Đi đến đâu Chúa Giêsu cũng gặp những người tin Chúa, ngoại trừ một nơi duy nhất: Nazareth, quê hương của Người, nơi Người lớn lên. Những người lạ kéo đến gặp Ngài, nhưng nhiều người trong đại gia đình Ngài lại không tin vào Ngài. Những người đàn bà bán thân, những kẻ giết người và thậm chí cả những người thu thuế đã đến với Chúa, nhưng các nhà chức trách tôn giáo được chính Chúa ủy quyền trong Cựu Ước, những người lãnh đạo dân riêng Chúa chọn, đã từ chối Ngài, và họ thuyết phục kẻ thù áp bức họ là người La Mã tra tấn và đóng đinh Chúa. Hầu hết các thầy tư tế, học giả và kinh sư về Luật [Do thái] đều từ chối Đức Giêsu. Người ngoại giáo tin vào Đức Giêsu dễ dàng hơn người Do Thái.
Sau khi làm phép lạ ở khắp mọi nơi, khi Chúa Giêsu đến quê hương mình, thánh sử Mác-cô lưu ý rằng “Ngài không thể làm được phép lạ nào ở đó”. Tại sao lại không thể? Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Ngài không thể thực hiện phép lạ sao? Đúng, nhưng mục đích chung của các phép lạ của Chúa không chỉ là chữa lành thể xác mà còn là chữa lành tâm hồn, khơi dậy niềm tin, sự tin cậy và tình yêu. Nhưng niềm tin, sự tin cậy và tình yêu là ơn trao ban như không; người ta không thể bị ép buộc để đón nhận. Chúa Giêsu sẽ không buộc chúng ta phải chọn Ngài. Trên thực tế, Ngài không thể làm được điều đó, bởi vì đó đơn giản là một sự mâu thuẫn về ngôn từ. Hành vi của con người hoặc là tự do và không bị ép buộc, hoặc là bị ép buộc mà không tự do. Nó không thể vừa không bị ép buộc vừa bị ép buộc, vừa tự do vừa không tự do.
Từ Hy Lạp có nghĩa là “kinh ngạc” hay “ngạc nhiên” được dùng để mô tả phản ứng của hầu hết mọi người khi gặp Chúa Giêsu, nhưng nó chỉ được dùng một lần để mô tả phản ứng của chính Chúa Giêsu: trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lấy làm lạ / kinh ngạc vì sự không tin của dân Người.
Thật là cực kỳ mỉa mai. Như Chúa Giêsu đã nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”.
Nguyên tắc tương tự cũng đúng cho ngày nay. Những chính trị gia chống Công giáo, ủng hộ cái chết, chống sự sống, ủng hộ phá thai, chống tự do tôn giáo, chống gia đình nhất ở Washington (thủ đô) hầu hết đều là người Công giáo. George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh GH Gioan Phaolô II, đã viết rằng nếu ngài muốn chương trình đạo đức xã hội ủng hộ sự sống, ủng hộ gia đình của Giáo hội Công giáo được Quốc hội ở Washington, DC đón nhận, thì ĐTC nên loại bỏ mọi chính trị gia Công giáo và thay thế họ bằng người theo đạo Mặc-môn hoặc người Hồi giáo.
Tỷ lệ người Công giáo theo học các trường Công giáo bỏ đạo cao hơn gấp đôi so với những người Công giáo không theo học các trường Công giáo. ĐTGM Fulton Sheen nói không lâu trước khi qua đời là nếu được mời để cho các bậc cha mẹ Công giáo lời khuyên về con cái của họ, ngài sẽ nói với họ rằng nếu họ muốn con cái họ mất đức tin cách chắc chắn và hiệu quả nhất, hãy gửi chúng đến một trường đại học Công giáo tiêu biểu.
Người chịu trách nhiệm lớn nhất về tội nặng nhất, tìm cách để sát hại Thiên Chúa nhập thể, cá nhân duy nhất được Kinh thánh nêu tên và chúng ta gần như chắc chắn đã xuống địa ngục [dù Giáo hội không tuyên bố điều đó], là một trong mười hai cộng sự thân cận nhất của Chúa Giêsu, một trong mười hai Tông đồ, Giuđa Iscariot, Giám mục Công giáo đầu tiên chấp nhận trợ cấp của chính phủ.
Điều gì đang xảy ra ở đây? Một phần là chiến lược của ma quỷ. Ma quỷ rất thông minh. Chúng biết rằng cách hiệu quả nhất để có được chiến thắng trong một cuộc chiến, dù là chiến tranh vật chất hay chiến tranh tinh thần, là thâm nhập, đến gần kẻ thù của mình nhất có thể, để chia rẽ và chinh phục. Một vài điệp viên bên trong có thể phá hoại lâu đài nhiều hơn hàng nghìn chiến binh bên ngoài.
Những người đàn áp Giáo hội và ném các Kitô hữu vào miệng sư tử chỉ làm cho Giáo hội mạnh mẽ hơn. Như Tertullian đã viết: “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội”. Nhưng khi Giáo hội trở nên dễ dãi, hợp thời, thành công và không còn gì khác biệt, thì Giáo hội trở nên lười biếng, dễ nản lòng, đi theo tục lệ của thế gian, và các tín hữu sẽ xa rời Giáo hội.
Một phần lý do khiến bạn bè thân thiết và gia đình Chúa Giêsu từ chối Ngài là sự quen thuộc. Đức Giêsu quá quen thuộc, quá bình thường, quá là người đối với những người biết Ngài trong ba mươi năm đầu đời, trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai, khiến họ khó có thể tin rằng Ngài chính là Thiên Chúa. Sự việc thì dễ dàng hơn nhiều đối với những người không biết Ngài. Nếu một người hoàn toàn xa lạ tuyên bố mình là du khách đến từ hành tinh khác, một số người sẽ tin anh ta, nhưng nếu một trong mười hai thành viên trong gia đình đã sống cùng nhau ba mươi năm tuyên bố điều đó, thì không ai trong gia đình anh ta sẽ tin anh.
Vậy làm sao chúng ta có thể tránh được cái bẫy này, chúng ta là những người đã biết Chúa Giêsu được một thời gian, nhất là chúng ta lớn lên trong các gia đình Công giáo, chúng ta “từ cái nôi đã là Công giáo”? Chỉ qua phương cách này: không dựa vào sự quen thuộc đó. Mỗi một Kitô hữu đều phải gặp Chúa Giêsu một lần nữa, một cách riêng tư, như thể họ chưa từng nghe nói đến Ngài trước đây. Họ phải đứng trước mặt Ngài và ngạc nhiên về Ngài, để Ngài không phải đứng trước mặt họ và ngạc nhiên trước sự thiếu đức tin của họ.
Món quà đức tin không là do cha mẹ truyền lại cho con cái theo cách di truyền, như màu mắt. Chúa có nhiều con nhưng Chúa không có cháu. Con đường duy nhất dẫn đến đức tin là đứng một chỗ [đừng tìm cách trốn tránh], trong nơi kinh hoàng, cô đơn, thinh lặng của sự tự do cá nhân, [không dựa vào ai hoặc truyền thống, hoặc luật lệ nào], sự tự do độc nhất của riêng bạn, ý chí tự do của chính bạn, và tự mình quyết định rằng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của bạn. Những người khác trong Giáo hội, đặc biệt là gia đình bạn và những người Công giáo trước đây… không ai có thể làm việc chọn để tin cho bạn. Ngay cả chính Chúa cũng không thể làm được điều đó, bởi vì Chúa không phải là bạn.
Và sau khi bạn làm điều đó, hãy nói với con cái bạn rằng chúng cũng sẽ phải làm những điều tương tự cho chính mình, cũng như nói những điều tương tự với con cái của chúng. Đó là cách đức tin được truyền đi. Thuật ngữ thần học cho điều đó là “phúc âm hóa”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là người thúc đẩy mạnh mẽ điều ngài gọi là “tân phúc âm hóa”. Ngài gọi đó là công cuộc truyền giáo mới vì sự hoàn toàn mới chính là khán giả. Việc truyền giáo trước đây là cho những người không Công giáo; bây giờ phải truyền đạo trước hết cho người Công giáo. Cách đây hai thế hệ chúng ta đã gửi các nhà truyền giáo đến Châu Phi; bây giờ họ đang gửi những người truyền giáo đến với chúng ta [nước Mỹ]. Tại sao? Bởi vì họ có điều gì đó để cho đi: Đức Kitô hằng sống, luôn hoạt động và có thể thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là lý do tại sao các chủng viện và nhà thờ của họ tràn ngập và nhân lên nhanh chóng trong chúng ta đang chết dần. Chúng ta phải truyền giáo cho chính mình. Giáo hội phải Phúc âm hóa chính mình trước khi có thể Phúc âm hóa thế giới.
Đó là một nhiệm vụ to lớn. Vậy bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Mọi cuộc hành trình dù dài bao nhiêu cũng phải bắt đầu bằng bước đi đầu tiên. Hành trình đó bắt đầu ở đâu và khi nào? Mọi sự bắt đầu ngay tại đây và ngay bây giờ. Cách nào? Hãy cầu nguyện lời cầu nguyện hoàn hảo. Hãy thưa với Chúa điều Đức Maria đã nói: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Và nếu bạn thực sự có ý làm làm theo lời đó với trọn con tim, trước hết bạn nên tìm cách cúi đầu lẩn trốn vì Chúa sẽ đón nhận lời bạn cách nghiêm túc. Hãy nhìn xem chuyện gì đã xảy ra khi Chúa đón nhận lời của Mẹ Maria các nghiêm túc.
Khi bạn cầu nguyện lời cầu nguyện đó, đừng lo lắng bạn không phải là một vị thánh hay thậm chí là một người cầu nguyện sốt sắng. Và đừng hỏi “làm thế nào?”. Đừng lo lắng về các phương pháp cầu nguyện, bởi vì là người Công giáo, chúng ta có một điều gì đó mạnh mẽ hơn bất kỳ phương pháp, phương tiện hay kỹ thuật nào mà chúng ta có thể sử dụng; chúng ta có những lời cầu nguyện thực sự - không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động cầu nguyện, cầu nguyện thực sự, ngay lúc này - của vị thánh vĩ đại nhất từng sống: Mẹ Thiên Chúa -- cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện thay cho chúng ta, để đền bù cho chúng ta, đền bù những điểm yếu cá nhân của chúng ta trong việc cầu nguyện. Phương pháp chỉ dạy chúng ta cách thực hiện; Mẹ thực sự làm điều đó cho chúng ta.
Giờ đây tất cả chúng ta hãy cầu xin Mẹ làm điều đó cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta, dẫn dắt chúng ta trong việc tái cam kết toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta cho Con chí thánh của Mẹ và Chúa của chúng ta, không dè dặt, không có ngoại lệ và không có lối thoát, một cuộc hôn nhân tâm linh không có thỏa thuận trước đó, một tấm séc được gửi cho Chúa và ký tên của chính bạn và có một khoảng trống trên dòng để Chúa viết số tiền. Nếu bạn không có ý đó thì đừng cầu nguyện. Nhưng nếu với tất cả trái tim và sự trung thực của bạn, bạn thực sự có ý đó hoặc muốn có ý đó, hãy cầu nguyện ngay bây giờ với tôi: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen. -- Dr. Peter Kreeft, Food for the Soul: Reflections on the Mass Readings (Cycle B)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét