Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Những cám dỗ và thử thách

Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của Ngài, đã quy định rằng những cám dỗ và khó khăn có nguồn gốc từ con người sa ngã của chúng ta, chính chúng có thể trở thành những phương tiện rất quan trọng để biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành hình ảnh của Chúa, đó là cùng đích và là ơn gọi của chúng ta. Một trong những điều quan trọng nhất cần được nhận ra về cuộc hành trình thiêng liêng là việc gặp phải những cám dỗ và thử thách là điều kiện cần thiết cho sự tăng triển.

“Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” (CV 14:22)

Chúng ta không thích những thử thách này. Chúng đem lại những đau khổ trong cuộc sống. Thế nhưng, nếu chúng ta phản ứng đúng cách, chúng có thể dẫn đến sự bình an sâu sắc của sự công chính / thánh thiện (x. Híp-ri 12:11).

Mặc dù mọi thứ xung quanh chúng ta dường như đang sụp đổ, kể cả bản thân chúng ta, nhưng khi có cơ hội nhìn lại chúng ta sẽ có thể thấy nỗi đau khổ này “nhẹ nhàng” như thế nào, so với “một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” đã được chuẩn bị cho chúng ta và trong chúng ta (x. 2 Cr 4:16–18).

Thật không may, việc không nhận ra và đối phó với những cám dỗ và thử thách có thể mang đến sự bối rối và dẫn đến những quyết định thiếu khôn ngoan, cản trở sự tiến triển của chúng ta. Một trong những đóng góp to lớn của các thánh là cái nhìn sâu sắc đáng chú ý của các ngài về bản chất của những cám dỗ và thử thách mà chúng ta sẽ gặp trên hành trình và lời khuyên của họ để chúng ta thành công trong việc đối phó với chúng.

Thánh Têrêsa Avila, chẳng hạn, xác định một số cám dỗ những người trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình, ngay sau khi họ hoán cải, hoặc vừa tỉnh ngộ, thường phải đối mặt. Những cám dỗ tương tự này cũng có thể xuất hiện trong cuộc hành trình sau này nữa, nhưng học cách đối phó với chúng ngay từ đầu sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.

Têrêsa chỉ ra rằng một số cám dỗ chủ yếu có nguồn gốc từ bản chất con người sa ngã của chính chúng ta, với những ham muốn rối loạn của nó bị tội lỗi biến đổi và làm cho trở nên mù quáng; những cám dỗ khác  bắt nguồn từ “sự khôn ngoan theo thói” trần gian, thường là chống lại đường lối của Chúa; và những cám dỗ khác nữa là do ma quỷ xúi giục. Têrêsa xác định ma quỷ là một “lũ không gây ồn ào”, âm thầm hoạt động để dẫn chúng ta đến những quyết định thiếu khôn ngoan và gây hại cho chúng ta. Tiến triển trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là dần dần được giải phóng khỏi những ảnh hưởng này và ngày càng quy phục Thần Khí của Chúa.1 Hiểu những gì đang xảy ra với chúng ta sẽ giúp ích rất nhiều trong việc được tự do. Đúng là sự thật sẽ giải phóng chúng ta.

Teresa of Avila, The Interior Castle, sect. I, chap. 2, no. 16, p. 295.

Chuyển ngữ từ The Fulfillment of All Desire by Ralph Martin

Share:

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Lễ Chúa thăng thiên - Chúa Giêsu vào “cung thánh không do người phàm làm ra”

Bài đọc 2 của Lễ Thăng thiên (nếu được chọn)

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri (Híp-ri 9:24-28; 10:19-23)

Quả thế, Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta. Người vào đó, không phải để dâng chính mình làm của lễ nhiều lần, như vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài khác mà vào cung thánh. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.

 Vậy, thưa anh em, nhờ máu Đức Giê-su đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.

 


 

Chú giải từ video của Dr. Brant Pitre

Tôi không luôn tập trung vào bài đọc thứ hai bởi vì bài đọc thứ hai có ý nghĩa riêng của nó, nhưng hôm nay tôi muốn làm nổi bật điểm bài đọc thứ hai là từ thư gửi tín hữu Híp-ri, chương 9 & 10.

Thư gửi Híp-ri là bài suy niệm có ý nghĩa rộng nhất về mầu nhiệm Chúa thăng thiên trong Tân Ước. Và bài đọc hôm nay nói về sự kiện Chúa Kitô đã vào trong “cung thánh không do người phàm làm ra”, và Ngài là “vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa”.

Bài đọc thứ 2 này trình bày chi tiết việc Chúa Giêsu đi vào cung thánh trên cõi trời. Lý do điều này quan trọng cho ngày Lễ Thăng thiên hôm nay là, qua việc thăng thiên vào cõi trời, Chúa Giêsu không chỉ trở về với Cha và Ngài không chỉ lên ngai vương đế của mình. Theo thư gửi tín hữu Híp-ri, trong ngày Chúa thăng thiên, Ngài đi vào cung thánh trên trời, “cung thánh không do tay người phàm làm ra”, để hiến tế chính mình và dâng hy tế ấy lên Chúa Cha cho đến muôn đời, một lần và mãi mãi.

Tại sao điều này quan trọng? Nó quan trọng bởi vì ngoài điều đó ra, bạn không thể hiểu tại sao việc Chúa lên trời là cao điểm của mầu nhiệm Vượt qua. Nhiều người trong chúng ta, khi nghĩ đến Chúa Giêsu dâng hiến của lễ, chúng ta chỉ nghĩ đến đồi Canvê, nơi Ngài đổ máu và hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá. Đúng đó là một hy sinh tối thượng. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Bữa Tiệc Ly, trong đó Người dâng hiến mình máu Ngài dưới hình dạng của bánh và rượu. Đó cũng là một phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.

Nhưng điều mà chúng ta có thường quên là hiến tế trần thế mà Chúa Giêsu bắt đầu ở Lầu trên, rồi đưa lên đỉnh điểm trên đồi Can-vê, không dừng lại ở đồi Can-vê. Khi phục sinh từ cõi chết và sau đó lên trời, Chúa Giêsu mang thân xác của Ngài, đã bị đóng đinh và sống lại (nhưng mang những vết thương), và Ngài mang bản chất con người đó, thân thể con người, thân thể vinh hiển đó, vào trong nơi cung thánh trên trời, nơi Ngài dâng mình làm của hy lễ dâng lên cho Chúa Cha, không phải trong thời gian, nhưng trong cõi vĩnh cửu; không phải trên đất, nhưng ở trên Thiên đàng.

Và theo nghĩa này, điều đó thật đáng chú ý. Ở trần gian, Ngài hoàn thành lễ Vượt Qua và là Con chiên Vượt Qua được hiến tế, nhưng việc , khi thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm một lần vào nơi Cung thánh để dâng của lễ chuộc tội. của dân israel, vì tội lỗi của năm đó. Anh ấy sẽ làm điều đó hàng năm. Tại đây, Chúa Giê-su đi vào thánh địa thiên đàng không phải năm này qua năm khác, nhưng một lần và mãi mãi. Vì vậy lễ Thăng thiên là một phần thiết yếu (không có ý định chơi chữ) của mầu nhiệm Vượt qua, vì nó lấy sự kiện lịch sử của cuộc Khổ nạn và đưa nó vào cõi vĩnh hằng. Và bạn không cần phải nghe lời tôi về điều đó, bạn thực sự có thể nghe Giáo lý. Vì vậy, trong Giáo lý của Giáo hội Công giáo, đoạn 662, có một bài suy niệm tuyệt đẹp về Sự thăng thiên. Tôi sẽ kết thúc bằng những từ này. Đây là những gì nó nói:

Việc đưa lên thập giá mang ý nghĩa biểu hiện và báo trước việc “đưa lên” trong mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập Giá là bước đầu của Thăng Thiên. Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, đã chẳn “vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, ... nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa, mà chuyển cầu cho chúng ta” (Híp-ri 9:24).

Đó là một câu trích dẫn từ thư gửi tín hữu Híp-ri cho ngày hôm nay.

 Ở trên thiên đàng, Chúa Kitô vĩnh viễn thi hành chức vụ tư tế của mình, vì Người luôn  “đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu” cho những ai đến gần Thiên Chúa qua Ngài. Là “Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai”, Ngài là trọng tâm và là tác nhân chính yếu của phụng vụ tôn vinh Cha trên trời.

Điều đó nghĩa là gì? Hãy để tôi diễn đạt theo cách này: Qua nhiều năm, tôi luôn tự hỏi, làm thế nào mà hy tế của Chúa Giêsu trên đồi Canvê (xảy ra cách đây 2000 năm), làm thế nào mà điều đó lại hiện diện với tôi hôm nay qua hy tế Thánh Thể (qua Thánh lễ)? Làm thế nào mà mình và máu của Chúa Giê-su được đổ ra trong Lầu trên và sau đó đổ ra trên đồi Can-vê, theo cách nói, nó chuyển tải như thế nào qua thời gian để đến với tôi lúc này, trong thế kỷ 21?

Và câu trả lời rất đơn giản. Đó là nhờ việc Chúa thăng thiên vì qua sự kiện thăng thiên, Chúa Giêsu Kitô đem sự hy tế xảy ra trong lịch sử cách đây 2.000 năm này, và đưa nó vào cõi vĩnh hằng, nơi nó không còn bị ràng buộc bởi không gian và không còn bị thời gian ràng buộc nữa. Và hy tế đó, hy tế duy nhất, giờ đây có thể hiện diện trên mọi bàn thờ trên khắp thế giới mỗi khi Thánh lễ được dâng hiến.

Đây là lý do tại sao hiểu biết ý nghĩa của việc Chúa thăng thiên là điều chốt yếu nếu bạn muốn hiểu tại sao khi một linh mục dâng hiến hy tế của Thánh Lễ, vị linh mục ấy không hiến tế Chúa Giêsu một lần nữa. Chúa Giêsu không bị hiến tế một lần nữa. Thánh lễ là trần thế tham gia vào hy tế duy nhất mà giờ đây được đưa vào cõi vĩnh hằng qua mầu nhiệm Chúa thăng thiên.

Đó là lý do tại sao khi linh mục trên trần thế dâng hy tế Thánh Thể, họ đang thực sự tham gia vào chức tư tế vĩnh cửu duy nhất của Chúa Giêsu Kitô,Vị Thượng tế của chúng ta, trên thiên đàng.

Share:

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

8 Cách Thức Người Ta Để Cho Ma Quỷ Chiếm Chỗ Trong Linh Hồn Họ

Cha Vincent Lampert là linh mục trừ quỷ của Địa phận Indianapolis. Cha đã xuất bản sách, diễn thuyết nhiều nơi không để chúng ta “sợ Satan mà là để giúp người ta hiểu sâu hơn về sức mạnh cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến và đánh bại ma quỷ.”[1]

Ad không dịch video này để chúng ta bị ám ảnh về ma quỷ mà là cảm thấy đức tin Kitô giáo thật mạnh mẽ biết bao và chúng ta phải lấy làm nghiêm trong việc sống đời sống đức tin, việc lãnh nhận các bí tích: xưng tội thường xuyên, tham dự Thánh lễ cùng với việc chuẩn bị tâm hồn để rước lễ. Cha Gabriele Amorth, nhà trừ quỷ của Rôma thường được trích là đã nói, “một lần xưng tội cách chân thành thì mạnh hơn cả việc trừ quỷ.”

Khi bạn sống đời đức tin của mình và siêng năng lãnh nhận các bí tích, bạn sẽ được bảo vệ cách mạnh mẽ khỏi mọi yếm bùa, nguyền rủa… các tất cả các thứ đó. Vì ma quỷ phải sợ Thiên Chúa nơi bạn hơn là bạn cần sợ nó.

Trong khi chúng ta sợ hãi về những hiện tượng quỷ nhập, chúng ta lại không chút sợ hãi về việc ma quỷ len lỏi và làm hại đời sống chúng ta qua việc nói hành, nói xấu, thù ghét, chửi bới nhau, coi trọng cuộc nói chuyện với bạn bè, đi chơi, đi nghỉ hơn là việc tham dự Thánh Lễ... Ma quỷ không thích biểu hiện qua việc quỷ nhập vì chúng ta thấy nó xấu xí, ghê tởm, rợn rùng. Nó thích ẩn trốn trong những việc chúng ta ưa thích, những thói quen xấu làm chúng ta lơ là về đời sống đức tin.

Cha Vincent Lampert trong cuốn sách cũng có viết, “Những trường hợp quỷ nhập thật thì hiếm—chúng có thật—chúng thực sự xảy ra—nhưng không quá thường hằng. Có lẽ một trong 5000 trường hợp [có liên quan đến quỷ] là trường hợp quỷ nhập thật. Hầu hết các trường hợp tôi phải đối phó có liên quan đến quỷ phá, hành hạ và ám ảnh / infestation, vexation, and obsession”[2]

Nhưng còn bao nhiêu việc nó làm trong đời sống hằng ngày mà chúng ta không bao giờ đem tới tòa giải tội để được Chúa rửa sạch, chữa lành và ban sức mạnh để ta đuổi nó ra khỏi đời mình ngày càng mạnh mẽ hơn nhờ được giống Chúa hơn.

 

Lời từ video:

Đâu là những cách thức chủ yếu người ta để cho ma quỷ có chỗ đứng trong đời sống của họ? Sự thật là nếu chúng ta đang sống đời sống đức tin như những người Công Giáo: cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích thì cũng đủ khiến ma quỷ bỏ chạy rồi. Chúng ta không có gì phải lo sợ. Nhưng khi người ta không sống đời sống Đức Tin của mình thì đó là lúc ma quỷ có thể tìm cách xâm nhập.

Trong 15 năm khi tôi thực hiện tác vụ trừ quỷ này, có vô số cách thức mà mọi người bị rơi vào cạm bẫy ma quỷ đặt ra. Nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn 8 cách chủ yếu mà tôi thấy được người ta mở ra cánh cửa cho ma quỷ đi vào đời sống của họ. Và những điều này không theo bất kỳ sắp xếp cụ thể nào.

1. Đó là những liên kết với điều huyền bí. Từ “occult /huyền bí” xuất phát từ tiếng La tinh “occultus” có nghĩa là giấu kín hoặc bí mật. Nó tập trung vào kiến thức huyền bí. Căn nguyên cơ bản của nó là vì người ta muốn nhìn thoáng tới tương lai. Nó liên quan đến những thứ như: đọc chỉ tay, người trung gian, cầu cơ, bài tarot, đi tìm người ngoại cảm (ông đồng bà cốt) hoặc người trung gian, thực hành yoga, reiki, sử dụng các đá tinh thể, sử dụng ma thuật (magic).

Tất cả các ma thuật vốn dĩ thuộc về ma quỷ. Tôi không có ý nói những thủ thuật như trò ảo thuật với các lá bài, nhưng “ma thuật” theo nghĩa thực của từ này bắt nguồn từ ma quỷ. Có những thứ như xem tử vi/cung hoàng đạo, những thứ này có vẻ như chỉ mang tính giải trí và cho vui nhưng điều đó không có nghĩa là ma quỷ không sử dụng nó một cách rất tinh vi hòng cố gắng chiếm được chỗ đứng trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi chưa đề cập đến việc thực hành gõ vào gỗ (knocking on wood). Đừng giơ tay. Có ai đã từng gõ vào gỗ chưa? Bạn có biết tập tục này bắt nguồn từ đâu không? Nó là một tục lệ của một nhóm thuật sĩ, họ tin rằng có các thần sống trong cây. Khi bạn gõ vào cây, bạn đang cầu viện những thần sống trong cây đến giúp đỡ bạn và đáp ứng lời bạn cầu xin. Nếu bạn đã làm điều đó, tôi không nói rằng bạn bị quỷ ám nên đừng lo lắng về điều đó. Tôi chỉ đưa ra như một ví dụ về cách những thứ có liên quan đến điều huyền bí có thể trở nên phổ biến đến mức chúng ta thậm chí không suy nghĩ về ý nghĩa của chúng, hoặc về những gì chúng ta đang làm.

Chắc chắn là Phép phù thủy/ma thuật thuộc về lĩnh vực huyền bí. Tất cả những thực hành này đều bị lên án vì chúng là một hình thức thờ ngẫu tượng, vi phạm điều răn thứ I trong Mười Điều Răn khi Chúa phán: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.”

Khi người ta tìm đến những điều huyền bí, họ đang tìm kiếm một vị thần thay thế cho Thiên Chúa. Chúng ta thậm chí có thể đọc trong chương 18 của sách Đệ Nhị Luật câu 10, 11 và 12; "Giữa anh em không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn." Các linh mục trừ quỷ sẽ nói cho bạn biết những người ngoại cảm và làm trung gian không có quyền năng nào trong khi họ nói rằng họ có. Hoặc là họ biết quyền lực của ma quỷ đang hoạt động qua họ, hoặc họ bị lừa bịp bởi chính ma quỷ đang hoạt động trong họ để họ tin rằng quyền năng có ở trong họ.

Không ai biết được tương lai trừ một mình Chúa mà thôi (Vì lời cầu nguyện của bạn có thể thay đổi tình huống *người dịch). Ma quỷ rất nhanh nhạy, nó có thể sử dụng lý lẽ suy luận, nó có thể theo dõi và quan sát chúng ta để suy đoán chúng ta đang nghĩ gì hoặc cách chúng ta hành động. Nhưng tôi nhấn mạnh, đó chỉ là phỏng đoán mà thôi. Chỉ một mình Chúa biết tương lai. Và mọi người cần nhận ra rằng chúng ta không thể sử dụng ma quỷ cho lợi ích riêng của mình vì cuối cùng ma quỷ sẽ dùng chúng ta. Cùng đích của ma quỷ là nó muốn cuộc sống chúng ta trở thành hư vô, chỉ còn là một mớ các mảnh vỡ vụn.

2. Cách thứ hai mà người ta có thể mở cửa để ma quỷ đi vào là thông qua ngành công nghiệp giải trí: phim ảnh, truyền hình thực tế, tác phẩm truyện, trò chơi và các dụng cụ điện tử. Trẻ em ngày nay lớn lên trước màn hình, khiến các em bị cô lập và không thuộc về cộng đồng. Khi bạn đi đến nơi nào đó và có một nhóm người gặp gỡ nhau, phần lớn thời gian, họ có tương tác với nhau không? Hay họ chỉ nhìn vào thiết bị của chính mình? Vì thế, chúng ta đang bỏ lỡ ý thức về tính tập thể, cộng đồng.

Chúa Giêsu đã đến và lập nên Giáo hội. Giáo hội là từ mà nghĩa của nó là Cộng đoàn, cộng đồng. Mục đích của ma quỷ là cô lập chúng ta để chúng ta chỉ còn là một tập hợp của những cá nhân bị mắc kẹt trong thế giới nhỏ bé của riêng mình và sống theo ba nguyên tắc: Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn; Không ai có quyền chỉ huy tôi và tôi là chúa của mình.

Nếu bạn nghĩ về một số loại văn học, người ta quảng cáo việc trở thành một phù thủy hoặc thầy pháp giống như có một địa vị quyền lực, thứ xấu xa được người ta giới thiệu như một điều gì đó tốt, những thứ thuộc về ma quỷ không bị người ta xem như một thứ gì xấu xa.

Lời nguyền rủa, câu thần chú, thuật giả kim, thuật gọi hồn được người ta giới thiệu như những điều tốt đẹp. Chúng ta cần nhận ra rằng những cuốn sách về ma thuật có bản chất là giảng dạy, mục đích là dạy cho những người trẻ của chúng ta một thông điệp, thông điệp này đương nhiên không phù hợp với việc gầy dựng một mối tương quan chân thực và đúng nghĩa với Chúa.

Chỉ cần dừng một chút để xem xét trong các trường công lập của chúng ta, bạn có thể tìm thấy sách gì ở đó? Sách về phép ma thuật và các thứ liên quan nhưng bạn sẽ không thể tìm thấy cuốn Kinh Thánh. Kinh Thánh đã bị cấm nhưng sách văn học liên quan đến việc tôn vinh cái ác thì được vui mừng đón nhận [vào thư viện] hơn.

3. Cánh cửa thứ ba của ma quỷ là qua lời nguyền rủa. Lời nguyền rủa thì đối lập với lời chúc phúc. Khi một vật gì được làm phép/chúc lành, nó được gửi gắm đến với Chúa. Khi một vật gì bị nguyền rủa, nó được cống hiến cho ma quỷ hoặc một thần ác nào đó. Vì thế, nguyền rủa ai đó là tìm cách làm hại họ cùng với sự giúp sức từ Satan hoặc một trong những đám quỷ của hắn.

Lời nguyền rủa chỉ hiệu nghiệm khi đời sống đức tin của bạn yếu ớt. Chúng ta không thể kiểm soát điều gì người khác gây ra cho chúng ta. Họ có thể muốn chúng ta gặp rủi ro, họ có thể tham gia vào những hành vi, nghi thức huyền bí, tìm cách để ám hại chúng ta qua lời nguyền rủa và các thứ. Chúng ta không thể kiểm soát được họ nhưng chúng ta có thể bảo đảm chúng ta có một đời sống tâm linh vững chắc.

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô 6:10 nói, Chúng ta hãy mặc toàn bộ binh giáp vũ khí của Chúa Kitô. Chúng ta nghĩ đến Thánh vịnh 91: “Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày.” Tại sao? Vì chúng ta đang bảo vệ chính mình bằng Ân sủng của Chúa. Tôi muốn nói rõ, những lời nguyền rủa chỉ có hiệu nghiệm khi chúng ta yếu ớt trong Đức Tin.

Nếu chúng ta tin rằng chúng ta đang bị nguyền rủa thì giải pháp của chúng ta là chúng ta cần phải tăng trưởng trong mối tương quan với Chúa Kitô.

4. Cửa thứ tư ma quỷ đi vào là khi người ấy được dâng hiến cho quỷ. Giáo hội dạy không ai ở dưới độ tuổi có lý trí có thể tự đem sự dữ đến cho chính mình. Nếu người chưa đến tuổi có lý trí đang phải đối mặt với ma quỷ tức là có người nào đó đang có quyền trên những đứa trẻ đó, chẳng hạn như cha mẹ hoặc người giám hộ, họ chịu trách nhiệm cho việc đó. Tuổi có lý trí là tuổi nào? Bảy tuổi, đó cũng là lúc một đứa trẻ được xưng tội và rước lễ lần đầu.

Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Trong số 40 cuộc trừ quỷ, có một phụ nữ trẻ. Cô ấy chia sẻ câu chuyện rằng khi cô ấy được sinh ra, mẹ cô ấy đã hiến dâng cô ấy cho Satan vì mẹ cô ấy không muốn có cô. Bà đã tìm cách phá thai. Việc phá thai không thành và cô được sinh ra. Mẹ cô đổ lỗi cho Chúa là đã cho bà một đứa con bà không muốn và bà muốn trả thù Chúa bằng việc hiến dâng đứa bé cho Satan. Trong suốt 12 năm đầu tiên của cuộc đời, cô đã trải qua tất cả các thứ nghi lễ thờ phượng Satan và lạm dụng tình dục. Khi cô 12 tuổi, cô bỏ nhà chạy trốn và rốt cục là trở thành kẻ vô gia cư trên đường phố Rôma. Khi cô 18 tuổi, cô tìm gặp vị linh mục đang huấn luyện tôi và sau đó vị linh mục đó bắt đầu làm buổi cầu nguyện trừ quỷ cho cô. Tin mừng về cô gái trẻ này là cô đã hoàn toàn tự do, cô tiếp tục dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa và bây giờ là một nữ tu dành cả cuộc đời mình để giúp đỡ những trẻ em sống vô gia cư trên đường phố ở Rôma.

Đó là một câu chuyện tuyệt vời và đầy mạnh mẽ vì nó nhắc nhở chúng ta rằng không một ai bị hư mất đối với Lòng Thương Xót và Ân Sủng Chúa. Nếu chúng ta muốn được tìm thấy, Chúa sẽ tìm thấy chúng ta. Tất cả chúng ta đều có ý chí tự do, nhưng chúng ta phải muốn được tìm thấy. Cô gái trẻ này muốn được tìm thấy và kết quả là cô ấy đã được cảm nếm tự do. Ngay cả khi ai đó bị quỷ nhập, nơi người ấy vẫn còn phần nào đó là ý chí tự do và phần tự do còn lại đó có thể cầu viện đến sự trợ giúp từ Giáo hội.

5. Cửa thứ năm là lạm dụng [tình dục]. Điều này tạo nên những vết thương cảm xúc mà có thể khiến một người tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chốn sai lầm.

Một trong những buổi trừ quỷ tôi thực hiện gần đây là một người phụ nữ lớn lên ở Mexico, cha bà bắt đầu cưỡng hiếp bà khi bà mới 7 tuổi. Bà chia sẻ với tôi câu chuyện này, khóc, và nói việc này kéo dài hơn 5 năm. Khi bà ấy 12 tuổi, ông bố chuyển chú ý sang em gái bà. Bà chia sẻ câu chuyện đời bà với tôi, khóc, nhìn tôi và hỏi, “Cha có thể giúp tôi không?” Tôi nhìn vào bà và nói, “Chúa Giêsu sẽ giúp bà.”

Ngay khi tôi nói lời đó, tròng mắt bà chuyển thành màu xanh lá cây, con ngươi xếch lên như con rắn và một giọng nói phát ra từ miệng bà, “Ông ấy là ai? Ông ấy không có quyền gì trên chúng tôi.” Người bạn cùng đi với bà, nhảy qua bàn để tránh xa khỏi bà. Người linh mục vừa mới được thụ phong, cha phụ tá của giáo xứ quỳ sụp gối và bắt đầu lẩm bẩm liên tục Kinh Kính Mừng như một khẩu súng máy. Linh mục ấy run rẩy quá sức làm tôi nhớ lại những ngày đầu tiên của mình. Tôi lập tức đứng dậy và đặt tay lên đầu người đó, bắt đầu cầu nguyện. Con quỷ ngước lên nhìn tôi bằng cặp mắt xanh lục và nói, “Mày không đuổi được chúng tao đâu. Chúng tao đã ở đây lâu lắm rồi. Mày không đủ mạnh.” Tôi thò tay vào túi lấy nước thánh ra và nói lời chúc lành trên bà. Một tiếng thét kinh hồn và con quỷ gục xuống đất, van xin tôi ngừng cầu nguyện và ngừng sử dụng nước thánh. Chúng tôi kết thúc buổi cầu nguyện đó.

Thật quan trọng khi cần phải luôn chuẩn bị trước. Trước khi thực hiện việc trừ quỷ theo nghi thức chính thức, tôi cần chuẩn bị bản thân. Tôi sẽ cử hành Thánh Lễ, dành thời gian cầu nguyện, xưng tội, xác định buổi trừ quỷ sẽ xảy ra ở đâu, xác định những ai sẽ hiện diện. Không có chuyện như buổi tham quan trừ quỷ, không ai có mặt ở đó vì tò mò. Những người khác hiện diện ở đó là để cầu nguyện.

Một tuần sau đó, tôi sắp đặt một nhà nguyện cho việc trừ quỷ. Tất cả chúng tôi hiện diện và cầu nguyện. Ngay khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện thì một lần nữa là đôi mắt xanh, con ngươi mắt như của rắn, con quỷ cười và chế nhạo tôi. Sau 45 phút cầu nguyện, tôi đọc lời cầu nguyện thổi hơi, cầu khẩn đến Chúa Thánh Thần. Đó là một phần của nghi thức, khi linh mục trừ tà thở hơi vào mặt của người bị quỷ nhập, kêu cầu đến Chúa Thánh Thần. Nó gợi lại cảnh Chúa Giêsu thở hơi vào các tông đồ nói, “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần.” Tôi chỉ thổi rất nhẹ, nhưng bạn có thể tưởng tượng người đó như thể bị một cơn gió cuồng phong đập vào bà đang ngồi trên ghế, chiếc ghế bay ra đàng sau, va vào tường. Người đó văng ra khỏi chiếc ghế. Một tiếng hét lên và người ấy gục xuống sàn nhà. Sau đó tôi và một vị linh mục khác nhấc người đó lên, và người phụ nữ lúc này mặt tươi vui, rạng rỡ như mặt trời. Mọi biểu hiện của ác thần hoàn toàn biến mất.

Nó nhắc chúng ta nhớ lại các tường thuật trong Kinh Thánh, ma quỷ sẽ hét lớn tiếng ngay trước khi ra khỏi người ấy.

6. Cánh cửa thứ sáu là một lối sống theo thói quen tội lỗi. Thế giới chúng ta hôm nay đã mất đi ý thức về tội. Có quá nhiều hành vi nghiện ngập đến nỗi con người tìm cách biện minh cho nó.

Chúa muốn chúng ta trở nên hoàn hảo nhưng Ngài biết chắc rằng chúng ta sẽ phạm tội nên Ngài muốn chúng ta làm gì? Ngài muốn chúng ta thú nhận tội của mình. Đó là lý do tại sao Cha Amorth thường nói rằng một lần xưng tội cách chân thành thì mạnh hơn cả việc trừ quỷ. Bởi vì khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình, chúng ta đặt chúng vào bàn tay Chúa và khi chúng ta đặt nó vào bàn tay Chúa, ma quỷ, kẻ tố cáo chúng ta, không còn có thể sử dụng những tội lỗi này để chống lại chúng ta nữa. Vì thế, cửa vào là lối sống theo thói quen tội lỗi.

7. Cửa vào thứ bảy là mời mọc một con quỷ đi vào cuộc sống của bạn. Điểm này có vẻ điên rồ. Một trong những ca trừ quỷ tôi đã thực hiện ở Tổng giáo phận Indianapolis là một người đã nói với tôi, họ nghĩ rằng người bạn của họ đã bị quỷ nhập nên họ đến gặp bạn của họ. Một người bạn nhìn vào mắt anh ta và nói, “Bất cứ điều gì đang ở trong anh, tôi sẵn sàng chào đón nó đến trong tôi." Một ý thức bác ái sai lầm. Ngay khi bà ấy thốt ra lời đó, bà nói có thứ gì đi vào người bà.

Suốt 12 năm, có những biểu hiện của ma quỷ nơi bà. Trên con đường đến nhà thờ, trong khi trừ quỷ cho bà, có bảy con quỷ trong bà nêu tên chúng ra. Mỗi khi ai đó thực sự bị quỷ nhập vào, thường có tới một đám quỷ và giữa chúng có một phẩm trật. Thường có một tên quỷ là mạnh hơn những tên khác.

Khi các thiên thần sa ngã, chúng rơi xuống từ cả 9 phẩm thiên thần nên có một hệ thống phân cấp trong thế giới ma quỷ. Nếu bạn nhớ lại những lời tường thuật từ Phúc Âm về những người bị quỷ ám, chúng luôn quay trở lại và nói “Ông có liên can gì tới chúng tôi? ‘Chúng tôi.’ Tôi biết ông là ai.” Bạn thấy việc đi từ ngôi số ít đến số nhiều. Khi một người bị quỷ ám, thường không là chỉ một con quỷ nhưng là nhiều quỷ và con quỷ mạnh nhất sẽ rời sau cùng. Có một con quỷ bảo tôi tên nó là con giao long/ Leviathan và nó sẽ không đi đâu cả vì nó đã được mời vào. Vì nó được mời vào, nó tuyên bố nó nắm quyền trên người này.

Lần nữa, tôi đọc lời cầu nguyện của Giáo hội, tôi ra lệnh cho con quỷ trả lại cái nó đã đánh cắp tức là một con người được tạo ra theo giống hình ảnh của Chúa, người đang tìm cách hồi phục lại đời sống của họ cho Chúa.

Trong trường hợp này, tôi từng làm việc với người này khoảng hơn một năm. Trong buổi gặp gỡ cuối cùng, khi con quỷ bị đuổi ra, chúng tôi đang ở miền nam Indiana, trong một nhà nguyện của một tu viện của các sơ. Lúc đó là 3 giờ chiều, giờ thánh thiêng đúng không? 3 giờ, chuông trường reo, 400 học sinh đang đổ ra bãi đậu xe ngay bên ngoài cửa sổ nhà nguyện, nơi chúng tôi đang cầu nguyện. Con quỷ bắt đầu la hét, bắt đầu cười mất kiểm soát và nói với tôi hãy ngừng cầu nguyện. “Nếu mày ngưng cầu nguyện, tao sẽ không hét nữa nhưng nếu mày tiếp tục cầu nguyện tao sẽ tiếp tục la lên, lũ học trò sẽ tụ lại đây và thấy được những gì mày đang làm, rồi mày sẽ phải ngừng cầu nguyện thôi.”

Tôi ra lệnh cho nó phải vâng lời tôi trong mọi sự dù tôi là một thừa tác viên không xứng đáng của Chúa Kitô, nó phải nói , Kính mừng Maria đầy ơn phúc, và ra khỏi người này ngay lập tức. Con quỷ nhìn tôi, cười và nói, “ơn phúc đầy”. Nó đổi ngược lời đó và không chịu nói tên của Đức Mẹ và bắt đầu chế nhạo tôi. Tôi ra lệnh cho nó đọc những từ đó theo thứ tự của Kinh Kính Mừng và bảo nó phải đọc lần nữa và rời khỏi đây ngay lập tức. Con quỷ này đang dùng giọng trầm, rất uy quyền, thì giờ đây với giọng của một đứa trẻ, nó nói, “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc.” Một tiếng thét chói tai và tất cả các biểu hiện của nó chấm dứt nhanh hơn bạn có thể búng hai ngón tay. Và bà ấy được giải thoát.

Người ta hỏi tôi đã làm gì sau đó. Có phải tôi đi chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi? Điều tôi đã làm là đi đến tiệm kem Dairy Queen và mua một ly đá bào sô-cô-la. Trời bên ngoài rất oi bức. Người tôi ướt đẫm mồ hôi, tôi rất mệt và còn phải lái 2 tiếng đồng hồ trở về giáo xứ của mình. Tôi đi vào tiệm bán kem, chật ních với nhiều hạng người ở quầy tính tiền. Tôi tự nhủ nếu những người này biết tôi vừa từ đâu đến, tôi sẽ như ông Môsê đang rẽ Biển đỏ ra làm hai. Họ sẽ tránh xa tôi, càng xa càng tốt. Nhân tiện, tôi nghĩ câu chuyện đó cũng có thể là một quảng cáo tốt cho Dairy Queen.

Nhưng ví dụ cuối cùng tôi sẽ đưa ra là các mối tương quan đổ vỡ. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những đổ vỡ trong cuộc sống nhưng cách chúng ta đối phó với nó mới là điều quan trọng.

Chúa Giêsu trong bài đọc Phúc Âm cách đây vài tuần, Có phải bạn nên tha thứ cho người đã làm đau bạn 7 lần? Chúa nói, không phải 7 lần mà là 7 Thánh Phêrô nói 7 lần, Trong thời của Chúa Giêsu, bạn chỉ cần tha thứ cho ai đó 3 lần. Phêrô có thể nghĩ rằng mình đã rộng lượng, đáng được khen. Nhưng Chúa đã không khen thưởng mà còn nói, không đâu con, 70 lần 7 nhé. Những mối quan hệ đổ vỡ.

Ví dụ rõ ràng nhất được tìm thấy trong Phúc Âm Thánh Mác-cô chương 5, câu chuyện ma quỷ ở Ghê-ra-sa. Có một người bị ám bởi một đạo binh của quỷ, anh sống trong đám mồ mả, xiềng xích cũng không thể trói anh ta lại được vì anh ta có sức mạnh siêu phàm. Những con quỷ nói gì? “Chúng tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu ra lệnh cho lũ quỷ câm đi. Chúng xin cho được nhập vào lũ lợn. Có bao nhiêu con lợn? Có ai nhớ hoặc nghe không? 2000 ngàn con lợn. Người đàn ông này đã bị ám bởi bao nhiêu con quỷ? Chúng xin đi vào đàn heo 2000 con, từ trên sườn núi lao xuống biển và chết dưới đó. Người ta hầu hết ngừng ở đó nhưng phần tiếp của câu chuyện thì rất sâu sắc.

Người đàn ông được cứu khỏi đạo binh quỷ, xin đi theo Chúa Giêsu nhưng Chúa Giêsu nói, Không. Có bao nhiêu lần Chúa bảo ai đó đừng theo Người? Chúa nói với anh này, “Anh cứ về nhà với thân nhân.”

Một người từng sống giữa mồ mả, giữa những người chết, Chúa Giêsu muốn đặt anh ta trở về với những người sống. Trong thế giới trừ quỷ, sự đổ vỡ trong gia đình cuối cùng sẽ dẫn đến việc bị quỷ ám. Vì vậy chúng ta phải đối mặt với đổ vỡ nhưng thay vì thấy cay đắng và hận thù, tức giận và trả thù, và làm tất cả những thứ xấu xí thì chúng ta phải luôn tìm kiếm sự tha thứ.

Điều đó sẽ không dễ dàng và cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ ngay lập tức đạt được nhưng đó là con đường mà chúng ta phải bước đi.

Vì vậy, nếu ai đó bị ám, có cách nào để thoát ra không? Câu trả lời là tất nhiên. Ma quỷ có sức mạnh, chúng chỉ có thể bị tiêu diệt bởi sức mạnh và sức mạnh đánh bại nó là quyền lực của Chúa. Sứ vụ trừ tà là cách mà chúng ta kêu cầu đến quyền năng của Chúa. Trong một buổi trừ tà, hãy nhớ Chúa Giêsu không phải là người ngoài cuộc. Người là Nhân Vật Chính, Người là Đấng khiến ma quỷ suy phục.

1. Exorcism: The Battle Against Satan and His Demons, phần giới thiệu
2. Exorcism: The Battle Against Satan and His Demons, chương The Extraordinary Activity of The Devil

Share:

Cha Gary Thomas từ Phim "The Rite" về trừ quỷ và 4 cách để bảo vệ bản thân

Lời từ video Phần1 & Phần 2

Cám ơn Cha Joe và cám ơn các bạn rất nhiều vì đã nổ lực để đến nghe buổi trình bày về Satan vào Chúa Nhật hôm nay. Nhưng là buổi trình bày về việc Satan bị đánh bại.

Tôi muốn bắt đầu cuộc đàm thoại này bằng việc tuyên bố rõ ràng Satan đã bị bại trận. Tôi bắt đầu từ tiền đề đó không chỉ vì tôi tin rằng đó là một chân lý của Giáo Hội, nhưng vì nó cũng diễn tả điểm gì đó về đức tin Kitô giáo của chúng ta, đặc biệt là đức tin Công Giáo.

Chúng ta được củng cố bởi sự thật Chúa Kitô đã chiến thắng sự tội và cái chết -- những vũ khí của Satan là nhờ cây thánh Giá. Cây thánh giá là biểu tượng trọng tâm, quan trọng nhất của đức tin chúng ta.

Trong 10 năm với sứ vụ trừ quỷ, tôi đã nhận biết cách mới mẻ về sức mạnh của những biểu tượng thánh thiêng và những vật thánh (á bí tích) cùng với trọn vẹn những khí giới thiêng liêng có sẵn cho người Công giáo, mà thành thực để nói những năm trước khi là nhà trừ quỷ tôi đã không có sự hiểu thấu ấy.

Khi Chúa Giêsu chết trên thánh giá và khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, sứ mạng của Ngài đã được hoàn tất. Vì thế, nhờ cái chết của Chúa Kitô trên cây thánh giá, nhờ hiến tế của Ngài, chúng ta không chỉ được vào thiên đàng, hiến tế của Ngài cũng đã tiêu hủy cơ hội Satan có thể chinh phục nhân loại.

Thật quan trọng để hiểu bối cảnh này vì lời dạy của Giáo hội trong 50 năm trước và có lẽ mãi đến vài năm sau cùng của triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ý niệm về Satan, vị trí của nó trong công trình cứu chuộc bị lãng quên.

Cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh là Sách Sáng thế, trong Cựu Ước, sách này đã không một lần dùng từ Satan để diễn tả một cá thể độc ác. Trong Sách Sáng Thế, Satan biểu lộ chính nó dưới dạng con rắn; nó dụ dỗ Ađam và Evà để họ tin rằng họ có thể trở nên ngang hàng với Chúa.

Sách cuối cùng của Kinh Thánh, Sách Khải Huyền, Satan được biểu lộ dưới hình dạng con rồng đang chuẩn bị “nuốt lấy” Giáo Hội. Ở giữa hai sách đó, là một trận chiến hoàn vũ đang xảy ra giữa Thiên Chúa và loài người. Trong trận giành co này, đôi khi chúng ta được đem vào ân sủng của Chúa và những lúc khác là nhân loại bị lôi kéo ra khỏi ân sủng của Chúa.

Tôi thường gặp câu hỏi Satan từ đâu mà đến đặc biệt là từ các nhóm tôi gặp, giới trẻ và từ mọi lứa tuổi. Tôi nghĩ phần lớn là vì giáo lý về Satan và hiện thân của sự độc ác này đã không được đề cập đến khoảng 5 thập kỷ từ sau Công Đồng Vatican II đến khoảng 10 năm trước đây.

Chúa không dựng nên một cá thể độc ác nhưng nó trở thành như thế vì Chúa cho phép sự hiện hữu của sự tự do. Chúa dựng nên Luxiphe, thiên thần cao trọng nhất, thiên thần của ánh sáng.

Thiên Chúa Cha quyết định gửi Đức Kitô, Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa xuống thế làm người để đem thiên đàng và trái đất lại làm một mãi mãi. Việc này đã gây nên một cuộc nổi loạn trên thiên đàng. Chúng ta biết được điều này từ Sách Khải Huyền. Điều làm tên của Luxiphe bị thay đổi, cũng là điều thay đổi vận mệnh và vai trò của nó, có liên quan đến việc ghen tị và kiêu ngạo.

Khi các thiên thần được mời gọi để thờ phượng Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu Kitô, việc Thiên Chúa đã tự hạ mình thấp hơn cả bản chất của thiên thần; Thiên thần là loài thụ tạo có bản chất cao hơn con người; Luxiphe và 1/3 các thiên thần không thể chấp nhận điều này như Sách Khải Huyền cho biết. Một cuộc nổi loạn trên thiên quốc vì ý niệm Thiên Chúa làm người, rằng Thiên Chúa sẽ hạ mình xuống để chúng ta được cứu độ, tạo nên một sự khinh miệt và thù hận nơi Luxiphe và một phần đông đảo các thiên thần.

Thánh Michael đã lãnh đạo việc tống Satan vào vực sâu. Địa ngục từ đó hiện hữu và từ lúc đó, có thể nói Luxiphe trở thành Satan. Từ gốc Híp-ri, từ Satan có nghĩa là kẻ nghịch thù; đó là nguồn gốc của Satan trong chương trình cứu độ.

Thật quan trọng để chúng ta biết rằng có một sự nối kết giữa việc chúng ta làm dấu thánh giá mỗi khi chúng ta tụ họp để cầu nguyện và công trình cứu độ.

Trong 10 năm đã là linh mục trừ quỷ, tôi nhận thức càng rõ ràng hơn vai trò linh mục của tôi để giúp chúng ta có được sự nối kết đó và sự nối kết giữa cây thánh giá và Thánh Lễ. Vì mỗi lần chúng ta tụ họp để cử hành Thánh Lễ, chúng ta cử hành hy tế duy nhất là Chúa Kitô hiến dâng chính mình để chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta không hiến tế Chúa Giêsu lặp đi lặp lại qua mỗi Thánh Lễ. Chúng ta cử hành hy tế duy nhất mà Chúa Kitô đã thực hiện. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Thánh Lễ, Lễ Tạ Ơn.

Từ Tạ ơn có gốc Hy Lạp là Eucaristica vì thế khi tụ họp chúng ta tụ họp với tấm lòng biết ơn cho những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Qua sự biến đổi, qua việc “biến bản chất” của những thể chất đơn giản của bánh và rượu, chúng ta tin nhờ đức tin và nhờ lời của Chúa Kitô, bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Chúa Giêsu.

Mình và Máu Chúa biến đổi chúng ta; ơn gọi của chúng ta là đi vào thế giới, ơn gọi của chúng ta là đi đến bất cứ nơi nào: đến với những nơi chúng ta ở, làng xóm của chúng ta, nơi kinh doanh, trường học, bất cứ nơi nào để đem Chúa Kitô và để là Chúa Kitô cho những người khác.

Cây thánh giá vì thế là biểu tượng của một trận chiến và trận chiến đó nhắc nhở chúng ta những người Công giáo, Kitô hữu Công Giáo là một tôn giáo của niềm hy vọng.

Nhiều năm trước đây, trong những cuộc đám tang tôi chủ sự, tôi chủ sự một tang lễ vào buổi tối trong nghĩa trang của địa phận của tôi trong tỉnh Los Altos. Nghĩa trang đó thực sự là một phần của trường trung học Thánh Giuse và trường đại học của chủng sinh địa phận mua vào năm 1920. Tôi đến nghĩa trang sớm nửa tiếng vì tôi đi nhầm giờ.

Có một người phụ nữ đứng ở mồ và chúng tôi cùng đứng chờ chờ gia đình và bạn bè của người qua đời. Khi bạn đứng chờ với chỉ một người thì thật là khó để không bắt đầu việc đàm thoại. Bà ấy nói với tôi, “Thưa Cha, tôi không là người Công giáo, nhưng tôi có một câu hỏi. "Tại sao đạo Công giáo là đạo của sự chết?” Tôi nói với bà như tôi đã từng nói với những người khác, “Bà muốn nói gì về điều đó?” Bà trả lời, “Khi tôi ở trong Nhà thờ Công giáo, tôi nhìn thấy xác của Chúa Giêsu trên cây thánh giá,” và bà nói, “và trong nhà thờ có những tượng thánh sầu não, có vẻ tuyệt vọng,” bà muốn nói về chặng đàng thánh giá, “những tượng thánh sầu não chung quanh nhà thờ.”

Tôi nói, “Qua con mắt của những người không hiểu truyền thống đức tin Công Giáo, những hình ảnh đó đúng là có vẻ tuyệt vọng. Chúa Giêsu có vẻ đã chết. Nhưng nhờ đức tin, những hình ảnh đó là một phần của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Mầu Nhiệm Vượt Qua không dẫn đưa đến cái chết nhưng là đến sự sống. Và đó là tiền đề tôi muốn bắt đầu buổi thuyết trình tối nay. Vì trừ khi chúng ta hiểu bối cảnh Satan liên quan đến công trình cứu chuộc, nó đóng vai trò nào trong đó và dù là chúng ta đã trải qua 5 thập kỷ khi những giáo lý về Satan bị lặng thinh, chúng ta không hiểu điều này quan trọng thế nào.

Điều tôi chia sẻ với các bạn dù là qua những câu chuyện vặt, có thể giúp cung cấp một ít dữ kiện để hiểu những giáo lý về Satan cũng như những giáo lý về tội, theo tôi nghĩ cách nào đó đã rẽ hướng từ khoảng giữa thập kỷ 1960. Công Đồng Vatican II xảy ra năm 1962 và kết thúc năm 1965; trong khoảng 4 năm, các Đức Giám Mục tụ họp ở Rôma từ tháng 10 đến tháng 12 và cuối cùng chúng ta có 16 sứ điệp. Khi Công Đồng đang diễn tiến, có một vài thực tại xảy ra.

Một trong những điều đó là sự thay đổi lớn về cách chúng ta hiểu Kitô học. Tôi lớn lên trong thời Giáo hội của những thập kỷ 1950 và 1960, ý tưởng về Chúa là Đấng siêu phàm, một Thiên Chúa rất xa vời, Thiên Chúa là Đấng bí ẩn. Đúng là chúng ta vẫn cầu nguyện với Chúa Giêsu, nhưng hầu hết những nhà thờ chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm là những tiền sảnh dài và truyền thống của những vương cung thánh đường có gốc từ Đế quốc Rôma.

Những vương cung thánh đường trước đó là nơi buôn bán. Khái niệm Thiên Chúa là Đấng rất xa vời đến từ những kiến trúc của các nhà thờ. Vào thập niên 1960, khi Công Đồng bắt đầu đưa ra cái nhìn khác biệt về Chúa Giêsu, chúng ta bắt đầu nói về Chúa Giêsu cách rất cá nhân.

Trong phong trào Tân Phúc Âm Hóa được bắt đầu do ĐTC Gioan Phaolô II, chúng ta rất thường nói về mối tương quan cá nhân với Chúa Giêsu, Chúng ta coi việc người Công Giáo được Phúc Âm hóa là yếu tố quan trọng trước khi chúng ta có thể hiểu giáo lý. Để được thấm nhuần về giáo lý, chúng ta trước hết phải ƯỚC MUỐN có mối quan hệ với Chúa Giêsu; chúng ta phải biết Chúa Giêsu cách cá vị trước khi chúng ta có thể biết Ngài cách sâu sắc hơn.

Khi Kitô học chuyển hướng từ một Thiên Chúa và Chúa Kitô là Đấng rất siêu phàm dến một Thiên Chúa rất nội tại, hiện diện khắp nơi, nghĩa là rất nối kết với chúng ta, đưa đến sự thay đổi rất lớn về cách chúng ta nhìn thấy Chúa.

Một ví dụ điển hình. Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Saratoga là một trong những nhà thờ xây đầu tiên của Địa Phận San Francisco sau Công Đồng và được thánh hiến năm 1970. Nếu bạn đến thăm giáo xứ của tôi, trước hết nó được xây theo hình trái tim. Bây giờ người ta không xây như thế nữa vì không một tường nào của nhà thờ có đường thẳng cả, nhưng đó không là điều cốt yếu.

Nội thất của nhà thờ xem như một nhà hát, có sàn dốc và dù ngồi ở đâu bạn đều có thể nhìn thấy bàn thờ, nhìn thấy bục giảng cách rõ ràng, ghế chủ tọa, và Nhà Tạm là điểm trọng tâm. Khi bạn bước vào nhà thờ, mọi người được bố trí chung quanh bàn thờ cách rất thân mật.

Nhà thờ Chính tòa của San Joe, khi địa phận xây nhà thờ, bàn thờ là một bàn thờ hình tròn, một bàn tròn thánh thiêng, nhưng rõ ràng là bàn thờ. Mọi sự trong nhà thờ, ghế ngồi ghế ngồi trong nhà thờ rất gần với bàn thờ.

Những điều này có hàm ý về mặt thần học vì điều này có nghĩa Thiên Chúa là Đấng đầy bí ẩn. Chúng ta không biết mọi sự về Thiên Chúa, chúng ta không thể biết mọi sự về Chúa trên trần gian này Nhưng Thiên Chúa đã không ngừng bày tỏ về Ngài cho chúng ta qua những ý tưởng, nơi những người khác, qua những cơ hội, những trải nghiệm và biến cố.

Khi Kitô học được chuyển hướng thì cùng một lúc có sự phát triển về Kinh Thánh. Các linh mục và thầy sáu được mời gọi để giảng về Lời Chúa.

Khi tôi lớn lên, các linh mục và các thầy sáu giảng về giáo lý, khác với việc giảng giải Lời Chúa và có khả năng để áp dụng dụ ngôn, văn bản cổ xưa vào trong thời đại hôm nay và nhờ đó chúng ta khám phá ra được sự nối kết lời của Chúa Giêsu, hoặc thư Thánh Phaolô, hoặc của Gioan, và những tác giả khác vào trong thế kỷ thứ 21 này.

Sự thay đổi về Kitô học cũng đưa đến sự thay đổi về cách chúng ta giảng giải Lời Chúa. Chúng ta phải bắt đầu giảng giải về mối tương quan của chúng ta với với Chúa Giêsu Kitô, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha và mối tương quan của chúng ta với Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta đã đi qua kinh nghiệm, đi từ một Thiên Chúa là Đấng xét đoán nghiêm khắc đến một Thiên Chúa là Đấng rất yêu thương. Nội dung của các sách Giáo Lý cũng phản ánh những điều này đến nỗi chúng ta trải qua một thế hệ người ta không biết nhiều về đức tin của họ.

Cùng một lúc có một thay đổi về sự hiểu biết về các thứ tội. Khi tôi lớn lên, người ta biết tội nhẹ là gì và tội trọng là gì. Nhưng trong 5 thập kỷ này chúng ta quên lãng giáo lý về tội vì khái niệm về tội bị làm mù mờ.

Khi Kitô học chuyển hướng từ Thiên Chúa siêu việt đến Thiên Chúa nội tại, ở khắp mọi nơi, chúng ta đã vung đi rất xa, có lẽ quá xa qua bờ bên kia.

Khi sự hiểu biết về tội bị mù mờ, sự hiểu biết về Satan cũng trở nên mù mờ; chúng ta cần biết Satan, tội và sự chết đi với nhau. Khi tội tổ tông đi vào thế giới con người, chúng ta phải chết, chúng ta đánh mất tính bất khả xâm phạm, và sự tội của mình. Vì thế các ngôn sứ, tổ phụ, các thủ lãnh đã được gởi đến, để hồi phục những gì đã mất, nhưng không phương cách nào đem đến sự thành công. Nên Thiên Chúa Cha đã gửi Con của mình.

Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta không chỉ hiểu về ơn cứu độ, nhưng cũng qua mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể mà các thiên thần đã chọn tuân phục hoặc chống lại Chúa, Và đó là lý do đã đem chúng ta tới điểm này. Sứ vụ trừ quỷ là sứ vụ chữa lành.

Khi tôi diễn thuyết ở địa phương hoặc ở những nơi khác, tôi muốn nhấn mạnh từ chữa lành. Tôi không là nhà viết kịch; bạn có thể đi xem một phim về trừ quỷ hoặc về ác quỷ, thường là những phim có đầy kịch tính. Nhưng thực tại của mục vụ này thường bị lãng quên trong phim ảnh là một con người, một nhân vật đang là tiêu điểm của ma quỷ. Tại điểm tập trung đó, là một người đang trong cảnh đau khổ.

Khi tôi được huấn luyện về việc trừ quỷ dưới sự hướng dẫn của Cha Carmine De Filippis ở Rôma năm 2005 đến 2006. Tôi gặp Cha những ngày thứ hai, thứ ba và thứ năm từ 3:30 đến 6:30 tại Vương Cung Thánh Đường San Lorenzo Fuori le Mura nghĩa là Đền Thánh Laurentô Ngoài Tường là một trong những Vương Cung Thánh Đường nhỏ nổi tiếng nhất ở Rôma. Sau đó trở về nhà, tôi sống ở nơi gọi là Casa Santa Maria ở gần Trevi Fountain (nơi Thánh Phaolô bị chém đầu). Đây là nơi cư ngụ lớn nhất cho các cha triều trên thế giới.

Khi xuống xe bus về đến nhà ăn tối với những linh mục khác trong năm nghỉ phép của tôi, họ thường hỏi “Ngày của cha ra sao?” Lần nào cũng là vượt kỷ lục về sự đau khổ tột cùng tôi nhìn thấy lúc Cha Carmine thực hiện việc trừ quỷ.

Năm 2004 được thay đổi lần nữa, khi Thánh GH quá cố Gioan Phaolô II ban lệnh đến với ĐHY Ratzinger, sau này là ĐTC Benedictô XVI, lúc đó ngài đang là Chủ tịch của Bộ Giáo Lý Đức Tin, yêu cầu các Giám Mục của Địa phận chọn một vị linh mục để được huấn luyện cho sứ vụ trừ quỷ. Lý do là vì số lượng ngày càng tăng của những người tham gia các nhóm huyền bí, Thời Đại Mới (New Age) và những hành vi sùng bái Satan đang tràn ngập Châu Âu. Không phải là không có những linh mục trừ quỷ trước đó. Từ thuở ban đầu Giáo Hội đã luôn thực hiện sứ vụ trừ quỷ. Thực ra, Giáo hội tiên khởi đã có “tổ chức” trừ quỷ, không là tu hội, nhưng Giáo Hội đã có mục vụ trừ quỷ. Mãi đến năm 1614 mục vụ này không chỉ dành riêng cho linh mục. Năm 1614, Giáo Hội lần đầu tiên ban hành Nghi Thức Trừ Quỷ trọng thể.

Tôi nghĩ là vì trong quá khứ đã có những lạm dụng. Từ năm 1614 đến năm 1998, nghi thức này không hề thay đổi và sau Vatican II nó là nghi thức cuối cùng được thay đổi và năm 2000.

Khi nói đến trừ quỷ, nghi thức trừ quỷ trọng thể thường là điều người ta biết đến. Nghi thức trừ quỷ là một số lời cầu nguyện mà chúng ta xin Chúa giải cứu người này khỏi sự quấy nhiễu, sự đàn áp hoặc sự bị chiếm hữu bởi một cá thể siêu phàm. Cá thể này có thể là có sự thông minh của lý trí hoặc là trong thế giới siêu nhiên nhưng không có lý trí thông minh.

Có nhiều cách việc trừ quỷ được thực hiện nhưng không phải mọi cách đều là như sứ vụ của tôi. Chẳng hạn như trong nghi thức rửa tội cho trẻ em, có một lời cầu nguyện trừ quỷ trong nghi thức rửa tội, nhưng lời cầu nguyện đó được coi là việc trừ quỷ đơn giản thay vì việc trừ quỷ trọng thể.

Sự khác biệt là trong nghi thức trừ quỷ trọng thể, người trừ quỷ là người được Đức Giám Mục của địa phận chỉ định, phải là người được ủy nhiệm, hoặc được ủy nhiệm cho một tình huống cụ thể. Ngoại trừ Đức Giám Mục của địa phận, chỉ vị linh mục được ủy thác có thể thực hiện nghi thức trừ quỷ. ĐGM hoặc ĐTGM qua nghi thức truyền chức của một giám mục, trở thành người trừ quỷ chính thức cho địa phận, và ĐGM là người ủy thác một linh mục khác, trong trường hợp của Địa Phận của San Jose, tôi đã được ủy thác.

Trong nghi thức trừ tà đơn giản khi rửa tội cho trẻ em là lời cầu nguyện lên đến với Chúa. Đó là điều xảy ra trong nghi thức chúng ta gọi là trừ tà đơn giản Chúng ta cầu nguyện lên đến với Chúa, xin Chúa xua đuổi thần tà hoặc xin Chúa bảo vệ người ấy, hoặc xin Chúa bảo vệ đứa trẻ, hoặc xin Chúa bảo vệ người trưởng thành đang đi qua quá trình để được hoàn toàn khai tâm vào Lễ Phục Sinh (được rửa tội).

Nghi thức sát hạch người dự tòng xảy ra trong Chúa Nhật thứ ba, thứ bốn và thứ năm của Mùa Chay, nghi thức này cũng được gọi là việc trừ quỷ đơn giản. Cũng như lời cầu nguyện chúng ta gọi là lời cầu nguyện giải thoát. Tôi sẽ giải nghĩa về cầu nguyện giải thoát.

Từ “giải thoát” có nguồn gốc từ các Kitô hữu Tin Lành hơn là hơn là Kitô hữu Công Giáo. Qua hơn 10 năm tôi đã phục vụ trong sứ vụ này, việc “giải thoát” cũng đã trở thành việc được thực hiện nhiều hơn. Lời cầu nguyện giải thoát là việc trừ quỷ đơn giản. Đó là lời cầu nguyện qua đó chúng ta khẩn cầu Chúa Toàn Năng, nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến và giải cứu người này khỏi bất cứ sự gì “siêu phàm” đang bám vào họ.

Nghi thức trừ quỷ long trọng luôn là phương cách cuối cùng. Khi tôi tham gia khóa học năm 2005-2006 ở Chủng viện Regina Apostolorum ở Rôma, do Dòng Đạo Binh Chúa Giêsu sở hữu và điều hành. Khóa học nói nhiều về thứ bậc, có một thứ bậc chăm sóc.

Trong sứ vụ của tôi, khi người ta gọi và gửi email cho tôi vì cuốn sách và bộ phim, người ta gọi và gửi email cho tôi từ khắp nơi trên thế giới. Điều mà tôi cùng với nhóm của tôi thực hiện, tôi sẽ nói đến trong giây lát. Những người ngoài địa phận của tôi, tôi tìm cách để chỉ hướng cho họ. Những người gọi từ vùng Trung Tây hoặc miền đông, miền nam hoặc bất cứ nơi nào, ngay cả ngoài San Jose và Bay Area, chúng tôi sẽ lập tức nối kết họ với người gần với họ hơn về mặt địa lý và vì thế có khả năng phản ứng nhanh hơn là tôi có thể.

Khi một người đến xin bạn trừ quỷ, bạn cần thực hiện kỹ càng việc nhận định, việc phân định. Tôi có ý gì khi nói về phân định? Nó tương tự như khi bạn đi đến bác sĩ, bác sĩ sẽ khó có thể giúp bạn, cho tới lúc bạn nói với bác sĩ những triệu chứng của mình.

Công việc của chúng tôi cũng tương tự. Tôi và nhóm hỗ trợ của tôi, gồm ba cặp vợ chồng, tất cả đều là những người có đặc ân của Chúa Thánh Linh và những người này làm việc với tôi trong mọi tình huống. Đôi khi chúng tôi làm việc với nhau. Tôi không bao giờ làm việc một mình. Đôi khi họ làm việc với một người mà không cần sự tham gia của tôi trừ khi sau thời gian phân định họ tin rằng có một sự gì siêu phàm kết nối với người này.

Đôi khi người ta chỉ cần lời cầu nguyện để được giảm đi những gánh nặng cảm xúc. Đôi khi người ta có thể lầm để nghĩ rằng có sự gì đó thuộc về ma quỷ. Và vai trò cơ bản của chúng tôi là tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây nên sự sầu khổ cho người ấy. Vì thế, chúng tôi hỏi nhiều những loại câu hỏi để phân định.

Khi một người trong vùng địa phương của tôi đến gặp chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Chúng tôi sẽ hỏi những câu hỏi “Xin bạn cho tôi biết cảm giác lớn lên trong gia đình của bạn; Cho tôi biết về mối tương quan của bạn với anh chị em của bạn; Xin cho tôi biết về quá khứ của bạn, tùy theo tuổi tác của bạn, công việc của bạn; bạn đã kết hôn hay còn độc thân; về tương quan của bạn với Chúa.”

Không hẳn mọi người đến với chúng tôi là người Công giáo. Đa số là Công giáo nhưng Satan thì không quá kén chọn. Tôi đã phục vụ những người Kitô hữu; tôi cũng đã phục vụ cho những người không là Kitô hữu.

Khi chúng tôi bắt đầu, chúng tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi lý do gì đã khiến bạn quyết định tìm sự giúp đỡ của một nhà trừ quỷ.

Như một số các bạn đã biết về tôi vì bạn xem phim (The Rite) hoặc đã đọc sách. Những gì trong cuốn sách đều là thật. Phim thì là một bộ phim. Người ta có nhờ tôi khi quay phim và tôi làm việc với Anthony Hopkins, một người tuyên xưng mình là Kitô hữu. Tôi đã làm nhiều việc giảng dạy Phúc Âm trong tuần tôi ở đó. Anthony Hopkins nói đó là một trong những vai diễn có ý nghĩa nhất cho ông. Điều đó làm tôi rất xúc động.

Trong lúc ban đầu, chúng tôi muốn biết nguyên nhân gốc rễ và sự kiện hay hoàn cảnh nào đã khiến một người tìm đến một linh mục trừ quỷ. Sau đó, chúng tôi bắt đầu với những câu hỏi mà tôi đã kể qua cho các bạn, về quá khứ cá nhân và quá khứ của gia đình, những câu hỏi về việc bạn có liên quan đến những thực hành huyền bí; bạn có bao giờ tham gia việc cầu cơ, bộ bài tarrot, xem bói chỉ tay, tìm người đồng bóng, cầu cơ, tham gia vào thiền định không thuộc về Kitô giáo, tham gia vào yoga không vì mục đích tập thể dục, mà vì để tìm sự hiểu biết và quyền lực.

Một sự khác biệt đáng kể. Sử dụng Reiki: mọi người thường nghĩ rằng Reiki có vẻ mới mẻ chỉ qua vài thập kỷ. Nhưng khi dùng Reiki, một hình thức để thiền và mát-xa, nhưng trong đó có sự mời gọi tà thần.

Chúng tôi hỏi họ những câu hỏi có liên quan đến lạm dụng tình dục. 80% những người đến với tôi là những trường hợp bị lạm dụng tình dục. Điều đó không có nghĩa là 80% người dân ở đất nước này bị lạm dụng tình dục, nhưng 80% những người tìm đến tôi đã bị lạm dụng tình dục. Đó là một vết thương tâm hồn. ĐGH Gioan Phaolô II coi việc lạm dụng tình dục như một vết thương tâm hồn. Tại sao? Bởi vì nơi người bị lạm dụng, có một sự biến dạng về cách nhìn các mối tương quan khi người ta đã trải qua một chấn thương ở mức độ khổng lồ đó.

Vì thế, ma quỷ luôn tìm kiếm những người có mối quan hệ tan vỡ, hoặc không có mối tương quan với ai cả. Và rất thường là trừ khi người ta đã trải qua trị liệu, có được sự giúp đỡ và nhận được linh hướng tâm linh, nếu những vết thương lạm dụng đó không được chăm sóc, họ có thể trải qua cuộc sống không chỉ là với những đau khổ nặng nề mà còn thấy mình không thể có, không thể duy trì và phát triển mối tương quan với người khác. Ma quỷ luôn tìm kiếm những hoàn cảnh đó. Đó là lý do chúng tôi đã hỏi tất cả các loại câu hỏi đó.

Chúng tôi cũng đã đưa ra những câu hỏi về điều mà trước khi là nhà trừ quỷ tôi đã rất hoài nghi, Tôi đã nghĩ rằng những lời nguyền chỉ là điều người ta tưởng tượng. Nó không là điều tưởng tượng. Lời nguyền truyền qua các thể hệ là điều có thật. Điều ấy là vì một người hoặc đã ký ước với Satan hoặc với những tên quỷ khác qua những thực hiện huyền bí để có quyền lực và sự thông biết. Những tà thuật huyền bí đa số có mục đích đó.

Trong một số nền văn hóa, tà thuật huyền bí thì phổ biến hơn. Nó rất thịnh hành trong văn hóa Tây Ban Nha, rất thịnh hành trong văn hóa Việt Nam và văn hóa Phi Luật Tân, rất phổ biến ở Caribbean, đặc biệt rất phổ biến trong các nền văn hóa Châu Phi nói riêng.

Ở Ý chẳng hạn, người ta đã ước tính và điều này là từ khóa học mà tôi đã tham gia, tôi không tự đặt ra con số này. Các linh mục trừ quỷ ở Ý hực hiện năm trăm ngàn nghi thức trừ quỷ mỗi năm ở Ý. Đây là một quốc gia 97% dân số là Công Giáo, nhưng chỉ 3% đi đến nhà thờ. Họ có 25% số người thực hành tà thuật huyền bí. Nơi những quảng trường ở Rôma, chỉ cần một vài euro, họ sẽ dùng tay của bạn để coi bói, hoặc họ dùng những thứ bạn đưa cho họ. Hoặc họ dùng bài tarrot nơi công cộng.

Nếu bạn rảo quanh San Francisco, tôi sẽ không chút ngạc nhiên nếu bạn tìm thấy không ít các cửa hàng bán các thứ để dùng trong tà thuật huyền bí. Khi tôi lái xe trên đường Geary và tôi đã vào Stars, một tiệm bán đồ y phục cho ông bà đồng ngay kế bên.

Tôi lớn lên ở phía nam thành phố San Francisco. Tôi thực sự chưa nói với bạn nhiều về bản thân mình. Tôi lớn lên ở miền nam của San Francisco. Tôi lớn lên trong một phần cũ của thị trấn, trong giáo xứ của All Souls. Ngay bên cạnh giáo xứ của chúng tôi, đã có một Đền thờ Tam điểm.

Trước khi trở thành nhà trừ quỷ, tôi không biết chút gì về Đạo Tam điểm, ngoại trừ là họ chống lại đạo Công Giáo và khi một người tham gia Đạo Tam Điểm, họ sẽ bị vạ tuyệt thông. Chỉ vài năm trước tôi mới hiểu về những tua xúc tu của Satan gắn chặt với Tam điểm. Một khi bạn đạt đến một bậc nào đó trong Tam điểm, bạn thực sự không thể thoát ra được. Tam Điểm là một nghịch đạo; Tam Điểm có những hoạt động để tấn công Giáo Hội và là đường nối vào những việc thờ phượng Satan.

Vì chúng ta thường không có đủ sự sáng suốt để thấy, tôi hy vọng qua buổi nói chuyện này, và tôi thuyết trình rất nhiều về tiêu đề này, nó sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn, không chỉ về sức mạnh của Chúa, mà còn nhận ra những hoạt động của sự dữ lưu hành chung quanh chúng ta, mang vẻ rất bình thường, rất tẻ nhạt và có vẻ mê tín dị đoan hơn là có quyền lực thực sự. Tà thần huyền bí có sức mạnh, sức mạnh giả dối nhưng nó mạnh mẽ. Và có những người tuyên bố rằng họ có thể làm những thứ nhưng thật ra chỉ là bịp bợm, và một số người có khả năng nhờ thiên phú.

Trong mười năm qua, có nhiều người đến với tôi, nói về những thiên phú làm họ có thể đọc được tâm trí của người khác, có thể nhìn thấy ma quỷ và linh hồn, có thể nhìn thấy tương lai. Những thiên phú này được di truyền qua huyết thống. Không phải ai cũng có chúng, người có thiên phú này không là người tốt lành hơn kẻ khác. Nhưng rất hiếm khi những người này cởi mở nói về những thiên phú đó vì họ sợ những phản ứng của người khác. Họ đến với những người như tôi vì họ không biết phải làm gì với những thiên phú này. Những thiên phú này có thể được dùng để làm vinh danh Chúa, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng cho những sự nghịch đạo.

Một vật điển hình có lý duy nhất mà tôi đem theo để bạn cảm nhận được rằng những sự dữ này đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội của chúng ta. Một trong những người đang học đạo trong giáo xứ chúng tôi đêm qua đã mang cho tôi một bản báo của Metro; nó là loại báo miễn phí nơi công cộng ở Silicon Valley. Tôi không biết có ở đây không. Tiêu đề chính là “Dê, Thiên Chúa và ma quỷ” với phụ đề đọc “Một cuộc gặp gỡ và chào hỏi người Đạo Satan tại Silicon Valley.”

Đền thờ của Đạo Satan được thành lập 2 năm trước tại New York và tổ chức này xuất hiện trên khắp Hoa Kỳ. Vì lý do nào đó Thành phố Oklahoma thu hút họ. Năm ngoái họ đã muốn tổ chức một Thánh Lễ Đen trong khuôn viên trường đại học Harvard. Điều này được đăng trên báo là mặc dù Bà hiệu trưởng cảm thấy ngần ngại là Thánh Lễ Đen được cử hành trong khuôn viên của trường lại cảm thấy Bà không có quyền để khước từ tổ chức đó vì lý do tự do tôn giáo.

Đây không là về tự do tôn giáo; đây là mời mọc sự hiện thân của sự dữ. 3.000 người đã tập trung tại nhà thờ St. Paul trong khuôn viên trường Harvard để cầu nguyện chống lại sự kiện này và nhờ đó nó đã không xảy ra. Vì thế, nhóm này chuyển xuống Thành phố Oklahoma và thuê một tòa nhà thuộc sở hữu của thành phố. Thành phố đã cho họ giấy phép để thực hiện Thánh Lễ Đen ở đó. Họ đã đánh cắp Mình Thánh Chúa và Đức TGM Thành phố Oklahoma đã kiện để lấy lại Mình Thánh Chúa, Mình Thánh Chúa được trả lại và vụ kiện bị hủy bỏ.

Sáu tuần trước đây, một Thánh Lễ Đen giả được cử hành ở Thành Phố Oklahoma vào đêm Vọng Giáng Sinh. Họ đã mạo phạm bằng cách sử dụng máu giả, một tượng của Đức Mẹ, ngay trên bậc thang của Nhà Thờ Chánh Tòa, ngay cả được giấy phép để làm việc này từ thành phố. Những việc này ngày càng trở nên thịnh hành.

Nếu bạn google Beyonce và “Super Bowl performance”, có được một phân tích về buổi trình diễn đó là về điều gì. Beyonce là người thờ phượng Satan và cô không chút giấu giếm về việc đó. Cô nói rằng cô ấy có được sức mạnh nhờ cô đã ký kết hiệp ước với một tên quỷ. Jim Carrey tự coi mình là kẻ theo Luxiphe (nhóm theo Luxiphe, Sao Mai xem Is 14:12, không coi mình là thờ phượng Satan).

Ở Hollywood và trong ngành nghệ thuật và một số lĩnh vực khác, đây là điều ngày càng thông thường hơn. Tôi muốn các bạn chú ý đến điểm này và ấn phẩm này để chúng ta biết cảnh giác hơn, rằng có những thế lực trên thế giới, có những người trên thế giới, cuộc sống của họ có những hoạt động hoàn toàn đối chọi với đức tin của chúng ta và lời dạy của Chúa Giêsu.

Trong quá trình phân định, một quá trình với mục đích để xác định xem xem người này có bị sự bám dính của ma quỷ không, và tôi thích sử dụng từ đó thay vì từ quỷ nhập. Khi dùng từ quỷ nhập, chúng ta nói đến một nghĩa rất hẹp. Khi dùng từ quỷ nhập, điều đó có nghĩa là một con quỷ, hoặc một bộ tộc quỷ, điều chúng ta dùng để gọi một nhóm quỷ, không bao giờ chỉ có một con quỷ, chúng luôn đi trong nhóm của nó, luôn có một sự tổ chức trong sự hỗn độn. Cũng như có một phẩm trật của các thiên thần, nơi ma quỷ cũng có một phẩm trật trên dưới.

Satan sẽ cắt cử một tên quỷ. Tên quỷ mạnh mẽ đó sẽ đi chiêu mộ những con quỷ khác để lập thành nhóm của nó để tràn vào quấy phá người đó. Vì thế trong quá trình đó, việc quỷ nhập đề cập đến tình trạng mà một người đã mất khả năng điều khiển cơ bản của cuộc sống của họ. Điều đó không có nghĩa là họ không chiến đấu để giành lại sự tự do, nhưng nghĩa chính yếu là ma quỷ đã chiếm lấy sự điều khiển của thân xác, chứ không là linh hồn của họ.

Sự ma quỷ bám vào rồi ám ảnh, và áp bức là những từ diễn tả sự xâm nhập nhẹ hơn. Đó là lý do tôi muốn dùng từ bám vào hơn vì tôi là người rất cụ thể. Nếu tôi phải giải nghĩa cho người khác, tôi muốn giải nghĩa theo cách mà chính tôi cũng hiểu. Điều này tương tự như khi bác sĩ nói bạn đã làm gãy xương mác của bạn. Bạn biết xương mác là gì vì đó là nơi bạn bị đau. Phần tôi, tôi không muốn dùng những từ đó ngoại trừ khi tôi cần.

Khi một người bị quỷ bám vào vì họ đã dính líu vào những thực hành huyền bí cách này hay cách khác, người ấy có thể đã mời mọc, vì sự xâm nhập của ma quỷ luôn là về một quan hệ, người ấy đã mời một thực thể nào đó đi vào mà không hề có ý định để nó chiếm hữu họ. Họ có thể đi lên mạng internet; việc xem porn là một trong những cửa mở.

Trong quá trình phân định, tôi luôn tìm, điều này có thể có vẻ lạ lùng, tôi luôn chú ý để tìm những cửa mở. Khi tôi hỏi những câu hỏi, hoặc khi nhóm cùng với tôi hỏi những câu hỏi, chúng tôi chú ý đến những cửa mở, điểm mà đã đưa cơ hội cho ma quỷ đi vào nếu chúng hiện diện.

Nhiều lần người ta gọi, hoặc email cho tôi, họ thường bắt đầu “Thưa Cha, tôi cần được trừ quỷ.” Và câu trả lời có sẵn của tôi là “Tôi không trừ quỷ theo yêu cầu.” Rồi tôi tiếp tục giải thích... tôi không giễu cợt bạn, nhưng khi một người nghĩ họ bị ma quỷ quấy phá, thực tế lại không luôn là vậy. Tôi sẽ làm hại họ nếu tôi chỉ đơn giản đáp ứng cách tự động như xe cứu hỏa khi nghe báo động.

Cả nhóm của tôi sẽ đi gặp Đức Giám Mục; chúng tôi gọi ĐGM để được phép trừ quỷ dùng nghi thức long trọng. Đó là quy định chúng tôi phải đi theo. Nếu tôi thực hiện việc trừ quỷ chính thức, tôi sẽ phải gặp ĐGM McGrath. Dù là tôi đã được ủy nhiệm là linh mục trừ quỷ, ĐGM vẫn là người trừ quỷ chính của Địa phận. Tôi đã có nói với ĐGM mặc dù ngài đã ủy nhiệm tôi ngài là người lãnh trách nhiệm.

Chúng tôi vì thế cần có đủ sự chăm chú và tôi cần mở rộng con mắt, đôi tai và tâm trí biết phân xét để có thể chắc chắn rằng nếu chúng tôi thực hiện nghi thức trừ quỷ trọng thể, thì đó đúng là phương cách cuối cùng. Khi chúng tôi phân định, chúng tôi cũng quan sát người ấy, qua việc hỏi những câu hỏi, chúng tôi có thể ghép lại những mảnh thông tin này. Việc làm này rất khó khăn và cực kỳ căng thẳng vì mỗi một người đến với bạn, họ có thể có cùng tình trạng nhưng họ đã làm gì để đi đến tình trạng đó, bạn phải tìm cách để kéo các sự kiện ra từ họ, bạn phải hỏi những câu hỏi chính xác.

Tại một thời điểm trong quá trình dò hỏi chúng tôi sẽ nói, “Một phần của việc phân định chúng ta tham gia vào tối nay là chúng ta sẽ cầu nguyện với lời kinh giải thoát. Trong kinh này, chúng ta cầu xin Chúa và nói “Lạy Chúa, nếu có ma quỷ nào đó bám vào a) xin Chúa làm nó phải lộ thân và b) xin Chúa đuổi nó đi. Và rất thường xuyên, dù không phải lúc nào cũng thế, rất thường xuyên là trong lúc cầu nguyện kinh giải thoát, chúng tôi tìm thấy lời cầu nguyện mạnh mẽ chừng nào.

Tôi nghĩ hầu hết những người trong phòng này là Công giáo. Chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta đọc những kinh từ sách chúng ta mua, chúng ta cũng có thể cầu nguyện từ trái tim của mình, những lời cầu nguyện này không luôn ngay lập tức tác dụng đến chúng ta.

Vì thế đức tin của nhiều người bị suy yếu. Người ta cầu xin “Lạy Chúa, xin làm điều này cho con” và hiệu quả của lời cầu nguyện không theo như cách người ta mong muốn nên người ta mất đức tin. Nhưng lời cầu nguyện thực sự được nghe. Tôi thường nói ở phần cuối của lời cầu nguyện giáo dân, “xin cho chúng con ơn để nhận ra sự nhậm lời của Chúa.” Vì Chúa thực sự nhậm lời cầu nguyện của chúng ta nhưng chúng ta không luôn nhận ra cách Chúa trả lời lời cầu xin của chúng ta. Nhưng rất thường xuyên trong lúc cầu nguyện xin giải thoát, lời cầu nguyện sẽ kích động ma quỷ. Nếu có sự hiện diện của ma quỷ, chúng tôi sẽ bắt đầu nhìn thấy những biểu hiện của nó.

Có 6 dấu hiệu để giúp chúng tôi nhận ra nếu có sự gì thuộc về ma quỷ bám vào người này. Một trong những dấu hiệu là ác cảm với những sự thánh thiêng. Một người có thể là đã có một khoảng thời gian mò mẫm vào những thực tập huyền bí, phong trào New Age, ma thuật. Có thể người ấy không làm nhiều những sự đó nhưng khá thường xuyên; có thể là có vết thương linh hồn để bị quỷ bám vào; có thể người ấy đã tìm tòi thực tập điều gì đó quá nhiều lần.

Rất hiếm có người đến với tôi và nói, “Tôi muốn có mối quan hệ với quỷ.” Điều này rất là hiếm có. Hầu hết là họ chỉ muốn có được điều họ khẩn xin và họ không muốn chờ cho đến khi Chúa dủ lòng lắng nghe nên đã thử sự này hoặc một ai đó nói “Thử đi. Điều này thật thú vị.” Hoặc họ sẽ lên mạng Internet và nghĩ “Điều này giúp tôi không quá bận tâm về những sự khác.” Rồi sau đó có dấu hiệu của sự ác cảm với những điều thánh thiêng. Họ bước vào để nhìn xem nhà thờ, họ bước vào cửa và bất thình lình, họ cảm thấy đau bụng; hoặc họ làm dấu thánh giá với nước phép từ chén đựng nước phép và họ cảm thấy bị cháy bỏng. Hoặc trong lúc linh mục truyền phép trong Thánh Lễ, họ cảm thẩy họ buồn nôn muốn ói. Hoặc họ sẽ có cảm giác sợ hãi kinh hoàng khi không có lý do hợp lý và họ muốn chạy ra khỏi nhà thờ. Hoặc họ lên rước lễ và khi họ nuốt Mình Thánh Chúa, họ cảm thấy bị đốt cháy trong khi Mình Thánh Chúa đi xuống thực quản của họ. Hoặc khi họ đi rước lễ, họ ngửi thấy một mùi khó chịu đến mức ghê tởm và họ không thể lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Đây chỉ là một vài ví dụ. Hoặc họ không thể nhìn vào cây thánh giá. Khi nhìn vào thánh giá, mắt họ đảo ra sau gáy.

Một dấu hiệu nữa là khi bắt đầu một buổi cầu nguyện giải thoát, họ vô tình bắt đầu dùng ngôn ngữ mà họ không có khả năng nói. Họ nói tiếng La tinh, tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Nga. Hoặc họ bắt đầu nói tiếng gì đó nghe có vẻ thông minh những chúng ta không biết đó là gì.

Hoặc họ bắt đầu tỏ lộ sức mạnh thể lý khác thường so sức mạnh của chính họ. Có lúc bất ngờ cơn thịnh nộ xuất phát từ một người bình thường là người điềm tĩnh. Hoặc họ có kiến thức về những sự bí ẩn về tôi, hay ai đó trong nhóm của tôi dù họ không có cách nào để biết.

Có lúc nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, khuôn mặt họ bắt đầu bị biến dạng và tay chân họ bắt đầu cử động như thể họ đang bị một loại động kinh. Có lúc nét mặt của họ sẽ có hình dạng của một con rắn hổ mang và lưỡi của họ sẽ bắt đầu chuyển động trông giống như điều bạn đã nhìn thấy trên show về thú vật Animal Planet.

Tất cả những điều này... tôi không có ý nói những điều này để làm chúng ta cười. Tất cả mọi điều mà tôi vừa nói với bạn tôi đã chứng kiến hết thảy. Tôi không nói với bạn điều tôi chưa thấy, hoặc chỉ nói ra từ một cuốn sách. Tôi đã thấy tất cả các loại biểu hiện đó. Những dấu hiệu đó là những gì giúp tôi và những người trong nhóm của tôi, vì tôi không bao giờ làm điều này một mình, những dấu hiệu này là “đèn xanh.” Nhưng đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ vội vã tiến hành trừ quỷ.

Trong giai đoạn phân định, một trong những câu hỏi tôi đã trình bày ở trên là “Bạn hãy cho tôi biết về đời sống đức tin của bạn.” Rất thường những người đến với tôi, khoảng 50/50, nửa số những người đó là người Công giáo có một đời sống đức tin. Họ đi tham dự Thánh Lễ cách đều đặn, nhưng họ cũng có một khía cạnh khác của đời sống mà họ chưa nhận ra là bạn không thể là người Công Giáo trung tín và là người dính líu vào những thực hành huyền bí, hoặc ma thuật hoặc bói toán; hai sự này là hai điều mâu thuẫn, hoàn toàn đối chọi nhau. Bất kể bạn là người đã thực hành đời sống Công Giáo chăm chỉ thế nào, quyền lực của bóng tối sẽ tìm được cách để bám vào bạn. Đối với những người này, chúng tôi nói bạn phải ngừng.

Và tôi muốn dùng cơ hội này để đề cao việc xưng tội. Tôi thường hỏi “Bạn có thường xuyên đi xưng tội không?” Tôi tin là có sự liên hệ giữa việc chúng ta có rất nhiều người bị ma quỷ bám vào và việc không lãnh nhận bí tích này. Chúng tôi giúp người ta có thói quen đi xưng tội ít nhất một lần một tháng và lãnh nhận bí tích Thánh Thể ít nhất một lần một tuần. Và nếu được rước lễ không chỉ 1 lần một tuần. Tại sao? Vì đó là thuốc chữa cho chúng ta.

Có bốn phương thế bảo vệ thông thường. Khi người ta hỏi tôi có thể làm điều gì để những sự này không xảy đến với tôi? Khi bạn làm điều này, bạn không cần phải lo lắng về việc ma quỷ bám vào này.

BỐN PHƯƠNG CÁCH BẢO VỆ THÔNG THƯỜNG VÀ TÔI THÍCH ĐẶT RA MỘT CON SỐ VÌ TÔI CÓ THỂ NHỚ CHÚNG.

Một đời sống đức tin, nói cách khác, tôi tin vào một Đấng Tối cao, Ngài tạo dựng nên tôi.

Một đời sống cầu nguyện, nghĩa là tôi không chỉ tin Chúa hiện hữu, nhưng tôi có một mối quan hệ với Chúa, tôi có một một quan hệ bền vững với Ngài, một mối quan hệ sống động với Thiên Chúa. Nếu không, làm sao tôi có thể biết điều gì về Chúa. Và không chỉ biết về Chúa nhưng thực sự biết Ngài.

Một đời sống đạo đức, cách tôi cư xử, cách tôi quản lý cuộc sống mình. Tôi biết điều sai trái, cách để sống trong ánh sáng, tránh xa bóng tối. Dù là tất cả chúng ta đang trên đường lữ thứ, không ai trong chúng ta là hoàn hảo nên đó là lý do chúng ta cần bí tích Hòa Giải (xưng tội). Việc xưng tội thì mạnh mẽ hơn cả việc trừ quỷ.

Một đời sống bí tích. Khi chúng ta thực hành những điều này, đây là những khí giới thiêng liêng của chúng ta. Không chỉ biết về Chúa, mà còn sống một mối quan hệ ngày càng sâu thẳm hơn với Chúa, tham gia vào đời sống của giáo xứ, lãnh nhận những ơn ích từ các bí tích, dùng các vật thánh (á bí tích) trong truyền thống Công Giáo của chúng ta, tham gia vào việc chầu Thánh Thể mà Cha Joe đã đề cập đến tối nay.

Tôi nói với các bạn không vì tôi thông minh. Ma quỷ tin vào sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Một số lớn những người Công Giáo không tin. Tôi giảng về những điều này ở giáo xứ của tôi nên tôi không nói với các bạn điều tôi đã không nói ở giáo xứ tôi. Nếu ma quỷ tin, chẳng lẽ chúng ta thì không.

Có ba nhà thờ ở ba địa phận mà tôi biết được, nhưng tôi biết không chỉ ở ba nhà thờ, năm trước ở Tổng địa phận Seattle và địa phận của chúng ta một Nhà Tạm đã bị gỡ ra, bị đánh cắp. ĐGM phải nói với các cha xứ họ cần bảo đảm Nhà Tạm được gắn chặt, được đính ốc cố định. Tại sao người ta đánh cắp Nhà Tạm? Vì lý do duy nhất: để lấy trộm Thánh Thể.

Năm trước, việc ấy cũng đã xảy ra ở Seattle. Không phải vị linh mục trừ quỷ, nhưng linh mục phụ tá tôi biết, đã gọi cho tôi. Ở Scranton, vài năm trước, điều tương tự cũng đã xảy ra. Họ không lấy sự gì khác. Họ không đập vỡ sự gì khác. Họ chỉ đi vào và đánh cắp Nhà Tạm. Tôi vì thế đã nói với các linh mục trong địa phận của tôi, chúng ta cần cảnh giác bảo vệ Thánh Thể. Khi người ta lên rước lễ, chúng ta phải chắc chắn họ nuốt lấy Mình Thánh Chúa. Việc này xảy ra với tôi tuần trước. Một chàng trai trẻ lên rước lễ nhưng tôi không nhận ra người ấy. Tôi nói “Mình Thánh Chúa Kitô,” người ấy lãnh nhận, quay trở về với Mình Thánh Chúa trong tay của mình. Tôi nói với người đứng trước mặt tôi, người mà tôi biết, “Nhờ anh kiên nhẫn chờ chốc lát.” Và tôi quan sát người trai trẻ ấy đi về những ghế ngồi và cuối cùng anh nuốt Mình Thánh Chúa. Nhưng nếu anh không nuốt Mình Thánh Chúa, tôi sẽ ngừng anh ấy. Một cách lịch sự tôi sẽ lấy lại Mình Thánh Chúa. Tôi chỉ đơn giản nói “Xin lỗi." Và tôi đã làm điều này. Những người giúp rước lễ trong giáo xứ chúng tôi cũng đã gặp điều này. Đây là điều sẽ ngăn bạn không được phép lãnh Nhận Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.

Về buổi cầu nguyện giải thoát: việc này được cử hành trong nhà thờ. Trong nhà thờ là nơi việc này được cử hành, không phải trong nhà xứ, không phải trong nơi hội họp, không trong phòng của tôi.

Tại sao lại ở trong Nhà thờ? Vì ở đó có sự hiện diện thật của Chúa Giêsu. Chúng tôi đặt Mình Thánh Chúa trong mặt nhật, chúng tôi có một vài thánh tích. Chúng tôi bôi dầu thánh (được làm phép trong Lễ Truyền Dầu) trên tất cả các cửa, chúng tôi bôi dầu xin Chúa chúc lành trên mọi người giúp và bắt đầu lời cầu nguyện xin ơn bảo vệ.

Có những lúc trong khi cử hành lời cầu nguyện giải thoát hoặc trong lúc trừ quỷ long trọng, khi có sự hiện diện của một tà thần, tà thần đó sẽ nhìn vào mặt nhật (Mình Thánh Chúa). Vì sao Vì đối với tà thần, Mình Thánh Chúa thì độc hại. Và lý do của việc trừ quỷ, dù là việc giải thoát hoặc trừ quỷ long trọng là chúng ta muốn làm tên quỷ bực tức và khó chịu để sức mạnh của Đức Kitô sẽ đuổi thực thể đó đi ra.

Nó sẽ đi đâu? Chúng tôi không chỉ nói “đi ra khỏi đây”; chúng tôi sẽ trói nó với cây thánh giá của Chúa Kitô và Chúa Kitô sẽ xét xử tên tà thần đó.

Kinh Thánh rất rõ ràng là ma quỷ, những thiên thần đã nổi loạn chống lại Chúa không thể được cứu rỗi. Vì sao? Vì ý chí tự do chọn lựa của các thiên thần thì ở mức độ rõ ràng hơn chúng ta rất nhiều. Vì sự rõ ràng của ý chí tự do chọn lựa, họ biết rõ ràng Chúa là Đấng nào.

Ma quỷ biết khi có sự hiện diện của Thánh Thể vì phản ứng của chúng thì rất hung dữ. Để trao Thánh Thể cho một người đang dưới ảnh hưởng của tà thần là một điều rất rất khó khăn.

Khi chúng tôi thực hiện những buổi cầu nguyện chữa lành, chúng tôi đi theo cấp bậc. Chúng tôi giúp họ sống thường hằng đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện, đời sống đạo đức, đời sống bí tích. Sau đó, chúng tôi thực hiện việc cầu nguyện giải thoát một thời gian. Tôi và những người trong nhóm sẽ suy xét để quyết định sự cần thiết để xin Đức Giám Mục của địa phận cho phép chúng tôi cử hành việc chính thức trừ quỷ. Nhưng chúng tôi chỉ làm điều này khi mọi sự khác đã không thành công.

Về quá trình phân định cũng thế. Không chỉ tôi và nhóm của tôi quyết định. Tôi có một nhóm những chuyên gia.

Khi ai đó gặp tôi, và họ nói họ nghe tiếng nói, nhìn thấy những điều khác thường, hoặc họ đang trải qua sự trầm cảm, một trong những câu hỏi của tôi là “Bạn đã bao giờ được chăm sóc bởi một nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần chưa? Quá khứ về sức khỏe tâm thần của bạn có vấn đề gì không?” Nếu họ có quá khứ về mặt này, những điều này có thể là nguyên nhân chứ không là vì họ nghe tiếng nói, nhìn thấy điều không ai nhìn thấy nên chúng ta có thể ngay lập tức nói là do ma quỷ. Và tôi đã nói với họ như vậy.

Tôi nói, chúng tôi phải thực thi đầy đủ sự chăm chú vì thế tôi có một bác sĩ y khoa, một bác sĩ lâm sàng và một bác sĩ tâm thần, tất cả đều là người Công giáo, tất cả đều tin vào sự hiện hữu của Satan. Lý do những người này đều là Công Giáo sống đời đức tin của mình vì chúng tôi muốn những chuyên gia có cùng một con mắt đức tin như chúng tôi. Nhưng chúng tôi cần đến khoa học y tế khoa học xã hội để giúp tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Bởi vì chúng tôi không muốn thực hiện việc trừ quỷ cho người không cần đến nó vì việc này có thể làm tổn thương tâm lý cách trầm trọng.

Khi chúng tôi bắt đầu những buổi trừ quỷ này, việc này có thể kéo dài một năm, và có thể kéo dài vài năm. Sự kéo dài của quá trình tùy thuộc vào nhiều thứ. Nó tùy thuộc vào thời gian xâm nhập đã bao lâu, vào sức mạnh của những tên quỷ, và nó cũng phụ thuộc vào mức độ mà người này muốn đuổi kẻ xâm nhập ấy.

Chúng tôi đã gặp những người đôi khi gặp mâu thuẫn về việc khước từ tên quỷ và tôi hỏi “Việc gì khiến bạn không muốn tên này ra khỏi bạn?” “Vì tôi nhận được nhiều cách giải khuây nhờ nghe tiếng nói của chúng.” Tôi nói với người đó, “Vậy thì bạn không thể tiếp tục và hãy trở lại khi bạn muốn được tự do vì Chúa sẽ không can thiệp vào ý chí tự do của chúng ta." Điều này không thường xảy ra. Nhưng có những lúc những người này ưa thích có sự chú ý, đôi khi vì họ muốn lợi ích mà nó đưa đến vì ma quỷ có thể cung cấp sự lợi ích cho một thời gian ngắn. Không may là họ sống cách hoang tưởng vì ma quỷ sẽ luôn thắng.

Nếu không có Chúa Kitô, chúng ta đã thua trận. Với Chúa Kitô, chúng ta chiến thắng và Chúa Kitô đã chiến thắng cho chúng ta. Mục vụ trừ quỷ đã là một việc đã biến đổi đời linh mục của tôi. Sự hiểu biết của tôi lúc này về tại sao tôi là một linh mục thì hoàn toàn khác với 10 năm về trước. Không phải là vì tôi không hiểu lý do nhưng sự hiểu biết này được đi sâu hơn khi tôi chứng kiến trận chiến vũ trụ trước mắt mình.

Tất cả chúng ta cũng trong trận chiến này giữa Satan và Thiên Chúa cho sự cứu rỗi của các linh hồn. Cuộc chiến đã xong, các trận chiến vẫn xảy ra. Tại sao Chúa đưa ra ranh giới cho ma quỷ? Vì Chúa đặt ra những ranh giới cho ma quỷ. Tại sao Chúa lại đặt ranh giới cho chúng? Vì Ngài muốn chúng ta quyết định. Chúa muốn chúng ta có một sự chọn lựa rõ ràng vì Ngài tôn trọng bản tính con người của chúng ta nên Ngài tôn trọng ý chí tự do.

Nhờ cây thánh giá, chúng ta được cứu độ. Qua bí tích Thánh Thể và những bí tích khác của Giáo Hội phát xuất từ việc chúng ta được lãnh nhận bí tích rửa tội chúng ta có vũ khí để sống cuộc sống lành mạnh, mang lại sự sống và có tầm nhìn về tương lai. Cám ơn các bạn.

Câu hỏi là nếu một người luôn đeo thánh giá trên mình, ma quỷ có thể bám vào người đó không?

Trả lời: Từ kinh nghiệm của tôi, tôi nói có thể. Nhưng tôi nghĩ nó tùy thuộc vào tên quỷ ấy có mạnh không. Tôi sẽ nói họ thường là gặp khó khăn hơn là không gặp. Nhưng đã có người đến với tôi mặc áo Đức Bà trên cổ của họ hoặc thánh giá gắn vào dây chuyền và cũng bị ma quỷ bám vào. Chắc chắn là điều đó thì không thể có trong trường hợp bị quỷ nhập. Nhưng nhờ những vật thánh (á bí tích) này, việc ma quỷ bám vào không là điều không có thể nhưng là ở mức độ giảm thấp hơn.

Câu hỏi là tôi đã đi học trừ quỷ. ĐGM có học khóa nào không?

Trả lời: Câu trả lời là không. Tôi muốn nói điều này không chỉ về ĐGM của tôi nhưng về các ĐGM. Khi ĐGM cử nhiệm tôi làm linh mục trừ quỷ năm 2005, người ta chỉ biết đến 14 vị linh mục trừ quỷ trong nước. Sau khi bộ phim được xuất bản, từ năm 2011 đến hôm nay, chúng ta đã có gấp năm lần con số các linh mục trừ quỷ trong nước. Lúc này, chúng ta đã thiết lập một trường dạy trừ quỷ, được bắt đầu chỉ 2 năm trước tại Chủng Viện Mundelein, Địa Phận Chicago và tôi là người trong hội đồng của trường trừ quỷ.

Tôi chưa kể cho các bạn vì lý do nào tôi trở thành linh mục trừ quỷ. Năm 2004, ĐTC Gioan Phaolô ban hành chỉ thị. Năm 2005, ĐGM McGrath nhận một số yêu cầu xin được trừ quỷ nhưng tôi không hề biết. ĐGM hỏi người bạn thân nhất của tôi, chúng tôi cùng tuổi, trong nhóm Caritas. Vị linh mục ấy là lựa chọn hoàn hảo nhất cho việc này. Sau khi cầu nguyện phân định, cha ấy quyết định không lãnh nhận sự ủy thác này. Cha ấy nói với chúng tôi trong buổi họp là cha đã trả lời “không” với ĐGM. Tôi ngây thơ lên tiếng trả lời, “Tôi có thể lãnh nhận ủy thác đó.” Tôi không biết việc tôi làm. ĐGM gởi tôi qua Rôma. Đây thực là một việc mà Chúa đã quan phòng. Tôi có thời gian. ĐGM nói có một khóa huấn luyện cha có thể ghi tên và tôi đã làm. Nhưng cũng như bất cứ việc gì khác, bạn có thể được dạy về những sự này, nhưng bạn phải đem ra thực hành.

Trong thời gian đầu, có ba linh mục Hoa Kỳ. Khóa có 60 người. Tất cả các linh mục đều là người Ý. Không có giám mục. Có 3 người Mỹ. Khóa có 60 người. Các linh mục khác đều là người Ý ngoại trừ tôi và một cha dòng Phanxicô vạm vỡ từ Vermont, cha ấy đã qua đời. Các nữ tu đều là từ Phi Châu.

Khóa này được khởi hành chỉ 6 tháng trước khi tôi ghi tên. Bây giờ họ dạy khóa này hàng năm. Khóa học kéo dài vài tháng. Khi khóa học đang diễn ra, vị linh mục Hoa Kỳ kia đang thực tập dưới sự hướng dẫn của một linh mục 85 tuổi tại nhà thờ La Scala Santa, kế bên Vương Cung Thánh Đường John Lateran. Tại nhà thờ đó, có cầu thang mà thánh Helen mang về từ Giêrusalem, được cho rằng Chúa Giêsu đã bước trên những bậc của thang đó để gặp Phongxiô Philatô. Vị linh mục trừ quỷ ở đó và Cha Johannes đang học trừ quỷ với cha. Cha Johannes đến lớp kể cho chúng tôi những trải nghiệm của Cha.

Tôi nhớ tôi có nói với Matt Baglio, người mà tôi không hề biết đến trước đó, Matt là tác giả của cuốn sách “The Rite,” “Tôi phải tìm người để thực tập với họ.” Thật không dễ để tôi tìm được Cha Carmen và tôi làm việc với cha 3 ngày một tuần. ...Khi ĐGM đến hỏi tôi một cách nghi ngờ, “Cha đã chứng kiến bao nhiêu buổi trừ quỷ?” Tôi trả lời tôi đã chứng kiến khoảng 80. ĐGM hết sức kinh ngạc. Vì thế tôi dùng cơ hội ấy, đưa ra một giải thích ngắn cho ĐGM về việc trừ quỷ.

Tôi trở về nước và cuốn sách được xuất bản. Khi cuốn sách xuất bản năm 2009, các linh mục khác gọi tôi và nói, “Tôi vừa mời được bổ nhiệm, tôi cần phải làm gì?” Vì thế tôi bắt đầu có những linh mục trừ quỷ từ những địa phận khác trong nước Mỹ và đôi khi là cả nhóm, đến giáo xứ Sacred Heart ba hoặc bốn ngày để quan sát. Đó là cách duy nhất mà người ta có thể học. Vì bạn có thể được dạy về sứ vụ này nhưng trừ khi bạn thực sự hoạt động trong sứ vụ ấy, nó thật là khó khăn.

Vì nghi lễ, lúc này đang được sửa đổi, và đang được dịch ra tiếng Anh. Bản văn này đang nằm trên bàn của Tổng Trưởng Đặc Trách của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích ở Rôma. Nghi lễ không nói đủ để bạn biết bạn thực sự cần làm những sự gì. Nghi lễ đưa ra lời cầu nguyện nhưng còn có những quy định, nguyên tắc mà bạn học được nhờ trải nghiệm. Tôi vì thế đã nhiều lần nói chuyện với nhiều ĐGM không chỉ về việc bổ nhiệm các linh mục mà còn là giúp họ trở nên hiểu biết hơn.

Để trả lời câu hỏi của bạn, một câu hỏi rất hữu ích. Không. Nhưng hiện tại là chúng ta có 90 linh mục trừ quỷ trong nước Mỹ. Chúng ta có 185 địa phận và chúng ta có 90 linh mục trừ quỷ. Thực tại này thì khá hơn sáu năm về trước vì chúng ta bắt đầu từ số không. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, vì rất nhiều giám mục nhận yêu cầu. Có nhiều giám mục gọi tôi nói, “Tôi không biết phải làm gì.” Tôi nói họ cần bổ nhiệm linh mục trước hết.

Hầu hết các ĐGM tin nhưng vẫn còn một số nghi ngờ. Tôi nói với họ tới chứng kiến việc tôi làm, GM sẽ không còn nghi ngờ. Tôi hứa.

Hỏi: Câu hỏi có liên quan đến lời nguyền được truyền qua các thế hệ, lời di truyền.

Trả lời: Tôi sẽ đưa ra một ví dụ. Đây là một câu chuyện thật. Một người gặp tôi đã có rất nhiều vấn đề cho một thời gian rất dài với sự trầm cảm rồi những vấn đề này trở thành chứng rối loạn tinh thần. Hoặc họ bị những vấn đề về dạ dày một thời gian rất dài hoặc những vấn đề thể lý khác. Họ đã đi đến bác sĩ, trải qua nhiều thử nghiệm mà không ai tìm thấy sự gì. Không tìm thấy sự gì cả. Vì thế họ trở nên rất là tuyệt vọng. Tất cả những người này đều là rất tuyệt vọng. Rồi họ đến với tôi.

Chúng tôi phải hỏi nhiều câu hỏi, hỏi về nhiều mặt và tìm cách nhận định. Sau đó tôi hỏi, “Trong huyết thống của bạn, cha hoặc mẹ, đã có tham gia vào ma thuật, trò phù phép, dùng tinh thể và bất cứ sự gì tương tự?” Người ấy trả lời, “Ồ, bà của tôi là người dùng yêu thuật/phù thủy.” “Anh hãy nói cho tôi những gì bà anh đã làm.”

Chúng tôi vừa cầu nguyện cho một người tối thứ sáu. Đây là chuyện thật. Anh lớn lên ở Mexicô. Bà của anh thường đem anh đến curandero, đó là tiếng Tây Ban Nha cho người dùng yêu thuật. Họ là những người chữa bệnh nhưng họ dùng yêu thuật. Bà thường xuyên đem anh đến đó và đó là cứa mở [cho ma quỷ] và anh cuối cùng bệnh ngày càng nặng hơn.

Vì cha anh là một Rosicrucian, đã nguyền rủa cả gia đình. Không một ai trong gia đình của anh có cuộc đời lành mạnh suốt đời trưởng thành của họ. Tất cả đều có vấn đề với dạ dày, tất cả đều có vấn đề về tâm thần. Hai trong bốn người anh em không có gia đình. Anh ấy cũng không thể có con nên đã nhận con nuôi. Chị/em của anh có một đứa con nhưng tất cả đều phải chịu đau khổ. Người cha nói ông đã đặt lời nguyền rủa trên họ. Nhưng nó quay mãi về đến người bà.

Đôi khi lời nguyền rủa di truyền có để trờ về xa hơn nữa. Đôi khi chúng ta không biết Rất ít người biết là ông bà cố nhưng đôi khi người ta truyền lại những truyền thuyết từ đời này đến đời kia và họ sẽ biết. Sự nguyền rủa di truyền đến từ đó. Chúng đến từ những người tham gia vào những hành vi này và lời nguyền rủa được truyền đi từ thế hệ này đến thế hệ sau đó.

Share:

Hỏi đáp về ma quỷ và trừ quỷ với Cha Vincent Lampert

Lời từ video:

- Lời cầu nguyện nài khẩn và Lời ra lệnh
- Những trò chơi đóng vai các thần khí...
- Tại sao các thánh bị quỷ hành hạ
- Đồ trang sức bị yểm. Làm phép đủ chưa
- Thể dục Yoga

- Cầu nguyện bằng tiếng La-tin có hữu hiệu hơn không?
- Về việc săn ma

Hỏi: Những Lời cầu nguyện nài khẩn và Lời ra lệnh. Tôi muốn hỏi… có người cảnh cáo mọi người về việc dùng một trong hai cách cầu nguyện ấy…

Lời cầu ra lệnh là dành cho việc trừ quỷ trọng thể. Đó là những lời ra lệnh đến với ma quỷ và đó là những lời cầu nguyện mà Giáo hội dạy chỉ những linh mục đã được vị Giám mục của địa phận mình cho phép mới nên dùng những nghi thức đó. Chỉ vị linh mục trừ quỷ ra lệnh cho ma quỷ. Còn phần những lời cầu nguyện khẩn nài, kêu lên với Chúa ai cũng có thể dùng được.

Trong sách Nghi thức, có những mẫu cầu nguyện dâng lên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa thấy tôi tớ Chúa đây đang quằn quại trong đau khổ, xin hãy đến phù trợ họ và cứu họ thoát khỏi ma quỷ đang hành hạ họ đây.” Bất cứ ai cũng có thể cầu nguyện cách đó, nhưng để nói với ma quỷ: “Ta ra lệnh cho ngươi, Ta buộc ngươi…” thì Giáo hội dạy chúng ta không nên làm vì chúng ta có thể đặt mình trong tình huống nguy hiểm.

Ngay cả ĐHY Ratzinger, sau này là ĐTC Bênêđictô XVI, trong khoảng giữa những năm của thập kỷ 1980 cũng đã cảnh báo rằng những lời cầu khẩn đến với Chúa ai cũng có thể dùng, nhưng ra lệnh cho quỷ dữ thì chỉ được dành cho vị giám mục hoặc vị linh mục đã được ủy phép để nói những lời cầu ra lệnh đó.... Có một số người sẽ nói họ có quyền để nói những lời ra lệnh đó theo như phẩm chức họ đã được lãnh nhận qua bí tích Rửa tội. Nhưng nếu bạn muốn đánh bại ma quỷ bằng việc bất tuân vị giám mục của địa phận thì việc bất tuân và chiến đấu với ma quỷ không đi đôi với nhau. Nó là công thức dành cho thảm họa.

Hỏi: Những trò chơi đóng vai mà những người trẻ thường chơi, tôi chưa bao giờ chơi nó. Nhưng tôi nghĩ người trẻ đang nhập vai trong những tính cách của các thế lực và những thần khí đó…

Điều đó nguy hiểm. Chúng ta nghĩ rằng những trò chơi đó thì vui và giải trí nhưng nó có thể là cách tinh vi ma quỷ dùng để chiếm một chỗ nào đó trong cuộc sống chúng ta.

Bạn biết ma quỷ không sống trong dòng thời gian, nó không vội vàng và mục đích của nó là hủy diệt đời sống chúng ta. Nó có thể làm việc đó qua trò chơi đóng vai, v.v... vì những trò chơi đó làm cho sự dữ có sức quyến rũ. Chúng ta bắt đầu nghĩ rằng nó vui và mang tính giải trí nhưng rồi chúng ta bắt đầu tiếp nhận tính cách của nhân vật mà chúng ta đang diễn tả.

Và đặc tính duy nhất chúng ta nên có là gì? Chúng ta cần có tương quan với Chúa Giêsu, đó là đặc tính duy nhất đáng được mặc lấy. Trong Gioan 3:30 nói, “Người phải nổi bật lên còn tôi phải lu mờ đi.” Khi chúng ta tham gia vào những loại hoạt động này, Chúa Kitô bị lu mờ còn kẻ dữ thì nổi bật lên

Hỏi: Khi những vị thánh như Gioan Vianney bị ma quỷ hành hạ, gần như là hết cả cuộc đời linh mục của ngài. Tôi muốn hỏi nó có ngụ ý gì?

Những vị thánh của Giáo hội bị ma quỷ làm đau đớn, bạn đề cập đến thánh Gioan Vianney. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Thánh Padre Pio. Chúng ta nghĩ đến Thánh Phaolô, một thủ hạ của Satan được gửi đến để quấy phá ngài, để ngài khỏi tự cao tự đại. Hãy nhớ đến ông Gióp trong Cựu Ước.

Những ví dụ này tôi gọi là bị quỷ áp bức. Quỷ áp bức / quỷ hành. Chúa cho phép ai đó bị quỷ hành hạ, như là một đặc ân. Bạn có thể nghĩ điều đó có đi kèm theo tờ biên nhận không, tôi có thể trả lại hay đổi thứ khác được không? Nhưng Chúa cho phép một số người bị quỷ áp chế như là một cơ hội để họ bày tỏ lòng trung tín đối với Chúa. Chắc chắn,

Thánh Gioan Vianney không cần được trừ quỷ. Chính vì sự thánh thiện của ngài nên ma quỷ đã hành hạ ngài. Về Thánh Padre Pio, có một cuốn sách nhỏ, tựa đề “Quỷ trong cuộc sống của Padre Pio”, Padre Pio thường gọi con quỷ là ông già râu xanh. Đó là biệt danh ngài dành cho con quỷ. Trong cuốn sách, Padre Pio viết, Một đêm khi ngài đang ngủ, quỷ đến và tạo ra đủ thứ tiếng ồn ầm ĩ trong phòng Padre Pio, khiến thánh nhân không thể ngủ được để rồi ngày hôm sau Padre Pio không thể chào đón những người hành hương đến gặp ngài hoặc nghe họ xưng tội. Padre Pio nói ngài lăn qua, nhìn thấy nó và nói, “Thì ra là ngươi, ông già râu xanh, ta tưởng có ai quan trọng chớ.” Rồi lăn người lại ngủ tiếp. Đó là một thái độ tuyệt vời mà tất cả chúng ta nên có. “Ồ, té ra chỉ là ngươi.”

Tôi thường nói ma quỷ thì như con gián, khi bạn bật đèn lên, con gián làm gì? Nó nhốn nháo tìm lỗ gần nhất hoặc kẽ hở mà nó có thể ẩn nấp. Và ánh sáng mà chúng ta đưa đến là gì? Ánh sáng của Chúa Kitô chiếu lên ma quỷ thông qua lời cầu nguyện riêng biệt và sứ vụ này của Giáo hội

Hỏi: Bố tôi đã có lần nói với tôi rằng những món đồ trang sức có thể bị yểm. Tôi và em gái tôi có rất nhiều đồ trang sức trong phòng của chúng tôi. Nếu một món đồ trang sức hoặc thứ gì bị yểm và chúng tôi không biết, khi nhà chúng tôi được cha đến làm phép, vậy có đủ chưa?

Như vậy là đủ. Vấn đề là nếu vật đó bị yểm, thì có phải vật đó tự căn là của sự dữ? Nếu một vật được tạo ra để tôn vinh một con quỷ nào đó thì đúng, vật đó tự căn là của ma quỷ. Nhưng nếu chỉ là chiếc nhẫn bình thường thì được làm phép là đủ. Vì bạn lấy nó ra khỏi thế giới của sự thô tục, và đặt nó trở lại trong thế giới thánh thiêng. Nhưng vấn đề là vật đó có bắt nguồn từ ma quỷ không? Nếu nó là như vậy thì nó nên bị tiêu hủy (rảy nước phép trước khi hủy/đốt nó. Một nhà trừ quỷ quên rảy nước phép trước khi đốt, ngửi khỏi đó vào khiến Cha mắc bệnh.), chẳng hạn như Bảng cầu cơ. Nhưng nếu một đồ vật chỉ đơn giản bị yểm bùa, nó có thể được làm phép và dùng lại.

Vì bạn có thể suy nghĩ một chút, những người bị quỷ ám, chúng ta có nên tiêu diệt họ không? Không, chúng ta sẽ chúc lành cho họ qua lời cầu nguyện đặc biệt này của Giáo hội.

Hỏi: Tôi có một câu hỏi về Yoga vì tôi biết nhiều người tập Yoga. Cha nghĩ gì về nó? Tôi biết nhiều người sử dụng nó chỉ để làm duỗi người. Tôi không biết họ dùng để thực hành suy niệm Yoga hay chỉ dùng nó duỗi người để thân thể được dẻo dai hơn. Tôi muốn biết Cha nghĩ gì về nó?

Việc thực hành Yoga: Giáo hội có cảnh báo về việc này. Bạn biết từ “Yoga” được kết nối với từ “yoke/cái ách.” Vậy người ta đang gánh lấy cái ách gì vậy? Và Giáo hội nói thường đa phần người ta hầu hết không có khả năng tách bạch việc tập thể dục ra khỏi những lời cầu nguyện, ra khỏi tính chất tâm linh kết nối với nó. Thậm chí những tư thế khác nhau trong yoga cũng là những tư thế cầu nguyện cho các vị thần khác nhau trong Ấn Độ giáo. Vậy sự nguy hiểm có thể là một ai đó chỉ bắt đầu vì lợi ích thể lý, nhưng sau đó họ có thể bị thu hút bởi tính chất tâm linh gắn liền với nó. Nếu một người cần co duỗi thân thể, tôi nghĩ có rất nhiều cách khác tốt hơn là đón nhận một phương pháp thực hành tâm linh mà thực sự không có bất kỳ gốc gác Kitô giáo nào trong đó.

Hỏi:Tôi muốn biết Cha nghĩ gì về những cuốn sách như Unbound (tạm dịch: Tháo gỡ. Trongsạch.com sẽ dịch vài chương hữu ích) của Neil Lozano và tác vụ chữa lành, giải thoát mà ông thực hiện.

Đó là câu hỏi hay. Những cuốn như Unbound? Trong thế giới Trừ quỷ... Việc trừ quỷ là gì? Có việc cầu nguyện trừ quỷ, có việc cầu nguyện giải thoát, cầu nguyện chữa lành nội tâm. Cách cầu nguyện trong Unbound của Neil Lozano là cầu nguyện chữa lành nội tâm, ý thức được nhiều người trải nghiệm những đổ vỡ trong đời sống của họ. Họ lớn lên trong một ngôi nhà hỗn loạn, có thể ai đó nghiện rượu, nghiện ma túy, bất cứ điều gì có thể xảy ra. Rồi sau đó, chúng ta giúp người đó đối phó với sự đổ vỡ mà họ đã trải qua. Vì thế, chúng ta có chữa lành nội tâm, giải thoát và trừ quỷ.

Hỏi: Câu hỏi của tôi rất ngắn. Cha nghĩ gì về bộ truyện Harry Potter?

Harry potter tôi sẽ nói đó là loại văn học có bản chất để dạy giáo lý. Những người trẻ tuổi sẽ đọc những loại sách này. Đối với tôi, việc chỉ cấm các em đọc nó, cấm xem phim là không đủ. Các bậc cha mẹ Công giáo cần ngồi xuống với con cái của họ và trò chuyện về loại văn học đó, về cách nó không phù hợp với đức tin của chúng ta như thế nào.

Bạn không thể nói với những người trẻ ngày nay ‘Đừng đọc cái này, đừng xem cái kia’ nhưng các bậc cha mẹ có thể sử dụng điều đó như một cơ hội dạy dỗ con cái của họ, chỉ ra ‘Tại sao điểm này không phù hợp với đức tin Công giáo của chúng ta?’ Thực tại là nhiều người trẻ sẽ chọn đọc Harry Potter nhưng lần cuối các em cầm lấy cuốn Kinh thánh hoặc sách giáo lý Công giáo là khi nào?

Nếu có sự cân bằng tốt, chúng ta có thể lọc qua những thể loại văn học này nhờ đức tin của chúng ta để biết được điều gì không phù hợp với đức tin, qua mối tương quan của chúng ta với Chúa.

Hỏi: Câu hỏi cuối cùng của tôi là tinh dầu? Cha có ý kiến gì về nó?

Vâng, trong thế giới trừ quỷ, "hội thẩm đoàn" vẫn đang còn xem xét về tinh dầu vì ngày nay, bạn tìm thấy nó trong mọi thứ. Tôi biết đây là câu hỏi mà Hiệp hội trừ tà quốc tế... Đó là lý do tại sao chủ đề này được đề cập đến và Giáo hội phải hồi đáp như thế nào. Vì bạn có thể tìm thấy tinh dầu trong những thứ bạn uống, những chất làm thơm phòng, chúng ta tìm thấy nó trong mọi thứ.

Hỏi: về Nội dung Khiêu dâm và Ma quỷ …

Và tôi sẽ đặt nội dung khiêu dâm dưới tiêu đề Đời sống tội lỗi theo thói quen. Hành vi nghiện ngập trở thành thói quen. Nội dung khiêu dâm ngày càng gia tăng do bởi công nghệ, nó luôn trong tầm tay của mọi người ngày nay và kết quả là tôi nghĩ rằng ma quỷ sử dụng nó.

Như tôi đã nói, ma quỷ là một kẻ cơ hội, nó sẽ sử dụng bất kỳ cách nào có thể, để cố gắng phá huỷ cuộc sống chúng ta. Và hành vi gây nghiện cho dù đó là khiêu dâm, ma túy, hay rượu,.. ma quỷ đều có thể sử dụng để hủy hoại cuộc sống của chúng ta.

Hỏi: Cha có đề cập đến giải trí. Tôi đã thấy rất nhiều chuyển thể thông qua giải trí liên quan đến Thiên Chúa, thiên thần, ác quỷ, và tôi nhận thấy rằng họ đã làm xáo trộn nhận thức của mọi người về cách hoạt động của thiên thần và ác quỷ các nghiêm trọng. Cha có thể đưa ra lời khuyên nào như việc giáo dục mọi người đúng cách về những điều này? Và thiên thần và ác quỷ thực sự hoạt động như thế nào?

Vâng, đó là một câu hỏi tốt. Câu hỏi là về các thiên thần. Hầu hết mọi người đều có một cái nhìn cảm tính nào đó về các thiên thần. Thậm chí đôi khi nghe thấy ai đó chết thảm thương, mọi người sẽ nói, họ bây giờ là thiên thần của tôi trên thiên đàng. Nhưng không, loài người không trở thành thiên thần. Tôi hiểu khi đau buồn họ tìm kiếm cảm giác an ủi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hiểu bản chất của thiên thần được Chúa dựng nên. Khả năng của họ là gì? Họ không thể làm những điều gì? Đúng là chúng ta cần học biết về điều đó. Nhưng tôi không thể nói chi tiết hơn nữa. Tôi cần phải bàn luận về những gì Thánh Tôma Aquina dạy. Tôi nghĩ thật quan trọng để chúng ta hiểu bản chất của thiên thần, những gì họ có thể làm vì nó cho chúng ta một cái nhìn sâu hơn vào thế giới ma quỷ. Những gì nó có khả năng và những gì nó không thể làm được.

Hỏi: Chúng ta cần biết điều gì về quỷ nhập vào động vật như chúng ta nghe trong Phúc âm ma quỷ xin nhập vào đàn heo? Và có những vị thánh như Padre Pio, trong thời thơ ấu đã bị tấn công bởi một con chó đen? Vậy thì việc bị ám nơi động vật diễn ra như thế nào? Những dấu hiệu đó là những dấu hiệu nào và nó có giống với một người bị quỷ nhập không?

Việc nhập vào động vật được coi là quỷ phá nên nó sẽ được đăt vào thể loại nơi chốn, một vật dụng hoặc có thể là một động vật. Vì thế động vật là một loại quỷ phá. Rõ ràng là con vật không làm gì đó để mời con quỷ đi vào. Nó xảy ra vì, chẳng hạn như Chúa Giêsu đuổi những con quỷ và chúng đi vào đàn heo. Chúa cho phép điều đó xảy ra. Và nó có thể xảy ra vì ai đó dùng động vật trong một thứ nghi thức Satan nào đó, một việc làm cho Satan.

Hỏi: Cha nghĩ gì về những nhà truyền thông Công giáo, những người đang cố gắng cạnh tranh với thế giới thế tục và cố gắng tạo ra những lựa chọn thay thế những thứ như Harry Potter và những thứ tương tự? Những nhà văn như Tolkien, những người vẫn viết về những việc thần tiên, và cha nghĩ gì về việc họ muốn làm nó không giống như những hành vi huyền bí, thờ tà thần, nhưng trình bày là vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta có những quyền lực đến từ Chúa. Chằng hạn như các vị thánh. Vẫn có nhưng vị làm những điều phi thường như có mặt ở hai nơi chốn, được bay lơ lửng và những thứ tương tự.

Tôi nghĩ rằng những loại văn chương dẫn người ta đến với Chúa là tốt và lành mạnh. Những loại văn chương này có thể là một phản ứng tốt đối với những loại văn học làm những sự về ma quỷ hấp dẫn. Vì vậy, tôi nghĩ đó là những điều rất tích cực, nếu chúng giúp mọi người suy nghĩ về đức tin của họ và phát triển trong mối tương quan của họ với Chúa.

Hỏi: Cha có đề cập đến cầu nguyện tiếng latin. Cha có thể nói nhiều hơn về điều đó không? Đọc một Kinh Kính mừng bằng tiếng La-tinh có hiệu quả hơn là đọc bằng tiếng Anh không?

Vậy câu hỏi là tiếng La-tinh có hiệu quả tốt hơn tiếng Anh không? Đối với tôi, hiệu quả của lời cầu nguyện không hệ tại ở ngôn ngữ mà chính là những lời cầu nguyện. Nghi thức mới khi nó được đưa ra vào năm 1998, người ta nói rằng những lời cầu nguyện dường như không có sức mạnh cho lắm, so với nếu bạn dịch nghi thức cũ sang tiếng Anh, dường như có sức mạnh hơn. Đó là lý do tại sao nó đã được điều chỉnh lại vào năm 2004 và 2005.

Khi chúng ta tranh luận về ngôn ngữ, ma quỷ thực sự vui thích về điều đó. Bởi vì cuối cùng đó là lời cầu nguyện của Giáo hội và nếu đó là lời cầu nguyện của Giáo hội thì đó mới là điều quan trọng.

Tôi biết một linh mục trừ quỷ sử dụng nghi thức mới và kể, con quỷ tỏ lộ và nói, “Ông sẽ không tìm cách đuổi tôi bằng bản dịch đó, đúng không ông?” Cha ấy nói vì thế và ngừng dùng nghi thức mới. Vì thế nói hỏi Cha ấy, “Nếu ma quỷ là cha của mọi sự dối trá, tại sao Cha lại tin sự gì đó từ miệng người quỷ đang dùng để nói với Cha?”

Tôi nghĩ ma quỷ rất thích thú khi chúng ta tranh luận về ngôn ngữ vì điều quan trọng thực sự là lời cầu nguyện của Giáo hội, sự thánh thiện của người đang nói lời cầu nguyện đó.

Vì nếu tôi không đang ở trong tình trạng ân sủng và tôi làm việc trừ quỷ, tôi đang đặt chính mình trong tư thế bị quỷ tấn công. Nếu bạn nghĩ về cuộc đời của các vị thánh, trên đầu họ luôn có vầng hào quang. Họ đang tỏa ra vinh quang ai? Của riêng họ ư? Không, họ đang tỏa rạng vinh quang của Chúa. Vị vậy một linh mục trong trạng thái ân sủng đang thực hành nghi thức trừ quỷ, người ấy phải tỏa rạng vinh quang và sự hiện diện của Chúa, qua lời cầu nguyện của Giáo hội.

Bạn cũng biết khi cử hành các bí tích của Giáo hội, tính chất cá nhân của người linh mục không quan trọng. Nếu vị linh mục không phải là một người tốt, và linh mục ấy cử hành một đám cưới thì bí tích hôn nhân vẫn thành. Nếu vị linh mục ấy cử hành Thánh lễ, thì đó vẫn là Mình và Máu Chúa Kitô.

Nhưng trong một buổi cầu nguyện trừ quỷ thì không như vậy. Vì vậy, tôi cần đảm bảo rằng tôi đang ở trong trạng thái ân sủng. Tôi biết những người trừ quỷ không ở trong trạng thái ân sủng (chưa xưng tội), khi họ làm việc trừ quỷ, quỷ sẽ không bị xua đuổi ra khỏi đó vì con quỷ ấy không cần vâng lời họ vì trạng thái tội lỗi của chính họ mà họ chưa giải quyết.

Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã làm việc hoặc đang làm việc ở một nơi mà đồng nghiệp của bạn thực hiện các hoạt động như săn ma, và họ tìm kiếm ma hoặc các thần khí. Rồi các đồng nghiệp khác nói với bạn, “Ồ, ở nơi này, bạn sẽ cảm thấy được những hiện tượng kỳ lạ, hoặc bạn cảm thấy như ai đó đang ở đây, mặc dù bạn là người duy nhất ở đó. Tôi nghĩ đến việc lấy muối đã được làm phép rảy vào đó? Tôi có thể làm những gì khác? Nhờ một linh mục đến làm phép nơi đó? Cha sẽ làm gì trong tình huống đó?

Một vài năm trước, tôi đã đi nghỉ hè cùng một số người trong gia đình tôi. Tôi có sáu anh em và hai chị gái, chúng tôi ở Savannah, Georgia, và chúng tôi đã đi dạo vào một buổi tối và gặp những người đang lên xe buýt để đi gặp ma. Tôi nói với một người chị của tôi, tôi cũng sẽ đi tham quan với họ và mang theo nước thánh và rảy nước phép mọi nơi. Chị tôi cười và nói, Tôi sẽ làm họ mất kinh doanh.

Về việc ma quỷ hiện hữu ở một địa điểm: ma quỷ là thuần linh, chúng không ở đây hoặc ở đó. Chúng ta nói nó ở đây hoặc ở đó, nếu đó là nơi nó chọn để hoạt động. Một con quỷ không sống trong một ngôi nhà bỏ hoang. Có thể chính điều người săn ma đang làm đã thu hút sự chú ý của con quỷ, và khiến nó xuất hiện ở đó. Nhưng ma quỷ không có địa chỉ như chúng ta, bởi vì chúng là thuần linh. Vì vậy, hoạt động của các thợ săn ma, thực sự có thể gây ra các biểu hiện xảy ra.

Bất kỳ nhà trừ quỷ nào cũng sẽ nói với bạn khoảng 99% lần, thần khí đó không phải là linh hồn của những người đã chết, bây giờ đang ở đó. Thần khí đó là ma quỷ đang đùa với những người này, tìm cách đi tâm trí của họ.

Một tối nọ, tôi đang xem một chương trình và chuyển qua một kênh khác, một người đang đi tìm ma và chương trình đang kết thúc. Người đi săn ma nói, “Bây giờ tôi rời đây nhé. Cái gì ở đây, đừng theo tôi về nhà. Tôi không muốn bạn ở trong nhà của tôi. Bạn ở lại đây và đừng quấy phá tôi.” Thật là một tuyên bố điên rồ bởi vì ma quỷ muốn có sự kết nối với con người, vì chúng muốn phá hủy cuộc sống của chúng ta. Chúng sẽ không chỉ sống trong một ngôi nhà bỏ hoang ở đâu đó. Chúng sẽ tìm hết mọi cách kết nối với chúng ta và làm cho đời sống chúng ta tan rã ra.

Tôi nghĩ đam mê với việc săn ma và tất cả những thứ tôi đặt dưới thể loại giải trí đó, chúng ta có thể nghĩ rằng nó rất vui thích và thú vị, nhưng chúng ta đang đưa cho ma quỷ một chỗ đứng trong cuộc sống của chúng ta.

Hỏi: Không biết liệu Cha có thể liệt kê một số lời cầu nguyện thích hợp cho giáo dân sử dụng khi họ cảm thấy như thể họ đang bị tấn công về mặt tâm linh? Hoặc có thể có bất kỳ lời cầu nguyện nào mà người giáo dân có thể không biết nhưng họ có thể dùng để cầu nguyện.

Nếu người ta nói với tôi rằng họ nghĩ họ đang bị quỷ quấy phá, hành hạ và họ không cần sự trừ quỷ, thường là họ gửi email cho tôi. Sau đó, tôi sẽ gửi lời cầu nguyện từ cuốn sách này. Vì nghi thức trừ tà mới có những lời cầu nguyện mà người ta có thể dùng để cầu nguyện cho chính họ. Như tôi đã nói bạn không thể mua cuốn sách này, đây là một mẫu cầu nguyện mà người ta có thể dùng: Lạy Chúa, là Đấng bảo vệ những ai tin tưởng vào Chúa, xin Chúa hãy nắm lấy thuẫn đỡ và khiên che, đến hỗ trợ con. Giải thoát con khỏi cạm bẫy của kẻ thù và với quyền năng của Chúa, chiến đấu những kẻ đang tấn công con. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Tôi nghĩ có một số mẫu lời cầu nguyện trong cách sách giải cứu hoặc chiến đấu tâm linh đã được xuất bản. Nhưng khi ai đó liên lạc tôi, tôi sẽ gửi cho họ những lời cầu nguyện từ sách trừ quỷ, những lời mà họ có thể dùng để cầu nguyện cho chính họ.

Hỏi: Một cha xứ có lần bảo gia đình tôi rằng kinh cầu nguyện với Thánh Micae chỉ nên đọc khi cầu nguyện với nhóm và không nên đọc một mình. Cha nghĩ gì về việc đó?

Bạn biết lời cầu nguyện đó là do Giáo Hoàng Lêô thứ XIII viết ra và trước đây thường được đọc ở cuối Thánh lễ. Kinh có dùng chữ chúng tôi nên ý là để cầu nguyện trong cộng đoàn. Tôi không thấy gì nguy hiểm cho cá nhân đọc lời cầu nguyện đó. Khi bạn sợ hãi hoặc trong tình huống nào đó, bạn dâng lên Chúa lời kinh đó, tôi nghĩ đó có thể rất hiệu lực. Nhưng nói chung, nó là một lời cầu nguyện với cộng đoàn. Cũng như Kinh Lạy Cha, chúng ta không đọc, Lạy Cha của con ở trên trời... Nhưng có nhiều lần chúng ta đọc lời cầu nguyện đó một mình và đó là điều hoàn toàn bình thường.

Hỏi: Cám ơn Cha nhiều. Phá thai và ma quỷ… Hầu hết chúng ta, nếu không muốn nói tất cả chúng ta vào những thời điểm khác nhau không thể lãnh nhận các bí tích với thứ dịch bệnh này. Cha có thể cho biết Cha nghĩ gì về việc đó?

Tôi nghĩ ma quỷ đang lợi dụng đại dịch này bởi vì chúng ta không được phép đến nhà thờ, không được phép cử hành các bí tích, và chúng ta đã đánh mất ý thức cộng đồng. Có nhiều người tham dự Thánh Lễ trực tuyến nhưng nó vẫn không thể nào được so sánh với việc thực sự tham dự Thánh Lễ trong cộng đoàn tại giáo xứ.

Giáo xứ của tôi, chúng tôi có những máy phát sóng vô tuyến hoạt động trong phạm vi 300 thước. Giáo dân có thể ngồi trong bãi đậu xe và nghe trên kênh 88.7. Nhưng lần nữa, tôi nghĩ rằng ma quỷ đã lợi dụng tình huống này để cô lập chúng ta hơn nữa.

Và thách thức mà Giáo hội sẽ phải đối mặt là tìm cách đưa người ta trở về với giáo xứ. Đó là câu hỏi mà các linh mục và giám mục phải đương đầu khi người ta không còn đến nhà thờ và chúng ta ngay cả đã nói với họ, họ không cần đến nhà thờ. Điều gì sẽ đưa họ trở lại? Bởi vì hầu hết mọi người sẽ phát triển các mẫu sống mới sau ba tháng. Có nhiều người thậm chí còn nói với tôi, “Chúng tôi không có ý định tham dự Thánh Lễ ở giáo xứ. Chúng tôi đã tìm những cách mới để cầu nguyện một mình. Chúng tôi không thấy giá trị của việc đi đến nhà thờ nữa. Vì thế, Giáo hội sẽ bị thách thức trong những việc Giáo hội được gọi để thi hành.

Và bạn có nói đến phá thai. Tôi nghĩ ma quỷ rất ưa thích việc phá thai vì chúng ta tự tiêu diệt chính mình, chúng ta giết chết thế hệ tới.

Hôm nay là Lễ các Tổng Lãnh Thiên thần. Chúng ta hãy cùng nhau đọc Kinh Thánh Micae.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.

Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin giúp chúng con trong cơn giao chiến, chống trả sự hiểm ác mưu sâu của quỷ dữ. Chúng con sấp mình nguyện xin Chúa chế trị nó; cũng xin hoàng tử cơ binh trên trời lấy quyền phép Chúa mà hạ Satan cùng các quỷ dữ, đang rong ruổi khắp thế làm hại các linh hồn, bắt chúng giam cầm trong hỏa ngục. Amen.

Chúa ở cùng anh chị em, - và ở cùng Cha. Xin Thiên Chúa Toàn năng ban phúc lành cho anh chị em. Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Amen.

Share:

Blog Archive

Blog Archive