Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Chúa Nhật thứ XXXI Mùa Thường niên, năm A -- Chức vụ giáo huấn của Giáo hội

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (23,1-12)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Cả bài đọc từ Cựu Ước của ngôn sứ Ma-la-khi và thư của Thánh Phaolô đều nói về các linh mục và những người giảng dạy đặt ra gương mẫu cho người khác nói theo, tốt hay xấu.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đối phó với cùng một vấn đề mà chúng ta thấy trong bài đọc một từ Ma-la-khi: các luật sĩ và người Pha-ri-sêu xấu xa và đạo đức giả. Nhưng Chúa Giêsu nói thêm một điều khá đáng chú ý.

Điều đáng chú ý không phải là Chúa mạnh mẽ lên án thói đạo đức giả của họ khiến người khác phạm tội, dù những lời lẽ nặng nề của Chúa về họ có thể khiến chúng ta bị sốc. Đây là những lời mà Người hiền nhu và tốt lành nhất từng sống giữa chúng ta nói về họ (trong Mác-cô 9:42): “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”.

Điều đó không có gì đáng chú ý nếu bạn biết Chúa Giêsu yêu thương trẻ nhỏ mà những kẻ đạo đức giả đó đã làm hại và làm hư hỏng.

Điều đáng chú ý là Chúa Giêsu nói với các môn đồ rằng vì những thầy thông giáo và người Pha-ri-sêu độc ác này ngồi trên ghế của Môse nên các môn đệ của Ngài “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Điều đáng ngạc nhiên không phải là “đừng làm theo gương họ” mà là “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Mặc dù họ xấu xa - và không chỉ xấu xa (tất cả chúng ta đều là tội nhân, và các vị thánh là những người đầu tiên thú nhận điều đó) mà còn là những kẻ đạo đức giả, những kẻ nói dối, hoàn toàn không đáng tin cậy và có nguy cơ phải xuống địa ngục - nhưng họ vẫn có quyền lực của mình. Chức vụ Chúa thiết lập, sứ mệnh giảng dạy của họ. Chúng ta phải tôn trọng và tuân theo chức vụ đó ngay cả khi người nắm giữ nó là một kẻ xấu xa.

Vì vậy, những linh mục xấu, ngay cả những người lạm dụng thân xác, linh hồn và đức tin của trẻ em, những người mà Chúa Giêsu nói xứng đáng nhận được giải thưởng Cối Đá Treo Vào Cổ Của Tháng, không làm mất hiệu lực chức linh mục, và các giáo hoàng xấu không bác bỏ chức trách giáo hoàng. Và đã có một số giáo hoàng cực kỳ tồi tệ trong thời kỳ Cải cách và Phục hưng. Tuy nhiên, họ không bao giờ thay đổi các giáo lý ngay cả khi họ thậm chí không tin hay tuân theo chúng. Đó thực sự là một phép lạ.

Chính sự sa đọa của Giáo hội trong quá khứ, vốn đã góp phần kích động cuộc nổi loạn được gọi là Phong trào Cải cách, là một lập luận mạnh mẽ cho việc Giáo hội được Chúa bảo vệ không bị sai lầm khi giảng dạy (những lời dạy chính thức từ Giáo hội Rôma và không phải của cá nhân cha thầy…). Giáo hội Công giáo đã không bao giờ thay đổi giáo huấn của mình, không bao giờ mâu thuẫn với những gì Giáo hội đã chính thức dạy trước đây. Trong khi những lãnh vực khác, những nơi khác trong lịch sử thế giới, những sai lầm trong thực hành và những sai lầm trong giảng dạy; những thay đổi trong cuộc sống và những thay đổi trong tín điều, luôn đi đôi với nhau. Nhưng trong Giáo hội Công giáo thì không. Kể cả khi scoundrels/ những kẻ vô lại điều khiển con tàu, nó cũng không chìm. Ngay cả khi những người điều khiển con tàu khinh thường mệnh lệnh ra khơi và bất tuân mệnh lệnh, họ cũng không bao giờ có thể thay đổi mệnh lệnh. Ngay cả khi những kẻ đạo đức giả mâu thuẫn với lời rao giảng của họ bằng lối sống của họ, họ cũng không bao giờ thay đổi điều họ phải rao giảng. Chúa không bao giờ để điều đó xảy ra. Đó là lời hứa của Chúa cho đến tận thế.

Giáo hội là một tổ chức bảo thủ, như thể lạc hậu về mặt thần học, dù không nhất thiết là về những điều thuộc về chính trị, bởi vì những gì Giáo hội bảo vệ không phải là quan điểm của con người mà là mặc khải của Thiên Chúa. Giáo Hội thì cứng đầu. Giáo hội từ chối thay đổi và không chịu đi ngược lại với lời dạy của mình ngay cả khi nó không được ai ưa chuộng, bởi vì đó là “kho tàng đức tin” của Giáo hội, như thể một khoản tiền gửi bằng vàng quý giá trong ngân hàng Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo hội phải giữ an toàn. Giáo hội phát triển kho tàng đó, nhưng không làm giảm thiểu nó, sửa chữa nó hoặc mâu thuẫn với nó. Đó là lý do thế giới ghét về Giáo hội nhất, và đó là điều chúng ta nên biết ơn Giáo hội nhất. Chúng ta không cần một Giáo hội dễ chịu, vỗ nhẹ vào đầu chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy mình như những vị thánh thay vì những tội nhân, bởi vì chúng ta không phải là thánh nhân. Chúng ta không cần một Giáo hội cho chúng ta biết chúng ta đúng ở đâu, bởi vì chúng ta đã biết điều đó rồi; chúng ta cần một Giáo hội cho chúng ta biết chúng ta sai ở đâu, bởi vì đó là điều chúng ta không biết và điều chúng ta cần biết.

Ví dụ rõ ràng về nguyên tắc đó ngày nay là những lời dạy của Giáo hội về đạo đức tình dục. Giáo hội là tổ chức duy nhất trên thế giới không bị chìm đắm bởi cơn sóng thần của cuộc cách mạng tình dục. Mẹ Giáo hội là một chiếc xuồng cứu sinh, con tàu của Nô-ê, con tàu duy nhất vẫn nổi khi cả thế giới chìm đắm trong lũ lụt. Đừng bao giờ rời khỏi xuồng cứu sinh của bạn, ngay cả khi các thủy thủ không phải là thánh nhân.— Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive