Được giao ít mà anh đã trung thành, hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (25, 14-30)
Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!’ Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa ; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’
--------
Tin Mừng cho chúng ta một phần trả lời cần thiết: hãy tận dụng tối đa cuộc sống của bạn bằng cách sử dụng tài năng của bạn cho Chúa và cho người khác. Từ “talent / tài năng” trong tiếng Anh vừa có nghĩa là đồng tiền vừa là sức lực hoặc khả năng. Mỗi người chúng ta là một cá thể độc nhất: Chúa ban cho mỗi người chúng ta ít nhất một khả năng trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống và ít nhất một khuyết tật trong một lĩnh vực khác. Người tài năng nhất, trong bất kỳ lĩnh vực nào, luôn có điều gì đó mà họ bất lực. Chẳng hạn như một số triết gia vĩ đại không thể pha được một tách trà. Và người bất lực nhất trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống luôn có sức mạnh và tài năng ở một lĩnh vực nào đó, thường là bị ẩn giấu hoặc chưa phát triển. Cha mẹ nào đã từng sinh con hoặc nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật đều biết điều đó. Mọi khuyết tật đều đi kèm với một số khả năng và mọi khả năng đều đi kèm với một số khuyết tật.
Nếu bạn đang nghĩ, “Điều đó không áp dụng cho tôi; tôi không giỏi về điều gì cả,” bạn gần như chắc chắn đã sai. Và ngay cả khi bạn không sai về điều đó, ngay cả khi bạn không có khả năng và không có gì ngoài khuyết tật, thì khi bạn dâng khuyết tật và đau khổ đó lên Chúa, nó sẽ trở nên mạnh mẽ và quý giá, như bất kỳ nỗi đau khổ nào khác được dâng lên trong niềm tin tưởng, hy vọng và tình yêu.
Tất cả chúng ta đều có khả năng và khuyết tật, có tài năng và không có tài năng. Tất cả chúng ta đều cần biết mình là ai từ những người mà chúng ta gọi là người khuyết tật: tất cả chúng ta đều là người khuyết tật, theo những cách khác nhau. Điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta đều là tội nhân.
Điểm rõ ràng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa có những kỳ vọng cho chúng ta và đòi hỏi chúng ta sử dụng tài năng của mình, không giấu nó đi, không chôn vùi chúng mà tích cực sử dụng chúng. Và điều đó không chỉ cho lợi ích của chúng ta, vì lòng tự trọng, mặc dù đó là một phần quan trọng, và cũng không chỉ vì những người khác có thể được hưởng lợi nhờ tài năng của chúng ta, mặc dù đó cũng là một phần quan trọng, mà còn vì Chúa vì Chúa thiết kế và tạo dựng nên chúng ta cho công việc mà chúng ta có thể làm. Ngài đã tạo ra gia đình nhân loại rộng lớn này để họ có thể sống phụ thuộc và hợp tác một cách hạnh phúc và hiệu quả. (“Hợp tác” có nghĩa đen là “cùng nhau làm việc”). Có sự phụ thuộc lẫn nhau không lành mạnh, nhưng cũng có sự phụ thuộc lành mạnh và hạnh phúc.
Ví dụ rõ ràng nhất về sự phụ thuộc lành mạnh đó là việc Thiên Chúa đã chia chúng ta thành nam và nữ (và điều đó cũng liên quan đến chủ đề của hai bài đọc Cựu Ước hôm nay). Có nhiều phụ nữ giỏi hơn nam giới rất nhiều, và có nhiều đàn ông giỏi hơn phụ nữ rất nhiều, và đó là kế hoạch của Chúa: chúng ta hợp tác, không cạnh tranh. Cần có hai người để nhảy tango, cần hai người để sinh đẻ con cái hoặc tạo nên một gia đình hạnh phúc. Những người theo chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến nói rằng “phụ nữ cần đàn ông như con cá cần một chiếc xe đạp”, nhưng điều đó đơn giản là không đúng. Đàn ông cần phụ nữ cũng như phụ nữ cần đàn ông. Sự sống sẽ kết thúc nếu một trong hai giới tính không còn tồn tại – cả đời sống sinh học và đời sống văn hóa.
Lý do cơ bản nhất để phát triển những tài năng đặc biệt của chúng ta là khi chúng ta rời khỏi đời này Chúa sẽ phán xét chúng ta về cách chúng ta đã sống. Ba câu hỏi quan trọng nhất mà Chúa sẽ hỏi chúng ta khi chúng ta chết và chúng ta gặp Ngài là những câu này. Trước hết, Chúa của con là ai? Con tin vào ai? Con đặt tin tưởng vào ai? Thứ hai, con là ai? Con là gì? Sự gì ở trong trái tim con? Con là người có trái tim yêu thương hay người trái tim đầy sự thù hằn? Khiêm nhường hay kiêu căng? Con là một tội nhân ăn năn hay một tội nhân không ăn năn? (Nhân thể, chỉ là hai loại người đó thôi, trừ khi bạn là Đức Trinh Nữ Maria.) Thứ ba, con đã làm gì? Con đã làm gì với những tài năng mà Ta đã trao cho con? Câu hỏi đầu tiên là về đức tin, câu hỏi thứ hai là về tính cách và câu hỏi thứ ba là về việc làm.
Khi Chúa hỏi bạn đã làm gì, Ngài sẽ muốn cả hai “Con đã làm được gì cho người khác?” và “Con đã làm gì cho Ta?”
Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét