Bài đọc hai hôm nay được Chúa Quan phòng sắp đặt để phù hợp với bài đọc một. Chúng ta đã thấy những khái niệm về tư tế trong bài đọc một, và những điều này được làm rõ trong bài đọc hai. Thư gửi tín hữu Híp-ri nói về Chúa Giêsu như Vị Thượng Tế, Đấng đã chịu đau khổ và đổ máu mình ra thành hy tế.
Cũng như chúng ta, Ngài đã “chịu thử thách” — từ này cũng có thể dịch là “đã trải qua thử nghiệm,” ám chỉ sự đau khổ mà Ngài đã chịu vì chúng ta.
Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới dạy rằng Thiên Chúa đã chịu đau khổ vì các tạo vật của mình. Do đó, chỉ trong Kitô giáo mới có một Thiên Chúa thực sự hiểu biết về tình trạng của con người theo trải nghiệm. Đây là một khái niệm rất mạnh mẽ.
Thiên Chúa biết những gì chúng ta phải trải qua vì Ngài đã từng trải nghiệm điều đó. Vì lý do đó, chúng ta có thể tin tưởng rằng Ngài cảm thông với chúng ta, và nhờ đó Ngài tha thứ và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta.
----------
Các nhà lãnh đạo của thế giới này, Chúa Giêsu nói, thường thực hiện quyền lãnh đạo vì lợi ích của chính họ. Đây là cách mà Satan hiểu về quyền lãnh đạo – đem lại ích lợi cho người có thẩm quyền. Nhưng Chúa Giêsu đảo ngược hình ảnh này – lãnh đạo là vì lợi ích của người được dẫn dắt. Vì vậy, người lãnh đạo thực sự là một người phục vụ, và nhà lãnh đạo vĩ đại nhất chính là người phục vụ vĩ đại nhất. Nhóm Essenes (Dr. John Bergsma nghĩ Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng đã được dưỡng dục trong nhóm này) đã hiểu rõ chân lý này và họ không có nô lệ; thay vào đó, họ phục vụ lẫn nhau trong bất cứ công việc hèn mọn nào cần làm. Họ đã nỗ lực duy trì một tinh thần huynh đệ thực sự trong cộng đồng của mình, dù cho có người ở hạng cao hơn người khác.
Chúa Giêsu sẽ nêu gương về sự lãnh đạo phục vụ bằng cách chịu chết như một nô lệ (bị đóng đinh thập giá là hình phạt dành cho nô lệ và những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội) dù Ngài là Vua của Vũ Trụ… Nhưng người lãnh đạo không bao giờ được sử dụng quyền lực của mình để phục vụ lợi ích cá nhân – đây là một loại lạm dụng mà chúng ta đã phải đau đớn nhận ra sự hiện diện của nó trong hàng ngũ giáo sĩ.
Điều này đòi hỏi người lãnh đạo có các đức tính khôn ngoan và khiêm nhường, và cuối cùng, tôi nghĩ một người không thể làm một nhà lãnh đạo phục vụ mà không có sự tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa và vào lòng trung tín của Ngài. Một nhà lãnh đạo phục vụ thường phải chịu đau khổ khi đặt lợi ích của mình sau cùng, và sự đau khổ này thì không thể gánh chịu được nếu không có hy vọng vào cuộc sống mai sau và niềm tin vào một Thiên Chúa nhân lành, Đấng đã hoạch định những điều tốt lành cho những ai yêu mến Ngài.
Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho niềm vui giữa những đau khổ khi chúng ta suy tư về hạnh phúc thiên đàng, và xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để đặt mình sau cùng và phục vụ người khác lên trên hết. -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B
0 nhận xét:
Đăng nhận xét