Đó là câu hỏi một bạn trẻ đưa đến cho mình, và mình phải tìm cách để trả lời theo kiểu mà bạn đó có thể hiểu.
Bạn đã xem phim Karate Kid chưa? Chàng trai trẻ khi mới học karate, người thầy bắt anh ta lau kiếng xa, lau theo vòng tròn. Làm cả tuần mà không thấy học võ gì hết anh ta cảm thấy điều anh đang làm là vô nghĩa. Bảo học võ mà chẳng thấy học võ gì hết.
Một ví dụ khác. Để có thể được gọi là người trưởng thành có khả năng sinh nhai, mỗi một người chúng ta phải đi học tiểu học, trung học rồi đại học. Sau đại học, người ấy hy vọng mình có tìm công việc tìm miếng sinh nhai vì nay được gọi là đã trưởng thành, không cậy dựa vào bố mẹ và gia đình nữa.
Về đời sống tâm linh, Kinh thánh có câu lời lại cả thế gian mà mất phần linh hồn nào có ích chi? Vậy suy cho cùng mục đích của cuộc sống này là để được vào nước trời, thừa hưởng gia tài thiên quốc, chia sẻ vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Người bạn trẻ hỏi mình câu đó, đánh giá bản thân theo tiêu chuẩn của trần Gian. Những việc tôi làm chẳng có thành tựu gì trước mắt thiên hạ, tôi không có một sự gì để nói là do tôi làm nên. Bạn ấy đang như anh chàng trai trẻ trong phim Karate Kid, không hiểu tại sao mình cứ phải lau kiếng chiếc xe theo kiểu này. Nhưng người thầy dạy của anh biết tại sao.
Cuộc sống của chúng ta là trở nên con người trưởng thành khi đứng trước ngưỡng cửa của nước trời.
Chúa sẽ cung cấp đủ những trường hợp để chúng ta điêu luyện và gầy dựng cơ bắp chân tay, tập luyện cho bản thân đức như kiên nhẫn, không nản lòng, can đảm, biết tha thứ, có niềm hy vọng vì Thầy dạy của ta rất tài ba và Ngài không quên ta dù là tích tắc.
Mục đích của cuộc sống là trở nên giống Chúa Giêsu. Và chúng ta cần nhớ cuối cuộc đời của Chúa, người đời đánh giá Ngài là một kẻ thất bại thảm thiết. Những kẻ đi ngang lắc đầu khinh miệt.Thước đo thành công của Nước Trời, điều làm các thiên thần hãnh diện về bạn rất khác với thước đo của trần gian. “Điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Luca 16:15).
Người Tin Lành thường khiển trách rằng người Công giáo quan tâm quá nhiều về Đức Maria; họ nói việc tôn kính Đức Maria lấy đi tầm quan trọng của Chúa Kitô. Nhưng nếu bạn nhìn vào tất cả những điều Đức Maria nói và làm trong Kinh thánh, bạn có thể thấy rằng lời khiển trách đó hoàn toàn trái ngược với sự thật vì chính Đức Maria buộc chúng ta phải tập trung vào Chúa Kitô. Thật vậy, đó là điều duy nhất Mẹ làm suốt cả đời mình và là điều duy nhất mà trọn vẹn con người Mẹ hướng đến là Đức Kitô. Điều này có thể được nhìn thấy trong những lời đầu tiên của Mẹ Tin Mừng ghi lại, và lời cuối cùng đã được viết xuống, cùng với hết thảy những lời Mẹ nói giữa hai điểm đó.
Lời đầu tiên được ghi lại của Mẹ là lời fiat / Xin vâng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38). Đó là câu trả lời của Mẹ khi thông qua thiên thần Gáp-ri-en, Chúa hỏi sự đồng ý của Mẹ để Con Chúa được sinh ra do Mẹ. Đó là lời xin vâng đầu tiên của Mẹ với Chúa Kitô.
Lời cuối cùng của Mẹ trong Kinh Thánh, lời Mẹ bảo những gia nhân tại tiệc cưới Cana, là “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Gioan 2:5). Đó là mệnh lệnh duy nhất của Mẹ đối với tất cả chúng ta cho mọi thời điểm. Mệnh lệnh đó là ý nghĩa của cuộc sống. Gia nhân tại tiệc cưới đã vâng lời nên họ đã được chứng kiến phép lạ đầu tiên: nước được biến thành rượu.
Và bài Thánh Vịnh hôm nay nằm ở giữa, giữa lời đầu tiên và lời cuối cùng của Đức Maria. Nó được gọi là “Magnificat”.
Trong Kinh Magnificat, Đức Maria không nói gì về bản thân mình mà chỉ nói về Chúa Kitô.
Mẹ nói, “muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”, và điều đó nghe khá ích kỷ và kiêu ngạo, cho đến khi bạn nhớ lý do Mẹ đưa ra cho câu nói đó: “Vì Ngài đã đoái đến người tớ gái hèn mọn của Ngài”.
Mẹ không tự cho rằng mình thánh thiện; Mẹ nói: “Danh Người thật chí thánh chí tôn!.”
Mẹ không nói Mẹ sẽ làm những điều tuyệt vời cho Thiên Chúa; Mẹ nói, “Đấng Toàn năng đã cho tôi biết bao điều cao cả.”
Mẹ không nói Chúa sẽ xét xử công bằng cho Mẹ nhưng là, “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Mẹ không nói Thiên Chúa chỉ ban ân sủng Ngài đến với một mình Mẹ mà thôi nhưng là, “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Thiên thần không ca tụng Mẹ là đấng có đầy nhân đức của riêng mình nhưng là Đấng đầy ân sủng. Ân sủng là một món quà được trao ban như không, không dựa trên sự xứng đáng của ai đó.
Đây là lý do tại sao người Công giáo chúng ta yêu mến và tôn vinh Đức Maria: vì Mẹ giúp chúng ta yêu mến và tôn vinh Chúa Kitô hơn bất kỳ ai khác. Càng chú ý đến Mẹ, chúng ta càng bị lôi cuốn bởi Đức Kitô. Càng yêu mến Mẹ, chúng ta càng yêu mến Chúa Giêsu hơn.
Không ai yêu mến Chúa Giêsu hơn Mẹ Maria, và chúng ta không thể làm gì tốt hơn là đi theo bước chân của Mẹ. Không ai yêu mến Mẹ Maria hơn Chúa Giêsu, và chúng ta không thể làm gì tốt hơn là đi bắt chước Chúa Giêsu.
Nếu bạn không yêu Chúa Giêsu cho đủ – và thực sự là như vậy – thì hãy cầu xin Đức Maria giúp bạn yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn. Tôi đảm bảo với bạn Mẹ muốn làm điều đó cho bạn và không ai có thể làm điều đó tốt hơn Mẹ. Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng và Nữ Vương các Thiên Thần. Các thiên thần tuân theo mệnh lệnh của Mẹ!
Nếu bạn không yêu Mẹ Maria đủ, hãy cầu xin Chúa Giêsu giúp bạn yêu Mẹ nhiều hơn. Tôi bảo đảm với bạn rằng Chúa Giêsu muốn làm điều đó cho bạn và Ngài sẽ làm như vậy. Ngài sẽ gửi thiên thần đến giúp bạn. Đơn giản là vì họ là các thiên thần do chính Ngài sáng tạo! -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Gioan 1:6-8;19-28)
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói : “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
-----
Hầu hết người Do Thái vào thời Chúa Giêsu không chấp nhận việc Chúa Giêsu tuyên bố mình là Đấng Mêsia vì hai lý do. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là lời khẳng định của Ngài về chính mình. Ngài tự khẳng định mình không chỉ là một nhà tiên tri, một nhà hiền triết hay một vị thánh mà còn là Con Thiên Chúa. Nếu điều đó không đúng, thì đó là tuyên bố báng bổ nhất một người có thể đưa ra.
Thứ hai, họ nghĩ rằng Đấng Mêsia sẽ mang đến cho dân Israel, lúc này đang ở dưới chế độ độc tài chuyên chế của La Mã; đế quốc La Mã đã cướp đi quyền lực, sự thịnh vượng, giàu có và tự do mà dân tộc này đã không được hưởng kể từ thời Đa-vít và Sa-lô-môn. Nhưng Chúa Giêsu là người phi chính trị. Ngài không làm cho người nghèo trở nên giàu có hơn. Ngài không giải thoát các tù nhân Do Thái khỏi nhà tù La Mã. Ngài đã không giải phóng Israel khỏi chế độ thuế áp bức và độc tài của La Mã. Ngài đã không trao cho Israel quyền tự do chính trị. Đối với nhiều người Do Thái vào thời Chúa Giêsu, điều đó bác bỏ lời tuyên bố Ngài là Đấng Mêsia. Nó như thể gọi mình là đấng cứu thế và vị cứu tinh thế mà khi bước vào Auschwitz lại không phá hủy các lò ga thiêu người.
Lời tiên tri cũng nói về Đấng Mêsia là người chữa lành người mù. Và Chúa Giêsu đã chữa lành một số người mù, nhưng đó chỉ là một số ít thôi. Ngài để lại nhiều người nữa không được chữa lành, bị mù, bịnh phung, què quặt và mọi bệnh tật khác. Ngài đã chữa lành sự mù quáng của cả thế giới về Thiên Chúa, nhưng đó không phải là điều mà hầu hết người Do Thái đang tìm kiếm. Họ nghĩ rằng họ đã có được điều đó rồi và họ đang tìm kiếm sự khôn ngoan và thành công của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Gioan 18:36).
Tại sao Chúa Giêsu đến? Có phải nó để giải quyết các vấn đề y tế của chúng ta? Có phải nó để giải quyết các vấn đề kinh tế của chúng ta? Có phải nó để giải quyết các vấn đề chính trị của chúng ta? Nếu vậy thì Chúa Giêsu là đấng cứu thế giả mạo và hoàn toàn thất bại. Chúng ta vẫn bị bệnh và chết. Chúng ta vẫn còn nghèo đói. Chúng ta vẫn có nền chính trị đầy tham nhũng, chia rẽ và hoàn toàn không hoàn hảo ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúa Giêsu đã ban cho thế giới điều gì mà trước đây nó không có?
Danh “Chúa Giêsu” có nghĩa là “Đấng Cứu Thế”; Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi điều gì? Lời tiên tri của Isaia nói rằng Đấng Mêsia sẽ cứu chúng ta khỏi sự đui mù, tù đày, nghèo đói và áp bức. Chúa Giêsu đã không làm điều đó. Vì vậy, Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia. Đúng không?
Trật lất rồi. Chúa Giêsu đã làm điều đó. Ngài đã cứu chúng ta khỏi kẻ thù, nhưng kẻ thù của chúng ta không phải là người La Mã, hay thậm chí là Đức Quốc xã. Kẻ thù của chúng ta là tội lỗi của chính mình. Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi cảnh nghèo khó nhất, nghèo nàn về tâm linh.
Mẹ Têrêsa hiểu điều đó khi Mẹ nói rằng nước Mỹ không phải là một nước giàu mà là một nước nghèo, một nước nghèo khủng khiếp. Bất kỳ quốc gia nào mà cha mẹ giết chết một phần ba số con của họ trước khi chúng được sinh ra đều là một quốc gia nghèo khủng khiếp. Nghèo về mặt tâm linh là nghèo túng nhất.
Chúa Giêsu cũng đã cứu tất cả chúng ta khỏi tình trạng mù quáng tồi tệ nhất, mù quáng tâm linh, mù quáng khiến chúng ta nghĩ rằng mình là chúa của chính mình, là người đặt ra những giá trị, bản sắc và vận mệnh của chính mình, sự mù quáng khiến chúng ta tôn thờ các thần tượng, đặc biệt là những thần tượng nổi tiếng nhất. thần tượng của tất cả mọi người, của chính chúng ta và ý chí của chúng ta. Ngài chữa lành một số người mù như là dấu hiệu hay biểu tượng của sự chữa lành sâu xa hơn.
Chúa Giêsu cũng cứu chúng ta khỏi sự áp bức tồi tệ nhất từ những kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, đó là sự áp bức không phải bởi Xê-da hay thậm chí Hitler mà bởi Satan. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta sự tự do thiết yếu nhất, đó không phải là tự do chính trị mà là tự do của tâm linh, của linh hồn, tự do khỏi tội lỗi, sự chết và địa ngục, không phải tự do khỏi đảng Dân chủ và chủ nghĩa xã hội hay tự do khỏi đảng Cộng hòa và chủ nghĩa tư bản.
Chúa Giêsu cũng cứu chúng ta khỏi những căn bệnh tồi tệ nhất, những căn bệnh tàn tật nhất, đó là sự nghiện ngập những tội lỗi chúng ta hay phạm, bất kể chúng là gì, làm tê liệt tâm hồn chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta bệnh tật và không chỉ phải chịu cái chết thể xác mà cả cái chết đời đời.
Vậy Chúa Giêsu đã ban cho thế giới điều gì mà trước đây nó không có? Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đưa Thiên Chúa đến cho chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu đã ban chính Ngài cho chúng ta và Ngài là Thiên Chúa. Chúa Giêsu đặt Thiên Chúa vào tay chúng ta. “Con Người sẽ bị nộp cho kẻ có tội” (Mác-cô 14:41) – mô tả cả việc Chúa bị đóng đinh và việc chúng ta rước lễ.
Ngược lại với Thiên Chúa không phải là người La Mã hay Đức Quốc xã, hay Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa, hay áp bức chính trị hay nghèo đói hay bệnh tật hay mù lòa hay tù đày hay nô lệ. Ngược lại với Thiên Chúa là tội lỗi, đó là sự áp bức về mặt tâm linh, sự nghèo nàn về mặt tâm linh, bệnh tật của tâm linh, sự mù quáng của tâm linh, sự tù đày về mặt tâm linh và tình trạng nô lệ của tâm linh. Chúa Giêsu đã đi vào trọng tâm của vấn đề. Ngài được gọi là “Chúa Giêsu” hay “Đấng Cứu Thế” vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. – Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)
Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (1,1-8)
Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. 7 Ông rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
-----
Mác-cô chỉ đơn giản nói Gioan “xuất hiện trong hoang địa,” và không nói gì về lai lịch của Gioan. Nhưng Luca cho chúng ta biết cha của Gioan là Da-ca-ri-a, thuộc dòng dõi tư tế và cho chúng ta biết rằng Gioan đã ở trong sa mạc trước khi ông bắt đầu sứ vụ công khai của mình (Luca 1:80). Tôi nghĩ câu nói này của Luca có nghĩa là Gioan đã được cha mẹ - hoặc các thành viên khác trong gia đình gửi đi sau khi cha mẹ ông đã qua đời - để được những người sùng đạo của phái Essenes (có ba nhóm chính trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu: Sa-đốc, Pharisêu và nhóm Essenes) nuôi dưỡng trong “đan viện” của họ bên bờ Biển Chết, trong “nơi sa mạc”. Chúng ta biết từ Josephus (lịch sử gia) rằng cộng đoàn Essene đã chấp nhận các bé trai Do Thái giáo, những người mà họ sẽ đào tạo theo niềm tin và lối sống của họ, và đây là nguồn “ơn gọi” cho họ.
Thánh Gioan rao giảng “phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Người Qumran (của nhóm Essene) làm phép rửa hàng ngày để lãnh nhận ơn tha thứ. Còn Gioan dường như cử hành phép rửa một lần như một dấu hiệu của một sự thay đổi dứt khoát trong tâm tính và lối sống.
“Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông”: điều này đòi hỏi Gioan giảng dạy ở phía tây của bờ sông Giođan, trong phạm vi đoạn sông cách dòng nước chảy vào Biển Chết khoảng mười dặm hoặc ít hơn. Hơn mười dặm về phía bắc của Biển Chết là lãnh thổ Sa-ma-ri, và người Giu-đa (sống vùng Giuđêa) và người Giê-ru-sa-lem sẽ không vào làng của người Sa-ma-ri vì bất kỳ lý do gì. Nhưng đan viện Qumran cách cửa sông Giođan vài dặm về phía nam và phía tây dọc theo bờ biển.
“Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” Đây là một hành động đòi hỏi sự khiêm nhường của dân Do Thái vì nó có nghĩa là họ thú nhận họ không hoàn toàn tinh tuyền để tham dự nghi lễ và cần được tắm rửa toàn thân. Thừa nhận tội lỗi một cách công khai là một điều nhục nhã, vì thông thường người ta chỉ thú nhận với vị tư tế khi dâng lễ vật. Việc Gioan làm phép rửa cho mọi người khi họ xưng thú tội lỗi mình là hành vi của một vị tư tế, vì theo luật Mô-sê, người ô uế phải đến gặp thầy tư tế, thừa nhận tội lỗi hoặc sự ô uế của mình, và tuân theo việc nghi thức rửa sạch hoặc các nghi lễ khác mà thầy tư tế sẽ quy định. Bạn cũng hãy để ý những người kiêu căng hơn trong dân Do Thái: người Pha-ri-sêu và người Sa-đốc, Kinh thánh đã không nói họ là những người đến lãnh nhận phép rửa của Gioan.
“Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Áo lông lạc đà, dây thắt lưng là những dấu hiệu của ngôn sứ Ê-li-a (2 Vua 1:8). Gioan dường như cố tình chọn hình ảnh và tính cách của vị tiên tri tổ phụ danh tiếng lẫy lừng cho mình. Việc ăn châu chấu và mật ong rừng có vẻ nói Gioan ăn loại thức ăn không được chuẩn bị trước mà Gioan có thể tìm thấy trong môi trường. Josephus cho biết những người bị đuổi khỏi cộng đoàn Essene bị buộc phải sống cách này, bởi vì lời thề của họ khi gia nhập cộng đoàn cấm họ không bao giờ ăn thức ăn được chế biến ở nơi khác. Lỗ hổng của luật đó dường như nói có thể ăn thực phẩm chưa được chuẩn bị trước hoặc các thức ăn tìm thấy trong môi trường. Josephus vì thế, đề cập đến có những người tồn tại nhờ cỏ và vỏ cây. Đối với tôi, đây là dấu hiệu cho thấy Gioan đã bị đuổi khỏi cộng đoàn Qumran.
Điều này có thể vì nhiều lý do, nhưng điều khiến tôi ấn tượng là việc Gioan sẵn sàng rao giảng cho công chúng, ngay cả cho dân ngoại, trong khi điều này bị nghiêm cấm trong nội quy cộng đoàn. Có lẽ Gioan đã không đồng ý với việc cộng đoàn từ chối rao giảng sứ điệp chuẩn bị cho Đấng Mêsia cho toàn thể dân tộc và các quốc gia, như ngôn sứ Isaia đã nói trước.
Giống như người Essenes, Gioan trông đợi một Đấng Messia: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi”. Người trong nhóm Essene mong đợi hai Đấng Mêsia, một vị thượng tế và một vị vua. Gioan chỉ nói về một “Đấng quyền thế hơn”. Có lẽ Gioan chấp nhận “minority report / báo cáo thiểu số” của người Essene rằng Men-ki-xê-đê sẽ trở lại và người sẽ vừa là thượng tế vừa là vua. Hoặc, có lẽ Gioan nghĩ mình là mêsia tư tế, chuẩn bị cho “Đấng quyền năng hơn”, Con vua Đa-vít sẽ đến mà Gioan đang làm việc chuẩn bị.
“Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” Người của nhóm Qumran nghĩ rằng họ đã có Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần đến với họ qua nghi thức rửa sạch hàng ngày của họ. Gioan có vẻ không đồng ý. Có lẽ Gioan không đồng ý với cộng đoàn và đi đến kết luận rằng nhóm Qumran không có Chúa Thánh Thần, nhưng đúng hơn là Chúa Thánh Thần sẽ đến qua sứ vụ của Đấng Mêsia. Dù sao đi nữa, đó là những gì Gioan rao giảng ở đây: một đấng thiên sai sắp đến và ngài có quyền ban Chúa Thánh Thần.
Chúng ta những người nghe Tin Mừng này, chúng ta biết “Đấng quyền năng hơn” đó là ai và chúng ta đã nhận được Chúa Thánh Thần từ Người qua các bí tích? Vậy trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy cam kết ăn năn sám hối, “sống đạo đức và thánh thiện” mỗi ngày (2 Phêrô 3:11) để có thể xuất hiện “tinh tuyền không chi đáng trách và sống bình an” (2 Phêrô 3:14). Thánh Gioan Tẩy giả, dù đã được tẩy sạch tội lỗi từ trong bụng mẹ, vẫn thực hành khổ hạnh để bảo vệ mình trên con đường nên thánh.
Nếu Thánh Gioan đã mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong, thì chúng ta có thể thực hiện một số hy sinh cá nhân, thậm chí một số việc hãm mình ép xác, trong Mùa Vọng này không? Đúng là Mùa Vọng không phải là Mùa Chay, nhưng vẫn là mùa sám hối, và ai trong chúng ta lại không cần thanh tẩy và sám hối? Chúng ta đừng giống như những người Pha-ri-sêu và Sa-đốc quá kiêu căng để thừa nhận nhu cầu sám hối, thay đổi đời sống của mình và chú ý đến lời rao giảng của Gioan!
Jordan Peterson: Vợ tôi mắc phải một thứ bệnh ung thư rất hiếm gặp, 100% không qua khỏi và người mắc căn bệnh này thường chỉ còn sống được trong vòng 10 tháng. Các bạn có thể tưởng tượng được không?
Tammy Peterson: Gia đình mẹ tôi, họ đều qua đời khá trẻ vì bệnh ung thư và các thứ bệnh khác nhau. Khi tôi nghe tin trong phòng bác sĩ với chồng tôi, chúng tôi đã bị sốc. Nhưng tôi cũng nghĩ lại về gia đình mình và việc mọi người đều đã qua đời sớm, mắc bệnh ung thư, tôi nghĩ không sao, có lẽ đây là định mệnh của tôi về mặt di truyền.
Khi về nhà, tôi kể lại cho con trai tôi nghe. Tôi không nghĩ tới phản hồi của con trai tôi. Tôi nhìn thấy sự đau buồn khủng khiếp trong mắt con trai tôi, cách nào đó nỗi đau đớn ấy phản ánh lại trong tôi tình yêu của con trai tôi dành cho tôi, và tôi nhận ra tôi không trân trọng bản thân như cách con tôi trân trọng tôi. Vì thế, tôi nghĩ cho dù mình còn sống được bao lâu, tôi muốn cống hiến hết mình để yêu thương gia đình và bạn bè và chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào đến với tôi.
Jordan Peterson: Tammy vẫn luôn khắc kỷ như vậy. Vợ tôi không phải là kiểu 'người xé việc bé ra to'. Trước thông tin về căn bệnh của mình, và cuộc phẫu thuật sau đó, cùng với hậu quả của cuộc phẫu thuật, cô ấy vẫn điềm đạm như thường lệ.
Tammy Peterson: Họ đã lấy hết bạch huyết ra; có một chỗ không lành hẳn và cơ thể tôi chứa đầy chất lỏng. Tôi sụt 13 kí lô, họ đưa tôi vào bệnh viện. Trong bệnh viện, Queenie Yu đã đến thăm tôi.
Queenie Yu: Khi biết Tammy bị bệnh, tôi đã gửi email cho cô ấy và nói tôi muốn đến thăm cô ấy nếu cô ở trong cùng thị trấn. Và cô ấy cho biết cô đang ở Bệnh viện Đa khoa Toronto. Tôi đã chuẩn bị một gói quà cho cô ấy.
Tammy Peterson: Queenie mang theo một chuỗi Mân côi đã được Đức Thánh Cha làm phép và một bức ảnh nhỏ của Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu, ảnh Đức Mẹ của người Á Châu.
Queenie Yu: Khi Tammy nhìn thấy chuỗi tràng hạt, cô ấy nói, "Ồ, đây là chuỗi tràng hạt". Tôi rất ngạc nhiên và nói, “Chị biết nó là gì à?” Cô ấy nói, "Tôi biết nhưng tôi không biết dùng nó".
Tammy Peterson: Khi tôi học cách đọc Kinh Mân côi, điều tôi chưa bao giờ làm, cô ấy đọc nửa đầu, và tôi sẽ đọc nửa cuối của mỗi kinh. Cô ấy kể cho tôi nghe câu chuyện của mỗi mầu nhiệm, rồi hỏi tôi muốn cầu nguyện cho điều gì, nếu tôi muốn cầu nguyện cho ai đó. Và rồi chúng tôi đọc Kinh Mân côi, và tôi kể cho cô ấy nghe câu chuyện cuộc đời mình và tôi khóc.
Cách này thực sự xoa dịu tôi. Sau đó, tôi sẽ quay trở lại phòng của mình. Chồng tôi thường ngủ trên giường đợi tôi về. Tôi đánh thức anh ấy dậy và ngồi vào giường. Chúng tôi chơi trò chơi với những tấm bài cho suốt thời gian còn lại trong ngày và điều này xảy ra hàng ngày trong 5 tuần. Queenie, bạn tôi, đến thăm tôi hằng ngày.
Jordan Peterson: Tammy dành thời gian cầu nguyện với bạn mình. Bạn có thể nghĩ vợ tôi làm gì khi cô ấy cầu nguyện. Tôi sẽ nói cô làm điều ông Gióp đã làm trong sách Gióp. Đó là tìm cách hòa giải bản thân với những cực hình đang đổ tràn trên cô ấy dù là rõ ràng không do lỗi của cô. Một trong những kết luận ông Gióp đưa ra sau những thử thách ông gánh chịu là khi địa ngục của sự đau khổ, sự đau khổ bất công xuất hiện xung quanh một người, người đó có thể khiến nó trở nên tồi tệ hơn nhiều bằng cách trở nên cay đắng, phẫn nộ, bội ơn và giơ cú đấm chửi rủa số phận và Thiên Chúa, và có lẽ chửi rủa bản thân nữa. Tammy đã không làm điều đó, cô đúng thật đã đối mặt với số phận sắp xảy ra của mình một cách dịu dàng; cô cố gắng làm điều đó một cách có ý thức. Việc cầu nguyện đã giúp ích cô trong nỗ lực đó.
Tammy Peterson: Tôi nghĩ khi mắc bệnh mãn tính, chỉ điều nhỏ nhất cũng có thể thực sự rất đau đớn. Vì vậy, việc cầu nguyện đã giúp tôi vượt qua những đợt chụp (scans) đau đớn. Tôi thậm chí sẽ không thực sự nhận thấy nỗi đau mà tôi đang phải chịu đựng bao lâu tôi không ngừng cầu nguyện. Bạn biết, tôi chỉ liên tục cầu nguyện, tôi không bao giờ cho phép mình lo lắng. Tôi chỉ dâng mình cho Chúa và chú tâm việc cầu nguyện, để Chúa đưa tôi đến trạng thái tôi cần đến, nơi Chúa cần tôi đến, bất cứ điều gì Ngài muốn tôi trải qua. Tôi đã quyết định rằng cuộc sống không còn tùy thuộc vào tôi nữa. Tôi nghĩ tôi đã sống cuộc sống tự quyết định đường hướng cho mình đã quá lâu rồi. Và tôi đã được trao ban gian nan này, thử thách này để tôi nhận ra điều này và tôi đã nhận thức được điều đó. Tạ ơn Thiên Chúa, đúng không?
Jordan Peterson: Vợ tôi đã không cầu nguyện để được sống, cô ấy không cầu nguyện để Chúa sẽ ban cho cô ấy một sự miễn trừ đặc biệt nào đó. Cô ấy cầu nguyện rằng cô sẽ xử sự cách phù hợp nhất có thể, trong tình huống hiện tại. Và đó là ý nghĩa của việc đặt mình vào tay Chúa. Bạn không biết mọi sự sẽ ra thế nào; có thể bạn sẽ sống, có lẽ không. Nhưng điều bạn cầu xin là bạn sẽ chấp nhận những gì cuộc sống đem tới cho bạn theo cách tốt nhất có thể, bất kể điều đó là gì.
Mục tiêu đó thực sự rất khó để đạt được và thật là đáng sợ nếu bạn được gọi để làm điều đó. Tuy nhiên hết thảy những lối đi khác chỉ khiến cuộc sống vốn đã khó khăn rồi lại càng khó khăn hơn.
Queenie đã giúp đỡ Tammy theo ba chiều kích. Thứ nhất là, cô như một người dẫn đường đến với đức tin Công giáo truyền thống; thứ hai, cô làm tròn bổn phận của một người bạn và còn làm nhiều hơn thế nữa; và cuối cùng, cô cũng là người dạy Tammy cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và cũng cầu nguyện với Tammy, cách nào đó như một người thầy với người học trò.
Điều đó đã thay đổi Tammy như thế nào? Vợ tôi có khả năng đối mặt với định mệnh là cái chết với sự điềm tĩnh hơn; cô ấy cũng biết coi trọng bản thân mình hơn, không phải theo nghĩa tự mãn, tự nâng mình lên cao hơn những người khác nhưng theo nghĩa bạn nên dành cho chính mình tình yêu mà bạn dành cho ai đó bạn quan tâm. Vợ tôi đã khá hơn nhiều về điều đó.
Cả hai điều trên vẫn tiếp tục tăng triển. Chắc chắn đó là kết quả của việc cầu nguyện. Vì vợ tôi cầu nguyện khoảng một giờ mỗi ngày vào buổi sáng; việc cầu nguyện giúp cô chuẩn bị mình cho ngày sống, vì hoa quả của cầu nguyện phải là vậy, là giúp cô đối mặt với những đòi hỏi của ngày sống với một tâm trí tốt nhất có thể. Tâm trí tốt nhất có thể có là lòng cởi mở, lòng biết ơn như trẻ thơ; đó là một trạng thái rất khó đạt được nhưng là điều đáng giá để cố gắng.
Tammy Peterson: Khi tôi ở trong bệnh viện, họ cố gắng tìm chỗ rỉ trong ruột nhưng họ không tìm thấy nó và họ đã tìm thấy một người ở tiểu bang Pennsylvania là bác sĩ X quang can thiệp.
Trước khi đi, Queenie nói, “Ồ, chị muốn được cha ban phép lành trước khi chị đi không?” Tôi đồng ý và cha Eric đã đến căn hộ của tôi, ban phép lành cho tôi và cha khuyên tôi nên cầu nguyện với lòng biết ơn; cha cũng đưa cho tôi quyển Tuần cửu nhật dành cho người bệnh, đó là 9 ngày cầu nguyện.
Queenie Yu: Cha Eric đưa cho cô một chiếc áo Đức Bà, giải thích Tuần cửu nhật dành cho người bệnh nhờ lời cầu bầu của Thánh José Maria. Cha giải thích cho Tammy cách cầu nguyện.
Tammy Peterson: Tôi mang Tuần cửu nhật với tôi. Ngày đầu tiên tôi gặp bác sĩ phẫu thuật, ông ấy đã xét nghiệm tôi. Ngày hôm sau tôi thức dậy và ông ấy nói rằng ông ấy không thể tìm thấy chỗ rỉ; đó là ngày cầu nguyện thứ hai và họ đang chuẩn bị tôi để phẫu thuật lần nữa.
Lần này họ sẽ mổ tôi ra và xem xét. Nhưng bạch huyết là một mạng nhện, làm sao ai có thể tìm thấy thứ gì trong đó. Tôi thật không thể nghĩ ai đó nghĩ họ có thể tìm thấy nó. Nhưng bác sĩ nói ông có thể tìm được nó.
Và họ nói, cách duy nhất để ta biết liệu ta được lành bệnh hay không, là nếu ta ăn thứ gì đó có chất béo trong đó thì ta sẽ nhìn thấy nhờ cái túi, vì bạch huyết thực sự hấp thụ chất béo. Đó là ngày thứ tư của Tuần cửu nhật và tôi nghĩ tôi nên ăn một ít chất béo vì dù sao thì ngày mai tôi cũng sẽ đi phẫu thuật.
Tôi đã ăn trọn một quả trứng, và tôi nhìn vào cái túi nghĩ, "Tôi chẳng thấy gì, nhưng tôi không biết...”. Sáng hôm sau tôi đang ăn sáng thì bác sĩ thực tập bước ra cùng với y tá trưởng. Họ trông rất nghiêm túc và họ nói tôi nên thử ăn thêm, thử nghiệm với thức ăn. Tôi nói ồ tôi đã làm điều đó tối qua. Họ nói, Được rồi, hãy xem cái túi. Tôi nhấc cái túi lên và cái túi trong suốt. "Ồ nếu không có vẩn đục trong túi, thì cái lỗ đó nó đã tự lành." Và đây là ngày thứ năm của Tuần cửu nhật. Nhưng đó không chỉ là ngày thứ năm của việc cầu nguyện Tuần cửu nhật.
Đầu năm đó, lần đầu tiên tôi bắt đầu nhận ra rằng mình sẽ không sớm khỏi bệnh, chồng tôi thực sự rất buồn. Tôi nói, "Này anh, em sẽ được khỏe hơn vào ngày kỷ niệm của chúng ta". Ngày 19 tháng 8 là ngày kỷ niệm chúng tôi thành hôn.
Jordan Peterson: Thật ra thì rất khó để biết rõ lý do vì chúng tôi có những bác sĩ phẫu thuật xuất sắc, sự can thiệp của bác sĩ X quang có thể đã kích thích các mô đã bị tổn thương đủ mức, để tạo điều kiện chữa lành. Đó là lời giải thích đơn giản nhất. Nhưng thực tại là nó đã xảy ra vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới của chúng tôi, và đó là điều Tammy đã nói sẽ xảy ra nhiều tháng trước, khi cô ấy không cách nào biết được điều đó, hoặc thậm chí không có lý do gì để nghĩ như vậy. Tôi không biết nghĩ gì về sự này. Nhưng tôi rất vui mừng về điều này. Và cô ấy, theo như chúng tôi biết, là người duy nhất từng sống sót sau căn bệnh ung thư này. Sự việc là như vậy.
Tammy Peterson: Sự việc đã thay đổi rất nhiều kể từ khi tôi bắt đầu cầu nguyện bằng Kinh Mân côi. Càng làm theo những gì Chúa muốn bạn làm theo, thì mọi thứ càng đòi hỏi mạo hiểm và thách thức hơn. Tôi chấp nhận làm những điều mà trước đây tôi chưa bao giờ chấp nhận. Sự việc đó đã thay đổi cuộc sống tôi rất nhiều.
Bây giờ, khi chúng tôi đi lưu diễn, chồng tôi mời tôi lên mở màn cho anh ấy; đây thật là điều không thể tin được là tôi bước lên sân khấu với đám đông 5.000, 6.000, Tôi cầu xin lòng can đảm và sức mạnh trước khi bước ra sân khấu. Tôi chuẩn bị những gì mình muốn phát biểu suốt cả ngày; tôi nghĩ về những gì tôi sẽ nói nhưng tôi không mang bất kỳ tờ giấy nào lên sân khấu.
Vào năm 2017, khi tôi đi lưu diễn cùng chồng tôi, tôi đã ngồi nghe bài diễn thuyết của anh ấy, 250 bài diễn thuyết. Tôi không thực sự lắng nghe chồng tôi. Tôi ngồi ở hàng ghế khán giả nên tôi lắng nghe như mọi người khác đang lắng nghe và học hỏi từ những gì anh ấy nói. Tôi đoc Kinh Mân côi. Việc lần chuỗi Mân côi, cùng với tất cả việc học tập, làm phong phú thêm những gì tôi đã học được từ Kinh Mân Côi.
Vì vậy, khoảnh khắc thay đổi khi tôi cảm thấy Chúa Thánh Thần tràn ngập trong tôi, là sự tích lũy của tất cả những năm tháng lần chuỗi Mân Côi, của việc học hỏi ngày càng nhiều hơn về những câu chuyện trong Kinh thánh, về việc có một gia đình, và trở thành người có trách nhiệm. Mọi thứ tôi học được, đã đưa tôi đến gần hơn…
Jordan Peterson: Có thể điều cô ấy đã khám phá ra, đặc biệt là kết quả của việc chuyển theo hướng Công giáo, là cô ấy đã khám phá ra sự đồng nhất giữa Chúa Kitô và sự thật. Người ta không hiểu điều đó nghĩa là gì, nhưng có rất nhiều điều là thật mà người ta không hiểu.
Tammy Peterson: Cầu nguyện là một thực hành, đức tin là một thực hành, chuỗi tràng hạt là một thực hành, tại sao chúng là việc thực hành là bởi vì bạn sẽ trải qua những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống, và không có gì có thể tồn tại ngoại trừ những điều bạn thực hành. Khi cuộc sống và mọi thứ đều bị xóa sạch, điều duy nhất bạn sẽ tìm thấy trong đống tro tàn là những điều bạn đã thực hành. Vậy hãy quyết định xem thực hành của bạn sẽ là gì.
Được rồi. Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
Tình yêu của Thiên Chúa ban cho ơn sủng có giá trị gấp ngàn lần so với giá trị hành vi của con người.
Nếu bạn dâng lên Ngài lễ vật nhỏ nhặt nhất, Ngài sẽ hoàn trả cho bạn bằng vàng. Nếu bạn có ý định đi tới Đức Chúa Cha, Ngài sẽ bước ra gặp bạn. Nếu bạn chỉ nói một lời, dù ngắn gọn và chưa đầy đủ cảm xúc: 'Hãy tiếp nhận tôi, hãy thương xót tôi' - thì Ngài sẽ ôm lấy cổ bạn mà hôn. Đó là cái mà tình yêu của Đức Chúa Cha trên trời dành cho chúng ta dù chúng ta bất xứng. Và đơn giản là vì tình yêu ấy, Ngài sướng vui theo với mỗi cử chỉ của chúng ta hướng tới sự cứu rỗi, dù đó chỉ là cử chỉ nhỏ nhặt nhất.
Đối với chúng ta thì nó giống như thế này: vinh quang của Thiên Chúa càng ở đó nhiều chừng nào thì càng sinh ích cho chúng ta nhiều chừng nấy. Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện trong chốc lát rồi ý nghĩ mình lại lang bang; hoặc nếu chúng ta chỉ làm một hành vi tốt lành nhỏ nhặt - thí dụ: đọc một lời kinh, làm năm mười cử chỉ tôn kính, hoặc khát khao chân thành, hoặc gọi tên Đức Giêsu, hoặc để tâm tới ý tưởng ngay lành nào đó, hoặc khởi sự một bài đọc tinh thần nào đó, hoặc kiêng cử một thức ăn nào đó, hoặc làm thinh trước một sỉ nhục - thì đối với chúng ta, có vẻ hết thảy những cái đó không đủ để cứu rỗi mình hoặc không phải là một hành động sinh hoa kết quả.
“‘Không có loại nào là không tốt - tuy nó có vẻ hình như không quan trọng - mà sẽ bị vị thẩm phán công chính ấy xem thường. Nếu từng chi tiết của tội lỗi chúng ta sẽ bị dò xét, tới độ chúng ta sẽ phải trả lời về từng lời nói, từng khát vọng và từng ý nguyện của mình, thì các hành vi nhỏ nhoi tốt lành của ta sẽ được để ý đến từng chi tiết, và như thế, các hành vi nhỏ nhoi đó được liệt kê vào công trạng của chúng ta trước vị thẩm phán chan chứa yêu thương ấy.’” -- Chuyện Người Hành Hương / Way of The Pilgrim
Hai bài đọc đầu tiên hôm nay nói về Thiên Chúa là Mục tử nhân lành, và hai bài đọc cuối nói về Thiên Chúa là Thẩm phán trong Ngày Chung thẩm. Hai hình ảnh này có liên quan gì với nhau? Chúng dường như không liên quan với nhau hoặc liên quan một cách tương phản và đối lập. Tại sao Giáo Hội có hai bài đọc này trong ngày Chúa Nhật hôm nay?
Có một mối liên kết rõ ràng là Chúa chăn dắt chúng ta khi còn sống và cũng sẽ phán xét chúng ta sau khi chết. Nhưng việc chăn dắt và phán xét dường như rất khác nhau, sự sống và cái chết dường như cũng rất khác nhau; tuy nhiên Giáo hội có ý đặt hai hình ảnh này của Thiên Chúa trong phụng vụ hôm nay. Hãy thử tìm hiểu lý do tại sao.
Một câu trả lời là để khắc phục tương phản sai lầm đó trong tâm trí chúng ta. Chăn dắt bao hàm lòng nhân từ và lòng thương xót vì chiên nổi tiếng là không bao giờ vâng theo lời chỉ dẫn, ngu ngốc và bướng bỉnh, trong khi sự phán xét bao hàm công lý và sự thật. Lòng tử tế mang tính cá nhân và chủ quan, trong khi công lý thì không thiên vị và khách quan. Vậy thì vấn đề là Thiên Chúa vừa nhân hậu lại vừa công bằng. Lòng thương xót của Ngài không bất công, và sự công bằng của Ngài không phải là không nhân hậu. Chúng ta có thể thấy biết thương xót và vẫn công bằng là điều khó làm hoặc không thể làm được trong mọi trường hợp, nhưng đối với Thiên Chúa thì không.
Một cách trả lời khác là người mục tử nhân lành cũng phải là người phán xét. Người ấy phải phán đoán, xét xem khi nào có sói ở gần và con cừu nào cần được chú ý nhiều hơn. Và trên hết, người ấy phải phán xét giữa cừu và dê. Trong dụ ngôn về Sự phán xét cuối cùng của Chúa Giêsu, Người mô tả hình ảnh Thiên Chúa tách chiên khỏi dê trong quá trình xét xử của Ngài, Ngài đặt chiên ở bên phải và dê ở bên trái. Và Ngài nói với đàn chiên: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa, vì Ta biết các con” trong khi Chúa nói với dê, “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, Ta không biết các ngươi.”
Sự cứu rỗi không phụ thuộc vào những gì bạn biết mà là phụ thuộc vào người biết đến bạn. Nếu bạn biết Thiên Chúa và là Chúa của bạn, là Cha và là người Bạn, thì bạn là một trong những con chiên của Người. Nếu không, bạn không được Ngài biết đến. “Biết đến” ở đây không có nghĩa là kiến thức trong đầu, không phải thông tin trí tuệ, mà là kiến thức cá nhân, sự quen biết cá nhân, mối quan hệ cá nhân. Chúa Giêsu nói: “Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta” (Ga 10:14). Ngay cả ma quỷ cũng biết rằng Chúa Giêsu là Cứu Chúa và là Chúa, nhưng không phải là Cứu Chúa hay là Chúa của nó.
Từ “biết đến” được dùng trong Kinh thánh để chỉ hôn nhân. Ađam “biết” Evà và kết quả là một đứa bé chứ không phải một cuốn sách. Cùng đích của chúng ta là được kết hôn với Thiên Chúa (được tham dự vào Tiệc Cưới của Con Chiên). Hình ảnh cuối cùng trong Kinh Thánh, sự kiện cuối cùng trong cuộc đời chúng ta, sẽ là tiệc cưới của Con Chiên và Hiền Thê của Người, giữa Chúa Kitô và Hội thánh của Người, là chúng ta. Những con chiên ngu ngốc được Chúa chăn dắt suốt cuộc đời đã là điều đáng kinh ngạc. Còn kinh ngạc hơn nữa là Ngài đã chết thay chúng ta trên thập tự giá để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn nhiều là Ngài muốn kết hôn với chúng ta mãi mãi!
Vì vậy, Cuộc Phán xét thực sự là một lễ thành hôn dành cho đàn chiên. Nhưng không phải cho những con dê. Sự khác biệt giữa chiên và dê không phải là sự khác biệt về mức độ, bao nhiêu việc lành, bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu nhân đức. Mà là sự khác biệt về giống loài. Những người được sinh hai lần, những người được sinh ra từ trên, những người đã được rửa tội, những người có đức tin, giống như một phụ nữ mang thai có sự sống thứ hai trong mình. Hoặc là bạn đang cưu mang sự sống của Đức Kitô trong mình hoặc bạn không có Ngài; bạn không thể nửa có nửa không.
Đây là một câu trả lời khác cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa là Mục tử nhân lành và Thiên Chúa là Thẩm phán trong Ngày Chung thẩm. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu mô tả ngày phán xét chung có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự sống và cái chết, và do đó cũng có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc Thiên Chúa chăn dắt chúng ta khi còn sống và phán xét chúng ta khi chết. Dường như cái chết đối lập với sự sống, vì cái chết kết thúc sự sống; nhưng thật ra cái chết không phải là ít sự sống hơn mà là có tràn đầy sự sống hơn, không phải sự vắng mặt của sự sống mà là sự hiện diện của sự sống trọn vẹn và là sự sống đích thực. Khi rời bỏ cuộc sống này, chúng ta sẽ bước vào cuộc sống mai sau và gặp được Thiên Chúa, Đấng vừa là người chăn dắt chúng ta ở đời này vừa là thẩm phán của chúng ta ở đời sau. Và cả hai cuộc đời đều là những phần của một cuộc đời, không phải hai, vì hai lý do: bởi vì chúng ta là một người, không phải hai, và bởi vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa, không phải hai.
Chúng ta là cùng một người trong cuộc sống và trong cái chết. Như một câu nói thô thiển nhưng chân thực: “Bạn chết thế nào, bạn được nằm xuống như vậy”. Những gì bạn đã có trên trái đất là những gì bạn sẽ có mãi mãi trên thiên đàng. Bạn sẽ không là một người khác. Bạn sẽ trọn vẹn hơn những gì bạn vốn có. Thiên đàng sẽ đơn giản cho bạn chiều kích khác, chiều kích của cõi đời đời. Trong hình học, chiều sâu là chiều thứ ba biến hình tam giác hai chiều thành hình chóp ba chiều và biến hình vuông thành hình khối và hình tròn thành hình cầu. Vì vậy, sau khi chết, nếu bạn là hình tam giác trong thời gian, bạn sẽ là kim tự tháp trong vĩnh cửu; nếu bạn là hình vuông trong thời gian, bạn sẽ là hình lập phương trong vĩnh cửu; và nếu bạn là hình tròn trong thời gian, bạn sẽ là hình cầu trong vĩnh hằng. Hình học tượng trưng cho điều gì? Rằng nếu bạn là người bạn không hoàn hảo của Chúa trong thời gian ở trần gian và bạn chết trong trạng thái ân sủng đó, thì bạn sẽ là người bạn hoàn hảo của Ngài mãi mãi trên thiên đàng, và nếu bạn là kẻ thù của Ngài trên trái đất và chết mà không ăn năn, thì bạn sẽ là kẻ thù của Ngài mãi mãi ở địa ngục. Thiên Chúa không đẩy ai vào địa ngục trái với ý muốn của họ; kẻ bị nguyền rủa đi đến đó bằng sự lựa chọn của họ. Sự lựa chọn cơ bản của chính họ là bóng tối và sự ích kỷ hơn là ánh sáng và tình yêu.
Mối quan hệ giữa thời gian và vĩnh cửu là thời gian là chiều kích thứ tư và vĩnh cửu là chiều kích thứ năm. Đời đời không phải là sự vắng mặt của thời gian mà là sự hiện diện trọn vẹn của thời gian, của mọi thời gian. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ bị phán xét trong cõi vĩnh hằng về những gì chúng ta đã làm trong thời gian, bởi vì sự phán xét không phải là điều gì đó bên ngoài và được cộng thêm vào cuộc sống của chúng ta; nó đơn giản là sự thật về con người chúng ta, về chúng ta là ai và là cái gì. Điều duy nhất mới nơi đó là sự trong sáng và hoàn hảo của chân lý đó. Lúc đó sẽ không có gì có thể che giấu được như bây giờ.
Chúng ta không chỉ là cùng một người trong cõi đời đời như chúng ta trong thời gian, mà Thiên Chúa cũng sẽ là cùng một Thiên Chúa. Mục tử và Thẩm phán là một Thiên Chúa duy nhất, không phải hai. Chúng ta đối chiếu hình ảnh Thiên Chúa là Mục tử nhân lành với hình ảnh Thiên Chúa là Thẩm phán của chúng ta, nhưng nếu làm như vậy, chúng ta hiểu sai cả hai hình ảnh. Hình ảnh người mục tử nhân lành không có nghĩa là một cái gì đó ngọt ngào, đa cảm, mềm mại và ngọt ngào; và hình ảnh của quan tòa không có nghĩa là một cái gì đó xấu xa, chuyên chế và báo thù, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu không phải là đường mật và đa cảm, cũng không xấu xa và chuyên chế.
Nhà thần bí vĩ đại và Tiến sĩ Giáo hội Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Nếu chúng ta yêu mến, lựa chọn, mong muốn và khao khát Thiên Chúa và thánh ý của Người trên hết, thậm chí trên cả chính chúng ta và ý muốn của chúng ta, thì đó là điều chúng ta sẽ nhận được. Nếu chúng ta đã nói với Chúa: “Ý Cha được thể hiện”, thì ý muốn Ngài sẽ được thực hiện trong chúng ta. Chúng ta sẽ được cứu. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Phêrô 3:9).
Và nếu chúng ta yêu, chọn, ước muốn bản thân và ý riêng của chúng ta trên hết, thậm chí trên cả Thiên Chúa; nếu chúng ta đã tôn thờ chính mình như Chúa, thì đó cũng là điều chúng ta sẽ nhận được: chính chúng ta là thượng đế của chúng ta, chính chúng ta một mình, chính chúng ta trong nhà tù cô đơn, tự tạo của chính mình, mãi mãi. Như C.S. Lewis đã viết, trong bản cập nhật cổ điển nhỏ về Thần khúc của Dante có tên The Great Divorce / Cuộc ly hôn vĩ đại, “Cuối cùng, chỉ có hai loại người: những người nói với Chúa: 'Ý Chúa được thực hiện’, và những người được Chúa cuối cùng sẽ nói với họ, “ước muốn của ngươi sẽ được thực hiện”.
Chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu. Và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa được thể hiện nơi tình yêu của chúng ta dành cho nhau. Chúa Giêsu đã nói: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Không chỉ là Chúa sẽ coi những gì chúng ta làm với nhau như thể chúng ta đã làm với Ngài, mà những gì chúng ta làm với nhau là chúng ta thực sự làm đến với Ngài. Thánh Augustinô, trong tác phẩm kinh điển Thành phố của Chúa, giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì khi nói rằng tất cả nhân loại được chia thành hai “thành phố” hoặc cộng đồng hoặc vương quốc vô hình: “thành phố của Thiên Chúa” và “thành phố của trần gian”. “Thành phố của Chúa” là tất cả những ai yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và “thành phố của thế giới” là tất cả những ai yêu chính mình hoặc thứ gì đó trong thế giới của họ như thể là chúa của họ. Thánh Augustinô nói một “thành phố” hay một cộng đồng được định nghĩa bởi tình yêu thương của nó. Những người yêu thích những thứ khác nhau không thể thực sự tạo nên một cộng đồng. Những người yêu thích những thứ giống nhau đã là một cộng đồng về mặt tinh thần, hoặc vô hình, bởi chính tình yêu chung của họ. Tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa hợp thành một “thành phố” hay cộng đồng vô hình duy nhất. Họ cũng tạo thành một cộng đồng duy nhất bởi vì tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa cũng yêu thương nhau, vì đó là điều răn của Thiên Chúa họ.
Có rất nhiều tên gọi cho Thành phố của Chúa. Nó được gọi là Giáo Hội, Giáo Hội “Công Giáo” hay Giáo Hội hoàn vũ. “Nhiệm thể Chúa Kitô” và “Dân của Chúa” là hai trong số các tên gọi của Giáo hội là “Nhiệm thể Chúa Kitô” và “Dân của Chúa”, nghĩa là tất cả các thành viên của thân thể đó, không giống như thành viên của một câu lạc bộ mà giống như các cơ quan của một thân thể. Chúa Kitô gọi đó là “vương quốc của Thiên Chúa” vì Thiên Chúa là Vua của vương quốc này. Ngài còn gọi nó là “Nước trời” vì nó tồn tại hoàn hảo trên thiên đàng, nhưng nó bắt đầu từ đây, trên trái đất. Hạt giống của nó được gieo ở đây và hoa của nó sẽ nở ở đó. “Giáo hội chiến đấu” trên trái đất, “Giáo hội đau khổ” trong luyện ngục và “Giáo hội chiến thắng” trên trời là một và cùng một Giáo hội ở ba giai đoạn của cuộc sống.
Và Nhiệm Thể này, vì đây là Thân Thể của Chúa Kitô, nên bất cứ điều gì chúng ta làm với nhau ở đây là làm với Chúa Kitô là Đầu của Thân Thể. Đầu và Thân, Chúa Kitô và dân Người là một. Những gì chúng ta làm với họ, chúng ta làm đến với Ngài. Nếu chúng ta giữ điều đó trong tâm trí mình mọi giây phút, chúng ta sẽ trở thành những vị thánh. Đó là bí mật đơn giản của Mẹ Têrêsa Calcutta.
Chúng ta không cần phải đến Calcutta / Kolkata để sống bí mật đó. Và nó thậm chí không phải là một bí mật: Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với chúng ta. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta không hiểu đầy đủ về nó, chúng ta vẫn biết đó là sự thật. Chúa Giêsu không nói dối. Chỉ đơn giản là vậy.-- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
Điều này đã hoàn toàn thay đổi quan niệm của tôi về cầu nguyện. Đôi khi Chúa có vẻ khó hiểu. Tôi cảm thấy Chúa gọi tôi vào chủng viện, nhưng đa số những buổi cầu nguyện của tôi trong chủng viện thì rất là khô khan. Tôi trải nhiều thời gian trong nhà nguyện cảm thấy rất là bực bội với Chúa vì Ngài không nói với tôi cách rõ ràng hơn nhưng bây giờ tôi hiểu tại sao rồi.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu kể câu chuyện một bà goá có một vụ kiện, bà cần một phán quyết công minh từ người thẩm phán. Lúc đầu ông thẩm phán chẳng làm gì cả, nhưng bà góa tiếp tục quấy rầy ông một thời gian dài. Cuối cùng ông phải xét xử công minh cho bà. Ông thẩm phán nói, tôi sẽ xử án cách công minh cho bà kẻo bà cứ lại quấy rầy và có ngày sẽ cho ông một cú đấm.
Ông thẩm phán cảm thấy như vậy có nghĩa là bà này quấy rầy ông khá nhiều. Bà có lẽ đã lẽo đẽo theo ông, mãi than vãn về việc của bà, và ngay cả chặn đường ông cho đến khi bà có được điều bà muốn.
Điều này làm tôi tò mò mối tương quan của họ sẽ như thế nào sau khi ông thẩm phán đã phán quyết. Sau thời gian quấy rầy, bà goá có lẽ biết ông ở đâu, biết ông thích đi tới nơi nào, thời gian biểu của ông thì ra sao, ông thích làm những chuyện gì. Và tôi dám cam đoan ông cũng biết khá nhiều về bà. Ông biết bà sẽ xuất hiện ở những nơi nào với những lý lẽ của bà; ông biết rằng khi bà đã bắt đầu chuyện gì đó bà sẽ làm cho bằng được.
Tôi nghĩ là lần tới khi bà goá đến với vị thẩm phán với một vụ kiện, ông sẽ giải quyết ngay cho bà vì ông biết bà sẽ làm cho cuộc sống của ông nên khó khăn cho tới khi ông nghe vụ kiện của bà. Bà goá thắng vụ kiện nhưng bây giờ bà có nhiều hơn vậy nữa. Nay bà có một vị thẩm phán chú tâm đến bà.
Điều nào tốt hơn? Thắng một vụ kiện hay có khả năng ảnh hưởng một ông thẩm phán quyền hành? Đây có lẽ là dụ ngôn hay nhất về cầu nguyện. Có những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được chấp nhận và nhiều lời khác thì không. Nhưng sau khi chúng ta đã cầu nguyện về sự gì đó một thời gian rất lâu dài, thì dù rằng Chúa nghĩ bạn không nên có điều bạn xin, đừng quên bạn đã được tăng trưởng hơn.
Sau những thời gian nói chuyện với Chúa, bạn nay biết nhiều về Ngài hơn. Bạn biết nơi nào để tìm ra Ngài, bạn sẽ biết cách nói của Ngài, Ngài có giọng nói nào. Và bạn cũng bày tỏ về chính mình cho Ngài. Chúa sẽ biết bạn là ai, bạn muốn điều gì, điều gì quan trọng với bạn.
Cái nào tốt hơn? Một lời bạn cầu xin được chấp nhận hay là có Thiên Chúa là Bạn của mình. Vì khi ta chết đi rất nhiều những sự ta cầu xin cho đời này không còn quan trọng. Nhưng có một mối tương quan với Chúa, là điều quan trọng trên hết.
Thực ra khi cầu nguyện bạn sẽ luôn có điều bạn thật sự muốn vì từ tận đáy trái tim mình, chúng ta thật sự muốn điều gì? Chúng ta muốn Thiên Chúa và đó chính xác là điều mà lời cầu nguyện sẽ ban cho chúng ta.
Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong chủng viện để cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho tôi biết ơn gọi của tôi là gì. Tôi muốn Chúa cho tôi biết những thông tin của Ngài nhưng sau những thời gian cầu nguyện đó, tôi có được điều tốt hơn là những thông tin. Tôi có một mối tương quan với Chúa Giêsu; Ngài và tôi trở thành bạn bè của nhau. Và đó là lý do chúng ta cần tiếp tục cầu nguyện.
Chúng ta có thể không nhận được điều mình cầu xin, Nhưng trong quá trình cầu khẩn, bạn có thể có được điều gì đó tốt hơn. Bạn có thể có Chúa là người Bạn thân thiết nhất của mình.
Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (25, 14-30)
Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!’ Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’
--------
Tin Mừng cho chúng ta một phần trả lời cần thiết: hãy tận dụng tối đa cuộc sống của bạn bằng cách sử dụng tài năng của bạn cho Chúa và cho người khác. Từ “talent / tài năng” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là đồng tiền vừa là sức lực hoặc khả năng. Mỗi người chúng ta là một cá thể độc nhất: Chúa ban cho mỗi người chúng ta ít nhất một khả năng trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống và ít nhất một khuyết tật trong một lĩnh vực khác. Người tài năng nhất, trong bất kỳ lĩnh vực nào, luôn có điều gì đó mà họ bất lực. Chẳng hạn như một số triết gia vĩ đại không thể pha được một tách trà. Và người bất lực nhất trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống luôn có sức mạnh và tài năng ở một lĩnh vực nào đó, thường là bị ẩn giấu hoặc chưa phát triển. Cha mẹ nào đã từng sinh con hoặc nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật đều biết điều đó. Mọi khuyết tật đều đi kèm với một số khả năng và mọi khả năng đều đi kèm với một số khuyết tật.
Nếu bạn đang nghĩ, “Điều đó không áp dụng cho tôi; tôi không giỏi về điều gì cả,” bạn gần như chắc chắn đã sai. Và ngay cả khi bạn không sai về điều đó, ngay cả khi bạn không có khả năng và không có gì ngoài khuyết tật, thì khi bạn dâng khuyết tật và đau khổ đó lên Chúa, nó sẽ trở nên mạnh mẽ và quý giá, như bất kỳ nỗi đau khổ nào khác được dâng lên trong niềm tin tưởng, hy vọng và tình yêu.
Tất cả chúng ta đều có khả năng và khuyết tật, có tài năng và không có tài năng. Tất cả chúng ta đều cần biết mình là ai từ những người mà chúng ta gọi là người khuyết tật: tất cả chúng ta đều là người khuyết tật, theo những cách khác nhau. Điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta đều là tội nhân.
Điểm rõ ràng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa có những kỳ vọng cho chúng ta và đòi hỏi chúng ta sử dụng tài năng của mình, không giấu nó đi, không chôn vùi chúng mà tích cực sử dụng chúng. Và điều đó không chỉ cho lợi ích của chúng ta, vì lòng tự trọng, mặc dù đó là một phần quan trọng, và cũng không chỉ vì những người khác có thể được hưởng lợi nhờ tài năng của chúng ta, mặc dù đó cũng là một phần quan trọng, mà còn vì Chúa vì Chúa thiết kế và tạo dựng nên chúng ta cho công việc mà chúng ta có thể làm. Ngài đã tạo ra gia đình nhân loại rộng lớn này để họ có thể sống phụ thuộc và hợp tác một cách hạnh phúc và hiệu quả. (“Hợp tác” có nghĩa đen là “cùng nhau làm việc”). Có sự phụ thuộc lẫn nhau không lành mạnh, nhưng cũng có sự phụ thuộc lành mạnh và hạnh phúc.
Ví dụ rõ ràng nhất về sự phụ thuộc lành mạnh đó là việc Thiên Chúa đã chia chúng ta thành nam và nữ (và điều đó cũng liên quan đến chủ đề của hai bài đọc Cựu Ước hôm nay). Có nhiều phụ nữ giỏi hơn nam giới rất nhiều, và có nhiều đàn ông giỏi hơn phụ nữ rất nhiều, và đó là kế hoạch của Chúa: chúng ta hợp tác, không cạnh tranh. Cần có hai người để nhảy tango, cần hai người để sinh đẻ con cái hoặc tạo nên một gia đình hạnh phúc. Những người theo chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến nói rằng “phụ nữ cần đàn ông như con cá cần một chiếc xe đạp”, nhưng điều đó đơn giản là không đúng. Đàn ông cần phụ nữ cũng như phụ nữ cần đàn ông. Sự sống sẽ kết thúc nếu một trong hai giới tính không còn tồn tại – cả đời sống sinh học và đời sống văn hóa.
Lý do cơ bản nhất để phát triển những tài năng đặc biệt của chúng ta là khi chúng ta rời khỏi đời này Chúa sẽ phán xét chúng ta về cách chúng ta đã sống. Ba câu hỏi quan trọng nhất mà Chúa sẽ hỏi chúng ta khi chúng ta chết và chúng ta gặp Ngài là những câu này. Trước hết, Chúa của con là ai? Con tin vào ai? Con đặt tin tưởng vào ai? Thứ hai, con là ai? Con là gì? Sự gì ở trong trái tim con? Con là người có trái tim yêu thương hay người trái tim đầy sự thù hằn? Khiêm nhường hay kiêu căng? Con là một tội nhân ăn năn hay một tội nhân không ăn năn? (Nhân thể, chỉ là hai loại người đó thôi, trừ khi bạn là Đức Trinh Nữ Maria.) Thứ ba, con đã làm gì? Con đã làm gì với những tài năng mà Ta đã trao cho con? Câu hỏi đầu tiên là về đức tin, câu hỏi thứ hai là về tính cách và câu hỏi thứ ba là về việc làm.
Khi Chúa hỏi bạn đã làm gì, Ngài sẽ muốn cả hai “Con đã làm được gì cho người khác?” và “Con đã làm gì cho Ta?”
Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr. 1:24) và nói về Chúa Giêsu rằng Người là “Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta” (1 Cr. 1:30). Đức Kitô không chỉ có sự khôn ngoan; Ngài chính là sự khôn ngoan, mọi sự khôn ngoan, vĩnh viễn, trọn vẹn và hoàn hảo. Kinh Tin Kính tuyên xưng rằng Người “sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. Ngôi hai của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự thật và sự khôn ngoan trong cõi đời đời, đã trở thành người phàm.
Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ nói “Ta dạy lẽ thật” như tất cả những bậc thầy vĩ đại khác của con người, mà là “Ta là Sự Thật” (Gioan 14:6). Từ “I AM / Ta là Đấng Hằng hữu” trong tiếng Híp-ri là danh thánh Thiên Chúa và chính Chúa đã mặc khải cho Môse trong bụi gai cháy, một danh thánh rất thánh thiêng đến nỗi tất cả người Do Thái vĩnh viễn bị cấm phát âm nó.
… Sách Khôn ngoan sau đó tiếp tục nói rằng: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng”. Chúng ta chỉ hiểu được sự khôn ngoan khi chúng ta yêu thích nó. Tình yêu có đôi mắt. Pascal nói: “Trái tim có lý lẽ mà lý trí không biết đến”. Tình yêu thì không mù quáng. Làm sao tình yêu có thể mù quáng? Thiên Chúa là Tình yêu; Chúa có mù không?
Lời đầu tiên của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Tin Mừng Thánh Gioan là “Các anh tìm gì thế?” (Gioan 1:38). Nói cách khác, Chúa muốn nói: Anh em yêu thích điều gì? Nếu anh em yêu Đấng mà Tôi là, nếu anh em yêu mến sự khôn ngoan đích thực thì Tôi đảm bảo anh em sẽ tìm được nó. “Cứ tìm thì sẽ thấy... Ai tìm thì sẽ thấy” (Mt 7:7).
Anh em có thể tìm kiếm và không tìm thấy sự anh em tìm kiếm trên thế giới này, nhưng nếu anh em tìm kiếm Ta là ai, nếu anh em tìm kiếm sự khôn ngoan và sự thật cũng như nếu anh em tìm kiếm tình yêu và lòng tốt, anh em sẽ tìm thấy nó. Nếu anh em tìm kiếm tội lỗi và sự ích kỷ, anh em cũng sẽ tìm thấy điều đó. Nếu anh em yêu thích bóng tối, anh em sẽ tìm thấy bóng tối. Nếu anh em yêu thích ánh sáng, anh em sẽ tìm thấy ánh sáng. Đó cũng là điều Sách Khôn ngoan đang nói: “Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng”.
Giống như sách Khôn ngoan, Chúa Giêsu dạy sự khôn ngoan sâu sắc này. Nhưng không như người viết sách Khôn Ngoan, Chúa Giêsu chính là sự khôn ngoan sâu sắc này. Nếu bạn tìm kiếm Ngài, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy Ngài. Chúa Giêsu đảm bảo với bạn điều đó. Những người theo thuyết bất khả tri trung thực, tìm kiếm Chúa sẽ được lên thiên đàng. Nếu bạn là người theo thuyết bất khả tri, nếu bạn nghi ngờ liệu Chúa này có thực sự tồn tại hay không, Chúa của trí tuệ và tình yêu hoàn hảo này, nhưng nếu bạn yêu con người của Ngài và nếu đó là lý do tại sao bạn muốn Ngài tồn tại, thì bạn sẽ tìm thấy Ngài, bởi vì trí óc yếu đuối và thiếu khôn ngoan của bạn sẽ được hướng dẫn bởi trái tim mạnh mẽ và khôn ngoan hơn của bạn. Tất cả chúng ta đều đi đến nơi mà tình yêu dẫn dắt chúng ta. Tình yêu thì giống như trọng lực.
… Tiếp theo, sách Khôn ngoan nói: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết”. Đức Khôn Ngoan thì chủ động! Đức Khôn Ngoan không chỉ là một sự trừu tượng thụ động, không thay đổi, một lý tưởng. Đức Khôn Ngoan thì chủ động, luôn tìm kiếm bạn trước khi bạn tìm đến Đức Khôn Ngoan…
Pascal hiểu điểm đó. Ông tưởng tượng Chúa đang nói những lời này với ông khi ông vẫn đang tìm kiếm Thiên Chúa thật và chưa tìm thấy Ngài: “Hỡi con, hãy yên tâm: con sẽ không tìm kiếm Ta trừ khi Ta là người đi bước trước để tìm kiếm con”. Trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, người chăn chiên đi tìm con chiên lạc trước khi con chiên biết mình bị lạc để đi tìm người chăn chiên.
Sách Khôn Ngoan sử dụng hình ảnh cụ thể đầy lôi cuốn này để chúng ta tìm kiếm Đức Khôn Ngoan: “Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.” Đức Khôn Ngoan luôn ở đó, và đoán trước sự xuất hiện của kẻ tìm kiếm mình bằng cách đặt bản thân trên con đường của người đang tìm mình.
Sách Khôn Ngoan… giống như một khu mỏ có nhiều kho báu ẩn giấu, nhiều thỏi vàng, bởi vì mỏ vàng đó được lấy cảm hứng từ một tâm trí quý giá như vàng: Tâm trí của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan là Thiên Chúa. Bạn biết tên Ngài. Ngài đang chờ đợi bạn như mặt trời ở cổng bình minh khi bạn lên rước lễ. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (25:1-13)
Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng : ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ Các cô khôn đáp : ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với!’ Nhưng Người đáp : ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
-----------
Câu nói nổi bật nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là về các trinh nữ khờ dại không chuẩn bị đèn và đến dự tiệc cưới quá muộn. Câu đó là “Rồi người ta đóng cửa lại”.
Cánh cửa đó là cái chết. Cái chết khóa chặt cánh cửa của hết mọi cơ hội. Khi còn sống, nếu chúng ta không chuẩn bị cho điều gì đó, chúng ta luôn có thể có cơ hội thứ hai. Nhưng không ai có được cơ hội thứ hai sau khi chết. Chết đâu, người ta nằm ở đó. Nếu bạn chết trong tiệc cưới, bạn sẽ ở trong đó mãi mãi; nếu bạn chết bên ngoài tiệc cưới, bạn sẽ ở bên ngoài mãi mãi.
Con tàu Nô-e tượng trưng cho điều tương tự như tiệc cưới trong dụ ngôn hôm nay – cụ thể là sự cứu rỗi. Trong câu chuyện Nô-e cũng có câu chuyện về một cánh cửa giống như trong dụ ngôn hôm nay. Sau khi Nô-ê cùng gia đình ông và tất cả các loài động vật vào tàu, sách Sáng thế nói: “Rồi ĐỨC CHÚA đóng cửa lại sau khi ông vào [tàu]” (Sáng Thế 7:16). Như trong dụ ngôn của Chúa Giêsu: “Người ta đóng cửa lại”.
Những người khác khi thấy trận lụt đến chắc chắn đã hối hận vì đã cười nhạo Nô-e khi ông đóng tàu vì đã không tin và vâng lời Chúa; nhưng đã quá trễ rồi. Đến một lúc nào đó thì đã quá muộn. Cơ hội thứ hai không kéo dài mãi mãi. Cuộc sống trong thời gian không kéo dài mãi mãi. Đến một lúc nào đó cánh cửa đóng lại. Và bạn chết ở đâu, bạn nằm ở đó: bên trong hoặc bên ngoài.
Đó là quan điểm rất rõ ràng, rất thực tế, rất hợp lý mà Chúa Giêsu đang đưa ra trong dụ ngôn về các cô khôn ngoan và các cô khờ dại. Đó là về sự khôn ngoan thực tế. Sự khôn ngoan, đối với năm cô khôn ngoan, hệ tại ở việc làm theo lời Chúa Giêsu giảng dạy: “Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày giờ” cửa sẽ đóng lại. Những người không có đức tin cho rằng tôn giáo là duy tâm và không thực tế; nhưng không gì có thể thực tế và thiết thực hơn lời khuyên đó.
Chúng ta có thể gọi khía cạnh khôn ngoan này là nỗi sợ hãi thánh thiện. Thánh vịnh nói về sự khôn ngoan của người ước muốn biết Chúa, khao khát Thiên Chúa. Thư thánh Phaolô nói về sự khôn ngoan của niềm hy vọng vào Chúa. Tin Mừng nói về lòng kính sợ Thiên Chúa. Kinh Thánh nói: “Kính sợ ĐỨC CHÚA là bước đầu của khôn ngoan” (Châm ngôn 9:10). Đây không phải là sợ hãi một bạo chúa hay sợ một chủ nô bởi vì Chúa không phải là một bạo chúa hay một chủ nô. Đó không phải là nỗi sợ của kẻ nô lệ mà là nỗi kính sợ của người con, sự tôn trọng, kính sợ và tin tưởng mà một đứa trẻ dành cho cha mẹ. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Nỗi sợ hãi đó là sự khởi đầu của sự khôn ngoan, nhưng nó không phải là cùng đích. Cùng đích là tình yêu và niềm vui: niềm vui của tiệc cưới, lễ cưới thiêng liêng của chúng ta với Thiên Chúa. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
Trở thành người Công giáo khi đã trưởng thành không phải là chỉ cần học thêm vào một vài điều mới về đức tin. Nhưng nó có nghĩa là bước vào một thế giới hoàn toàn mới và cách nhìn cuộc sống khác với trước đây. Không có yếu tố nào trong quan điểm mới đó gây sốc cho não trạng Tin Lành nhạy cảm của tôi trước khi tôi trở thành người Công giáo hơn là ý tưởng rằng người-thật-và-Thiên-Chúa-thật thực sự hiện diện trong một tấm bánh mỏng manh và trong chén rượu, chứ không phải bánh và rượu đó chỉ là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật là một điều xúc phạm cho đức tin “cũ” của tôi.
Việc Thiên Chúa Toàn Năng cho phép tôi chạm vào Ngài, di chuyển Ngài và ăn thịt Ngài đã không còn gây xúc phạm đến tôi nữa, nhưng vẫn không ngừng làm tôi ngạc nhiên! Hãy nghĩ! Khi tôi đưa Bánh Thánh lên miệng, tôi di chuyển Chúa trong không gian. Khi tôi đặt Ngài ở đây, thì Ngài ở đây. Khi tôi đặt Ngài ở đó, Ngài ở đó. Đấng Chuyển Động Sơ Thủy/ Prime Mover cho phép tôi chuyển động Ngài đến nơi tôi muốn. Điều này cũng đáng kinh ngạc như chính việc Chúa Nhập Thể, vì nó là việc Chúa Nhập Thể, sự tiếp nối của việc Chúa Nhập Thể.
Tôi nghĩ tôi hiểu một người Tin lành có cảm giác gì về bí tích, không chỉ vì tôi đã là người theo đạo Tin lành mà còn là vì đó là một cảm giác tự nhiên và phổ quát. Giáo lý Công giáo về các bí tích gây sốc cho mọi người. Đó cũng là một cú sốc đối với người Công giáo. Nhưng sự quen thuộc làm cho ý thức bị cùn đi.
Đối với người Tin Lành, các bí tích phải là một trong hai điều: hoặc chỉ là biểu tượng, được dùng để nhắc nhở, chẳng hạn như lời nói; nếu không thì là phép thuật thật. Và định nghĩa của người Công giáo về bí tích: một dấu hiệu hữu hình do Chúa Kitô thiết lập để ban ân sủng, một dấu hiệu thực sự gây nên những gì nó tượng trưng, nghe có vẻ như ma thuật. Giáo lý Công giáo dạy rằng các bí tích ex opere operate / hiệu quả nhờ chính hành động, nghĩa là một cách khách quan, mặc dù không theo kiểu khách quan và tự động của máy móc. Các bí tích là những món quà đến từ bên ngoài (không do chính ta gây nên) nhưng phải được đón nhận một cách tự do.
Những người theo đạo Tin lành thường an tâm hơn với quan điểm bí tích chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng, vì đức tin của họ chủ yếu là dựa vào lời nói chứ không phải là bí tích. Suy cho cùng, Kinh thánh là trọng tâm rất chính yếu cho đức tin của họ. Họ tin vào công cuộc sáng tạo, việc Thiên Chúa Nhập thể và Phục sinh chỉ vì Kinh Thánh nói về những sự này, những sự kiện vật thể được bao bọc bởi những lời thánh thiêng. Cảm tính của người Công giáo là phiên bản lộn ngược của phiên bản ấy: lời nói được bao bọc bởi những sự kiện thánh thiêng. Đối với cảm quan của người Công giáo, trước hết không phải lời (làm vật trở nên thánh thiêng) mà là vật thể thì thánh thiêng bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra nó, Thiên Chúa nhập thể vào vật thể, làm cho nó sống lại từ cõi chết và đưa nó vào thiên đàng với Ngài khi Ngài lên trời.
Dĩ nhiên, những người theo đạo Tin lành chính thống cũng tin vào những tín điều của Kinh Thánh như những người Công giáo. Nhưng tôi nghĩ họ không cảm nhận rõ ràng tính thực tế thô thiển, thậm chí sự rất trần tục của chúng. Đó là lý do tại sao họ không chỉ không đồng ý mà còn bị sốc cách sâu sắc về sự Hiện diện thật của Chúa và sự biến đổi bản thể / transubstantiation. Nhân thể bạn có biết Luther, thật sự là đã dạy về sự Hiện diện thật của Chúa và dạy về sự biến đổi rất gần với sự biến đổi bản thể / transubstantiation, hơn hầu hết những người theo đạo Tin lành tin, đó là Thánh Thể hợp chất, niềm tin rằng Mình và Máu của Chúa Kitô thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, nhưng có cả bánh và rượu nữa. Người Công giáo tin rằng các chất thể đã được biến đổi; Người Tin lành theo đạo Luther tin rằng bánh và rượu được thêm vào.
Hầu hết những người theo đạo Tin lành tin rằng Bí tích Thánh Thể chỉ tượng trưng cho Chúa Kitô, mặc dù một số người theo Calvin thêm vào rằng đó là cơ hội để nhận được ân sủng đặc biệt, một dấu hiệu và là một dấu ấn. Nhưng dù tôi là người Tin lành của nhóm theo Calvin 21 năm, tôi không nhớ có bất kỳ sự nhấn mạnh nào về quan điểm đó. Tôi thường nghe về sự tương phản giữa cách giải thích “thiêng liêng” của Tin lành và cách giải thích “vật thể”, “phép kỳ diệu / magic” của Công giáo.
Sự phản đối cơ bản của người Tin lành đối với bí tích là: Làm sao ân sủng của Chúa lại có thể phụ thuộc vào vật thể, một thứ bị động và không tự do? Thật không công bằng khi ân sủng của Chúa phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác ngoài ý muốn của Ngài và của tôi sao? Tôi cảm nhận được phản đối đó một cách mạnh mẽ cho đến khi tôi nhận ra rằng tôi có một cơ thể - cơ thể này, với sự di truyền của nó, tôi lãnh nhận mà không có sự tự do để lựa chọn – đó cũng là một điều “không công bằng”. Người này có được cơ thể khỏe mạnh, người khác thì không. Như một triết gia đã nói: “Cuộc sống vốn dĩ không công bằng”.
Chính bản chất của thế giới vật thể mà chúng ta đang sống, chính thực tại đó là “không công bằng” đến mức khiến Ivan Karamazov nổi loạn chống lại Chúa trong cuốn truyện Kitô giáo nhất và sâu sắc nhất, Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky. Như ông ấy giải thích với Alyosha, người anh trai tin vào Chúa của mình, “Không phải là tôi không thể chấp nhận Chúa, mà là thế giới này của Ông ấy” - một thế giới trong đó những điều xấu xảy ra với người tốt và những điều tốt đẹp xảy ra với người xấu. Nhưng nó vì thế có thể là xinh đẹp hơn là công bằng, chứ không là ít hơn, quà tặng hơn là tiền công, ân sủng hơn là công lý, “công bằng” theo nghĩa “đẹp”, hơn là “công bằng” theo nghĩa “hợp lý” - như một bí tích.
Thực ra, thế giới là một bí tích. Chúng ta đón nhận Thiên Chúa qua mọi thực tại vật chất (mặc dù không theo cách chính thức, đúng đắn như trong các bí tích). Câu trả lời cho sự phản đối của người Tin lành về sự không công bằng, không đúng cách của các bí tích, là chỉ có thế giới thiêng liêng thuần lý mới là hoàn toàn công bằng. Chỉ có thiên thần mới nhận được chính xác những gì họ xứng đáng.
Chúa thật đáng được ngợi khen vì chúng ta được trao ban nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng được nhận! Các bí tích nhắc nhở chúng ta rằng cả thế giới là một bí tích, một điều thánh thiêng, một món quà; và đặc tính bí tích của thế giới nhắc nhở chúng ta về trọng tâm của bí tích, mầu nhiệm Nhập Thể, được tiếp tục giữa chúng ta trong bảy bí tích của Giáo hội, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể. Cách nhìn về thế giới như một bí tích và giáo lý của đạo Công giáo về các bí tích chiếu sáng lẫn nhau như những tấm gương lớn và nhỏ.
Thế giới như một bí tích và bí tích Nhập Thể/ Thánh Thể, cả hai đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng là những bí tích, vật thể được thánh hóa nhờ thần khí. Cơ thể của chúng ta không phải là những xác chết do hồn ma di chuyển, hay những chiếc xe do thiên thần lái, mà là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Cơ thể chúng ta, đặc biệt là khuôn mặt, vật thể được chuyển hóa thành ý nghĩa. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.
Những người theo đạo Tin lành đôi khi phản đối các bí tích bằng cách đặt câu hỏi là liệu số phận đời đời của một em bé có bị thay đổi hay không nếu nước rửa tội không chạm tới trán trước khi nhà thờ đổ, đè lên em và giết chết em; hay liệu một hối nhân bị xe tải cán chết khi băng qua đường để đi xưng tội sẽ phải xuống địa ngục hoặc luyện ngục lâu hơn chỉ vì chiếc xe tải tình cờ tông vào anh ta trước chứ không phải sau khi xưng tội. Câu trả lời cho câu hỏi kiểu đó là: không nhất thiết. Chúng ta không biết kế hoạch của Thiên Chúa trừ khi Ngài mặc khải cho chúng ta và Ngài đã mặc khải các bí tích. Nhưng không chỉ có các bí tích. Giáo hội sơ khai gọi cái chết của các vị tử đạo không có cơ hội lãnh nhận phép rửa là “phép rửa bằng máu”, và ý định (rõ ràng hoặc thậm chí ẩn ý) để được rửa tội là “phép rửa của lòng ao ước” (vì thế, những người ngoại giáo tìm kiếm Thiên Chúa, tốt lành có khả năng được vào thiên đàng). Giáo lý Công giáo về “ân sủng từ cửa sau” này đối với nhiều người theo đạo Tin lành, nghe có vẻ như là một trò lừa bịp bằng lời nói xảo quyệt, nhưng điều này thì cần thiết để bảo tồn hai sự thật không thể phủ nhận: thứ nhất, rằng chúng ta được truyền phải lãnh nhận các bí tích và được dạy rằng, “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” và thứ hai, Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân hậu và không từ chối ân sủng với bất kỳ ai tìm kiếm nó.
Có lẽ người Công giáo chúng ta giống như những người làm việc chỉ một giờ trong dụ ngôn ông chủ mướn thợ vào làm trong vườn nho của ông (Mt 20:1-16), và những người không có các bí tích thì như những người làm việc cả ngày. Có vẻ không công bằng khi cả hai nhóm đều nhận được mức lương như nhau. Có thể nói thật không công bằng khi chúng ta được ban thêm tất cả những ân sủng của các bí tích, những ân sủng thặng dư, trao ban cách dễ dãi. Nhưng chủ vườn nho đã trả lời sự phản đối này: “Tôi không được phép làm những gì tôi muốn với vườn nho của mình sao?” Câu trả lời này xúc phạm cảm giác công bằng chính trị của chúng ta: Nhưng nó phù hợp với bản chất của thế giới; và chính thế giới tự nhiên, sự sáng tạo của Thiên Chúa, chứ không phải chính trị, sự sáng tạo của con người, mới tuyên bố vinh quang của Thiên Chúa. Các bí tích cũng tuyên bố lòng quảng đại đến nỗi người nghe cảm thấy bị xúc phạm vì sự “thiếu” công bằng của nó.
Chúng ta không xứng đáng được sinh ra, được tái sinh hoặc được rửa tội. Chúng ta không xứng đáng được lãnh nhận Mặt Trời của Chúa, hay Người Con của Ngài. Chúng ta không xứng đáng có bánh ngon rượu nồng, hay Mình và Máu Chúa Kitô. Nhưng chúng ta được ban cho tất cả những điều này và hơn thế nữa. Như Christopher Derrick đã nói trong bài thơ có tựa đề “Sự phục sinh của thân xác”:
Ngài thật là Đấng kinh hoàng:
Biến nước thành rượu, Rượu biến thành máu— Tôi tự hỏi Ngài biến máu thành gì?
Người Công giáo thường có niềm tin vào các bí tích, niềm tin không chỉ xuất phát sự hiểu biết của trí tuệ. Và người Tin lành không hiểu đức tin này từ đâu đến. Vì vậy, họ không hiểu tại sao những người Công giáo không đồng ý với những lời dạy thiết yếu của Giáo hội lại không lìa bỏ Giáo hội. Câu trả lời được tượng trưng bởi cây đèn luôn cháy sáng nới Nhà Tạm. Họ không rời bỏ Giáo hội vì họ biết rằng ngọn lửa bí tích đang cháy sáng ngay trong lòng Giáo hội. Ngay cả khi họ không nhìn thấy ánh sáng của Giáo hội, họ vẫn muốn được sưởi ấm bởi ngọn lửa nơi ấy. Sự Hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là một thỏi nam châm thu hút những con chiên lạc về nhà và giữ những con chiên có thể bị lạc khỏi cái lạnh chết người ngoài đó. Điều thu hút nhất của Giáo hội không phải là những gì Giáo hội dạy, dù đó là những điều rất thiết yếu, mà là ai ở trong đó. “Chúa ở đây! Vì thế tôi phải ở đây.” -- Dr. Peter Kreeft, Fundamentals of the Faith
Mục tiêu tối hậu của Thiên Chúa dành cho đời bạn trên trái đất không phải là an nhàn, nhưng là triển nở các nhân đức. Ngài muốn chúng ta có được sự trưởng thành thiêng liêng và trở nên giống Đức Kitô. Nên giống Đức Kitô không có nghĩa là đánh mất nét đặc trưng của bạn hay trở nên một bản sao không lý trí. Thiên Chúa đã tạo dựng nét độc đáo của bạn, nên chắc chắn Ngài không muốn huỷ hoại nó. Nên giống Đức Kitô là thay đổi tâm tính của bạn, chứ không phải thay đổi nhân cách.
Thiên Chúa muốn bạn phát triển những đức tính được mô tả trong các phúc thật của Đức Giêsu (Mátthêu 5, 1-12), hoa trái của Chúa Thánh Thần (Galát 5, 22-23) trong chương Thánh Phaolô nói về tình yêu (1Côrintô 13), và trong danh sách các đặc tính của một đời sống hiệu quả và sinh hoa kết trái mà Thánh Phêrô liệt kê (2 Phêrô 1, 5-8). Mỗi khi quên các nhân đức ấy là một trong những mục tiêu Thiên Chúa dành cho đời mình, bạn dễ nản lòng bởi những hoàn cảnh. Bạn sẽ tự hỏi, “tại sao điều nầy xảy đến cho tôi? Tại sao tôi phải khó khăn đến thế?”. Câu trả lời là Cuộc sống giả thiết phải khó khăn! Nhưng điều đó giúp chúng ta trưởng thành. Hãy nhớ, thế gian chứ đâu phải thiên đàng!
Nhiều Kitô hữu giải thích sai lời hứa “sự sống dồi dào” của Đức Giêsu (Gioan 10, 10), họ hiểu đó là sức khoẻ hoàn hảo, một lối sống tiện nghi, hạnh phúc luôn mãi, thực hiện trọn vẹn những ước mơ và được giải thoát tức thời khỏi mọi khó khăn nhờ lòng tin và cầu nguyện. Tắt một lời, họ ước vọng một đời sống Kitô hữu dễ dàng. Họ trông đợi thiên đàng nơi trần gian.
Quan điểm tự quy về mình sẽ coi Thiên Chúa như một vị thần vốn hiện diện chỉ để giúp bạn theo đuổi những thành tựu cá nhân ích kỷ. Thế nhưng, Thiên Chúa đâu phải là tôi tớ của bạn, và nếu bạn lầm tưởng cuộc sống giả thiết là dễ dàng, thì hoặc bạn sẽ vỡ mộng nghiêm trọng hoặc bạn sẽ sống mà không biết đến thực tế.
Đừng bao giờ quên cuộc đời này không thuộc về bạn! Bạn hiện hữu vì những mục đích của Thiên Chúa, không phải ngược lại. Tại sao Thiên Chúa lại phải trao cho bạn thiên đàng ở trần gian đang khi Ngài dự liệu nó cho bạn ở cõi đời đời? Thiên Chúa ban cho chúng ta thời giờ trên mặt đất để xây dựng và củng cố các nhân đức hầu chuẩn bị cho thiên đàng mai sau. -- Trích từ Sống theo đúng mục đích
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (23,1-12)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
Cả bài đọc từ Cựu Ước của ngôn sứ Ma-la-khi và thư của Thánh Phaolô đều nói về các linh mục và những người giảng dạy đặt ra gương mẫu cho người khác nói theo, tốt hay xấu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đối phó với cùng một vấn đề mà chúng ta thấy trong bài đọc một từ Ma-la-khi: các luật sĩ và người Pha-ri-sêu xấu xa và đạo đức giả. Nhưng Chúa Giêsu nói thêm một điều khá đáng chú ý.
Điều đáng chú ý không phải là Chúa mạnh mẽ lên án thói đạo đức giả của họ khiến người khác phạm tội, dù những lời lẽ nặng nề của Chúa về họ có thể khiến chúng ta bị sốc. Đây là những lời mà Người hiền nhu và tốt lành nhất từng sống giữa chúng ta nói về họ (trong Mác-cô 9:42): “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”.
Điều đó không có gì đáng chú ý nếu bạn biết Chúa Giêsu yêu thương trẻ nhỏ mà những kẻ đạo đức giả đó đã làm hại và làm hư hỏng.
Điều đáng chú ý là Chúa Giêsu nói với các môn đồ rằng vì những thầy thông giáo và người Pha-ri-sêu độc ác này ngồi trên ghế của Môse nên các môn đệ của Ngài “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Điều đáng ngạc nhiên không phải là “đừng làm theo gương họ” mà là “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Mặc dù họ xấu xa - và không chỉ xấu xa (tất cả chúng ta đều là tội nhân, và các vị thánh là những người đầu tiên thú nhận điều đó) mà còn là những kẻ đạo đức giả, những kẻ nói dối, hoàn toàn không đáng tin cậy và có nguy cơ phải xuống địa ngục - nhưng họ vẫn có quyền lực của mình. Chức vụ Chúa thiết lập, sứ mệnh giảng dạy của họ. Chúng ta phải tôn trọng và tuân theo chức vụ đó ngay cả khi người nắm giữ nó là một kẻ xấu xa.
Vì vậy, những linh mục xấu, ngay cả những người lạm dụng thân xác, linh hồn và đức tin của trẻ em, những người mà Chúa Giêsu nói xứng đáng nhận được giải thưởng Cối Đá Treo Vào Cổ Của Tháng, không làm mất hiệu lực chức linh mục, và các giáo hoàng xấu không bác bỏ chức trách giáo hoàng. Và đã có một số giáo hoàng cực kỳ tồi tệ trong thời kỳ Cải cách và Phục hưng. Tuy nhiên, họ không bao giờ thay đổi các giáo lý ngay cả khi họ thậm chí không tin hay tuân theo chúng. Đó thực sự là một phép lạ.
Chính sự sa đọa của Giáo hội trong quá khứ, vốn đã góp phần kích động cuộc nổi loạn được gọi là Phong trào Cải cách, là một lập luận mạnh mẽ cho việc Giáo hội được Chúa bảo vệ không bị sai lầm khi giảng dạy (những lời dạy chính thức từ Giáo hội Rôma và không phải của cá nhân cha thầy…). Giáo hội Công giáo đã không bao giờ thay đổi giáo huấn của mình, không bao giờ mâu thuẫn với những gì Giáo hội đã chính thức dạy trước đây. Trong khi những lãnh vực khác, những nơi khác trong lịch sử thế giới, những sai lầm trong thực hành và những sai lầm trong giảng dạy; những thay đổi trong cuộc sống và những thay đổi trong tín điều, luôn đi đôi với nhau. Nhưng trong Giáo hội Công giáo thì không. Kể cả khi scoundrels/ những kẻ vô lại điều khiển con tàu, nó cũng không chìm. Ngay cả khi những người điều khiển con tàu khinh thường mệnh lệnh ra khơi và bất tuân mệnh lệnh, họ cũng không bao giờ có thể thay đổi mệnh lệnh. Ngay cả khi những kẻ đạo đức giả mâu thuẫn với lời rao giảng của họ bằng lối sống của họ, họ cũng không bao giờ thay đổi điều họ phải rao giảng. Chúa không bao giờ để điều đó xảy ra. Đó là lời hứa của Chúa cho đến tận thế.
Giáo hội là một tổ chức bảo thủ, như thể lạc hậu về mặt thần học, dù không nhất thiết là về những điều thuộc về chính trị, bởi vì những gì Giáo hội bảo vệ không phải là quan điểm của con người mà là mặc khải của Thiên Chúa. Giáo Hội thì cứng đầu. Giáo hội từ chối thay đổi và không chịu đi ngược lại với lời dạy của mình ngay cả khi nó không được ai ưa chuộng, bởi vì đó là “kho tàng đức tin” của Giáo hội, như thể một khoản tiền gửi bằng vàng quý giá trong ngân hàng Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo hội phải giữ an toàn. Giáo hội phát triển kho tàng đó, nhưng không làm giảm thiểu nó, sửa chữa nó hoặc mâu thuẫn với nó. Đó là lý do thế giới ghét về Giáo hội nhất, và đó là điều chúng ta nên biết ơn Giáo hội nhất. Chúng ta không cần một Giáo hội dễ chịu, vỗ nhẹ vào đầu chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy mình như những vị thánh thay vì những tội nhân, bởi vì chúng ta không phải là thánh nhân. Chúng ta không cần một Giáo hội cho chúng ta biết chúng ta đúng ở đâu, bởi vì chúng ta đã biết điều đó rồi; chúng ta cần một Giáo hội cho chúng ta biết chúng ta sai ở đâu, bởi vì đó là điều chúng ta không biết và điều chúng ta cần biết.
Ví dụ rõ ràng về nguyên tắc đó ngày nay là những lời dạy của Giáo hội về đạo đức tình dục. Giáo hội là tổ chức duy nhất trên thế giới không bị chìm đắm bởi cơn sóng thần của cuộc cách mạng tình dục. Mẹ Giáo hội là một chiếc xuồng cứu sinh, con tàu của Nô-ê, con tàu duy nhất vẫn nổi khi cả thế giới chìm đắm trong lũ lụt. Đừng bao giờ rời khỏi xuồng cứu sinh của bạn, ngay cả khi các thủy thủ không phải là thánh nhân.— Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt 22:37-40)
Yêu thương là giới răn của Chúa. Nhưng tình yêu về cơ bản không phải là cảm xúc vì chúng ta không thể ra lệnh, không thể điều khiển cảm xúc. Nếu tôi nói, “Tôi cảm thấy buồn” và bạn nói, “Tôi ra lệnh cho bạn đừng cảm thấy buồn nữa”, bạn đang thật là buồn cười. Nếu tôi nói, “Tôi không cảm thấy bị thu hút bởi cô ấy”, và bạn nói, “Tôi ra lệnh cho bạn hãy để cô ấy thu hút bạn”, thì bạn thật là lố bịch. Chúa Giêsu không hề lố bịch. Cả bạn và tôi đều không thể thay đổi cảm xúc của mình chỉ bằng cách ra lệnh cho nó. Những gì chúng ta có thể quản trị là sự lựa chọn, là quyết định và sau đó là hành động sao cho phù hợp với quyết định đó.
... Vậy thì tình yêu là gì nếu nó không chỉ là cảm giác chủ quan? Tình yêu là một sự lựa chọn và một hành động. Thực ra, tình yêu có yếu tố chủ quan, nhưng đó không phải là cảm giác mà là sự tự do lựa chọn, và sự lựa chọn là thực hiện một hành động làm, một việc làm, để tình yêu trở thành việc làm của tình yêu, cũng như đức tin trở thành việc làm của đức tin.
...Cảm xúc thì tự nhiên, tốt lành, quan trọng và rất mạnh mẽ, nhưng chúng không phải là bản chất của tình yêu, và do đó chúng không quan trọng như chúng ta thường nghĩ. Cảm xúc và phương pháp là hai điều mà các thánh đều nói là ít quan trọng hơn chúng ta nghĩ trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt là đời sống cầu nguyện.
“Thiên Chúa là tình yêu” và “Thiên Chúa là Cha chúng ta” cùng nói về một thứ. Việc chúng ta ngạc nhiên trước sự cùng nghĩa đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang ở trong “a deep doo-doo” / tình trạng khó khăn sâu sắc, như một cựu tổng thống đã từng nói. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất của ma quỷ để phá hủy đức tin tôn giáo của xã hội chúng ta là cuộc tấn công vào tình phụ tử, bởi vì nếu bạn không thể yêu người cha trần thế mà bạn có thể nhìn thấy thì làm sao bạn có thể yêu Cha trên trời mà bạn không thể nhìn thấy được?
Nếu một người cha lạnh lùng và xa cách, hoặc ngược đãi con cái, coi mình là trọng tâm, hoặc nếu ông bỏ rơi gia đình, đó là điều mà con cái ông chắc chắn sẽ nghĩ đến khi nghe đến cụm từ “Chúa Cha”: Chúa lạnh lùng, Chúa xa cách, Chúa là kẻ ngược đãi, Chúa là người tự cho mình là trọng tâm, Chúa là kẻ bỏ rơi.
Lý trí của họ có thể bác bỏ ý tưởng đó, nhưng trái tim sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới bắt kịp lý trí. Thánh Augustinô có mối quan hệ tồi tệ với cha mình đến nỗi ngài không thể gọi Thiên Chúa là “Cha” cho đến khi khá muộn trong cuộc đời.
Tôi sắp nói điều gì đó đáng sợ với các ông bố. Thưa các bố, tương lai của nền văn minh của chúng ta nằm trong tay các anh. Có lẽ tương lai của loài người trên trái đất này đang nằm trong tay các anh. Bằng cách yêu thương vợ con mình, các anh có thể làm được nhiều việc hơn bất kỳ người đã thay đổi và gây chấn động vĩ đại nào trên thế giới này. Các anh hữu hiệu hơn những người đã giải quyết các vấn đề về kinh tế, năng lượng hoặc hiện tượng nóng lên toàn cầu hoặc thậm chí là chiến tranh hoặc về phong trào chăm sóc sức khỏe.
Chúng ta đang thiếu linh mục. Nhưng sự thiếu hụt của người cha trong gia đình thì còn trầm trọng hơn.
Điều tương tự cũng đúng với các bà mẹ. Đó là công việc có ảnh hưởng nhất và quan trọng nhất trên thế giới.
Điều được đòi hỏi từ cha mẹ là gì? Tất nhiên là tình yêu. Yêu thương trong hành động, không chỉ trong mơ mộng. Có một bài hát nói, “tình yêu là tất cả những gì bạn cần”. Nhưng điều đó không đúng; bạn cũng cần hiểu tình yêu thực sự là gì và nó đòi hỏi như thế nào.