Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Hỏa ngục là tội

Hoả ngục không phải chỉ là sự trừng phạt cho tội đã phạm; Hỏa ngục chính là tội ở nơi tột bậc của nó. Tội là hình phạt của chính nó cũng như “đức hạnh là phần thưởng của chính nó.” “Đó là trạng thái của cái chết của linh hồn.” Cái giá của tội là tội.

Quan niệm phổ biến về hỏa ngục là: nó là một cuộc sống đầy những đau khổ trong cõi vĩnh cửu hơn nghĩ nó là cái chết đời đời. Khái niệm phổ biến này xuất phát từ triết học Hy Lạp, vốn tin rằng linh hồn không thể chết “bởi vì nó là nguồn sống của chính nó”, một dạng tiểu thần linh. Kinh thánh nói sự sống của linh hồn bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì vậy, linh hồn có thể chết khi bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, cũng như thể xác có thể chết khi bị tách lìa khỏi nguồn sống của nó: linh hồn.

Khi linh hồn rời khỏi thân thể, thân thể không bị tiêu diệt và cũng không phải là một thân thể; nó được biến thành một xác chết. Khi sự sống của Chúa lìa khỏi linh hồn, thì linh hồn không bị hủy diệt và cũng không còn là linh hồn; nó đã chết.” Nó trở thành rác rưởi thuộc linh, và Hỏa ngục là bãi rác nơi rác rưởi bị đốt cháy.

Tội-hỏa ngục-sự chết của linh hồn, ba thuật ngữ này có cùng một nghĩa: bị tách lìa khỏi Chúa. Theo nghĩa thứ hai của nó, tội có nghĩa là những hành vi bất tuân cụ thể (“tội ta phạm”). Nghĩa đầu tiên của nó là tình trạng “tội nguyên tổ”, là nền tảng cho những hành vi tội lỗi cụ thể: sự cằn cỗi của linh hồn, sự không có sự sống của linh hồn.

Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta sự sống của Ngài từng giây phút. Ngài nói với từng người như Ngài đã nói với Đức Maria: “Con có cho phép Thần Khí của Ta làm cho con được thụ thai với sự sống của Ta để Con của Ta được sinh ra trong con không?” Sự kiện Truyền tin là dành cho tất cả mọi người, không chỉ Mẹ Maria, vì Mẹ Maria là mẫu mực của Giáo hội, tức là chúng ta. Nếu chúng ta lặp lại lời xin vâng của Đức Maria, thì lời Chúa sẽ được thực hiện; Thiên đàng đi vào tâm hồn, Chúa Kitô được tái tạo trong chúng ta. Nếu chúng ta không muốn, thì Chúa không thực hiện điều Ngài đưa ra. Và cái “không” này là Hỏa ngục. Nếu một đề xuất được đưa ra với sự tự do lựa chọn, thì việc tự do để từ chối là điều có thể.

“Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri và ném đá các sứ giả Ta sai đến cùng ngươi. Đã bao lần Ta muốn họp con cái ngươi như gà mẹ gom con lại dưới cánh mình nhưng các ngươi không chịu” (Mt 23:37).

 Chúa Giêsu đứng ở cánh cửa và gõ. Nếu cánh cửa vẫn bị khóa, nó sẽ trở thành cánh cửa của Hỏa ngục. C.S. Lewis cho thấy điều này có thể xảy ra với một người bình thường như thế nào trong truyện ngắn, “The Shoddy Lands / Vùng đất ảm đạm” của ông.[21] Tính ích kỷ, tự cho mình là trung tâm của Peggy khiến cô bị đóng kín vào trong bản thân và không thể “thích thú vào người khác”.[22]  Tại một thời điểm, khi cô ấy nghe thấy bạn trai của mình nài nỉ, “Peggy, Peggy, cho anh vào với”, cô ấy cũng nghe (có lẽ bằng tiếng gọi đầu tiên) Ai đó đang đứng trước cửa của cô và gõ cửa, Ai đó mềm mại như len và sắc bén như cái chết, nhẹ nhàng nhưng nặng không ai chịu nỗi, như thể sau mỗi cú gõ, một bàn tay khổng lồ nào đó bên ngoài bầu trời tồi tàn và dần dần hoàn toàn che phủ nó. Và với tiếng gõ cửa, một giọng nói làm xương của tôi muốn quỳ phục như cọng bún, “Này con, con ơi, hãy mở cửa cho Ta vào trước khi màn đêm đến”.

Hỏa ngục là sự chối từ Vị Khách thần linh này của linh hồn. Hỏa ngục là lời tuyên bố độc lập của chúng ta chống lại Vị Phu quân thần linh của chúng ta. Hỏa ngục không phải là đau khổ lãnh nhận cách thụ động mà là sự chủ động nổi loạn. Ngay cả những nỗi đau của Hỏa ngục cũng là chủ động chứ không thụ động. Ngay cả những nỗi đau trần thế cũng là trong thế chủ động: nỗi sợ hãi, lòng căm thù hoặc sự nổi loạn của tâm linh chống lại con dao (chủ động), chứ không phải bản thân con dao (thụ động). Khi thuốc phiện hoặc yoga ngăn chặn sự nổi loạn bên trong, cơn đau không còn là cơn đau nữa. Nếu ngay cả những nỗi đau trần thế là thái độ chủ động của tinh thần, thì những nỗi đau của Hỏa ngục còn nhiều hơn biết bao.

Đây là một hậu quả rất thực tiễn của khái niệm hoả ngục là tội: nếu hoả ngục là tội, thì tội cũng là hoả ngục. Chúng ta hẳn đã từng vào hoả ngục - ít nhất là đã đứng ngoài hiên hay phần ngoài rìa của nó - rất nhiều lần (và, nhờ ơn Chúa, đi xa được khỏi nó lần nữa). Sự khác biệt thực tế mà điều này tạo ra là nếu nó được tin vào, điều đó sẽ là một ngăn chặn tuyệt vời để ta không phạm tội. Chúng ta phạm tội vì ta xem tội lỗi như một cuộc thỏa thuận, rằng nó đem lại lợi ích, rằng “công bằng thì không có lợi hơn là bất công.” Dường như tội chỉ đơn giản là sự lựa chọn giữa các lối sống khác nhau trong thế giới này. Nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng mọi tội đều có tính hỏa ngục, nếu chúng ta thấy trên trần gian này, tội là hỏa ngục đội lốt, chúng ta sẽ chạy đến với Chúa Cha trong sợ hãi. Nỗi sợ hãi như vậy không phải là điều xấu: “Khi có thú dữ vây quanh, biết sợ thì tốt hơn là tự cảm thấy an toàn.”[23]

21 C. S. Lewis, “The Shoddy Lands” in Of Other Worlds (New York: Harcourt, Brace & World, 1967).
22 Gilbert Meilaender, The Taste for the Other: The Social and Ethical Thought of C. S. Lewis (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1978).
23 George MacDonald, Unspoken Sermons, first series (London, New York: Rutledge, 1873), p. 4.

Chuyển ngữ từ Everything Everything You Ever Wanted to Know About Heaven by Peter Kreeft

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive