Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Tội Tổ Tông và Các Thiên Thần

Lý trí của chúng ta có khả năng nhận biết Chúa. Bằng cách quan sát thế giới hữu hình, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa vô hình, quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài. Một phần quyền năng của Ngài thể hiện qua những ngọn núi, và chúng ta thấy vẻ đẹp của Ngài trong cảnh hoàng hôn, sự tinh khiết của Ngài trong một bông tuyết. Mặc dù lý trí có thể biết được một phần nào đó về Chúa và bản chất của Ngài, nhưng nó không thể biết tất cả.

Chúng ta nhìn vào một bức tranh. Chúng ta có thể đoán được thời kỳ hoặc thế kỷ bức tranh được vẽ, phong cách của họa sĩ. Chúng ta có thể đoán được phần nào về kỹ thuật và tài năng của người họa sĩ, nhưng dù nhìn kỹ đến mức nào, chúng ta cũng không bao giờ hiểu được những suy nghĩ của người họa sĩ. Chúng ta nhìn vào sự sáng tạo và có thể suy luận chút gì về Chúa, nhưng không thể biết được suy nghĩ của Ngài. Chúa sẽ phải bày tỏ điều đó cho chúng ta.

Làm sao chúng ta biết được rằng Ngài đã mặc khải về chính Ngài cho chúng ta? Có hàng trăm người trong lịch sử xuất hiện và nói: “Tôi từ Chúa mà đến, hãy nghe thông điệp của tôi. Chúa đã sai tôi.” Chúng ta phải dùng lý trí để thiết lập những tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá những người nói lời tuyên bố. Trước khi phán quyết về bất kỳ ai, chúng ta đã đặt ra ba thử nghiệm. Thứ nhất, bất kỳ ai đến từ Chúa đều phải được tiên báo trước. Thứ hai, Chúa sẽ ban cho họ quyền năng làm những điều mà chỉ có Chúa mới có thể làm. Thứ ba, giáo lý của người đó không bao giờ được mâu thuẫn với lý trí. Người đó có thể nói những điều vượt trên lý trí, nhưng không được nói điều gì trái với nó. Giáo lý của người đó phải phù hợp với lý trí đúng đắn và khát vọng của trái tim con người.

Đó là những tiêu chí, bây giờ chúng ta áp dụng chúng. Chúng ta có thể xếp tất cả những người đã tuyên bố trong lịch sử từ đầu đến cuối, và trong số đó chúng ta đặt Chúa Kitô. Chúng ta hỏi, “Có ai trong số các ngươi đã được tiên báo trước không?” Chỉ có một người trả lời câu hỏi đó, và đó là Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh rằng Chúa Kitô đã làm phép lạ và đặc biệt là sống lại từ cõi chết để chứng tỏ Thiên Chúa tính của Ngài. Không có điều gì Ngài dạy trái với lý trí con người; trái lại, nó thỏa mãn sâu sắc khát vọng của trái tim. Sau đó, chúng ta nghiên cứu về Chúa Kitô, lời chứng của Ngài về bản thân, là Con Thiên Chúa và Con Người. Sau đó, chúng ta chỉ ra rằng Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người. Ngài có bản chất thần linh và bản chất nhân loại, và cả hai được kết hợp trong sự hiệp nhất của Ngôi Vị Thiên Chúa. Là con người, Ngài giống chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi và việc phạm tội của chúng ta.

Là Thiên Chúa, sự đền tội và bồi thường cho cái nợ vô hạn chúng ta mắc phải có thể được đền bù vì Ngài là Thiên Chúa vô hạn.

Sau đó, chúng ta tiếp tục chỉ ra rằng Chúa của chúng ta không chỉ là một Người Thầy mà còn là Đấng Cứu Độ, cứu chúng ta khỏi tội. Có hai thứ tội lỗi chính. Có tội cá nhân mà chúng ta phạm phải do ý chí của chính mình, điều mà chúng ta phải chịu trách nhiệm như trộm cắp, nói dối, và làm chứng gian chống lại người lân cận. Sau đó, có một loại tội khác không phải là tội cá nhân. Ý chí của chúng ta không tham gia vào, không quyết định về việc này. Tội lỗi này gắn liền với bản chất của chúng ta vì chúng ta là con người. Tội đó được gọi là tội nguyên tổ.

Trong vũ trụ có một luật: “Ai không chiến đấu, không thể được trao ban vương miện.”1 Chúng ta được ban cho những ân huệ và phước lành nhất định nếu vượt qua được những thử thách. Điều đó xảy ra khi chúng ta còn trong trường học và nó cũng xảy ra trong tình yêu. Một người đàn ông phải xứng đáng với người phụ nữ mà anh ta yêu. Chúng ta tự do và tự do là cơ sở của mọi tình yêu. Sử dụng tự do đúng cách mang lại cho chúng ta những đặc quyền nhất định, còn không thì không có đặc quyền gì cả. Một người cha có ý định cho con trai mình đi học đại học. Có một điều kiện gắn liền, cụ thể là, cậu bé phải học.

Giả sử cậu bé không học; cậu dành thời gian mãi rong chơi; bằng việc lạm dụng quyền tự do, cậu bé mất đi đặc quyền được học lên cao. Người cha đã không hề đổi ý. Người ta không bao giờ có thể nói với người cha rằng, “Ông thật tàn nhẫn vì ông không cho con trai mình đi học đại học.”

Người cha rất sẵn lòng cho con trai mình đi học đại học, nhưng cậu bé không thể vào đại học; cậu bé không vượt qua được bài kiểm tra. Chúa muốn tôn vinh một số món quà nhất định mà chúng ta có. Ngài muốn tôn vinh cách sử dụng đúng đắn sự tự do của chúng ta. Ngài muốn ban cho chúng ta thứ gì đó là của riêng chúng ta mà thực ra không phải của riêng chúng ta, và tất cả những gì chúng ta phải làm để sở hữu một món quà và đặc quyền tuyệt vời của Chúa là vượt qua một bài kiểm tra. Bài kiểm tra này thì dễ dàng, một bài kiểm tra về tình yêu của chúng ta đối với Ngài và tình yêu này là sự hoàn hảo của chúng ta. Bài kiểm tra là sự thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa, đó là điều kiện cho sự độc lập tương đối của chúng ta [với Chúa].

Luật này ở mọi nơi trong vũ trụ và đầu tiên được áp dụng cho các thiên thần. Các thiên thần được nhắc đến rất rõ ràng trong Kinh Thánh và người ngoại giáo cũng tin vào các thiên thần. Lý trí đã giúp họ nhận ra rằng cũng như có vật chất trong vũ trụ, và vũ trụ vật chất được đứng đầu bởi con người. Con người là một sự pha trộn giữa vật chất và thần khí. Nên phía trên con người phải có tồn tại những thực thể thần khí và họ được gọi là các thiên thần. Người ta sẽ không nói rằng không nên có một trung gian nào giữa một con hàu và một con người. Giữa sự phát triển của con hàu trong tự nhiên và sự phát triển của con người, có lẽ nên có những dạng sống khác. Tương tự, thật hợp lý để giả định rằng giữa Chúa vô hạn, Đấng thuần linh, và chúng ta, phải cso những thần khí trung gian không phải vô hạn nhưng chắc chắn hoàn thiện hơn chúng ta nhiều.

Chúa đã tạo ra vô số thiên thần, họ là trí tuệ thuần khiết và thần khí không có thân xác. Họ không có thân thể và cánh, mặc dù trong tất cả những bức tranh bạn thấy về thiên thần, họ thường được vẽ với cánh. Họ có trí tuệ sáng suốt, cao hơn trí tuệ của bất kỳ ai trên trần thế này. Mỗi thiên thần đều được tạo ra, phụ thuộc vào Chúa và được ban sự tự do. Vì họ có tự do nên họ cũng có khả năng từ chối là họ phụ thuộc vào Chúa.

Có lẽ đây là thử thách mà Chúa đã ban cho họ: Ngài muốn họ yêu Ngài. Tình yêu bao gồm sự thừa nhận họ phụ thuộc vào Chúa và nhờ đó hoàn thiện bản thân. Sau đó, Chúa sẽ khẳng định sự phụ thuộc đó bằng cách trao ban cho họ vinh quang. Có thể ví thử thách này như thử thách của con nhện. Một ngày kia, một con nhện đã để mình thả xuống từ mái của một cái kho bằng một sợi tơ mảnh mai và tinh tế. Con nhện muốn thưởng thức tất cả những con ruồi, muỗi và giun trong sân kho. Khi con nhện xuống đến sân, nó căng ra một cái mạng lớn. Vào cái mạng đó là một bữa tiệc thịnh soạn của ruồi và mọi thứ có thể được bày biện tại bữa tiệc của một con nhện. Khi con nhện đã đầy những món quà và ân huệ này, nó nhìn lên tận mái của cái kho và thấy sợi tơ mảnh mai nối xuống. Nó tự nhủ, “Không biết sợi tơ đó có tác dụng gì nhỉ?” Nó cắt đứt sợi tơ, mất mạng và mất cả bữa tiệc. Nó mất tất cả.

Đôi khi sự phụ thuộc là một sự độc lập tuyệt vời, như trong Hiến pháp của Hoa Kỳ. Tại sao chúng ta độc lập? Tuyên ngôn Độc lập nói rằng Chúa đã ban cho chúng ta những quyền không thể chuyển nhượng. Không chính quyền nào, không nhà nước nào, không nhà độc tài nào từng ban cho chúng ta các quyền cơ bản của mình. Những quyền đó đến từ Chúa. Nếu nhà nước ban cho chúng ta những quyền đó, thì nhà nước cũng có thể tước chúng khỏi chúng ta. Chính bằng cách thừa nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa mà chúng ta có được sự độc lập.

Những ân huệ mà các thiên thần nhận được chỉ có thể được xác nhận và làm vĩnh cửu nếu họ vượt qua được thử thách tình yêu.

Tội lỗi của các thiên thần là sự lạm dụng tự do. Đó là tội kiêu ngạo. Họ muốn được tự do và trở nên giống như Chúa. Họ không thể phạm tội xác thịt vì họ không có thân xác. Họ không thể phạm tội tham lam vì họ không có túi tiền, thậm chí không có túi trong đôi cánh. Họ chỉ phạm tội bằng sự tôn vinh quá mức trí tuệ của mình, đó là, “Tôi sẽ độc lập khỏi Chúa, tôi sẽ trở thành một vị thần cho chính mình.” Sự thật là họ muốn giống như Đấng không được tạo thành, dù họ là thụ tạo.

Người đứng đầu trong số họ, Lu-xi-phe, đã thốt lên lời kêu gọi phản loạn: Non serviam; “Tôi sẽ không phụng sự.” Họ có tội vì không yêu thương nên đã mất hết các ân phúc mà họ đã nhận được và một phần ba trong số họ đã sa ngã và trở thành cái chúng ta gọi là ác quỷ. Tiên tri Isaiah đã nói về các thiên thần như sau: “Hỡi Lu-xi-phe, tinh tú rạng ngời, con của bình minh, ngươi đã nghĩ rằng mình sẽ trèo lên trời, đặt ngai mình cao hơn các vì sao của Chúa.”2 Trong ngôn ngữ của ngôn sứ Isaia, các thiên thần đã phạm tội và tội của họ không thể được tha thứ. Nhưng tội lỗi của chúng ta thì có thể.

Tại sao tội lỗi của các thiên thần không thể được tha thứ? Khi một thiên thần quyết định điều gì, họ thấy rõ tất cả những hậu quả của hành động của mình một cách hoàn hảo. Ý nghĩ của nguyên tắc mâu thuẫn là một điều không thể cùng một lúc và dưới cùng một hoàn cảnh, vừa có vừa không có.

Bạn không bao giờ có thể lật ngược nguyên tắc mâu thuẫn. Một thiên thần nhìn thấy hậu quả của mọi quyết định và lựa chọn của mình giống như bạn nhìn thấy nguyên tắc đó. Bạn không bao giờ có thể thay đổi nguyên tắc mâu thuẫn; đó là một phần của sức khỏe tâm linh.

Khi một thiên thần chọn nổi loạn chống lại Chúa, tự cho mình là Chúa, phủ nhận tình yêu, thì nó làm cho ơn tha thứ mãi mãi trở nên bất khả thi. Với bạn và tôi thì hơi khác một chút. Chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy hậu quả của những quyết định của mình. Tâm trí chúng ta tối tăm, trí tuệ chúng ta suy yếu và ý chí của chúng ta yếu kém trong các quyết tâm của mình, Chúa chấp nhận để tha thứ cho ta. Chúa chúng ta đã nói với Phêrô khi trả lời câu hỏi của ông, con nên tha thứ bao nhiêu lần?3 Chúa chúng ta đã nói, Bảy mươi lần bảy.4 Nó không có nghĩa là bốn trăm chín mươi lần, nó có nghĩa là không có giới hạn nào được đặt ra cho sự tha thứ. Trong sự sa ngã của các thiên thần, chúng ta có thể thấy tội lỗi trong sự trần trụi trơ trẽn của nó.

Có thứ là tội lỗi thuần túy. Đó là một nỗ lực để phá bỏ hành động sáng thế [Lu-xi-phe khước từ nó là thụ tạo], một sự khẳng định về sự tự tồn tại. Có cái ác trong vũ trụ bằng cách lạm dụng sự tự do.

Thế giới đã không toàn hảo trước khi con người xuất hiện. Ở đâu đó trong vũ trụ của Chúa có một vết rạn nứt; có điều gì đó đã sai vì ai đó đã không sử dụng sự tự do một cách đúng đắn. Ai đó đã sử dụng sự tự do như quyền làm bất cứ điều gì mình muốn thay vì quyền làm bất cứ điều gì người ấy nên làm. Hãy nhìn lại quá trình tiến hóa của vũ trụ. Hãy xem tất cả các loài động vật thời tiền sử đã xuất hiện và chết đi.

Mọi nơi trong quá trình phát triển của vũ trụ đều có những ngõ cụt. Bạn sẽ không hỏi, “Tại sao tội lỗi của các thiên thần lại ảnh hưởng đến vũ trụ?” Một lý do có thể là những thụ tạo thấp hơn đã được đặt dưới sự giám sát của một số thiên thần. Khi thiên thần nổi loạn chống lại Chúa, những hậu quả này đã được ghi nhận trong vũ trụ vật chất. Thiên nhiên bị trật khớp.

Hãy nhìn vào một cỗ máy phức tạp và làm hỏng một trong những bánh xe lớn, làm hỏng một bánh răng, và bạn sẽ làm hỏng tất cả các bánh xe nhỏ.

Ném một hòn đá xuống ao, nó sẽ ảnh hưởng đến cả bờ xa nhất.

Sự sa ngã của các thiên thần có thể giải thích cho sự hỗn loạn trên trái đất như được mô tả trong sách Sáng thế. Có mọi dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đã sai trước khi con người được tạo ra. Có thể ảnh hưởng xấu xa này sẽ ảnh hưởng đến con người.

Có điều xấu xa ở đâu đó trong vũ trụ của Chúa. Có thể những thần khí đó đã đánh mất những phúc lành lớn lao mà Chúa đã ban cho họ vì họ không trung thành với thử thách của tình yêu. Có thể những thần khí xấu xa đó ghen tị với việc Chúa ban nhiều phúc lành cho chúng ta. Chúng có thể cố gắng hủy diệt chúng ta và tước đi những đặc quyền của chúng ta. Chúa chắc chắn sẽ thử thách chúng ta trong Vườn Địa đàng.

Chuyển ngữ từ Chương 21: Original Sin and Angels trong Your Life Is Worth Living của ĐTGM Fulton Sheen

1 2 Tm 2:5
2 Is 14:13
3 Mt 18:21
4 Mt 18:22

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blog Archive