“Ba-ti-mê” có nghĩa là “con trai của Ti-mê.” Tên Timaeus là một tên tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa “danh dự” hoặc “đáng kính”... Từ “Bar,” ngược lại, là một từ Do Thái-Aramaic mang nghĩa là “con trai.” Những tên khác có cấu trúc tương tự bao gồm “Barnabas” và “Barabbas.” Vì vậy, Bar-timaeus là một người Do Thái có cha mang tên Hy Lạp. Chính cấu trúc của cái tên đã cho thấy sự lưu đày của dân Israel giữa các dân tộc khác, nơi họ đã lấy những tên ngoại quốc từ các nền văn hóa mà họ bị phân tán.
Ba-ti-mê bị mù, giống như “những người mù và què” (Giêrêmia 31:8) trong số những người bị lưu đày của Israel được nhắc đến trong bài đọc một (Gr 31:7-9). Anh kêu tên Chúa Giêsu dưới danh xưng “Con vua Đavít.” Con vua Đavít là vị vua sẽ cai trị lần nữa mười hai chi tộc của dân Chúa. Ba-ti-mê, một người con và là nạn nhân của sự lưu đày và những tai họa mà Israel đã phải gánh chịu, kêu đến Con vua Đavít để được phục hồi.
Đám đông muốn làm im lặng người ăn xin mù này, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng. Chúa Giêsu chú ý đến anh và gọi anh đến. “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Ba-ti-mê không ngần ngại nói: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”
Có phải đó cũng là điều mà tất cả chúng ta mong muốn? Chúng ta muốn “thấy.” Chúng ta muốn nhận thức mọi thứ như chúng thực sự là, có thể thấy mọi thứ như Chúa nhìn thấy chúng.
Tôi nhớ đến một lời cầu nguyện mà Thánh Josemaría Escrivá từng cầu nguyện trong nhiều năm khi còn trẻ, Domine, ut videam! “Lạy Chúa, xin cho con được thấy!” Thánh Josemaría biết rằng ngài được Chúa gọi, nhưng không thấy rõ Chúa đang kêu gọi mình về điều gì. Vì vậy, ngài đã cầu nguyện cho sự sáng suốt về tinh thần, qua lời của Ba-ti-mê. Nhiều người trong chúng ta cũng cần làm như vậy.
Chúa Giêsu đáp lời Ba-ti-mê: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Và Ba-ti-mê nhìn thấy được! Nhưng anh không trở về con của mình. Anh theo Chúa Giêsu trên con đường của Chúa. Đó là điều thật đáng chú ý. Ba-ti-mê không chỉ muốn đôi mắt mình được chữa lành. Anh muốn trở thành một phần của vương quốc Israel mà Con của Đavít đang phục hồi, bắt đầu với Mười Hai Tông đồ, những tổ phụ mới của dân Israel Mới. Anh muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, một thành viên của Giáo Hội.
Chúng ta đọc câu chuyện này và tập trung vào việc Ba-ti-mê nhận lại thị giác của mình. Tuy nhiên, có một bài học khác về “thị giác” trong câu chuyện này. Đám đông nhìn Ba-ti-mê và chỉ thấy một người ăn xin mù lòa, một con người “vô giá trị” không đáng làm phiền đến Ráp-bi bận rộn từ Nazareth. Nhưng Chúa Giêsu nhìn Ba-ti-mê và thấy một người con đích thực của Israel, một nạn nhân của tội lỗi của dân tộc mình và một thế giới sa ngã. Ngài cảm thông với người đàn ông này, khôi phục thị giác cho anh và cũng chào đón anh vào Israel mới mà Ngài đang hình thành xung quanh mình: Giáo Hội."
"Chúa Nhật này, chúng ta đến Thánh lễ với nhu cầu được phục hồi tầm nhìn của mình. Tội lỗi, nỗi buồn và những áp lực của cuộc sống làm mờ tầm nhìn của chúng ta, khiến chúng ta không thể nhìn thấy mọi thứ như chúng là. Chúng ta cầu nguyện cùng Ba-ti-mê và Thánh Josemaría, Domine, ut videam! ‘Lạy Chúa, xin cho con được thấy!’ Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy ơn gọi của mình, thấy điều Chúa muốn chúng con làm, và thấy ở mỗi con người một giá trị đáng được yêu thương, để không ai trở nên vô hình hay bị bỏ quên trong mắt chúng con.” -- Dr. John Bergsma, The Word of the Lord: Reflections on the Sunday Mass Readings for Year B
0 nhận xét:
Đăng nhận xét