Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Hãy sửa lối cho thẳng để Chúa đi: Chúa nhật thứ II Mùa Vọng, Năm B

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (1,1-8)

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. 7 Ông rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. 8 Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

----- 

Mác-cô chỉ đơn giản nói Gioan “xuất hiện trong hoang địa,” và không nói gì về lai lịch của Gioan. Nhưng Luca cho chúng ta biết cha của Gioan là Da-ca-ri-a, thuộc dòng dõi tư tế và cho chúng ta biết rằng Gioan đã ở trong sa mạc trước khi ông bắt đầu sứ vụ công khai của mình (Luca 1:80). Tôi nghĩ câu nói này của Luca có nghĩa là Gioan đã được cha mẹ - hoặc các thành viên khác trong gia đình gửi đi sau khi cha mẹ ông đã qua đời - để được những người sùng đạo của phái Essenes (có ba nhóm chính trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu: Sa-đốc, Pharisêu và nhóm Essenes) nuôi dưỡng trong “đan viện” của họ bên bờ Biển Chết, trong “nơi sa mạc”. Chúng ta biết từ Josephus (lịch sử gia) rằng cộng đoàn Essene đã chấp nhận các bé trai Do Thái giáo, những người mà họ sẽ đào tạo theo niềm tin và lối sống của họ, và đây là nguồn “ơn gọi” cho họ.

Thánh Gioan rao giảng “phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Người Qumran (của nhóm Essene) làm phép rửa hàng ngày để lãnh nhận ơn tha thứ. Còn Gioan dường như cử hành phép rửa một lần như một dấu hiệu của một sự thay đổi dứt khoát trong tâm tính và lối sống.

“Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông”: điều này đòi hỏi Gioan giảng dạy ở phía tây của bờ sông Giođan, trong phạm vi đoạn sông cách dòng nước chảy vào Biển Chết khoảng mười dặm hoặc ít hơn. Hơn mười dặm về phía bắc của Biển Chết là lãnh thổ Sa-ma-ri, và người Giu-đa (sống vùng Giuđêa) và người Giê-ru-sa-lem sẽ không vào làng của người Sa-ma-ri vì bất kỳ lý do gì. Nhưng đan viện Qumran cách cửa sông Giođan vài dặm về phía nam và phía tây dọc theo bờ biển.

“Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.” Đây là một hành động đòi hỏi sự khiêm nhường của dân Do Thái vì nó có nghĩa là họ thú nhận họ không hoàn toàn tinh tuyền để tham dự nghi lễ và cần được tắm rửa toàn thân. Thừa nhận tội lỗi một cách công khai là một điều nhục nhã, vì thông thường người ta chỉ thú nhận với vị tư tế khi dâng lễ vật. Việc Gioan làm phép rửa cho mọi người khi họ xưng thú tội lỗi mình là hành vi của một vị tư tế, vì theo luật Mô-sê, người ô uế phải đến gặp thầy tư tế, thừa nhận tội lỗi hoặc sự ô uế của mình, và tuân theo việc nghi thức rửa sạch hoặc các nghi lễ khác mà thầy tư tế sẽ quy định. Bạn cũng hãy để ý những người kiêu căng hơn trong dân Do Thái: người Pha-ri-sêu và người Sa-đốc, Kinh thánh đã không nói họ là những người đến lãnh nhận phép rửa của Gioan.

“Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Áo lông lạc đà, dây thắt lưng là những dấu hiệu của ngôn sứ Ê-li-a (2 Vua 1:8). Gioan dường như cố tình chọn hình ảnh và tính cách của vị tiên tri tổ phụ danh tiếng lẫy lừng cho mình. Việc ăn châu chấu và mật ong rừng có vẻ nói Gioan ăn loại thức ăn không được chuẩn bị trước mà Gioan có thể tìm thấy trong môi trường. Josephus cho biết những người bị đuổi khỏi cộng đoàn Essene bị buộc phải sống cách này, bởi vì lời thề của họ khi gia nhập cộng đoàn cấm họ không bao giờ ăn thức ăn được chế biến ở nơi khác. Lỗ hổng của luật đó dường như nói có thể ăn thực phẩm chưa được chuẩn bị trước hoặc các thức ăn tìm thấy trong môi trường. Josephus vì thế, đề cập đến có những người tồn tại nhờ cỏ và vỏ cây. Đối với tôi, đây là dấu hiệu cho thấy Gioan đã bị đuổi khỏi cộng đoàn Qumran.

Điều này có thể vì nhiều lý do, nhưng điều khiến tôi ấn tượng là việc Gioan sẵn sàng rao giảng cho công chúng, ngay cả cho dân ngoại, trong khi điều này bị nghiêm cấm trong nội quy cộng đoàn. Có lẽ Gioan đã không đồng ý với việc cộng đoàn từ chối rao giảng sứ điệp chuẩn bị cho Đấng Mêsia cho toàn thể dân tộc và các quốc gia, như ngôn sứ Isaia đã nói trước.

Giống như người Essenes, Gioan trông đợi một Đấng Messia: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi”. Người trong nhóm Essene mong đợi hai Đấng Mêsia, một vị thượng tế và một vị vua. Gioan chỉ nói về một “Đấng quyền thế hơn”. Có lẽ Gioan chấp nhận “minority report / báo cáo thiểu số” của người Essene rằng Men-ki-xê-đê sẽ trở lại và người sẽ vừa là thượng tế vừa là vua. Hoặc, có lẽ Gioan nghĩ mình là mêsia tư tế, chuẩn bị cho “Đấng quyền năng hơn”, Con vua Đa-vít sẽ đến mà Gioan đang làm việc chuẩn bị.

“Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.” Người của nhóm Qumran nghĩ rằng họ đã có Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần đến với họ qua nghi thức rửa sạch hàng ngày của họ. Gioan có vẻ không đồng ý. Có lẽ Gioan không đồng ý với cộng đoàn và đi đến kết luận rằng nhóm Qumran không có Chúa Thánh Thần, nhưng đúng hơn là Chúa Thánh Thần sẽ đến qua sứ vụ của Đấng Mêsia. Dù sao đi nữa, đó là những gì Gioan rao giảng ở đây: một đấng thiên sai sắp đến và ngài có quyền ban Chúa Thánh Thần.

Chúng ta những người nghe Tin Mừng này, chúng ta biết “Đấng quyền năng hơn” đó là ai và chúng ta đã nhận được Chúa Thánh Thần từ Người qua các bí tích? Vậy trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy cam kết ăn năn sám hối, “sống đạo đức và thánh thiện” mỗi ngày (2 Phêrô 3:11) để có thể xuất hiện “tinh tuyền không chi đáng trách và sống bình an” (2 Phêrô 3:14). Thánh Gioan Tẩy giả, dù đã được tẩy sạch tội lỗi từ trong bụng mẹ, vẫn thực hành khổ hạnh để bảo vệ mình trên con đường nên thánh.

Nếu Thánh Gioan đã mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong, thì chúng ta có thể thực hiện một số hy sinh cá nhân, thậm chí một số việc hãm mình ép xác, trong Mùa Vọng này không? Đúng là Mùa Vọng không phải là Mùa Chay, nhưng vẫn là mùa sám hối, và ai trong chúng ta lại không cần thanh tẩy và sám hối? Chúng ta đừng giống như những người Pha-ri-sêu và Sa-đốc quá kiêu căng để thừa nhận nhu cầu sám hối, thay đổi đời sống của mình và chú ý đến lời rao giảng của Gioan!

-- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive