn  từ mãi những thập kỷ 1970 được nhen nhóm lại với người bạn cùng lớp là Chris. Chúng tôi học chung với nhau thời trung học và tốt nghiệp cấp 3 năm 1975 và anh ấy lại là thủ khoa. Anh ấy là một người Công Giáo đi lễ ngày Chúa Nhật đều đặn. Tôi không nhớ chuyện này nhưng anh ấy quả quyết với tôi là nó thường xảy ra: trong quán ăn tự phục vụ sau một vài câu hỏi thăm, tôi đi ngay vào cuộc tranh luận rằng bạn tìm thấy Tân Ước nói về hy tế của Thánh Lễ ở đâu? (Scott Hahn chưa phải là Công Giáo lúc này).

Gần đây Chris kể lại câu chuyện này cho tôi vì khoảng 8 năm về trước, chúng tôi gặp lại nhau lần đầu tiên ở phi trường sau vài chục năm. Anh ta nói: “Scott, anh sẽ vui mừng khi biết tôi bây giờ là người Tin Lành/evangelical Bible Christian. Và tôi nói: “Chris, tôi không biết bạn có vui không khi biết rằng tôi là người tin vào Tin Mừng Công giáo/Evangelical Bible Catholic.” Thật hơn cả hết sức kinh ngạc nên chúng tôi phải tìm chỗ ngồi và trao đổi khoảng 10 phút. Tôi phải nói sự thật về tôi trong khoảng thời gian ấy. Cuối cùng, chúng tôi trao đổi danh thiếp và từ lúc này bắt đầu gọi điện cho nhau tuy không đều đặn. Để tóm tắt câu chuyện, tôi chia sẻ với Chris những điều mà các giáo phụ chia sẻ với tôi qua các bài tôi đọc và cùng với họ là nhà thần học gia nọ mà tôi bắt đầu nghiên cứu cách kỹ lưỡng. Tên nhà thần học gia ấy là Ratzinger. Có lẽ các bạn đã nghe về ông ấy (ĐTC Benedictô).

Khoảng 27 năm về trước tôi bắt đầu ngấu nghiến những tác phẩm của người này và tôi bị đánh động vì điều ĐTC Benedictô nói trùng hợp với những gì tôi đọc nơi các giáo phụ.

ĐTC Benedictô đưa ra một điểm mà đối với tôi là điểm quyết định. Vấn đề là bạn tìm thấy ở đâu trong Tân Ước nói về hy tế của Thánh Lễ? Các anh em Kitô hữu, không phải là Công Giáo, sẽ không nêu ra Thánh Lễ là hy lễ nhưng họ sẽ chỉ về đâu? Đồi Canvê. Đồi Canvê là hy lễ. Và chúng ta có bất đồng với nhau về điều đó không? Dĩ nhiên không. Đồi Canvê không chỉ là hy lễ mà còn là hy lễ tối cao của mọi thời điểm.

Nhưng ĐTC Benedictô là người đã nêu ra điểm hiển nhiên mà tôi chưa nghĩ đến trước đây khi ĐTC chỉ ra rằng không một ai ở đồi Canvê hôm ấy, ngày thứ Sáu Tuần Thánh, về nhà và mô tả cảm nghiệm của họ với từ ngữ hy lễ. Tại sao không? Vì nó xảy ra bên ngoài thành Giêsusalem. Nó xảy ra xa khỏi Đền Thờ, nơi không có bàn thờ, không có vị tư tế nào trong y phục của người tư tế, không có hy lễ nào cả. Điều mà họ sẽ tường thuật khi trở về nhà ngày hôm ấy sẽ không gì hơn là một việc xử tử của người Rôma, đơn giản và rõ ràng chỉ là thế. Một cuộc xử tử tàn bạo nữa.

Vì thế câu hỏi cho tôi và cho Chris là qua cách nào mà một cuộc xử tử của người Rôma bỗng nhiên được biến đổi thành một hy tế mà mọi Kitô hữu, Công Giáo và Tin Lành, cùng đồng ý. Một hy lễ tối cao mà sẽ làm cho những dâng tiến súc vật không còn cần thiết nữa. Và tôi đã ép bức Chris như ĐTC Benedictô đã ép bức tôi.

Đây không là một điều dễ trả lời nhất là, nếu chúng ta nhớ, hầu hết những người tín hữu đầu tiên là những người Kitô hữu từ Do-thái giáo. Họ không có phương cách nào để biến đổi một vụ xử tử của người Rôma thành một hiến tế tối thượng. Tôi nêu ra cho Chris một lần nữa điều mà ĐTC Benedictô đã chỉ cho tôi, đó là điều này xảy ra từ  rất sớm.

Qua tác động của Chúa Thánh Thần và lời dạy của các tông đồ như chúng ta đã tìm thấy, có lẽ là tại thời điểm sớm nhất chúng ta tìm thấy trong thư thánh Phaolô gửi các tín hữu ở Côrintô, trong 1 Côrintô 5:7. Và Thánh Phaolô tuyên xưng Đức Kitô là gì? Con Chiên Vượt Qua đã được hiến tế vì chúng ta. Vì thế chúng ta hãy giữ ngày lễ này.

Trong những chương sau đó, từ chương 6 đến chương 11, Thánh Phaolô tiếp tục giải nghĩa ngày lễ với hình ảnh mà chúng ta nhận ra là Bữa tiệc Thánh Thể, Thánh Lễ, nhất là chương 11. Đức Kitô, Con Chiên Vượt Qua của chúng ta đã được hiến tế là điều thật sự mở mắt tôi để tôi thấy rằng cách duy nhất mà Giáo Hội tiên khởi có thể nhìn thấy một cuộc xử tử là một hy tế trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, đó là nhờ việc quay trở lại, một bước nhảy lớn và nhìn vào điều xảy ra ngày thứ Sáu Tuần Thánh trong ánh sáng của những gì Chúa Giêsu làm trong ngày thứ Năm.

Chúa Giêsu đã làm gì ở Lầu trên với các môn đệ trong ngày thứ Năm Tuần Thánh? Ngài cử hành Lễ Vượt Qua của Cựu Ước lần cuối cùng. Nhưng đó không là tất cả mọi sự Ngài làm. Ngài làm ứng nghiệm sứ vụ Con Chiên và thay thế  Lễ Vượt Qua [của Cựu Ước] nhưng  không chỉ có thế, Ngài còn biến đổi cái cũ thành cái mới.

Lễ Vượt Qua của dân Israel từ thuở xưa trở nên Lễ Tạ Ơn (Thánh Thể) của Giao Ước Mới. Vì thế, các môn đệ trong khi đang trải nghiệm nghi lễ quen thuộc mà họ đã biết từ tuổi thơ, bỗng nhiên một sự gì khác biệt, ngoài nghi thức đang diễn ra. Ngài nói gì vậy? “Đây là mình Thầy sẽ được trao ban cho các con.” Lời này đã được viết xuống ở đâu chưa? Chưa. Ngài vừa mới thêm nó vào. “Đây là mình Thầy sẽ được trao ban cho các con.” Loại văn nào đang được chèn vào đây? Và gần cuối bữa tiệc họ nghe một điều khác. “Đây là chén máu của Thầy, máu của Giao Uớc Mới. Giao Uớc Mới có thể được dịch là Tân Ước. Từ “diathéké” trong Hy-lạp có thể được dịch “Giao ước mới” hay “Tân Ước.” Máu của Giao Ước mới, Tân Ước, được đổ ra cho nhiều người được tha tội. Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.”

Một lần nữa, các môn đệ thắc mắc và tự hỏi Ngài đang nói gì vậy? Ngài đang làm gì? Lối nói mới này là gì? Nghi thức mới được thêm vào này là gì? Và tôi nghĩ khi họ xong đêm ấy và đi với Chúa Giêsu vào vườn Ghếtsêmanê, họ vẫn thắc mắc. Tôi nghĩ họ không nhận ra được điều Chúa Giêsu thực sự đang nói hay làm ngay cả ngày hôm sau. Chỉ nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, họ mới nhận ra Ngài không chỉ cộng thêm chút lời, hay chút nghi thức. Ngài nói điều Ngài muốn nói, và Ngài muốn điều Ngài nói: “Đây là mình Thầy sẽ được trao bạn cho các con.” Đó là cách Ngài ứng nghiệm Lễ Vượt Qua của Cựu Ước như là Con Chiên đích thực.

Đó là cách Ngài biến đổi nó thành Lễ Vượt Qua của Tân Ước qua việc thành lập bí tích Thánh Thể. Vì thế, khi Ngài nói: “Đây là chén máu của Thầy, máu của Giao Ước Mới, của Tân Ước.” Chén rượu không còn là rượu nữa, giờ đây chính Đức Kitô hiện diện trong chén ấy.

Với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần, những tín hữu tiên khởi nhận ra rằng Lễ Tạ Ơn, hay Thánh Lễ đã biến đổi thứ Sáu Tuần Thánh từ chỉ là cuộc xử tử để trở thành đích điểm và đỉnh cao của Giao Ước Mới. Tôi nói với bạn: Nếu Thánh Lễ đầu tiên không là một hy tế, thì đồi Canvê chỉ là một cuộc xử tử. Chỉ khi nhận ra Thánh Lễ đầu tiên là hy tế, chúng ta mới có thể hiểu niềm tin của thế hệ đầu tiên mà đã biến đổi đồi Canvê thành hy tế tối cao, hoàn tất mọi hiến dâng của súc vật trước đó.

Thánh Thể là điều biến đổi đồi Canvê thành hy tế. Một hy tế không thể tách rời được và cùng là một sự tự hiến dâng, cũng như thứ Năm Tuần Thánh biến đổi thứ Sáu Tuần Thánh từ một cuộc xử tử tàn bạo để trở thành một hy tế của Thiên Chúa.

Tôi muốn đưa ra điều này là Chúa Nhật Phục Sinh chính là điều biến đổi hy tế thành một bí tích, điều mà các tông đồ với quyền năng của Chúa Thánh Thần có thể thực hiện để nhớ đến Chúa Giêsu vì Ngài chính là Đấng thực sự hiện diện trong Thánh Lễ. Đó không phải là thân xác bị đánh nát của xác Chúa Giêsu treo trên cây thập tự, thở hổn hển và cuối cùng trút hơi thở.

Đó là cùng một hy tế, một thân thể, chỉ là lần này là thân xác phục sinh của Chúa Kitô, thân xác được lên trời, được làm vinh quang, được tôn vinh là Thiên Chúa, tính loài người thần thiêng của Chúa Kitô đang hiện diện trong các Nhà Tạm, trên bàn thờ, và trên lưỡi chúng ta khi chúng ta đón nhận Lễ Vượt Qua thần thánh này, hy tế Vượt Qua này. Chính là vì đó là Lễ Vượt Qua, chúng ta không cần phải suy nghĩ đó có phải là một hy tế, hay một bữa tiệc. Bởi vì Vượt Qua trong cả Cựu Ước và Tân Ước là gì? Nó là bữa tiệc, những bữa tiệc là nghĩa thứ hai. Trước hết và trên hết mọi sự, đó là hy tế và được lệnh truyền để là sự hiệp thông hy tế của Bữa tiệc Vượt Qua.

Vì thế Luca 22, khi đưa ra cho chúng ta việc thành lập bí tích Thánh Thể, đó là điều rọi sáng mầu nhiệm cây Thánh giá, bày tỏ cho chúng ta rằng Chúa Giêsu không chỉ là nạn nhân của bạo lực và bất công của Rôma, Ngài là hy lễ của tình yêu Thiên Chúa. Ngài không bị giết chết trong ngày thứ Sáu mà thực ra Ngài trao ban chính mình cho họ và cho chúng ta trong ngày thứ Năm. Và Ngài đã làm điều ấy.

Hay như Thánh Tôma Aquinô có nói, không phải vì những đau khổ Ngài chịu đựng trên cây thập tự mà đã cứu chúng ta. Trái lại vì Ngài yêu thương biết dường nào vì sự đau khổ, chính nó, không đủ. ĐTC Benedictô cũng có những lời tương tự: “Đau khổ mà không có tình yêu thì không thể chịu đựng nổi. Nhưng tình yêu mà không có đau khổ thì chỉ là lời nói suông hay chỉ là cảm xúc.”

Chúng ta bộc lộ tình yêu cách nào? Chúng ta chứng tỏ tình yêu cách nào? Bằng cách nào chúng ta hoàn hảo và thanh luyện tình yêu? Qua đau khổ. Và tình yêu làm gì cho sự đau khổ? Nó biến đổi đau khổ thành một hiến tế, một hy lễ. Sự dâng hiến của Chúa Kitô, sự tự hiến chính mình trong bí tích Thánh Thể mà Luca mô tả trong chương 22 chính là điều biến đổi sự tàn bạo và bạo lực của đau khổ của Chúa Giêsu khi Ngài gánh lấy chúng trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh thành hy tế thánh thiện trên mọi hy tế.

Nhưng hy tế mà Ngài dâng hiến không phải là vì thế mà chúng ta không cần dâng hiến hy tế, những chính là hy tế mà Ngài đã dâng hiến để chúng ta cũng có thể dâng hiến hy tế của chúng ta. Bằng việc đón nhận Thánh Thể trong tình yêu chúng ta có thể dâng hiến những đau khổ hèn mọn của chúng ta và kết hiệp chúng với hy lễ cứu chuộc của Chúa Kitô.

Một số các bạn là người Công Giáo từ khi sinh ra đã chia sẻ với tôi qua năm tháng rằng bạn biết nếu bạn dập đầu ngón chân hay trễ xe buýt, bạn biết câu mà mẹ bạn sẽ nói với bạn trong bầu khí gia đình Công giáo (đời sống đức tin trong gia đình cũng là một nghi thức, một phụng vụ), “dâng lên cho Chúa” và bạn biết đó không chỉ là một câu nói đạo đức.

Đó là mầu nhiệm Thánh Thể vì tình yêu chúng ta đón nhận trở thành tình yêu của chính chúng ta. Những đau khổ chúng ta gánh chịu có thể được biến đổi bởi tình yêu ấy để trở thành một lễ hy sinh. Và nhờ quá trình đó, chúng ta có khả năng, không chỉ để thắng cuộc tranh luận với người không Công giáo nhưng để thắng anh chị em chúng ta cho Đức Kitô, để chỉ cho họ rằng Thánh Lễ phải là một hy tế vì nếu không, đồi Canvê chỉ là một cuộc xử tử.

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive