Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (25:1-13)
Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng : ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ Các cô khôn đáp : ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với!’ Nhưng Người đáp : ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
-----------
Câu nói nổi bật nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là về các trinh nữ khờ dại không chuẩn bị đèn và đến dự tiệc cưới quá muộn. Câu đó là “Rồi người ta đóng cửa lại”.
Cánh cửa đó là cái chết. Cái chết khóa chặt cánh cửa của hết mọi cơ hội. Khi còn sống, nếu chúng ta không chuẩn bị cho điều gì đó, chúng ta luôn có thể có cơ hội thứ hai. Nhưng không ai có được cơ hội thứ hai sau khi chết. Chết đâu, người ta nằm ở đó. Nếu bạn chết trong tiệc cưới, bạn sẽ ở trong đó mãi mãi; nếu bạn chết bên ngoài tiệc cưới, bạn sẽ ở bên ngoài mãi mãi.
Con tàu Nô-e tượng trưng cho điều tương tự như tiệc cưới trong dụ ngôn hôm nay – cụ thể là sự cứu rỗi. Trong câu chuyện Nô-e cũng có câu chuyện về một cánh cửa giống như trong dụ ngôn hôm nay. Sau khi Nô-ê cùng gia đình ông và tất cả các loài động vật vào tàu, sách Sáng thế nói: “Rồi ĐỨC CHÚA đóng cửa lại sau khi ông vào [tàu]” (Sáng Thế 7:16). Như trong dụ ngôn của Chúa Giêsu: “Người ta đóng cửa lại”.
Những người khác khi thấy trận lụt đến chắc chắn đã hối hận vì đã cười nhạo Nô-e khi ông đóng tàu vì đã không tin và vâng lời Chúa; nhưng đã quá trễ rồi. Đến một lúc nào đó thì đã quá muộn. Cơ hội thứ hai không kéo dài mãi mãi. Cuộc sống trong thời gian không kéo dài mãi mãi. Đến một lúc nào đó cánh cửa đóng lại. Và bạn chết ở đâu, bạn nằm ở đó: bên trong hoặc bên ngoài.
Đó là quan điểm rất rõ ràng, rất thực tế, rất hợp lý mà Chúa Giêsu đang đưa ra trong dụ ngôn về các cô khôn ngoan và các cô khờ dại. Đó là về sự khôn ngoan thực tế. Sự khôn ngoan, đối với năm cô khôn ngoan, hệ tại ở việc làm theo lời Chúa Giêsu giảng dạy: “Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày giờ” cửa sẽ đóng lại. Những người không có đức tin cho rằng tôn giáo là duy tâm và không thực tế; nhưng không gì có thể thực tế và thiết thực hơn lời khuyên đó.
Chúng ta có thể gọi khía cạnh khôn ngoan này là nỗi sợ hãi thánh thiện. Thánh vịnh nói về sự khôn ngoan của người ước muốn biết Chúa, khao khát Thiên Chúa. Thư thánh Phaolô nói về sự khôn ngoan của niềm hy vọng vào Chúa. Tin Mừng nói về lòng kính sợ Thiên Chúa. Kinh Thánh nói: “Kính sợ ĐỨC CHÚA là bước đầu của khôn ngoan” (Châm ngôn 9:10). Đây không phải là sợ hãi một bạo chúa hay sợ một chủ nô bởi vì Chúa không phải là một bạo chúa hay một chủ nô. Đó không phải là nỗi sợ của kẻ nô lệ mà là nỗi kính sợ của người con, sự tôn trọng, kính sợ và tin tưởng mà một đứa trẻ dành cho cha mẹ. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Nỗi sợ hãi đó là sự khởi đầu của sự khôn ngoan, nhưng nó không phải là cùng đích. Cùng đích là tình yêu và niềm vui: niềm vui của tiệc cưới, lễ cưới thiêng liêng của chúng ta với Thiên Chúa. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét