Trở thành người Công giáo khi đã trưởng thành không phải là chỉ cần học thêm vào một vài điều mới về đức tin. Nhưng nó có nghĩa là bước vào một thế giới hoàn toàn mới và cách nhìn cuộc sống khác với trước đây. Không có yếu tố nào trong quan điểm mới đó gây sốc cho não trạng Tin Lành nhạy cảm của tôi trước khi tôi trở thành người Công giáo hơn là ý tưởng rằng người-thật-và-Thiên-Chúa-thật thực sự hiện diện trong một tấm bánh mỏng manh và trong chén rượu, chứ không phải bánh và rượu đó chỉ là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật là một điều xúc phạm cho đức tin “cũ” của tôi.
Việc Thiên Chúa Toàn Năng cho phép tôi chạm vào Ngài, di chuyển Ngài và ăn thịt Ngài đã không còn gây xúc phạm đến tôi nữa, nhưng vẫn không ngừng làm tôi ngạc nhiên! Hãy nghĩ! Khi tôi đưa Bánh Thánh lên miệng, tôi di chuyển Chúa trong không gian. Khi tôi đặt Ngài ở đây, thì Ngài ở đây. Khi tôi đặt Ngài ở đó, Ngài ở đó. Đấng Chuyển Động Sơ Thủy/ Prime Mover cho phép tôi chuyển động Ngài đến nơi tôi muốn. Điều này cũng đáng kinh ngạc như chính việc Chúa Nhập Thể, vì nó là việc Chúa Nhập Thể, sự tiếp nối của việc Chúa Nhập Thể.
Tôi nghĩ tôi hiểu một người Tin lành có cảm giác gì về bí tích, không chỉ vì tôi đã là người theo đạo Tin lành mà còn là vì đó là một cảm giác tự nhiên và phổ quát. Giáo lý Công giáo về các bí tích gây sốc cho mọi người. Đó cũng là một cú sốc đối với người Công giáo. Nhưng sự quen thuộc làm cho ý thức bị cùn đi.
Đối với người Tin Lành, các bí tích phải là một trong hai điều: hoặc chỉ là biểu tượng, được dùng để nhắc nhở, chẳng hạn như lời nói; nếu không thì là phép thuật thật. Và định nghĩa của người Công giáo về bí tích: một dấu hiệu hữu hình do Chúa Kitô thiết lập để ban ân sủng, một dấu hiệu thực sự gây nên những gì nó tượng trưng, nghe có vẻ như ma thuật. Giáo lý Công giáo dạy rằng các bí tích ex opere operate / hiệu quả nhờ chính hành động, nghĩa là một cách khách quan, mặc dù không theo kiểu khách quan và tự động của máy móc. Các bí tích là những món quà đến từ bên ngoài (không do chính ta gây nên) nhưng phải được đón nhận một cách tự do.
Những người theo đạo Tin lành thường an tâm hơn với quan điểm bí tích chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng, vì đức tin của họ chủ yếu là dựa vào lời nói chứ không phải là bí tích. Suy cho cùng, Kinh thánh là trọng tâm rất chính yếu cho đức tin của họ. Họ tin vào công cuộc sáng tạo, việc Thiên Chúa Nhập thể và Phục sinh chỉ vì Kinh Thánh nói về những sự này, những sự kiện vật thể được bao bọc bởi những lời thánh thiêng. Cảm tính của người Công giáo là phiên bản lộn ngược của phiên bản ấy: lời nói được bao bọc bởi những sự kiện thánh thiêng. Đối với cảm quan của người Công giáo, trước hết không phải lời (làm vật trở nên thánh thiêng) mà là vật thể thì thánh thiêng bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra nó, Thiên Chúa nhập thể vào vật thể, làm cho nó sống lại từ cõi chết và đưa nó vào thiên đàng với Ngài khi Ngài lên trời.
Dĩ nhiên, những người theo đạo Tin lành chính thống cũng tin vào những tín điều của Kinh Thánh như những người Công giáo. Nhưng tôi nghĩ họ không cảm nhận rõ ràng tính thực tế thô thiển, thậm chí sự rất trần tục của chúng. Đó là lý do tại sao họ không chỉ không đồng ý mà còn bị sốc cách sâu sắc về sự Hiện diện thật của Chúa và sự biến đổi bản thể / transubstantiation. Nhân thể bạn có biết Luther, thật sự là đã dạy về sự Hiện diện thật của Chúa và dạy về sự biến đổi rất gần với sự biến đổi bản thể / transubstantiation, hơn hầu hết những người theo đạo Tin lành tin, đó là Thánh Thể hợp chất, niềm tin rằng Mình và Máu của Chúa Kitô thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, nhưng có cả bánh và rượu nữa. Người Công giáo tin rằng các chất thể đã được biến đổi; Người Tin lành theo đạo Luther tin rằng bánh và rượu được thêm vào.
Hầu hết những người theo đạo Tin lành tin rằng Bí tích Thánh Thể chỉ tượng trưng cho Chúa Kitô, mặc dù một số người theo Calvin thêm vào rằng đó là cơ hội để nhận được ân sủng đặc biệt, một dấu hiệu và là một dấu ấn. Nhưng dù tôi là người Tin lành của nhóm theo Calvin 21 năm, tôi không nhớ có bất kỳ sự nhấn mạnh nào về quan điểm đó. Tôi thường nghe về sự tương phản giữa cách giải thích “thiêng liêng” của Tin lành và cách giải thích “vật thể”, “phép kỳ diệu / magic” của Công giáo.
Sự phản đối cơ bản của người Tin lành đối với bí tích là: Làm sao ân sủng của Chúa lại có thể phụ thuộc vào vật thể, một thứ bị động và không tự do? Thật không công bằng khi ân sủng của Chúa phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác ngoài ý muốn của Ngài và của tôi sao? Tôi cảm nhận được phản đối đó một cách mạnh mẽ cho đến khi tôi nhận ra rằng tôi có một cơ thể - cơ thể này, với sự di truyền của nó, tôi lãnh nhận mà không có sự tự do để lựa chọn – đó cũng là một điều “không công bằng”. Người này có được cơ thể khỏe mạnh, người khác thì không. Như một triết gia đã nói: “Cuộc sống vốn dĩ không công bằng”.
Chính bản chất của thế giới vật thể mà chúng ta đang sống, chính thực tại đó là “không công bằng” đến mức khiến Ivan Karamazov nổi loạn chống lại Chúa trong cuốn truyện Kitô giáo nhất và sâu sắc nhất, Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky. Như ông ấy giải thích với Alyosha, người anh trai tin vào Chúa của mình, “Không phải là tôi không thể chấp nhận Chúa, mà là thế giới này của Ông ấy” - một thế giới trong đó những điều xấu xảy ra với người tốt và những điều tốt đẹp xảy ra với người xấu. Nhưng nó vì thế có thể là xinh đẹp hơn là công bằng, chứ không là ít hơn, quà tặng hơn là tiền công, ân sủng hơn là công lý, “công bằng” theo nghĩa “đẹp”, hơn là “công bằng” theo nghĩa “hợp lý” - như một bí tích.
Thực ra, thế giới là một bí tích. Chúng ta đón nhận Thiên Chúa qua mọi thực tại vật chất (mặc dù không theo cách chính thức, đúng đắn như trong các bí tích). Câu trả lời cho sự phản đối của người Tin lành về sự không công bằng, không đúng cách của các bí tích, là chỉ có thế giới thiêng liêng thuần lý mới là hoàn toàn công bằng. Chỉ có thiên thần mới nhận được chính xác những gì họ xứng đáng.
Chúa thật đáng được ngợi khen vì chúng ta được trao ban nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng được nhận! Các bí tích nhắc nhở chúng ta rằng cả thế giới là một bí tích, một điều thánh thiêng, một món quà; và đặc tính bí tích của thế giới nhắc nhở chúng ta về trọng tâm của bí tích, mầu nhiệm Nhập Thể, được tiếp tục giữa chúng ta trong bảy bí tích của Giáo hội, đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể. Cách nhìn về thế giới như một bí tích và giáo lý của đạo Công giáo về các bí tích chiếu sáng lẫn nhau như những tấm gương lớn và nhỏ.
Thế giới như một bí tích và bí tích Nhập Thể/ Thánh Thể, cả hai đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng là những bí tích, vật thể được thánh hóa nhờ thần khí. Cơ thể của chúng ta không phải là những xác chết do hồn ma di chuyển, hay những chiếc xe do thiên thần lái, mà là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Cơ thể chúng ta, đặc biệt là khuôn mặt, vật thể được chuyển hóa thành ý nghĩa. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.
Những người theo đạo Tin lành đôi khi phản đối các bí tích bằng cách đặt câu hỏi là liệu số phận đời đời của một em bé có bị thay đổi hay không nếu nước rửa tội không chạm tới trán trước khi nhà thờ đổ, đè lên em và giết chết em; hay liệu một hối nhân bị xe tải cán chết khi băng qua đường để đi xưng tội sẽ phải xuống địa ngục hoặc luyện ngục lâu hơn chỉ vì chiếc xe tải tình cờ tông vào anh ta trước chứ không phải sau khi xưng tội. Câu trả lời cho câu hỏi kiểu đó là: không nhất thiết. Chúng ta không biết kế hoạch của Thiên Chúa trừ khi Ngài mặc khải cho chúng ta và Ngài đã mặc khải các bí tích. Nhưng không chỉ có các bí tích. Giáo hội sơ khai gọi cái chết của các vị tử đạo không có cơ hội lãnh nhận phép rửa là “phép rửa bằng máu”, và ý định (rõ ràng hoặc thậm chí ẩn ý) để được rửa tội là “phép rửa của lòng ao ước” (vì thế, những người ngoại giáo tìm kiếm Thiên Chúa, tốt lành có khả năng được vào thiên đàng). Giáo lý Công giáo về “ân sủng từ cửa sau” này đối với nhiều người theo đạo Tin lành, nghe có vẻ như là một trò lừa bịp bằng lời nói xảo quyệt, nhưng điều này thì cần thiết để bảo tồn hai sự thật không thể phủ nhận: thứ nhất, rằng chúng ta được truyền phải lãnh nhận các bí tích và được dạy rằng, “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” và thứ hai, Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân hậu và không từ chối ân sủng với bất kỳ ai tìm kiếm nó.
Có lẽ người Công giáo chúng ta giống như những người làm việc chỉ một giờ trong dụ ngôn ông chủ mướn thợ vào làm trong vườn nho của ông (Mt 20:1-16), và những người không có các bí tích thì như những người làm việc cả ngày. Có vẻ không công bằng khi cả hai nhóm đều nhận được mức lương như nhau. Có thể nói thật không công bằng khi chúng ta được ban thêm tất cả những ân sủng của các bí tích, những ân sủng thặng dư, trao ban cách dễ dãi. Nhưng chủ vườn nho đã trả lời sự phản đối này: “Tôi không được phép làm những gì tôi muốn với vườn nho của mình sao?” Câu trả lời này xúc phạm cảm giác công bằng chính trị của chúng ta: Nhưng nó phù hợp với bản chất của thế giới; và chính thế giới tự nhiên, sự sáng tạo của Thiên Chúa, chứ không phải chính trị, sự sáng tạo của con người, mới tuyên bố vinh quang của Thiên Chúa. Các bí tích cũng tuyên bố lòng quảng đại đến nỗi người nghe cảm thấy bị xúc phạm vì sự “thiếu” công bằng của nó.
Chúng ta không xứng đáng được sinh ra, được tái sinh hoặc được rửa tội. Chúng ta không xứng đáng được lãnh nhận Mặt Trời của Chúa, hay Người Con của Ngài. Chúng ta không xứng đáng có bánh ngon rượu nồng, hay Mình và Máu Chúa Kitô. Nhưng chúng ta được ban cho tất cả những điều này và hơn thế nữa. Như Christopher Derrick đã nói trong bài thơ có tựa đề “Sự phục sinh của thân xác”:
Ngài thật là Đấng kinh hoàng:
Biến nước thành rượu,
Rượu biến thành máu—
Tôi tự hỏi Ngài biến máu thành gì?
Người Công giáo thường có niềm tin vào các bí tích, niềm tin không chỉ xuất phát sự hiểu biết của trí tuệ. Và người Tin lành không hiểu đức tin này từ đâu đến. Vì vậy, họ không hiểu tại sao những người Công giáo không đồng ý với những lời dạy thiết yếu của Giáo hội lại không lìa bỏ Giáo hội. Câu trả lời được tượng trưng bởi cây đèn luôn cháy sáng nới Nhà Tạm. Họ không rời bỏ Giáo hội vì họ biết rằng ngọn lửa bí tích đang cháy sáng ngay trong lòng Giáo hội. Ngay cả khi họ không nhìn thấy ánh sáng của Giáo hội, họ vẫn muốn được sưởi ấm bởi ngọn lửa nơi ấy. Sự Hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là một thỏi nam châm thu hút những con chiên lạc về nhà và giữ những con chiên có thể bị lạc khỏi cái lạnh chết người ngoài đó. Điều thu hút nhất của Giáo hội không phải là những gì Giáo hội dạy, dù đó là những điều rất thiết yếu, mà là ai ở trong đó. “Chúa ở đây! Vì thế tôi phải ở đây.” -- Dr. Peter Kreeft, Fundamentals of the Faith
0 nhận xét:
Đăng nhận xét