Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Làm thế nào để chúng ta đạt được sự sống đời đời?

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Mc 10:17)

Khi Chúa Giêsu đáp lại: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”, Ngài đang làm hai điều: Thứ nhất, Ngài tinh tế hỏi người thanh niên: “Anh có thừa nhận Ta là Thiên Chúa không?” Thứ hai, Ngài chỉ ra rằng, như Thánh Phaolô sau này sẽ dạy: “mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rôma 3:23). Vì thế, thực ra chúng ta không phải là những người xem vậy nhưng có lòng tốt  từ bên trong sâu thẳm. Ngược lại, chúng ta tội lỗi, ngay cả trong tâm hồn sâu thẳm. Như ngôn sứ Giêrêmia nói: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” (Giêrêmia 17:9).

Lòng kiêu ngạo và ích kỷ đã làm méo mó suy nghĩ nội tâm của chúng ta đến mức nhiều khi chúng ta không nhận ra động cơ thực sự của mình, mặc dù đôi khi chúng lại khá rõ ràng về người khác. Khi nói về “sự tốt lành” của con người, đó không phải là sự tốt lành về mặt đạo đức mà ai cũng có, mà là sự tốt lành vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, ngay cả khi hình ảnh đó bị làm méo mó bởi hành vi của chúng ta.

Chúa Giêsu không chỉ ra tội lỗi của chúng ta để làm chúng ta buồn rầu hay tuyệt vọng. Ngài chỉ ra điều đó để chúng ta quay về với Ngài và đón nhận sự trợ giúp.

Khi đáp lại người thanh niên, Chúa Giêsu đã ôn lại Luật của Chúa cho anh. Qua điều này, Chúa Giêsu chỉ ra rằng tuân theo Luật Chúa là một phần cần thiết để đạt được sự sống đời đời.

...

Vấn đề là chúng ta có một cái nhìn quá đơn giản về tội lỗi. Chúng ta không nhận ra rằng mỗi tội lỗi là một sự lựa chọn cho bản thân, một hành động ích kỷ [làm cho chúng ta trở nên con người ích kỷ hơn]. Chúng ta không nhận ra rằng tội lỗi là đối lập với tình yêu, rằng Thiên Đàng là nơi hoàn toàn tràn ngập tình yêu, và việc Sự ích kỷ của tội không xứng hợp với Thiên đàng. Trừ khi chúng ta vượt thắng tội lỗi, chúng ta thậm chí không muốn Thiên Đàng! Chúng ta chỉ muốn những gì chúng ta tưởng tượng về Thiên Đàng, như một công viên giải trí đầy thú vui, thay vì trải nghiệm không thể tưởng tượng về tình yêu của Thiên Chúa vĩnh cửu.

Vì vậy, tuân theo Luật của Thiên Chúa có thể là bước đầu tiên trên con đường cứu rỗi, khi chúng ta học cách ngừng lại ít nhất với những tội lỗi rõ ràng và bên ngoài nhất. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi thì vẫn không đủ.

Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Khi Chúa Giêsu nhắc lại Luật cho người thanh niên, Ngài cố tình chỉ nhắc đến những gì chúng ta gọi là “bảng thứ hai của Luật,” tức là những điều răn liên quan đến bổn phận của chúng ta đối với người khác, chứ không phải bổn phận đối với Thiên Chúa. Khi người thanh niên hỏi xem có cần làm thêm điều gì không, Chúa Giêsu nói về mối quan hệ của anh với Thiên Chúa. Chúa Giêsu, thấu suốt tâm hồn và nhận ra những suy nghĩ sâu thẳm, thấy rằng trái tim của người thanh niên không bị chiếm giữ bởi tình yêu của Thiên Chúa, mà bởi tình yêu đối với của cải của anh.

Chúa Giêsu yêu người thanh niên và muốn bước vào sự hiệp thông với anh, một sự hiệp thông của thiên đàng. Và Chúa Giêsu biết rằng hiệp thông đó không thể thiết lập khi mà tình cảm của người thanh niên còn hướng về của cải. Vì vậy, Ngài kêu gọi anh hướng đến một sự hoán cải triệt để: “Bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời”. Lời này được dựa trên sách Châm ngôn 19:17: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm” Giúp đỡ người nghèo là một cách để dâng hiến cho Chúa.

Không phải mọi môn đệ đều được gọi từ bỏ mọi sự. Có những người giàu có theo Chúa, như một số người phụ nữ (Luca 8:3) đã hỗ trợ sứ vụ của Ngài từ tài sản riêng của họ. Nhưng Chúa biết rằng, trong trường hợp của người thanh niên này, anh cần một sự gì đó triệt để hơn.

Đồng thời, lời kêu gọi của Chúa bao gồm hai phần. Không chỉ đơn giản là “bán những gì anh có và cho người nghèo,” mà còn là “rồi hãy đến theo tôi”. Những hành động công bằng xã hội hay từ thiện tự thân là những việc làm tốt lành và cần thiết trong quá trình hoán cải. Nhưng từ thiện có thể được làm vì những động cơ sai lầm, và nó không nhất thiết dẫn chúng ta đến mối quan hệ với Thiên Chúa. Có những người vô thần làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ. Vì vậy, để đạt được sự sống đời đời, chúng ta không chỉ cần từ bỏ tình yêu đối với của cải, mà chúng ta còn phải phát triển sự gắn bó với chính Thiên Chúa, hiện diện nơi Chúa Giêsu.

Làm thế nào để chúng ta đạt được sự sống đời đời? Không phải bằng cách bảo quản cơ thể trong đá khô [như một số người có tiền đã làm]. Chúa Giêsu đã cho chúng ta ba bước cơ bản trong bài Tin Mừng hôm nay:

- Trước hết, tuân giữ Luật của Thiên Chúa, điều này giúp chúng ta từ bỏ sự ích kỷ của mình.

-  Sau đó, từ bỏ các ngẫu tượng trong lòng: của cải, khoái lạc, quyền lực, kiêu ngạo.

- Cuối cùng, "Hãy đến theo tôi." Gắn kết trái tim với Chúa Kitô.

Cả ba bước này đều không thể thực hiện được nếu không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta được trao ban qua Bí tích Rửa Tội và được làm mới lại trong chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive