Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Lễ Chúa Kitô Vua: Mục tử và Thẩm phán

Các bài đọc cho ngày lễ hôm nay

Hai bài đọc đầu tiên hôm nay nói về Thiên Chúa là Mục tử nhân lành, và hai bài đọc cuối nói về Thiên Chúa là Thẩm phán trong Ngày Chung thẩm. Hai hình ảnh này có liên quan gì với nhau? Chúng dường như không liên quan với nhau hoặc liên quan một cách tương phản và đối lập. Tại sao Giáo Hội có hai bài đọc này trong ngày Chúa Nhật hôm nay?

Có một mối liên kết rõ ràng là Chúa chăn dắt chúng ta khi còn sống và cũng sẽ phán xét chúng ta sau khi chết. Nhưng việc chăn dắt và phán xét dường như rất khác nhau, sự sống và cái chết dường như cũng rất khác nhau; tuy nhiên Giáo hội có ý đặt hai hình ảnh này của Thiên Chúa trong phụng vụ hôm nay. Hãy thử tìm hiểu lý do tại sao.

Một câu trả lời là để khắc phục tương phản sai lầm đó trong tâm trí chúng ta. Chăn dắt bao hàm lòng nhân từ và lòng thương xót vì chiên nổi tiếng là không bao giờ vâng theo lời chỉ dẫn, ngu ngốc và bướng bỉnh, trong khi sự phán xét bao hàm công lý và sự thật. Lòng tử tế mang tính cá nhân và chủ quan, trong khi công lý thì không thiên vị và khách quan. Vậy thì vấn đề là Thiên Chúa vừa nhân hậu lại vừa công bằng. Lòng thương xót của Ngài không bất công, và sự công bằng của Ngài không phải là không nhân hậu. Chúng ta có thể thấy biết thương xót và vẫn công bằng là điều khó làm hoặc không thể làm được trong mọi trường hợp, nhưng đối với Thiên Chúa thì không.

Một cách trả lời khác là người mục tử nhân lành cũng phải là người phán xét. Người ấy phải phán đoán, xét xem khi nào có sói ở gần và con cừu nào cần được chú ý nhiều hơn. Và trên hết, người ấy phải phán xét giữa cừu và dê. Trong dụ ngôn về Sự phán xét cuối cùng của Chúa Giêsu, Người mô tả hình ảnh Thiên Chúa tách chiên khỏi dê trong quá trình xét xử của Ngài, Ngài đặt chiên ở bên phải và dê ở bên trái. Và Ngài nói với đàn chiên: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa, vì Ta biết các con” trong khi Chúa nói với dê, “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, Ta không biết các ngươi.”

Sự cứu rỗi không phụ thuộc vào những gì bạn biết mà là phụ thuộc vào người biết đến bạn. Nếu bạn biết Thiên Chúa và là Chúa của bạn, là Cha và là người Bạn, thì bạn là một trong những con chiên của Người. Nếu không, bạn không được Ngài biết đến. “Biết đến” ở đây không có nghĩa là kiến thức trong đầu, không phải thông tin trí tuệ, mà là kiến thức cá nhân, sự quen biết cá nhân, mối quan hệ cá nhân. Chúa Giêsu nói: “Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta” (Ga 10:14). Ngay cả ma quỷ cũng biết rằng Chúa Giêsu là Cứu Chúa và là Chúa, nhưng không phải là Cứu Chúa hay là Chúa của nó.

Từ “biết đến” được dùng trong Kinh thánh để chỉ hôn nhân. Ađam “biết” Evà và kết quả là một đứa bé chứ không phải một cuốn sách. Cùng đích của chúng ta là được kết hôn với Thiên Chúa (được tham dự vào Tiệc Cưới của Con Chiên). Hình ảnh cuối cùng trong Kinh Thánh, sự kiện cuối cùng trong cuộc đời chúng ta, sẽ là tiệc cưới của Con Chiên và Hiền Thê của Người, giữa Chúa Kitô và Hội thánh của Người, là chúng ta. Những con chiên ngu ngốc được Chúa chăn dắt suốt cuộc đời đã là điều đáng kinh ngạc. Còn kinh ngạc hơn nữa là Ngài đã chết thay chúng ta trên thập tự giá để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn nhiều là Ngài muốn kết hôn với chúng ta mãi mãi!

Vì vậy, Cuộc Phán xét thực sự là một lễ thành hôn dành cho đàn chiên. Nhưng không phải cho những con dê. Sự khác biệt giữa chiên và dê không phải là sự khác biệt về mức độ, bao nhiêu việc lành, bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu nhân đức. Mà là sự khác biệt về giống loài. Những người được sinh hai lần, những người được sinh ra từ trên, những người đã được rửa tội, những người có đức tin, giống như một phụ nữ mang thai có sự sống thứ hai trong mình. Hoặc là bạn đang cưu mang sự sống của Đức Kitô trong mình hoặc bạn không có Ngài; bạn không thể nửa có nửa không.

Đây là một câu trả lời khác cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa là Mục tử nhân lành và Thiên Chúa là Thẩm phán trong Ngày Chung thẩm. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu mô tả ngày phán xét chung có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự sống và cái chết, và do đó cũng có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc Thiên Chúa chăn dắt chúng ta khi còn sống và phán xét chúng ta khi chết. Dường như cái chết đối lập với sự sống, vì cái chết kết thúc sự sống; nhưng thật ra cái chết không phải là ít sự sống hơn mà là có tràn đầy sự sống hơn, không phải sự vắng mặt của sự sống mà là sự hiện diện của sự sống trọn vẹn và là sự sống đích thực. Khi rời bỏ cuộc sống này, chúng ta sẽ bước vào cuộc sống mai sau và gặp được Thiên Chúa, Đấng vừa là người chăn dắt chúng ta ở đời này vừa là thẩm phán của chúng ta ở đời sau. Và cả hai cuộc đời đều là những phần của một cuộc đời, không phải hai, vì hai lý do: bởi vì chúng ta là một người, không phải hai, và bởi vì Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa, không phải hai.

Chúng ta là cùng một người trong cuộc sống và trong cái chết. Như một câu nói thô thiển nhưng chân thực: “Bạn chết thế nào, bạn được nằm xuống như vậy”. Những gì bạn đã có trên trái đất là những gì bạn sẽ có mãi mãi trên thiên đàng. Bạn sẽ không là một người khác. Bạn sẽ trọn vẹn hơn những gì bạn vốn có. Thiên đàng sẽ đơn giản cho bạn chiều kích khác, chiều kích của cõi đời đời. Trong hình học, chiều sâu là chiều thứ ba biến hình tam giác hai chiều thành hình chóp ba chiều và biến hình vuông thành hình khối và hình tròn thành hình cầu. Vì vậy, sau khi chết, nếu bạn là hình tam giác trong thời gian, bạn sẽ là kim tự tháp trong vĩnh cửu; nếu bạn là hình vuông trong thời gian, bạn sẽ là hình lập phương trong vĩnh cửu; và nếu bạn là hình tròn trong thời gian, bạn sẽ là hình cầu trong vĩnh hằng. Hình học tượng trưng cho điều gì? Rằng nếu bạn là người bạn không hoàn hảo của Chúa trong thời gian ở trần gian và bạn chết trong trạng thái ân sủng đó, thì bạn sẽ là người bạn hoàn hảo của Ngài mãi mãi trên thiên đàng, và nếu bạn là kẻ thù của Ngài trên trái đất và chết mà không ăn năn, thì bạn sẽ là kẻ thù của Ngài mãi mãi ở địa ngục. Thiên Chúa không đẩy ai vào địa ngục trái với ý muốn của họ; kẻ bị nguyền rủa đi đến đó bằng sự lựa chọn của họ. Sự lựa chọn cơ bản của chính họ là bóng tối và sự ích kỷ hơn là ánh sáng và tình yêu.

Mối quan hệ giữa thời gian và vĩnh cửu là thời gian là chiều kích thứ tư và vĩnh cửu là chiều kích thứ năm. Đời đời không phải là sự vắng mặt của thời gian mà là sự hiện diện trọn vẹn của thời gian, của mọi thời gian. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ bị phán xét trong cõi vĩnh hằng về những gì chúng ta đã làm trong thời gian, bởi vì sự phán xét không phải là điều gì đó bên ngoài và được cộng thêm vào cuộc sống của chúng ta; nó đơn giản là sự thật về con người chúng ta, về chúng ta là ai và là cái gì. Điều duy nhất mới nơi đó là sự trong sáng và hoàn hảo của chân lý đó. Lúc đó sẽ không có gì có thể che giấu được như bây giờ.

Chúng ta không chỉ là cùng một người trong cõi đời đời như chúng ta trong thời gian, mà Thiên Chúa cũng sẽ là cùng một Thiên Chúa. Mục tử và Thẩm phán là một Thiên Chúa duy nhất, không phải hai. Chúng ta đối chiếu hình ảnh Thiên Chúa là Mục tử nhân lành với hình ảnh Thiên Chúa là Thẩm phán của chúng ta, nhưng nếu làm như vậy, chúng ta hiểu sai cả hai hình ảnh. Hình ảnh người mục tử nhân lành không có nghĩa là một cái gì đó ngọt ngào, đa cảm, mềm mại và ngọt ngào; và hình ảnh của quan tòa không có nghĩa là một cái gì đó xấu xa, chuyên chế và báo thù, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu không phải là đường mật và đa cảm, cũng không xấu xa và chuyên chế.

Nhà thần bí vĩ đại và Tiến sĩ Giáo hội Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Nếu chúng ta yêu mến, lựa chọn, mong muốn và khao khát Thiên Chúa và thánh ý của Người trên hết, thậm chí trên cả chính chúng ta và ý muốn của chúng ta, thì đó là điều chúng ta sẽ nhận được. Nếu chúng ta đã nói với Chúa: “Ý Cha được thể hiện”, thì ý muốn Ngài sẽ được thực hiện trong chúng ta. Chúng ta sẽ được cứu. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Phêrô 3:9).

Và nếu chúng ta yêu, chọn, ước muốn bản thân và ý riêng của chúng ta trên hết, thậm chí trên cả Thiên Chúa; nếu chúng ta đã tôn thờ chính mình như Chúa, thì đó cũng là điều chúng ta sẽ nhận được: chính chúng ta là thượng đế của chúng ta, chính chúng ta một mình, chính chúng ta trong nhà tù cô đơn, tự tạo của chính mình, mãi mãi. Như C.S. Lewis đã viết, trong bản cập nhật cổ điển nhỏ về Thần khúc của Dante có tên The Great Divorce / Cuộc ly hôn vĩ đại, “Cuối cùng, chỉ có hai loại người: những người nói với Chúa: 'Ý Chúa được thực hiện’, và những người được Chúa cuối cùng sẽ nói với họ, “ước muốn của ngươi sẽ được thực hiện”.

Chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu. Và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa được thể hiện nơi tình yêu của chúng ta dành cho nhau. Chúa Giêsu đã nói: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Không chỉ là Chúa sẽ coi những gì chúng ta làm với nhau như thể chúng ta đã làm với Ngài, mà những gì chúng ta làm với nhau là chúng ta thực sự làm đến với Ngài. Thánh Augustinô, trong tác phẩm kinh điển Thành phố của Chúa, giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì khi nói rằng tất cả nhân loại được chia thành hai “thành phố” hoặc cộng đồng hoặc vương quốc vô hình: “thành phố của Thiên Chúa” và “thành phố của trần gian”. “Thành phố của Chúa” là tất cả những ai yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và “thành phố của thế giới” là tất cả những ai yêu chính mình hoặc thứ gì đó trong thế giới của họ như thể là chúa của họ. Thánh Augustinô nói một “thành phố” hay một cộng đồng được định nghĩa bởi tình yêu thương của nó. Những người yêu thích những thứ khác nhau không thể thực sự tạo nên một cộng đồng. Những người yêu thích những thứ giống nhau đã là một cộng đồng về mặt tinh thần, hoặc vô hình, bởi chính tình yêu chung của họ. Tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa hợp thành một “thành phố” hay cộng đồng vô hình duy nhất. Họ cũng tạo thành một cộng đồng duy nhất bởi vì tất cả những ai yêu mến Thiên Chúa cũng yêu thương nhau, vì đó là điều răn của Thiên Chúa họ.

Có rất nhiều tên gọi cho Thành phố của Chúa. Nó được gọi là Giáo Hội, Giáo Hội “Công Giáo” hay Giáo Hội hoàn vũ. “Nhiệm thể Chúa Kitô” và “Dân của Chúa” là hai trong số các tên gọi của Giáo hội là “Nhiệm thể Chúa Kitô” và “Dân của Chúa”, nghĩa là tất cả các thành viên của thân thể đó, không giống như thành viên của một câu lạc bộ mà giống như các cơ quan của một thân thể. Chúa Kitô gọi đó là “vương quốc của Thiên Chúa” vì Thiên Chúa là Vua của vương quốc này. Ngài còn gọi nó là “Nước trời” vì nó tồn tại hoàn hảo trên thiên đàng, nhưng nó bắt đầu từ đây, trên trái đất. Hạt giống của nó được gieo ở đây và hoa của nó sẽ nở ở đó. “Giáo hội chiến đấu” trên trái đất, “Giáo hội đau khổ” trong luyện ngục và “Giáo hội chiến thắng” trên trời là một và cùng một Giáo hội ở ba giai đoạn của cuộc sống.

Và Nhiệm Thể này, vì đây là Thân Thể của Chúa Kitô, nên bất cứ điều gì chúng ta làm với nhau ở đây là làm với Chúa Kitô là Đầu của Thân Thể. Đầu và Thân, Chúa Kitô và dân Người là một. Những gì chúng ta làm với họ, chúng ta làm đến với Ngài. Nếu chúng ta giữ điều đó trong tâm trí mình mọi giây phút, chúng ta sẽ trở thành những vị thánh. Đó là bí mật đơn giản của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Chúng ta không cần phải đến Calcutta / Kolkata để sống bí mật đó. Và nó thậm chí không phải là một bí mật: Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với chúng ta. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta không hiểu đầy đủ về nó, chúng ta vẫn biết đó là sự thật. Chúa Giêsu không nói dối. Chỉ đơn giản là vậy.-- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle A)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive