Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Bạn có muốn Thiên Chúa nói chuyện với bạn không?

Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. 13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ. (Híp-ri 4:12-13)

Đoạn từ Híp-ri nói về một điều thật đáng chú ý. Đoạn này nói rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” Nếu lời này là đúng, thì đây là một phép lạ; nếu không đúng, thì đây là một sự phóng đại lố bịch. Và hàng triệu người đã nói, từ kinh nghiệm của chính họ, rằng lời này là đúng.

Nhưng làm sao một cuốn sách có thể sống động và hoạt động?

Bản dịch có phần gây hiểu lầm khi nói “hữu hiệu” thay vì “hoạt động.” Từ tiếng Hy Lạp là “energés,” từ đó chúng ta có từ “energy / năng lượng.” Nó sống động và hoạt động, như nhiệt hoặc ánh sáng, như mặt trời; không chỉ “hữu hiệu” như một chính sách kinh tế hay một chiếc máy tính. Nó giống như một thanh gươm sắc bén trong tay của một kiếm sĩ đáng gờm.

...

Tác giả đang nói rằng khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể khám phá ra một điều rất bất thường: rằng đây không phải là một cuốn sách bình thường. Lời của Kinh Thánh thực sự đọc chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào lời Kinh Thánh, Kinh Thánh nhìn vào chúng ta. Nó giống như nhìn qua một cửa sổ, nghĩ rằng bạn ở một mình, và rồi đột nhiên nhận ra rằng có người khác đang đứng bên ngoài nhìn qua cửa sổ đó vào bạn. Giống như nhìn vào gương và mong đợi chỉ thấy chính mình, nhưng đột nhiên bạn thấy một khuôn mặt khác đang nhìn bạn từ trong gương.

Đương nhiên khuôn mặt đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Cụm từ “Lời của Chúa” nghĩa là Kinh Thánh, nhưng nó cũng có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là ý nghĩa chính của cụm từ “Lời Chúa.” Ngài là Lời duy nhất của Thiên Chúa; còn Kinh Thánh là các lời của Thiên Chúa ở số nhiều. Trong Kinh Thánh có nhiều lời, nhưng Thiên Chúa chỉ có một Lời duy nhất: Chúa Kitô. Lời Chúa không chỉ là một cuốn sách mà là một ngôi vị. Đó là lý do tại sao khi bạn đọc cuốn sách, bạn gặp gỡ một người.

Khi bạn đọc cuốn sách này, bạn đang cầu nguyện – thực ra, một trong những cách cầu nguyện mạnh mẽ nhất là đọc Kinh Thánh trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Khi bạn cầu nguyện, bạn không một mình...

Cuốn sách dường như sống động và hoạt động và đọc bạn bởi vì nó thực sự đang làm điều đó, và nó đang làm điều đó bởi vì “nó” là “Ngài.” Và nó đâm sâu vào trái tim bạn; nó đâm sâu vào sự phân cách giữa trái tim bề ngoài và trái tim sâu thẳm của bạn, hoặc (theo lời của tác giả) giữa tâm với linh của bạn. Tâm hồn của bạn bao gồm mối quan hệ có ý thức của bạn với chính mình – với thân thể bạn, những suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc và lựa chọn có ý thức của bạn – và với những người khác, trong khi thần khí của bạn bao gồm mối quan hệ của bạn với Thiên Chúa, mối quan hệ này vừa có ý thức, vừa vô thức, vừa rõ ràng vừa bí ẩn, vừa hợp lý vừa huyền bí. Vì trái tim con người, thần khí con người, sâu thẳm và bí ẩn hơn cả vũ trụ vật chất.

Ở nơi khác, Kinh Thánh tự gọi mình là “gươm của Thần Khí”, nghĩa là Thánh Thần (Êphêsô 6:17). Một thanh gươm không tự nó hoạt động, nhưng nó trở nên hoạt động khi một kiếm sĩ vung nó. Với sách Kinh Thánh cũng vậy: nó được linh hứng, truyền tải, được Thiên Chúa thở hơi vào đó, Thiên Chúa chính là tác giả của Kinh Thánh. Những con người đã viết các cuốn sách của Kinh Thánh là những công cụ của Thiên Chúa. Ngài không biến họ thành những cỗ máy; Ngài khởi động khả năng của họ, không làm tắt ngủm đi con người của họ. Nhưng Ngài sử dụng tâm trí và cá tính của họ để nói chuyện với tất cả chúng ta.

Không phải ai cũng yêu thích sự trần trụi trước mặt Thiên Chúa, thiếu vắng bóng che, nơi đen tối và nơi ẩn náu đó. Tác giả viết: “Không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.”

Thánh Vịnh 139 bắt đầu bằng sự thật này: “Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.. . . . lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan...”

Những nhà vô thần vĩ đại như Sartre và Nietzsche nói điều ngược lại: rằng Thiên Chúa toàn tri này sẽ là cực hình tột cùng đối với họ; rằng họ không thể sống trong một thế giới mà có một Thiên Chúa biết hết mọi thứ về họ, kể cả mặt tối của họ. Đó là lý do tại sao họ từ chối tin vào Thiên Chúa; đó là lý do sâu sắc nhất cho chủ nghĩa vô thần của họ. Đó không phải là sự hoài nghi trí tuệ; đó là sự nổi loạn và sợ hãi cá nhân.

Đó là sự khác biệt giữa thiên đàng và địa ngục... Những người yêu mến sự thật và điều tốt lành, ghét sự dối trá và tội lỗi và biết ăn năn tôi mình, sẽ trải nghiệm sự thật và điều tốt lành toàn hảo và gọi nó là thiên đàng; trong khi kẻ ác, những người yêu thích tội lỗi của họ và từ chối ăn năn, sẽ coi ánh sáng này là địa ngục. Họ yêu bóng tối, nhưng họ không còn tìm thấy bóng tối, như họ có thể ở trần gian.

...

Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ban cho chúng ta Bí Tích Giải Tội. Ở đó, chúng ta chọn ánh sáng và từ chối bóng tối. Ở đó, thiên đàng bắt đầu. Sau Thánh Lễ, ma quỷ ghét Bí Tích Giải Tội hơn bất kỳ sự gì khác trên thế giới.

Còn bạn thì sao? Bạn có ghét nó hay yêu nó?

Bạn có muốn Thiên Chúa nói chuyện với bạn không? Bạn có muốn thấy khuôn mặt đó ở cửa sổ và nghe những lời của Ngài không? Bạn có muốn biết Thiên Chúa không? Nếu có, đây là bốn cách tốt nhất để làm điều đó.

Thứ nhất, hãy đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Tin Mừng, và gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.

Thứ hai, hãy tin vào Ngài, phó thác cho Ngài, yêu mến Ngài, đón nhận Ngài, cả trong trái tim bạn và qua các bí tích của Ngài, đặc biệt là Bí Tích Giải Tội và Bí Tích Thánh Thể.

Thứ ba, hãy cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư và qua việc phụng vụ, bằng lời của bạn và bằng những lời trong Thánh Lễ.

Thứ tư, hãy sống cho Ngài; sống theo ý muốn của Ngài; sống tình yêu của Ngài; trao ban chính mình cho người khác như Ngài đã trao ban chính mình cho bạn.

-- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive